Hôm nay,  

Nga Tuyên Bố Đình Chỉ Tham Gia Hiệp Ước Nguyên Tử Cuối Cùng Với Hoa Kỳ, Căng Thẳng Hạt Nhân Leo Thang

21/02/202319:14:00(Xem: 1155)
download
Tháng 2 năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ “đình chỉ” tham gia hiệp ước nguyên tử New START. Đây cũng là hiệp ước hạn chế hạt nhân cuối cùng của Hoa Kỳ và Nga. (Nguồn: pixabay.com)

 

Sau nhiều thập niên tiến bộ trong việc hạn chế tích lũy vũ khí hạt nhân, cuộc chiến Nga-Ukraine đã hồi sinh những căng thẳng hạt nhân giữa Nga và Hoa Kỳ.

 

Thứ Ba, ngày 21 tháng 2 năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong bài phát biểu thường niên State of the Nation rằng Nga sẽ “đình chỉ” tham gia hiệp ước nguyên tử New START. Đây cũng là hiệp ước hạn chế hạt nhân cuối cùng của Hoa Kỳ và Nga.

 

Putin nói: “Các mối quan hệ của chúng ta đã xuống cấp, và tất cả là tại Hoa Kỳ.”

 

Cũng trong bài phát biểu, Putin đe dọa nếu Hoa Kỳ cho tái thử nghiệm hạt nhân, Nga cũng sẽ không nề hà mà làm theo. Tổng thống Nga cáo buộc Hoa Kỳ đang xem xét cho tái thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định rằng họ có thể hiện đại hóa và xác nhận độ tin cậy của vũ khí hạt nhân mà không cần phải thử nghiệm.

 

Không chần chừ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngay lập tức lên án tuyên bố của Putin. Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg cũng nói rằng việc Nga chấm dứt hiệp ước sẽ đẩy thế giới vào tình hình nguy hiểm hơn.

 

Putin dùng từ “đình chỉ” (suspend) thay vì ‘rút khỏi’ (withdraw) hiệp ước, ông Putin vẫn còn treo đó cơ hội tái kích hoạt hiệp ước – mà không cần phải ngồi lại vào bàn đàm phán hoặc đợi Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn thuận lần nữa.

 

New START là hiệp ước nguyên tử duy nhất còn sót lại giữa Hoa Kỳ và Nga, nhằm hạn chế sự phát triển vũ khí hạt nhân và các hệ thống phân phối chúng. Nó cho phép cả hai quốc gia thường xuyên, và có thông báo trước, được thanh tra kho vũ khí hạt nhân của nhau.

 

Thuyết phục các nước giảm bớt kho dự trữ vũ khí hạt nhân hoặc từ bỏ việc theo đuổi loại vũ khí tối thượng này luôn là việc vô cùng khó khăn.

 

Lịch sử của không phổ biến hạt nhân

 

Trong những năm 1960, Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Israel và Trung Quốc đã có các chương trình vũ khí hạt nhân tích cực.

 

Rồi nhiều nước nhận thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân trong tương lai.

 

Vào năm 1967, 62 quốc gia ban đầu đã thống nhất với cái được gọi là “Cuộc Thương Lượng Lớn” (Grand Bargain), một yếu tố thiết yếu của Hiệp Ước Về Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (Treaty on the Nonproliferation of Nuclear Weapons). Về sau, 191 quốc gia đã cùng ký vào hiệp ước này.

 

Hiệp ước đã ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân sang các quốc gia chưa có chúng trước năm 1967. Còn các quốc gia đã sở hữu vũ khí hạt nhân rồi, như Hoa Kỳ và Anh, thì đồng ý chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và hướng tới giải trừ tất cả vũ khí hạt nhân, nghĩa là tất cả vũ khí hạt nhân sẽ bị mang đi phá hủy.

 

Hiệp ước mang tính bước ngoặt này đã đặt nền móng cho các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên Xô nhằm giảm nhiều hơn nữa các loại vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối chúng. Nó cũng ngăn chặn các quốc gia khác phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân cho đến khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.

 

Israel, Ấn Độ và Pakistan chưa bao giờ tham gia vào hiệp ước vì những lo ngại về an ninh khu vực. Hiện nay, 3 nước này đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn rút khỏi hiệp ước và cũng đã phát triển vũ khí hạt nhân.

 

Một số thành công

 

Đã có những thành tựu lớn trong việc ngăn chặn các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và giảm đáng kể kho dự trữ vũ khí hạt nhân kể từ Chiến Tranh Lạnh.

 

Kho dự trữ hạt nhân toàn cầu đã giảm 82% kể từ năm 1986, từ mức cao nhất là 70,300. Hầu hết phần giảm này là ở Hoa Kỳ và Nga, những nước nắm giữ kho dự trữ lớn nhất lúc bấy giờ.

 

Thế giới hiện có khoảng 12,700 vũ khí hạt nhân, với khoảng 90% do Nga và Hoa Kỳ nắm giữ – tính sơ sơ là mỗi bên sở hữu từ 5,000 – 6,000 vũ khí hạt nhân.

 

Một số quốc gia khác thì thường mỗi nước có khoảng vài trăm vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như Anh, Pháp và Trung Quốc – riêng Trung Quốc cũng đã và đang xây dựng kho dự trữ hạt nhân của mình. Các quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân gần đây như Ấn Độ, Pakistan và Israel, mỗi nước có khoảng 100 đầu đạn hạt nhân; riêng Bắc Hàn có khoảng 20 cái.

 

Bắt đầu từ cuối những năm 1960, các quốc gia thống nhất với hơn một chục thỏa thuận hoặc hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý nhằm hạn chế các nước mới sở hữu vũ khí hạt nhân và cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, cùng với các biện pháp khác.

 

Nhưng họ lại không giảm số lượng vũ khí hạt nhân với hỏa tiễn tầm ngắn.

 

Chẳng có thỏa thuận nào ‘nhắc’ tới những vũ khí này, trong khi chúng cũng có thể gây ra sự tàn phá và chết chóc trên diện rộng.

 

Mối quan hệ hợp tác Hoa Kỳ-Nga dần lỏng lẻo

 

Sự can thiệp của Hoa Kỳ-Nga vào vấn đề vũ khí hạt nhân đã thay đổi kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

 

Nga đã xây dựng các hỏa tiễn đất đối đất ở Kaliningrad, một vùng đất của Nga ở giữa Đông Âu, vào năm 2014.

 

Hoa Kỳ và NATO cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận về hạt nhân năm 1987 liên quan đến hỏa tiễn đất đối đất tầm ngắn và tầm trung. Từ Nga, chúng có thể di chuyển từ 311 đến 3,418 dặm (khoảng 500 đến 5,500 km), tấn công các mục tiêu xa xôi như London.

 

Hoa Kỳ cũng đã chấm dứt thỏa thuận này vào năm 2019 bởi  các vi phạm của Nga. Hiện nay, ở Châu Âu không có thỏa thuận quốc tế về hạt nhân.

 

New START, được ký bởi Nga và Hoa Kỳ, vẫn là thỏa thuận chính duy nhất về vũ khí hạt nhân chiến lược đang được áp dụng.

 

Đúng ra thì nó sẽ có hiệu lực tối thiểu cho đến năm 2026.

 

Năm 2020, Hoa Kỳ và Nga đã tạm dừng kiểm tra các địa điểm và hoạt động vũ khí hạt nhân của nhau do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hai bên vẫn gửi hàng trăm thông báo qua lại, giảm các rủi ro tính toán sai lầm cũng như hiểu lầm. Tháng 11 năm 2022, Nga đã hủy bỏ các cuộc đàm phán để nối lại các cuộc thanh tra. Hoa Kỳ coi đây là những vi phạm thỏa thuận, nhưng chưa nghiêm trọng tới mức vi phạm hoàn toàn hiệp ước.

 

Tác động của cuộc chiến Ukraine

 

Ông Putin đã nhiều lần làm dấy lên lo ngại rằng những thất bại của Nga trong cuộc chiến kéo dài gần một năm ở Ukraine – cũng như sự tham gia của phương Tây vào cuộc xung đột này – có thể dẫn đến việc Nga quyết định tấn công hạt nhân vào Ukraine hoặc một quốc gia khác ở phương Tây.

 

Ngày nay, chỉ cần thả một đầu đạn hạt nhân xuống một thành phố lớn là có thể ngay lập tức giết chết 52,000 đến vài triệu người, tùy thuộc vào kích cỡ của đầu đạn đó.

 

Trong Chiến Tranh Lạnh, chế độ kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ và Nga thành công là vì nó có các hệ thống kiểm tra quan trọng – có thể kiểm tra trực tiếp kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên trong vòng chưa tới 24 tiếng sau khi gửi thông báo trước.

 

Nga và Hoa Kỳ đã tiến hành 306 cuộc kiểm tra như vậy kể từ khi New START có hiệu lực vào năm 2011. Nếu không có New START, tất cả các cuộc kiểm tra các cơ sở hạt nhân và cơ sở hỗ trợ hạt nhân sẽ chấm dứt.

 

Trong các cuộc đàm phán hạt nhân năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan đã nhắc tới một câu châm ngôn của Nga có ý nghĩa rằng “tin tưởng, nhưng vẫn phải xác minh” (nói có sách, mách có chứng), nền tảng của chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân.

 

Nếu Hoa Kỳ và Nga không còn minh bạch về kho vũ khí hạt nhân và sự phát triển hạt nhân của mình, cả hai nước sẽ buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân mới và các hệ thống phân phối sẽ tăng lên, và tăng theo cùng với đó là nguy cơ sai sót.

 

Vào tháng 1 năm 2023, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã báo cáo với Quốc Hội rằng Nga không tuân thủ New START. Nga đã bác bỏ những cáo buộc này và tố ngược Hoa Kỳ cũng vi phạm hiệp ước. Ông Putin đã nhắc lại những lời tố ngược này trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2 năm 2023.

 

Dù ông Putin không thực hiện lời đe dọa tấn công hạt nhân, nhưng với nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn còn treo lơ lửng trên đầu như vậy, Hoa Kỳ và NATO sẽ phải phản ứng với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bởi những lo sợ, bất an.

 

Hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ và NATO đã công bố kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Đây có thể là dấu hiệu thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ và các nước NATO, tính cho đến nay họ vẫn luôn hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine và tránh leo thang xung đột hơn nữa với Nga.

 

Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Russia announces its suspension from last nuclear arms agreement with the US, escalating nuclear tension” của Nina Srinivasan Rathbun, Giáo sư về Quan Hệ Quốc Tế, USC Dornsife College of Letters. Bà đã làm việc và nghiên cứu về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân trong hai thập niên. Bài viết được đăng trên trang TheConversation.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.