Hôm nay,  

Theo Dõi Chuyển Động Của Mắt: Có Hợp Đạo Đức Chăng?

26/10/202221:33:00(Xem: 1616)

 

download (3)
Có một khía cạnh của thiết bị đeo AR mà các nhà phát triển thường không mấy chú trọng hoặc hoàn toàn làm lơ: theo dõi ánh mắt và những thông tin liên quan đến cách chúng ta tương tác với thế giới thông qua ánh mắt, cũng như các chuyển động của mắt đều được ghi lại và phân tích. (Nguồn: pixabay.com)

 

Phỏng dịch theo bài viết “Companies are increasingly tracking eye movements — but is it ethical?” của Patrick Lecomte, Giáo sư Ngành Địa Ốc, Trường Quebec ở Montreal (UQAM). Bài viết được đăng trên trang TheConversation.

HOA KỲ – Khi Facebook ‘thoát xác’ trở thành Meta vào tháng 10 năm 2021, đã có nhiều báo cáo cho rằng Meta sẽ tập trung phát triển thực tế ảo (virtual reality – VR), dẫn đầu trong metaverse (vũ trụ Meta). Dù vậy, Meta vẫn chưa từ bỏ thế giới thực, thể hiện qua khoản đầu tư lớn rót vào kính thực tế tăng cường (augmented reality – AR).

Nghiên cứu của tác giả bài viết, giáo sư Patrick Lecomte, xem xét địa ốc và tương tác giữa con người với máy tính trong môi trường thông minh.

Meta chỉ là một trong số nhiều công ty đặt niềm tin vào một tương lai mà không gian vật lý sẽ kết hợp với không gian kỹ thuật số, giúp cho thực tế được tăng cường. Apple, Google, Snap, Microsoft và một loạt các công ty công nghệ khác đang nghiên cứu các thiết bị đeo AR: như kính AR, kính áp tròng thông minh và tai nghe AR.

Hiểu sâu hơn về tiềm thức

Là một phần của Phòng Thí Nghiệm Thực Tế (Reality Labs), Meta dẫn đầu Dự Án Aria (Project Aria), thúc đẩy phát triển thí điểm kính AR dưới sự bảo trợ của một thí nghiệm nghiên cứu được thực hiện với các đối tác học thuật. Công ty hứa hẹn rằng người dùng sẽ có thể sử dụng kính AR để bật đèn: chỉ cần đeo kính và nhìn vào bóng đèn là xong.

Tuy nhiên, có một khía cạnh của thiết bị đeo AR mà các nhà phát triển thường không mấy chú trọng hoặc hoàn toàn làm lơ: theo dõi ánh mắt và những thông tin liên quan đến cách chúng ta tương tác với thế giới thông qua ánh mắt, cũng như các chuyển động của mắt đều được ghi lại và phân tích.

Các chuyên gia tâm lý học từ lâu đã xác định rằng chuyển động của mắt là những tín hiệu chưa được che đậy (unfiltered signals), mang lại cái nhìn sâu sắc về nhận thức tiềm thức của con người.

Nắm bắt được sự chú ý

Việc theo dõi ánh mắt để phát triển các thiết bị AR đã được nhiều Big Tech quan tâm. Ban đầu, theo dõi ánh mắt được xem như một phương pháp để giúp các chuyên gia nghiên cứu tìm hiểu và ghi lại sự chú ý trực quan trong môi trường phòng thí nghiệm nghiên cứu từ thế kỷ 19.

Nó thường được áp dụng cho tâm lý học về nhận thức, nghiên cứu tiếp thị và gần đây là tương tác giữa con người và máy tính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật.

Các thiết bị theo dõi ánh mắt hiện đại thường sử dụng một phương pháp được gọi là phản xạ giác mạc (corneal reflection), sử dụng ánh sáng hồng ngoại cự li gần để chiếu sáng mắt, tạo ra phản xạ được phát hiện bởi một camera có độ phân giải cao. Sau đó, lập trình hình ảnh tiên tiến sẽ xác định điểm nhìn và các kích thích, giúp phác họa ra một cái bản đồ nhiệt (heat map) về những chỗ mà người đeo kính đang nhìn vào trong một môi trường nhất định. Ngoài ra, các dữ liệu được ghi lại còn bao gồm vị trí đồng tử, chớp mắt và chuyển động của mắt.



Trong những năm gần đây, phạm vi của các ứng dụng theo dõi ánh mắt đã mở rộng đáng kể, từ hệ thống giám sát lái xe, giám sát sự tập trung của học sinh trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thiết kế trang web thương mại điện tử và thậm chí cả trò chơi điện tử như một công cụ để xây dựng “hành trình đầy cảm xúc” cho người chơi.

Tuy nhiên, các ứng dụng này thường được thực hiện như một phần của các dự án nghiên cứu hoặc phát triển sản phẩm, không phải là các tính năng tích hợp sẵn trong các thiết bị hướng đến thị trường tiêu dùng.

Không đủ riêng tư

Thật vậy, việc gài trình theo dõi ánh mắt vào các thiết bị AR hướng đến người tiêu dùng đang đưa những phương pháp luận khoa học vào thế giới thực. Việc phát triển thiết bị đeo AR với khả năng theo dõi ánh mắt cho thị trường đại chúng là tiêu biểu cho sự chiếm đoạt liên tục không gian sống riêng tư nhất của con người bằng công nghệ.

Vấn đề này có thể dễ dàng bị gạt sang một bên với tuyên bố rằng theo dõi ánh mắt là cần thiết để người dùng được tận hưởng đầy đủ các lợi ích của AR. Ví dụ: các nhà phát triển của Dự Án Aria giải thích rằng để kính AR hoạt động, “thiết bị cần hiểu rõ quý vị đang ở đâu, đang nhìn gì và có thể sẽ muốn làm gì.”

Còn về mối lo ngại của người dùng, các học giả đạo đức của Meta nhấn mạnh vào quyền riêng tư. Tuy nhiên, việc tập trung vào tính minh bạch của dữ liệu và nghiên cứu nâng cao để ẩn danh dữ liệu theo dõi ánh mắt sẽ không ngăn cản được quá trình theo dõi ánh mắt giám sát sự tương tác của người dùng với thế giới bên ngoài ở các mức độ mà chúng ta thậm chí không nghĩ tới.

Thực tế tăng cường là một lĩnh vực kinh doanh lớn với khả năng vô song để kiếm tiền từ chính con người chúng ta. Meta được cho là đã đầu tư hàng tỷ đô la vào cái được gọi là “chén thánh” của kính AR hoàn chỉnh dành cho tất cả mọi người.

Không nghi ngờ gì nữa, thiết bị đeo AR là công cụ để kiếm tiền thông qua các quảng cáo được nhắm mục tiêu.

Trốn tránh trách nhiệm

Các công ty phát triển các sản phẩm theo dõi ánh mắt thường né tránh trách nhiệm bằng cách xin được tự điều chỉnh (self-regulation) cho ngành công nghiệp AR non trẻ.

Nghiên cứu cho thấy rằng trong bối cảnh những đánh đổi mang tính thực dụng do các công nghệ cài đặt áp lên người dùng trong môi trường thông minh, tự điều chỉnh sẽ không có tác dụng gì.

Câu hỏi quan trọng là người dùng chấp nhận đánh đổi sự tự do, riêng tư để được cảm thấy thoải mái và hài lòng với AR, hay ngược lại thà được tự do nhưng lại không được phục vụ thoải mái.

Việc sử dụng công nghệ theo dõi ánh mắt cần được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan kiểm soát. Người dùng phải luôn có quyền được bảo vệ bởi pháp luật cũng như khả năng đưa ra các lựa chọn sáng suốt về việc chấp nhận bị theo dõi ánh mắt bất cứ khi nào họ sử dụng các thiết bị đeo thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Điều đó rất quan trọng để đảm bảo rằng công nghệ nhập vai sẽ không dẫn dắt nhân loại đi đến sự thoái hóa trong tương lai  (dystopian – dùng để chỉ các xã hội, các thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.