Hôm nay,  

Chống Tin Giả: Cảnh Giác Những Tuyên Truyền Bịa Đặt Trong Mùa Bầu Cử*

28/09/202211:36:00(Xem: 5111)

michelle mail flier 1
michelle mail flier 2

 Flyer do cử tri gửi đến Việt Báo thắc mắc hình trên flyer này thực hư và có ý nghĩa gì.
Việt Báo xin đăng lại một bài “ý kiến” của một cử tri (không phải là ý kiến của Việt Báo).
Việt Báo cũng đã gửi điện thư hỏi Văn Phòng Jay Chen và Văn Phòng Michelle Steel.
Văn Phòng Jay Chen trả lời đây là hình ghép, và nội dung là bịa đặt “chụp mũ”.
Văn phòng Michelle Steel chưa trả lời.



Mỗi năm cứ vào mùa bầu cử ở Hoa Kỳ, cư dân lại nhận được rất nhiều tờ quảng cáo vận động tranh cử. Đây là một nét đẹp về quyền tự do bầu cử của Mỹ. Người dân được cung cấp thông tin đa chiều về những ứng cử viên mà mình sắp sửa lựa chọn. Do cộng đồng người Việt ở vùng Little Saigon là nhóm cử tri có tỉ lệ đi bầu cao nhất, nhiều tờ quảng cáo chỉ có tiếng Việt, gởi đến địa chỉ của người gốc Việt.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, hiện tượng đưa tin sai lệch trong mùa bầu cử diễn ra ngày càng nhiều. Biết rằng một số cư dân không có thì giờ để kiểm chứng tất cả những thông tin nhận được, một số chiến dịch tranh cử đã cố tình đưa những thông tin phóng đại quá đáng, sai sự thật để bôi nhọ đối thủ của mình. Đối với cộng đồng gốc Việt, Biết rằng tinh thần chống cộng của người Việt tị nạn còn cao, hiện tượng chụp mũ cộng sản cho đối thủ của mình là một chiến thuật rất phổ biến. Đặc biệt đối với những ứng cử viên Đảng Dân Chủ trong khu vực Litlle Saigon, họ thường bị dán nhãn “thân cộng”  một cách bịa đặt, vô căn cứ.

Mùa bầu cử năm nay không phải là ngoại lệ. Một thí dụ cụ thể: một tờ quảng cáo tiếng Việt tố cáo Jay Chen- ứng cử viên Dân Biểu Liên Bang Địa Hạt 45- là “quá thân Trung Cộng, quá nguy hiểm cho nước Mỹ”. Hãy thử phân tích xem trong nội dung của tờ quảng cáo này có bao nhiêu phần là sự thật:

-    Hình ảnh Jay Chen đứng trong lớp học Mỹ bên trái có hình Lê Nin, bên phải có hình Mao Trạch Đông là hoàn toàn giả, được ghép bằng photoshop.

-    “Jay Chen từng học cùng trường với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Peking University)”. Đây là loại thông tin lập lờ đánh lận con đen.

Sự thật: trong thời gian học tại Đại Học Harvard, Jay Chen được học bổng của Harvard  để đi học tiếng Quan Thoại (Mandarin)  tại Peking University. Peking University được thành lập từ năm 1898, hơn năm mươi năm trước khi cộng sản cưỡng chiếm Trung Hoa. Đây là đại học cổ kính và danh tiếng nhất của Hoa Lục, là một “Harvard của Trung Hoa”. Việc gán ghép “Jay Chen học chung trường với Ly Khắc Cường” để kết luận “quá thân với Trung Cộng” ở đây tương tự như việc tuyên bố: “Võ Nguyên Giáp đã từng học ở trường Quốc Học Huế; những ai đã từng theo học tại trường này đều thân với Việt Cộng!”

-         “Jay Chen bỏ phiếu thuận, mời Viện Khổng Tử, một tổ chức được tài trợ bởi nhà nước Trung Quốc, vào học khu Hacienda La Puente để dạy học”. Đây là một thông tin hoàn toàn bịa đặt! Toàn bộ nguồn thông tin cho vấn đề này bắt nguồn từ một bài báo trên Los Angeles Times ngày 4/4/2010. Sự thật: vào năm đó, Hội Đồng Học Khu này (trong đó có Jay Chen) đã bỏ phiếu đồng ý với một đề nghị (xuất phát từ những thành viên Cộng Hòa trong hội đồng) là nhận sự viện trợ bằng sách giáo khoa và học cụ từ Viện Khổng Tử để dạy tiếng Quan Thoại cho các lớp song ngữ tại một số trường trong học khu, nơi có đông đảo học sinh gốc Hoa. Nội dung của những sách giáo khoa này được kiểm tra kỹ lưỡng bởi nhà trường, và công chúng có quyền tham gia kiểm tra, nêu ý kiến. Nội dung sách chỉ thuần túy về dạy ngôn ngữ, không có liên quan gì đến chính trị. Hoàn toàn không có chuyện mời Viện Khổng Tử vào dạy! Hơn nữa, sau khi nhiều phụ huynh có ý kiến phản đối, cho rằng việc học khu nhận sách giáo khoa từ một cơ quan  có liên hệ với chính phủ Trung Cộng là không nên, dự định này đã được hội đồng học khu hủy bỏ, chưa bao giờ được thực hiện tại các trường ở đây.

Cũng cần nhắc lại toàn cảnh tình hình chính trị kinh tế của nước Mỹ trong khoảng thời gian đó, để nhận định đúng hơn về vấn đề. Trong khoảng thập niên 2000s, Trung Cộng vẫn còn là một đối tác kinh tế quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Chính phủ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vào thời điểm này đều ủng hộ, khuyến khích các công ty Hoa Kỳ mở rộng việc làm ăn, đầu tư vào Trung Cộng. Vì thế, việc khuyến khích học sinh học thêm Tiếng Hoa trong chương trình học được xã hội Hoa Kỳ chấp nhận, vì nó mang ý nghĩa về kinh tế. Biết được thêm tiếng Hoa có nghĩa là cơ hội tìm việc làm dễ hơn, lương cao hơn. Vì thế, có hơn 500 chương trình song ngữ tương tự như vậy đã được thực hiện trên khắp nước Mỹ. Cũng theo bài báo Los Angeles Times kể trên, tại San Diego – thành trì quan trọng của Đảng Cộng Hòa Nam Cali- vào năm 2010 có đến 7 trường học đã đưa chương trình vào hoạt động mà không gặp bất kỳ một sự phản đối nào! Viện Khổng Tử chỉ bị chú ý và chống đối vào đầu thập niên 2010s, kể từ khi chính phủ Obama bắt đầu chính sách “Hướng Đông” của Hoa Kỳ, bắt đầu xem Trung Cộng là “đối thủ” của Hoa Kỳ chứ không còn là “đối tác làm ăn” nữa.

Thay cho Trung Cộng, chính phủ Đài Loan trong những năm gần đây bắt đầu hỗ trợ cho các chương trình dạy tiếng Hoa tại Hoa Kỳ. Ở Nam Cali, hiện tại có những Trung Tâm Đài Loan dạy tiếng Quan Thoại tại Cerritos và Fullerton.

-         “Jay Chen vẫn không lên án, không ân hận về quyết định bắt tay với Viện Không Tử…”: đây chỉ toàn là ý kiến cá nhân, không có một chút sự thật hay chứng cứ nào!


Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều thông tin giả đang tràn lan trong muà bầu cử. Cử tri gốc Việt cần tỉnh táo, dùng logic để đánh giá những thông tin nào là đáng tin hay lừa đảo. Đừng để các chính trị gia lợi dụng vào sự cả tin để dắt mũi mình. Những tờ quảng cáo bằng tiếng Việt chứng tỏ họ biết những thông tin loại này vẫn còn “ăn khách” trong cộng đồng. Nếu người Việt có khả năng đánh giá, kiểm chứng thông tin, những tờ quảng cáo tin giả sẽ trở thành những tờ giấy lộn không có một chút giá trị nào!


Dân Việt

*Flyer do cử tri gửi đến Việt Báo thắc mắc hình trên flyer này thực hư và có ý nghĩa gì. Việt Báo xin đăng lại một bài “ý kiến” của một cử tri (không phải từ Việt Báo). Việt Báo cũng đã gửi điện thư hỏi Văn Phòng Jay Chen và Văn Phòng Michelle Steel. Văn Phòng Jay Chen trả lời đây là hình ghép, và nội dung là bịa đặt “chụp mũ”. Văn phòng Michelle Steel chưa trả lời.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.