Hôm nay,  

Biến Đổi Khí Hậu: Chu Kỳ Nước Tăng Tốc, Gây Bão và Lũ Lụt

05/08/202200:00:00(Xem: 3391)
bien doi khi hau
Nước là một nguồn tài nguyên thiết yếu cho tất cả các hệ sinh thái và xã hội loài người, và đặc biệt là nông nghiệp. Tác động của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến nước ngày càng trở nên rõ ràng. (Nguồn: pixabay.com)
 
Phỏng dịch theo bài viết của Mathew Barlow, Giáo sư Khoa học về Khí hậu, UMass Lowell, trên trang TheConversation.

HOA KỲ – Cuối tháng 7, những cơn bão dữ dằn gây lũ lụt quét khắp Hoa Kỳ, giết chết ít nhất 37 người ở miền đông Kentucky, nhấn chìm nhà cửa và gây sạt lở đất. Lượng mưa kỷ lục cũng làm ngập lụt các khu dân cư St. Louis, và một trận lụt lớn khác ở Nevada đã làm ngập cả dải Las Vegas.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến nước kiểu này ngày càng trở nên rõ ràng. Mùa hè năm nay, các cơn bão ở Hoa Kỳ kéo theo lũ lụt nghiêm trọng ở Ấn Độ và Australia, còn năm ngoái là ở Tây Âu.

Những nghiên cứu của các khoa học gia cho thấy chu kỳ nước trên hành tinh chúng ta ngày càng tăng và vẫn sẽ tiếp tục tăng khi hành tinh ấm lên. Một báo cáo thẩm định khí hậu quốc tế năm 2021 do Giáo sư Mathew Barlow đồng soạn thảo cho Ủy Ban Intergovernmental Panel On Climate Change chỉ ra các chi tiết.

Báo cáo ghi nhận sự tăng cường ở cả hai cực ẩm, bao gồm lượng mưa dữ dội hơn ở hầu hết các khu vực và các cực khô, bao gồm sự khô cằn ở Địa Trung Hải, tây nam Australia, tây nam Nam Mỹ, Nam Phi và tây Bắc Mỹ. Nó cũng cho thấy rằng cả hai cực ướt và khô sẽ tiếp tục tăng lên cùng với sự ấm lên toàn cầu trong tương lai.

Tại sao chu kỳ nước lại tăng tốc?

Nước luôn luân chuyển trong môi trường, di chuyển giữa khí quyển, đại dương, đất liền và các hồ chứa băng. Nó có thể rơi xuống dưới dạng mưa hoặc tuyết, thấm xuống đất, chảy vào các đường luân chuyển nước, hòa vào đại dương, đóng băng hoặc bay hơi trở lại bầu khí quyển. Mưa rơi hôm nay có thể là nước ở một đại dương xa xôi ngày trước. Và nước quý vị nhìn thấy ở sông hoặc suối có thể là tuyết trên đỉnh núi cao. Thực vật cũng lấy nước từ trong đất và thải hơi nước vào không khí thông qua quá trình quang hợp. Trong những thập niên gần đây, đã có sự gia tăng tổng thể về tỷ lệ lượng mưa và bốc hơi.

Chart-1
Báo cáo của IPCC cho thấy khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, cường độ của các cơn bão cũng tăng lên. (Nguồn: TheConversation/ IPCC)
 
Một số yếu tố đang làm cho chu kỳ nước tăng tốc, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ ấm lên làm tăng giới hạn phần trên của lượng ẩm trong không khí. Điều đó làm tăng khả năng mưa nhiều hơn.

Khía cạnh này của biến đổi khí hậu đã được khẳng định trên tất cả các bằng chứng được đề cập đến trong báo cáo của IPCC. Nó được dự đoán từ vật lý cơ bản, được ước lượng bằng các mô hình máy tính, và đã cho thấy trong dữ liệu quan trắc khi có sự gia tăng cả về cường độ mưa và nhiệt độ ấm lên.
Hiểu được điều này và những thay đổi khác trong chu trình nước quan trọng hơn là chuẩn bị ứng phó thiên tai. Nước là một nguồn tài nguyên thiết yếu cho tất cả các hệ sinh thái và xã hội loài người, và đặc biệt là nông nghiệp.

Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai?

Một chu kỳ nước tăng tốc có nghĩa là cả hai cực ướt và khô và sự biến thiên chung của chu trình nước sẽ tăng lên, dù không xảy ra đồng nhất trên toàn cầu.

Cường độ mưa dự kiến sẽ tăng đối với hầu hết các khu vực đất liền, nhưng mức độ khô cằn gia tăng lớn nhất được dự đoán là ở Địa Trung Hải, tây nam Nam Mỹ và tây Bắc Mỹ.

Chart-2 

Trên toàn cầu, các hiện tượng mưa cực lớn hàng ngày có thể sẽ tăng lên khoảng 7% mỗi khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1 độ C (1.8 độ F).

Báo cáo cho thấy nhiều khía cạnh quan trọng khác của chu kỳ nước cũng sẽ thay đổi theo hướng thất thường khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, bao gồm sự suy giảm các sông băng trên núi, giảm thời gian tuyết phủ theo mùa, tuyết tan sớm hơn và những thay đổi trái ngược của mưa gió mùa (monsoon rain) ở các khu vực khác nhau; tất cả sẽ tác động đến nguồn nước của hàng tỷ người.

Chúng ta có thể làm gì?

Có một chủ đề chung qua những khía cạnh này của chu trình nước, đó là lượng khí thải sẽ gây ra những tác động lớn hơn.

IPCC không đưa ra các khuyến nghị về chính sách. Thay vào đó, họ cung cấp thông tin khoa học cần thiết để đánh giá cẩn trọng các lựa chọn về chính sách. Kết quả cho thấy tác động của các lựa chọn khác nhau có khả năng như thế nào.

Bằng chứng khoa học trong báo cáo chỉ ra cho các nhà lãnh đạo thế giới thấy một điều là việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5 độ C (2.7 F) theo Thỏa Thuận Khí Hậu Paris sẽ đòi hỏi phải giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức, nhanh chóng và ở quy mô lớn.

Dù là bất kỳ mục tiêu nào, rõ ràng mức độ nghiêm trọng của tác động biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ với lượng khí phát thải vào không gian: Giảm phát thải sẽ giảm tác động. Mức độ dù nhỏ đến mấy cũng đều quan trọng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.