Hôm nay,  

Thời sự trong tuần

13/05/202200:00:00(Xem: 1379)
Tin Hoa Kỳ

jil biden

Vào ngày 9/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký thông qua Đạo Luật Lend – Lease 2022, trước đó đã được Quốc Hội thông qua với sự đồng thuận lưỡng đảng rất cao. Đây là một đạo luật đã có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, cho phép Mỹ viện trợ vũ khí cho các nước đồng minh dưới hình thức cho vay. Đạo luật này giờ đây sẽ giúp Ukraine sẽ nhận được các gói viện trợ quân sự lớn từ Hoa Kỳ một cách nhanh chóng. Phát biểu khi ký đạo luật tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden cho biết  sẽ tiếp tục ủng hộ "người Ukraine chiến đấu bảo vệ đất nước và nền dân chủ" trước sự xâm lăng của Nga. Đạo luật này sẽ mở rộng hỗ trợ về pháo, tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác của phương Tây cho quân đội Ukraine.  Một điều đáng chú ý là Tổng Thống Biden ký đạo luật này vào đúng ngày mà Tổng Thống Nga Putin duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến Thắng Phát Xít Đức, với những tuyên bố bênh vực cho cuộc chiến mà ông ta đã khởi xướng tại Ukraine.

Trong một hành động ủng hộ Ukraine khác, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng trong ngày 9 tháng 5 vừa công bố Hạ Viện đồng ý khoản viện trợ cho Ukraine dự kiến là 39,8 tỷ USD, hơn con số 33 tỷ của Tổng Thống Biden đưa ra.

Vẫn liên quan đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ukraine, vào ngày Chủ Nhật 8 tháng 5- đúng vào dịp ngày lễ Mẹ- Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden đã bất ngờ gặp Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska tại Uzhhorod, thị trấn biên giới phía Tây Nam của Ukraine  trong một chuyến đi không được báo trước. Bà Jil Biden trước đó đã thực hiện chuyến công du tại một số nước Đông Âu để thăm hỏi các nạn nhân chiến tranh Ukraine. Đây cũng là lần đầu tiên phu nhân tổng thống Ukraine Zelenska xuất hiện trước công chúng, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24/2. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một ngôi trường đang được dùng làm nơi trú ẩn cho những người tản cư. Bà Zelenska đã nói việc bà Biden đến thăm Ukraine trong lúc đang có chiến tranh là " một hành động dũng cảm", mang tính biểu tượng cao, và người dân Ukraine cảm nhận được tình cảm và sự ủng hộ của bà trong một ngày lễ Mẹ. Hai bà đã ngồi chơi với một số trẻ trong số hàng chục trẻ em hiện đang sống tại trường, gấp những chú gấu bằng khăn giấy - biểu tượng của địa phương.
Một tin tức khác được nhiều người dân Mỹ quan tâm trong tuần qua là các diễn biến liên quan đến nguồn tin bị lộ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có vẻ đã sẵn sàng hủy phán quyết Roe vs. Wade, có nghĩa là chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ Hoa Kỳ theo hiến định trên toàn quốc. Nếu được thông qua, quyết định này sẽ giao lại vấn đề quyền phá thai của phụ nữ cho cấp tiểu bang quyết định, mở đường cho các tiểu bang Cộng Hòa hạn chế hơn nữa quyền phá thai. Một nửa số tiểu bang được cho là sẽ cấm phá thai ở các mức độ khác nhau. Sẽ có 11 tiểu bang có thể cấm phá thai ngay cả khi phụ nữ là nạn nhân của loạn luân hoặc bị cưỡng hiếp. Tiểu bang Louisiana đang chuẩn bị một dự luật kết án những phụ nữ phá thai là phạm tội sát nhân.

protest against supreme court

Theo dự trù, Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối tháng 6. Các cuộc biểu tình đã diễn ra khắp đất nước. Các nhà hoạt động nhân quyền đã lên tiếng khắp nơi, kêu gọi bằng mọi cách ngăn chận quyết định này của Tối Cao Pháp Viện. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Mỹ ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ. Theo một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos thực hiện  ngày 03 Tháng 05, gần 2/3 người dân Mỹ cho biết nhiều khả năng họ sẽ ủng hộ các ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai trong cuộc bầu cử giữa mùa vào tháng 11 tới. 41% người  Mỹ cho rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành một nơi tồi tệ hơn để sống nếu Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ lật lại quyết định trong vụ kiện của Roe vs. Wade.

Cuộc chiến về quyền phá thai có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới, trong đó đảng Cộng Hòa đang hy vọng  giành lại quyền kiểm soát ít nhất một viện của Quốc hội, cho phép họ ngăn chặn nghị trình của Tổng thống Biden. Vào ngày 3 tháng 5, Tổng thống Biden hôm 3 tháng 5  đã kêu gọi cử tri bảo vệ quyền phụ nữ bằng cách bỏ phiếu cho các ứng cử viên ủng hộ phá thai vào ngày 8 tháng 11 tới. Khoảng 63% số người tham gia một cuộc khảo sát, bao gồm 78% người theo đảng Dân chủ và 49% người thuộc đảng Cộng Hòa, cho biết nhiều khả năng họ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai trong cuộc bầu cử tháng 11.

Cũng chỉ vì vấn đề phá thai, nhiều người dân Mỹ bắt đầu mất niềm tin với cả  Tối Cao Pháp Viện, cơ quan tư pháp cao nhất của Hoa Kỳ. Họ cho rằng chưa bao giờ Tối Cao Pháp Viện bị chính trị hóa như bây giờ. Tối Cao Pháp Viện hiện nay có 6 vị Thẩm Phán thuộc phe bảo thủ, là kết quả của một sự “đảng phái hóa” có chủ đích trong việc lựa chọn Thẩm Phán trong thời gian gần đây. Vào Tháng 2 năm 2016, Thẩm phán Tối Cao Antonin Scalia -theo chiều hướng bảo thủ- qua đời, Tổng thống Barack Obama (Dân chủ) đã đề cử người thay thế. Nhưng Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell trưởng khối Cộng Hòa đa số lúc đó đã ngăn chận không đưa vấn đề ra thảo luận trong Thượng viện, với lý do là cuối năm 2016 sẽ bầu tổng thống; hãy để cho dân chúng lựa chọn. Thế nhưng vào tháng 9 năm 2020, khi  bà nữ Thẩm Phán Tối Cao Ruth Bader Ginsburg -theo chiều hướng cấp tiến- qua đời, Tổng Thống Trump đã vội vã đề cử  người bảo thủ thay thế, và ông McConnell đã đưa ra cho Thượng viện chấp thuận ngay trước khi dân Mỹ bầu tổng thống mới!
 
Tin Thế Giới

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine được dự đoán là sẽ kéo dài hơn, sau những phát biểu không muốn chấp nhận sự thất bại của tổng thống Putin trong ngày lễ mừng 77 năm chiến thắng Phát Xít Đức ở Nga vào ngày 9 tháng 5. Đã không có chiến thắng đáng kể nào để làm quà lập công cho ông Putin trong ngày lễ trọng đại này như dự kiến. Tại Moscow, ông Putin đã đọc diễn văn cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây, cho biết sẽ quyết tâm tiếp tục cuộc chiến cho đến khi dành thắng lợi.  Tuy nhiên, ông Putin đã thu nhỏ mục đích của cuộc chiến tranh, khi tuyên bố Nga đang chiến đấu để bảo vệ người dân Nga sinh sống ở vùng Donbass (chứ không phải để giải giới quân đội “tân phát xít” của Ukraine như tuyến bố ban đầu). Ông Putin cũng vinh danh các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk - hai lãnh thổ ly khai do Nga hậu thuẫn  vì vai trò của họ đối với “cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít”. Ông Putin nói rằng các lực lượng Nga đang nỗ lực kiểm soát hai khu vực phía đông Ukraine.

Lễ mừng chiến thắng của đại sứ Nga tại Ba Lan đã không diễn ra suông sẻ như ở Moscow, Nga. Tại thủ đô Ba Lan Warsaw cũng vào ngày 9/5, người dân Ba Lan và hàng ngàn người Ukraina tị nạn đã ném sơn, nước chiết suất từ củ cải đỏ vào đại sứ Nga, khi ông này tới Tượng đài tưởng niệm những người lính Xô Viết để đặt vòng hoa. Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy mặt ông đại sứ Nga và tùy tùng giống như đầy máu vì những chất lỏng này, trông rất đáng sợ và nhục nhã! Trước đó, chính quyền thành phố và Bộ Ngoại giao Ba Lan đã từ chối đề nghị được tổ chức "buổi lễ mừng chiến thắng" của Đại sứ quán Nga tại đây, do không thể đảm bảo an toàn cho buổi lễ. Những vị này đã không nghe lời, vẫn cố tình xuất hiện. Khi phát hiện, những người biểu tình tập trung tại đây từ sớm đã hô lớn khẩu hiệu: "Nhục nhã !", "Phát xít !", và ném chất lỏng đỏ vào đại sứ Nga, buộc họ phải rút lui trước sự bảo vệ của cảnh sát Ba Lan.

Theo Reuters, cũng trong ngày 9-5,  cũng trong phát biểu nhân kỷ niệm sự kiện kết thúc Thế chiến Thứ Hai, Tổng thống Ukraina Zelensky cho biết đất nước ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.  Ông Zelensky nói "Con đường đến chiến thắng rất khó khăn, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng". Ông Zelensky cũng nói thêm sẽ "không cho bất cứ ai dù là một mảnh đất". Trước đó, ông Zelensky đã từng tuyên bố rằng có thể chấp nhận đàm phán hòa bình với Nga với điều kiện Nga phải rút ra khỏi những lãnh thổ mới chiếm đóng thêm ở Ukraine sau khi cuộc chiến bùng nổ từ ngày 24/02/2022. Xem ra tham vọng của ông Putin dù đã nhỏ lại nhưng vẫn chưa khớp với đề nghị của ông Zelensky. Vì thế, cuộc chiến vẫn sẽ tiếp diễn và chưa thấy có dấu hiệu cho hồi kết.

Trước đó vào ngày 8 tháng 5, trong một tuyên bố chung nhân ngày kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến ở Châu Âu, Nhóm G7 (các quốc gia công nghiệp phát triển, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản) cam đoan sẽ cấm hoặc không nhập khẩu dầu mỏ từ Nga theo một trình tự.  Bài phát biểu cho rằng vào ngày mà Châu Âu tưởng nhớ đến sự tàn phá của Thế chiến II và hàng triệu nạn nhân bao gồm cả những người Liên Xô,  thì những hành động của ông Putin đã đem đến sự hổ thẹn cho nước Nga và những hy sinh lịch sử của người dân nước này.  Các nhà lãnh đạo G7 cảnh báo với ông Putin rằng sự ủng hộ không ngừng của họ đối với Ukraina sẽ chỉ ngày càng tăng: “…Chúng tôi vẫn thống nhất với quyết tâm rằng Tổng thống Putin không được phép thắng trong cuộc chiến chống Ukraina...” Ký ức của tất cả những người đã chiến đấu cho tự do trong Thế chiến thứ hai buộc họ phải tiếp tục chiến đấu vì tự do cho đến ngày hôm nay.

Ngược lại với vị thế cô lập của Nga, Ukraine tiếp tục dành được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ hơn của các nước tự do dân chủ phuông Tây. Vào ngày 10 tháng 5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ sự ủng hộ của Đức đối với việc Ukraine hội nhập vào Liên Âu trong chuyến thăm Ukraine. Ông Baerbock tuyên bố rằng Đức sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga "xuống mức số không",  và sẽ duy trì như vậy mãi mãi. Ngoại trưởng Đức tuyên bố sẽ mở lại đại sứ quán ở Kyiv. Trong những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine, Đức được cho là đã do dự trong việc tham gia các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và EU, vì lý do Đức vẫn phụ thuộc nặng nề vào Nga cho nguồn cung cấp khí đốt.

Trước đó, Thủ tướng Canada cũng đã ghé thăm Kiiv vào ngày 8 tháng 5. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraina Zelensky nhân chuyến thăm, Thủ tướng Justin Trudeau cũng thông báo về việc mở lại đại sứ quán Canada. Canada sẽ cung cấp gói hỗ trợ quân sự trị giá 50 triệu USD cho Ukraina, trong đó bao gồm các flycam, hình ảnh vệ tinh, vũ khí cỡ nhỏ, đạn dược và tài trợ cho các hoạt động rà phá bom mìn. Thủ tướng Trudeau cũng thông báo Canada sẽ dỡ bỏ thuế quan thương mại đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Ukraina đến Canada trong năm tới.

Cuộc chiến tại Ukraine cũng lan rộng sang lĩnh vực tôn giáo, cụ thể là giữa Tòa Thánh Vatican và Giáo hội Chính thống giáo Nga. Theo BBC, vào hôm thứ Tư, 4 tháng 5, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã chỉ trích Đức Giáo Hoàng Francis vì đã sử dụng “sai giọng điệu” khi Ngài khuyên Thượng phụ Kirill đừng trở thành “người giúp lễ” của Điện Kremlin. Giáo hội Chính thống giáo Nga cũng khuyến cáo Vatican rằng những bình luận này sẽ ảnh hưởng đến cuộc đối thoại giữa hai giáo hội. Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin khi trả lời phỏng vấn với tờ báo Corriere Della Sera của Ý, Đức Giáo hoàng Francis đã nói ông Kirill- người ủng hộ toàn diện cho cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine- rằng “…không thể trở thành người giúp lễ của Tổng thống Vladimir Putin…”. Trong khi Đức Giáo Hoàng luôn phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga và đứng về phía người dân vô tội Ukraine, Thượng Phụ Kirill là đồng minh thân cận của ông Putin, gọi cuộc chiến này là bức tường thành chống lại một phương Tây mà ông xem là suy đồi, đặc biệt là vì việc Châu Âu chấp nhận đồng tính. Giáo hội Chính thống giáo Nga cho đến nay vẫn là lớn nhất trong số các giáo hội thuộc Chính thống giáo phương Đông, vốn tách khỏi Ki Tô giáo Tây phương trong sự kiện Đại Ly giáo năm 1054. Ngày nay, họ có khoảng 100 triệu tín đồ bên trong nước Nga và nhiều tín đồ hơn ở ngoại quốc.

Trên thế giới, khuynh hướng các thế lực độc tài lên nắm quyền lực tại một số quốc gia vẫn tiếp tục. Theo BBC, tại Philippines, vào ngày 09/05/2022, khoảng 67 triệu cử tri được mời gọi đến phòng phiếu bầu tổng thống mới. Ngoài ra, còn có cuộc bỏ phiếu được tổ chức song song để bầu ra phó tổng thống. Tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu được dự báo rất cao. Theo nhiều cuộc thăm dò, ông Ferdinand Marcos Junior được cho là sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông Ferdiand Marcos Junior, còn được gọi là “Bongbong”, 64 tuổi, là con trai của nhà cựu độc tài Marcos. Theo AFP, “Bongbong” nổi tiếng nhờ chiến dịch vận động tranh cử bóp méo thông tin trên các mạng xã hội, và nhắm vào giới cử tri trẻ không biết đến chế độ độc tài khét tiếng của người cha, nổi tiếng với các vụ tra tấn, giết người, lạm dụng, vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Chế độ này chấm dứt vào năm 1986.  Chiến thắng của “Bongbong” sẽ đánh dấu sự trở lại của triều đại nhà Marcos sau gần 40 năm lưu vong. 

Bà Sarah Duterte- con gái của tổng thống Duterte, cũng là một nhà độc tài- được dự đoán giành chiến thắng trong cuộc bầu cử phó tổng thống, diễn ra cùng ngày. Sau sáu năm cầm quyền của tổng thống Rodrigo Duterte, các nhà đấu tranh vì nhân quyền, các giáo chức Công giáo, cũng như giới phân tích chính trị lo ngại ông Ferdiand Marcos Junior sẽ điều hành đất nước khắc nghiệt hơn, và  làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân quyền trong nước.

Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.