Hôm nay,  

761 Ngày Đại Dịch

04/02/202200:00:00(Xem: 3434)
Hinh-1-trang-1
Tác phẩm: A World United” - Hiện trưng bày tại Vasu Tolia, 69, Bloomfield Hills, Mich
Tin Cập Nhật:
Bây giờ là 3 giờ 25 sáng ngày 31 tháng 01 năm 2022. Đúng 761 ngày đại dịch COVID-19, kể từ ngày đầu tiên một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn coronavirus 2 được chính thức báo cáo từ Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ hôm đó, thế giới trải qua trận đại dịch chưa biết bao giờ chấm dứt.
Ở Hoa Kỳ, mãi đến ngày 20 tháng 1 năm 2020, ca bệnh COVID đầu tiên được khám phá tại Snohomish, tiểu bang Seattle. Cho đến bản tin ngày 28 tháng 01 năm 2022, số người tử vong có giấy chứng nhận về bệnh này lên đến 879,971. Theo thống kê, 642,317 người chết trên 65 tuổi. (National Center for Health Statistics.) Tổng số ca nhiễm bệnh chính thức là 74,037,216 (COVID DATA Tracker, CDC.)

o 0 o

Chừng nào con người mới thoát khỏi con vi khuẩn này, trở về đời sống bình thường?

Đối với người trẻ, phí phạm vài năm trong đời cũng không đến nỗi nào, nhưng đối với người lớn tuổi, từ 65 trở đi, mỗi năm là mỗi năm ngọc ngà châu báu; từ 75 trở lên, mỗi năm là mỗi năm kim cương. Chúng ta đã mất hơn hai năm qua, khi dòng họ Covid ngự trị. Những ngày tháng đau buồn, nếu chúng ta có những người thân yêu, quen biết, bị nhiễm bệnh và qua đời. Hoặc những ngày tháng đau đớn, nếu bản thân chúng ta phải vào bệnh viện, nằm chờ chực bộ máy thở, năm điều trị khẩn cấp, thoát được, mang theo kinh nghiệp khủng khiếp này suốt đời, kể sao cho hết nỗi niềm. Hoặc những ngày tháng lo âu, căng thẳng, khi tâm trí luôn luôn lởn vởn những câu hỏi, không biết chừng nào đến phiên mình bị nhiễm bệnh? Không biết cha mẹ già, vợ chồng, con cái, cháu chắt của mình có sao không? Không biết chừng nào thì mất việc làm? Ai cũng có thể nhìn thấy rõ ràng, chỉ cần thiếu một chút may mắn, cuộc đời có thể hoàn toàn thay đổi. Vi khuẩn lây lan không lựa người giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, trai hay gái, có tài hay không … chỉ cần một chút thiếu may mắn, tất cả những gì đang có, sẽ trở thành màu xám, tệ hơn nữa, sẽ trở thành vô nghĩa.

Một chuyện hệ trọng như vậy, lại có những anh hùng, nữ cường nhân, không sợ gì, kể cả việc mang vi khuẩn đi lây cho người khác, gieo họa cho người khác, gây ly tán, mất mát cho những gia đình khác. (Có những trường hợp, giết người bằng nước miếng mà không biết.) Họ tự hào không chính thuốc ngừa, không mang mặt nạ, thậm chí, có người tuyên bố không sợ chết, nhưng hầu hết những người này, một số như tôi biết, sợ Cộng Sản. (Nếu không, họ đâu chạy qua đây.) Ông Martin Lurther King Jr. nói quả không sai: “Nothing in all the world is more dangerous than sincere ignorance and conscientious stupidity.” (Không có gì trong đời nguy hiểm hơn sự ngu dốt chân thành và sự ngu xuẩn tận tâm.)
Ngày 23 tháng Giêng năm 2022, Jen Christensen của CNN Health, ghi nhận lời của Bác sĩ John Swartzberg, chuyên gia về chống bệnh truyền nhiễm tại đại học Berkley, California, “… sẽ cảm thấy lạc quan hơn và khi đó chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn trong cuộc sống của mình … Tôi nghĩ, tháng Năm hoặc tháng Sáu, (2022) thực sự, sẽ khả quan cho chúng ta. Tôi khá tin tưởng vào điều này …”
Có một chút ánh sáng bừng lên ở cuối đường hầm. Tạm biệt Covid, Delta, Omicon, … ! Mong tạm biệt sẽ là vĩnh biệt, không phải mình, mà là chúng nó.

Chấm dứt nỗi buồn là bắt đầu niềm vui. Đặc biệt về diện nghệ thuật, bất kỳ một thảm họa nào của nhân loại, đều được ghi nhận và sáng tác hóa thành những tác phẩm lớn, những sản phẩm giá trị cao về nhân sinh. Biết bao nhiêu tác phẩm, sản phẩm, tác giả lớn, nghệ sĩ bất tử, nhân vật kỳ tài xuất hiện từ hệ quả đau buồn tan nát của hai trận thế chiến. Đại dịch hạch Đen (Black Death 1346-1353) là lý do nhiều họa phẩm tồn tại cho đến nay:

P_1

Riêng trận đại dịch H1N1 influenza, còn gọi là Spanish flu, năm 1918, bao gồm 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh và 50 triệu người chết. 675, 000 người Mỹ thiệt mạng.

Edward Munch, họa sĩ Norway, phái Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) để lại họa phẩm “Tiếng Thét” năm 1983.

P-2

Và họa sĩ Mỹ, John Singer Sargent:

P-3

The Funeral của họa sĩ George Grosz là một sáng tạo từ hậu quả của đại dịch H1N1 rõ rệt và kinh hãi.

P-4
 
Trong hơn hai năm qua, dưới vương triều của Covid, các nghệ sĩ của nhân loại đã cho chúng ta những tác phẩm gì?

Khi một thảm họa của nhân loại đi qua, sáng tác sẽ còn tiếp tục nhiều thập niên tiếp theo. Thảm họa càng lớn, thời gian sáng tác càng kéo dài. Ví dụ như, ngày nay, vẫn còn những sáng tác liên quan đến thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, những sáng tác trong thời gian thảm họa vừa có giá trị ghi nhận cảnh tượng, cảnh chuyện, vừa giữ lại cảm xúc trực tiếp sống động và cảm xúc kinh nghiệm về sự việc tang thương đang xảy ra.

Có rất nhiều chuyện trong đời sống, con người có thể cảm nhận, có thể nhạy cảm, có thể linh cảm, có thể hiểu nhưng không thể nói ra, hoặc không thể diễn tả một cách minh bạch. Đó là lúc con người cần nghệ thuật. Đó là lý do nghệ thuật dùng để giải thích những gì con người không thể giải thích. Từ nơi tối tăm của tâm trí, nghệ thuật hiện hình. Sáng tác không phải để phô diễn về mình, cũng không phải mang trách nhiệm với thẩm mỹ. Sáng tác là để diễn đạt về một điều gì, ý tưởng gì, không thể trực tiếp, thực tế, cụ thể giải thích; sự diễn đạt này bao gồm yếu tố sáng tạo và thẩm mỹ.

P-5
Tranh vẽ bà y tá hoặc bác sĩ da màu trong hàng tiền phương chống đại dịch Covid.

Có những người lý luận rằng, chọn lựa bị bệnh hay không là quyền của họ; chọn lựa chích ngừa hay không là quyền của họ; chọn lựa đeo mặt nạ hay không là quyền của họ; Đúng. Đó là quyền tự do của mỗi người. Nhưng quyền tự do này xâm phạm đến quyền lợi người khác. Tương tựa như có người đến phá hoại vườn hoa hoặc đốt nhà của họ. Tự do phá hoại? Tự do đốt nhà?

P-6

Xả rác ngoài xa lộ, ngoài chốn công cộng còn bị tội, huống chi đi “xả bệnh” cho người khác. Rồi khi chính họ mắc bệnh nặng, phải vào bệnh viện, gây thêm trở ngại cho bác sĩ, y tá; chiếm chỗ những bệnh nhân đang bị những chứng bệnh khác cần chữa trị. Cần phải đánh giá những người này như thế nào? Quyền tự do của một người thiếu phẩm chất? Quyền chọn lựa của người thiếu hiểu biết? Luôn luôn có sự giới hạn giữa tự do cá nhân và quyền lợi chung. Nói một cách khác, quyền tự do cá nhân phải có trách nhiệm đối với ích lợi của cộng đồng. Bác sĩ Fred Hollows nhắn lại: “Theo suy nghĩ của tôi, quan tâm và lo lắng cho người khác là phẩm chất cao nhất của con người.” (To my mind, having a care and concern for others is the highest of the human qualities.)
Kinh nghiệm qua bốn trận đại dịch trên thế giới trước đây, các chuyên gia cho rằng, trận đại dịch đến một lúc nào đó, sẽ tự chấm dứt. Tuy nhiên, như trận dịch H1N1 đã kết thúc, con vi khuẩn H1N1 và dòng họ của nó vẫn còn tồn tại. Chắc chắn con Covid và bè lũ của nó cũng vậy. Con người sẽ phải tập sống với chúng nó, như sống với tất cả mọi vi khuẩn tái tạo, vi trùng nan y, thói hư bất tử, tật xấu muôn năm, trong cõi đời này.

P-7
 
Tôi xem bức hình, lòng bỗng dưng cảm khái. Vì trong khi Covid đang ngang tàng bạo ngược, tôi tin rằng, những cặp vợ chồng đều phải nghĩ đến chuyện, nếu một trong hai ngã bệnh thì sao? Chọn lựa chăm sóc nhau cho đến tận cùng và chuẩn bị để có thể chết chung, hoặc nhẹ nhàng rút lui, hoặc cao bay xa chạy, để mặc bạn đời lơ láo một mình? Khi nghĩ đến chuyện vợ con cháu mình bị nhiễm bệnh, có thể chết, tất cả những thứ còn lại chẳng có giá trị gì.  Ông Đạt Lai Lạt Ma gõ đầu tôi hỏi: Nổ lực cả đời để mang về những thứ có giá trị, đang vui mừng, kiêu hãnh, đột nhiên chúng sửng sốt tự mất hết giá trị, làm người kiểu nào đây?

Tưởng tượng cảnh vợ chồng nằm bên nhau, không vải, chỉ bịt mặt, trời ơi, chẳng phải khó coi hay sao? Mới nghĩ không, đã thấy mình hèn. Như vậy, đã là may mắn. Vì nhiều cặp tình nhân khác: tình yêu mang mặt nạ, khi hẹn nhau, thì thầm, kề vai tựa má ra sao? Tôi tin rằng, trong thời gian đại dịch, nhiều cặp tình nhân phải chia tay. Cứ nhìn vào đôi mắt của cặp đàn ông đàn bà trong bức họa, chẳng thấy lâm li, mê sảng, mà chỉ thấy cô ta quay mặt. Vừa ôm tình nhân trong tay mà có cảm giác người yêu đang nóng (hoặc sốt vì tình ái xông máu hoặc vì đang nhiễm Covid), biết phải phản ứng như thế nào?
Bệnh dịch gây tử vong, gây thảm cảnh chia lìa, gây ấn tượng khổ não nhiều năm khi không thể chôn cất người yêu, người thân khi qua đời trong bệnh viện. Xác họ lặng lẽ đi từ giường bệnh vào hòm, hoặc vào lò đốt xác. Có bao giờ nạn nhân có thể nghĩ ra hoàn cảnh đau buồn như vậy? Thời gian về sau, quen dần với bệnh dịch, có nhiều trường hợp có thể mang xác ra nhà quàn, nhưng ngoài trừ gia đình, thân nhân hiện diện, ít ai muốn bén mảng đến chào vĩnh biệt.

Điều mà tôi cảm nhận được hiệu quả của trận dịch Covid là màu xám; không đậm, không lợt, nhưng âm u. Màu xám của một loại sương mù, ớn lạnh, buồn thiu.

Hai năm: Cách ly. Che mặt. Đề phòng. Ít di chuyển. Ở nhà thường xuyên. … những sinh hoạt này bắt đầu tạo ra một lối sống yên tĩnh và lặng lẽ, một cách suy nghĩ thực tế hơn, một trạng thái tâm lý bi quan hơn. Trong khi đời sống khó khăn hơn, mất việc làm, mất nhà, mất xe, có khi mất luôn cả vợ hay chồng. Dù may mắn, cũng không được bình thường. Một số người đã thay đổi quan niệm sống sau một thời gian chung đụng với hậu quả COVID. Một số khác tự động nghỉ việc làm, không đầu tắt mặt tối nữa, mà sống tự tại hơn với cuộc đời ngắn ngủi. (Thất nghiệp tự nguyện là hậu chứng tâm lý và tâm linh của đại dịch. Con số này đang lên cao tại Mỹ.)

Tâm trạng trung bình chung chung, không trách oán, không thảm sầu, nhưng không vui. Có điều gì lai vãng trong sâu thẳm nhắc nhở bản chất của đời sống là xám. Những màu sắc rực rỡ là do ước mơ và tham vọng pha chế, vẽ vời như kịch sĩ lên sân khấu đóng vai quí tộc, sau khi đóng màn, ra hẻm ngồi ăn phở bò viên. Hoặc tệ hại hơn, sau năm 75, bạn tôi ở Việt Nam, sau khi hát cải lương chui, dẹp tuồng, đi đạp xích lô.

Bác sĩ C. Michael Gibson đã vẽ bức tranh u buồn, “The Last Shift”, không phải chỉ riêng cho tầm nhìn cảm nhận của ông, mà cho chúng ta thấy màu sắc của tháng ngày đang sống.

P-8
Màu xám sương mù là màu hiu quạnh, màu cảm giác cô độc, màu một mình dù ở giữa nơi đông người.

P-9  
Sáng sớm nay nhận được tin từ WXYZ Detroit, Tổ chức bảo vệ sức khỏe thế giới WHO, bác sĩ Bruce Aylward cho biết, vi khuẩn Covid-19 còn có nhiều cơ hội biến dạng thành những loại vi khuẩn dòng họ. Vì một số lý do như số lượng người chích thuốc ngừa còn thấp trên thế giới, đúng ra là số người ở những quốc gia chưa phát triển không có đủ thuốc ngừa để sử dụng. Sau đó, sự giao thương mở rộng toàn cầu sẽ là cơ hội cho vi khuẩn lan tràn, sống lâu hơn, đi phi cơ, quen dần thuốc ngừa, có dịp tiếp xúc với các loại vi khuẩn khác liên lục địa, sinh ra những vi khuẩn mới. Không ai có khả năng tiên đoán con vi khuẩn tiếp theo sẽ nhu mì hay độc ác.

Trong tình huấn khó khăn này, khoa học, y học, và con người chỉ còn một cách duy nhất, nắm tay nhau cùng chống lại đại dịch. Tấm hình mà tôi ưng ý nhất, cảm giác hăng hái khi nhìn vào, là bàn tay toàn cầu nắm lại, đồng lòng đối phó với thảm họa.
 
Tài liệu:
- History. January 21, 2022. www.hostory.com
- The Guardian: Evrything Is True by Roopa Farooki. Rachel Ckarke. Jan. 27, 2022.
- iTravelWithArt
- The Washington Post. Arts & Entertaiment. The best art created by Washingtn Post readers during the padermic.
- The Art Newspaper. September 24, 2021. Portrait of a pandemic. Tom Seymour and Gareth Harris.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.