Hôm nay,  

Thời Sự Trong Tuần

31/12/202100:00:00(Xem: 1032)
THOI SU TRONG TUAN 01

Đức Giáo Hoàng Francis nhìn đám đông sau khi ban lời chúc phúc ngày Lễ Giáng Sinh cho toàn thế giới từ ban công chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter tại Vatican, hôm Thứ Bảy, 25 tháng 12 năm 2021. (nguồn: www.apnews.com)

 
Tình hình đại dịch trong tuần qua không mấy khả quan vì số người bị lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ và nhiều nơi khác đã gia tăng trở lại ở mức báo động.  Tuy nhiên, đối với số người chích ngừa đầy đủ và chích thêm mũi tăng cường thì cho dù có bị lây nhiễm cũng không trầm trọng lắm như những người không chích ngừa.
 
265,000 Người Mỹ Bị Dính Covid-19/Ngày Kỷ Lục Từ Tháng 1 Năm 2021
 
CHICAGO  – Hơn một năm sau khi chiến dịch chích ngừa được tung ra, các trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ đã bùng lên tới mức cao nhất hơn 265,000 mỗi ngày ở mức trung bình, gia tăng phần lớn bởi biến thể omicron lây nhiễm cao, theo Hãng Tin Mỹ AP tường thuật hôm Thứ Tư, 29 tháng 12 năm 2021.

Dấu mốc trước đây là 250,000 trường hợp bị lây nhiễm mỗi ngày vào giữa tháng 1, theo tài liệu của Đại Học Johns Hopkins cho thấy.

Phiên bản đột biến lây lan nhanh của vi khuẩn phủ trùm lên Lễ Giáng Sinh và Năm Mới, khiến cho nhiều cộng đồng cắt giảm các lễ hội của họ nhiều tuần lễ sau khi có vẻ là người Mỹ đã sẵn sàng hưởng một mùa lễ bình thường nhất. Hàng ngàn chuyến bay đã bị bãi bỏ giữa lúc thiếu hụt nhân viên vì bị dính vi khuẩn.

Bác Sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, hôm Thứ Tư nói rằng không cần phải bãi bỏ các cuộc tu họp nhỏ của gia đình trong những gia đình và bằng hữu đã chích ngừa đầy đủ và đã chích ngừa mũi tăng cường.
 
Việt Nam Phát Hiện Người Bị Nhiễm Biến Thể Omicron Đầu Tiên


THOI SU TRONG TUAN 03

Các công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo bảo hộ lao động vào ngày 21 tháng 9 năm 2021 ở Hà Nội. (nguồn: Đài RFA tiếng Việt)

 
Theo Bộ Y Tế, báo, đài. Trong 24 giờ, tính từ 16h ngày 27/12 đến 16h ngày 28/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.440 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 14.421 ca ghi nhận trong nước (giảm 446 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.305 ca trong cộng đồng).

Cập nhật sức khoẻ ca nhiễm Omicron đầu tiên phát hiện ở Việt Nam. Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam được phát hiện và đang điều trị tại Bệnh viện 108. Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam này ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp. Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện 108 tiếp nhận trường hợp là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12), hành khách có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện 108 và được cách ly ở phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú.

Nghệ An: Theo dõi sát 5 trường hợp cùng chuyến bay với với ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam. Cả 5 trường hợp người Nghệ An cùng chuyến bay có ca nhiễm Omicron hiện có sức khỏe ổn định, được theo dõi sức khỏe tại nhà. Chiều 28/12, PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, địa phương đang theo dõi sát sao và tiến hành lấy mẫu 5 trường hợp người Nghệ An cùng chuyến bay với ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam. 5 trường hợp này có địa chỉ tại TP Vinh (2 người), 3 người còn lại ở các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Đây là những công dân từ nước Anh về nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 19/12 và được cách ly tập trung 7 ngày. Sau khi hoàn thành cách ly, có kết quả âm tính, các công dân trở về địa phương vào ngày 26/12. Hiện, cả 5 trường hợp này có sức khỏe ổn định, đang được theo dõi sức khỏe tại nhà.

26 thầy thuốc BV Bạch Mai hỗ trợ quận 'nóng' nhất Hà Nội chống dịch. 26 thầy thuốc của BV Bạch Mai được tăng cường về hỗ trợ quận Đống Đa (Hà Nội) phòng chống dịch COVID-19. 26 cán bộ nhân viên y tế của BV sẽ trực tiếp đến 21 Trạm y tế lưu động tại 21 phường và 02 cơ sở thu dung, quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 của Quận Đống Đa tại KTX ĐH Thủy Lợi và KTX ĐH Ngoại thương để hỗ trợ, tăng cường cho công tác phòng chống dịch. Các bác sĩ thuộc các chuyên khoa truyền nhiễm, tim mạch, hô hấp, nội tiết - đái tháo đường, thận tiết niệu… Đây là những cán bộ y tế đã kinh qua các mặt trận nóng bỏng tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh… Và bên cạnh 26 cán bộ nhân viên này là các thầy cô có nhiều kinh nghiệm chống dịch, các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ khi có nhu cầu.

Từ ngày 1/1/2022, Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh tự cách ly tại nơi lưu trú từ 3 – 7 ngày. UBND TP. Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh đã tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong vòng 3 ngày; Đối với người chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi phải theo dõi 7 ngày.

Bộ Công Thương ưu tiên cung ứng tối đa ôxy cho mục đích y tế. Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành chia sẻ, ưu tiên cung ứng tối đa ôxy cho mục đích y tế để đảm bảo hướng tới mục tiêu cung ứng 500 tấn/ngày… Hiện nay tại các cơ sở y tế phía Nam đặc biệt là các vùng Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung ôxy so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang vận hành trở lại trong lúc dịch bệnh có diễn biến lan rộng, phức tạp, nhu cầu ôxy cho điều trị tăng nhanh, đột biến cùng áp lực từ việc sản xuất, kinh doanh theo các đơn hàng, hợp đồng kinh tế đã ràng buộc và hạn chế việc cung ứng ôxy cho y tế. Đây cũng là khó khăn lớn cho các đơn vị sản xuất, cung ứng và sử dụng ôxy.

Dịch COVID-19 lan trong các khu công nghiệp, Quảng Ngãi dừng hoạt động nhiều công ty. Sở Y tế Quảng Ngãi ngày 28/12 thông tin tiếp tục ghi nhận thêm 97 ca COVID-19, trong đó có 92 ca cộng đồng. Qua thống kê, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động ở các KCN, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi có người lao động mắc COVID-19. Trong 10 ngày qua, số lao động ở 20 doanh nghiệp nói trên đã ghi nhận hơn 400 ca F0. Trong đó, ở KCN Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, Công ty TNHH thủy sản Phùng Hưng có 120 ca F0, Công ty TNHH Hoàng Rin 180 ca F0. Do số ca mắc COVID-19 khá nhiều nên chính quyền địa phương đã đề nghị các doanh nghiệp tạm đóng cửa không hoạt động. Trước đó, ngày 25/12, toàn bộ công ty thủy sản ở Khu công nghiệp Quảng Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra phương án phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ được hoạt động trở lại khi UBND tỉnh cho phép.

Doanh nghiệp Cần Thơ kiến nghị sớm tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân. Trong chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ với các doanh nghiệp trên địa bàn ngày 28/12, đại diện doanh nghiệp kiến nghị thành phố sớm triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người lao động, công nhân nhằm giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động, phục hồi, phát triển trong năm 2022.

F0 điều trị tại nhà tăng cao, Cà Mau, Bạc Liêu tăng cường y tế cơ sở. Hiện tại, tỉnh Cà Mau có đến 12.794 ca mắc COVID-19 (F0) đang điều trị tại nhà. Con số này thật sự là áp lực rất lớn đối với nhân viên y tế cơ sở.
 
Làm Sao Để Phân Biệt Cảm Lạnh, Cúm, Hay COVID-19?
 
HOA KỲ – Đau họng, sổ mũi và đau nhức mình mẩy… có thể là do cảm lạnh thông thường, cúm, hoặc COVID-19. Các bệnh đều có những biểu hiện giống nhau, đôi khi khiến quý vị khó phân biệt được. Có một số cách giúp quý vị phân biệt được các loại bệnh trên, theo trang CNN đưa tin ngày Thứ Ba, 28 tháng 12 năm 2021.

Nhiều ca nhiễm COVID-19 có thể giống như cảm lạnh hoặc cúm. Bác sĩ Sarah Ash Combs tại Bệnh viện Trẻ em Quốc gia, cho biết cách tốt nhất để biết là đi xét nghiệm: “Nếu không làm xét nghiệm, thật sự khó để phân biệt ngay lập tức.”

Cần để ý các triệu chứng nào?

Các triệu chứng ban đầu của cảm lạnh, cúm và COVID-19 có xu hướng tương tự nhau, El-Sayed nói. Theo Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ, cả COVID-19 và cúm thường gây ra các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, đau họng, khó thở và nôn mửa hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, có thể phân biệt COVID-19 bằng chứng đau đầu thường đi kèm với ho khan.

El-Sayed cho biết, mất vị giác và khứu giác là dấu hiệu lớn nhất của COVID-19, nhưng cũng không phải tất cả người bị nhiễm vi rút đều bị mất vị giác và khứu giác. Ông cảnh báo: “Đối với những người đang cảm thấy đau ngực nghiêm trọng, đặc biệt là càng ngày càng ho khan dữ dội, đó là lúc quý vị cần xét nghiệm và chăm sóc y tế.”

Yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là nguy cơ lây nhiễm.

“Nếu bắt đầu cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên, quý vị nên tự hỏi: Mình có tiếp xúc với ai bị nhiễm COVID-19 không? Cũng nên cách ly và làm xét nghiệm nhanh,” ông khuyên.

Ngay cả khi chưa cảm thấy các triệu chứng, tốt nhất quý vị vẫn nên cẩn trọng nếu phải ở gần một người dương tính với COVID-19. El-Sayed nói thêm: “Tôi nghĩ rất nên nghi ngờ rằng đó có thể là Covid bởi vì chúng ta đang đối mặt với biến thể Omicron, nó lan nhanh như cháy rừng vậy.”

Khi nào nên xét nghiệm COVID-19?

Để giải quyết những nghi ngờ liệu mình có nhiễm COVID-19 hay không, tốt nhất là cứ làm xét nghiệm. El-Sayed nói: “Nếu cảm thấy mình có các triệu chứng rồi, thì hãy xét nghiệm đi thôi.”

Đối với những người đã tiếp xúc nhưng không thấy các triệu chứng, có khả năng vi rút chưa phát triển đủ để dương tính khi xét nghiệm nhanh, ông giải thích. Trong những trường hợp đó, CDC khuyến nghị tốt nhất là đợi 5 ngày sau rồi tiếp tục xét nghiệm và theo dõi.

El-Sayed nói: “Kết quả âm tính ban đầu không bảo đảm 100% quý vị không có con vi rút COVID-19 trong người. Cách tốt nhất là xét nghiệm lại sau 12 đến 24 giờ, và nếu cả hai lần đều âm tính, quý vị có thể an tâm hơn là không phải.”

Mà dù đó là COVID-19 hay cảm lạnh thông thường, thì cũng luôn nên cách ly trong khi trị bệnh, vì bệnh nào cũng là do vi rút gây ra.

Phải làm gì khi con cái bắt đầu sụt sịt?

Theo Bác sĩ Sarah Ash Combs, trước khi quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ đông, Hoa Kỳ đang ở thời điểm có nhiều người bị cảm lạnh, cúm, và cả COVID-19.

Khi một gia đình mang một đứa trẻ bị sụt sịt và đau họng đến phòng cấp cứu của bà, và hỏi bà đó là bệnh gì, bà cũng thành thật nói là không thể biết chắc chắn nếu không làm xét nghiệm. Trẻ em bị nhiễm biến thể Omicron giống như người lớn ở chỗ các triệu chứng ở phạm vi rộng hơn và thường nhẹ hơn, giống như cảm lạnh.

Tiêm phòng cúm cho trẻ là điều quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm thêm một loại vi rút khác, khiến cho bệnh tình phức tạp hơn, Combs nói. Trẻ em dưới 5 tuổi vẫn đang chờ phê duyệt cho phép tiêm vắc xin từ Cơ Quan Giám Sát Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ (FDA), còn những trẻ ở độ tuổi lớn hơn thì nên tiêm phòng hết để giảm nguy cơ lây lan và bệnh trở nặng.

Khi con cái quý vị quay trở lại môi trường học đường, xét nghiệm sẽ là điều cần thiết để chống lại các đợt bùng phát, Combs nói. Và tin tốt là chúng ta biết cách xử lý các ca nhiễm khi trẻ đi học trở lại.

Khi không rõ liệu con mình có nguy cơ bị nhiễm hay không, hoặc đang chờ kết quả xét nghiệm, thì những việc như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, tránh và giảm tụ tập trong nhà vẫn được cho là có hiệu quả trong việc giảm lây lan.

El-Sayed cũng cảnh báo: “Tình hình vẫn đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta còn phải học hỏi thêm rất nhiều. Omicorn là một biến thể mà chúng ta chỉ mới biết đến trong khoảng một tháng.”
 
CDC Hạ Mức Lây Nhiễm Của Biến Thể Omicron Xuống Còn 59% Tổng Số Ca Nhiễm COVID-19 Ở Mỹ
 
HOA KỲ – Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (CDC) đã điều chỉnh lại, cắt giảm đáng kể ước tính về tỷ lệ phần trăm các ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron ở Hoa Kỳ, theo trang TheHill đưa tin ngày Thứ Ba, 28 tháng 12 năm 2021.

Theo dữ liệu của Cơ quan, biến thể Omicron chiếm khoảng 59% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ tính đến ngày 25 tháng 12 năm 2021. Trước đó, CDC cho biết biến thể Omicron chiếm 73% tổng số ca nhiễm COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 18 tháng 12 năm 2021.

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao và tốc độ lây lan rất nhanh, dẫn đến gia tăng các ca nhiễm ngay cả ở những người đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, những người đã tiêm phòng, và đặc biệt là những người đã được tiêm mũi thứ 3, được bảo vệ tốt khỏi chuyển bệnh nặng nếu bị nhiễm COVID-19. Điều này có nghĩa là những người chưa được tiêm phòng sẽ có nguy cơ cao.

Theo các ước tính mới, trong khi phần lớn các ca nhiễm mới được cho là do biến thể Omicron, thì biến thể Delta vẫn chưa biến mất và vẫn chiếm khoảng 41% số ca nhiễm.

“Bỏ qua câu hỏi làm thế nào mà ước tính ban đầu lại không chính xác đến vậy, nếu ước tính mới của CDC về tỷ lệ của Omicron là chính xác, thì điều đó cho thấy rằng một phần lớn các trường hợp phải vào bệnh viện hiện tại mà chúng ta đang thấy từ Covid vẫn có thể do biến thể Delta,” cựu Ủy viên Cơ Quan Giám Sát Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ Scott Gottlieb viết tweet vào Thứ Ba, 28 tháng 12 năm 2021.

Biến thể Omicron có một số khả năng có thể tránh được sự bảo vệ của vắc xin, đặc biệt dễ lây nhiễm ở những người chưa được tiêm mũi thứ 3. Và dù Omicron được cho là gây ra các triệu chứng nhẹ hơn đối với những người được tiêm chủng đầy đủ, các chuyên gia cho biết trải nghiệm thật sự có vẻ không mấy dễ chịu, những người bị nhiễm biến thể mới sẽ có thể bị bệnh trong nhiều ngày. Theo CDC, Hoa Kỳ hiện có trung bình hơn 206.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày và con số vẫn đang tiếp tục tăng lên.
 
COVID-19: Nghiên Cứu Mới Cho Thấy Vi Rút Có Thể Tồn Tại Trong Tạng Phủ Hàng Tháng Trời
 
HOA KỲ – Dữ liệu từ một nghiên cứu mới cho thấy vi rút COVID-19 có thể tồn tại trong các bộ phận khác nhau của cơ thể trong nhiều tháng sau khi bị lây nhiễm, bao gồm cả tim và não, theo trang TheHill đưa tin ngày Thứ Hai, 27 tháng 12 năm 2021.

Các nhà khoa học tại Học Viện Sức Khỏe Quốc Gia (NIH) phát hiện ra vi rút COVID-19 có thể lây lan rộng rãi từ đường hô hấp đến hầu hết các cơ quan khác trong cơ thể và tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng.

Nghiên cứu mới được mô tả là “phân tích toàn diện nhất cho đến nay” về sự tồn tại của vi rút trên khắp cơ thể và não bộ của người bệnh. Các nhà khoa học đã khám nghiệm tử thi trên 44 người chết do hoặc với COVID-19 để lập bản đồ và định lượng sự phân bố của vi rút trên cơ thể. Họ cho biết rằng RNA từ vi rút đã được tìm thấy ở bệnh nhân trong vòng 230 ngày sau khi người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Các phát hiện mới, được công bố trực tuyến hôm Thứ Bảy, 25 tháng 12 năm 2021 dưới dạng bản thảo trước khi in, đã làm sáng tỏ về việc những bệnh nhân bị “di chứng COVID-19.”

Nghiên cứu cho thấy vi rút đã nhân lên và lây ra nhiều bộ phận trong cơ thể người bị nhiễm, ngay cả ở những ca nhiễm không triệu chứng và mức độ nhẹ. Vi rút được phát hiện trong tất cả 44 trường hợp, và ở 79 trong số 85 vị trí giải phẫu và dịch cơ thể được lấy mẫu. Nơi tập trung “dày đặc” nhất là ở phổi và đường thở, vi rút còn có thể “phát tán sớm trong quá trình lây nhiễm và lan ra các tế bào khắp toàn bộ cơ thể,” bao gồm cả trong não, mô mắt, cơ, da, thần kinh ngoại biên và các mô trong hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết và cả hệ bạch huyết.

Các nhà nghiên cứu viết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy trong giai đoạn đầu của lây nhiễm, vi rút gieo mầm khắp cơ thể sau khi đã chiếm đóng ở phổi,” Những tác hại của “di chứng COVID-19” vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ, dù vấn đề có thể sẽ còn dai dẳng nhiều năm. Ví dụ, hiện nay người ta vẫn chưa rõ là những người đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ gặp phải vấn đề gì, nếu có, khi họ bị nhiễm.
 
CDC Hoa Kỳ: Giảm Thời Gian Cách Ly Đối Với Các Ca Nhiễm COVID-19 Không Triệu Chứng Xuống Còn 5 Ngày
 
HOA KỲ - Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ đã rút ngắn thời gian cách ly (isolation) được khuyến nghị đối với những người bị nhiễm COVID-19 không có triệu chứng xuống còn 5 ngày, so với hướng dẫn trước đó là 10 ngày, theo trang Reuters đưa tin ngày Thứ Hai, 27 tháng 12 năm 2021.

Theo CDC, “cách ly” (isolation) nhằm tách những người bị nhiễm khỏi những người không bị nhiễm, trong khi “cấm túc” (quarantine) nhằm ngăn cách và hạn chế việc di chuyển của những người đã tiếp xúc với vi rút để xem họ có bị nhiễm hay không.

CDC cho biết thêm, những người không có triệu chứng sau khi cách ly 5 ngày thì nên mang khẩu trang thêm 5 ngày nữa khi ở gần những người khác. Cơ quan cũng khuyến nghị thời gian cấm túc 5 ngày đối với những người có nguy cơ bị lây nhiễm vì đã tiếp xúc với vi rút mà chưa được tiêm phòng, hoặc đã tiêm mũi vắc xin thứ hai được hơn 6 tháng, hoặc đã tiêm vắc xin 1 mũi của Johnson & Johnson được hơn 2 tháng và chưa tiêm mũi tăng cường. Khẩu trang được khuyến nghị nên mang trong suốt thời gian cấm túc 5 ngày, và sau cấm túc thêm 5 ngày nữa.

Việc rút ngắn thời gian cách ly 10 ngày sẽ giúp những người không có triệu chứng trở lại làm việc hoặc đi học, với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, Bác sĩ Anthony Fauci cho biết. Theo CDC, những người đã được tiêm mũi thứ 3 không cần phải cấm túc sau khi có tiếp xúc với vi rút, nhưng nên đeo khẩu trang trong 10 ngày.

Giám đốc CDC, Bác sĩ Rochelle Walensky cho biết trong một tuyên bố: “Các khuyến nghị cập nhật của CDC về cách ly và cấm túc được chỉnh sửa theo những gì chúng tôi biết về sự lây lan của vi rút và sự bảo vệ từ tiêm chủng và các mũi vắc xin thứ 3.”

Vào tuần trước, CDC cho biết Omicron chiếm 73% các ca nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ. Các ca nhiễm đang tăng cao đột ngột trong số những người đã được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả những người đã tiêm mũi thứ ba. Tuy nhiên, Omicron được cho là gây ra các triệu chứng nhẹ hơn ở những người đã tiêm phòng đầy đủ, một số người thậm chí không có triệu chứng gì.
 
Thuốc Điều Trị COVID-19 Của Pfizer Có Thể Gây Ra Tác Dụng Phụ Nghiêm Trọng Khi Sử Dụng Chung Với Một Số Loại Thuốc Khác

THOI SU TRONG TUAN 04

Thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid của Pfizer có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng chung với một số loại thuốc khác. (Nguồn: Unsplash.com)

 
HOA KỲ – Cơ Quan Giám Sát Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ (FDA) gần đây đã phê duyệt hai loại thuốc điều trị COVID-19, một của Pfizer và một của Merck, nhưng các chuyên gia cho biết những viên thuốc này sẽ cần có sự theo dõi cẩn thận của bác sĩ và dược sĩ, theo trang TheHill đưa tin ngày Chủ Nhật, 26 tháng 12 năm 2021.

Theo trang NBC, Paxlovid của Pfizer được cho phép để sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và cho người có bệnh lý nền mãn tính như bệnh tim hoặc tiểu đường. Tuy nhiên, trong thuốc có một thành phần có thể tương tác rất mạnh với các loại thuốc có chứa chất làm loãng máu, statin (nhóm thuốc làm hạ cholesterol trong máu) và thuốc trị trầm cảm, gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Peter Anderson, giáo sư Dược khoa của trường Colorado, nói với NBC News: “Một số cặp tương tác thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không nhỏ, và có một số cặp tuyệt đối phải tránh.”

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Pfizer cho biết, “Khả năng tương tác thuốc-thuốc (DDI) đối với Paxlovid đã được kiểm tra trong một loạt các nghiên cứu trong ống nghiệm, cũng như các nghiên cứu DDI lâm sàng.” Thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid được dùng dưới dạng 3 viên, bao gồm 2 viên Nirmatrelvir, và 1 viên Ritonavir liều thấp 100 mg. Trong đó, Nirmatrelvir là một chất ức chế protease Omicron 3CL mạnh mẽ.
         
“Tác dụng của nó đối với chuyển hóa thuốc có thể dẫn đến tương tác thuốc và một số loại thuốc cần dùng với sự cẩn trọng. Tuy nhiên, thực tế là Paxlovid có thời gian điều trị ngắn 5 ngày, kết hợp với Ritonavir liều thấp 100 miligam, chúng tôi tin rằng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên thấy rằng hầu hết các DDI đều có thể xử lý được,” tuyên bố viết.

“Tờ thông tin cho phép sử dụng khẩn cấp của sản phẩm có bao gồm thông tin về tương tác thuốc và chống chỉ định. Các bác sĩ và dược sĩ nên xem xét khả năng tương tác thuốc trước và trong khi điều trị với PAXLOVID, cũng như xem xét các loại thuốc dùng đồng thời với PAXLOVID,” người phát ngôn nói thêm.

Trong khi đó, trang AP cho biết thuốc molnupiravir của Merck không được phép dùng cho trẻ em vì nó có thể cản trở sự phát triển của xương và không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì có khả năng gây dị tật bẩm sinh. Còn thuốc của Pfizer được khuyến cáo không sử dụng cho những bệnh nhân có vấn đề về thận hoặc gan nghiêm trọng.

FDA đã ban hành một danh sách khuyến cáo các loại thuốc không nên sử dụng cùng với Paxlovid. Quý vị có thể xem ở link sau: https://www.fda.gov/media/155050/download
  
Peter Navarro Cựu Cố Vấn Trump Ra Hồi Ký Tiết Lộ Steve Bannon Chỉ Huy Chiến Dịch Ngăn Cản Chứng Nhận Phiếu Cử Tri Đoàn Ngày 6/1/2021
 
Peter Navarro (cựu cố vấn Thương mại trong chính phủ Trump) trong cuốn hồi ký "In Trump Time: My Journal of America’s Plague Year" mới ấn hành 2021 đã tiết lộ rằng chính Steve Bannon chỉ huy chiến dịch ngăn cản đếm phiếu cử tri đoàn ngày 6/1/2021.

Các lời kể về chiến dịch lật ngược đó phù hợp với các tin nhắn từ Chánh Văn Phòng Mark Meadows nộp cho Ủy Ban Hạ Viện Điều Tra Bạo Loạn với những câu như "Tôi rất tiếc" và "chúng at đã thử mọi cách rồi."

Chiến dịch lật ngược bầu cử trong sách Navarro gọi là "the Green Bay Sweep" (Trận Bố Ráp Vịnh Xanh). Trong khi trả lời phỏng vấn báo chí, Navarro cũng kể tên Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa-AZ) và Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-TX) là các dân cử ra sức ngăn cản Quốc Hội xác minh phiếu cho Biden.
Navarro kể rằng Trump đã có danh sách "hơn 100 dân biểu đồng ý lật ngược bầu cử, trong đó có vài Thượng nghị sĩ, khởi đầu chính xác là 1 giờ trưa ngày 6/1/2021, Gosar và Cruz đã làm chính xác như kế hoạch đề ra. Đó là kế hoạch hoàn hảo. Chúng tôi không cần bất cứ người biểu tình nào, bởi vì chúng tôi có hơn 100 dân biểu cam kết làm theo kế hoạch."

Tuy nhiên, mọi chuyện tan vỡ khi người bạo loạn cuồng Trump vượt rào cảnh sát, đập bể cửa và xông vào tòa nhà Quốc Hội, đòi treo cổ Phó Tổng Thống
Navarro nói kế hoạch Trận Bố Ráp Vịnh Xanh là tuyệt hảo, sẽ hy vọng đúng như Bannon tiên đoán là "địa ngục sẽ mở cửa"... Sách của Navarro kể rằng khi Navarro thức dậy sáng ngày 6/1/2021, tin nhắn từ Bannon nói rằng khởi sự tiến hành Trận Bố Ráp Vịnh Xanh. Bannon từ chối bình luận về sách của Navarro khi ghi công Bannon là tư lệnh chốn dịch bạo loạn.
 
Tòa Bạch Ốc Và Ủy Ban 6 Tháng 1 Thống Nhất Giữ Bí Mật Một Số Tài Liệu

THOI SU TRONG TUAN 05

Tòa Bạch Ốc và Ủy ban Đặc biệt Hạ viện đã đồng ý trì hoãn yêu cầu hàng trăm trang hồ sơ từ chính quyền Trump vì lo ngại gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và đặc quyền hành pháp. (Nguồn: pixabay.com)

 
WASHINGTON - Theo yêu cầu của Tổng thống Biden, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021 đã đồng ý trì hoãn yêu cầu hàng trăm trang hồ sơ từ chính quyền Trump, theo trang APnews đưa tin ngày Thứ Ba, 28 tháng 12 năm 2021.

Chính quyền Biden được cho là đang bảo vệ một số tài liệu không được giao cho Ủy ban 6 tháng 1 và chứa thông tin nhạy cảm không liên quan đến vụ bạo loạn. Tòa Bạch Ốc lo ngại rằng việc tiết lộ hàng trăm trang hồ sơ từ thời chính quyền Trump có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và đặc quyền hành pháp.

Trump vẫn đang kháng cáo lên Tòa án Tối cao để cố gắng chặn Cơ quan Quản lý Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration), cơ quan có quyền giám sát các tài liệu từ thời ông còn đương chức, giao chúng cho Ủy ban.

Các quan chức của chính quyền Biden cho biết một số tài liệu từ Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council) có thông tin nhạy cảm và cần cân nhắc. Họ lo ngại rằng, nếu chúng được trao cho Quốc hội, sẽ tạo ra tiền lệ rắc rối cho bên hành pháp, bất kể Tổng thống là ai.

Jonathan Su, Phó cố vấn của Tòa Bạch Ốc, đã viết cho Ủy ban rằng việc giữ lại một số tài liệu “sẽ không ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành cuộc điều tra quan trọng của Ủy ban.”

“Các tài liệu mà Ủy ban Đặc biệt đã đồng ý rút lại hoặc trì hoãn yêu cầu của mình dường như không liên quan đến sự chuẩn bị hoặc phản ứng của Tòa Bạch Ốc đối với các sự kiện vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, hoặc về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử hoặc cản trở việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình,” Su viết trong một trong hai bức thư gửi tới Ủy ban mà Associated Press có được hôm Thứ Ba, 28 tháng 12 năm 2021.

Trong vài tháng qua, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (the National Archives) đã chuyển các tập tài liệu đến Tòa Bạch Ốc và các luật sư để Trump xác định xem chúng có chứa bất kỳ thông tin đặc quyền nào hay không. Trump đã phản đối về việc công khai các tài liệu cũng như có những lo ngại về một số tài liệu cụ thể.

Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cho biết Trump cũng muốn các ghi chú viết tay “liên quan đến các sự kiện ngày 6 tháng 1” từ hồ sơ của Cựu Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc Mark Meadows và “Dự thảo Lệnh hành pháp về chủ đề bầu cử liêm chính” bị chặn.

Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần từ chối các nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm viện dẫn đặc quyền hành pháp để chặn việc phát hành các tài liệu đó, bao gồm cả trong một bức thư được gửi vào ngày 23 tháng 12 năm 2020 có liên quan đến khoảng 20 trang tài liệu.

Trump đã kháng cáo lên các tòa án để ngăn chặn việc công khai tài liệu. Một tòa phúc thẩm liên bang đã phán quyết chống lại Trump trong tháng này, và cựu Tổng thống đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Dù vậy, tòa án tối cao vẫn chưa quyết định có thụ lý vụ kiện hay không.

Thẩm phán Patricia Millett, viết cho tòa án trong ý kiến ngày 9 tháng 12 năm 2021, nói rằng Quốc hội có “lợi ích quan trọng duy nhất” trong việc nghiên cứu các sự kiện ngày 6 tháng 1, và Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định “với cân nhắc hợp lý và cẩn thận” rằng các tài liệu này là vì lợi ích chung và do đó không nên sử dụng đặc quyền điều hành đó. Trump cũng không cho thấy bất kỳ tác hại nào sẽ xảy ra từ việc công khai các hồ sơ được yêu cầu, Millett viết.
 
Ông Biden Ký Ban Hành Đạo Luật Chi Tiêu Quốc Phòng 768,2 Tỷ Đô La
 
WASHINGTON - Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Ủy Quyền Quốc phòng (NDAA), cho phép chi tiêu quốc phòng 768,2 tỷ đô la trong năm 2022, theo trang APnews đưa tin ngày Thứ Hai, 27 tháng 12 năm 2021.

NDAA năm tài khóa 2022 cho phép tăng 5% chi tiêu quân sự so với năm ngoái và là kết quả của các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa về nhiều vấn đề, từ cải cách hệ thống tư pháp quân sự đến yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho binh sĩ.

“Đạo luật mang lại những lợi ích vô cùng quan trọng và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho quân nhân và gia đình của họ, đồng thời giúp các cơ quan quan trọng để tăng khả năng quốc phòng của đất nước chúng ta,” ông Biden cho biết trong một tuyên bố.

Con số 768,2 tỷ đô la nhiều hơn 25 tỷ đô la so với yêu cầu ban đầu của ông Biden, các đảng viên của cả hai Đảng đều lo ngại mức chi thấp hơn sẽ làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc giữ nhịp độ phát triển quân sự với Trung Quốc và Nga.

Dự luật mới được thông qua vào đầu tháng này với sự ủng hộ của lưỡng đảng. Các đảng viên Đảng Dân chủ hài lòng với các điều khoản mới trong dự luật sửa đổi cách hệ thống tư pháp quân sự xử lý các vụ tấn công tình dục và các tội liên quan khác, mang thẩm quyền truy tố đối với các trọng tội ngoài tầm tay các chỉ huy quân sự. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng thành công trong việc bổ sung thêm điều khoản ngăn chặn ban lệnh Giải ngũ không danh dự (Dishonorable discharge) đối với các thành viên lực lượng từ chối tiêm vắc xin COVID-19.

Đạo luật Ủy Quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2022 sẽ bao gồm 7,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative) và tuyên bố ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan, cùng với lệnh cấm Bộ Quốc phòng mua sắm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

NDAA cũng bao gồm 300 triệu đô la cho Sáng Kiến Hỗ Trợ An Ninh Ukraine (Ukraine Security Assistance Initiative), 4 tỷ đô la cho Sáng Kiến Phòng Thủ Châu Âu (European Defense Initiative) và 150 triệu đô la cho hợp tác an ninh Baltic (Baltic security cooperation).

Đạo luật cũng có các điều khoản cấm mua sắm hàng hóa do cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, và bắt đầu vạch ra kế hoạch cho cuộc Chiến tranh Toàn cầu chống Khủng bố mới (Global War on Terror Memorial).
 
Viễn Vọng Kính Không Gian James Webb Lớn và Mạnh Nhất Thế Giới Của NASA Được Phóng Đi Để Truy Tìm Nguồn Gốc Của Vũ Trụ

THOI SU TRONG TUAN 02

Hỏa tiễn Ariane số 5 của Arianespace với Viễn Vọng Kính Không Gian James Webb của NASA, rời khỏi bệ phóng hôm Thứ Bảy, 25 tháng 12 năm 2021, tại Cảng Không Gian của Châu Âu, Trung Tâm Không Gian Guiana tại Kourou, ở Guiana thuộc Pháp. (nguồn: www.apnews.com

 
Viễn vọng kính không gian lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới đã được phóng đi bằng hỏa tiễn hôm Thứ Bảy, 25 tháng 12 năm 2021 trên cuộc truy tìm để nhìn ánh sáng từ các ngôi sao và các ngân hà đầu tiên và dò tìm trong vũ trụ những đầu mối của sự sống, theo Hãng Tin Mỹ AP tường thuật hôm Thứ Bảy.

Viễn Vọng Kính Không Gian James Webb của Cơ Quan NASA đã bay lên từ Guiana thuộc Pháp tại bờ biển đông bắc của Nam Mỹ, được chở bởi hỏa tiễn Ariane của Châu Âu vào không gian lúc sáng ngày Lễ Giáng Sinh.

“Đó là món quà Giáng Sinh kỳ diệu,” theo Thomas Zurbuchen, trưởng sứ mệnh khoa học của NASA, cho biết.

Viễn Vọng Kính quan sát trị giá 10 tỉ đô la đã lao về đích đến 1 triệu dặm (1.6 triệu kilometers), hay là xa hơn gấp 4 lần bên kia mặt trăng. Nó sẽ mất 1 tháng để tới đó và thêm 5 tháng nữa trước khi những con mắt hồng ngoại của nó sẵn sàng quét vào vũ trụ.

Trước hết, tấm gương khổng lồ và tấm kính che nắng của viễn vọng kiến cần mở ra; chúng được gấp lại theo kiểu origami của Nhật để vừa trong hình nón mũi hỏa tiễn. Nếu không, viễn vọng kính quan sát sẽ không thể quay ngược thời gian 13.7 tỉ năm như được dự kiến, chỉ trong 100 triệu năm kể từ khi vụ nổ Big Bang hình thành vũ trụ.

Giám Đốc NASA Bill Nelson gọi Viễn Vọng Kính Webb là chiếc máy thời gian mà sẽ cung cấp “sự hiểu biết tốt hơn về vũ trụ của chúng ta và nơi chúng ta ở trong đó: chúng ta là ai, chúng ta là gì, cuộc tìm kiếm là bất tận.”

“Chúng ta sẽ khám phá những điều kỳ diệu mà chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng tới,” theo Nelson cho biết sau khi phóng viễn vọng kính, phát biểu từ  Trung Tâm Không Gian Kennedy của Florida. Nhưng ông đã cảnh báo rằng, “Vẫn còn vô số việc phải làm và chúng phải làm một cách hoàn hảo … chúng tôi biết rằng trong phần thưởng to lớn thì có nguy cơ rất lớn.”
 
Đức Giáo Hoàng Cầu Nguyện Cho Sự Kết Thúc Đại Dịch Và Thúc Giục Đối Thoại Giải Quyết Các Xung Đột Trên Thế Giới Vào Ngày Lễ Giáng Sinh
 
ROME  – Đức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Bảy, 25 tháng 12 năm 2021, đã cầu nguyện cho sự kết thúc đại dịch vi khuẩn corona, sử dụng bài diễn văn Ngày Lễ Giáng Sinh của ngài để thúc giục việc chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, thuốc ngừa cho người nghèo và đối thoại để giải quyết các xung đột trên thế giới, theo Hãng Thông Tấn Mỹ AP tường thuật hôm Thứ Bảy.

Giữa lúc gia tăng kỷ lục trong các trường hợp bị lây nhiễm Covid-19 tại Ý trong tuần này, chỉ vài ngàn ngừa đứng dưới mưa tại Quảng Trường Thánh Peter để nghe diễn văn Lễ Giáng Sinh gửi đi cho toàn thế giới hàng năm của Đức Giáo Hoàng Francis. Thường, quảng trường đầy người với khoảng hàng chục ngàn người cầu nguyện an lành ngày lễ.

Ít nhất họ có thể tụ tập trong năm nay. Lệnh đóng cửa ngày lễ năm 2020 của Ý đã buộc Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn qua truyền hình từ bên trong Điện Tông Tòa để ngăn ngừa đám đông tụ tập tại quảng trường. Dù trong tuần này Ý có hơn 50,000 trường hợp lây nhiễm trong một ngày lần đầu tiên, chính quyền đã không ra lệnh đóng cửa trở lại.

Diễn Văn Ngày Lễ Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng tạo cho ngài cơ hội để lưu ý các khán thính giả toàn cầu về các xung đột lớn và nhỏ. Năm nay cũng không khác. Đức Giáo Hoàng đã than thở về các xung đột đang diễn ra tại Syia, Yemen và Iraq, các căng thẳng mới bùng phát tại Ukraine và Ethiopia, và “khủng hoảng bất ngờ” tại Leban.

Đức Giáo Hoàng Francis đã cảnh báo về khuynh hướng rút lui và cô lập của đại dịch, thay vì vậy thúc giục đối thoại để cố gắng giải quyết các xung đột trên thế giới. Ngài đã đặc biệt cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vi khuẩn, gồm các phụ nữ và trẻ em là những người bị đau khổ vì lạm dụng gia tăng trong thời gian đóng cửa.
 
Kinh Tế Việt Nam Năm 2021 Giảm Thấp Nhất Trong 30 Năm Vì Đại Dịch Covid-19 Ảnh Hưởng
 
VIỆT NAM – Đại dịch đã làm cho kinh tế Việt Nam sút giảm thê thảm tới mức thấp nhất trong 30 năm, với 2.58% trong năm 2021, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm Thứ Tư, 29 tháng 12 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm tin tức về việc này như sau.

Việt Nam báo cáo tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,58%. Đây là mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hãng tin AFP ngày 29/12 đưa ra đánh giá dựa theo công bố GDP của chính phủ Việt Nam vào cùng ngày và cho biết GDP của Việt Nam năm ngoái là 2,9%.

Tổng cục Thống kê tại Hà Nội cho biết mức tăng trưởng trong quý IV là 5,22%. Tuy nhiên, việc phong tỏa vào quý III để đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã khiến GPD cả năm 2021 chỉ đạt 2,58%.

Thông báo của Tổng cục Thống kê cho rằng diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 kể từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động thương mại, dịch vụ ... kéo giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Trong khoảng ba tháng phong tỏa, gần như tất cả các vùng của cả nước đóng cửa hoàn toàn gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng và buôn bán.

Báo Nhà nước cho biết Bà Nguyễn Thị Hương, người đứng đầu Tổng cục Thống kê, lại tỏ ra lạc quan với mức GDP khiêm tốn của Việt Nam trong năm 2021 và cho rằng đây là "một thành công to lớn" trong hoàn cảnh khó khăn.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng nay, ngày 28 tháng Tư, nhà thơ Viên Linh đã bỏ cuộc nhân sinh từ giã chúng ta vào lúc 11:11 giờ sáng, tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Việt Báo nhận được tin từ bà Dương Nghiễm Mậu, theo tin từ bà Thúy Diệm nhắn. Tin này cũng đã được gia đình và thân hữu xác nhận. Được biết, từ đầu tuần, hôm thứ Hai, Viên Linh đã hôn mê và được chuyển vào hospice, với thân nhân bên cạnh chăm sóc vào những ngày cuối đời.
Hôm nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Francis trông sức khỏe có vẻ ổn định khi ngài bắt đầu bốn ngày đầy sự kiện căng thẳng dẫn đến Lễ Phục sinh, và tái lập lời thề thụ phong vào ngày Giáo hội Công giáo La Mã đánh dấu ngày Chúa Jesus thành lập chức linh mục vào đêm trước khi bị đóng đinh.
Một tòa kháng án Hoa Kỳ đã quyết định tạm ngưng thực thi một dự luật được Đảng Cộng Hòa hậu thuẫn ở Texas, cho phép các cơ quan thực thi pháp luật của tiểu bang bắt giữ những người bị nghi ngờ là di dân vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden lập luận rằng việc thực thi dự luật này là can thiệp vào quyền lực của chính phủ liên bang, theo Reuters.
Cựu TNS Joe Lieberman, từng là ứng viên Phó Tổng Thống của Đảng Dân Chủ năm 2000, đã từ trần vào chiều thứ Tư (27/3), thọ 82 tuổi, theo Reuters.
Phân ưu: Nhận được tin Anh TRẦN VỊNH từng là cựu học sinh tại các trường tiểu, trung học tại Ban Mê Thuộc, cũng là CSV/QGHC DS 11 và Cựu CH 8 KT đã từ trần ngày 20 tháng 3 năm 2024 tại San Diego, Californai Hưởng Thọ 83 tuổi. Tang lễ sẽ cử hành ngày 29 tháng 3 năm 2024 lúc 12 giờ trưa tại Garden Crematory, số 1835 S. Lewis Street, Anaheim, CA 92805. Chúng tôi một nhóm thân hữu gồm đồng môn, đồng sự, đồng hương... xin thành thật chia buồn cùng tang quyến. Xin nguyện cho hương hồn anh, một người con ưu tú của đất nước, đã luôn sống đẹp với người, với đời, và với quốc gia dân tộc sớm được về nơi cửa Phật để hưởng Niết bàn miên viễn.
Thái Lan trên đà trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên công nhận hôn nhân bình đẳng. Hạ viện đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật hôn nhân đồng giới với tỷ lệ áp đảo, với 400 người ủng hộ việc thông qua và chỉ 10 người phản đối trong lần đọc cuối cùng vào thứ Tư. Nếu dự luật có hiệu lực, Thái Lan sẽ là quốc gia châu Á thứ ba hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Theo các hình ảnh mà Financial Times được Viện Quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) chia sẻ, Ít nhất 5 tàu chở dầu của Bắc Hàn đã di chuyển để thu gom các sản phẩm dầu từ cảng Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga.
Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ đã ra dấu hiệu sẽ không hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai Mifepristone, vì các thẩm phán tỏ thái độ hoài nghi rằng các nhóm chống phá thai và các bác sĩ đệ đơn kiện loại thuốc này không có đủ tư cách pháp lý cần thiết để tiếp tục vụ kiện, theo Reuters.
PHÂN ƯU: Nhận được tin buồn: Ông TRẦN VỊNH Sinh ngày 8 tháng 10 năm 1941 tại Thủ Dầu Một, Việt Nam. Đã từ trần ngày 20 tháng 3 năm 2024 tại San Diego, California. Hưởng thọ 83 tuổi Xin thành thật chia buồn cùng tang quyến, Nguyện cầu hương linh Ông TRẦN VỊNH sớm tiêu diêu miền cực lạc. ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU: Phạm Việt Cường, Nguyễn Kim Chi, Phan Tấn Hải, Nguyễn Hương, Nguyễn Diệu Liên Hương, Nguyễn Khắc Hiếu, Phạm Kim Khải, Nguyễn Khiết, Thập Lang, Trần Việt Long, Trương Đình Luân, Thân Trọng Mẫn, Đỗ Thái Nhiên, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong, Hà Khắc Quỳnh, Hà Thế Ruyệt, Nguyễn Văn Sâm, Đỗ Hữu Tài, Trịnh Y Thư, Tư Đồ Tuệ, Nguyễn Bá Tùng, Khánh Trường, Nguyễn Tiến Văn, Trương Vũ.
Thượng Nghị Sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa, Alaska) kinh ngạc trước khả năng ra tranh cử của cựu Tổng Thống Donald Trump và đường lối của đảng của bà, vừa tuyên bố với CNN trong một cuộc phỏng vấn truyền hình phổ biến trên cách đây hai ngày rằng bà sẽ không loại trừ việc rời khỏi Đảng Cộng Hòa. Là một đảng viên Cộng Hòa kỳ cựu ở Alaska và là một trong bảy đảng viên Cộng Hòa đã bỏ phiếu kết tội Trump trong phiên tòa luận tội lần thứ hai sau hậu quả của ngày 6-1-2021, Murkowski nói rằng bà đã xong việc với cựu tổng thống và nói rằng bà "tuyệt đối” sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy.
Một phần lớn của cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore đã bị sập sau khi một chiếc tàu lớn va chạm vào lúc 1:30 giờ sáng Thứ Ba, và nhiều xe đang chạy trên cầu rơi xuống nước. Nhà chức trách đang cố gắng giải cứu ít nhất 7 người. Một tàu lớn đâm vào cầu, bốc cháy trước khi chìm khiến nhiều xe rơi xuống sông Patapsco, theo video đăng trên X.
Các viên chức Hoa Kỳ và Anh đã đệ đơn tố cáo, áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một số đối tượng, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn, được cho là đã ảnh hưởng đến hàng triệu người, bao gồm các nhà lập pháp, học giả và nhà báo cũng như các công ty, kể cả các nhà thầu quốc phòng, theo Reuters.
Ngày 20/3/2024, Neuralink, công ty của Elon Musk, đã tiết lộ về danh tính của người đầu tiên được cấy chip não – và chàng trai trẻ này tỏ ra vô cùng biết ơn công nghệ “mang lại thay đổi lớn lao cho cuộc sống.”
Mối quan hệ giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng, cho phép thông qua nghị quyết ngừng bắn ở Gaza tại Liên Hiệp Quốc; quyết định này đã bị nhà lãnh đạo Israel chỉ trích gay gắt, theo Reuters.
Hai giải xổ số khổng lồ, một sẽ xổ vào đêm nay và một sẽ xổ vào đêm mai. Không ai trúng giải độc đắc Mega Millions hoặc Powerball trong các kỳ quay gần đây nhất của hai giải xổ số này và tổng số tiền cộng lại hiện ở mức gần 2 tỷ USD. NBC News đưa tin giải độc đắc Mega Millions đã tăng lên 1,1 tỷ USD và Powerball lên 800 triệu USD.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.