Hôm nay,  

Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc (Chương 17)

26/09/202109:49:00(Xem: 2157)

ECONOMICS


Mô hình phát triển của Trung Quốc có thể được tóm tắt như sau: (1) hạn chế tiêu thụ trong nước để (2) gom góp tiết kiệm trong dân chúng nhằm (3) hỗ trợ cho đầu tư.


Nếu so sánh cho dễ hiểu thì mô hình này cũng giống kiểu nhà nghèo bớt tiêu xài (hạn chế tiêu thụ) để dành tiền (tăng tiết kiệm) đầu tư cho tương lai (giáo dục con cái, mở cửa hàng buôn bán). Nhưng đến khi đã hết nghèo mà vẫn giữ tính hà tiện không chịu tiêu xài sanh tham lam vơ vét của cải (thặng dư mậu dịch với nước ngoài) dù trong nhà đã chứa đầy những thứ không cần thiết (nợ xấu do đầu tư quá đáng trong nước). Chính sách của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cán cân mậu dịch giữa Trung Quốc với toàn thế giới, rồi tiếp theo đó là khối nợ khổng lồ như hiện nay. Kinh Tế Dễ Hiểu sẽ lần lượt tìm hiểu về Tiêu Thụ, Tiết Kiệm và Đầu Tư ở Trung Quốc.


Tiêu Thụ tại Trung Quốc


Tiêu thụ tư nhân ở Trung Quốc chiếm 40% GDP tức là rất thấp so với các nước phát triển khoảng 60% và Hoa Kỳ là 70%. Bắc Kinh hạn chế tiêu thụ nhằm thu hút tiết kiệm trong dân chúng hỗ trợ đầu tư.


Một lý do khiến mức tiêu thụ thấp vì người Tàu (và châu Á nói chung) ít ăn xài hơn Tây Phương, một phần do thế hệ lớn tuổi ở Trung Quốc còn bị ám ảnh bởi cảnh nghèo khó cùng cực chỉ mới 30 năm trước đây. 


Bên cạnh đó là chính sách của nhà cầm quyền tạo ra 3 tầng áp lực hạn chế mức tiêu thụ của người dân:

(1) chế độ ép lương,

(2) mạng lưới an sinh xã hội yếu kém,

(3) chính sách thao túng tiền tệ của Bắc Kinh. 


Công nhân Trung Quốc di cư từ thôn quê ra đô thị làm việc nhưng không được cấp phát hộ khẩu thành phố. Do tình trạng cư ngụ bán chính thức này nên công nhân không được quyền tập hợp hay tham dự công đoàn địa phương để đòi tăng lương và cải thiện chế độ làm việc. Cho dù có nhiều hãng xưởng cạnh tranh thuê mướn nhân viên khiến mức lương và quyền lợi người lao động tại Hoa Lục lên cao nhưng vẫn không tương xứng với đà tăng năng suất và nhịp độ phát triển nhảy vọt của GDP. Thí dụ GDP tăng 10% mỗi năm trong khi lương bổng chỉ tăng 7%, tức là thu nhập tuy nhảy vọt nhưng vẫn không bắt kịp với GDP. Nói cách khác, nước giàu nhưng dân chúng không được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của mình.


Mức sai biệt giữa tiền lương và năng suất lao động bị ăn bớt để trở thành lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhà nước dùng tái đầu tư – tức là đúng như phê bình của Karl Marx rằng tư bản đỏ ăn chận giá trị thặng dư lao động để làm giàu trên xương máu công nhân.  Nhờ có nhiều tiền đầu tư nên hạ tầng phát triển và hãng xưởng mọc lên như nấm, chế độ ép lương tuy tạo công ăn việc làm cho dân Tàu nhưng đồng thời đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong xã hội do lợi nhuận bị cắt xén vào tay nhà nước và giới chủ. Hơn thế một khi nền kinh tế Trung Quốc đã trưởng thành như hiện nay, hay là nhu cầu xây cất giảm bớt nhưng đầu tư vẫn cứ tiếp tục thặng dư đổ vào thì phải sinh ra nợ xấu – nhưng đây là câu chuyện ở phần Đầu Tư dưới đây.


Do chính sách một con nên người Tàu sợ đơn lẻ lúc về già phải để dành tiền lo cho tuổi về hưu. Giáo dục và y tế tốt cho các gia đình ở những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến nhưng lại không bao gồm công nhân không có hộ khẩu thành phố. Mạng lưới an sinh vẫn còn thiếu sót ở những vùng nông thôn khiến dân chúng phải hạn chế tiêu thụ lúc mới lập gia đình để dành tiền nuôi con và phòng khi bệnh hoạn.  


Các quy định lỏng lẻo về môi trường trước năm 2012 cũng thể hiện sự yếu kém của mạng an sinh xã hội. Doanh nghiệp và nhà nước không chi tiêu bảo vệ không khí trong lành và nguồn nước sạch trong khi dân chúng tốn kém vì mất ngày làm việc, lo chữa bệnh ho, suyễn, ung thư...nên sức tiêu thụ giảm sút.


Chính sách thao túng ngoại tệ khiến đồng NDT (Nhân Dân Tệ) mất giá so với USD. Trung Quốc nhập cảng xăng dầu và lương thực bằng USD nên hàng tiêu dùng trở nên đắt đỏ. Sức mua của dân Tàu thêm một lần nữa bị hạn chế nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi giá trị đồng NDT bị cắt xén.


Tiết kiệm tại Trung Quốc


Tiêu thụ tư nhân tại Trung Quốc chiếm 40% GDP trong khi ở các nước phát triển là 60% còn Hoa Kỳ 70%. Chênh lệch trong tiêu thụ dẫn đến thặng dư tiết kiệm ở Hoa Lục so với Tây Phương.


Dân Tàu không có nhiều chọn lựa đầu tư mà phải bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm tại ngân hàng với lãi suất thấp do nhà nước quy định. Thí dụ GDP tăng 7% nhưng tiết kiệm ngân hàng thấp chỉ 1.5%. Muốn lời nhiều phải đầu tư vào chứng khoán nhưng thị trường tài chánh ở Trung Quốc thiếu minh bạch nên mua bán trên sàn cũng giống như đánh bài cào, thỉnh thoảng ăn lớn nhưng thường là thua to. Kết quả là người Tàu phần lớn để dành tiền trong trương mục tiết kiệm để lo cho gia đình và với mục tiêu mua nhà vì thị trường địa ốc cứ tăng đều đặn trong vòng 30 năm nay (cho dù có những giai đoạn vấp ngã như năm 2014.)


Các ngân hàng nhà nước nhận vào tiết kiệm rẻ sau đó cho địa phương, những công ty quốc doanh và các ngành công nghiệp mũi nhọn vay theo phân lời thấp. Nói cách khác, đây là chính sách ép buộc tài chánh (financial repression) thu mua tiết kiệm từ dân chúng với giá rẻ nhằm tài trợ cho doanh nghiệp và các mục tiêu tăng trưởng do Bắc Kinh đề ra, theo kiểu lấy tiền nhà nghèo giúp nhà giàu.


Vì tiết kiệm liên quan đến góp vốn nên xin bàn rộng ra về phương thức gây vốn ở các địa phương. Bắc Kinh tuy đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho cả nước nhưng lại không dự trữ ngân sách từ trung ương chia ra cho các địa phương thực hiện mục tiêu này. Bù lại các địa phương được rộng quyền gây vốn (nhưng không được tùy tiện tăng thuế.) Giữa các địa phương lại được khuyến khích tranh đua: nơi nào vượt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giữ lại nhiều lợi tức trong khi hàng ngũ cán bộ đảng viên được thăng quan tiến chức.


Rút tỉa bài học tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy khỏi Thái Lan và vùng Đông-Á năm 1998 nên Bắc Kinh quy định thêm là các địa phương không được mượn vốn. Bù lại các địa phương được quyền ấn hành tín dụng qua hệ thống ngân hàng địa phương, và được bán quyền sử dụng đất. Hai đặc quyền này là chìa khóa kho vàng để các lãnh chúa địa phương thò tay bóc hốt.


Tổng hợp các chính sách nói trên trở thành một cỗ máy tăng trưởng. Các địa phương trưng dụng đất đai “của toàn dân” rồi bán quyền sử dụng đất cho các tập đoàn lợi ích với giá rẻ. Ngân hàng địa phương thu hút tiết kiệm với lãi suất thấp để rồi ấn hành tín dụng cho các công ty quốc doanh và những ngành công nghiệp mũi nhọn vay mượn. Các công ty quốc doanh xây cất phi trường, xa lộ…trong khi tập đoàn lợi ích mua quyền sử dụng đất và vay vốn với giá rẻ để xây cất khu đô thị, khu công nghiệp, khu nhà ở v.v… Sau đó những tập đoàn lợi ích lại cầm cố tài sản để vay mượn tín dụng mới từ các ngân hàng địa phương. Dân chúng đổ xô mua nhà vì giá địa ốc tăng, khiến tài sản cầm cố thêm giá trị để mượn vào nợ mới. Vòng xoáy vay nợ cấn nợ để vay nợ mới dựa vào quyền lực vô tận của các lãnh chúa địa phương rất hữu hiệu để làm giàu nên dễ sinh ra lạm dụng. 


Đầu tư và vốn ở Trung Quốc


Tiếp tục bàn về vốn đầu tư, Trung Quốc có 2 dòng tiền: dòng vốn FDI đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để xây cất hãng xưởng, và dòng vốn tiết kiệm trong nước.


Một cách nhìn khác là vốn FDI kém lưu động (một nhà máy đã được xây cất không dễ di dời). Loại vốn còn lại dễ lưu động dùng cho vay nợ, mua bán nợ hay mua bán chứng khoán. Trận đại khủng hoảng tài chánh Đông Á năm 1998 khởi đầu do tài phiệt quốc tế ồ ạt rút vốn lưu động bằng cách bán nợ và chứng khoán, đổi ra USD để mang tiền rút khỏi Thái Lan khiến đồng Baht thủng đáy. Sau đó các đồng tiền Phi Luật Tân, Nam Dương, Nam Hàn…bị lần lượt tấn công khiến những nền kinh tế này ngã nhau dẫn đến xáo trộn nhiều chính trị và xã hội.


Bắc Kinh nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm này (nhất là bài học của các chính quyền độc tài ở Đài Loan, Nam Hàn, Phi và Nam Dương bị lật đổ) nên chỉ khuyến khích vốn FDI (không lưu động) bằng cách chiêu dụ tư bản Tây Phương xây cất nhà máy để thâm nhập vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Ngược lại dòng vốn lưu động cho vay dựa vào tiết kiệm trong nước để tránh tình trạng tư bản quốc tế tháo vốn như tại Thái Lan năm 1998. 


Trong một thị trường tài chánh mở cửa (financial liberalization) thì việc cho vay, mua bán nợ và mua bán chứng khoán đều được tự do trao đổi trên sàn giao dịch giữa các tư nhân trong và ngoài nước. Trái lại dòng vốn từ tiết kiệm ở Trung Quốc không được tự do lưu thông mà bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Chẳng những Bắc Kinh quy định lãi suất thấp khi dân chúng gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, mà dòng vốn còn được ngân hàng nhà nước ưu tiên cung cấp cho các công ty quốc doanh và những tập đoàn lợi ích vay mượn với giá rẻ. Như vậy nhà nước (thay vì thị trường) quyết định lãi suất và lựa chọn đầu tư.


Đầu tư nếu xét cho cùng chỉ nhằm 3 mục tiêu: sản xuất hàng hóa bán trong nước (tiêu thụ nội địa), bán hàng ra nước ngoài (xuất cảng) và đầu tư xây cất hạ tầng (giáo dục, y tế, đô thị, giao thông, Internet, v.v…) Do tiêu thụ nội địa bị kềm hãm ở mức 40% GDP (so với 60% ở Tây Phương và 70% bên Mỹ) nên thặng dư đầu tư bắt buộc phải đổ vào xuất cảng hay xây cất hạ tầng.


Trước năm 2008 Trung Quốc khởi đầu từ một nước chậm tiến nên cần rất nhiều các khoảng đầu tư xây cất đô thị, xa lộ, phi trường, khu công nghiệp…Nhờ mở cửa thu hút FDI từ nước ngoài, lương nhân công rẻ, hạ tầng được cải tiến cùng các quy định dễ dãi về môi trường nên Trung Quốc thu hút nhiều công ty Âu-Mỹ-Nhật-Đài Loan-Nam Hàn xây cất hãng xưởng, tạo công ăn việc làm để trở thành công xưởng sản xuất hàng hóa ra thế giới. Nói cách khác những khoảng đầu tư dùng tiền tiết kiệm trong nước đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu 1980-2008. Cho dù vốn thất thoát thành nợ xấu cũng được khỏa lấp bởi thặng dư mậu dịch và đà tăng trưởng kinh tế (tỷ lệ nợ xấu teo lại so với GDP nở to).


Đến năm 2008 cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh ở Hoa Kỳ và sau đó là Khủng Hoảng Euro bên Âu Châu khiến nhu cầu nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc giảm mạnh. Dù vậy Bắc Kinh không hạ thấp mục tiêu tăng trưởng GDP mà tung ra một gói kích cầu khổng lồ 13% GDP. Gói kích cầu lại không nhằm tăng mức tiêu thụ trong nước để bù đắp cho khoảng trống tiêu thụ ở nước ngoài. Tuy kích cầu nhưng tiêu thụ nội địa không tăng trong khi xuất cảng giảm nên tiền chỉ có một con đường duy nhất chạy vào xây cất hạ tầng.


Nhưng đến năm 2008 nền kinh tế của Trung Quốc đã trưởng thành. Nhu cầu hạ tầng giảm dần vì các khu đô thị, xa lộ, phi trường, xe lửa cao tốc đã mọc lên như nấm. Dân số già nua khiến nhu cầu xây cất cũng giảm xuống. Cho nên một phần lớn các khoảng kích cầu rơi vào đầu tư không hiệu quả, hay là nợ xấu do xây cất khu nhà không người ở, khu thương xá không người mua, các phi trường không khách đến.


Một yếu tố khác là khoảng kích cầu 586 triệu USD năm 2008 không phải là tiền mặt do Bắc Kinh chia cho các địa phương mà chỉ là tín dụng trung ương cho phép địa phương phát hành để đầu tư. Được thoải mái ấn hành tín dụng nên cổ máy tăng trưởng của các địa phương chạy hết ga cho dù cho vay đầu tư kém hiệu quả. Đến năm 2012 Bắc Kinh nhận thấy quá nhiều nợ xấu nên hạ lệnh các ngân hàng địa phương cắt giảm tín dụng (dù không hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng GDP !) Những khu nhà dù không người ở hay các thương xá vắng người qua lại nhưng đang xây cất không thể bỏ dở nửa chừng, nên các địa phương “sáng kiến” cho những ngân hàng địa phương ấn hành sản phẩm làm giàu (WMP – Wealth Management Product) với phân lời cao để thu hút tiền tiết kiệm từ dân chúng. Tiền gởi vào WMP được dùng để tiếp tục cho vay xây cất hạ tầng và tăng trưởng kinh tế tại địa phương cho vượt chỉ tiêu GDP.


Do Ngân Hàng Trung Ương lúc ban đầu chỉ thanh tra nợ xấu trong các khoản tín dụng cho vay từ quỹ tiết kiệm của dân chúng, nên những khoảng tín dụng cho vay từ WMP không bị kiểm soát. Các WMP tuy phân lời cao nhưng ngắn hạn, tức là địa phương cứ phải ấn hành WMP (nợ mới) để trả nợ cũ.  


Từ năm 2012-2016 nợ mới cứ bồi vào nợ cũ khiến Ngân Hàng Trung Ương hoảng sợ bắt đầu kiểm soát WMP. Bắc Kinh lại quyết định cho một vài công ty đầu tư và WMP phá sản để trừng phạt giới đầu tư. Tin xấu lan nhanh khiến thị trường tài chánh và địa ốc hỗn loạn làm chảy máu ngoại tệ mất 1000 tỷ USD.


Bắc Kinh hoảng hốt siết chặt không cho tiền chạy ra nước ngoài, mặc khác lại ra lệnh ngân hàng trung ương tài trợ các khoảng nợ xấu để không cho WMP và các địa phương phá sản. Nói cách khác, Tập Cận Bình lạnh cẳng (cold feet) thay vì trừng phạt nợ xấu lại phải thối lui bao che các lãnh  chúa địa phương để tránh xáo trộn chính trị. Từ đó cho đến nay Ngân Hàng Trung Ương dù tiếp tục kiểm soát các ngân hàng địa phương và WMP nhưng nợ đã lên đến 300% GDP. 


Năm 2014 các khu phố không người ở mọc ra như nấm nên Bắc Kinh phải chi tiền tài trợ cho dân cư các khu ổ chuột dọn vào khu phố mới. Giá nhà đất tăng vọt vì giới kinh doanh nhận thấy đây là cơ hội mua nhà giá thấp, và cho dù có thành bong bóng địa ốc nhưng trung ương sẽ cứu vớt để các địa phương và ngành địa ốc không bị sập tiệm. Chương trình tài trợ cho dân nghèo mua nhà chấm dứt vào năm 2018, nhà đất lại bắt đầu xuống giá trong khi các tập đoàn địa ốc ngày thêm ngập nợ.Tập đoàn Evergrande lớn hàng đầu ở Trung Quốc có thể bị vỡ nợ ngay vào lúc này chính là thử thách lần thứ hai liệu Tập Cận Bình có dám cải tổ hệ thống tài chánh hay rồi chùn tay cứu vớt ngành địa ốc vì sợ khủng hoảng sẽ kéo theo xáo trộn về chính trị, xã hội và đụng chạm đến các tập đoàn lợi ích.


Dịch cúm Tàu và các gói kích cầu khổng lồ ở Mỹ bất ngờ tiếp hơi cho Bắc Kinh vì hàng Trung Quốc bán không kịp chở sang Hoa Kỳ. Xuất cảng tăng tức là khoảng bơm máu cho Trung Quốc bù đắp phần nào nợ xấu.


Vấn đề của Bắc Kinh là không thể mãi mãi dựa vào xuất cảng và đầu tư hạ tầng để tăng trưởng kinh tế. Xuất cảng chỉ có hạn vì nước ngoài – kẻ cả Hoa Kỳ - sẽ có ngày hết tiền mua hàng Tàu, nhất là trong hoàn cảnh thương chiến Mỹ-Trung và nhu cầu tạo công ăn việc làm cho giới lao động ở Tây Âu. Đầu tư hạ tầng phải chậm lại một khi đô thị, xa lộ, phi trường, xe lửa…đến mức dư thừa, trong khi nạn lão hóa giới hạn nhu cầu xây cất. Bắc Kinh đang đầu tư để cải tiến mạng lưới an sinh xã hội, chế độ hộ khẩu và lương bổng nhưng đây là một tiến trình rất gian nan. Thay đổi trọng tâm kinh tế từ tiết kiệm và đầu tư (tức là có lợi cho những tập đoàn lợi ích) sang tiêu thụ tư nhân (tức là có lợi cho đa số quần chúng) là một quyết định chính trị vô cùng gay go nếu không khéo lèo lái sẽ kéo theo thay đổi thể chế.


Hai sách lược còn lại của Bắc Kinh gồm (1) Vòng Đai Con Đường để đẩy thặng dư đầu tư ở Trung Quốc ra các nước đang mở mang (bù đắp cho khoảng thiếu hụt bán hàng sang các nước phát triển), và (2) công nghệ xanh để vừa xuất cảng ra nước ngoài lại cải thiện môi trường trong nước.  


TÓM TẮT

  1. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là: (1) hạn chế tiêu thụ trong nước (2) thu hút nguồn tiết kiệm với giá rẻ (3) hỗ trợ địa phương vào doanh nghiệp đầu tư.

  2. Các địa phương bán quyền sử dụng đất đai, và ấn hành tín dụng để thúc đẩy đầu tư.

  3. Đầu tư thặng dư khi xuất cảng hàng hóa xuống trong khi tiêu thụ nội địa không tăng, thành ra nợ xấu vì xây cất tăng trong khi nhu cầu hạ tầng giảm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kamala Harris đã góp thêm tiếng nói của bà vào nỗ lực của các nhà Dân Chủ để bác bỏ những tấn công được dự kiến diễn ra của Donald Trump trong bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của Đảng Cộng Hòa vào tối Thứ Năm, 27 tháng 8 năm 2020, khi bà chỉ trích tuần lễ Đại Hội Đảng Cộng Hòa như là một cuộc tập trận trong cố gắng tô vẽ bản ngã của tổng thống, theo bản tin của Deadline.com cho biết hôm Thứ Năm.
Tất cả trường học tại Quận Cam có thể tái mở cửa các lớp học có học sinh đến học trực tiếp bắt đầu vào ngày 6 tháng 9 nếu các trường hợp bị nhiễm vi khuẩn corona và vào bệnh viện vẫn thấp dưới mức yêu cầu bởi tiểu bang, theo các viên chức y tế cho biết hôm Thứ Năm, 27 tháng 8 năm 2020, theo Đài KTLA tường thuật.
Nhà văn Ngô Thế Vinh, cũng là một bác sĩ Y khoa và từng là Y sĩ trưởng của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, có một lối viết văn không nhầm với bút pháp các nhà văn khác: -- nơi đó, ông tham chiến nhưng vẫn là người chữa lành các vết thương, ông ở vị trí gần gũi các chiến binh nơi mặt trận và cũng tiếp cận các cấp chỉ huy của Quân đoàn để nhìn chiến trường từ nhiều hướng khác nhau.
Thành phố Garden Grove đang cập nhật Yếu tố Nhà ở (Housing Element), Yếu tố An toàn (Safety Element), Yếu tố Sử dụng Đất (Land Use Element), và áp dụng Yếu tố Công bằng Môi trường (Environmental Justice Element) mới vào bản kế hoạch Quy hoạch chung (General Plan) tại Garden Grove.
Ăn chay (còn được gọi là ăn lạt) không phải là vấn đề mới mẻ gì đối với người VN mình. Ngược lại, các dân tộc Tây phương, từ vài chục năm nay đã xem việc không ăn thịt, không ăn cá là một phương pháp dưỡng sanh mới để duy trì một sức khỏe tốt.
Sau vụ xả súng vào một người Mỹ gốc Phi trong một chiến dịch của cảnh sát, tình trạng bất ổn mới đã làm lu mờ đại hội của Đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ. Phó Tổng thống Pence hứa hẹn với người Mỹ về an ninh - nếu họ bầu Donald Trump vào tháng 11.
Thủ tướng Angela Merkel (CDU) muốn các sự kiện lớn như lễ hội dân gian, sự kiện thể thao lớn với khán giả, các buổi hòa nhạc lớn hơn, lễ hội hoặc lễ hội làng bắn súng (Dorf- Schuetzenfeste / Village shooting festival) vẫn bị cấm cho đến ít nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Vu Lan về… Vu Lan cũng như Giáng Sinh, không còn là ngày lễ riêng tôn giáo. Đó là những dấu son thời gian của nhân văn ghi đậm nét cảm xúc của con người. Nếu Giáng Sinh là ngày lễ của Ân Tình thì Vu Lan là ngày lễ Nhớ Mẹ.
HOUSTON, Texas (VB) --- Trận bão Laura đã tấn công vào hai tiểu bang Texas and Louisiana rạng sáng Thứ Năm 27/8/2020, phá sập nhiều tòa nhà, bứng gốc nhiều cột điện, ngập nước nhiều nơi, trong khi làm mất điện khoảng 603,000 khách hàng, làm chết ít nhất một người
Ít nhất 30 tiểu bang đã được chấp thuận cho chương trình các phúc lợi thất nghiệp của Tổng Thống Donald Trump, nhưng có thể phải mất nhiều tuần lễ để tiền đến tay người dân, theo bản tin của Yahoo News cho biết hôm 25 tháng 8 năm 2020.
Sự ủng hộ của thống đốc California là dấu hiệu mới nhất cho thấy triển vọng của Nghị Viên Sergio Contreras thuộc Westminster ngày càng tốt hơn
Các viên chức Hoa Kỳ chịu trách nhiệm bảo vệ cuộc bầu cử năm 2020 hôm Thứ Tư, 26 tháng 8 năm 2020 nói rằng họ “không có thông tin hay tình báo” gì về các quốc gia ngoại quốc, gồm Nga, đang cố gắng phá hoại bất cứ bộ phần nào của tiến trình bỏ phiếu bằng thư
75 năm lặng lẽ trôi qua như nước chảy qua cầu, nhưng cái gọi là “Cách mạng tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, như Tuyên giáo đảng tuyên truyền năm này qua năm khác có thật hay đồ giả?
Đội Bóng Rổ Milwaukee Bucks đã đến sân để thi đấu mùa chung kết hôm Thứ Tư, 26 tháng 8 năm 2020 với đội Orlando Magic và đã đình công để phản đối vụ bắn Jacob Blake, theo bản tin thể thao của Yahoo Sports cho biết hôm Thứ Tư.
Bão Laura được dự đoán là một “cơn bão Cấp 4 cực kỳ hùng mạnh” với “nước dâng do bão chết người” lên tới 20 feet khi nó vào Bờ Biển Của Vịnh vào tối Thứ Tư và sáng sớm Thứ Năm, theo trung tâm báo bão cho biết hôm Thứ Tư, 26 tháng 8 năm 2020, theo USA Today tường trình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.