Hôm nay,  

Nhớ Về “Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn 2005”

16/06/202109:31:00(Xem: 2904)

Đầu năm 2018, nhà văn Việt Hải email cho tôi đang thực hiện tuyển tập về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) nhân ngày sinh vào tháng 5, 2018. Tôi có “món nợ ân tình” với người bạn nầy. Hè 2005, tôi ra tờ Cali Weekly ở Little Saigon. Mời Việt Hải ở Los Angeles làm Tổng Thư Ký, không những tự nguyện nhận lời mà còn cho biết, nếu cần bài viết nào, liên lạc với Việt Hải sẽ có ngay. Qua năm tháng, bạn ta và tôi vẫn luôn luôn “dính” món nợ văn chương với nhau giữa Los Angeles & Little Saigon.

blank


Sau Tết Mậu Tuất, nhận được email của Việt Hải, tôi đắn đo vì không biết viết gì. Hơn nữa, không biết trong tuyển tập có những bài viết nào để tránh sự trùng hợp. Lê Trọng Nguyễn thông gia với anh Thái Tú Hạp, đều là người đồng hương, tôi có gặp nhạc sĩ 2 lần. Chưa có kỷ niệm đáng nhớ để viết lại, ngại rằng “thấy sang bắt quàng làm họ”. Hơn nữa, nhạc sĩ cũng là người đồng hương nên cũng là niềm hãnh diện và quý mến. Tôi viết nhiều về thi ca & những nhà thơ Quảng Nam nhưng về âm nhạc đã có anh Trương Duy Cường. Anh là nhạc sĩ từ cuối thập niên 50 và anh em trong nhà anh có ban nhạc riêng hình thành ở phố cố Hội An.

blank


Đúng Ngày Sinh Nhật, Tuyển Tập Lê Trọng Nguyễn, Âm Nhạc & Bạn Hữu được ra mắt tại Little Saigon. Dĩ nhiên những nhạc phẩm nổi danh của ông đã được các ca sĩ trình bày. Theo lời yêu cầu, ca sĩ Kim Trước trình bày ca khúc Cát Biển.

Với tôi thì ca khúc Cát Biển của Lê Trọng Nguyễn rất tuyệt vời từ lời ca đến giai điệu và cũng là kỷ niệm của một thời để yêu. 

“Dã tràng ngoài biển cát

Hồn mộng vẫn se hoài

Tình người thường một lối

Không hề thiếu ai

Thành xưa xây đắp... đổ một nụ cười

Bàn chân trên cát... thủy triều dập vùi

Xin trời một lối... riêng có em và tôi”

Cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn liến với cao nguyên nhiều hơn duyên hải. Và, hình ảnh ca khúc Cát Biển tại đại giảng đường của quân trường năm 1968… cũng khó quên. Rồi khi phục vụ tại Nha Trang với kỷ niệm như lời ca khúc “riêng có em và tôi”!

Nếu hình bóng trong ca khúc Nắng Chiều là kỷ niệm cuộc tình của Lê Trọng Nguyễn thì ca khúc Cát Biển viết 1964, Cung Sol trưởng theo điệu Swing cũng là hình bóng đâu đó trong tôi theo dòng thời gian từ bãi biển Cửa Đại của thời xa xưa.

Khi mới định cư tại Mỹ, trong chuyến đi San Francisco, với biển trời nơi xứ người, tôi viết tùy bút về ca khúc nầy.

*

Khi anh Thái Tú Hạp báo tin buồn “nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả nhạc phẩm Nắng Chiều, vừa qua đời tại Bệnh Viện City of Hope, vào lúc 4 giờ 15 sáng ngày 9 tháng 1 năm 2004, nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Quý Mùi, thọ 78 tuổi”. Vĩnh biệt tác giả Nắng Chiều, Sao Đêm, Cát Biển…!

Để tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa và nhân cách, nhiều bài viết tưởng nhớ đến ông rất có giá trị. Tôi nghĩ trong tuyển tập nầy sẽ đăng tải những bài viết đó và đành phụ lòng Việt Hải. Trong các đặc san Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây đã có các bài viết về “người con xứ Quảng” với chân dung và nhạc phẩm Lê Trọng Nguyễn. Có hai bài: Một Chuyến “dinh tê” của Lê Trọng Nguyễn đề cập đến thời kỳ kháng chiến, ông bỏ Việt Minh về thành và bài Nói Chuyện Với Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn của Nguyễn Phúc cũng phác họa tổng quát về tiểu sử của ông…

blank


May quá, lục lại trong USB external, tôi còn lưu trữ những tấm hình chụp được trong Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn vào năm 2005 khi viết bản tin.

Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức trang trọng tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông, thành phố Westminster, tối Chủ Nhật, ngày 17 tháng 4, 2005. Hội trường chỉ chứa khoảng hai trăm người nhưng giới văn nghệ sĩ, truyền thông Việt ngữ và đồng hương đến quá đông nên phải đứng ngoài cho đến giây phút cuối cùng. Sở dĩ Đêm Tưởng Niệm sau ngày giỗ một năm vì gia đình thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn vừa xong.

Đêm Tưởng Niệm trở thành đêm nhạc tuyệt vời với sự đóng góp các ca sĩ thành danh như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao… cùng với ban nhạc The Star Band. Đây là ban nhạc với sự góp mặt của hai thế hệ như các nhạc sĩ: Nguyễn Hiền (accordeon), Trần Trịnh (Electric keyboard), Quang Anh (keyboard), Phạm Gia Cổn (saxophone, clarinet), Lý Văn Quý (lead guitar), Châu Hiệp (guitare), Nguyễn Đức Trịnh (drum), Bách Tùng Trịnh (trumpet), Deanna (trumpet), Tina Huỳnh (flute), Kim Chi (clarinet), Kim Ngân (trombone)… Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lưu (violin nhưng về San Diego).

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền (nhạc phẩm Lá Rơi Bên Thềm, Màu Tím Hoàng Hôn, nhạc Lê Trọng Nguyễn, lời Nguyễn Hiền) trong mối giao tình với nhau từ ngày ở Sài Gòn đã chia sẻ những lần gặp nhau và kỷ niệm đặc biệt nhưng phác họa chân dung cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Những lời nầy đã đăng trong tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn: Lời Giới Thiệu vài nét về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Lần đầu gặp nhau vào năm 1961 tại Sài Gòn… “Rồi ngày ấy đã đến, khi anh đến báo tin sẽ làm lễ thành hôn và nhờ tôi thay lời, cùng thân mẫu đi rước dâu trong đám cưới do anh tổ chức…”, Và “Viết bài nầy thay lời giới thiệu tác giả do sự ủy nhiệm của chị Lê Trọng Nguyễn…”.

Trong quá khứ “tuy là một nhạc sĩ, nhưng Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc” chỉ theo đuổi trong niếm đam mê lãnh vực nầy. Khi đổi đời có lẽ không tha thiết nhiều nên trong hai thập niên sống tại Hoa Kỳ không thực hiện băng nhạc và tuyển tập. Khi ra người thiên cổ mới có “món quà lưu niệm” cho gia đình và giới thưởng ngoạn.

 
blank


Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người, nhất là ca khúc Nắng Chiều. Với tôi, ca khúc Cát Biển (viết chung với Y Vân) nhớ nhất. Cuối năm 1968, khi còn là Sinh Viên Sĩ Quan ở quân trường trên Đà Lạt. Đúng ra là thời điểm tốt nghiệp nhưng Khóa Nguyễn Trãi I phải tham gia chiến dịch Diên Hồng. Trong đêm văn nghệ của Khóa, mời ban tam ca của trường nữ Trung Học Bùi Thị Xuân trình bày ca khúc nầy, khó quên. Trong Đêm Tưởng Niệm Lê Trọng Nguyễn, ban tam ca Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, rất tuyệt, nhớ lại kỷ niệm xưa.

Ca khúc Cát Biển với ban tam ca Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao và ban nhạc Star Band… có thể nói là độc nhất, vì (theo tôi) sẽ mãi mãi không có ban tam ca nào thay thế.

Tròm trèm ba thập niên định cư và làm báo nơi chốn “gió tanh mưa máu” nầy... Đầu năm 1991, tôi viết Chuyện Trong Tuần cho Saigon Times của anh Thái Tú Hạp (sau đó mục phiếm nầy qua tay anh Huy Phương và Chốn Bụi Hồng với chị Cao Mỵ Nhân cho đến nay. Có lẽ còn “chân ướt chân ráo” nên “điếc không sợ súng” bị Lâm Tường Dũ dụ giữ mục phiếm Thiên Hạ Sự cho tuần báo Tình Thương (sau nầy anh Văn Quang viết mục Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự, tôi phổ biến trên trang web Cali Weekly và môi giới cho anh Tống Hoằng, chủ nhiệm nhật báo Viễn Đông để có nhuận bút). Thế rồi tôi cộng tác với vài tuần báo qua Ngẫm Chuyện Nhân Sinh (năm 2004 chọn lọc số bài để in sách), Chuyện Ruồi Bu, Thế Thái Nhân Tình, Ngẫm Chuyện Xưa Nay (viết thay cho người bạn)… qua vài bút hiệu khác nhau.

Tôi quan niệm “ác nhân, nhân hại”, cầm bút không thể lợi dụng trang báo, trang web trong tay để tha hồ vung vít, chửi bới, đánh phá, bươi móc đời tư… bởi “gieo gió gặt bão” mà trong quá khứ nhan nhản ông, bà lãnh đạn khi “ăn miếng trả miếng”…! (ngoại trừ khác biệt chiến tuyến).

Vào thập niên 90, tôi bất bình vì có nhiều CD, Casette… tung ra thị trường, không để tên tác giả.. Tôi viết để báo động, Lâm Tường Dũ nói với tôi viết nhẹ nhàng thôi vì tờ báo sống nhờ quảng cáo! Ngay cả sách đã ấn hành trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam cũng vậy, copy lại rồi ấn hành, tác giả đã qua đời hay còn ở Việt Nam thì chỉ có chuyện “con kiến mà kiện củ khoai”!

Sở dĩ, nhắc lại chuyện cũ đôi chút vì khi một người nằm xuống, “nghĩa tử là nghĩa tận” viết về hình ảnh người thiên cổ như nén hương lòng tưởng nhớ. Đáng quý. Nhưng có đôi bài, khi đọc ngạc nhiên vì coi như thân quen, cà kê làm họ không đâu vào đâu!

Với giới văn nghệ sĩ, giá trị ở tác phẩm của họ lưu lại tên tuổi. Tiểu sử chỉ là phần nhỏ liên quan đến trường hợp, đối tượng… cho tác phẩm. Tiểu sử tác giả nói lên dòng thời gian sáng tạo tác phẩm và những điều chia sẻ của người trong cuộc.

Nhân bài viết về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, nhắc lại hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vừa qua đời vào ngày 26 tháng Hai năm 2018. Để tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa và nhân cách nầy, nhiều bài viết tưởng nhớ và vinh danh. Có lẽ bài viết Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai của tôi vào tháng Giêng năm 2018, đăng trên mục Văn Nghệ của tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, phát hành ngày 15 tháng Hai năm 2018 để nhớ lại những ca khúc mang hình ảnh mùa Xuân của tác giả trong thời chinh chiến bị “bức tử” trong nước là bài sau cùng khi nhạc sĩ còn sống (?).

Năm 1998, nhà in Westminster Press thực hiện nguyệt san Thế Giới Nghệ Thuật (Lâm Tường Dũ, Chủ Bút & tôi Tổng Thư Ký). LTD đưa tôi cuốn Tình Sử Nhạc Khúc của anh để có đề tài sáng tác. Tôi viết về dòng nhạc trữ tình của Nguyễn Văn Đông, âm nhạc làm thăng hoa cuộc sống. Trước khi viết tôi gặp anh Trọng Minh (tác giả bộ sách Vẻ Vang Dân Việt) và được anh cho biết vị nhạc sĩ nầy bệnh hoạn thường xuyên và sống ẩn dật “an phận thủ thường” nếu có viết thì chỉ thuần túy về nhạc mà thôi. Khi Trọng Minh cắt trang báo, về VN có đưa cho nhạc sĩ xem và ông chỉ nói “cũng có người nhớ” và, theo Trọng Minh có lẽ đó là bài viết đầu tiên (?).

blank


Tờ Thế Giới Nghệ Sĩ của Trần Quốc Bảo số 5, phát hành ngày 13 tháng Ba năm 2015 với chủ đề về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với các bài viết của Trọng Minh, Trường Kỳ, Giao Linh, Hồng Vân… Trần Quốc Bảo đã gặp và hình như nhiều lần liên lạc với với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nên cảm thông, hiểu ý sự thân trọng, khép kín vì vậy không đề cập đến sự “trao đổi” với hải ngoại.

Nhiều “bạn tù” với cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, khi uống cà phê kể cho biết thời gian sống chung với nhau trong trại tù. Cũng mang thân phận người tù nhưng khi nghe bao nhiêu nghịch cảnh, oan nhiệt ấp lên thân xác người tù Nguyễn Văn Đông, rất đau lòng và thương cảm nhưng tôi đã đọc những bài viết về người thiên cổ, ghi lại chặng đường đã qua, thực hư không rõ… nhưng nói về đức tính tốt và nhân cách của Nhạc Sĩ, Sĩ Quan cao cấp trong Quân Lực VNCH cũng quá đủ. Nếu có viết thêm cũng chỉ lặp lại. Tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được “sống” lại trong lòng mọi người từ trong nước và hải ngoại. Sự ra đi của tác giả Chiều Mưa Biên Giới… nhiều nhạc phẩm nổi tiếng sẽ được trình bày, thực hiện… nhưng cũng có thể là cơ hội cho “con buôn văn nghệ” khai thác sự cảm mến của giới thưởng ngoạn (trong quá khứ đã xảy ra như vậy). Bà quả phụ Nguyễn Văn Đông, chị Nguyệt Thu, sống cô đơn trong chuỗi ngày còn lại, không còn tha thiết gì nữa trong cuộc sống thì quan tâm làm gì đến tác quyền.

Điển hình như nhạc sĩ Trúc Phương (1933–1995) được mệnh danh ông hoàng của dòng nhạc Bolero. Nhiều ca khúc của ông được trình bày và thực hiện CD, Video… nhưng là một trong những nhạc sĩ khốn khổ nhất nước. Nếu biết trân trọng và tôn trọng tác quyền thì không bị rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy.
Than ôi! Nhân tình thế thái.

blank


Trong ca khúc Sao Đêm của Lê Trọng Nguyễn:

“Chờ gì nữa? bầu trời rạn nứt rồi

Mà ôi tâm tư đen tối chơi vơi

Đập nát phím ngà người yêu tàn phá

Chờ qua năm tháng rũ áo trần gian”

Khi nhạc sĩ rũ áo trần gian, ca khúc thành danh của họ như sao đêm lấp lánh trong màn đêm. Cuối năm 2005, tác giả Ngàn Năm Mây Bay, sau khi tiễn bạn, nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng về cõi nghìn thu! Cánh hạc xoải cánh với mây trời (Ông và bà Từ Dung… là những người sáng lập Hội Cao Niên Á-Mỹ, vào đầu thập niên 90, thực hiện tờ Hạc Trắng, tôi layout). Nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi những khuôn mặt tài hoa, nhân cách… nhưng, rất may đã gởi lại những ca khúc bất tử. Nhạc sĩ tài hoa của nhân loại Johann Sebastian Bach (1865-1750) cho rằng “Âm nhạc có thể giúp tinh thần rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày” nên khi “đầu óc vẩn đục” hãy lắng nghe ca khúc của tác giả đã quý mến để rũ sạch bụi trần.

Từ đêm Lễ Tưởng Niệm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn năm 2005 đến khi ra mắt tuyển tập năm 2018 cũng trải qua thời gian dài nhưng những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn hình như gần trong tâm hồn và vang vọng quanh tôi.

Little Saigon, tháng Ba 2018

Vương Trùng Dương

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Điểm nổi bật nhất của chương trình là cho mượn lên tới 20% cho khoản trả trước khi mua nhà, nhưng không vượt quá 150,000 USD
Tưng bừng màu xanh Ái Nhĩ Lan. Thị trấn Manhattan trong thành phố New York tràn ngập niềm tự hào của người gốc Ireland (Ái Nhĩ Lan) khi cuộc diễu hành Ngày Thánh Patrick ở New York lần thứ 236 hôm thứ Bảy 16/3/2024. Lễ kỷ niệm mang tính biểu tượng của Di sản Ireland diễn ra dọc theo Đại lộ số 5 và có điểm dừng chân truyền thống tại Nhà thờ St. Patrick.
Trước tiên, là xin nói lên niềm vui. Anh bạn trẻ Tâm Nhuận Phúc là học trò của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, một vị thầy từ nhiều thập niên lưu trú như một Thiền khách ở Tu Viện Lộc Uyển thuộc Làng Mai. Vì Thầy Phước Tịnh không có chùa riêng, nên bạn Tâm Nhuận Phúc có nhiều hoạt động khắp nơi, cũng không trụ nơi nào. Có khi bạn hợp tác với Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ từ Sacramento tới để tổ chức các buổi Thiền Chánh Niệm với các giáo viên, học sinh hay đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Có khi bạn hoạt động cùng Giới Trẻ Mây Từ trong các Phật sự, mời quý Tăng Ni mở các buổi thuyết pháp hay Thiền tập ở Quận Cam. Khi thấy cần hỗ trợ Thầy Phước Tịnh giảng dạy về Thiền Tập Thập Mục Ngưu Đồ, bạn trẻ này phổ nhạc liền 10 bài ca chăn trâu cho các buổi thuyết giảng dễ nhớ. Có khi, bạn Tâm Nhuận Phúc tham gia cuộc thi viết về các đề tài Phật giáo trong Giải Hương Sen do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương tổ chức. Và có khi Tâm Nhuận Phúc cầm đàn guitar tới giúp vui cho bất kỳ nơi nào các Phật tử cần tới.
Một phi cơ 25 năm tuổi đã bình an hạ cánh như thường lệ hôm Thứ Sáu, và các cơ khí viên khi kiểm tra mới thấy rằng thiếu một tấm bửng bên ngoài (external panel) phí cơ, hoặc chưa gắn vào hoặc đã rớt trong khi bay. Các quan chức cho biết, một cuộc kiểm tra sau chuyến bay đã phát hiện một tấm bửng bị thiếu trên một chiếc Boeing 737-800 cũ vừa đến điểm đến ở miền nam Oregon vào thứ Sáu s
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng (Khâu Quốc Thành) hôm thứ Năm xác nhận sự hiện diện của các binh sĩ Lực lượng Đặc biệt của Quân đội Hoa Kỳ tại Kim Môn (Kinmen), một nhóm đảo do Đài Loan kiểm soát nhưng nằm ngay ngoài khơi Trung Quốc đại lục. Một số khu vực của quần đảo Kim Môn chỉ cách thành phố Hạ Môn (Xiamen) của Trung Quốc đại lục 2,5 dặm.
Ông tên là LĐL (xin viết tắt vì vấn đề an ninh, nếu có người bảo trợ chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết). Ông L hiện đang sống vất vưởng ở Thái Lan từ hàng chục năm qua như hàng trăm người tị nạn Việt Nam khác đang sống tại Vương quốc này. Ông đã phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng Sản và tránh sự ngược đãi những cựu QNVNCH ở quê nhà hiện nay. Ông LĐL là quân nhân phục vụ tại Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, sau tháng Tư, 1975 ông đã trốn trình diện, sau đó lưu lạc sang Cam Bốt từ năm 1981, rồi qua Thái Lan năm 2003.
Từ năm 1993, Thủ tướng Trung Quốc, nhân vật số hai của đất nước, thường mở cuộc họp báo sau Đại hội đại biểu nhân dân mỗi năm. Đây là lần duy nhất mà một nhà lãnh đạo cấp cao trả lời câu hỏi từ các nhà báo quốc tế về tình hình đất nước, cũng là dịp duy nhất mà Trung Quốc hé mở cánh cửa sổ của mình, để chứng tỏ đất nước không còn là một món đồ chơi trên tay của chỉ một người như thời Mao Trạch Đông nữa. Nhưng hôm thứ Hai vừa qua, Bắc Kinh tuyên bố Thủ tướng Trung Quốc sẽ không còn tổ chức cuộc họp báo thường niên của đất nước, chấm dứt thông lệ kéo dài ba thập kỷ vốn là cơ hội vô cùng hiếm để các nhà báo tiếp xúc với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Đứng trên vòm cầu Edmund Pettus ở Selma, Alabama, trong buổi lễ kỷ niệm 59 năm Ngày Chủ nhật Đẫm máu, Kamala Harris cho biết bà cảm thấy cần phải bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách đề cập đến thảm họa nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn ở Gaza. “Người dân ở Gaza đang chết đói. Các điều kiện và hoàn cảnh tại đây thật vô nhân. Và lòng nhân đạo chung của chúng ta buộc chúng ta phải hành động”, phó tổng thống nói, sau đó tuyên bố: “Với quy mô lớn của mức độ khổ nạn bao trùm Gaza hiện tại, phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức.” Tiếp theo là những tràng pháo tay lớn và kéo dài, trước khi Bà nói thêm, sau một khoảng im lặng: “It nhất phải sáu tuần.”
Hơn 9 triệu thường trú nhân tại Hoa Kỳ có đủ điều kiện nộp đơn xin quốc tịch Hoa Kỳ nhưng họ chưa làm. Vào ngày 1 tháng 4, chi phí nộp đơn xin nhập tịch tăng cao. Những người muốn nhập quốc tịch với số tiền ít hơn nên cân nhắc để nộp đơn trước ngày 1 tháng 4.
Lời khuyên để bảo vệ khách hàng khi SCE đang chấp nhận các hình thức trả hóa đơn ngày càng phổ biến. Từ Tháng Giêng, Southern California Edison bắt đầu nhận tiền trả hóa đơn của khách hàng bằng ví kỹ thuật số từ Apple Pay, Google Pay, PayPal và Venmo. Công ty đang chấp nhận việc sử dụng một số ứng dụng trả hóa đơn trên điện thoại cầm tay vì những ứng dụng này ngày càng trở nên phổ biến với khách hàng. Mặc dù các ứng dụng ví kỹ thuật số rất tiện lợi, nhưng phương thức trả hóa đơn này cũng trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo nhằm đánh cắp tiền và thông tin cá nhân của khách hàng. Là một phần trong Tuần Lễ Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Quốc Gia từ ngày 3 đến ngày 9 tháng Ba, SCE nhắc nhở khách hàng đề cao cảnh giác và tránh các hành vi lừa đảo liên quan đến việc trả hóa đơn bằng ví kỹ thuật số.
Hai giai đoạn đăng ký khác nhau cho bảo hiểm Medicare sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 3, đó là GEP (Giai đoạn đăng ký chung - General Enrollment Period) và MA OEP (Giai đoạn đăng ký mở Medicare Advantage). Hãy gọi điện hoặc email cho chúng tôi để được hỗ trợ đăng ký. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, thị trường bảo hiểm y tế theo Đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng, phúc lợi hưu trí an sinh xã hội, thu nhập an sinh bổ sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/Cúm, quý vị có thể gọi điện hoặc email chúng tôi ngay hôm nay bằng 3 cách:
Vào trưa ngày Thứ Năm 7 tháng 3 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với California Department of Aging ( CDA- Bộ Phụ Trách Vấn Đề Lão Hóa) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu những khóa học cả trên mạng và tại lớp của CalGrows dành cho những người chăm sóc (caregivers) về cách chăm sóc sức khỏe cho người cao niên.
Sự kiện nhật thực toàn phần có thể quan sát ở Hoa Kỳ gần đây nhất xảy ra vào ngày 21 tháng 8 năm 2017. Thời điểm đó, bầu trời trở nên tối sầm khi Mặt Trăng di chuyển qua phía trước Mặt Trời, che khuất hầu hết ánh sáng Mặt Trời – ngoại trừ ánh sáng từ một chiếc vòng vàng xung quanh Mặt Trăng, được gọi là vành nhật hoa (corona). Không có gì đáng ngạc nhiên khi sản lượng điện Mặt Trời trên khắp Bắc Mỹ giảm mạnh trong vài giờ, kể từ lúc Mặt Trăng bắt đầu che khuất Mặt Trời cho đến khi Mặt Trời sáng trở lại.
Cá vòi voi* có bộ não đặc biệt lớn so với kích thước cơ thể và khám phá môi trường sống âm u của nó bằng cách gửi tín hiệu điện. Giờ đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng loài cá thậm chí còn có thể nhận được nhiều thông tin hơn về thế giới bên ngoài bằng cách kết nối các cơ quan cảm giác của chúng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.