Hôm nay,  

Còn Đâu Ngày Tháng Cũ

09/04/202118:50:00(Xem: 3461)

Đao Như                                                            

                                                              

Anh Nhất

Mau quá anh nhỉ! Mới đó đã hai mươi chín năm. Không ngờ đi ăn cưới người cháu vợ ở Cali, gặp lại anh ở phố Bolsa sau gần ba mươi năm. Nhớ ngày nào bốn anh em: Ngọc, Nhất, Tâm, Thể, coi như tứ trụ vây quanh người anh đầu đàn, anh Lê Văn. Ngày 30/4/75 anh ấy quyết tâm ở lại. Anh Lê Văn chịu đựng quá nhiều, chuyên chính vô sản tước đoạt anh thảm thiết. Biết bao mất mát. Năm 98 tôi về thăm nhà và ghé thăm anh ấy, sau bao nhiêu năm trăn trỡ, đầu anh Lê Văn bạc trắng. Lúc đó anh đúng 71 tuổi. Nụ cười vẫn trên môi. Anh cho tôi hay cách đó hơn một năm anh vừa thoát qua cơn máu nhồi cơ tim. Anh vẫn nhắc đến tụi mình và vẫn còn lo lắng cho chúng ta như thuở nào:

    “Ngọc và Tâm ở Pháp, còn ‘toi’ và Nhất ở Mỹ, sống cách nhau xa quá liệu có liên lạc với nhau chặt chẽ thường xuyên không? Đời sống anh em mỗi ngày một khá hơn chứ”?

    Anh Nhất, anh biết không? Tôi đành nói dối: Thời đại bây giờ mà anh, có cách nhau những hành tinh đi nữa chỉ cần nhấc điện thoại là nghe được tiếng nói của nhau, hay lên mạng điện thư cho nhau là biết nhau ra sao rồi…

    Như anh biết, thật ra cuộc sống tị nạn có nhiều ràng buộc, nhầm lẫn. Kẻ đến trước, người tới sau, gặp nhau cũng khó khăn. Đôi khi gặp nhau lại không nhìn ra nhau. Nhưng khi nghe tôi nói thế, anh ấy rất mừng và tự hào có những đàn em như tụi mình.

    Nhắc lại chuyện xưa, đôi khi khiến chúng ta ngậm ngùi. Tôi mường tượng lại những lúc riêng tư anh Văn thường nhắc nhở: ‘moi’ trông cậy vào bác sĩ Ngọc coi giùm Y tế của Vùng, dược sĩ Nhất coi về thuốc men và tiếp liệu, bác sĩ Tâm thì giao hẳn cho anh ấy lo Y tế tỉnh, còn ‘toi’, tức là tôi, thì lo chăm sóc Trường Cán Sự Điều Dưỡng. Trường còn non trẻ như đứa trẻ 2 tuổi mới biết đi lững chững. Còn ‘moi’, tức là anh ấy, rán trụ trì làm giám đốc bịnh viện thêm vài năm nữa cho tròn tình nghĩa. ‘Moi’ già, mỏi gối chùng chân. Chắc một vài năm tới cũng phải rủ áo từ quan. Cũng các anh em thôi. Không ai đâu, các anh em sẽ tiếp tục thế ‘moi’. Điều này ‘moi’ đã làm việc với anh Trần Minh ở trên Bộ. Bốn anh em đoàn kết lại với nhau, phối trí lại nhân viên, bồi dưỡng cán bộ, tu chỉnh phát triển cơ sở. Nhớ phục vụ đất nước là trên hết…

    Những gì chúng ta làm với anh Văn trước 75, nói là chuyện gì ghê gớm lắm, to tát lắm quả nhiên là không phải. Chuyện của một nhóm người, của một vài người cùng chung lý tưởng như chúng ta, đã cố gắng thực hiện lý tưởng của mình trong mịt mù của bom đạn thuở đó đều bé nhỏ cả so với cả nước. Chúng ta lớn lên trong chiến tranh, trực tiếp tham dự vào cuộc chiến. Mỗi thời đại có mẫu người riêng của nó. Trong chiến tranh con người là nạn nhân và cũng là chứng nhân của cái chết thê lương, trong chiến hào, ngoài mặt trận, trong tù ngục, hay giữa thành phố, dưới gầm cầu. Con người trong chiến tranh có cả tình yêu lẫn hận thù, sự sống và cái chết. Ấy thế mà chúng ta vẫn hiên ngang sống, nhiệt tình chung quanh anh Văn. Tôi đôi khi thì về trường Y Saigon tìm gặp giáo sư Lichtenberger hay bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu xin từng mẩu mô, mẩu tế bào li ti về để dạy sinh thiết và cơ thể bịnh lý ở trường; khi thì tôi đến Quân Y Viên Phan Thanh Giản để tìm gặp các anh Nghiêm, Anh Đặng, Anh Trần, Anh Nguyễn…xin các anh ấy cho các các em học sinh, cho nhà trường mươi, mười lăm giờ mỗi niên khóa về Ngoại khoa, Nội khoa, Phụ khoa, Sinh lý, Bịnh lý, Hoá học v.v…Còn anh, lúc ấy với chiếc Ford Bronco của Vùng, như con thoi anh lên  xuống Sài gòn tất bật, đến từng viện bào chế xin từng viên thuốc để đấp vào cái lỗ trống khổng lồ gây ra bởi chiến tranh. Mặc dầu lúc ấy đường lên xuống Saigon-Cần Thơ, ụ, mô, mìn nổ và người chết là chuyện thường. Bây giờ ngồi hâm nóng kí ức của mình trong thời điểm ấy, những việc làm đó đối với chúng ta, không hẳn là niềm tự hào, nhưng cũng không phải là những gì dễ xoá mờ qua năm tháng.

       

    Những gì phải đến đã đến. Ngày 30/4/75, như chúng ta ước đoán. Anh Văn quyết tâm ở lại. Còn tôi không có khả năng tài chánh để ra đi. Các anh biết rõ điều này. Chính trước mặt chúng ta trước 30/4/75 anh Văn cũng khuyên anh em còn trẻ nên đi đi. Còn anh Văn, anh ấy bảo anh già rồi, đã trót nhận nhiều hàm ân của tổ quốc, anh không thể nào bỏ chạy để lại sau lưng hàng ngàn bệnh nhân đau yếu nghèo khó, một bịnh viện rách nát mà anh làm giám đốc gần 20 năm. Anh cũng không thể nào bỏ chạy để lại một khối nhân viên họ đã gắn bó với anh trong nhiều năm khói lửa. Anh Lê Văn đã ôm lấy tinh thần trách nhiệm cao anh đã trả một giá quá đắt khi anh phải đối diện với sự thật. Chuyên Chinh Vô Sản đã tước đoạt tài sản và quyền lợi của anh một cách đầy hận thù giai cấp. 

    Chúng tôi những người ở lại sau ngày 30/4/75 nhận những tai họa ngay trước mắt. Cộng sản trở tay quá sớm. Họ coi tất cả những người bên này vĩ tuyến 17 là kẻ thù cần phải triệt hạ hay cải tạo. Họ làm hoàn toàn trái ngược những gì họ nói trước khi họ chiếm trọn miền Nam. Ngay trong 24 giờ đầu, tất cả anh em bác sĩ ở lại đều được lệnh tập trung đi tù cải tạo. Chỉ có bác sĩ Lương Khai, Nguyễn Quốc và tôi không bị gọi tập trung đi tù cải tạo, vì chúng tôi thuộc thành phần trẻ, không có trong quân ngũ, không dính dáng đến chính trị. Nhưng bác sĩ Lương Khai và Nguyễn Quốc thuộc sản phụ khoa. Như vậy khoa ngoại có hơn 10 bác sĩ phẩu thuật, bây giờ chỉ còn có mình tôi…Đầu ngành khoa ngoại của bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa sau 30/4/75 là một bác sĩ cách mạng Nguyễn văn Ngôn thường gọi là Út Ngôn. Út Ngôn là bác sĩ của ‘R’, gốc người Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nguyên là lính của ‘Tiểu đoàn 307’, tập kết ra bắc năm 1954, tốt nghiệp y khoa Hà nội, hệ chính qui, chuyên về sọ não. Đó là những gì Út Ngôn tự giới thiệu trong buổi giao ban đầu tiên của khoa ngoại trong ngày tiếp quản. Trong buổi giao ban này anh cũng ‘tố’cha anh là một tên đại điền chủ khoa cử, có nhiều vợ. Anh ta là con của bà ‘vợ thứ’. Mẹ anh là chị ruột của một bác sĩ tiết niệu. Vì hổ thẹn với thành phần giai cấp gia đình, anh tự giác ngộ, đi theo cách mạng lúc 16 tuổi. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm với họ, tôi cứ tưởng anh ấy là tên cộng sản nghiệt ngã, ác ôn sớm đầu tối đánh, phản lại cha mẹ giòng họ và gia đình. Nhưng tôi lầm. Sau này tôi mới hiểu, sở dĩ Út Ngôn nói nhiều như vậy không ngoài mục đích anh cho chúng ta thầy anh cũng thoát thai từ ‘gêne’ khá tốt: trí thức tư sản.

    Đến ngày mùng 5 tháng 5, năm ngày sau ngày tiếp quản, Ủy Ban Quân Quảng quyết định chuyển qua bịnh viện dân y Thủ Khoa Nghĩa tất cả gần 3 trăm thương bịnh binh quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang điều trị bên quân y viện Phan Thanh Giản. Thế là khoa ngoại phải nhận tất cả thương bịnh binh của ta, quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khoa ngoại chúng tôi đâu có đủ bịnh phòng tiếp nhận anh em. Bác sĩ chỉ có một mình tôi. Phần lớn bác sĩ Út Ngôn coi về chính trị, tôi coi về chuyên môn. Chúng tôi chỉ có 24 giờ để sửa soạn tiếp nhận thương bịnh binh của ta.

    Anh Nhất, anh có biết gần 300 bịnh binh của ta di chuyển qua tôi như thế nào không? Chỉ có mươi mười lăm người chuyển qua tôi bằng vài chuyến ambulances, vì họ suy kiệt nặng quá. Như anh biết Viên Dân Y Thủ Khoa Nghĩa và Viện Quân Y Phan Thanh Giản có chung một bức tường. Nơi bức tường ấy có một cửa thông qua hai bịnh viện. Thường thì cửa này khóa chặt, Viện Quân y giữ chìa khóa. Biết thế các thương bịnh binh ta yêu cầu cách mạng mở cửa và anh em tự di chuyển qua tôi. Nhiều người cứ từng cặp dìu nhau đi qua cửa ải. Có anh mù cổng anh cụt hết hai chân. Họ đùm túm dắt díu nhau qua gặp tôi. Có anh em mừng, có người gần như muốn khóc khi tôi đến nâng dìu họ lên giường bịnh. Có anh mừng quá la lớn: “Gặp được phe ta rồi. Mấy ngày rồi thiếu thuốc men bác sĩ ơi. Cơm nước toàn do vợ nuôi. Nếu không có gia đình ở đây thì ăn cơm ‘chỉa’ với anh em”. 

     Ủy ban quân quản và Thành đội thành phố ra lịnh chúng tôi không được giử anh em thương bịnh binh ta trong viện quá 10 ngày. Tôi thầm kín huy động tất cả nguồn nhân lực và thuốc men còn lại của ta đổ dồn hết vào việc điều trị cho anh em. Cũng may vào thời điểm đó, còn quá sớm Cách mạng chưa kịp để mắt đến, kiểm kê hay kế hoạch phân phối kho thuốc của Vùng mà anh để lại. Trong thời gian này tôi có dịp đi qua thăm Quân y viện của bộ đội cách mạng. Tôi cũng đi ngang qua cái cửa ải đó để ký giấy tờ thâu nhận các anh em thương bịnh binh ta. Tôi mục kích cả một sự đau lòng: quân đội cách mạng thiếu hụt thuốc men, băng bó và lều trại bê bối. Sau cuộc chiến chúng ta mới có đủ thì giờ và cơ hội nhìn thấy vết thương đang chảy máu của nhau…


       Trong chiến tranh không có kẻ chiến thắng, chỉ có nạn nhân chiến tranh. Chiến tranh gây ra nghèo đói, đổ nát, lạc hậu, ngộ nhận, hận thù phi lý. Niềm kiêu hãnh lớn của anh em chúng ta và cả nước hôm nay là chúng ta cố gắng đoàn kết với nhau, đứng lên từ đổ nát của chiến tranh, bảo vệ hòa bình, phục hồi kinh tế, cũng cố độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng lại lòng tin yêu nhau, xóa bỏ những nhầm lẫn gây ra do cuộc chiến quá dài. Nhưng đó không phải là chuyện dễ làm. Có nhiều âm mưu, gọng kềm quốc tế, ngăn cách và bủa vây dân tộc ta trong thời hậu chiến. Tội ác lớn nhất của mọi thời đại là những kẻ xuyên tạc lịch sử chỉ vì lơi ích riêng quốc gia của họ, cho đảng phái, cho chủ nghĩa của họ. Phải không anh?


    Tôi nhớ lại một tối thứ bảy, cuối tháng 12, năm 74, lúc ấy Cần thơ trời se lạnh. Bác sĩ Trần Nghiệp tổ chức một bữa tiệc tại nhà hàng Hậu giang có mời vợ chồng tôi. Rất ngạc nhiên buổi tiệc được tổ chức trên lầu 2, trong một phòng rộng kín đáo khá đặc biệt. Chúng tôi hôm ấy gặp toàn các anh bác sĩ đầu ngành của Viện Quân Y của Quân đoàn 4. Các anh toàn người Bắc. Chỉ có tôi là người Ninh thuận. Sau vài tuần rượu bác sĩ Trần Nghiệp đi thẳng vào mục đích của buổi tiệc. Anh nói ngắn, gọn:

- Như chúng ta đã biết, hòa ưồc Paris đã ký kết hồi 23/1/1973: Mỹ rút quân trong danh dự. Việt cộng không ngừng vi phạm điều lệ của hiệp ước. Người Mỹ cứ dửng dung. Điều đó có nghĩa là số phận miền Nam đã được tính sổ. Vấn đề là thời gian thôi. Tôi tin cũng không lâu lắm, không quá sáu tháng tới. Vậy ta phải quyết định tương lai của chúng tan ngay từ bây giờ.

    Mọi người im lặng. Các bà há hốc nhìn chồng. Không khí nặng nề. Có tiếng ai thở dài. Bác sĩ Trần Văn vụt hỏi:

 - Vậy! Tam-thập-lục-kế, tôi xin hỏi anh Nghịêp, anh tính cho anh em kế nào? Phải chăng dĩ-đào-vi-thượng? 

    Bác sĩ Trần Văn hy vọng câu hỏi của mình mang một ít khôi hài sẽ làm cho anh em thoải mái và bớt căng thẳng. Không ngờ sau câu hỏi của anh, áp xuất trong phòng họp tăng lên nghiêm trọng. Bác sĩ Trần Nghịêp liền đứng dậy:

- Xin lỗi không ngờ tôi đã làm phiền các anh chị. Tôi cứ tưởng mình thật tình với anh em…

Có người cắt ngang lời bác sĩ Nghịêp và nói:

- Được Anh Nghiệp giúp đỡ như thế này thì quí hóa quá rồi, phúc đức lắm rồi. Vậy chúng ta cùng bàn tính ngay hôm nay và phải dứt khoát kế hoạch thôi.

- Xin thưa các anh chị, bác sĩ Trần Nghịệp nói tiếp, tình trạng đất nước bi đát như các anh đã biết đấy. Nếu anh chị nào muốn ra đi thì xin cho chúng tôi biết ngay hôm nay, để lo sắp xếp cho anh chị và nhờ thế phút chót chúng ta bay đi dễ dàng hơn. Nguyên tắc của người Mỹ: first come, first serve. Ai đến trước, đi trước!

 Buổi tiệc hôm ấy có tất cả 13 cặp vợ chồng. Tất cả lần lượt ghi danh di tản. Đến lượt vợ chồng tôi, tôi nói:

- Cám ơn các anh. Tôi không thể dứt khoát đi hay ở trong lúc này được vì chúng tôi còn cần xin ý kiến của thân sinh của tôi ở tận Phanrang. Vậy xin cám ơn các anh chị, phần chúng tôi xin để dịp khác.

 Nói đến đây tôi nghe vợ tôi sẻ kêu:

- Anh ơi! Đầu bà gục trên vai tôi.

Còn tôi sau khi nói, tôi ngồi như chết lịm. Bác sỹ Trần Nghịệp sửng sốt nhìn tôi. Tôi với anh Nghịệp rất thân như anh từng biết, có gì khó khăn trong nghề nghiệp hay biết được những gì mới trong y học, trong phẫu thuật, chúng tôi thường gặp nhau cùng san sẻ, cùng tìm hiểu và học hỏi. Anh không ngờ hôm nay tôi lại nói như vậy. Thật sự tôi không biết anh đang nghĩ gì về tôi. Tình bạn, tình đồng nghiệp gắn bó với nhau trong mấy năm qua thật sụ đối với tôi quan trọng hơn vấn đề quyết định đi hay ở hôm nay. Mất anh Nghịệp là một mất mát lớn cho tôi. Nhưng biết làm sao bây giờ. Khuya hôm ấy trên đường về vợ tôi than phiền: 

- Anh thật thà quá! Các anh em ai cũng quí anh. Giờ chót anh thiếu tế nhị, làm anh em ai cũng giận. Em lo quá. Mình khó gặp được một người bạn tốt như anh Nghịệp trong tương lai lắm anh.

    Anh Nhất, sở dĩ tôi dong dài với anh như vậy, là muốn anh biết việc di tản của các anh em được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Anh cũng thấy đó, không ai bỏ rơi tôi cả, ở lại là việc tự nguyện của tôi. 

     

     Dưới mắt người cộng sản, lúc ấy, tôi là bác sĩ ngụy và cũng là bác sĩ phẫu thuật duy nhất còn sót lại. Nghĩa là tôi là kẻ chậm chân không chạy kịp. Bịnh phòng đầy ấp bịnh nhân, bịnh cấp cứu nhiều quá, phần nhiều là tai nạn lao động nhất là nông dân. Sau 30/4/75 hòa bình trở lại vĩnh viễn trên đất nước. Ai cũng chăm lo vun xới lại ruộng vườn, cày sâu cuốc bẩm tăng gia sản xuất. Nói nghe văn chương vậy chứ thật sự lúc đó ai cũng đói. Họ đâu có biết dưới lớp đất chôn sâu dưới chân họ là bãi mìn đủ loại, đủ cỡ, mang nhiều danh tánh khác nhau: mìn nhái, mìn cóc, mìn râu, mìn rùa, mìn kíp…Một mặt trận mới vừa bung ra sau ngày thống nhất đất nước, mặt trận lao động sản xuất. Đó là cuộc chiến bi thương của thời hậu chiền. Cuộc chiến giữa nông dân đối đầu với những cốt mìn tự động, âm mưu thâm độc của kẻ xâm lăn.. Từ đồng bằng miền Trung đến đồng bằng Sông Hậu và khắp cả núi rừng Trường sơn đều là những bãi mìn. Có anh nông dân nạn nhân của mìn, vì đau đớn quá anh la lớn tại phóng cấp cứu khoa ngoại: “Tất cả mìn nhỏ này đều từ máy bay thả xuống, chun vào đất nằm chờ…chúng tôi biết hết chớ, nhưng phải đổi bát máu lấy bát cơm.”! 

  Câu nói này xem như điệp khúc bi tráng sau chiến tranh. Tôi cảm thấy không ân hận khi quyết định ở lại để có cơ hội chia sẻ với đồng bào, với bịnh nhân những năm tháng bi tráng ấy của cả nước trong thời hậu chiến.

 

   Út Ngôn hiểu biết về chuyên môn quá yếu trong 2 năm đầu tiếp quản, nên công tác phẫu thuật của anh bị giới hạn. Theo nguyên tắc tôi là bác sĩ Ngụy không được mổ ‘cán cao’, nhưng cấp cứu tôi cũng phải mổ. Út Ngôn đứng bên cạnh tôi phụ mổ đồng thời để học hỏi, bác sĩ Y Vụ đứng sau lưng tôi theo dõi. Bác sĩ Y Vụ lúc ấy là Hoàng quang Ánh đâu biết gì về chuyên môn, ông ta gốc người Nghệ an, bác sĩ bổ túc, bác-sĩ-đi-chân-đất. Ông ấy từ Cựu chiến binh Điên Biên mà đi lên. Họ thủ thế với mình kỹ quá. Không tin mình về chính trị, nhưng họ phải sử dụng mình trong chuyên môn. Làm việc gì mình cũng phải ngó trước ngó sau, phải hỏi ý kiến thủ trưởng. Thủ trưởng của tôi lại là Út Ngôn. Mình cũng khổ mà Cách mạng cũng khổ. Cộng sản thường rêu rao: “trước mặt thầy thuốc tất cả mọi người đều bình đẳng”. Không đâu anh. Cộng sản là chế độ có nhiều giai cấp. Cán bộ thì có: Sơ, Trung, Cao. Ăn uống thì cũng có: Tiểu táo, Trung táo, Đại táo…Khi nằm viện thì chế độ bịnh phòng cũng khác. Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, chế độ sinh hoạt rất khác nhau: kẻ thì hưởng thụ theo khả năng (khả năng làm việc, chứ không phải khả năng hưởng thụ), người thì hưởng thụ theo nhu cầu (họ cần gì thì có cái đó cho họ). Ngày xưa ở những năm 50 ở thế hệ của chúng ta các anh em đọc “Les Nouvelles Classes” của Djlas. Lúc đó anh em chúng ta có người còn ngờ ngợ. Sau nam 75 giáp mặt với thực tế, nghĩ mà thương Djlas bị Tito vùi dập…


    Bác sĩ Nguyễn Văn Ty, Đầu ngành Ngoại Tim mạch của bịnh viện Việt Đức tại Hà nội, nguyên Trung tá bác sĩ tham chiến chiến trường Điện Biên, tháng 10 năm 1976 ông đi tham quan các bịnh viện ở các tỉnh phía Nam. Không hiểu vô tình hay cố ý, vừa ghè thăm ban lãnh đạo bịnh viện, bác sỹ Nguyễn Văn Ty liền xuống thăm phòng phẩu thuật. Bác sĩ Ty, gặp tôi trước cửa phòng Cấp Cứu Hồi Sinh của khoa ngoại, anh gọi tên tôi trong giọng thân mật như đã quen than nhau lâu lắm:

- Anh Thể đó hả! Tôi đến gặp anh đây. Anh vẫn bình thường chứ? Tôi là bác sĩ Ty, bác sĩ đầu ngành ngọai tim mạch ở bịnh viện Việt Đức, Hà nội. Gớm! Cái anh này trẻ thật. Trẻ quá đi thôi. Quí hóa quá. 

   Thú thật tôi hòan toàn bị động trước lời lẽ chân thật và đầy thương yêu của anh ấy. Còn anh ấy đang có ý nhìn chung quanh. Tôi nghĩ là anh đang quan sát phòng cấp cứu của tôi. Tôi ấp úng nói:

- Thưa anh…

Tôi chưa kịp nói tiếp, anh liền phác tay:

- Phòng cấp cứu hồi sinh tổ chức khéo quá, bề thế mà không kềnh càng, trang bị tối tân.

Sau khi trao đổi với tôi một vài ý kiến về chuyên môn trong phòng hồi sinh, anh nắm lấy cánh tay tôi, chúng tôi cùng ra ngoài. Anh nói:

- Ở đây mát quá anh nhỉ! Nhờ sông Bassac rộng. Anh rán làm việc. Người ta sẽ tin mình. Năm năm người ta không tin mình thì mười năm. Mười năm người ta không tin mình thì hai mươi năm, ba mươi năm người cũng phải tin mình. Như tôi bây giờ vậy, anh thấy chưa? Nói xong trán anh đượm mồ hôi, anh xoắn tay áo lên tận khuỷu. Tôi thoáng thấy một khỏang tím bầm như xuất huyết dưới da nơi khuỷu tay anh. Tôi nắm khuỷu tay anh tôi hỏi:

- Sao vậy anh?

Anh cười. Anh phủ tay áo lại. Anh nói:

- Cách đây năm hôm, trước khi đi thăm quan các bịnh viện thuộc các tỉnh phía Nam, tôi bán nửa lít máu để lấy tiền bồi dưỡng cho cậu con trai tôi luyện thi vào trườngY Hà nội.  

   Nghe nói thế, tôi há hốc nhìn anh. Anh lại phác tay:

- Có gì đâu! Rồi anh sẽ cũng như tôi!

   Anh trông có vẻ vội vã. Hình như anh đang phát hiện một điều gì. Anh nói:

- À, tôi đi thôi. Mai sẽ gặp lại anh để thăm khoa phòng khoa ngoại.

   Anh bắt tay tôi. Anh đi nhanh. Anh nói ngoái lại:

- Anh còn trẻ chán. Không có gì là muộn đối với anh cả.

Tôi quay lai, vào phòng cấp cứu hồi sinh, tôi thoáng bắt gặp ánh mắt của bác sĩ Nguyễn Văn Xuyền ẩn sau tấm cửa ‘porte battante’ anh vừa theo dõi câu chuyện chúng tôi. Bác sĩ Xuyền vào khoảng 30, 35 tuổi, bác sĩ bổ túc, chuyên về Nội khoa, người Bắc, cán bộ chi viện cho Miền Nam Việt Nam từ Hà Nội.  Anh là lãnh đạo tổ chức Thanh Niên của bịnh viện. Anh ca bài “Hà nội- Niềm Tin vC Hy vọng” khá hay.

      Suốt ngày hôm đó tôi suy nghĩ mãi về bác sĩ Ty. Anh là ai? Cộng sản khó lường quá!  Không ai giới thiệu anh cho tôi cả. Ban lãnh đạo bịnh viện không hề nói tôi được phép tiếp xúc với anh. Theo điều lệ đảng ủy và ban lãnh đạo bịnh viện dành riêng cho tôi: khi những người ngoại quốc như nhân viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc hay nhân viên phái đoàn ngoại quốc như phái đoàn Quakers của Mỹ chẳng hạn, và có điều lạ hơn nữa ngay cả với các bác sĩ hay giáo sư Trường Y Hà nội, hay các bác sĩ đầu ngành của bịnh viện thuộc các tỉnh phía Bắc (ngoài Bắc), muốn tiếp xúc với tôi, hay tôi muốn tiếp xúc với họ, phải được sự đồng ý hay giới thiệu của ban lãnh đạo bịnh viện hay của đảng ủy. Tiếp xúc với họ tôi chỉ trao đổi bằng tiếng Việt, nếu với người nước ngoài thì luôn luôn có thông dịch viên do Cách mạng cung cấp. Tuyệt đối không được nói chuyện với bác sĩ ngoài Bắc bằng tiếng Pháp. Để tiện việc, nhiều khi có người ngoại quốc hay người lạ đến, tôi được yêu cầu ở nhà. Vào những lúc ấy, nếu có cấp cứu, hay phẫu thuật gặp khó khăn, Cách mạng cho xe ambulance đến nhà rước. Vào bịnh viện tôi đi thẳng vào phòng phẫu thuật, xử trí phẫu thuật, ổn định tình trạng bịnh nhân, sau đó có xe ambulance đưa tôi thẳng về nhà...Có điều lạ, khi đi thăm khoa phòng với bác sĩ giám đốc hay với Út Ngôn, bác sỹ Ty tỏ ra mình có quyền uy. Ông ta khuyên họ làm điều này, chỉ cho họ làm điều nọ. Các anh đều tuân thủ nghe theo. Các anh ấy khi nói chuyện với bác sĩ Ty, khi thì thưa anh, khi thì thưa giáo sư. Còn đảng ủy, xem mặt họ thì biết, không mấy phấn khởi khi nói chuyện với bác sĩ Nguyễn Văn Ty..

    Sáng hôm sau, tôi vừa ra khỏi phòng giao ban, gặp ngay bác sĩ Ty, tôi vẫn lặng thinh, chỉ bắt tay chào anh ấy. Chúng tôi bước vội xuống thăm khoa phòng khoa ngoại. Khi đến trại 15 là Trại Xương dành cho Chấn thương và Chỉnh trực, một trại cũ kỷ, lợp bằng ‘tôn’, vòm cong, han rỉ. Trại này được xây dựng từ năm 1953. Và tôi cũng cho bác sỹ Ty biết trước 75 tôi là Bác sĩ trưởng trại này và tôi cũng là bác sĩ đầu ngành phẫu thuật Chấn thương và Chỉnh trực của bịnh viện. 

    Đứng trước bác sĩ Lương Định, nữ bác sĩ vừa chi viện từ Hà nội, bác sĩ Ty lên tiếng phê phán:

- Bọn Ngụy tệ thật, dư tiền mua bom đạn, đánh phá Cách mạng, gây thương tích không biết bao nhiêu người mà vẫn để ‘Trại Xương’, một trại chứa toàn nạn nhân của bom đạn tồi tệ như thế này. Nó vẫn để như vậy trong mấy mươi năm qua.  

 - Thưa anh, tôi nói, sau 30 /4/ 75 tôi có mạnh dạn đề nghị xin xây lại trại mới, mà gần 2 năm rồi đấy anh…

    Bác sĩ Ty lặng thinh, kéo tôi lên thăm phòng phẩu thuật. Dọc hành lang, bác sĩ Ty nói vừa đủ cho tôi nghe:

- Đừng có lắm đề nghị, còn nhiều khó khăn lắm…đừng để ai hiểu lầm mình…

Phải nói là Bác sĩ Ty choáng ngộp khi bước vào phòng phẩu thuật và phòng tiếp liệu của chúng tôi. Anh mở mắt nhìn gần 20 bộ đại phẫu tiên tiến dành cho: Tim mạch, Tổng quát, Chấn thương, Sọ não, lồng ngực, Tiết niệu, Phụ khoa.v.v…Anh mân mê từng bộ phận của bộ đại phẩu Tim mạch mà tôi mở cho anh ấy xem. Anh nâng niu từng vascular clamp làm bằng plastic mềm, anh nói với giọng thiết tha:

- ‘Các mẩu này’, khi ta có nó mà dùng nó thì tuyệt vời, hầu như không gây tổn thương cho thành động mạch.

   Tôi thật sự vô cùng cảm kích trước sự bày tỏ chân thành của bác sĩ Ty. Tôi cho anh xem một thùng gần một thước khối chứa toàn những mẩu nhân tạo của hệ thống tim mạch (cardiovascular prothesis). Anh đứng ngơ ngẩn, nhìn ngấm, ve vuốt, mân mê từng động mạch thận, động mạch háng, cross aorta v.v…Anh ấy nói: 

- Ở bịnh viện Việt Đức chúng tôi có một số, rất ít, quí lắm, quà tặng của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Chỉ có anh Tùng và tôi mới dùng các món này, nhưng cũng gần hết rồi, hiện chúng tôi chỉ còn vài ba mẩu.

    Nghe bác sĩ Ty nói tôi thật sự xúc động. Tôi bèn lấy một hộp vuông vức mỗi bề 3 tấc, và tôi hỏi bác sĩ Ty là anh muốn cái nào tôi sẽ cho anh cái đó. Tôi sẽ cho anh anh đúng một hộp đầy, 27 tấc khối để cho anh mang về Bịnh viện Việt Đức cho anh và thầy Tùng dùng.  

     Bác sỹ Ty xoe tròn đôi mắt nhìn tôi. Anh lúng túng:

- Như vậy là một thùng 27 tấc khối có nhiều lắm không anh? Bác sĩ Ty thật tình hỏi tôi.

- Thưa anh, tụi này có cả thùng một thước khối như vậy mà ít có dịp dùng vì đội phẩu thuật tim mạch của chúng tôi một phần ở lại đi học tập cải tạo, một phần di tản qua Pháp như bác sĩ Phạm Vĩnh đã trở lại bịnh viện của đai học Montpellier.

    Tôi nhờ cô điều dưỡng thân tín nhất của tôi giúp bác sĩ Ty lựa và gói cho anh ấy một thùng thật tươm tất. Xong tất cả, anh đứng mân mê cái thùng, anh nâng nó lên, anh đỡ nó xuống, nó rất nhẹ vào khoảng một kilo ngoài. Tôi rất ngạc nhiên anh không dám mang về. Anh gửi lại phòng tiếp liệu.  Anh nói:

- Cái này không thể để ở ngoài tối nay được. Tôi xin gửi lại đây, sáng mai tôi đến lấy và lên máy bay về luôn…Anh nhìn tôi một chập, rồi nói giọng rất khẻ:

 - Đó là tài sản của quốc gia!

Ngày hôm sau, lúc 8 giờ sáng tôi bước vào phòng mổ, tôi nghe bác sĩ Út Ngôn khiển trách cô điều dưỡng phòng mổ thân tín của tôi. Út Ngôn thì lớn tiếng, cô ấy thì khóc sướt mướt. Chợt thấy tôi bước vào, bác sĩ Út Ngôn gọi:

- Này Anh! Út Ngôn vừa chỉ vào cái hộp tôi biếu cho bác sĩ Ty, vừa nói:

- Những cái gì ta có hôm nay trong phòng tiếp liệu này, đều là từ máu xương của cách mạng. Biết bao hy sinh chúng ta mới tước đoạt từ tay kẻ thù những gì ta có hôm nay. Không một ai có quyền coi như của riêng tư mà tự ý chia chác hay biếu xén cho ai cả!...

    Tôi biết Út Ngôn đang giận. Mặt anh ấy tái tím. Tôi biết tôi có lỗi là tôi không xin ý kiến của anh trước khi tôi tiếp xúc với bác sĩ Ty. Không! Không phải như vậy. Tôi hoàn toàn sai. Cơ bản vấn đề là ở chỗ khác. Bác sĩ Út Ngôn, không bao giờ gọi tôi bằng anh. Anh lớn hơn tôi 6 tuổi. Thường anh gọi tôi bằng em trong những lúc riêng tư. Trước mặt mọi người anh gọi tôi bằng bác sĩ cũng như anh gọi tất cả các bác sĩ của chế độ cũ. Nhưng hôm nay Út Ngôn gọi tôi như vậy, có nghĩa là anh đấu tranh quyết liệt. Thú thật tôi rất e dè. Tôi nói:

- Thưa anh không có gì đâu, chỉ vài ba cái mẩu nhân tạo về các bộ phận tim mạch. Thưa anh, vốn dĩ Bác sĩ Ty cũng là thầy giáo của anh tại trường Y Hà nội. Tôi có lỗi là tôi không xin ý kiến của anh. Tôi vô cùng hồi hận về thiếu sót đó…

- Vấn đề không phải là anh có lỗi hay không có lỗi và cũng phải là bác sỹ Ty là thầy của tôi hay không phải là thầy của tôi.

    Tôi thật thà bảo:

- Chúng ta không cho thầy Ty hôm nay, mai mốt Trung ương vào kiểm kê. Ta đâu có thể ôm chặc mãi cho ta được. Trung ương sẽ phải phân phối có thể bổ sung cho các bịnh viện thuộc các tỉnh phía Bắc, nhất là các bịnh viện thuộc Trường Y Hà nội. Điều đó cũng đúng thôi vì họ đang thiếu trầm trọng.

- Thiếu? Thì ai cũng thiếu cả. Ta có được là vì ta đổ máu mới có. Máu của dân miền Nam không chia chác biếu xén cho ai cả. Chừng nào Trung ương vào kiểm kê thì sẽ hay. Lúc ấy chúng ta sẽ có kế hoạch…

    Tới đây tôi thấy rất khó mà thương lượng với bác sĩ Út Ngôn trong tình thế như thế này. Tôi bước vội ra ngoài để xem bác sĩ Ty đến chưa. Tôi gặp phải bác sĩ Lương Định đang chạy vội đến tôi. Với giọng thản nhiên, chị nói vừa đủ cho tôi nghe:

- Bác sĩ Ty cám ơn bác sĩ rất nhiều. Thôi, cái hộp đó rắc rối lắm. Bác sĩ xử trí với Út Ngôn cho khéo, đừng để xảy ra những ‘lôi thôi’ cho bác sĩ.  Bác sĩ Ty xin lỗi bác sĩ, không gặp được bác sĩ vì sợ trễ máy bay…

    Rồi bác sĩ Lương Định đứng sát vào tôi, chị ấy khẻ nói:

- Làm gì anh ấy quát tháo quá quắt vậy! Không cho bác sĩ Ty hôm nay, sau này Trung ương vào kiểm kê đâu cũng vào đấy.


     Có lẽ đó là sự khác biệt nhỏ nhoi giữa tôi và bác sỹ Ut Ngôn. Sau đó chúng tôi làm việc mỗi ngày một gần gũi nhau hơn. Có lúc anh bẻ đôi củ khoai lang luộc chưa kịp bốc vỏ chia cho nhau bỏ vào mồm ngấu nghiến. Chúng tôi vừa ngoàm ngàm khoai vừa bàn tính vừ xử trí phẫu thuật và hậu phẫu của một cas nào đó đang trong tình trạng cấp cứu. Thú thật ngoại trừ với thầy tôi, các vị giáo sư trường Y Sài gòn và các bạn bè nội trú cũ của tôi, tôi chưa làm việc với ai mà gần gũi thân thiết và kính trọng lẫn nhau như tôi làm việc với bác sĩ Út Ngôn. Qua mắt tôi, Út Ngôn là một bác sĩ cầu tiến, giàu lòng nhân đạo và yêu nước.

      Tình thế càng khó khăn bấy nhiêu, tôi và bác sĩ Út Ngôn càng làm việc khắng khít với nhau bấy nhiêu. Có lúc anh em thật gần gũi. Những lúc đó, anh có nói những câu xa gần, đại khái là tay nghề của anh bây giờ khá vững nhờ những năm làm việc chung với nhau. Anh không bao giờ quên những chặng đường ấy. Nói xong anh vội bước đi, để mặc tôi ngơ ngác với câu nói của anh. Tôi suy nghĩ mãi về anh như lần đầu tôi gặp bác sĩ Nguyễn Văn Ty. Trong bác sĩ Nguyễn văn Ngôn lại có một bác sĩ Nguyễn Văn Ty. Có phải chăng trong còn người cộng sản, con người quốc gia vẫn còn chôn sâu trong tận cùng tâm hồn họ…

     Chủ nhật cuối tháng hai năm 1979, lúc 2 giờ sáng tôi được điều vào bịnh viện để mổ cấp cứu cho một cán cao, công an biên phòng. Ông ta bị thương trong một cuộc đụng độ với người vượt biên do biệt kích Mỹ tổ chức. Tôi chi nghe nói vậy. Ông ta bị thương rất nặng! Dĩ nhiên có bác sĩ Giám đốc, bác sĩ Út Ngôn đứng bên cạnh tôi trong phòng phẫu thuật. Sau 3 giờ liền can thiệp phẫu thuật tình trạng bịnh nhân được ổn định. Lúc đó 5 giờ sáng. Theo đề nghị của bác sĩ Y vụ, tôi ngủ lại phòng bác sĩ trực thay vì về nhà. Vì mệt, vừa đặt lưng xuống tôi ngủ ngay thẳng giấc đến sáng. Khi thức dậy đã 8 giờ sáng. Tôi làm giường, tháo mùng lật gối. Khi lật gối, tôi giật mình khi thấy một cây súng ngắn đặt dưới gối nằm của tôi. Tôi vô cùng sợ hãi và bối rối khi nghĩ lại đêm qua tôi ngủ gối đầu trên cây súng ngắn mà tôi không hay. Tôi không dám sờ tới nó. Tôi bàng hoàng suy nghĩ. Như thế này thì hết tình hết nghĩa rồi. Tôi không ngờ tôi lại rơi vào hoàn cảnh bức bách như bây giờ. Vấn đề tôi phải ra đi trở thành bức xúc với cách mạng đến thế sao? Tôi muốn biết tại sao như vậy? Sau cây súng ngắn này Cách mạng sẽ vẽ chuyện gì nữa đối với tôi? Với gia đình tôi? Nhìn đồng hồ thấy hơn 8 giờ sáng, tôi bốc điện thoại gọi Mười Nhân, bác sĩ bịnh viện trưởng và cho ông ta hay là có kẻ xấu lận cây súng ngắn dưới gối nằm của tôi tại bịnh viện trong đêm qua. Ông ta trả lời trong một giọng rất bình thường:

- À, cây súng ngắn phải không? Chắc Út Ngôn đêm qua, cùng tôi xuống thăm bác sĩ mổ cấp cứu, anh ấy ghé phòng trực bác sĩ, chính anh ấy làm giường và treo mùng cho bác sĩ nghỉ sau khi mổ cấp cứu. Hình như sau đó anh ấy dấu cây súng dưới gối nằm của bác sĩ. Hồi khuya lúc về anh ấy quên ghé lấy. Bác sĩ cứ gọi cho anh Út Ngôn hay. Anh ấy sẽ đến lấy hay anh ấy cho các em bảo vệ đến lấy. Sau đó tôi gọi bác sĩ Út Ngôn, cũng trong giọng bình thường anh ấy bảo là anh ấy bỏ quên cây súng dưới gối nằm của tôi và anh ấy sẽ bảo các em bảo vệ đến lấy. Cũng như bác sĩ bịnh viện trưởng bác sĩ Út Ngôn không một lời xin lỗi tôi.

    Chuyện cây súng ngắn bỏ quên dưới gối nằm của tôi như một quả lựu đạn nổ tung trong bịnh viện, mặc dầu tôi muốn giữ kín chuyện đó, tôi không muốn gây ra tư tưởng hoang mang của các nhân viên trong bịnh viện. Thật tình mà nói lúc nào tôi cũng quí anh Út Ngôn. Tôi thật sự cảm động khi nghe bác sĩ bịnh viện trưởng cho tôi hay là chính anh Út Ngô giăng mùng làm giường cho tôi ngủ đêm hôm đó. Có điều lạ là người bung tin cây súng bỏ quên dưới gối nằm của tôi lại là một bác sĩ Cách mạng, bác sĩ Xuyền, bác sĩ bổ túc, chuyên về nội thương, chi viện từ Hà nội, lãnh đạo thanh niên trong bịnh viện từ năm 1975! Thật sự, từ đầu năm 78 những lúc rỗi rảnh và hình như chiều nào anh cũng có những lúc rỗi rảnh đó, bác sĩ Xuyền thường lội qua khoa ngoại, tìm gặp anh em bác sĩ chính quyền cũ còn được lưu dụng, anh cứ nói xa gần là khuyến khích chúng tôi bỏ nước ra đi: “Các anh ở lại làm gì? Ai tin các anh mà các anh ở lại? Không lẽ các anh quyết tâm ở lại chờ ăn độn với chúng tôi?”.  Khi nói về sự tích cây súng bỏ quên dưới gối nằm của tôi, bác sĩ Xuyền bao giờ cũng chua thêm: “Tôi như bác sĩ Thể tôi đi thôi! Bạn bè đi hết, hà cớ gì bác sĩ Thể ở lại một mình?”

     Tôi đem chuyện cây súng nói cho anh Le Văn hay, anh ấy rất lo cho tôi. Anh Lê Văn khuyên tôi: “cũng không có gì là muộn cả, ‘toi’ còn trẻ hãy lo liệu mà đi thôi. Anh em ai cũng bỏ chạy cả rồi. Và Cách mạng đã quyết tâm như vậy biết làm sao bây giờ! Thôi thì tổ chức đi đi, có thiếu hụt thì ‘moi’ tiếp cho. Anh Nhất, khi nhắc lại giai đoạn này tôi cảm nhận sâu sắc tấm lòng hào hiệp của anh Lê Văn. Anh ấy lúc nào cũng cưu mang chúng ta.


    Anh Nhất khi tôi viết đến những dòng này cả nước Mỹ đang bước vào mùa bầu cử tổng thống 

cho nhiệm kỳ 2004-2008. Tại đại hội của đảng Dân chủ, ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ          John Kerry, được giới thiệu đến đại hội và những cử tri hâm mộ, ông ta là một con người được đào tạo từ chiến tranh Việt Nam (a man forged in VietNam)! Một người bạn của John Kerry  cũng là cựu chiến binh tại Việt Nam, đã khẳng định tại đại hội: “ Với cựu tổng thống Jimmy Carter nhờ có cánh đồng đậu phọng tại Georgia, với Bill Clinton nhờ có tư tưởng “Người Đến Từ Hy Vọng”, (man from hope), với John Kerry ông sẽ thắng cử nhờ ông có ViệtNam!(he does have VietNam)…Những cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ từ thời tổng thống Lyndon Johnson, 1964, trong suốt 40 năm qua và nhiều thập niên tới nữa của thế kỷ thứ 21 vẫn khét mùi thuốc súng của chiến tranh Việt Nam.


     Ngày 4/4/79 tôi mang vợ con, rời bỏ tổ quốc. Sau đúng 25 năm sống lưu vong tại Mỹ, bây giờ ngồi viết thư cho anh cũng để hâm nóng lại ký ức của chúng mình, rất thương tiếc còn đâu ngày tháng cũ. Nhìn lại những chặng đường dân tộc, tổ quốc và bản thân chúng ta đã đi qua, tôi nghe rạt rào xót thương mừng tủi, thấy lòng mình kiêu hãnh về lịch sử đấu tranh của giống nòi. Tổ quốc vẫn gần gũi với ta như vú mẹ từ thuở sơ sinh. Anh Lê Văn đã ra đi, nhưng những đóng góp tích cực và cống hiến của chúng ta cho tổ quốc khi anh Le Văn còn sống vẫn còn đó. Hẳn nhiên nó không phải là những gì ghê gớm lắm, to tát lắm, nhưng những cống hiến ấy không thể bị xóa mờ qua năm tháng trong tâm hồn của chúng ta.

  

 Anh Nhất, mình xa nhau lâu quá, thời gian có thể làm tàn phai những gì đáng nhớ giữa chúng ta .Chiến tranh và cuộc sống đã xô giạt chúng ta đến bến bờ xa lạ. Dù sao đi nhữa chúng ta không thẻ nào quên được có một thời chung ta cùng chung lí tưởng.Tôi hy vọng anh đồng ý: Dù cảnh trang lịch sử của đất nước hôm nay tốt hay xấu chúng ta cũng có một phần trách nhiệm với tổ quốc. Phải không anh?....

Vô cùng tha thiết


Đào Như

Oak park, Illinois, USA

Sept/07/04



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vô gia cư trong vụ kiện liên quan đến chính sách chống lối sống lang thang (anti-vagrancy) của một thành phố phía tây nam Oregon. TCPV sẽ xem xét, xác định tính hợp pháp của các luật mà nhiều địa phương áp dụng để cấm người vô gia cư cắm trại, dựng lều trên đường phố và công viên công cộng, theo Reuters.
Trong ngày đầu tiên của phiên tòa hình sự tại New York, xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ các công tố viên cho biết cựu Tổng thống đã vi phạm luật pháp và phá hoại quy trình bầu cử năm 2016 bằng cách cố gắng che giấu việc có quan hệ tình dục với một tài tử phim khiêu dâm. Trong khi đó, luật sư bào chữa tuyên bố Trump không phạm tội, theo Reuters.
Nhiều tháng qua, đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ luôn tìm cách ngăn chặn việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, một dự luật mà tổng thống Joe Biden thúc giục thông qua lâu nay. Sau nhiều cuộc đàm phán giữa hai đảng, cảnh bế tắc tại nghị trường làm cho công luận thế giới càng bi quan hơn về triển vọng chiến thắng quân Nga trên chiến trường Ukraine...
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
California có thể tự hào với nền y tế hướng tới toàn dân của mình, với khoảng 15 triệu cư dân (tương đương 1/3 dân số) đang được hưởng Medi-Cal
Theo hai nguồn tin an ninh Iraq và một viên chức Hoa Kỳ, có ít nhất 5 hỏa tiễn đã được phóng từ thị trấn Zummar của Iraq nhắm tới một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đông bắc Syria vào Chủ Nhật (21/4), theo Reuters.
Nhà báo Terry Anderson đã qua đời hôm Chủ Nhật (21/4), thọ 76 tuổi. Ông từng bị phiến quân Hồi Giáo bắt giữ gần 7 năm ở Lebanon, và trở thành biểu tượng cho tình cảnh khốn khó của các con tin người phương Tây trong suốt cuộc nội chiến 1975-1990 ở nước này, theo Reuters.
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
Nhà văn, sử gia Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu đã ra đi. Tên khai sanh là Vũ Ngự Chiêu, sử dụng hai bút hiệu là Nguyên Vũ và Chính Đạo. Ông sinh ngày 6 tháng 10/1942 tại Hải Dương, VN, và từ trần ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.
Donald Trump đã tung ra một loạt bài đăng trên mạng xã hội yêu cầu quyền miễn tố của tổng thống và đe dọa những người tiền nhiệm trước khi bước vào ngày thứ tư của phiên tòa hình sự hôm thứ Sáu. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ nghe các tranh luận vào tuần tới trong đơn kháng cáo của Trump đối với vụ truy tố về lật đổ cuộc bầu cử ở Washington, D.C.,
Các thành viên trong đại gia đình của dòng họ Kennedy phần lớn đã xa lánh chiến dịch tranh cử tổng thống của Robert F. Kennedy Jr., gọi nó là nguy hiểm và chính thức ủng hộ việc Tổng thống Biden tái tranh cử. Dòng họ Kennedy đã đưa ra sự chứng thực chính thức và nhấn mạnh vào thứ Năm, Politico đưa tin, xuất hiện cùng Biden vào thứ Năm tại Philadelphia.
Trung tâm chiếu khán Quốc gia (NVC) là một bộ phận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đây là trung tâm duyệt xét tất cả các đơn xin chiếu khán di dân cho những người sống bên ngoài Hoa Kỳ. NVC duyệt xét các đơn xin chiếu khán di dân theo diện gia đình đối với các đơn đã được Sở Di Trú chấp thuận. NVC cũng thực hiện việc thanh toán phí, thu thập giấy tờ và cung cấp dịch vụ khách hàng cho đương đơn. Sau khi quá trình duyệt xét ở NVC hoàn tất, họ gửi hồ sơ đã được phê duyệt đến lãnh sự quán Hoa Kỳ để tiếp tục quy trình duyệt xét.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
Tòa Bạch Ốc đã chỉ đạo NASA thiết lập một tiêu chuẩn thời gian thống nhất cho Mặt Trăng và các hành tinh khác trong thái dương hệ. Trong tình hình ngày càng có nhiều quốc gia và công ty tư nhân tham gia vào cuộc đua khám phá Mặt Trăng, Hoa Kỳ đang muốn thiết lập các quy chuẩn quốc tế cho những hoạt động trong không gian vũ trụ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.