Hôm nay,  

Thời Sự Trong Tuần

12/03/202100:00:00(Xem: 1448)
THOI SU TRONG TUAN 01

Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) gõ chiếc búa của bà sau khi Hạ Viện đã bỏ phiếu thông qua gói tài trợ vi khuẩn corona H.R. 1319 tại Hội Trường Hạ Viện của Thủ Đô Hoa Kỳ hôm 10 tháng 3 năm 2021 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng, Hạ Viện đã thông qua dự luật trợ giúp Covid-19 1.9 ngàn tỉ đô la, được đặt tên là Kế Hoạch Cứu Cấp Người Mỹ, đã được sửa đổi của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong thành công lập pháp lớn đầu tiên của chính phủ.(Photo Getty Images)

 
Đối với hầu hết người dân Mỹ trong tuần qua điều làm cho họ hoan hỷ nhất chính là việc Quốc Hội đã OK và Tổng Thống Biden đã ký ban hành gói kích cầu trị giá 1.9 ngàn tỉ đô la mà trong đó gửi trực tiếp cho người dân Mỹ $1,400 và gia hạn tiền trợ cấp thất nghiệp liên bang tới tháng 9. Tình hình đại dịch trong tuần qua cũng đã lắng xuống thấy rõ khi việc chích ngừa tiếp tục tiến hành rộng rãi trong công chúng Hoa Kỳ.
 
Dự Luật Kích Cầu 1.9 Ngàn Tỉ MK Đã Được Hạ Viện OK, Biden Sẽ Ký Vào Thứ Sáu, Gửi $1,400 Cho Hầu Hết Người Dân Mỹ, Gia Hạn Tiền Thất Nghiệp
 
Dự luật tài trợ 1.9 ngàn tỉ đô la của Tổng Thống Joe Biden để giúp người Mỹ đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được Hạ Viện thông qua vào Thứ Tư, 10 tháng 3 năm 2021, theo bản tin của CNN hôm Thứ Tư.

Hạ Viện do Dân Chủ kiểm soát đã bỏ phiếu cho dự luật dù không có sự ủng hộ của Cộng Hòa, với tỉ số phiếu 220-210 vào trưa xế Thứ Tư, giờ Miền Đông Hoa Kỳ.

Dự luật đã được Thượng Viện thông qua sẽ được đưa tới bàn giấy của ông Biden để ký ban hành thành luật.

Bản tin của BBC Tiếng Anh hôm Thứ Tư, nói rằng dự luật Covid-19 thứ sáu này sẽ là chiến thắng lập pháp quan trọng đối với Ông Biden.

Theo thăm dò vào tháng 3 của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, 70% người Mỹ lớn tuổi bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật, gồm 41% là Cộng Hòa.

Nhưng Cộng Hòa tại Quốc Hội đã chống lại mức giá của dự luật.

Dự luật cuối cùng gồm gửi một lần trực tiếp cho hầu hết người Mỹ $1,400 và gia hạn tiền thất nghiệp hàng tuần cho đến tháng 9.

Dự luật cũng tài trợ 350 tỉ đô la cho các chính quyền tiểu bang và địa phương, khoảng 130 tỉ đô la cho việc mở cửa lại các trường học, 49 tỉ đôla để mở rộng việc thử nghiệm và nghiên cứu Covid-19, cũng như 14 tỉ đô la cho việc phân phối thuốc chích ngừa Covid-19.

Vấn đề tăng tiền lương tối thiểu trên toàn quốc từ $7.25 lên $15 một giờ đã bị loại bỏ ra khỏi dự luật cuối cùng này.

Bản tin của CNN nói rằng Hạ Viện thông qua dự luật trợ cấp Covid-19 lót đường cho Tổng Thống Biden sẽ ký ban hành thành luật là ưu tiên lập pháp hàng đầu của ông.

Theo CNN, tham vụ báo chí Bạch Ốc Jen Psaki cho biết hôm Thứ Tư rằng Biden sẽ ký thành luật vào trưa xế Thứ Sáu tại Bạch Ốc.
 
Nhóm Tuần Tra Bằng Chân Tại Phố Tàu Ở Thành Phố Oakland, California, Giúp Bảo Vệ Người Mỹ Gốc Á Khỏi Bị Bạo Hành Thêm Nữa
 
Một nhóm tuần tra bằng chân mới đã được thành lập tại khu phố Tàu của thành phố Oakland, California để bảo vệ những người Mỹ gốc Á Châu khỏi bị bạo hành thêm nữa, theo bản tin của Yahoo News cho biết hôm 2 tháng 3 năm 2021.

THOI SU TRONG TUAN 04

Nhóm Tuần Tra Bằng Chân Tại Phố Tàu Ở Oakland, California. (www.Yahoo.com)


Qua nhiều tuần lễ, sự gia tăng các vụ chống người Mỹ gốc Á đã được báo cáo trên toàn quốc, châm ngòi cho các cuộc biểu tình đoàn kết và các sáng kiến cộng đồng.  Riêng tại Phố Tàu của Oakland, ít nhất 20 vụ tấn công được ghi nhận trước tháng 2, gồm vụ tấn công một người đàn ông 91 tuổi là người đã bị xô ngã xuống đất.

Đối phó lại với tình trạng này, tổ chức bất vụ lợi East Bay Toishan Association gần đây đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của nhóm tuần tra bằng chân tại Phố Tàu ở Oakland. Được hậu thuẫn bởi Phòng Thương Mại Phố Tàu Oakland, Hội Sức Khỏe  Tâm Thần Cho Các Cộng Đồng Người Trung Hoa, Hệ Thống Môi Trường Á Châu Thái Bình Dương và Tổ Chức Người Mỹ Gốc Á và Đảo Thái Bình Dương, nhóm thiện nguyện không vũ trang này sẽ cung cấp thêm việc quan sát và lắng nghe để xác định các cuộc tấn công chống lại người Mỹ gốc Á thêm nữa. Những thiện nguyện viên này cũng sẽ báo cáo các sự kiện, nếu có, cho Ty Cảnh Sát Oakland. “Tôi ở đây để giúp việc báo cáo,” theo Cảnh Sát Mae Phu của Oakland Police Asian Community Liaison cho biết, theo NBC Bay Area tường thuật. “Một người mà hy vọng họ có thể tin tưởng và có thể trình bày với.”

Có nhiều nhóm khác đang tuần tra Phố Tàu. Trong số đó là nhóm Tình Thương tại Oakland, gồm những thiện nguyện viên cống hiến cho những người Á Châu cao niên cần hộ tống quanh khu phố.

Stop AAPI Hate, được thành lập vào tháng 3 năm ngoái, nhận hơn 2,800 báo cáo các vụ chống người gốc Á vào cuối năm 2020. Nhưng một số tin rằng nhiều vụ tấn công tồi tệ hơn các số liệu cho thấy. “Họ đang tấn công các phụ nữ gốc Á, thường vì các lý do văn hóa. Họ không nói ra. Họ không buộc tội. Họ không nói tiếng Anh giỏi trong một số trường hợp,” theo Iona Cheng, sống tại Oakland, nói với báo Washington Post.

Nhà dịch tể học người Mỹ gốc Trung Hoa 48 tuổi nói rằng bà cũng đã bị tấn công. Tháng 3 năm ngoái, một người gọi bà là “vi khuẩn corona,” và một nhóm trẻ em đã tấn công bà vào tháng 12. ‘Tôi không thể đi ra khỏi cửa nhà tôi và cảm thấy an toàn,” theo bà cho biết thêm. “Tôi cảm thấy như là điều đó đã bị lấy đi khỏi tôi.”

Tuần trước, California đã chi 1.4 triệu đô la để nghiên cứu và lập hồ sơ về bạo động chống người gốc Á. “Sự gia tăng trong các vụ thù ghét chống lại người Mỹ gốc Á trong thời đại dịch đang ở mức báo động,” theo Dân Biểu Phil Tin (Dân Chủ- San Francisco), người bảo đảm tài trợ, theo báo San Francisco Chronicle tường thuật. “Nhưng chúng ta không thể giải quyết vấn đề mà không biết nó lớn cỡ nào. Tài trợ mới của tiểu bang cho phép việc thu thập tài liệu tiếp tục, và việc nghiên cứu sẽ dẫn chúng ta tới giải pháp mà sẽ làm cho tất cả cộng đồng an toàn hơn.”
 
Biện Lý Quận Manhattan Mở Rộng Điều Tra Tài Chánh Của Trump Gồm Nhiều Triệu Đô La Đã Vay Để Xây Tòa Cao Ốc Tại Chicago
 
Văn phòng biện lý quận Manhattan đã gửi trác đòi các hồ sơ từ một công ty đầu tư đã cho Trump Organization vay nhiều triệu đô la cho tòa nhà chọc trời tại Chicago của tổ chức này trong một dấu hiệu cho thấy cuộc điều tra vào các nguồn tài chánh của cựu tổng thống đang tiếp tục mở rộng, theo người hiểu biết về cuộc điều tra này cho CNN biết hôm Thứ Hai, 8 tháng 3 năm 2021.

Các công tố viên đã đưa ra trác đòi của đại bồi thẩm đoàn gửi cho công ty Fortress Investment Management vào cuối năm ngoái, theo người nói trên cho biết, như một phần của cuộc điều tra ở phạm vi rộng lớn vào cựu Tổng Thống Donald Trump và công ty của ông.

Quan tâm của những nhà điều tra trong cách Trump và công ty đã giải quyết số tiền vay của Chicago là sự mở rộng của một cuộc điều tra bao gồm nhiều khía cạnh của hoạt động kinh doanh của Trump.

Các công tố viên đang kiểm tra xem có phải công ty đã cố tình hướng dẫn sai những nhà cho vay hay các đại lý bán bảo hiểm về các giá trị đối với một số tài sản. Họ cũng đang điều tra các lệ phí được trả cho các nhà tư vấn và một công trình kiến trúc phụ bảo tồn đã được thực hiện trên mảnh đất gia đình tại New York được gọi là Seven Springs.

Quan tâm của họ [các công tố viên] đối với Fortress liên quan đến số tiền vay 130 triệu đô la mà công ty đã làm cho Trump Organization cho việc xây cất một khách sạn sang trọng và một tòa tháp chung cư tại Chicago.

Vào năm 2012, Fortress đã xóa nợ hơn 100 triệu đô la tiền vay, mà, gồm tiền lời và các lệ phí, là trị giá khoảng 150 triệu đô la, theo hồ sơ tòa án cho biết. Việc tha nợ được hoàn tất để bảo đảm một phần hoàn trả của khoảng 45 triệu đô la vào lúc khi mà thị trường địa ốc đang bị thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chánh.

Các công tố làm việc tại văn phòng của Biện Lý Quận Manhattan Cy Vance đang điều tra xem Trump và Trump Organization đã có báo cáo việc tha nợ vay như là thu nhập, khi được yêu cầu bởi Sở Thuế, và đã có trả thuế đúng hay không, theo người thạo tin nói trên cho biết thêm.
 
Cộng Hòa Tại Iowa, Georgia Và 40 Tiểu Bang Ra Luật Hay Đệ Trình Dự Luật Hạn Chế Việc Bỏ Phiếu Sớm, Qua Thư, Khiếm Diện
 
Thượng Viện của tiểu bang Georgia hôm Thứ Hai, 8 tháng 3 năm 2021, đã thông qua dự luật bầu cử mà sẽ xóa bỏ việc bỏ phiếu khiếm diện không có lý do, nằm trong số các thay đổi rộng rãi trong tiểu bang lưng chừng quan trọng, theo bản tin của CNN tường trình hôm Thứ Hai cho biết.

Dự luật, mà đã được các nhà lập pháp Cộng Hòa ủng hộ, đã được thông qua với tỉ số phiếu 29-20. Nó hiện đang đưa sang Hạ Viện của Georiga, nơi nó được đự đoán sẽ thông qua trong vài tuần tới.

Theo Dự Luật SB 241, các cử tri cần phải từ 65 tuổi trở lên, khiếm diện từ khu vực bỏ phiếu của họ, vì ngày lễ tôn giáo, được yêu cầu cung cấp sự chăm sóc tức thì đối với người nào đó với khuyết tật thể xác, hay được yêu cầu để làm “vì bảo vệ sức khỏe, đời sống, hay an toàn của công chúng trong trọn thời gian cuộc bỏ phiếu mở cửa,” hay ở hải ngoại hay là cử tri quân nhân để đủ điều kiện cho lá phiếu khiếm diện. Dự luật nhắm xóa sổ luật được Cộng Hòa ủng hộ vào năm 2005 cho phép bỏ phiếu vắng mặt không lý do.

Dự luật này đến khi Georgia trở thành nền tảng cho những thay đổi luật bầu cử vì cuộc bầu cử năm 2020. Cộng Hòa trong tiểu bang, trích thuật các cáo buộc không có cơ sở về gian lận bầu cử được thúc đẩy bởi cựu TT Donald Trump và các viên chức Cộng Hòa khác, đã thu hồi việc tiếp cận bỏ phiếu bằng thư và bỏ phiếu sớm.

Trên toàn quốc, các dự luật tiểu bang do Cộng Hòa kiểm soát dựa vào những thông tin sai về bầu cử để tăng các thay đổi rộng lớn đối với các quy định bỏ phiếu. Tính tới ngày 19 tháng 2, các nhà lập pháp tại hơn 40 tiểu bang đã đệ trình hơn 250 dự luật gồm hạn chế bỏ phiếu, theo thăm dò bởi Brennan Center For Justice có khuynh hướng cấp tiến tại Đại Học New York, chuyên theo dõi các dự luật, cho biết.

Trong khi đó, cũng hôm Thứ Hai, một bản tin khác của CNN cho biết rằng Thống Đốc Cộng Hòa Iowa Kim Reynolds hôm Thứ Hai đã ký thành luật đạo luật gây nhiều tranh cãi nhằm mục đích hạn chế bỏ phiếu và làm cho khó khăn hơn đối với các cử tri gửi lại các lá phiếu bầu khiếm diện, theo văn phòng của bà thống đốc này tuyên bố hôm Thứ Hai.

Dự luật, đã được thông qua bởi hai viện do Cộng Hòa kiểm soát, sẽ gỉam số ngày bỏ phiếu sớm từ 29 ngày xuống còn 20 ngày. Nó cũng đóng cửa các nơi bỏ phiếu một giờ sớm hơn vào Ngày Bầu Cử (từ 8 giờ tối thay vì 9 giờ tối).

Dự luật cũng đặt thêm các hạn chế đối với việc bỏ phiếu khiếm diện gồm việc cấm các viên chức gửi lá phiếu tới cử tri mà không có cử tri yêu cầu trước và đòi hỏi các lá phiếu được nhận bởi quận trước khi các thùng phiếu đóng cửa vào Ngày Bầu Cử.

Nói chung, qua việc thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 vừa qua, Cộng Hòa đã học được những ưu khuyết điểm của họ và đối thủ Dân Chủ để bắt đầu điều chỉnh trong hy vọng sẽ giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sắp tới.
 
Biden Ban Hành Sắc Lệnh Hành Pháp Bảo Đảm Mọi Người Mỹ Có Quyền Bỏ Phiếu, Kêu Gọi QH Phục Hồi Luật Về Quyền Bỏ Phiếu
 
Tổng Thống Joe Biden hôm Chủ Nhật, 7 tháng 3 năm 2021, đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giúp bảo đảm tất cả người Mỹ có quyền bỏ phiếu bằng cách gia tăng việc tiếp cận với các cơ quan và tin tức ghi danh bầu cử, theo bản tin của CNBC tường thuật hôm Chủ Nhật.

Biden cũng kêu gọi Quốc Hội phục hồi Luật Về Quyền Bỏ Phiếu, mà đã được ký ban hành thành luật vào năm 1965 theo sau cuộc biểu tình bạo động tại Selma, Alabama, khiến cho một số người tham dự bị thương.

Sau đó Dân Biểu John Levis, Dân Chủ-Georgia, là một trong những nhà hoạt động dẫn đầu cuộc tuần hành nói trên, bị tổn thương sọ não. Lewis đã qua đời năm ngoái.

Sắc lệnh hành pháp của Biden trùng với năm thứ 56 cuộc biểu tình đó, mà được biết như là Chủ Nhật Đổ Máu.

“Hôm nay, nhân kỷ niệm Chủ Nhật Đổ Máu, tôi ký ban hành sắc lệnh hành pháp để tạo dễ dãi cho những cử tri hội đủ điều kiện để ghi danh bầu cử và cải thiện việc tiếp cận bầu cử,” theo Biden tuyên bố trong phát biểu chuẩn bị ký.

“Mọi cử tri hội đủ điều kiện đều có thể bỏ phiếu và lá phiếu đó được đếm. Nếu bạn có ý tưởng tốt, bạn không có gì phải giấu diếm. Hãy để cho mọi người dân bỏ phiếu.”

Sắc lệnh hành pháp của Biden là “bước khởi đầu,” theo Bạch Ốc cho biết. Tổng thống dự định sẽ làm việc với Quốc Hội để hồi phục Luật Về Quyền Bỏ Phiếu, mà đã loại bỏ sự thực hành kỳ thị như đòi kiểm tra đọc viết chữ để bỏ phiếu.

“Tôi cũng thúc giục Quốc Hội để hồi phục hoàn toàn Luật Về Quyền Bỏ Phiếu, được đặt tên để vinh danh John Lewis,” theo  Biden phát biểu.
 
Trump Không Cho Các Tổ Chức Gây Quỹ Hàng Đầu Của Đảng Cộng Hòa Dùng Tên và Hình Ảnh Của Ông Để Gây Quỹ
 
Các luật sư làm việc cho cựu Tổng Thống Donald Trump đã gửi ra các lá thư ngừng và hủy bỏ hôm Thứ Sáu cho Ủy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa (RNC), Ủy Ban Quốc Hội Cộng Hòa Toàn Quốc (NRCC), và Ủy Ban Thượng Viện Cộng Hòa Toàn Quốc (NRSC) về việc sử dụng tên và hình ảnh của ông trên các email gây quỹ và buôn bán, theo một cố vấn của Trump nói với CNN hôm Thứ Bảy, 6 tháng 3 năm 2021.

Ba thực thể là các tổ chức gây quỹ lớn nhất trong Đảng Cộng Hòa mà đang tập trung vào việc bầu những nhà Cộng Hòa vào các chức vụ.

Lá thư này đã được báo Politico tường thuật sớm nhất.

CNN đã tiếp cận với văn phòng của Trump, cũng như các tổ chức RNC, NRCC và NRSC để xin bản sao của lá thư.

CNN trong tuần trước đã tường thuật rằng Trump đang cân nhắc việc lập ra một siêu PAC khi ông tìm cách khẳng định quyền lực của mình đối với Đảng Cộng Hòa và mở rộng hoạt động chính trị hậu tổng thống.

Lập siêu PAC sẽ cho phép Trump nâng số tiền lên vô hạn từ bất cứ nguồn nào trên mạng và chi tiêu không giới hạn. Cựu Tổng Thống cũng tạo nhiều thay đổi vào tuần trước với bộ máy gây quỹ ngày càng gia tăng của ông.

Trong hồ sơ gửi cho Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang, ông đã chuyển cả ủy ban tranh cử tổng thống của ông, Donald J. Trump for President, và PAC dưới sự lãnh đạo của ông, Save America, thành hai ủy ban hành động chính trị có thể hỗ trợ các ứng cử viên khác. Ủy ban vận động tranh cử của Trump đã trở thành Make America Great Again PAC - hay MAGA PAC.

Nhưng sau đó vài ngày, các tổ chức gây quỹ của Đảng Cộng Hòa đã bác bỏ yêu cầu của Trump và nói rằng họ sẽ tiếp tục làm như lâu nay.
 
Một Nữ Tu Miến Điện Quỳ Xin Cảnh Sát Đừng Giết Những Người Biểu Tình: ‘Chỉ Bắn Tôi Nếu Các Ông Muốn’
 
Dang hai tay, chiếc áo dài màu trắng của bà chấm đất bùn khi bà quỳ gối trước các cảnh sản chống bạo loạn có vũ trang, Sơ Ann Roza Nu Tawng đã sẵn sàng để đón lấy sự hy sinh tận cùng khi bà xin họ đừng làm hại những người biểu tình trên các đường phố để chống đảo chánh tại Miến Điện, theo báo The Telegraph tường trình hôm Thứ Ba, 9 tháng 3 năm 2021.

Trong hình ảnh biểu tình được chụp hôm Thứ Hai, tấm hình có 3 cảnh sát đứng trước mặt vị nữ tu 45 tuổi một cách không thương xót, trong khi 2 đồng nghiệp của họ cũng quỳ gối, chắp hai tay trong cử chỉ cầu nguyện bày tỏ lòng thương xót.

Nhưng một tấm hình sau đó cho thấy lời kêu gọi kềm chế của vị sơ đã vô ích một cách thảm hại.

Gương mặt bà, lần đầu được nhìn thấy, với nước mắt và đau buồn khi bà một lần nữa dang đôi tay – lần này hướng tới một thi thể của người đàn ông trẻ đang nằm úp mặt xuống đất trên đường phố, máu chảy ra chung quanh từ một vết thương bắn vào đầu ông ấy.

Ít nhất 2 người biểu tình bị giết chết hôm Thứ Hai tại Myitkyina, thủ thủ phủ tiểu bang miền bắc Kachin. Những người chứng kiến nói rằng họ đang tham dự vào cuộc biểu tình khi cảnh sát bắn lựu đạn làm choáng váng và hơi cay. Nhiều người bị thương bởi súng từ các tòa nhà gần đó.

“Tôi nói với cảnh sát đừng đánh và bắn những người biểu tình. Tôi xin họ nhiều lần. Nhưng cảnh sát nói họ sẽ cần dời các chướng ngại vật để chận đứng cuộc biểu tình và rằng họ phải làm nhiệm vụ của họ. Họ cũng quỳ gối với tôi và nói họ phải làm thế,” theo Sơ Ann Roza nói với Telegraph.

Vị nữ tu đã xuất hiện như một trong những anh hùng đối diện với nhóm quân đội tàn nhẫn trong khi cả thế giới chao đảo trong phản ứng với cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 2. Sự can thiệp của vị nữ tu này không phải lần đầu mà bà đem tánh mạng của mình ra để bảo vệ quần chúng.

Vào ngày 28 tháng 2 – một trong những ngày đẫm máu nhất của các cuộc biểu tình, khi 18 người bị giết chết – bà được ghi lại trong cảnh quay đáng ngạc nhiên, tự đặt mình giữa 2 chiếc xe tải cảnh sát và một dãy hai chục cảnh sát viên và những người biểu tình không có vũ trang đứng bên sau bà.


Theo tin của UCA, bà nói với các cảnh sát rằng, “Chỉ bắn tôi nếu các ông muốn,” thêm rằng “những người biểu tình không có vũ khí và họ chỉ muốn bày tỏ ước muốn của họ một cách ôn hòa.”

Hình ảnh của việc bà cầu xin trong nước mắt với lực lượng an inh đừng bắn đã được so sánh rộng rãi với hình ảnh biểu tượng của một người đàn ông lấy thân mình ra để chận đoàn xe tăng từ cuộc trấn áp Thiên An Môn vào năm 1989 của Trung Quốc.

Sơ Ann Roza nói rằng, “Khi tôi nghe tin tức về những người biểu tình bị giết chết bởi lực lượng an ninh, thì tôi khóc. Tôi đồng cảm với gia đình của họ.”
 
Đức Đạt Lai Lạt Ma Đã Chích Ngừa Covid-19 Và Khuyến Khích Mọi Người Nên Đi Chích Ngừa Để Ngăn Ngừa Bệnh Dịch 
 
Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng 85 tuổi, đã được chích liều thứ nhất của thuốc chích ngừa vi khuẩn corona hôm Thứ Bảy, 6 tháng 3 năm 2021 tại một bệnh viện ở thành phố núi Dharamshala tại miền bắc Ấn Độ, theo bản tin của báo The Guardian tường thuật hôm Thứ Bảy.

THOI SU TRONG TUAN 02

Đức Đạt Lai Lạt Ma rời bệnh viện Zonal tại Dharmsala, Ấn Độ, hôm Thứ Bảy sau khi nhận thuốc chích ngừa Covid-19. (Photo: Ashwini Bhatia/AP - https://www.npr.org)


Sau khi chích ngừa, ngài đã thúc giục mọi người nên can đảm và đi chích ngừa.

“Để ngăn ngừa một số bệnh nghiêm trọng, chích ngừa là rất rất hữu ích,” theo ngài nói.

Bác Sĩ GD Gupta, của bệnh viện Zonal, nơi ngài chích ngừa, nói với các phóng viên rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được quan sát 30 phút sau đó. “Ngài đề nghị đến bệnh viện như một người thường để được chích ngừa,” theo vị bác sĩ cho biết.

10 vị khác sống tại tu viện của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã được chích ngừa, theo Gupta cho biết. Tất cả 11 người đã nhận thuốc chích ngừa Covidshield, một phiên bản của thuốc chích ngừa Oxford/AstraZeneca, được sản xuất bởi Viện Serum của Ấn Độ.

Ấn Độ đã xác nhận hơn 11 triệu người bị dính vi khuẩn corona và hơn 157,000 người đã thiệt mạng.
 
Đức Giáo Hoàng Lần Đầu Họp Với Lãnh Tụ Hồi Giáo Shia al-Sistani Lên Án Bạo Động và Chủ Nghĩa Cực Đoan
 
Baghdad, Iraq– Thăm Ur, thành phố cổ kính tại Iraq nơi Do Thái, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo tin rằng vị tổ phụ chung của họ Abraham đã được sinh ra, Đức Giáo Hoàng Francis đã lên án chủ nghĩa cự đoan như là “phản bội tôn giáo,” theo CNN tường thuật hôm Thứ Bảy, 6 tháng 3 năm 2021.

THOI SU TRONG TUAN 03

Đức Giáo Hoàng Lần Đầu Họp Với Lãnh Tụ Hồi Giáo Shia al-Sistani Lên Án Bạo Động và Chủ Nghĩa Cực Đoan. (nguồn: CNN)


Đức Giáo Hoàng đã thăm Ur hôm Thứ Bảy, ngày thứ hai của chuyến tông du lần đầu tiên của vị giáo hoàng tới Iraq. Phát biểu tại một cuộc họp của các lãnh đạo tôn giáo, Giáo Hoàng Francis lên án bạo động mà đã gây khó khăn cho Iraq trong nhiều năm gần đây và kêu gọi tình thân thiện và hợp tác giữa các tôn giáo.

“Tất cả cộng đồng chủng tộc và tôn giáo đã đau khổ. Đặc biệt, tôi muốn nói đến cộng đồng Yazidi, mà đã đau buồn vì những cái chết của nhiều người đàn ông và đã chứng kiến hàng ngàn phụ nữ, con gái và trẻ em bị bắt cóc, bị bán như nô lệ, bị làm đối tượng cho bạo động thể xác và bị ép buộc cải đạo,” theo ngài nói.

Phát biểu kêu gọi hợp tác giữa các tôn giáo đến chỉ vài giờ sau khi Đức Giáo Hoàng có cuộc họp lịch sử với vị giáo sĩ Hồi Giáo Shia là Grand Ayatollah Ali al-Sistani tại thánh địa Najaf. 45 phút vị giáo hoàng họp với trưởng lão 90 tuổi al-Sistani – người hiếm khi xuất hiện trước công chúng – tượng trưng cho một trong những cuộc họp thượng đỉnh ý nghĩa nhất giữa một giáo hoàng và một nhân vật lãnh đạo Shia trong nhiều năm gần đây.
 
Trung Quốc Tập Trận Hải Lục Không Quân 1 Tháng Trên Quần Đảo Hoàng Sa
 
BIỂN ĐÔNG – Trung Quốc tiếp tục phô bày tham vọng xâm chiếm Biển Đông bằng việc quân sự hóa các đảo họ chiếm đóng trong vùng biển này mà cụ thể gầy đây nhất là việc TQ tập trận đổ bộ chiếm đảo trên quần đảo Hoàng Sa, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm 6 tháng 3 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm tin tức về vụ này như sau.

Trung Quốc công bố đoạn phim ghi lại cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo của quân đội nước này, vài ngày sau các hoạt động của Mỹ ở khu vực và cuộc tập trận của Hải cảnh Đài Loan, mô phỏng một cuộc tấn công của Hoa lục vào các bãi đá ngầm của họ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc hôm 3-3 cho hay, cuộc tập trận ở vùng biển cách xa Hoa lục nhưng không cho biết rõ địa điểm, tuy nhiên tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 4-3 lại cho hay địa điểm diễn ra cuộc tập trận là đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.

Cuộc tập trận chung của Trung Quốc có hải quân, lục quân, thủy quân lục chiến và không quân cùng tham gia.

Đoạn phim từ đài CCTV cho thấy một số tàu đổ bộ đệm khí Type 726 “Ngựa hoang” đang rời tàu đổ bộ Type 071 và lao vào một bãi biển, mỗi tàu có một xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96A và thủy quân lục chiến được vũ trang đầy đủ trên tàu.

Một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 054A và một tàu hỗ trợ bảo vệ bờ biển, trong khi một máy bay chiến đấu Su-30MKK và một máy bay ném bom H-6K canh gác trên không.

Trong kịch bản cho cuộc tập trận tấn công, hải quân Trung Quốc đổ bộ từ tàu và trực thăng, sau đó vấp phải hỏa lực phản công mạnh trước khi đội xe tăng của lục quân cho xe tiến lên và phá hủy các công sự của đối phương.

Đoạn phim được phát sóng sau khi có tin quân đội Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự kéo dài một tháng ở Biển Đông vào hôm 1-3, cùng lúc Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động do thám.

Theo tổ chức Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc đại học Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã điều các máy bay bao gồm một trinh sát cơ không người lái MQ-4C, một trinh sát cơ EP-3E, một trinh sát cơ chiến lược RC-135U đến Biển Đông vào 3 ngày cuối tháng 2.

Tàu trinh sát tàu ngầm USNS Impeccable của Mỹ ngày 26-2 di chuyển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, cũng theo SCSPI.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho đến nay chưa lên tiếng đối với động thái mới nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông.
 
Quốc Hội Trung Quốc Công Bố Các Kế Hoạch Siết Thêm Hồng Kông Gồm Việc  Thay Đổi Hệ Thống Bầu Cử
 
Cơ chế lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã công bố các kế hoạch bảo đảm “những nhà yêu nước” có thể điều hành Hong Kong, khi Bắc Kinh siết chặt thành phố với những thay đổi đối với hệ thống bầu cử, theo bản tin của BBC tiếng Anh tường thuật hôm Thứ Sáu, 5 tháng 3 năm 2021.

Thủ Tướng Lý Khắc Cường, đọc diễn văn trước Quốc Hội Nhân Dân Toàn Quốc (NPC), cảnh báo thế giới không được can thiệp.

Đây là hành động theo sau việc đưa ra luật an ninh khắc khe.

Giới chỉ trích nói rằng Bắc Kinh đang nghiền nát giới bất đồng chính kiến và xóa bỏ thỏa thuận “một quốc gia, hai hệ thống” đã được thực hiện với Anh Quốc.

Theo thỏa thuận này, Hong Kong, cựu thuộc địa Anh, được phép tiếp tục hệ thống pháp lý của chính nó và có các quyền gồm tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Chris Patten, cựu thống đốc Hong Kong, nói rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã “thực hiện một bước lớn nhất từ trước tới nay để xóa bỏ các quyền tự do của Hong Kong và các nguyện vọng đối với nền dân chủ lớn hơn theo pháp trị.”

Liên Âu đã cảnh báo rằng họ có thể thực hiện “thêm các bước” qua những kế hoạch được tuyên bố hôm Thứ Sáu.

Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh “xem xét kỹ lưỡng những thực hiện chính trị và kinh tế đối với bất cứ quyết định nào để cải tổ hệ thống bầu cử của Hong Kong mà sẽ phá hoại các quyền tự do nền tảng, đa nguyên chính trị và các nguyên tắc dân chủ.”
 
Đức, Anh Sẽ Đưa Tàu Chiến Tới Biển Đông Trong Năm Nay Để Thực Hiện Tự Do Hàng Hải
 
Một tàu chiến Đức sẽ tới Á Châu trong tháng 8 và, trên đường nó trở về, tàu này trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002, theo các viên chức cao cấp của chính quyền Đức cho biết hôm Thứ Tư, 3 tháng 3 năm 2021, qua tường thuật của Al Jazeera hôm Thứ Năm.

Tàu chiến Đức sẽ không đi vào vùng “12 hải lý,” theo các viên chức trong các bộ ngoại giao và quốc phòng Đức cho biết thêm, liên quan đến các vùng tranh chấp của biển, mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ.

Anh Quốc cũng đang gửi tàu Hải Quân của họ tới khu vực Biển Đông, theo tuyên bố hôm Thứ Bảy rằng Tàu HMS Queen Elizabeth sẽ ra khơi trong chuyến đi đầu tiên vào tháng 5 năm nay và được dự đoán sẽ tới Đông Á vào cuối mùa hè.

TQ đã thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo khắp Biển Đông, mà cũng được Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Đài Loan và Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền.

Hoa Kỳ thường thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” mà trong đó các chiến hạm của họ đi qua sát một số đảo, khẳng định quyền tự do đi lại trên các đường biển quốc tế.

Hoa Kỳ đã hoan nghênh quyết định của Đức đưa tàu chiến tới Biển Đông.
 
Tổ Chức Freedom House Của Mỹ Xếp VN Vào Nhóm Nước Không Có Quyền Tự Do
 
VIỆT NAM – Tổ Chức Freedom House ở Mỹ đã tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do trong báo cáo hằng năm của tổ chức này được công bố vào ngày 3 tháng 3, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm 4 tháng 3 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm tin tức về việc này như sau.

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do theo báo cáo Tự do trên Thế giới năm 2021 mà tổ chức Freedom House công bố vào ngày 3 tháng 3.

Báo cáo thường niên của Freedom House, trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, đưa ra nhận định đây là năm thứ 15 quyền tự do trên toàn cầu bị suy giảm. Tình trạng suy thoái dân chủ gia tăng.

Với tựa ‘Democracy under seige’, tạm dịch ‘Dân chủ bị vây hãm’, báo cáo đánh giá trong năm 2020 khoảng cách giữa những nhóm được lợi và những nhóm chịu tổn hại thêm cách biệt. Hiện nay có ít hơn một phần năm người dân trên thế giới được sống trong một đất nước có đầy đủ các quyền tự do.
Báo cáo được thực hiện qua theo dõi những khuynh hướng trên toàn cầu về các quyền chính trị và quyền tự do dân sự tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Báo cáo năm nay cho rằng vào khi tình trạng bất an gây nên bởi dịch bệnh chết người, những bất toàn về kinh tế cùng xung đột bạo lực lan tràn trên thế giới, những người bảo vệ dân chủ phải chịu đựng những tổn thất mới trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ toàn trị mà đang chuyển cán cân quốc tế nghiêng theo hướng có lợi cho phía bạo quyền.

Việt Nam năm nay tiếp tục bị xếp vào nhóm không có tự do với tổng điểm số là 19 trên thang điểm 100. Cụ thể 3 điểm cho các quyền chính trị và 16 điểm cho các quyền tự do dân sự.

Như vậy theo báo cáo năm ngoái, Việt Nam bị mất 1 điểm.
 
Việt Nam Ra Quy Định Phạt Tiền Từ 1 Tới 3 Triệu Đồng Đối Với Người Đánh Đập, Hành Hạ Tàn Nhẫn Các Thú Nuôi Có Hiệu Lực Từ Ngày 20 Tháng 4
 
VIỆT NAM – Việt Nam đã thể hiện lòng nhân đạo đối với thú vật nuôi trong nhà qua quy định mới có hiệu lực vào ngày 20 tháng 4 năm nay, mà sẽ phạt tiền từ 1 tới 3 triệu đồng VN đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với thú nuôi, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm 4 tháng 3 năm 2021. Bản tin Đài RFA tường thuật thêm chi tiết về quy định này như sau.

Hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng kể từ ngày 20/4. Đây là qui định trong một nghị định mới về vi phạm chăn nuôi do chính phủ Việt Nam ban hành.

Báo Nhà nước dẫn nội dung Nghị định 14/2021 của Chính phủ Hà Nội về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và đưa tin ngày 4/3.

Tin cho biết, Nghị định 14/2021 sẽ có hiệu lực ngày 20/4, định nghĩa tra tấn động vật là dùng vũ lực để đánh đập, trói và nhốt chúng, hoặc để chúng chết đói và không được chăm sóc.

Ngoài ra, vật nuôi trong nghị định bao gồm cả động vật có vú bốn chân như chó, mèo và các loài gia cầm hai chân như gà, vịt.

Theo Nghị định 14/2021, cơ sở giết mổ tập trung sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu vi phạm trong việc không có nơi lưu giữ vật nuôi đảm bảo vệ sinh trước khi giết mổ, đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ, hay không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Mức phạt sẽ tăng gấp đôi đến 6 triệu đồng đối với các tổ chức có hành vi vi phạm tương tự.

Bên cạnh đó, hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Trong đó, nghị định mới cũng quy định mức phạt đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ.

Cụ thể, đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100kg có mức phạt 5-10 triệu đồng, từ 100-500 kg có mức phạt 10-20 triệu đồng, 500-1.000 kg phạt từ 20-30 triệu đồng và từ 1.000 kg trở lên phạt 30-50 triệu đồng.

Đại diện Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khái niệm đối xử nhân đạo đối với động vật vẫn còn mới mẻ đối với người dân nên mức phạt sẽ không quá nặng, chỉ nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề này.
 
Xử Phúc Thẩm Vụ Án Đồng Tâm: Giữ Y Các Bản Án Ở Tòa Sơ Thẩm, Tử Hình 2 Người Con Trai Của Cụ Lê Đình Kình Đã Chết Trong Vụ Tấn Công Đồng Tâm
 
HÀ NỘI, VN – Trong phiên xử phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, tòa án tại Hà Nội đã giữ nguyên bản án sơ thẩm cho 6 người kháng án, mà trong đó có 2 bản án tử hình cho 2 người con tranh của cụ Lê Đình Kình, một bản án chung thân, một bản án 16 năm tù, một bản án 13 năm tù, và một bản án 6 năm tù, theo bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) tường thuật hôm Thứ Ba, 9 tháng 3 năm 2021. Bản tin của Đài VOA cho biết thêm các thông tin về vụ xử này như sau.

Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ đụng độ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm đã kết thúc sớm hơn dự định khi một toà án cấp cao ở Hà Nội giữ nguyên mức án sơ thẩm, trong đó có 2 bản án tử hình cho các con trai của cụ Lê Đình Kình, người bị công an bắn chết trong vụ đột kích đầu năm ngoái.

Hai trong số 14 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo trong phiên toà dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 8/3, LS Nguyễn Văn Miếng và LS Đặng Đình Mạnh, cho VOA biết như vậy ngay sau khi phiên toà kết thúc tối hôm 9/3.

Sáu người bị tuyên y án nằm trong số 29 người dân Đồng Tâm bị Toà án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt trong vụ xử sơ thẩm hồi tháng 9 năm ngoái về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” liên quan đến vụ đột kích trong đó 3 nhân viên công an tử vong.

“Toà đã tuyên y án cho 6 bị cáo kháng cáo trong đó có hai án tử hình, một án chung thân, một án 16 năm, một án 13 năm và một án 6 năm,” LS Miếng nói với VOA sau khi toà đưa ra quyết định y án vào lúc 7 giờ tối hôm 9/3.

Hai bản án tử hình được tuyên cho hai người con trai của cụ Kình, Lê Đình Công và Lê Đình Chức với cáo buộc "chủ mưu, cầm đầu vụ giết người". Trong khi đó một người cháu của cụ Kình, Lê Đình Doanh, bị tuyên y án chung thân cùng tội danh trên.

Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tuyến, những người bị cáo buộc là cùng với các bị cáo trên “chủ mưu cầm đầu, vừa chỉ đạo vừa trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội” bị y án lần lượt 16 năm và 13 năm tù. Toà cũng y án đối với bà Bùi Thị Nối, người bị tuyên 6 năm tù về tội “chống người thi hành công vụ”, mức án cao nhất trong số 23 người bị kết án về tội danh này.

Trước đó hôm 8/3 khi toà phúc thẩm khai xử, chị Lê Thị Duyên, một người nhà của cụ Kình, nói với VOA về sự trông đợi của gia đình đối với một phiên toà phúc thẩm trong đó các “bản án sẽ thay đổi vì có nhiều tình tiết không thể chấp nhận được, rất trắng trợn với người dân của chúng tôi và đều chưa được chứng minh một cách rõ ràng.”

Vụ án Đồng Tâm xảy ra rạng sáng ngày 9/1/2020 khi lực lượng công an gồm hàng nghìn người tấn công vào thôn Hoành thuộc huyện Mỹ Đức của Hà Nội, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân. Cụ Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, bị bắn chết trong khi phía công an có 3 người thiệt mạng trong vụ tấn công mà phía chính quyền nói là để “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn. Trong khi đó, những người dân bị đưa ra xét xử nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.

LS Hà Huy Sơn, cũng là một người bào chữa cho các bị cáo, bày tỏ sự thất vọng về phiên toà phúc thẩm vụ Đồng Tâm trên trang Facebook cá nhân khi cho biết ông “không còn gì muốn nói” về kết quả y án sơ thẩm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một phần lớn của cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore đã bị sập sau khi một chiếc tàu lớn va chạm vào lúc 1:30 giờ sáng Thứ Ba, và nhiều xe đang chạy trên cầu rơi xuống nước. Nhà chức trách đang cố gắng giải cứu ít nhất 7 người. Một tàu lớn đâm vào cầu, bốc cháy trước khi chìm khiến nhiều xe rơi xuống sông Patapsco, theo video đăng trên X.
Các viên chức Hoa Kỳ và Anh đã đệ đơn tố cáo, áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một số đối tượng, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn, được cho là đã ảnh hưởng đến hàng triệu người, bao gồm các nhà lập pháp, học giả và nhà báo cũng như các công ty, kể cả các nhà thầu quốc phòng, theo Reuters.
Ngày 20/3/2024, Neuralink, công ty của Elon Musk, đã tiết lộ về danh tính của người đầu tiên được cấy chip não – và chàng trai trẻ này tỏ ra vô cùng biết ơn công nghệ “mang lại thay đổi lớn lao cho cuộc sống.”
Mối quan hệ giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng, cho phép thông qua nghị quyết ngừng bắn ở Gaza tại Liên Hiệp Quốc; quyết định này đã bị nhà lãnh đạo Israel chỉ trích gay gắt, theo Reuters.
Hai giải xổ số khổng lồ, một sẽ xổ vào đêm nay và một sẽ xổ vào đêm mai. Không ai trúng giải độc đắc Mega Millions hoặc Powerball trong các kỳ quay gần đây nhất của hai giải xổ số này và tổng số tiền cộng lại hiện ở mức gần 2 tỷ USD. NBC News đưa tin giải độc đắc Mega Millions đã tăng lên 1,1 tỷ USD và Powerball lên 800 triệu USD.
Trong tháng 4/2024, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch tái cơ cấu bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tại Nhật Bản để giải quyết những lo ngại chung về Trung Quốc, theo Reuters.
Nga treo cờ rũ quốc tang một ngày, và kết án 4 can phạm được cho là những kẻ khủng bố đã xả súng bắn chết hàng trăm người tại một buổi hòa nhạc ở ngoại ô Moscow; đây là vụ tấn công nguy hiểm nhất ở Nga trong hai thập niên qua, theo Reuters.
Biển Đông: Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm Chủ nhật kêu gọi Philippines đừng thực hiện bất kỳ hành động "khiêu khích" nào và tuyên bố rằng TQ sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình: “Nếu Philippines liên tục thách thức điểm mấu chốt của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn và quyết đoán để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình”.
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ rơi vào tình trạng đóng cửa một phần sau khi Hạ viện thông qua dự luật chi tiêu trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, nhưng Quốc hội đã không thông qua kịp thời để duy trì hoạt động của một số bộ, ngành. Việc đóng cửa dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và có ít hoặc không có tác động gì khi các nhà lãnh đạo Thượng viện thông báo rằng họ đã đồng ý bỏ phiếu về gói tài trợ vào sáng sớm thứ Bảy.
Theo FOX News, tính đến tháng 1 năm 2024, hơn 7,2 triệu người di dân đã vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ qua biên giới Tây Nam dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Nhưng con số đó chỉ có nghĩa là có 7,2 triệu người di dân bất hợp pháp đã bị Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ bắt giữ. Một nửa số người di dân đó đã bị đưa trở lại biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Vì vậy, con số 7,2 triệu không có nghĩa là có thêm 7,2 triệu người di dân bất hợp pháp vào Hoa kỳ.
Một thị trấn nhỏ ở Bờ Đông của tiểu bang Maryland đã đình chỉ toàn bộ lực lượng cảnh sát trong khi chờ kết quả điều tra của các công tố viên tiểu bang, một quyết định phần lớn không giải thích được khiến người dân bị sốc, hoài nghi và lo lắng. Với việc Sở Cảnh sát Ridgely tạm thời không còn tồn tại, các cơ quan an toàn công cộng khác đã đồng ý lấp đầy khoảng trống. Nhưng cư dân của thị trấn lịch sử với khoảng 1.600 người này lo ngại về thời gian phản ứng nếu họ cần hỗ trợ.
Khi mang bầu được 6 tháng, H quyết định thế là đã quá đủ. Cô đã phải thường xuyên chịu đựng sự bạo hành của chồng mình trong nhiều năm và gần đây phát hiện ra anh ta cũng bạo hành thể xác con của cô. Cô quyết định liên lạc với luật sư giúp cô ly hôn. Nhưng cô đã bị chặn lại. Luật sư của cô nói với cô rằng cô không thể hoàn tất thủ tục ly hôn ở Missouri vì cô đang mang thai. “Tôi cảm giác hoàn toàn thua cuộc,” cô nói. H trở về sống chung với kẻ bạo hành dưới cùng một mái nhà, ngủ trên sàn phòng con của cô và tiếp tục đối mặt với bạo lực. Vào đêm trước khi sinh con, cô ngủ trong căn phòng an toàn nhất trong nhà: trên sàn gạch dưới tầng hầm, cùng với những chú chó của gia đình.
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.