Hôm nay,  

Thời Sự Trong Tuần

05/02/202100:00:00(Xem: 1611)
THOI-SU-TRONG-TUAN-01

Y Tế Quận San Bernardia, Nam California, đã tổ chức một “khu vực khổng lồ” chích thuốc ngừa Covid-19 của hãng bào chế thuốc Moderna mRNA-1273 tại Auto Club Speedway hôm Thứ Ba, 2 tháng 2 năm 2021 tại thành phố Fontana, California. (photo Getty Images)

 
Tình hình đại dịch trong tuần qua dù đã có phần lắng dịu, nhưng sự lây lan nhanh của các biến thể vi khuẩn corona mới đã làm cho các giới chức y tế trên toàn thế giới lo ngại, mà cụ thể là Cơ Quan CDC của Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn yêu cầu người Mỹ đeo khẩu trang tại tất cả các phương tiện giao thông công cộng. Việc Đại Hội XIII của Đảng CSVN kết thúc, với ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đảng sang nhiệm kỳ thứ ba và tình hình dịch bệnh lây lan mạnh tại một số tỉnh miền Bắc VN cũng làm dư luận chú ý.
 
CDC Yêu Cầu Dân Mỹ Đeo Khẩu Trang Tại Các Nơi Giao Thông Công Cộng
 
Hôm Thứ Bảy, 30 tháng 1 năm 2021, Maryland trở thành tiểu bang thứ hai báo cáo trường hợp của biến thể vi khuẩn corona đầu tiên được xác nhận tại Nam Phi – biến thể mà các chuyên gia y tế nói là dễ truyền nhiễm hơn các biến thể trước đây, theo CNN tường thuật hôm Thứ Bảy.

Tuyên bố bởi văn phòng thống đốc Maryland đến 2 ngày sau khi South Carolina báo cáo 2 trường hợp của biến thể vi khuẩn.

Trường hợp tại Maryland liên quan đến một người lớn tuổi sống tại khu vực Baltimore là người đã không đi lại trên thế giới, “tạo ra việc truyền nhiễm cộng đồng,” theo thông cáo báo chí từ văn phòng của Thống Đốc Larry Hogan đưa ra hôm Thứ Bảy.

“Các nỗ lực theo dõi việc tiếp xúc toàn diện đang được thực hiện để bảo đảm rằng các tiếp xúc có thể được nhanh chóng xác định, cách ly và thử nghiệm,” theo thông cáo báo chí cho hay.

Các chuyên gia y tế đang gia tăng cảnh báo rằng các biến thể vi khuẩn corona truyền nhiễm cao là biến thể, được đặt tên là B.1.351 bởi các nhà nghiên cứu, có thể sắp là tình trạng lây lan tồi tệ hơn tại Hoa Kỳ.

Các biến thể dễ truyền nhiễm hơn mà các nhà khoa học đang theo dõi gồm các biến thể đầu tiên được xác định tại Anh (B.1.17) và Brazil (P.1).
Cơ Quan CDC nói rằng đặc biệt biến thể B.1.1.7 có thể trở thành tràn ngập tại Hoa Kỳ vào tháng 3. Hơn 400 trường hợp của biến thể này đã được báo cáo khắp Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia nói rằng việc quan sát không được mạnh mẽ, và ngày càng có nhiều trường hợp hơn tại Hoa Kỳ.

Nhưng các biến thể lây lan nhanh có khả năng tăng thêm tổng số người chết, theo Viện Institute for Health Metrics and Evaluation (IHME) tại Đại Học Washington tiên đoán hôm Thứ Năm.

Hoa Kỳ hiện có 438,200 tử vong. Mẫu tiên đóan sẽ có tới 594,600 tử vong vào ngày 1 tháng 5. Nhưng với biến thể lây lan nhanh mới này thì tổng số tử vong có thể lên tới 620,000 vào ngày 1 tháng 5, theo IHME.

Trong khi đó bản tin của NPR hôm Thứ Bảy cho biết rằng Cơ Quan CDC Hoa Kỳ đưa lệnh đeo khẩu trang mới cho những người đi là tại Hoa Kỳ.
Bắt đầu vào đầu tuần tới, những người đi lại và những người lái xe đi làm sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang tại hầu như tất cả các hình thức giao thông công cộng như một phần của lệnh mới từ Cơ Quan Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật Hoa Kỳ (CDC) nhằm mục đích làm chậm sự lây lan của vi khuẩn corona.

Lệnh này đã được đưa ra vào tối Thứ Sáu, sẽ yêu cầu đeo khẩu trang bởi “tất cả những hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng” đi vào hay đi bên trong Hoa Kỳ, gồm máy bay, tàu thủy, phà, xe lửa, xe điện, xe buýt, xe taxi và đi chung xe. Lệnh đeo khẩu trang cũng được yêu cầu tại các trung tâm giao thông như phi trường, trạm xe buýt, các trạm xe lửa hay xe điện.

Các hướng dẫn mới này sẽ có hiệu lực vào lúc 11 giờ 59 phút tối giờ Miền Đông vào ngày 1 tháng 2.
 
Chính Phủ Biden Sẽ Phân Phối 1 Triệu Liều Thuốc Chích Ngừa Covid-19 Cho 6,500 Tiệm Thuốc Trên Toàn Quốc Vào Tuần Tới Để Chích Cho Dân
 
WASHINGTON – Chính phủ Biden sẽ bắt đầu chuyên chở thuốc chích ngừa Covid-19 tới các nhà thuốc Hoa Kỳ vào tuần tới, tăng tốc việc chích ngừa khi nhiều biến thể vi khuẩn mới có khả năng nghiêm trọng hơn đang xuất hiện, theo Bạch Ốc cho biết hôm Thứ Ba, 2 tháng 2 năm 2021 qua bản tin của AP hôm Thứ Ba.

Người phối hợp chống vi khuẩn corona Jeff Zients nói rằng khoảng 6,500 tiệm thuốc trên toàn quốc sẽ nhận tổng cộng 1 triệu liều thuốc chích ngừa. Số nhà thuốc tham gia được dự đoán sẽ tăng khi các nhà chế tạo thuốc gia tăng sản lượng cho phép nhiều liều hơn được phân phối.

Các tiệm thuốc đã trở thành cơ sở chính cho việc chích thuốc ngừa cúm, và kỹ nghệ này có khả năng chích ngừa hàng chục triệu người mỗi tháng.

“Điều này sẽ cung cấp nhiều địa điểm hơn cho người dân để được chích ngừa trong các cộng đồng của họ,” theo Zients phát biểu, nhấn mạnh rằng vì việc cung cấp hạn chế khả năng sẵn có bang đầu sẽ bị thu hẹp. Ưu tiên sẽ là có thuốc chích ngừa cho các cộng đồng thiểu số mà bị thiệt hại ở mức dính bệnh và tử vong từ vi khuẩn không đồng đều, theo ông cho biết.

Việc hợp tác với các tiệm thuốc được tuyên bố lúc đầu bởi chính phủ Trump vào tháng 11 năm ngoái. Lúc đó, không có thuốc chích ngừa được chấp thuận. Chương trình nhà thuốc sẽ được điều hành bởi Cơ Quan CDC và gồm các công ty lớn như CVS, Walgreens, Walmart, Rite Aid và Costco, cũng như các tiệm thuốc trong siêu thị.

Bạch Ốc cũng hành động để giúp các tiểu bang trả cho những nỗ lực ứng phó đại dịch của họ. Zients nói rằng chính phủ liên bang sẽ tài trợ từ 3 tỉ tới 5 tỉ đô la cho các tiểu bang để thanh toán các chi phí đủ điều kiện để đền bù lại qua Cơ Quan FEMA.
 
VN Đóng Cửa Trường Học Tại 22 Tỉnh Vì Covid-19, Biến Thể Mới Vi Khuẩn Corona Lây Lan Nhanh Tại Miền Nam California Gây Lo Ngại
 
HÀ NỘI, VN  – Việt Nam đã đóng cửa các trường học tại 22 tỉnh trước Tết Âm Lịch và kết thúc Đại Hội Đảng sớm vào Thứ Hai, 1 tháng 2 năm 2021 theo sau việc phát hiện một loạt trường hợp vi khuẩn corona mới tại các khu vực miền bắc vào tuần rồi, theo bản tin của Reuters cho biết hôm Thứ Hai.

Nhờ thử nghiệm rộng rãi và cách ly gắt gao, Việt Nam đã giữ tổng số trường hợp bị lây nhiễm vi khuẩn thấp 1,850 trường hợp và 35 tử vong, là một trong những nước thành công đối phó với đại dịch trên thế giới. 

Trường học đóng cửa ảnh hưởng hơn một phần ba tỉnh thành của Việt Nam.

Hầu hết các trường hợp lây bệnh mới được báo cáo tại tỉnh Hải Dương, nơi 2,340 công nhân nhà máy đã bị cách ly sau khi một nhân viên người Việt đến tiếp xúc với một người mà người đó đã thử nghiệm dương tính với biến thể B.1.1.7 dễ truyền nhiễm hơn ở Anh tại Nhật Bản vào giữa tháng 1.

Trong khi đó bản tin của báo Los Angeles Times cho biết hôm Thứ Hai rằng số trường hợp ngày càng gia tăng của biến thể vi khuẩn corona dễ truyền nhiễm hơn lần đầu tiên được xác nhận tại Anh đang gây lo ngại về sự gia tăng trong tương lai tại Miền Nam California, là một trong 2 điểm nóng trên toàn quốc về lo ngại biến thể mới.

Các khoa học gia lên tiếng quan tâm sâu xa rằng thật là quan trọng để giữ việc truyền nhiễm vi khuẩn corona thấp và tăng tốc chích ngừa nhanh chóng, nói rằng có thể các hệ thống bệnh viện lại lần nữa bị tràn ngập nếu biến thể từ Anh vượt ngoài kiểm soát. Biến thể từ Anh đã được xác nhận trong 467 người tại 32 tiểu bang, với Florida đứng đầu danh sách với ít nhất 147, và California ít nhất 113.

Các viên chức Quận Los Angeles đã tuyên bố trường hợp thứ hai được xác nhận của biến thể mới hôm Thứ Bảy. Ít nhất 2 trường hợp được xác nhận tại Quận San Bernardino.

Quận San Diego có ít nhất 109 trường hợp được xác nhận và thêm 44 trường hợp được liên quan các trường hợp biến thể đã biết, theo các viên chức cho biết vào tuần rồi.

-         Trên toàn cầu hiện có 103,369,524 trường hợp, với 2,236,351 người thiệt mạng.
-         Tại Hoa Kỳ hiện có 26,261,703 trường hợp, với 442,030 người thiệt mạng.
-         Tại California hiện có 3,327,578 trường hợp, với 40,988 người thiệt mạng.
-         Tại Quận Cam hiện có 245,978 trường hợp, với 3,062 người thiệt mạng.
 
Quận Cam Công Bố Chương Trình Trợ Giúp Tài Chánh Thuê Nhà Cho Cư Dân Bị Ảnh Hưởng Covid-19
 
Các viên chức tại Quận Cam đã tuyên bố sự trợ giúp tiền thuê nhà khẩn cấp được cung cấp cho những cư dân nào có đủ điều kiện là những người không thể trả tiền thuê nhà và/hay tiền điện và khí đốt bởi vì đại dịch Covid-19, theo bản tin của Đài Truyền Hình ABC7 cho biết hôm Thứ Hai, 1 tháng 2 năm 2021.

Chương trình trên online đã bắt đầu nhận đơn vào lúc 8 giờ sáng Thứ Hai. Địa chỉ trang mạng để vào ghi danh ở đây:
 
 
Tổng số tiền hiện có là $65,576,556 trong ngân quỹ của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ.

Chương trình không sẵn sàng cho các cư dân tại các thành phố Anaheim, Santa Ana hay Irvine.

Những cư dân có đủ điều kiện có thể có đủ điều kiện cho thất nghiệp, có thể trưng bày nguy cơ bị trở thành vô gia cư, có thu nhập gia đình ngang mức hay thấp hơn mức trung bình trong khu vực và tài trợ không thể trùng lập với trợ giúp liên bang khác.
 
Biden Công Bố Sắc Lệnh Chống Biến Đổi Khí Hậu Lớn Chưa Từng Có, Nhưng Sẽ Gặp Nhiều Lực Cản Và Cần Rất Nhiều Tiền Chi Tiêu
 
Tổng Thống Joe Biden đã tung ra cuộc tấn công toàn diện vào biến đổi khí hậu với một quân đội đồng minh lớn hơn nhiều Barack Obama đã làm 12 năm trước – một liên minh từ các nghiệp đoàn, các nhà hoạt động chống khai thác dầu bằng fracking và những nhà cổ võ công bằng chủng tộc tới các lãnh đạo của Wall Street, kỹ nghệ xe hơi và Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, theo bản tin của báo Politico cho biết hôm Thứ Tư, 27 tháng 1 năm 2021.

Nhưng Biden cũng đối diện một thách thức: nắm giữ liên minh đông đúc này, với nhiều chương trình nghị sự đầy cạnh tranh, đủ lâu để phá vỡ lực cản tại Quốc Hội mà đã dìm các nỗ lực của Obama để thúc đẩy các thay đổi chính sách của ông thông qua Quốc Hội.

Ông cũng đưa ra kế hoạch khí hậu lớn hơn nhiều so với kế hoạch mà Obama đã từng cố gắng làm, với lời kêu gọi hàng ngàn tỉ đô la trong chi tiêu mới cùng với các nỗ lực để chiến đấu với hâm nóng toàn cầu như là sứ mệnh chính cho toàn hành pháp.

Biden đã vạch rõ lằn ranh giữa kế hoạch của ông chống biến đổi khí hậu và chính phủ Trump, mà đã đưa ra các luật lệ, phỉ báng khoa học và quay lưng với các nỗ lực toàn cầu để kềm chế thải khí nhà kính làm tăng nhiệt độ Trái Đất.

Các sắc lệnh hành pháp hôm Thứ Tư có gốc rễ trong các chính sách mà ông đã đưa ra trong cuộc vận động tranh cử và cam kết biến chính sách biến đổi khí hậu trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ của ông.

Đặc Sứ Khí Hậu của Bạch Ốc là John Kerry đã phát biểu với Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới hôm Thứ Tư rằng sắc lệnh hành pháp sẽ gồm việc chỉ đạo cho các cơ quan để phát triển kế hoạch cho việc loại bỏ tài chánh công cộng của các dự án nhiên liệu bằng hóa thạch.

Sắc lệnh tạo ra một lực lượng khí hậu quốc gia cho 21 cơ quan và các bộ liên bang để phối hợp các hành động giải quyết biến đổi khí hậu. Công việc sẽ gồm việc bảo vệ tốt hơn các cơ sở chính quyền chống lại các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bảo đảm công chúng được cập nhật thông tin về các tiên đoán liên quan đến khí hậu và các phương pháp bảo vệ.

Sắc lệnh cũng tạo ra một tổ chức mới gọi là  Civilian Climate Corps Initiative [Sáng Kiến Quân Đoàn Khí Hậu Dân Sự], “để cho thế hệ mới của người Mỹ làm công việc duy trì và phục hồi các vùng đất và vùng nước công cộng, gia tăng việc trồng lại rừng, gia tăng khả năng hấp thụ khí carbon trong lãnh vực nông nghiệp, bảo vệ sự đa dạng sinh học, cải thiện việc tiếp cận sự giải trí, và giải quyết biến đổi khí hậu.
 
Biden Ban Hành Sắc Lệnh Tái Đoàn Tụ Các Đình Di Dân Bị Trump Chia Cách Và Xem Xét Các Chính Sách Di Trú Của Trump
 
Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành 3 sắc lệnh hành pháp tìm cách đoàn tụ các gia đình di dân bị chia cách bởi chính sách của thời TT Trump và ra lệnh xem xét chương trình di trú rộng lớn hơn của người tiền nhiệm của ông, theo bản tin của BBC tiếng Anh cho biết hôm Thứ Ba, 2 tháng 2 năm 2021.

Trong một nỗ lực để ngăn chận di dân bất hợp pháp, chính phủ của TT Trump đã tách lìa những người lớn không có giấy tờ hợp lệ khỏi những con cái khi họ vượt biên giới Mỹ-Mễ.

Sắc lệnh của Biden sẽ lập một đội đặc nhiệm để cố gắng đoàn tụ khoảng từ 600 tới 700 trẻ em là những người vẫn còn bị cách ly với gia đình của họ.

Chính phủ Trump đã tách ly ít nhất 5,500 trẻ em khỏi những người lớn dọc theo biên giới từ năm 2017 tới 2018.

Một trong những sắc lệnh của Biden sẽ thành lập đội đặc nhiệm liên cơ quan – được lãnh đạo bởi Bộ Trưởng Nội An mới được chuẩn thuận Alejandro Mayorkas – để giám sát việc tái đoàn tụ các gia đình.

Các sắc lệnh thứ hai và thứ ba mà Biden đã ký ban hành hôm Thứ Ba ra lệnh xem xét các chính sách di trú của Trump mà đã cắt bỏ tị nạn, làm chậm di dân hợp pháp vào Hoa Kỳ, và bãi bỏ tài trợ các quốc gia ngoại quốc.
 
Mỹ Gọi Chính Biến Tại Miến Điện Là Đảo Chánh, TQ Chỉ Gọi Là Cải Tổ Tránh Nói Đảo Chánh
 
Việc quân đội chiếm chính quyền tại Miến Điện và bắt giam bà Aung San Suu Kyi đã bị đặt tên là đảo chánh bởi chính phủ Biden, theo bản tin của CBS News tường trình hôm Thứ Ba, 2 tháng 2 năm 2021.

Việc mô tả đặc điểm này được các viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện trong một cuộc điện đàm với các phóng viên hôm Thứ Ba đã đưa tới việc đình chỉ một số viện trợ của Hoa Kỳ đối với Miến Điện và xem xét lại các chương trình tài trợ khác, nhưng phóng viên Christina Ruffini của CBS News nói rằng các viên chức đã làm rõ rằng chính phủ sẽ tiếp tục giúp người dân Miến Điện và thúc đẩy các nỗ lực thúc đẩy nền dân chủ trong đất nước này.

“Chúng tôi đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc liên quan đến việc bắt giam các lãnh đạo của chính phủ dân sự của quân đội Miến Điện,” theo một viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc điện đàm. “Sau một cuộc xem xét kỹ lưỡng các sự kiện và các trường hợp, chúng tôi đã đánh giá rằng Aung San Suu Kyi, vị lãnh đạo của đảng cầm quyền Miến Điện, và Win Mynt, lãnh đạo chính phủ được dân bầu, đã bị truất phế trong một cuộc đảo chánh quân sự vào ngày 1 tháng 2.”

Chính phủ Biden đã làm sắt bén lập trường của mình hôm Thứ Ba sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ việc chiếm chính quyền là “cuộc cải tổ nội các chính,” đưa ra cách nói uyển chuyển để tránh gọi đây là một cuộc đảo chính.

Các nhà lãnh đạo dân chủ trên khắp thế giới đã lên án quân đội Miến Điện, và Ông Biden cũng đã làm rõ rằng Hoa Kỳ “đang lưu ý” xem ai là người đứng về phía người dân Miến Điện.
 
Putin Ký Gia Hạn Hiệp Ước Kiểm Soát Vũ Khí Nguyên Tử Giữa Mỹ và Nga Sắp Hết Hạn
 
Moscow  – Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã ký thành luật hôm Thứ Sáu chuẩn thuận sự gia hạn của Hiệp Ước Mới START, hiệp ước kiểm soát vũ khí chính yếu với Hoa Kỳ, một tuần trước khi nó hết hạn, theo Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố qua bản tin của CNN hôm Thứ Sáu, 29 tháng 1 năm 2021.

Thỏa thuận kiểm soát vũ khí nguyên tử đã được gia hạn qua 5 năm cho đến ngày 5 tháng 2 năm 2026, theo Điện Kremlin. Nó là hiệp ước chính yếu sau cùng thuộc loại này giữa Nga và Hoa Kỳ sau khi Mỹ một mình rút ra khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí nguyên tử với Nga, gọi là Hiệp Ước Vũ Khí Nguyên Tử Tầm Trung (INF), dưới chính phủ Trump vào năm 2019.

Putin và Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã điện đàm hôm Thứ Ba bày tỏ “sự hài lòng” về việc trao đổi các tuyên bố ngoại giao giữa hai nước về việc gia hạn hiệp ước. Quốc Hội Nga đã bỏ phiếu chuẩn thuận sự gia hạn 5 năm hôm Thứ Tư.

Hiệp ước giới hạn mỗi bên chứa không quá 700 phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBMs), phi đạn đạn đạo được trang bị ở tàu ngầm (SLBMs) và trên các pháo đài bay hạng nặng, không chứa quá 1,550 đầu đạn đặt vào phi đạn đạn đạo liên lục địa, đặt trên tàu ngầm và trên pháo đài bay hạng nặng chở bom nguyên tử; và tổng số 800 được đặt trên các dàn phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa, trên các tàu ngầm, và các pháo đài bay hạng nặng.
 
Tân Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken Gọi Điện Thoại Cho Các Đồng Nhiệm Nhật, Nam Hàn, Thái Lan, Úc, Phi Luật Tân, Tái Cam Kết Cùng Chống TQ
 
Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Phi Luật Tân chống lại các cuộc tấn công tại Biển Đông, theo Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken nói với người đồng nhiệm của ông tại thủ đô Manila, theo bản tin của Newsweek tường trình hôm Thứ Năm, 28 tháng 1 năm 2021.

Blinken nhấn mạng đến sự quan trọng của Hiệp Ước Phòng Thủ Song Phương Hoa Kỳ-Phi Luật Tân và “sự áp dụng hiển nhiên của nó đối với các cuộc tấn công võ trang chống lại các lực lượng quân sự của Phi Luật Tân, các tàu công cộng, hay các tàu chiến tại Thái Bình Dương, mà gồm Biển Đông,” theo cuộc điện đàm được Bộ Ngoại Giao công bố từ cả hai phía hôm Thứ Tư.

Ông nói với Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. rằng Hoa Kỳ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của TQ tại Biển Đông nhiều tranh chấp “đối với phạm vi chúng vượt quá vùng biển mà TQ được phép tuyên bố chủ quyền theo luật quốc tế,” theo Bộ Ngoại Giao cho hay.

Bản công bố đọc được – lần đầu tiên ngoại trưởng nói rõ về yêu sách của tuyên bố chủ quyền rộng lớn của TQ – Blinken nói rằng “sẽ sát cánh với các bên tuyên bố của Đông Nam Á” trong việc đương đầu áp lực từ Bắc Kinh.

Các điện đàm khác được thực hiện bởi Blinken hôm Thứ Tư gồm các cuộc nói chuyện với các đồng nhiệm của ông tại Thái Lan và Úc. Các đồng minh khu vực chính yếu tại Nhật Bản và Nam Hàn được gọi hôm Thứ Ba, theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết. 
 
Nguyễn Phú Trọng, 76 Tuổi, Tái Đắc Cử Tổng Bí Thư Nhiệm Kỳ Thứ Ba
 
HÀ NỘI, VN – Như nhiều dự đoán trước Đại Hội XIII, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước, đã được tái đắc cử vào Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 13, có nghĩa là ông rất có khả năng được bầu lại làm Tổng Bí Thư Đảng CSVN nhiệm kỳ thứ ba, sẽ là người đầu tiên giữ chức vụ này liên tiếp ba nhiệm kỳ trong lịch sử Đảng CSVN, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm 30 tháng 1 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm chi tiết và việc này như sau.

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá 13, bước đầu tiến gần hơn tới một vị trí trong Bộ Chính trị và cao hơn cả là chức Tổng bí thư theo dự đoán của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Nếu được bầu làm Tổng bí thư khoá tới, ông Trọng - 76 tuổi sẽ giữ chức vụ này trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông sẽ là người nắm quyền TBT lâu nhất của Đảng Cộng sản VN kể từ sau thời kỳ ông Lê Duẩn, người giữ chức vụ này từ 1960 - 1986.

Truyền thông Nhà nước vào chiều tối ngày 30/1 cho biết có 8 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12 tái đắc cử Trung ương khoá 13. Ngoài ông Trọng, những cái tên vốn đã được dự đoán sẽ nắm vai trò quan trọng trong khoá tiếp theo cũng tái đắc cử Trung ương khóa tới. Cụ thể, 8 Uỷ viên này gồm:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người được dự đoán sẽ giữ chức Chủ tịch nước khoá tới

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính - người được dự đoán sẽ giữ vị trí Thủ tướng thay ông Phúc

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ - người được dự đoán sẽ là Chủ tịch Quốc hội thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

Ông Tô Lâm,  Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Ban Chấp hành Trung ương khoá mới gồm 180 Uỷ viên chính thức và 20 Uỷ viên dự khuyết.

Vào ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp phiên đầu tiên để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
 
60,000 Người Chết Vì Ô Nhiễm Không Khí Tại VN Nhiều Gấp 6 Lần Số Người Chết Vì Tai Nạn Xe
 
Việt Nam có 60,000 người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí, theo bản tin của báo South China Morning Post trích thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm 27 tháng 1 năm 2021 cho biết, nói rằng đó là con số người chết nhiều gấp 6 lần số người chết vì tai nạn xe tại Việt Nam. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm thông tin về vấn đề này như sau.

Đối với nhiều người Việt Nam, ô nhiễm không khí là mối quan tâm lớn hơn so với đại dịch COVID-19.

Tờ South China Morning Post vào ngày 27 tháng 1 đưa tin như vừa nêu về nạn ô nhiễm không khí tại thủ đô Việt Nam. Tin trích dẫn những chỉ số trong các tuần trước đó tại Hà Nội lên ngưỡng cảnh báo cao nhất, báo động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI theo AirVisual của Hà Nội có thời điểm ở mức kém hơn một số thành phố khác như New Delhi, Ấn Độ và Bắc Kinh, Trung Quốc.

Còn theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường năm 2020 của Đại học Yale, Việt Nam xếp thứ 115 trong số 180 quốc gia trên toàn cầu về chất lượng không khí, thấp hơn nhiều so với nhiều nước ở Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Timor-Leste.

Tờ SCMP trích thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát hiện rằng hơn 60.000 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí, gấp khoảng sáu lần số người chết vì tai nạn giao thông. Theo WHO, chất bụi mịn bao gồm sunphat, nitrat, amoniac, bụi khoáng và nước, có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu và trong thời gian lâu dài có thể làm tăng phát triển các bệnh tim mạch và hô hấp cũng như ung thư phổi.

Các quan chức môi trường Hà Nội nói ô nhiễm không khí là do các hoạt động công nghiệp quy mô lớn xung quanh thành phố, giao thông gia tăng, quá tải rác và các công trường xây dựng.

Hôm 25 tháng 1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhận định rằng tình trạng ô nhiễm tại Việt Nam rất nghiêm trọng và là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 18 tháng 1 đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước rà soát, đánh giá các nhà máy công nghiệp, khí thải giao thông, xây dựng và ngăn chặn các đối tượng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao nhiệm vụ xây dựng lộ trình thực hiện các quy định về khí thải phương tiện trước cuối năm nay.

Truyền thông trong nước thường xuyên khuyến cáo người dân tránh đi ra ngoài đường nếu không cần thiết, và có biện pháp bảo vệ bằng cách trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính đen.
 
Nhà Hoạt Động Chống Biến Đổi Khí Hậu Greta Thunberg Phản Đối Dự Án Xây Dựng Nhà Máy Điện Chạy Bằng Than Vũng Áng 2 Tại Việt Nam
 
Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường chống biến đổi khí hậu nổi tiếng thế giới, đã lên tiếng phản đối dự án xây dựng nhà máy điện chạy bằng than có tên Vũng Áng 2 tại Việt Nam, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm 1 tháng 2 năm 2021. Bản tin Đài RFA cho biết thêm thông tin về việc này như sau.

THOI SU TRONG TUAN 02

Nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu Greta Thunberg lên tiếng phản đối dự án xây nhà máy điện chạy bằng than đá Vũng Áng 2 tại VN. (www.en.wikipedia.org)


Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg phản đối dự án nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2, góp tiếng nói cùng với một số sinh viên Châu Á chống dự án này tại Việt Nam mà họ nói là sẽ gây hậu quả thảm khốc cho các thế hệ tương lai.

“Đừng im lặng”, cô Thunberg, 18 tuổi, nói với các sinh viên Châu Á phản đối biến đổi khí hậu tại Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam. Kêu gọi được đưa ra trong một video gửi đến các bạn đồng hành chống nhà máy than, theo tin của tờ Nikkei Asia ngày 1 tháng 2.

Tại Nhật Bản, một nhóm sinh viên Đại học và trung học cũng như một doanh nhân vào cuối năm 2020 đã gửi một bức thư ngỏ cho các công ty tham gia dự án Vũng Áng 2, bao gồm Mitsubishi Corp và các nhân hàng nhà nước như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Trong lá thư, các nhà đấu tranh môi trường viết: “Thủ tướng Suga [Yoshihide] đã kêu gọi một xã hội không còn khí thải vào năm 2050. Trước những diễn tiến như thế, quý vị có dự định hủy bỏ những kế hoạch này không?" Thủ tướng Nhật Suga đã công bố mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính vào tháng 10 năm ngoái.

Lá thư nói tiếp: “Nếu không, làm thế nào dự án Vũng Áng 2 phù hợp với Thỏa thuận Paris, mà Nhật Bản và Việt Nam là hai bên ký kết, và làm thế nào đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu trong khoảng 1,5 độ C?”.

Các công ty nhận lá thư ngỏ trước ngày 14 tháng 1 đã hồi âm.

Mitsubishi Corp viết trong phản hồi của mình rằng tại Việt Nam vẫn thiếu điện hàng ngày và họ đã được chính phủ Hà Nội yêu cầu mạnh mẽ về việc xây dựng nhà máy này. Mitsubishi cũng hứa sẽ không tham gia vào bất kỳ nhà máy nhiệt điện than mới nào trong tương lai.

JBIC cho rằng dự án đã được các nhà lãnh đạo Nhật và Việt hậu thuẫn và nó đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc bằng cách giảm các khu vực không có điện.

Đối với chính phủ Việt Nam, một nhà máy than sẽ ít tốn kém hơn để xây dựng so với một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng hoặc hạt nhân.

JBIC đã đồng ý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) vay 636 triệu USD để tài trợ xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam. Tổng số tiền khoản vay ước tính là 1,8 tỷ USD, được đồng tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và các tổ chức cho vay tư nhân.
 
Nhà Báo Nguyễn Tường Thụy Đã Xé Bỏ Đơn Kháng Cáo Vì Chống Lại Sự Ép Buộc Của An Ninh Trại Giam Tại Sài Gòn

THOI SU TRONG TUAN 03

Chụp ảnh lưu niệm với 5 bloggers, nhà báo độc lập từ Việt Nam trước cửa tòa soạn Việt Báo vào năm 2014 nhân chuyến thăm viếng Việt Báo của phái đoàn các nhà báo độc lập VN. Trong hình, người thứ ba từ trái là nhà báo Nguyễn Tường Thụy. (Photo VB)

 
SÀI GÒN, VN – Nhà báo và blogger bất đồng chính kiến Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, đã khẳng khái chống lại sự áp đặt của an ninh trại tạm giam tại thành phố Sài Gòn khi bắt ông phải viết đơn kháng cáo theo hướng dẫn của họ, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm 29 tháng 1 năm 2021. Bản tin của Đài RFA tường thuật thêm thông tin về việc này như sau.

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, một blogger của Đài Á Châu Tự Do đã xé bỏ đơn kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 5-1-2021 trong trại tạm giam của An ninh thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị buộc phải viết theo hướng dẫn của viên công an.

Ông Nguyễn Tường Thuỵ, Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị tuyên án 11 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Thụy hôm 29-1 thuật lại lời của 1 bị cáo khác ở trong cùng trại giam cho hay. Ông nói qua điện thoại như sau:

"Về trường hợp của ông Thụy thì ngay lần đầu tiên... một tuần sau khi phiên tòa thì tôi có vào gặp ông Thụy thì ông cho biết là cái khả năng kháng cáo của ông là dưới 50%.

Tuy nhiên là tôi đã chỉ cho, hướng dẫn cho ông là kháng cáo thì chỉ có lợi chứ không có hại.

Ông ấy nói rằng, tình hình giam giữ ở trong trại giam này khắc nghiệt cho nên ông muốn ra ngoài lao động cho được tự do.

Sau đó đến gần sát ngày thời hạn kháng cáo, tôi lại vô thì cái khả năng kháng cáo của ông nói rằng là chỉ còn 20%, có nghĩa là càng ngày càng xuống.

Trong cái ngày thứ 16 tức là 15 ngày là hết hạn kháng cáo thì tôi có vào gặp một bị cáo khác trong một vụ án khác có biết ông Thụy, thì bị cáo ấy thuật lại: Ông Thụy đi ra ngoài ngày thứ 15 để viết đơn kháng cáo, tuy nhiên cán bộ hướng dẫn ông ấy nói rằng là ông phải viết theo ý của họ thì ông Thụy đã không đồng ý.

Ông Thụy đã xé bỏ cái bản kháng cáo đó và trở về phòng giam. Họ có nói rằng là thứ sáu tuần trước hoặc là thứ hai tuần này sẽ được đi lao động tại trại giam Bố Lá và từ Bố Lá sẽ chuyển ra trại nào nữa thì không biết."

Như vậy, trong vụ xét xử các thành viên Hội Nhà báo Độc Lập mở màn cho năm 2021 của chính quyền Việt Nam, chỉ có 1 người kháng cáo bản án sơ thẩm là ông Lê Hữu Minh Tuấn.

2 nhà báo khác là ông Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Dũng không kháng cáo và đã bị chuyển sang trại giam Bố Lá của Công an thành phố Hồ Chí Minh ở Bình Dương hôm 25-1.

Bà Nguyễn Thị Lân, vợ ông Thụy hôm 29-1 cũng đi thăm ông ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh nhưng được chỉ sang trại giam Bố Lá.

Công an quản giáo trại giam này sau đó không cho phép bà Lân gặp blogger của Đài Á Châu Tự Do, viện dẫn là tình hình dịch bệnh phức tạp và chỉ cho gửi quà và tiền lưu ký.

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 5-1-2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong vòng buổi sáng đã xét xử xong và kết án 3 lãnh đạo của Hội Nhà Báo Độc Lập VN vì làm công việc báo chí của họ.

Mức án lần lượt gồm: ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù giam.

Bản án này ngay lập tức đã vấp phải chỉ trích của hàng loạt tổ chức quốc tế về nhân quyền, các cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.

Nghị viện Liên minh Châu Âu vừa qua cũng bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án việc bỏ tù 3 nhà báo, kêu gọi Việt Nam phóng thích và đề nghị xem xét lại Hiệp định thương mại tự do với quốc gia độc đảng này.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.