Hôm nay,  

Tôi Tu Pháp Môn Nào?

31/07/202000:00:00(Xem: 3650)
toi-tu-phap-mon-nao

Trong một khóa tu với Hòa Thượng Phước Tịnh.(hình tác giả cung cấp)


Tôi sinh ra trong một gia đình Phật Giáo. Bà tôi, mẹ tôi hay đi chùa lễ Phật. Bố tôi là một giáo sư dạy ở Đại Học Vạn Hạnh, có viết một số sách về Thiền nổi tiếng. Khi còn trẻ ông  thiền tập đều đặn, hầu như mỗi tối, ngay cả khoảng thời gian ông đi tù cộng sản. Anh chị em trong nhà tôi đa số đều qui y Tam Bảo. Có lẽ vì ảnh hưởng bố nhiều hơn mẹ, nên bọn tôi có khuynh hướng học, nghiên cứu về thiền nhiều hơn, chứ không hay đi chùa niệm Phật. Bản thân tôi cũng có thực hành thiền từ tuổi mới lớn. Như vậy coi như là tôi đã “tu thiền”?

Tuy nhiên, cũng chính ông bố làm cho tôi suy nghĩ lại về chuyện “tu pháp môn nào?”. Cả đời nghiên cứu về thiền, bỗng dưng vào giai đoạn cuối đời ở độ tuổi 90, bố tôi có vẻ như chuyển pháp môn thực hành. Ông nói nay không còn ngồi thiền, mà chỉ “sống thiền” trong cả một ngày. Ông giải thích thêm “sống thiền” là giữ cho tâm bình lặng, tránh bị bất an, xao động. Còn buổi tối thì ông niệm chú trước khi đi ngủ. Ông niệm một số câu chú của Mật Tông, thí dụ như “Om Mani Padme Hum”. Tại sao bố tôi lại chuyển qua Mật Tông? Bố nghiên cứu Phật Pháp hơn tôi nhiều; vậy nếu ổng “chuyển”, thì tại sao tôi không chuyển từ bây giờ “cho chắc ăn”?

Một người khác cũng làm tôi suy nghĩ về chuyện pháp môn Phật Giáo là ông chú bên vợ. Ông là một giáo sư Việt Văn ở trường Chu Văn An Sài Gòn trước 1975. Sau 1975 chú là một nhà nghiên cứu Phật học sâu sắc, khi sang Mỹ có viết và xuất bản một số sách về đề tài Phật Giáo có giá trị. Tôi phục chú lắm. Chú dạy cho tôi rất nhiều điều trong kinh sách, Thiền học. Vậy mà vào giai đoạn cuối đời, vài năm trước khi mất, chú nói với tôi rằng: “Càng về già, chú càng thấy tu Tịnh Độ thật là siêu việt…”. Tại sao chú tôi lại chuyển qua Tịnh Độ? Mình có nên theo chú chăng?

Tôi bắt đầu tự đặt câu hỏi: sự khác nhau giữa Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông là gì? Sự giống nhau của các pháp môn này là gì, mà tại sao bố tôi, chú tôi lúc cuối đời “chuyển pháp môn” mà không gặp trở ngại? Tôi đặt câu hỏi như vậy với mục đích là để tìm cho mình một phương pháp thực hành thích hợp cho bản thân, chứ không hề có ý muốn nghiên cứu sâu vào lịch sử các tông phái Phật Giáo. Nghiên cứu chuyện này nhức đầu lắm! Tôi thấy nhiều bạn bè Phật tử vì nghe bàn cãi về sự khác nhau về tông phái Phật Giáo mà hoang mang, bị chia trí: không biết mình tu Tịnh Độ có đúng, bạn mình tu Thiền có sai, tu Tịnh và tu Thiền thì cái nào “cao” hơn???...Không phải lời giải thích của tất cả các tăng ni đều đúng và đầy đủ. Không phải tất cả các tài liệu trên internet đều đáng tin cậy. Tìm hiểu không đúng người, đúng chỗ thì hại nhiều hơn lợi.

Xin được lướt qua thật nhanh về những tông phái mà Phật tử hay nghe và nhắc đến, chỉ đủ để bài viết này có đầu, có đuôi. Việc tìm hiểu sâu về tông phái là chuyện của những nhà nghiên cứu, chứ Phật tử tại gia sơ cơ như tôi không đủ trình độ. Nhóm bạn Phật tử trẻ của tôi hay bàn về Nam Tông, Bắc Tông. Nghe nói Phật Giáo truyền bá từ Ấn Độ sang Việt Nam qua hai hướng: một đi theo hướng Bắc, qua Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản… rồi vào miền Bắc Việt. Hai là đi về Nam, đi qua Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt rồi vào miền Nam Việt. Hồi còn trẻ hay đi du lịch ở Việt Nam, tôi phân biệt giữa chùa Bắc Tông và Nam Tông qua kiến trúc, đặc biệt là mái chùa. Chùa Nam Tông màu sắc rực rỡ hơn. Tượng Phật bên trong cũng khác. Các tượng Phật như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ có ở các chùa Bắc Tông.

Rồi tụi tôi cũng nghe nói về Phật Giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa. Nhưng chúng tôi đã được nhắc nhở không nên gọi là “Tiểu” hay “Đại”, mà là Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển. Phật Giáo Nguyên Thủy dựa trên những kinh điển có từ thời Phật còn tại thế, dạy tu tập để  thoát khổ, thoát luân hồi. Còn Phật Giáo Phát Triển ngoài mục tiêu giải thoát bản thân còn đặt nặng đến việc cứu độ cho người khác. Tu Bồ Tát Đạo là để giúp người khác cũng thoát khổ, cũng thấy được Đạo Pháp như mình. Tụi tôi biết rằng Nam Tông là Phật Giáo Nguyên Thủy, còn Bắc Tông là Phật Giáo Phát Triển.

Rồi lại còn phân biệt giữa Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông nữa! Tụi tôi hiểu đây là các phương pháp tu hành khác nhau, nhưng đều có cùng mục đích là làm cho thân tâm an lạc, thấy được Phật Tánh. Thiền chú trọng đến các pháp hành như ngồi thiền, đi thiền hành, quán niệm mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày để Kiến Tánh (nhận ra Thực Tánh trong chính mình). Ăn cơm cũng có thể thực hành thiền. Lái xe cũng có thể thực hành thiền. Còn Tịnh Độ chủ yếu tu bằng cách tụng kinh, niệm Phật A Di Đà, lễ bái danh hiệu Phật…Tịnh Độ thuộc truyền thống Bắc Tông. Thiền là pháp tu căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng cũng phát triển suốt chiều dài lịch sử của mọi truyền thống Phật Giáo, cả Bắc Tông và Nam Tông đều có những trường phái Thiền khác nhau. Còn Mật Tông là một tông phái ra đời ở Ấn Độ sau khi Đức Phật nhập diệt vài thế kỷ, nhưng phát triển mạnh ở Tây Tạng, cho nên nhiều người nghĩ Mật Tông có nguồn gốc từ Tây Tạng. Nói một cách vắn tắt, Mật Tông là phép tu kết hợp giữa các động tác của thân (như tay bắt ấn), với việc trì tụng những chân ngôn (như Om Mani Padme Hum) và tâm quán tưởng về Chư Phật. Mật Tông không phổ biến lắm đối với Phật tử Việt Nam ngày nay, nhưng chắc chắn đã len lỏi vào đời sống dân gian của dân tộc Việt từ lâu đời. Hồi bé tôi đã được đọc nhiều chuyện cổ tích có liên quan đến câu thần chú Án Ma Ni Bát Ni Hồng (Om Mani Padme Hum) để trừ ma quỷ. Có cả chuyện ông thầy cúng chuyên nghề tay bắt ấn, miệng đọc thần chú để trừ ma, lại bị bà vợ giả ma nhát chạy có cờ, cũng vui lắm!

Còn trong lối nói bình dân của người dân Nam Kỳ, còn có một cách tu nữa: tu phước. Có nghĩa là người tu hành chỉ là việc ăn chay, nói năng, làm việc lành thiện để tích lũy phước đức, để có một đời sống an lành, chết thì được tái sanh về cõi an tịnh.

Giải thích, phân loại pháp môn đến đây là tạm đủ. Nay đi vào phần chính: Phật tử chọn các pháp môn này ra sao? Nhóm Phật tử của tôi có vài chục mạng. Đại đa số đều “tu phước”, tức là lo làm việc phước thiện. Thầy tôi khuyên nên kết hợp cả hai phương pháp Thiền và Tịnh. Nhưng trong nhóm có người thích ngồi thiền, đi thiền hành; có người thích đọc kinh, lạy Hồng Danh Phật. Có người làm cả hai. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh hoạt chung, tôi nhận thấy rõ ràng rằng đa số thích hợp với tụng kinh niệm Phật hơn là thiền. Nhìn rộng ra hơn trong cộng đồng Phật Giáo ở Mỹ và cả ở Việt Nam, khuynh hướng này càng được củng cố. Tại sao? Có lẽ tại ngồi thiền khó. Ngồi yên một chỗ, giữ cho tâm tĩnh lặng, không suy nghĩ miên man trong mươi mười lăm phút quả là không dễ. Tu thiền còn có người đồn rằng tu không đúng coi chừng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Tụng kinh niệm Phật có vẻ dễ hơn. Đặt niềm tin khi niệm A Di Đà Phật vì Ngài sẽ cứu độ người hiền đức vừa qua đời lên cõi Tịnh Độ an lành; hay niệm Quan Thế Âm Bồ Tát vì tin vào năng lực cứu khổ, cứu nạn dành cho chúng sanh là không khó lắm. Vấn đề chính là làm sao cho niềm tin được vững chắc. Lời xác nhận của một vị tu hành có uy tín, hay một số câu chuyện kể lại sự linh ứng của Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Âm có khi đã đủ cho niềm tin. Chứ việc tin vào năng lực của chính mình nhờ thiền định mà cũng có thể thấy được Phật Tánh thì… quả là khó thiệt! Bởi vậy nên trong kinh Phật mới nói rằng con người ngồi trên cả một kho báu mà cứ nói là mình nghèo lắm, xin sự trợ giúp từ chư Phật có ý nghĩa là vậy.

Việc tôi tự chọn cho mình một pháp tu thích hợp cũng có khó khăn. Tôi thử suy nghĩ theo kiểu logic thông thường: trước tiên hãy xác định mục đích mình tu học theo Đạo Phật là gì, rồi sau đó chọn cách tu để dễ đạt được mục đích này. Nghĩ tới, nghĩ lui, tôi thấy mục đích của tôi cũng không khác mấy với đại đa số bạn bè đồng tu học: sống sao cho bớt khổ, có được sự bình an, còn chết thì ra đi thanh thản, được tái sinh trong cõi an lành. Mà những thứ này cũng chính là điều mà Đức Phật muốn giáo huấn cho thế gian. Ngay trong lần thuyết pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế, Ngài dạy rằng sinh ra đời đã là khổ, bởi vì sinh-lão bệnh-tử, vô thường là điều không thể tránh. Cũng trong Tứ Diệu Đế, Ngài chỉ dẫn con đường để giảm khổ đau trong đời sống, và thoát khổ theo ý nghĩa tuyệt đối, cao cả nhất là thoát sinh tử luân hồi. Con đường giải thoát khổ đau đó là Bát Chánh Đạo, có thể xem là tám phương pháp thực hành trong đời sống của mọi Phật tử, cho dù theo bất cứ tông phái nào, cho dù là giới tu sĩ hay cư sĩ tại gia. Tám phương pháp đó, suy gẫm kỹ thì thấy đều chỉ dẫn người Phật tử sống một cuộc đời lành thiện, tạo nghiệp lành thiện trên cả ba phương diện thân, khẩu, ý. Thuộc về thân nghiệp bao gồm chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn; thuộc về khẩu nghiệp là chánh ngữ; thuộc về ý nghiệp là chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh định.

Ngẫm nghĩ đến đây, tôi bắt đầu nhận ra được điểm giống nhau của các pháp môn Phật Giáo. Phật Pháp bao la nhưng cũng chỉ quy về cốt lõi: muốn thoát khổ thì phải giữ cho thân, khẩu, ý được lành thiện. Đơn giản nhất là “tu phước” cũng khuyên người suy nghĩ thánh thiện để có thể làm việc tốt, nói năng lành thiện để tránh gây nghiệp ác. Người tu Tịnh Độ thường xuyên tụng kinh niệm Phật là để nhớ lời chư Phật, Bồ Tát dạy toàn là điều lành thiện, từ đó nuôi dưỡng tâm lành, hành động lành. Chứ nếu tụng kinh niệm Phật mà vẫn suy nghĩ độc địa, nói lời cay độc, làm việc ác thì chẳng có Phật A Di Đà nào cứu độ được. Và khi thân, khẩu, ý đều an tịnh, thì tâm người lúc đó đã là Niết Bàn rồi, đâu cần đợi chết mới về nơi đó. Với người tu Thiền, khi ngồi xếp bằng giữ cho tâm thanh tịnh, thấy rõ tính vô thường, vô ngã của cái thân này, thì mọi lời nói, hành động trong đời sống cũng dần dần được thanh lọc để trở nên lành thiện. Làm được như vậy, Phật ở ngay tại tâm, đâu cần tìm kiếm đâu xa. Ngay cả Mật Tông có vẻ như huyền bí, nhưng rốt cuộc cũng không ngoài việc thanh lọc thân, khẩu, ý. Tay bắt ấn, miệng đọc chân ngôn, tâm hướng về Chư Phật để cả thân- khẩu- ý của mình được đồng nhất với sự thanh tịnh như của Chư Phật. Ở tuổi 97, bố tôi giảng về câu thần chú “Om Mani Padme Hum” như sau: trong hoa sen có chứa viên ngọc của trí tuệ. Hoa sen phải vươn lên khỏi vũng bùn vô minh thì viên ngọc trí tuệ mới có dịp tỏa sáng. Với ý nghĩa như vậy, thì Mật Tông đâu có khác gì Tịnh Độ hay Thiền Tông?

Khi nghe tụng niệm Om Mani Padme Hum trên Youtube:   https://www.youtube.com/watch?v=iG_lNuNUVd4

Tôi cảm nhận sự an lạc cũng không khác gì niệm Bồ Tát Quan Thế Âm: https://www.youtube.com/watch?v=yntSpZs76Jk

Như vậy, việc bố tôi vào cuối đời chuyển sang Mật Tông, hay chú tôi trước khi mất cảm thấy hợp với Tịnh Độ hơn không có gì là quá khó hiểu.

Đến đây thì câu hỏi “tôi tu pháp môn nào?”, hay “bạn tu pháp môn nào?” đã dần dần sáng tỏ. Đạo Phật phát triển qua từng thời kỳ, truyền bá đến từng quốc gia, dân tộc khác nhau cũng có sự thay đổi nhất định để phù hợp với thời gian, nơi chốn. Nhưng chân lý và con đường thoát khổ thì không thay đổi. Tùy theo mức độ học Phật, hoàn cảnh cá nhân, điều kiện gia đình, xã hội, ta cứ chọn cho mình một cách thực hành phù hợp nhất. Tuy nhiên cho dù đó là pháp môn nào, việc sống sao cho ý nghĩ điều lành, miệng nói lời tốt, thân làm việc thiện là những điều không thể thiếu.

Riêng tôi, tôi sẽ tiếp tục ngồi thiền, vẫn tụng kinh lạy Phật, vẫn làm lành tránh dữ. Như Thầy tôi hay nói: “…tu chỉ có ngần ấy việc thôi…”
Tôi chợt nhớ đến bài hát mà nhóm Phật tử của tôi hay hát: “Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ”,  để nhắc nhở về sự tương đồng giữa Thiền và Tịnh Độ: https://www.youtube.com/watch?v=svrB7I5-Z0A&t=1s

Khi niệm A Di Đà
Là gọi Phật trong ta
Phật tánh là Cái Biết
Chẳng tìm ở đâu xa
Khi nghĩ về Niết Bàn
Là Tịnh Độ trong tâm
An trú trong chánh niệm
Cõi Phật sao thật gần
Tìm Phật ở bên ngoài
Sẽ chẳng tìm thấy ai
Tìm Niết Bàn cõi khác
Tìm hạnh phúc tương lai
Tìm Niết Bàn nơi đây
Là Duy Tâm Tịnh Độ
Tìm Phật trong tâm này
Là Tự Tánh Di Đà

Tâm Nhuận Phúc

Ý kiến bạn đọc
31/07/202013:43:20
Khách
Bỏ Phật trở lại chính mình
bỏ tụng, bỏ niệm, bỏ kinh, bỏ thiền
sống trong thực tại hiện tiền
bỏ luôn tinh tấn chuyên cần cũng không
quán tâm tĩnh lặng sáng trong
quán thân tứ đại cả trong lẫn ngoài
chánh kiến nhìn thấy đúng sai
bỏ luôn cái bỏ trong ngoài thân tâm
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trên một bài cậy đăng trên báo OC Register, bà Michelle Steel tố cáo ông Jay Chen chế diễu giọng nói của mình. Cũng trên một bài cậy đăng trên báo OC register , ông Jay Chen xác nhận không chế diễu giọng nói
Sáng thứ bảy ngày 23/4/2022, đồng bào miền Nam California đón tiếp giám mục Nguyễn Thái Hợp từ Việt Nam đến trung tâm Công Giáo, giáo phận Orange County một cách nồng nhiệt.
SAN FRANCISCO - Việc Elon Musk mua lại Twitter đã khiến cổ phiếu của Tesla lao dốc, thiệt hại hơn 100 tỷ đô la, theo trang WSP đưa tin ngày Thứ Ba, 26 tháng 4 năm 2022.
QUẬN CAM (VB/PTH) --- Buổi ra mắt tác phẩm "Thơ & Ca Từ"của nhà văn, nhà thơ, người viết nhạc Nguyễn Đình Toàn đã thực hiện chiều Thứ Bảy 23/4/2022 tại nhà sách Tự Lực ở Garden Grove, Quận Cam, trong tình văn nghệ đầm ấm, thân mật.
WARSAW - Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan theo hợp đồng Yamal, trong bối cảnh rạn nứt giữa phương Tây và Nga ngày càng sâu sắc hơn vì cuộc xâm lược Ukraine, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Ba, 26 tháng 4 năm 2022.
Vào trưa ngày Chủ Nhật 24/04/2022, tại Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH đã có buổi thuyết trình về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa, từ đó dẫn đến lịch sử người Việt tị nạn dành cho các em học sinh trung học thuộc các học khu Garden Grove và Westminster.
Vậy bằng cách nào mà cuốn tạp chí Bách Khoa, số cuối cùng (phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) đã không bị ném vào mồi lửa, không trở thành giấy gói xôi, không bị thu hồi, tịch thu, tiêu hủy” và vẫn có thể xuất hiện “nguyên con” trên trang web của Tạp Chí Thế Kỷ 21 vào ngày 2 tháng 4 năm 2017? Đây là câu hỏi mà quý vị lãnh đạo của chính phủ hiện hành cần “suy ngẫm” để có thể ban hành những nghị quyết, hay nghị định đỡ ngớ ngẩn (và lạc hậu) hơn chút xíu.
WASHINGTON - Trong hai năm qua, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên áp dụng vắc xin và phương pháp điều trị COVID-19. Giờ đây, khi các nhà sản xuất phát triển thế hệ vắc xin và thuốc điều trị mới, Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng nếu Quốc hội không hành động khẩn cấp, Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng lớn, theo APnews đưa tin ngày Thứ Hai, 25 tháng 4 năm 2022.
HOA KỲ – Một thẩm phán liên bang ở Louisiana đã ngăn chặn kế hoạch hủy bỏ Title 42 của chính quyền Biden, buộc Tòa Bạch Ốc tạm thời duy trì chính sách dành cho biên giới thời đại dịch, theo TheHill đưa tin ngày Thứ Hai, 25 tháng 4 năm 2022.
KYIV - Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine muốn người đứng đầu Liên Hiệp Quốc thúc ép Nga phải sơ tán thành phố cảng Mariupol trong chuyến đi Moscow sắp tới, theo APnews đưa tin ngày Thứ Hai, 25 tháng 4 năm 2022.
HOA KỲ – Một thẩm phán ở New York đã kết tội cựu Tổng thống Donald Trump khinh thường pháp luật vì không tuân thủ trát đòi đối với các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của văn phòng Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang, và yêu cầu Trump phải tuân thủ đầy đủ trát đòi của Bộ trưởng Tư pháp Letitia James, hoặc sẽ bị phạt 10,000 đô la/ngày cho tới khi chuyển giao đầy đủ tài liệu được yêu cầu. theo NYTimes đưa tin ngày Thứ Hai, 25 tháng 4 năm 2022.
Ba mươi học sinh cuối cấp Trung học nhận học bổng STEM của Edison International có tổng giá trị 1.2 triệu Mỹ Kim trong năm 2022...
Vào Thứ Bảy, 30 tháng Tư, 2022, từ 10:00 sáng đến 2:00 trưa, Sở Cảnh Sát Garden Grove và Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy (DEA) sẽ có buổi thu nhận lại thuốc dư, quá hạn hay không sử dụng nữa, nhằm ngăn chặn sự lạm dụng thuốc hoặc trộm cắp thuốc hết hạn và thuốc không dùng nữa...
Thành Phố Santa Ana sẽ mở danh sách chờ của Chương Trình Hỗ Trợ Tiền Nhà cho Người Có Thu Nhập Thấp (còn được biết là Section 8) từ Ngày 2 đến 31 Tháng Năm, 2022.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.