Hôm nay,  

Một ngày ở trường Y trong mùa COVID-19

22/03/202015:05:00(Xem: 3951)
blank

 

 
 

Buổi sáng

Đã hơn hai tuần, mọi cuộc họp trực diện đều đã bị cấm. Sáng thứ năm (19/3/20), đang ngồi trong phòng riêng, họp video conference với những nhân viên hành chánh thì nhận đựơc email cho biết phải hủy bỏ lịch giải phẩu của tất cả bệnh nhân cho đến 30 tháng 4. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là những bệnh nhân không thể chờ đợi 3 hay 6 tháng nữa.

Hơn 600 bác sĩ lập tức cặm cụi xem hồ sơ bệnh lý của từng bệnh nhân để quyết định ai có thể chờ được. Không khí nặng nề, chẳng ai nói chuyện với ai, tất cả dồn hết tinh thần vào computer monitor để lập danh sách cho nhân viên thông báo đến bệnh nhân.

Phòng mạch outpatient clinic đã đóng cửa từ thứ ba. Bệnh viện vẫn là chỗ yên tĩnh, nay lại còn im lặng thêm. Không có tiếng người đi, tiếng mở cửa hoặc tiếng thang máy. Một cô thư ký rón rén đi lấy nước uống là tiếng động duy nhất.

 

Buổi trưa

Trưa thứ năm, đi họp về tiếp liệu. Tên người dự họp được người chủ buổi họp đọc như điểm danh trong lớp. Từng người lên tiếng, tôi đây, Mỗi khu vực trong bệnh viện và trường Y đều có đại diện, và đây là một trong những buổi họp mà rất ít người vắng mặt. Pharmacy, surgery, facilities, labs, COVID-19 mobile testing, receiving, trăm họ đều đủ mặt. Mỗi người báo cáo tin tức cập nhật về lãnh vực của mình, cần dụng cụ gì và có khó khăn chỗ nào. 

Ngày nào cũng có khó khăn về N-95 masks. Số lượng không đủ và người nào cũng có lý do để đòi. Phải lập hội đồng để quyết định phân phát cho ai. Mặt nạ N-95 muốn đeo thì phải thử xem đem size nào hợp với khuôn mặt. Vì lưu ý đến điều này, hôm nay tôi nêu câu hỏi: đến lúc nước vỡ bờ, ai sẽ là người lo việc đi đo kích thước?  Nhiều người ú ớ. 

Lúc đầu, chỗ cung cấp hand sanitizer bảo đảm có đủ số lượng, nhưng lời hứa như nước chảy qua cầu. Ngay ngày đầu tôi đã lên tiếng coi chừng đây là lời hứa cuội vì bên ngoài không ai tìm được mà mua. Quả nhiên, tuần sau là thiếu.

Hôm nay chuyện mới là sợ thiếu alcohol để khử trùng dụng cụ tuy tuần tới sẽ có hơn 100 bình về. Alcohol là chất dễ cháy nên lại thêm vấn đề mới là sẽ chứa ở đâu. Do bây giờ phòng họp cộng đồng hay lớp học không còn được sử dụng, alcohol và các tiếp liệu sẽ được chất trong mấy chỗ này.

Thêm một khó khăn có thể xẩy ra liên quan đến sự an toàn của kho chứa.  Nhà kho lúc nào cũng có khóa và có security camera nhưng khi loạn, hỗn quân hỗn quan, trộm cướp nổi dậy, phải làm sao tìm cách bảo vệ những vật dụng quan trọng này? Lại nghe thêm nhiều ú ớ.

Thuờng mỗi ba tháng có họp tiếp liệu một lần, nhưng hai tuần nay thì họp mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Người nào tiếng nói cũng có vẻ mỏi mệt. Sau cuộc họp, tôi gọi anh manager bảo anh phải giữ gìn sức khỏe bản thân và cho cả nhóm vì đây là cuộc chạy trường kỳ chứ không phải chuyện ngắn hạn. Anh ta cám ơn.

 

Buổi chiều

Họp xong, tôi tạt qua endoscopy center. Thuờng thì mỗi buổi chiều có chừng 30 bệnh nhân. Vì đã có lệnh giảm thiểu từ đầu tuần nên khi tôi đến, thay vì 30 thì chỉ có 5 bệnh nhân.  Jenny, cô y tá trưởng hỏi tôi: anh nghĩ thế nào? Hỏi trống không như vậy làm sao tôi có được câu trả lời vì tôi xưa nay vẫn tối dạ với phải nữ. Nhưng nhìn vào ánh mắt, nét mặt của Jenny tôi biết cô có cùng tâm trạng với T. Mai, một pharmacist và bạn đồng môn tuy cách nhau 6, 7 năm. Tối qua, T. Mai gửi một email vỏn vẹn chỉ có 2 câu: Em vẫn đi làm. Anh cầu nguyện cho em. Tôi trả lời là tôi cũng vẫn đi làm và vâng, tôi sẽ cầu nguyện cho cô và cho cả thế giới cho qua cái nạn COVID-19 này.

Tôi nói với Jenny, lính thì ra trận, mình là health care provider thì mình provide care cho bệnh nhân. Đây là việc mình đã được huấn luyện và mình sẽ thi hành nhiệm vụ của mình.

Tôi biết Jenny lo âu về tiếp liệu và e ngại về tiên đoán là bệnh nhân sẽ tràn ngập như nước vỡ bờ. Mặc dù chỗ chúng tôi hành nghề là trường Y vừa được U.S. News & World Report xếp hạng thứ 6 trên nước Mỹ và có ngân quỹ cao, tôi biết cô nghĩ rằng danh tiếng và tài lực cũng không cải thiện được gì khi vật liệu khan hiếm và nhân lực hạn chế.

Trấn an xong Jenny, tôi quay về văn phòng. Nhận được hai email messages, 1 của chỗ tôi làm và 1 của Hopkins thông báo tất cả sinh viên y khoa sẽ không vào trường học trực tiếp. Sẽ không còn thực tập trong bệnh viện hay phòng thí nghiêm.

Vừa đọc xong email này thì nhận được hai email khác của trường liên quan đến COVID-19. Email trước nhắc lại là nên rửa tay thuờng xuyên và phải khử trùng những chỗ hay sờ tay vào như khóa cửa và keyboard của computer. Email thứ hai hỏi những ai trên 65 tuỗi hoặc có bệnh mãn tính thì ghi tên vào danh sách. Mỗi ngày có khoảng 2 đến 10 email thông báo về việc chuẩn bị.

Chỗ nào bây giờ cũng lo đến việc nhiễm COVID-19. Anh bạn trên Mass General Hospital cho biết có người đi làm về bỏ ngay quần áo vào máy giặt và mỗi ngày khử trùng trong nhà một lần. Có người còn cho cả gia đình đi tạm trú nơi khác để không bị nhiễm bệnh mang về từ nhà thuơng.

Đọc xong email thì cô thư ký vào chào tạm biệt vì từ nay cô sẽ làm ở nhà. Ai không lo cho bệnh nhân thì không vào trường nữa, cho đến khi có quyết định mới. Tôi bảo thế cũng tốt vì cô khỏi tốn tiền đổ xăng nữa. Cô cười nhẹ và bước ra. Tôi cũng sách cặp đi về. Không khí như buổi chợ chiều.

 

Trận chiến với COVID-19

Chưa bao giờ tôi thấy có những chuẩn bị như bây giờ: đóng cửa phòng mổ, không cho hẹn những bệnh nhân không nguy cấp, họp hàng ngày về tiếp liệu, không cho sinh viên thực tập , hạn chế các bác sĩ trên 65 tuổi ở nhà thương. Giới y khoa chỗ tôi bây giờ đã dàn trận thế và đạn đã lên nòng để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh với kẻ thù chung là COVID-19.

Chúng tôi sẵn sàng ra trận, giúp đỡ những người cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi cũng xin quý vị giúp đỡ chúng tôi bằng cách phòng bệnh như rửa tay thuờng xuyên và không tụ họp khi không cần thiết. Có lẽ phần lớn những thanh niên, thiếu nữ ở bờ biển Florida tuần trước sẽ không hề hấn gì dù cho có bị COVID-19, nhưng họ sẽ truyền bệnh cho người khác như ông, bà , cha mẹ của họ, những người già cả sẽ bị ảnh huởng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một người không bị COVID-19 là một máy thở nhân tạo được sẵn sàng để dùng cho một người khác khi họ bị nhiễm COVID-19.

Chúng tôi có cảm giác như chuẩn bị ra trận, một trận quyết liệt.  Tôi chợt liên tưởng tới những chiến sĩ trong suốt bao năm trước đây, đã kinh qua bao trận đánh một mất một còn để cho đồng bào ở nông thôn, thành thị miền Nam được an toàn. Chắc trước khi ra trận họ cũng có những chuẩn bị, những dự đoán...như chúng tôi bây giờ. Trong tôi chợt rộn lên niềm cảm thông vô hạn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.