Hôm nay,  

Thời Sự Trong Tuần

31/01/202000:00:00(Xem: 1698)

AFP_Dich vi khuan Corona tai TQ

Dịch Vi Khuẩn Corona Bùng Nổ Khắp Nơi

Người dân mang khẩu trang đi bộ trên một con đường hôm 28 tháng 1 năm 2020 tại Macau, Trung Quốc. Số trường hợp bị lây vi khuẩn corona chết người đã tăng lên hơn 4000 tại Hoa Lục hôm Thứ Ba khi các viên chức y tế phong tỏa thành phố Vũ Hán vào tuần trước trong nỗ lực chận đứng sự lây truyền của chứng bệnh viêm phổi mà các chuyên gia y tế khẳng định là có thể truyền từ người sang người.(Photo Getty Images)

 

Năm hết Tết đến mà tai họa cũng không tha cho loài người đã làm hàng chục triệu người tại Trung Quốc phải bãi bỏ hàng loạt các cuộc vui chơi trong ngày Tết Canh Tý vì sự lây truyền của vi khuẩn corona từ thành phố Vũ Hán bùng nổ ra và đến nay đã thành một đại dịch báo động toàn cầu.

 

Dịch Vi Khuẩn Corona Bùng Nổ Từ Vũ Hán Lan Truyền Khắp Thế Giới

 

Sự kiện bắt đầu từ ngày 20 tháng 1 năm 2020 khi bản tin các đài BBC và VOA loan tải vi khuẩn viêm phổi corona lan truyền từ TQ sang VN, Nam Hàn, Hồng Kông và Thái Lan.

Phát hiện hồi tháng 12/2019 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc virus này đã giết chết ba người ở Trung Quốc. Dịp Tết Nguyên đán là lúc hàng triệu người di chuyển khắp Trung Quốc, gây lo ngại khả năng lây lan bệnh sẽ tăng lên.

Đến ngày 25 tháng 1 bản tin AFP cho biết Hồng Kông tuyên bố tình trạng khẩn trương vi khuẩn corona; giới nghiên cứu nói số người bị lây bệnh được báo cáo tại Vũ Hán chỉ chiếm 5% con số thực.

Tổng số người chết vì bị lây vi khuẩn corona tại TQ đã gia tăng lên tới 56 và số người bị nhiễm trên toàn quốc là gần 2,000, theo bản tin hôm 25 tháng 1 của AFP cho biết.

Trong khi đó vị bác sĩ TQ có tên là Liang Wudong, 62 tuổi, tại Vũ Hán là người chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn corona tại TQ đã chết, theo Hệ Thống Truyền Hình Toàn Cầu Trung Quốc cho biết.

Ngoài ra, lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam hôm Thứ Bảy, 25 tháng 1, tuyên bố tình trạng khẩn trương vi khuẩn tại thành phố có 7.3 triệu dân, đang mở rộng việc đóng cửa trường học cho đến ngày 17 tháng 2 và bãi bỏ các chuyến thăm viếng chính thức tới Hoa Lục.

Bà Lam đưa ra một gói biện pháp nhằm hạn chế các liên kết của trung tâm tài chánh Châu Á với Hoa Lục. Các chuyến bay và các chuyến xe lửa chạy nhanh giữa Hồng Kông và thành phố Vũ Hán sẽ bị đình chỉ, và các cuộc lễ Tết chính thức cho thành phố đã bị bãi đỏ.

Trong khi đó, hôm Thứ Sáu, một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Anh Quốc và Hoa Kỳ đã phúc trình văn bản sơ bộ rằng số trường hợp được xác nhận trong vụ dịch vi khuẩn tại Vũ Hán chỉ phản ảnh 5% tổng số người bị nhiễm thực sự. Điều đó có nghĩa là tính cho đến Thứ Ba, 21 tháng 1, là ngày cuối mà họ đaư vào bản phân tích của họ, số người thực sự không phải 440 như được báo cáo, mà hơn 12,000 người bị bệnh. Văn bản này nói rằng kể từ hôm Thứ Ba, số người đã được chẩn đoán bị nhiễm vi khuẩn corona tại Vũ Hán là 729.

Sử dụng các tài liệu từ các phúc trình chính thức, nhóm được lãnh đạo bởi Jonathan Read tại Đại Học Lancaster đã phác họa bản đồ của việc lây truyền của vi khuẩn corona, bắt đầu vào ngày 1 tháng 1, khi các viên chức chính quyền đóng của thị trường thị nơi vi khuẩn được tin là đã truyền vào người từ một nguồn không rõ.

Các mẫu mà họ tạo ra tiên đoán sự thảm khốc bắt đầu vào tháng 2: lây truyền thêm nữa tại các thành phố ở TQ, nhiều người bị nhiễm được báo cáo hơn nữa, và sự bùng nổ các trường hợp lây bệnh tại Vũ Hán. “Trong thời gian 14 ngày, mẫu của chúng tôi tiên đoán số người bị lây nhiễm tại Vũ Hán sẽ nhiều hơn 190,000 người,” theo các tác giả viết trong văn bản cho biết.

Hôm Thứ Sáu, 24 tháng 1 năm 2020 nước Pháp tuyên bố 3 trường hợp được xác nhận bị nhiễm vi khẩn chết người từ Trung Quốc, là trường hợp đầu tiên bên ngoài Châu Á và Hoa Kỳ.

Các giới chức chính quyền Pháp nói rằng tất cả 3 người bị bnệh đều đã đi đến TQ. 2 người trong số đó cùng một gia đình. Họ là các trường hợp đầu tiên được ghi nhận bị lây vi khuẩn corona tại Châu Âu.

Bộ Trưởng Y Tế Pháp Agnes Buzyn nói rằng bà dự kiến còn nhiều trường hợp bị lây bnệh và vi khuẩn phải được chống trả như cháy rừng. Bà cho biết lý do có vẻ Pháp có các trường hợp bị bệnh đầu tiên tại Châu Âu là vì họ đã nhanh chóng phát triển thử nghiệm cho phép cứu thương nhanh chóng chẩn đoán người bị bệnh.

Các bệnh nhân tại Pháp đã được nhanh chóng đưa vào bệnh viện, cô lập, một người tại Paris, người khác tại thành phố Bordeaux thuộc tây nam nước Pháp.

Liên quan đến dịch bệnh corona, bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 27 tháng 1 năm 2010 cho biết rằng “Việt Nam ‘cách ly’ 35 trường hợp ‘nghi nhiễm’ virus Corona.” Bản tin VOA cho biết chi tiết như sau.

Bộ Y tế hôm 26/1 thông báo rằng vẫn còn “35 trường hợp” ở Việt Nam bị nghi nhiễm virus Corona (nCoV), vốn đã làm ít nhất 56 người tử vong ở Trung Quốc và hơn 2 nghìn người nhiễm trên toàn thế giới.

“Cả nước còn 35 trường hợp thuộc diện nghi nhiễm nCoV, đang tiếp tục được cách ly, theo dõi và tiến hành xét nghiệm”, cơ quan quản lý y tế của Việt Nam cho biết trong một thông cáo.

Liên quan tới cha con người Trung Quốc mà Việt Nam tuần trước xác nhận là hai ca đầu tiên nhiễm virus Corona ở Việt Nam, Bộ Y tế cho biết rằng “người con đang tốt dần và có thể xuất viện”, trong khi người cha “đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ”.

Đặc biệt một chuyên gia vũ khí sinh học Do Thái cho rằng vụ truyền nhiễm vi khuẩn corona trên toàn cầu có thể đã bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán liên hệ với chương trình vũ khí sinh học bí mật của Trung Cộng, theo báo the Washington Times cho biết hôm 25 tháng 1.

Viện Virology tại Vũ Hán là nơi duy nhất được tuyên bố tại TQ có khả năng làm việc với vi khuẩn, theo phóng viên an ninh quốc gia Bill Gertz viết như thế.

Dany Shoham, cựu sĩ quan tình báo quân sự của Do Thái, cáo buộc phòng thí nghiệm nói trên cũng có liên hệ tới chương trình vũ khí sinh học bí mật của Bắc Kinh.

“Một số các phòng thí nghiệm tại viện này đã có thể bị dính tới, trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển, trong vũ khí sinh học của TQ, ít nhất là về mặt tài sản, nhưng không phải là cơ sở chính của sự liên kết BW của TQ,” theo Gertz cho biết.

TQ đã bác bỏ việc có bất cứ vũ khí sinh học tấn công nào; Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết hồi năm ngoái rằng họ nghi có loại vũ khí bí mật như thế, theo  Gertz cho hay.

“Về nguyên tắc, sự xâm nhập của vi khuẩn ra bên ngoài có thể xảy ra do rò rỉ hoặc là một bệnh nhiễm trùng bên trong không được chú ý của một người thường đi ra khỏi cơ sở có liên quan,” the Shoham nói với Gertz. “Đây có thể là trường họp với Viện Virology tại Vũ Hán, nhưng cho đến nay không có bằng chứng hay chỉ dấu gì đối với sự kiện như thế.”

Đến ngày 28 tháng 1, Các Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật Hoa Kỳ (CDC) kêu gọi người dân Mỹ tránh tất cả các cuộc đi lại không cần thiết tới Trung Quốc, mở rộng việc cảnh báo đi lại từ thành phố Vũ Hán tới toàn nước  TQ khi tình trạng lây lan vi khuẩn corona ngày càng tồi tệ hơn, theo cơ quan này cho biết hôm Thứ Ba, ngày 28 tháng 1 năm 2020.

Tuần trước, CDC khuyên đừng di lại không cần thiết tới Vũ Hán, vì bệnh dịch lây lan và nơi mà đa số các trường hợp được báo cáo.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm Thứ Hai, 27 tháng 1 cũng nâng cảnh báo đi lại tới TQ từ Cấp 2 lên Cấp 3, yêu cầu người Mỹ “xem xét lại việc đi tới TQ vì vi khuẩn corona mới.” Họ cũng cho biết thêm rằng một số khu vực đã “có thêm người bệnh.”

Các viên chức y tế TQ cho biết hôm Thứ Ba rằng vi khuẩn, mà được chẩn đoán lần đầu gần một tháng trước, hiện đã làm thiệt mạng 106 người và lây bệnh cho 4,515 người.

Scott Gottlieb, cựu Ủy Viên Cơ Quan FDA và người cộng tác của CNBC, nói rằng ông lo ngại rằng số trường hợp bị nhiễm vi khuẩn corona tại TQ thực sự cao hơn con số chính thức công bố.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đánh giá quá thấp” các trường hợp tại TQ bởi “hàng chục ngàn,” theo Gottlieb nói với “Squawk Box” của CNBC.

Nhiều trường hợp bị lây bệnh đã được xác nhận tại Hồng Kông, Macao, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Nam Hàn, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Pháp, và Hoa Kỳ. Không có người nào chết vì bị lây vi khuẩn corona được xác nhận ngoài  TQ.

Cơ Quan CDC xác nhận 5 trường hợp bị lây vi khuẩn corona tại Hoa Kỳ và cho biết hôm Thứ Hai các viên chức y tế Hoa Kỳ hiện đang theo dõi 110 người tại 26 tiểu bang vì nghi bị vi khuẩn corona.

Tuần qua cũng còn có sự kiện đáng chú ý khác đối với tình hình Trung Đông khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố kết hoạch hòa bình mới với ‘giải pháp 2 nhà nước thực tế’.

 

Kế Hoạch Hòa Bình Mới Cho Trung Đông: ‘Giải Pháp 2 Nhà Nước Thực Tế’

 

Tổng Thống Trump nói rằng kế hoạch hòa bình Trung đông đã chờ đợi từ lâu của ông được công bố hôm Thứ Ba, 28 tháng 1 năm 2020 là một lộ đồ cho “giải pháp 2 nhà nước thực tế” mà hình dung Jerusalem như là “thủ đô không thể phân chia” của Do Thái.

Tuy nhiên, kế hoạch này hạn chế chủ quyền của quốc gia Palestine tương lai. Do Thái sẽ chịu trách nhiễm duy trì an ninh cho nhà nước Palestine, mà sẽ “được giải giới hoàn toàn.” Kế hoạch cũng cho phép Do Thái tuyên bố chủ quyền trên một số khu vực của vùng Tây Ngan chiếm đóng, gồm các khu định cư người Do Thái và Thung Lũng Jordan.

Trump công bố kế hoạch như là một “sự đột phá lịch sử,” dù lãnh đạo Palestine, đã cắt đứt quan hệ với chính phủ Hoa Kỳ khi họ thực hiện hàng loạt hành động bênh vực Do Thái, đã bác bỏ nó trước khi đề nghị được chính thức công bố.

“Sau 70 năm tiến bộ nhỏ nhoi, đây có thể là cơ hội sau cùng mà họ có từ trước tới nay,” theo ông Trump tuyên bố trong buổi họp báo chung tại Bạch Ốc với Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu.

"Tầm nhìn của tôi thể hiện cơ hội đôi bên cùng có lợi - một giải pháp hai nhà nước thực tế giúp giải quyết nguy cơ của quốc gia Palestine đối với an ninh của Israel", theo ông Trump cho biết thêm.

Kế hoạch của Hoa Kỳ đã được thực hiện kể từ những ngày đầu tiên của chính quyền Trump, khi tổng thống giao cho cố vấn cao cấp và cũng là con rể của ông là  Jared Kushner thực hiện nhiệm vụ cố gắng tạo ra thỏa thuận khó nắm bắt.

Trump khen ngợi đề xuất của ông cụ thể hơn nhiều so với các kế hoạch hòa bình khác từ trước tới nay. Ông nói rằng nó bao gồm một bản đồ lãnh thổ chi tiết về các biên giới cho thấy "thỏa hiệp lãnh thổ [Do Thái] sẵn sàng thực hiện", thêm rằng đây là lần đầu tiên Do Thái cho phép tiết lộ thông tin đó.

Đối với tình hình tại Hoa Kỳ trong tuần qua chuyện Thượng Viện mở phiên xử luận tội Trump làm nhiểu người chú ý vì đây là vụ xử thứ 3 trong lịch sử Hoa Kỳ.

 

Thượng Viện Mở Phiên Xử Luận Tội TT Trump

 

Thượng Viện Hoa Kỳ đã bắt đầu nghe các tranh biện mở màn hôm Thứ Tư, 22 tháng 1 trong phiên xử luận tội Tổng Thống Donald Trump với các thủ tục tố tụng ngay bây giờ, theo AP cho biết hôm Thứ Tư.

Đầu tiên các quản trị Hạ Viện thuộc Dân Chủ đưa ra trường hợp của họ là Trump đã lạm dụng quyền tổng thông và nên được bãi nhiệm.

Sau khi thảo luận vào đêm khuya hôm Thứ Ba về các quy tắc gần như đảm bảo sẽ không có nhân chứng mới nào được điều trần, phiên tòa đã tăng tốc. Có vài dấu hiệu chống đối của Cộng Hòa để đánh giá nhanh, bỏ phiếu, về các buộc tội liên quan đến thương lượng của Trump với Ukraine.

Các thượng nghị sĩ đã bác bỏ tất cả nỗ lực gọi các nhân chứng mới – gồm các phụ tá hàng đầu của Trump – và có vẻ sẽ làm như thế trong tuần kế đến, chận đức bất kỳ cơ hội điều trần nào mới.

Thẩm Phán Trưởng John Roberts đã mở phiên họp khi các thượng nghị sĩ giải quyết trong một vài ngày dài của quá trình tố tụng.

Trump, lúc đó đang ở tại Davos, Thủy Sỹ, tham dự diễn đàn kinh tế toàn cầu, đề nghị ông sẽ mở cửa cho việc điều trần của các cố vấn, rồi nhanh chóng thụt lùi, nói rằng có các mối quan tâm “an ninh quốc gia” có thể xảy ra trong cuộc điều trần.

“Tôi để điều đó cho Thượng Viện,” ông Trump nói thế trong câu hỏi về các nhân chứng.

Phiên xử đánh dấu lần thứ ba Thượng Viện cân nhắc liệu một tổng thống Mỹ có nên bị cách chức hay không. Đảng Dân Chủ cho rằng ông Trump đã lạm dụng chức vụ của mình bằng cách yêu cầu Ukraine điều tra các đối thủ chính trị trong khi giữ lại viện trợ quân sự quan trọng, đồng thời cản trở Quốc Hội bằng cách từ chối trao ra các tài liệu hoặc cho phép các quan chức làm chứng trong cuộc điều tra của Hạ Viện. Đảng Cộng Hòa đã bảo vệ các hành động của Trump, và đưa ra quá trình này như một nỗ lực thúc đẩy chính trị nhằm làm suy yếu tổng thống ngay giữa chiến dịch tái tranh cử của ông.

Dân Biểu Adam Schiff của California, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện và là lãnh đạo nhóm nguyên cáo, đã phát biểu mở đầu viện dẫn Alexander Hamilton và những Cha Già Dân Tộc khác của Mỹ là những người đã viết luận tội vào Hiến Pháp.

Các nguyên cáo Hạ Viện sẽ có 24 giờ trong 3 ngày tới để trình bày vụ kiện của họ. Các luật sư của tổng thống sẽ tiếp theo với 24 giờ trong 3 ngày để bào chữa. Họ được dự đoán sẽ kết thúc vào Chủ Nhật.

Sau đó, sẽ có 16 giờ cho các thượng nghị sĩ, là những người phải ngồi im lặng vào bàn giấy của họ, không nói không điện thoại cầm tay, để đặt câu hỏi bằng văn bản, và 4 giờ khác để nghị án.

Vào cuối tuần tới được dự kiến sẽ có một cuộc bỏ phiếu sau cùng về vấn đề họ có muốn nghe thêm các nhân chứng hay không, và dường như ngày càng có vẻ điều đó sẽ chấm dứt.

Phiên tòa mở đầu hôm Thứ Ba và tranh cãi về các quy tắc kéo dài đến tận đêm khuya, với những nhà Cộng Hòa bắn hạ từng nỗ lực của Dân Chủ để có được các phụ tá của Trump, bao gồm cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, và Quyền Tham Mưu Trưởng Mick Mulvaney, để làm nhân chứng.

Tình hình lây lan vi khuẩn corona tại nhiều nước trong đó có VN làm cho lãnh vực du lịch tại VN bị thiệt hại nặng nề vì đa số du khách đến VN là người TQ.

 

Dịch Vi Khuẩn Corona Làm Du Lịch VN Thiệt Hại

 

Bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 28 tháng 1 cho biết như sau.

Mục tiêu của Việt Nam trong năm nay sẽ đón thêm nhiều du khách quốc tế hơn năm ngoái đang có nguy cơ không đạt được vì nhiều đoàn tour bị hủy do những mối quan ngại về virus Corona lây truyền, giám đốc một công ty du lịch lớn nói với VOA.

Tính đến hôm 28/1, dịch viêm phổi do virus Corona gây ra, có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 106 người chết và 4.600 người lây nhiễm. Mặc dù đại đa số các ca là ở Trung Quốc, song 15 nước khác cũng đang phải cách ly, theo dõi hoặc điều trị nhiều ca.

Riêng Việt Nam hiện có 27 trường hợp “nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm”, theo trang Facebook chính thức của chính phủ.

Cả hai chính phủ Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đã ban hành các lệnh cấm bay và cấm công dân rời khỏi hoặc đi tới các vùng có dịch, đặc biệt là thành phố “tâm dịch” Vũ Hán.

Đây là những động thái mà hai nước tiến hành để bảo vệ công dân của mình cũng như ngăn không cho dịch bệnh lan rộng hơn nữa.

Nhận xét về những mất mát mà ngành du lịch Việt Nam đang phải gánh chịu từ tình hình hiện nay, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du Lịch Lửa Việt, nói với VOA:

“Nó tác động rất mạnh đến ngành du lịch, có thể coi là quả bom tấn về thiệt hại. Thứ nhất, mùa Tết là mùa cao điểm mà khách outbound, là khách đi ra nước ngoài trong đó có thị trường Trung Quốc, thì tất cả thị trường Trung Quốc đều bị ngưng hết. Và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam cũng ngưng”.

Tuy ngành du lịch Việt Nam đang chịu “thiệt hại nhãn tiền”, song ông Mỹ đánh giá cao động thái “tích cực, chủ động” của Trung Quốc khi ngăn công dân nước họ xuất ngoại.

Giám đốc hãng Lửa Việt lưu ý rằng du khách Trung Quốc là một thành phần quan trọng khi họ luôn chiếm con số áp đảo, lên tới 5 triệu trong tổng cộng 18,5 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019.

Cuối năm ngoái, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu “phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế” trong năm nay.

Song trong bối cảnh hiện tại, ông Mỹ, giám đốc của Lửa Việt, đưa ra nhận định rằng dịch bệnh do Coronavirus gây ra “chắc chắn ảnh hưởng” đến khả năng đạt mục tiêu đề ra.

Theo trang Facebook Thông tin Chính phủ, nhà chức trách Việt Nam thông báo “trước mắt tạm thời không cấp thị thực du lịch - bao gồm cả thị thực điện tử, thị thực thông thường và thị thực cửa khẩu - cho khách Trung Quốc đến từ khu vực có dịch bệnh, trừ trường hợp khẩn cấp”.

Đối với cư dân khu vực biên giới, thông thương qua các đường mòn, lối mở, trang Thông tin Chính phủ nói các cơ quan chính quyền địa phương có nhiệm vụ tăng cường biện pháp tuyên truyền, thuyết phục cư dân biên giới “tạm thời hạn chế các hoạt động giao lưu, qua lại biên giới” trong thời gian này.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương sẽ xem xét “tạm dừng” hoặc “đóng các cửa khẩu biên giới”, tuỳ vào diễn biến tình hình thực tế của địa phương theo quy chế quản lý biên giới hiện hành, trang Thông tin Chính phủ phát đi thông điệp hôm 28/1.

VOA quan sát thấy một số khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam lo ngại và treo biển không đón tiếp khách Trung Quốc, gây ra những phản ứng trái chiều nhau.

Vụ việc đình đám nhất là từ hôm 30 Tết, tức 24/1, đến nay, khách sạn Riverside ở Đà Nẵng có thông báo bằng tiếng Việt, Trung và Anh ở cửa viết rằng họ không đón khách Trung Quốc.

Liên quan đến dịch bệnh corona tại VN một bản tin khác của VOA hôm 28 tháng 1 cho biết rằng: 

Bộ Y tế hôm 28/1 cho biết rằng một trong hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm chủng virus Corona mới (nCoV) “đã khỏi bệnh”, nhưng vẫn bị “cách ly” tại bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM, trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi “chống dịch như chống giặc”.

Thông báo trên được đưa ra năm ngày sau khi Việt Nam xác nhận hai ca nhiễm nCoV đầu tiên ở trong nước là cha con người Trung Quốc tới từ tỉnh Vũ Hán, tâm điểm của đại dịch hiện đã làm 107 người tử vong và hơn 4.500 ca nhiễm.

Bộ Y tế Việt Nam cho hay, bệnh nhân 28 tuổi “hiện tỉnh, tự thở, ăn uống sinh hoạt bình thường, hết sốt hơn bốn ngày” và đã được xét nghiệm “âm tính” lần ba với virus Corona hôm 27/1.

Trong khi đó, người cha 64 tuổi “vẫn dương tính với nCoV” và hiện chưa có kết quả xét nghiệm lần bốn hôm 28/1.

Trong một diễn biến mới nhất ở Việt Nam liên quan tới virus gây chết người đang gây lo ngại toàn cầu, một công dân 10 tuổi người Trung Quốc nghi nhiễm nCoV đã bị "cách ly" và đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết, bệnh nhân này là “thành viên trong đoàn khách du lịch Trung Quốc đang trên đường di chuyển từ Hạ Long (Quảng Ninh) về Hà Nội thì xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương phổi...”

Hiện chưa rõ các thành viên còn lại của tour du lịch này đang ở đâu và họ có triệu chứng của nCoV hay không.

Theo chính quyền trong nước, tính tới tối ngày 28/1, 39 trường hợp nghi nhiễm chủng virus Corona mới tiếp tục “bị cách ly để không lây ra cộng đồng”. Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam nói rằng 56 trường hợp tiếp xúc với người nghi nhiễm virus gây chết người cũng “đang được theo dõi chặt chẽ”.

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.