Hôm nay,  

Người Về Như Bụi -- tuyển tập tưởng niệm thi sĩ du tử lê

10/01/202000:00:00(Xem: 4284)

NGUOI VE NHU BUI
39 tác giả cùng chia sẻ những cảm tưởng,
cảm nghĩ, cảm hoài, cảm niệm về thi sĩ DU TỬ LÊ [1942-2019]:

 

Thấm thoát mà sắp đến ngày “Bách Nhật” của thi sĩ Du Tử Lê (qua đời hôm 7/10/2019). Nhân dịp này, nhóm thân hữu của ông sẽ phát hành một tuyển tập lấy nhan đề là người về như bụi: tưởng niệm thi sĩ Du Tử Lê, do Văn Học Press ấn hành. Việt Báo hân hạnh giới thiệu tuyển tập đến quý độc giả bốn phương. Góp mặt trong tuyển tập có:

Cung Tích Biền - Nguyễn Thị Thanh Bình - Lê Phương Châu - Nhật Chiêu - Đinh Trường Chinh - Nguyễn Đức Cường - Võ Chân Cửu - Duyên - Khuất Đẩu - Lê Lạc Giao - Bùi Bích Hà - Lê Minh Hà - Phan Tấn Hải - Trần Yên Hòa - Tô Đăng Khoa - Đặng Mai Lan - Trần Vấn Lệ - Trần Thị Nguyệt Mai - Nguyễn Thị Khánh Minh - Đỗ Hồng Ngọc - Như Quỳnh de Prelle - Đỗ Quyên - Orchid Lâm Quỳnh - Hoàng Xuân Sơn - Phan Ni Tấn - Song Thao - Nguyễn Xuân Thiệp - Trịnh Thanh Thủy - Trịnh Y Thư - Vũ Hoàng Thư - Đỗ Quý Toàn - Xuyên Trà - Lê Giang Trần - Lý Kiến Trúc - Trần Mộng Tú - Nguyễn Đức Tùng - Hạnh Tuyền - Trần Dạ Từ - Nguyễn Lương Vỵ.

 

LỜI NGỎ CỦA NHÓM THỰC HIỆN

 

dù tôi hiu: sm, mun gì tôi cũng sbiến mt,

như nhng con gió nhnhvà, nhng ha hn êm đềm ca nhng đọt nng xanh, non.

đó là lúc chúng tôi sgp li nhau mt cõi nào khác. có thể đó là lúc tôi không kp cm ơn vcon, bng hu và rut tht xa, gn…

                                                                                          – Du Tử Lê

 

 

Những câu thơ trên – trích từ bài thơ không ai chọn được đúng đời mình in trong tuyển thơ em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình của cố thi sĩ Du Tử Lê, xuất bản năm 2019, thi phẩm cuối cùng của ông – không ai ngờ lại là lời tiên tri về cái chết của chính mình! Sự ra đi thật bất ngờ của nhà thơ, tối 7 tháng 10 năm 2019 vừa qua, đã để lại cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng và nỗi niềm thương tiếc khôn nguôi của tất cả những người hằng mến mộ thơ và nhân cách ông xưa nay, từ trong nước ra đến hải ngoại.

   Chúng tôi, một số bằng hữu văn nghệ, từ người có mối giao tình với nhà thơ từ nhiều chục năm cho đến người chỉ mới quen biết gần đây, mạo muội đứng ra thực hiện tuyển tập tưởng niệm này như một nén tâm hương gửi đến vong linh một tâm hồn thơ trác tuyệt của nền thi ca đất nước.

   Du Tử Lê là một nhà thơ lớn của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, từ trong nước ra đến hải ngoại.  Cho đến những ngày tháng cuối của cuộc đời, ông vẫn sáng tác không

ngừng, và càng về sau, thơ ông càng thấm đẫm tính triết học và văn học. Mỗi bài thơ là một viên đá quý trong khu vườn thi ca Việt. Nhà văn Cung Tích Biền gọi đó là “Định mệnh của tài hoa.” Nhà thơ Trần Dạ Từ đã không ngần ngại gọi ông là “Thi Sĩ Một Đời. Thi Sĩ Viết Hoa.”

   Chủ đích của tuyển tập là cùng nhau chia sẻ những cảm tưởng, cảm nhận, cảm nghĩ, cảm hoài của bằng hữu, những người thân quen với nhà thơ, và vì thế, tuy có một số bài viết nhận định sâu sắc về sự nghiệp thi ca của ông, nhưng tập hợp phần nhiều trong cuốn sách chỉ là những ý tưởng, cảm nghĩ đơn sơ – nhưng rất mực chân thành – về con người và cuộc đời nhà thơ.

   Do phải chuẩn bị và thực hiện trong một thời hạn ngắn ngủi, trước lễ Bách Nhật của nhà thơ, nên tuyển tập khó có thể hoàn chỉnh theo ý muốn. Có những sơ sót và sơ suất (mà sơ sót lớn nhất có lẽ là không có được đầy đủ tất cả những đóng góp, lẽ ra nên có, của nhiều quý anh chị khác.) Mong quý vị và các bạn niệm tình tha thứ.

   Chúng tôi xin gửi lòng tri ân đến tất cả bằng hữu xa gần đã nhiệt tình ủng hộ đề án ngay từ thời điểm đầu, và chẳng những đã đóng góp bài vở cho tuyển tập mà còn yểm trợ phần tài chính. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm tạ chân thành đến bà quả phụ Lê Cự Phách, khuê danh Phan Hạnh Tuyền, phu nhân của cố thi sĩ, về những hỗ trợ tích cực quý báu của bà cho tuyển tập.

 

Nhóm thực hiện:

 

 Lê Lạc Giao ∙ Phan Tấn Hải ∙ Tô Đăng Khoa ∙ Trần Thị Nguyệt Mai ∙ Nguyễn Thị Khánh Minh ∙ Trịnh Y Thư ∙ Lê Giang Trần ∙ Nguyễn Lương Vỵ

 

 ***

 

CUNG TÍCH BIỀN

Du Tử Lê, Định Mệnh Của Tài Hoa

 

(…)

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi

Bên kia biển là quê hương tôi đó

Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

 

   Bên Kia Biển! Có cái nôi mẹ ru, Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay Có cái nền nhà để thằng bé chập chững tập đi; mẹ ngồi phía trước vỗ tay, thằng con mấy tháng tuổi như say rượu ngả nghiêng bước tới, con ngã mẹ ôm vào lòng;  có con  đường làng  để tuổi lớn bước ra:  cánh đồng nắng mưa, cái hoa dại, con bò vàng; người thi sĩ đã bắt đầu biết nghe hồn tre trúc, đã rõ tâm sự của trời mây; đã biết khói hương chỗ đình làng là lưu dấu tổ tiên; quê nhà của thi sĩ, có ngọn đèn khuya lắc lư đêm giông bão xứ Bắc; mây tan tác vì gió; có Hà Nội, có gò Đống Đa. Lịch sử đổi thay, người với người đành bỏ đất Bắc, dắt díu vào miền Nam; ấy là lúc về sau, từ tiềm thức, nhà thơ nhớ lại cơn đời đời hốt hoảng, và, khoảng trời xanh cũng rợn người. Là cái tâm thái, mưa ở đâu về như vết thương. Một đời Mẹ Việt Nam.

   Vết thương 1954, qua tháng ngày, rồi cũng lành. Miền Nam man mác gió Đồng Nai, mưa Sàigòn. Bỗng dưng, hai mươi mốt năm sau, lần nữa, lần đau thế kỷ mỗi đời người; người người  phải lìa bỏ Sàigòn, ra đi trong nước mắt. Bỏ vội vã. Lìa xa không kịp tạ từ.

   Đã chìm sâu trong tháng ngày, từ tâm hồn khói hương, lẩn khuất đâu trong ký ức lưu lạc, Du Tử Lê phải một đêm trăng mà nhớ, Sàigòn. Có thể đêm ấy trăng trên đất Mỹ rất sáng, nhưng đang dìu một dĩ vãng ưu tư trở lại.

 

Đêm về theo vết xe lăn

Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

Tìm tôi đèn thắp hai hàng

Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây

Ngỡ hồn tu xứ mưa bay

Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

Đêm về theo bánh xe qua

Nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh.

 

   Buồn làm sao. Cái nhớ như bờ dây tơ hồng buông từng sợi, trong nắng.

   Bên Kia Biển! Chốn cố quận xa xăm, đã là cái nôi nuôi dưỡng, rực rỡ đầm ấm, hiển linh kết tụ nên một hồn thơ, một Tinh Đẩu trong nền thi ca Việt Nam. Dòng thơ Du Tử Lê là một may mắn thụ hưởng, đầy đủ và trọn vẹn, cái tinh túy của ngôn ngữ thi ca, cái tiến trình lịch sử đầy nan nguy trên xứ sở của ông. Nên, thơ ông là tiếng nói, là tư niệm, tâm tình của một Đời Riêng, mà cũng là bao quát cái tổng thể, một Tiếng Nói chung thời đại.

   Là, nồng nàn một Tạ ơn.

 

Ơn em thơ dại từ trời

Theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi

Ơn em dáng mộng mưa vời
Theo ta lên núi, về đồi yêu thương…

 

   Là, phảng phất chờ mong. Đôi khi nghe ấm trên da thịt/ Như thể ai đi mới trở về Là cái có-thể-có. Cái, tưởng-đã-mất. Câu thơ bình thường quá, giản dị làm sao. Nhưng cái nhẹ thoảng, cái ngờ vực, nó đưa ta tới chỗ cảm ứng nhanh/lẹ. Vì sao, vì ở chỗ nó là cái không rõ nét. Tựa là một làn gió thoảng, một giọt sương bay, chút nắng tàn. Tất thảy là mong manh, như dư hương ngoài cõi, dễ ngậm ngùi.

   Trong thơ Du Tử Lê trùng trùng những đánh thức như thế. Lại may mắn nó biến ra âm nhạc, qua những nhạc sĩ tài danh, đã sáng tạo, tái hiện, từ thi ngữ ra nhạc ngữ đầy hấp lực của hòa điệu. Thơ ấy, nhạc ấy, hóa là lời ru. Là ca dao đầm ấm. Nó chạy thẳng vô chỗ tâm tư, lòng dạ người thưởng ngoạn. Qua tiếng đàn lời ca, đã nghìn tri âm tri kỷ, đã nghe, đã khắc ghi tâm dạ một Du Tử Lê. Cảm tình ấy là một sung mãn, tràn ngập.

   Một điều khá đặc biệt. Thơ của Lê đầy ắp những câu hỏi sâu sắc,  đôi bài  chứa đựng những nghi hoặc siêu hình, về cuộc đời,

thân phận con người, nỗi đau chung một lịch sử. Nhưng ngôn ngữ thơ của ông lại là thuần Nôm, hiếm khi ông dùng từ Hán-Việt, hàn lâm. Nên rất ư đơn giản, nhẹ nhàng, dễ hiểu, như bức tranh thêu thủ công. Nó biểu tỏ, hòa điệu với tâm tư đại chúng dễ dàng. Nó thầm lắng như tiếng suối về khuya. Nó  có vẻ đẹp, đã định, và bền bỉ lưu niên của lũy tre làng.

   Tôi tin, thơ của người họ Lê, còn mãi. Bầu trời còn trăng, nhân gian còn thơ.

 

Midway

nơi đây Thị trấn Giữa Đường

lên non một nửa, nửa, chừng ra khơi

(27/10/2019)

 ***

 

TÔ ĐĂNG KHOA

Du Tử Lê Và Những Con Chữ / Như Người

 

(…)

   Thi Sĩ Du Tử Lê là người có cái nhìn rất mới lạ về tác dụng của thời gian lên sự hiện hữu của con người, mà theo tôi, ông là người “dịch” (dời chuyển) được cái hồn, cái tinh túy nhất của triết học bí hiểm của Heidegger (Being and Time) sang Thi Ca Việt Nam một cách rất tài tình qua bài thơ thời gian là vết thương / tìm tôi để chảy máu.

 

một người hỏi bức tường:

- nhớ gì sau đổ, vỡ?

một người hỏi dòng sông:

- xót xa mùa nước, lũ?

.

bức tường nói: cảm ơn!!!

trần gian là khoảng trống.

dòng sông trả lời: không!

biển khơi hoài dậy sóng.

.

chúng ta là đám đông,

sống trong hình nộm, mới.

thời gian là vết thương,

tìm tôi để chảy máu.

.

đằng sau, mỗi sớm mai,

mặt trời riêng, vẫn mọc.

đằng sau, những nụ cười,  

chói chang nghìn thất lạc. 

 

   “Bức tường” không hề tiếc nuối hay hờn giận gì sau những “đổ, vỡ.” Vì lẽ?  Vì “bức tường” thực ra chỉ là “cái ngăn che!” Sự đổ vỡ của “bức tường” tiết lộ sự thật “trần gian là khoảng trống” – Sự thật về “tính không” của tất cả hiện tượng.

   Dòng sông cũng không xót xa gì mùa nước lũ! Vì lẽ?  Vì biển khơi vẫn hoài dậy sóng đó thôi, đó là cái lẽ dĩ nhiên từ xưa tới nay.

   Chúng ta nếu không biết học hỏi bài học can trường, không biết chấp nhận thực tại, mà sợ hãi đổ vỡ, cứ than thân trách phận của “bức tường,” của “dòng sông” thì chúng ta sẽ bị biết bao nhiêu vụn vặt của đời sống chi phối, và như thế chúng ta chỉ sống theo đám đông, như một hình nộm, và thời gian tàn phá, nhận chìm chúng ta không thương xót như dòng sông mùa nước lũ.

 

chúng ta là đám đông,

sống trong hình nộm, mới.

thời gian là vết thương,

tìm tôi để chảy máu.

 

   Một bài thơ ngắn, đầy nội lực thâm hậu, nói lên trọn vẹn ý nghĩa của hữu thể (being) trong mối tương quan nghịch đảo với thời gian (time) cùng mối nguy hiểm của một lối sống theo tâm ý của đám đông như một hình nộm, theo tôi nghĩ nếu không phải là một thi sĩ tài hoa, nhạy cảm thì không thể gom về trong bao nhiêu đó ký tự được.

   Cuối năm 2019, “ngọn nến tôi cháy đỏ” vẫn “cháy nham thời thiếu máu” để cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bài thơ trác tuyệt và ý nghĩa thâm sâu, gần gũi. Hai câu cuối của sự nghiệp Thi Ca Thi Sĩ Du Tử Lê là sự chấp nhận sau khi đã làm xong việc cần làm, đã sống một đời sống sáng tác sung mãn với trên 70 tác phẩm văn học, ngọn nến ấy đã chấp nhận yên lòng chờ cơn mưa tới để được mát lạnh, chấm dứt sự “cháy đỏ mùa chia, biệt” của một đời “thâm bầm vết dao,” vì đã không còn chi nấn/níu.

   Lời cuối của Thi Sĩ là một lời tri ân tới người thân và bằng hữu, xin nhắc lại nơi đây trong mùa lễ Tạ Ơn 2019, cũng là lễ viếng 49 ngày của Thi Sĩ Du Tử Lê:

 

cảm ơn người: bao dung,

che, ủ tôi khánh kiệt.

chiều rớt / xanh / lưỡi dao,

tôi khứng! chờ… mưa tới.

 

   Với riêng tôi, thơ Du Tử Lê là “những con chữ như người”: nó là những bóng/hình của Du Tử Lê, mà tôi sẽ giữ mãi, sẽ “cầm tù” những con chữ ấy trong ký ức của tôi về ông.

 

giọt máu nào cưu mang

lầm than từng con chữ

ai ngồi trên ngạch cửa?

bàn tay nào nhện giăng?

cầm tù nhau / ký ức.

                    (những con chữ như người)

 

 ****

 

TRỊNH Y THƯ

Du Tử Lê, Con Người Cô Đơn

 

   Sinh sống trong cùng một khu vực, quanh quẩn gồm chỉ mươi dãy phố xúm xít hàng quán và chợ búa người Việt nên tôi hay gặp ông ngồi quán với những bằng hữu văn nghệ của ông. Cũng có khi tôi thấy ông ngồi một mình. Những lần gặp gỡ, tôi lại bắt tay từng người, ngồi nói dăm ba câu chuyện vãn rồi kiếu từ. Ông ít nói, chỉ hay cười, nụ cười rạng rỡ, lành, và khi cười thì khuôn mặt hơi đen sạm nhiều vết nhăn ấy bỗng nhiên như sáng hẳn lên, kéo theo đôi mắt cũng cười. Mặc dù biết tiếng ông và đọc thơ văn ông nhiều, từ thời còn là thanh niên, nhưng tôi chỉ thật sự thân thiết với ông quãng một năm trước ngày ông đột ngột ra đi, chính xác hơn là từ lúc tôi nhận in cho ông tập thơ em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình. (Hóa ra đó là thi phẩm cuối cùng của ông.)

   Tôi để ý, tuy có nhiều bằng hữu xung quanh, nhưng trông ông lúc nào cũng như xa vắng, cô đơn.

   Tôi biết tiếng ông từ lúc ông làm tờ Quê Hương tại vùng OC, thời gian cuối thập niên 70, khi cuộc sống tha hương vẫn chưa thật sự ổn định, và sau đó là tờ Tay Phải cùng quán cà phê Tay Trái. (Tay phải viết, còn tay trái pha cà phê kiếm tiền nuôi tay phải.) Ông năng nổ, quán xuyến một lúc nhiều việc. Ông có tài ăn nói trước công chúng, trí thức nhưng ấm áp, rành mạch, trôi chảy, vừa phải, nên được đám đông mến mộ. Thời gian gần đây, sức khỏe suy kém nhiều, nhưng ông vẫn nhiệt tình đi tham dự những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Triển lãm tranh họa  sĩ  Nguyễn  Đình  Thuần,   triển lãm  tranh  họa  sĩ  Trịnh

Cung, đêm nhạc Trần Dạ Từ, ra mắt tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, v.v… lúc nào cũng thấy ông thân ái chia sẻ điều gì đó với bằng hữu và mọi người xung quanh bằng những phát biểu ngắn gọn, hàm súc; và với giọng nói tuy không sang sảng nhưng chắc, ấm, tiếng ông vừa cất lên thì đám khách ồn ào thích đùa cợt vui nhộn giữa đám đông bên dưới phải hãm bớt thanh quản mình, nghe ông nói.

   Ông cũng đi nhiều, khắp nơi có cộng đồng người Việt, ra mắt sách, gặp gỡ bằng hữu, tiệc tùng, cà phê, không ngớt. Bản tính ôn nhu, hòa hoãn, ân cần, điềm đạm của ông làm người đối diện thấy thoải mái, dễ chịu khi tiếp xúc. Dạo sau này, vì có sách xuất bản và tái bản ở Việt Nam, nên ông cũng hay về thăm, kết thân với nhiều văn nghệ sĩ, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.

   Một người như vậy, làm sao có thể gọi là “cô đơn” được?

 

   Từ lâu tôi tin rằng kẻ viết văn, làm thơ là kẻ bị chứng psychosis nhũng nhiễu, hắn sống trong thế giới tưởng tượng của riêng hắn, một thế giới chỉ hắn chứ không ai khác có thể nhận thức. Kỳ thực, hắn sống cùng lúc hai thế giới. Nơi thế giới ngoại tại có thể hắn là người không cô độc, nhưng bên trong thế giới nội tại của riêng hắn, hắn là kẻ cực kỳ cô đơn.

   Đây là một nghịch lý của văn chương. Viết là giao cảm với kẻ khác, với ngoại cảnh, nhưng viết cũng là đối diện với cái cô đơn cùng cực, khiếp hãi của chính mình. Vì cô đơn nên mới viết, và viết để “giao hòa” với thế giới bên ngoài; có nghĩa là, bạn phải “cách ly” mình ra khỏi thế giới để trong tương lai “hội nhập” vào nó qua một tương tác kỳ bí, kỳ diệu nào đó. Biện chứng của cô đơn được nhà thơ Octavio Paz gói ghém trong câu nói: “Con người là hữu thể duy nhất biết mình cô đơn, và chỉ con người mới đi tìm con người khác,” in trong cuốn tiểu luận danh tiếng The Labyrinth of Solitude.

   Tôi nghĩ ông là người như thế.

   Trọn đời ông sống trọn tình trọn nghĩa với chữ nghĩa của mình. Với ông, chữ nghĩa là tất cả. Câu nói cuối cùng ông phát biểu trước mặt bằng hữu văn nghệ hôm 5/10/2019 tại quán café Hạt Ngò (vỏn vẹn hai ngày trước khi ông qua đời), tôi nhớ mãi, “… Chữ nghĩa là nhan sắc của thơ…” Câu nói tuy đơn giản nhưng đầy hàm lượng, nó tóm gọn chủ đích và ý nghĩa tinh tuyền nhất cho toàn bộ sự nghiệp thi ca đồ sộ của ông. Thơ vì chữ nghĩa, chữ nghĩa vì thơ. Và, lúc cô đơn nhất, chỉ có “chữ nghĩa làm nhan sắc thơ,” tuyệt đối không một thứ gì khác xen vào, là những giây phút hạnh phúc nhất của ông.

   Tôi nghĩ ông là kẻ biết tìm hạnh phúc. Tìm cho đến hơi thở cuối cùng cuộc đời mình.

 

   Vì thời gian quen biết quá ít ỏi nên tôi không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với ông. Tuy vậy, ông cũng tặng tôi một bài thơ và viết một bài nhận định khá dài về tập thơ của tôi xuất bản năm 2017. (Ông là một trường hợp hiếm hoi của văn chương Việt Nam, nguồn lửa sáng tạo vẫn sung mãn ở tuổi xế bóng, và ngòi bút không ngừng tuôn ra những câu chữ diệu kỳ.)

   Một lần tôi đưa ông về nhà sau buổi cà phê sáng, xuống xe, thay vì bước vào nhà, ông giữ tôi lại đứng trước cánh cổng sắt dềnh dàng chắn ngang khoảng sân rộng, trời đang vào xuân, lá non hớn hở trên cành, nói chuyện khá lâu.

   Nói lan man nhiều chuyện, nhiều đề tài, văn chương cũng như phi văn chương. Về con người nghệ sĩ, ông bảo tôi xã hội có nới lỏng đường biên cho người nghệ sĩ, ưu đãi hắn hơn mức bình thường, cho phép hắn làm một số những điều bị xem là ta-bu, nhưng nếu hắn buông thả dây cương giẫm qua đường biên đã nới lỏng ấy, làm nhiều điều xằng bậy thì chính hắn sẽ tự đào hố chôn vùi tên tuổi hắn. Tôi nghĩ ông thật chí tình khi nói những điều này.

   Không ngờ đó là lần nói chuyện thân mật, tương đắc duy nhất giữa ông và tôi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo thông lệ và để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết trong những ngày trước Tết Nhâm Dần 2022, Hiệp Hội ViDan Foundation đã tổ chức phát quà Tết cho hơn 500 gia đình bà con đồng bào ở các làng nổi trên Biển Hồ và một số gia đình nghèo người bản xứ ở các khu vực lân cận. Quà Tết cho mỗi gia đình vẫn là những món nhu yếu phẩm khẩn thiết như: gạo, đường cát, dầu ăn. Tổng chi phí cho đợt phát quà này là $9,668.50
Úc phá vỡ mạng lưới gián điệp Trung Cộng định chi phối bầu cử 2022.
Xin đừng vội tan vào buổi chiều Chiều đang tan vàng ngất cô liêu Chiều đang vỡ tím ngất một thuở Chiều đang gió vĩ cầm quá nhiều . Gió sẽ cuốn đi trời cuối hạ Đầm đìa hương rạ với hương cau Em sẽ thấy mảnh trời rất lạ Trong vườn thanh rướm nắng không màu
Đội Los Angeles Rams đã thắng đội Cincinnati Bengals trong trận quyết đấu tranh chức vô địch Super Bowl tại sân vận động SoFi ở Inglewood, California, vào ngày Chủ Nhật, 13 Tháng Hai, với tỉ số 23-20.
Không phải là một ngẫu nhiên khi Trung Quốc và Nga đang cùng lúc leo thang quân sự. Trong khi Nga đổ quân ồ ạt dọc biên giới Ukraine thì Trung Quốc tăng cường vi phạm không phận Đài Loan: đôi bên cấu kết để cùng lúc gây ra các cuộc khủng hoảng khu vực, một cuộc chiến chống lại phương Tây đang hình thành. -- Một bài bình luận của Giáo sư Joachim Krause, giám đốc Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel, Cộng Hòa Liên bang Đức, Thục Quyên chuyển ngữ.
Sức khỏe rất quan trọng đối với mọi người mà thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực này...
Dân biểu Landon Brown của Đảng Cộng hòa cho biết hôm thứ bảy rằng Cựu Tổng Thống Donald Trump đã cướp đoạt GOP và ông không thích hợp để phục vụ nhiệm kỳ thứ hai, theo tin của Neweeks ngày 12 tháng 2 năm 2022.
Đang thong thả dong ruổi những ngày góc phố cà phê, đang yên tâm những lần đi bác sĩ, lúc nào tôi cũng có người bạn thân tình Nguyễn Lương Vỵ (NLV) đón đưa, chia sẻ, đùng một cái, anh nằm viện, mổ tim. Đã hơn một năm từ ngày trái tim thơ ấy bị nghẽn mạch, giờ NLV vẫn đang ngày ngày trông nắng đến nắng đi nơi phòng bệnh. Từ khung cửa sổ ấy tôi thấy hoa tím vàng rơi đầy vào một ngày mùa thu đến thăm anh.
Với ít nhiều chủ quan, tôi tin rằng không ít quí vị luật sư của thế hệ đến sau (Đặng Đình Bách, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Võ An Đôn, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyển …) đều đã được thừa hưởng cái “dũng khí” từ những người đi trước như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Danh San...
Nhà hoạt động năng lượng xanh Nguyễn Thị Khanh, người nhận giải thưởng Goldman, là nhà hoạt động mới nhất bị giam giữ vì các cáo buộc liên quan đến thuế.
Trong một bài viết về cách Trump chuyển 4 năm ở Bạch Ốc thành bộ máy kiếm tiền riêng, báo New York Times ghi rằng bà Melania Trump đang bị theo dõi xem xét vì bán vé cho một sự kiện với lời hứa một phần lợi tức thu được sẽ trao cho 1 hội từ thiện -- nhưng hội từ thiện này không có trên đời này.
Thực tế là ngày nay một số nhà văn Việt, hay có gốc Việt, có tác phẩm dù chưa được trao giải Nobel nhưng cũng đã đạt nhiều giải thưởng danh tiếng khác và họ là những người không sống trong sự kìm hãm tự do từ những chính sách của nhà nước. Họ sống ở bên ngoài nước Việt Nam, hay là những người tuy sống trong nước nhưng đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi để viết lên suy nghĩ của mình.
Tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc khiến 6 nước ASEAN liên minh tìm biện pháp đối phó. ✱ East Asia Forum: Bắc Kinh phá hoại Biển Đông ✱ EAF Forum: Malaysia quyết tâm khai thác năng lượng ngoài khơi bất chấp áp lực ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh ✱ CSIS Center: Các hệ thống tên lửa EXTRA của Việt Nam có khả năng tấn công tất cả các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa ✱ Mỹ tặng tàu tuần tra cho Việt Nam để tăng cường an ninh hàng hải ✱ Chathamhouse Org: 6 nước trong khu vực Biển Đông hình thành Liên minh mới tìm cách đối phó với Trung Quốc. ✱ ABC News AUS.: Liên minh AUKUS, gồm Úc, Anh và Mỹ, cho phép Hoa Kỳ điều động Thủy quân lục chiến quân số "lớn hơn, đa dạng hơn, tham vọng hơn".
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.