Hôm nay,  

Xuân Sàigòn Xuân Tha Hương

22/03/201900:05:00(Xem: 4958)
Cung Tich Bien
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam, với nhiều bút hiệu khác nhau lúc ban đầu như Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền. Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi. Nhanh chóng có truyện đăng trên hầu hết các nhật báo, tuần báo, tập san văn học nghệ thuật có giá trị, trước và sau 1975, trong và ngoài nước.


I.

Người Việt đón Tết Nguyên Đán, chào Xuân Mới, vào ngày Một tháng Giêng [1-1] mỗi năm âm lịch. Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.

Gọi rằng Tết Ta, để phân biệt với ngày đầu năm dương lịch [1-1] dân chúng thường gọi là Tết Tây. Tết Tây không được nghỉ lễ dài ngày, dân chúng có tiệc tùng mừng vui, nhưng đơn giản hơn nhiều, so với Tết Ta.

Nguyên là đầu, sơ nguyên, Đán là sớm, lúc mặt trời vừa mọc. Sau Tết Nguyên Đán hãy còn nhiều cái tết khác tiếp theo trong một năm. Tất cả đều tính theo ngày, tháng âm lịch. Chỉ kể những cái tết chính, hiện nay dân chúng còn nhớ để sinh hoạt, là:

- Tết Nguyên Tiêu, nhằm ngày rằm tháng giêng [15-1]. Âm lịch tính theo chuyển vần của mặt trăng. Trăng tròn tháng giêng là vừng trăng tròn đầu tiên [nguyên] trong một năm.

- Tết Đoan Ngọ, ngày mồng năm tháng năm. Dân chúng có tục lệ hái lá Mồng năm, chữa bệnh, vào lúc Chính-Ngọ, chính giữa trưa [giờ Ngọ khởi từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều]

- Tết Trung Thu, rằm tháng tám, dành cho thiếu nhi.

**

Chuẩn bị cho dịp Tết, phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, và lòng thành. Giàu theo cách giàu, nghèo khó cũng gắng thu gom dành dụm, việc cúng kiến, lễ nghi, giao tế qua lại sao cho “đẹp mặt”, với chòm xóm láng giềng.

Những tục lệ cũ xưa, nay đời sống tân tiến, nhưng tết nhứt mà quên đi lề xưa thói cũ của ông bà đã từng, trong lòng mình cũng bâng khuâng, thương cảm.

Làm mới cửa nhà. Ít nhứt ai nấy sơn quét, làm đẹp mặt tiền nhà mình nhìn ra đường phố. Đặt những chậu hoa, treo câu đối Tết. Vật dụng trong nhà, cái gì hư cũ bỏ đi, thay cái mới, lấy hên, đuổi như đổi tà những xui xẻo, nghèo khó, buồn phiền đi chỗ khác chơi. “Tống cựu nghinh tân”, giả biệt năm cũ, chào năm mới. Nhà nhà tặng nhau qua lại, quà cáp. Trẻ em, cha mẹ già, được tặng áo quần mới. Nhà giàu, thay mới luôn đệm giường ngủ, ra giường, bao gối, màn cửa; năm mới, tình ái mới.

Bà con ta gọi tháng cuối năm âm lịch là tháng Chạp [chạp mả]. Con cháu tỏ lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên. Dẫy cỏ, sơn quét, xây mới mồ mả. Ngày tháng Giêng, trong gió đầu xuân, nghĩa địa nào cũng sáng tươi dưới ánh mặt trời. Một số địa phương chạp mả vào tháng Ba âm lịch, gọi là lễ Thanh minh. // Thanh minh trong tiết thang Ba / Lễ, là tảo mộ, Hội, là đạp thanh. [*]

**

Nơi thôn quê, bà con đốt lá khô cây mục trong vườn, làm sạch sẽ đường làng. Tu sửa đền chùa, miếu đình, thu dọn việc nông tang, vườn tượt đâu ra đó, mọi cái phải tươm tất. Nhà khá giả, dựng cây nêu trước sân, làm sạch sẽ chuồng trâu bò heo gà. Tết nhứt, chung cùng ăn tết, người - vật cùng sạch sẽ tươi vui. Mùa Xuân là của muôn loài, trời đất cũng đổi thay. Rừng núi, cây lá, nụ hoa lọn cỏ cũng tự làm mới mình. Cây tự xanh lá sau mùa đông ủ dột, hoa tự nở bởi ấm áp hơi xuân, con suối dòng sông tự trong lành sau mùa bão lũ, ong bướm con chim én chắc cõi lòng cũng lâng lâng nên bay lượn rộn ràng.

**

“Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy”. Trẻ em ngày Mồng Một theo cha mẹ tới nhà ông bà nội bái lạy tổ tiên, chúc thọ ông bà, nhận bao tiền lì xì năm mới. Mồng Hai theo cha mẹ về nhà ông bà ngoại, được lì xì tiền, lạy bàn thờ bên nhà ngoại.

Mồng Ba, học trò tất thảy đến nhà thầy tạ ơn công dạy dỗ. Tạ ơn vị thầy thuốc chữa bệnh cho mình. Tạ ơn thầy dạy võ, có võ nghệ, cứu giúp kẻ bị gây oan, bị hà hiếp. Cả việc vợ chồng cùng có món lễ đến tạ ơn bà mai ông mối xưa kia, xe duyên đôi lứa sống bao năm đầm ấm, ít cãi cọ nhau đầm đìa mệt nghỉ.

Công nhân, viên chức, học trò, công cũng như tư, được nghỉ ngơi thỏa mái, thời gian rất dài, thường là 10 ngày. Người thôn quê ra phố thị làm ăn, những ai tha phương cầu thực, hoàn cảnh ra sao, dù thế nào, sau một năm cực nhọc, được trở về làng quê xóm cũ, là một niềm vui ngọt ngào. Cho em chiếc áo mới, tặng mẹ một mớ tiền, cho cha già cái cái máy tra đĩa nhạc vô nghe chơi; cùng bạn bè ăn nhậu, cụng ly vui vầy.

Những ngày xáp tết, các bến xe ga tàu rộn rịp, chen chúc; phải tìm mua cái vé tàu, vé xe từ ba bốn tháng trước mới có chỗ.

Hồi mới lên Sàigòn tìm việc, chỉ một cái túi xách nhẹ tơn; bây chừ trở về quê, nhờ ân sũng phố thị, vai mang tay xách bao là va ly đồ đạc; bà con chốn quê được hưởng, được mừng lây nỗi mừng thành tựu. Thời Cộng Hòa chiến chinh lan tràn, nhưng cũng tìm mọi cách để trở về. Đường sá bom mìn, cầu cống hư hỏng, có khi về tới đầu làng đã thấy cảnh tiêu điều. Nhưng phải về. Cái dạ nó nao nao, người ta về quê cả rồi, công sở nghỉ việc, trường học buồn teo, phố thị vắng hiu, ở lại mần chi! Buồn đứt bóng.

Người Việt định cư ở nước ngoài, các xứ tiên tiến công nghiệp, không có lễ nghĩa tục lệ rườm rà, không có một ngày nghỉ nào dành cho những ngày đầu năm âm lịch. Để níu cái Hồn nước, giữ truyền thống, để nhớ quê cha đất tổ, bà con xa xứ bày biện ra một Bóng-dáng-Quê-nhà, nơi công cộng, ở mỗi nhà nhà.

Ở đất Mỹ, chợ Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa phần nào biểu trưng cái Bóng-dáng-Quê-nhà thân yêu ấy. Little Saigon, được bà con gọi là trái tim, là Thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa Hải ngoại.

Bước tà tà, dọc đường phố, mắt đã thấy lai rai khung cảnh chợ Tết, lòng đã chùng nỗi nhớ, tai đã nghe đì dùng tiếng pháo. Lại có tiếng pháo điện tử nổ lẹt đẹt lạch tạch, từ những phong pháo giả dạng treo dài thòng giống như loại pháo có thuốc pháo. Nổ, không cần châm lửa, không thấy làn khói xám của hồn pháo lửng lơ, không xác pháo nát tan trên mặt đường. Rõ, là thiếu cái bừng nở, tháo tung nỗi hân hoan.

Chợ đây rồi. Nhìn một loáng. Hàng hóa ngập con mắt; chẳng thiếu một thứ/món/vật gì. Khung cảnh, hình ảnh, cái tình tự nhân gian một Chợ Tết, không phải tựa tựa, mà y chang một thu nhỏ, của chợ Bến Thành, một chợ Bình Tây, Bà Chiểu, Tân Định.

Chợ Bến Thành, nay hãy còn, nhưng với một số bà con xa xứ, nhất nhất hơn bốn mươi năm không hề trở lại thăm quê, Bến Thành đã trở thành chốn trăm năm cũ. Đã hằn sâu trong đáy lòng, một cách // Xếp tàn y lại để dành hơi //[*]

TU_DO_2 CTB

Những ai nhất định không về thăm, chẳng phải quên Sàigòn, mà vì thương quá, một Sàigòn nay bị thay dạ đổi tên, bị xóa dấu bôi. Đau lắm, khi nhìn lại một người yêu cũ nay bị tâm thần lãng đãng, bị giựt kinh phong méo mồm.

Sàigòn, trong cái giờ phút khốc liệt của lịch sử, thân phận mỗi con người Miền Nam bị bức lìa, thất lạc nhau. Mất những cái cao xa nhất, mất cả những gần gũi cầp thiết nhất, một hạt cơm, một hơi thở. Để hiểu cái “hoàn cảnh tuyệt vọng”, cái “khí hậu thiếu ô-xy” ấy, ta hãy đọc một đoạn thơ của Thi sĩ Trần Dạ Từ, những thi ngữ giản dị nhưng tha thiết, đạt đỉnh của “Nội dung thời thế”, dưới đây:

Tôi không biết giờ này em ra sao
Có lượm lại đủ lũ con cái tan tác không
Tôi không biết giờ này chúng thế nào
Em có gì để ăn, cho chúng ăn
Em có cách gì để thở, cho chúng thở
Em còn chỗ nào để nương náu, tạm bợ
[Hòn Đá Làm Ra Lửa, trích từ đoạn 2]

Bài thơ này được làm khi Nhà thơ đang trong trại tù. Cũng như các tù nhân khác, không có giấy và bút, không được truyền tải cho bạn bè; chỉ đọc thầm và nhớ trong tâm dạ; khi ra tù, đúng ra khi ra được nước ngoài, ông mới chép lại bằng chữ.

Đối tượng của bài thơ là một diện mục, một nhân ảnh khác, rất riêng tư; nội dung đoạn thơ này không một chữ nói tới Sàigòn, nhưng ngôn ngữ Trần Dạ Từ có tầm mở rộng, khái quát. Tiếng kêu này, tiếng kêu chung. Nỗi lòng này, nỗi lòng tổng thể, cùng chung sử lịch. Đọc, đã thấy cánh cửa để thoát ngoài, và dẫn đến một trải nghiệm sâu xa, chân thực. Là, cùng nhớ ngay tới Sàigòn thời buổi ấy. Và, số phận này là một bao trùm, một lịch sử tối đen, mọi người chẳng ai còn/đến một que diêm cuối cùng.



Lại nói về những chuyện đời thường của Sàigòn hôm nay. Quán cà phê Cái Chùa [La Pagode], nơi theo thói quen là dành riêng cho các văn nghệ sĩ, tụ điểm của tài hoa; Givral, nơi gặp gỡ của các nhà báo nước ngoài; nhà sách Xuân Thu, danh tiếng nhiều sách ngoại văn; vũ trường Queen Bee; cả khu Eden những hành lang quen thuộc, toàn bộ nay đã bị đập bỏ.

Sàigòn, những tên đường các vị Chúa/Vua nhà Nguyễn như Nguyễn Hoàng, Hiền Vương, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh... những con đường mang tên các danh thần như Lê văn Duyệt, Nguyễn văn Thoại [Thoại Ngọc Hầu], Võ Di Nguy, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Ngô Thành Nhân, Nguyễn Huỳnh Đức, Phan Thanh Giản ...những danh nhân như Tản Đà, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Trần văn Thạch, Phan văn Hùm...đều đã bị xóa tên. Thay vào đó là những tên đường lạ lẫm, cả tên những “danh nhân thực phẩm”, Huỳnh văn Bánh, Đoàn văn Bơ, Nguyễn văn Đậu...

**

Tôi đang trong tục lụy, nhớ cái nhớ nhỏ nhoi. Chợ Tân Định thuở kia, khuya lắm rồi, ngồi góc chợ đầu con đường Trần Văn Thạch; xa bên kia đường giáo đường tịnh vắng, đường khuya đầy xác pháo; đèn chợ tắt cả, mới thấy một trời đầu năm không ánh trăng, cái thênh thanh tối thẳm, lung linh một trời sao; một ly rượu nhấm một miếng mồi đặc sản cùng anh; hết phép rồi, mai trở lại tiền đồn.

Sáng mồng hai bà con xô nhau đi ăn hủ tiếu, tiếu là cười vui, mong có cái may mắn, luôn gặp hên, đánh bài cào chín nút, dì dách ngũ linh quơ trọn bàn tiền. Hủ tiếu bánh bao Cả Cần, hủ tiếu Nam Vang. Phở Pasteur, bánh hỏi thịt nướng phở hẻm Gia Long...

Ăn uống lễ tiệc trong gia đình ớn quá ra đường tìm món ăn ngoài đường; bao là món lạ. Đi bách bộ đường phố, dừng góc đường Bonard với Pasteur, uống rượu rát bỏng cần cổ chơi ly ly nước mía Viễn Đông mát rười rượi. Ngồi lề đường quán Kim Sơn, Victoria, nhìn nam thanh nữ tú dạo phố chiều xuân. Vô nhà hàng Thanh Thế, là luôn gặp Duy Khánh, Nhật Trường, Huy Cường, Long Đất....

Nhớ quá, Chợ Bà Chiểu, nằm trên con đường từ Ngã tư Phú Nhuận chạy xuống Hàng Sanh, mãi tới năm 1962 hai bên đường hãy lưa thưa nhà cửa, hai hàng cây cao su cao vút, bọn nhỏ đá banh trên những bãi cỏ rộng. Nhìn nụ hoa chợ Phước Lộc Thọ nhớ chợ hoa cuối năm trên đại lộ Nguyễn Huệ, thời Cộng Hòa. Nhìn hoa cúc vàng, nhớ Làng Hoa Gò Vấp một vùng chuyên trồng hoa; dưới nắng vàng cuối đông những bạt ngàn cánh đồng màu màu sắc; gió se lạnh cái lạnh sau những ngày Noel; chiếc xe lam ba bánh, chiếc xe thổ mộ con ngựa già dậm chân vẫy đuôi đuổi bầy ruồi trên lưng, tất cả chờ xe đầy hoa, chạy lọc cọc vào đô thành. Nhìn màu lay-ơn nhớ hoa Đà Lạt; có nhiều năm đường sá bị mìn, bị đào đường, phục kích, xe hoa không về được, dân Sàigòn thiếu các loại hoa xinh đẹp yểu điệu, chỉ có ở miền cao.

XUAN_CTB

Cuộc chia ly là con đường dẫn tới những đoái hoài. Kỷ niệm không từ mơ tưởng, hư cấu mà có, nó phải là một thực tại ta từng trải qua. Sàigòn, một cái tên mười người, chín người nhớ. Sàigòn đi qua trí người tha hương là một thường trực.

Thời nội chiến khắp thị trấn nhỏ nhoi, các làng mạc vùng quê, đều băng bộ vô Sàigòn, lên Sàigòn, về Sàigòn, tới Sàigòn, để tị nạn, để mong tìm một số phận may mắn hơn. Những ngày bỏ nước mà đi, phần đông cũng từ Sàigòn. Nhiều niềm vui Sàigòn. Nhiều nước mắt nhất cũng Sàigòn.

Sàigòn không của riêng ai. Nhưng, ai cũng có một Sàigòn cho riêng mình.

**

Một huyền bí, một ẩn tình, là đường dây nối Sàigòn quê nhà với Litlle Sàigòn. Một liên thuộc dòng máu và thần linh. Là, mỗi một bên mỗi cánh con Chim Việt cùng làm tổ nơi Cành Nam. Việt Điểu Sào Nam chi. [*]

Dù lũ ma quỷ, bầy sài lang hôm nay đã ở trong làng. Không phải ai, bất cứ người thân yêu nào bị ma quỷ đọa dày, bị sài lang bóc lột dày xéo cũng trở thành sài lang ma quỷ. Chính họ mới là nạn nhân. Hãy còn vô số những lương tâm rực rỡ trong chốn Việt Nam đang bị lưu đày hôm nay. Hãy còn bao trái tim nồng cháy rực lòng yêu nước, cùng nhau xuống đường chống bạo tàn, trong vạn hiểm nguy đến thân mạng. Hãy sáng ra một tấm lòng. Và hãy cũng nhau một lòng trước hiện tình vong quốc.

**

Chừng như những hình ảnh quê nhà xinh đẹp có mặt nơi tha phương này, cái rực rỡ hội tụ của người xa xứ, đã ẩn chứa một nỗi nhớ xa và sâu. Bay thoảng một bóng hồn đã cũ. Lẩn khuất đâu đó hình bóng tre trúc, một dáng người. Tiềm ẩn một hy vọng trở về. Mong bước một bước trên con đường làng thật sự là làng quê. Không phải làng quê nào cũng đầy xe bốn bánh, những cây xăng, những Shopping Mall, Cosco, bình đẳng với phố thị. Làng quê của Việt Nam hôm nay, vẫn một lặng yên cũ kỷ, cách biệt với phố thị nhiều mặt . Vẫn // Quê em nghèo lắm ai ơi / mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn[*]

Đòn bánh tét, chiếc bánh chưng, lọn chả, chỗ chợ Phước Lộc Thọ, chừng như để ăn, đương nhiên rồi, nhưng chính là Để-Nhớ. Ăn ít nhớ nhiều. Ăn tại chỗ nhớ khắp trời. Nhìn cái Hôm Nay nhớ cái “Nghìn trùng xa cách”.

Chiều Xuân, ngồi cùng bạn bè nhâm nhi ly rượu, rõ là uống cái lai láng nhớ. Cái nhớ đi ra từ bụi chuối mái tranh, từ mái tóc bạc mẹ già, cái lỗ rốn cháu bé, chiếc áo phơi phong trên bờ rào hàng xóm, nhớ mùi rơm cỏ trên cánh đồng, cây cầu khỉ. Cái nhớ đi ra từ một sông nước hữu tình, nhưng một đời sống hôm nay ai nấy chịu khe khắc, bạc tình cái thời thế; mọi thứ không theo một trật tự bình đẳng nào; nơi nỗi đau cần được chia sẻ, mà sự lạnh lùng lại là thói quen.

III

Xuân tới, nơi rất xa không gian lẫn thời gian, hôm nay nghe lại những lời này, qua giọng ca Duy Khánh, mới thấm // Con biết bây giờ mẹ chờ tin con / khi thấy mai đào nở đầy bên song… Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về… nay én bay đầy trước ngõ / mà tin con vẫn xa ngàn trùng…

Duy Khánh hát từ phương trời nào? Còn đây một Trầm Tử Thiêng, với một phương trầm tư:

// Đêm nhớ về Sàigòn …tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / ai sầu trong quán úa… Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song / mắt người tình một trời mênh mông / gợi bao nhiêu cho cùng…

**

Chiều cuối năm. Chừng như trời đất có cái thói quen, chiều xuống thì nắng ngả vàng, yểu điệu. Thần Đêm sẽ tới, cỏ cây hoa lá phải tắm gội vội vã những tia nắng sót cuối ngày.

Vùng Little Saigon, thường là bầu trời thanh thản, gió rất khiêm tốn, và mây xam xám thường như nát ra từng tro bụi ở tít đâu trên kia.

Quán cà phê, nhìn ra. Thấy đang bay trong gió bình an hai lá quốc kỳ, trên hai cây trụ cờ. Một cờ ba sọc đỏ trên nên vàng, một lá mười ba sọc trắng đỏ xen kẻ nhau, một vùng năm mươi sao trắng trên nền xanh, nơi góc trái, bên trên.

Hai lá quốc kỳ ung dung bay nhẹ, như dìu nhau cùng bay. Như hai chéo áo dài, hai chị em cùng tha thước. Có thể một quãng phố đầy lá. Có thể có hương ngàn trong gió cuối mùa. Nền vàng đầm ấm kia trở nên im vắng. Một hun hút tiềm vọng. Màu cờ vàng vẫn là một kỳ vĩ, chỉ một thôi, trong mỗi phần linh hồn, mỗi thân phận quê hương. Chỉ một thôi. Một tấm lòng. Một thủy chung.

Trong đáy sâu sử lịch, những đỏ vàng xanh trắng trong nền cờ kia, rất ư lấp lánh dưới bóng mặt trời, tưởng là những màu sắc trung tính, vô tâm như tĩnh vật, như tự nhiên hằng có? Đâu phải vậy. Những sắc màu có mặt, trong mỗi lá quốc kỳ, là một giáp mặt những chí nguyện, lẫn tề tựu tổng thể hồn linh một giống nòi; nên chúng, sắc màu ấy, ắc phải có máu xương trong chính nó.

Mùa Xuân này, cờ vẫn bay. Nó có cái vĩnh cửu cùng bay.

**

Mỗi mùa Xuân, thêm niềm vui, nhiều nỗi nhớ. Nỗi nhớ mơ màng như cái nhớ về sáng nhớ giấc mơ đêm qua.

Một đời người luôn phải chỉnh sửa những hư hao. Luôn phải vượt thoát những chiêm bao.

Một cái rung chuông của đất trời giao cảm, giờ Giao Thừa sẽ tới. Tôi, một cái sinh vật thơ dại của tháng Giêng năm 1937, và tôi, cái “vật” được sinh ra để trải qua, thử thách, chịu đựng, và/để cùng nhân gian, Chào 2019. Chào cái thời gian đầy bí mật phía trước. Chào, những hy vọng lạ mặt.

Vẫn còn đầy nắng, một mùa Xuân hãy còn lâu dài ấm áp. Trong giấc ngủ, anh mơ thấy gì? Thấy rất nhiều cỏ xanh trong mơ.

Cung Tích Biền

Little Saigon, một đêm cuối năm 2018

[*] Những dòng chữ in nghiêng là thơ của Nguyễn Du, vua Tự Đức, Phan Bội Châu, lời nhạc của Phạm Đình Chương, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bà Lợn (BL): Sao cậu không chọn một ông lợn để phỏng vấn mà lại chọn một kẻ chỉ biết sanh đẻ, nuôi con như tôi mà hỏi, tôi biết trả lời gì với cậu đây?! Đất nước này có những tay hoạn lợn vĩ đại và những con lợn vĩ đại không kém, sao cậu không hỏi họ?!
Miền Nam gọi heo, miền Bắc gọi lợn, heo và lợn tuy cùng một giống nhưng không chung một thể chế và cũng không chung giọng kêu. Heo kêu eng éc, lợn kêu ẹc ẹc.
Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh. Ý tưởng phê phán nghệ thuật chẳng qua chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lí thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt.
Tôi vẫn nhớ khúc quành thế kỉ ba mươi năm mà như một thoáng phù vân.
“Phật giáo Việt Nam và Tây Tạng đang gặp hiểm nạn!” Đó là tựa đề một phúc trình được công bố bởi Giáo sư Tenzin Dorjee, Chủ tịch Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới (USCIRF), tại một hội nghị quan trọng đối với chính sách ngoại giao của nước Mỹ.
Tôi thường nhớ về quê cũ từ biến cố tháng tư ở quê nhà vào năm 1975, năm đó tôi phải nghỉ hè sớm vì trường nằm sau lưng Phủ Thủ tướng nên sợ Việt cộng pháo kích vào trường học.
Năm nay là Xuân Kỷ Hợi. Đã bốn mươi sáu năm từ ngày chúng tôi đi bán báo Xuân. Thời gian làm phôi phai vài chi tiết, nhưng tôi không bao giờ quên ngày đó.
Rất mực gian nan để kể lại chuyện của rất nhiều thập niên trước. Trí nhớ tôi bây giờ lúc nào cũng lãng đãng, sương mù.
Ngươi than lẻ bạn chiều xa xứ Ta sầu lạc lõng giữa quê hương
Tôi sinh ra dưới bầu trời trang hoàng với pháo bông, những vòng ánh sáng, bắn lỗ chỗ đạn pháo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.