Hôm nay,  

Thằng Nhược Tiểu

01/03/201900:05:00(Xem: 5987)

sankhau
Hắn lượn qua lượn lại đến lần thứ ba. Vẫn chưa biết làm cách nào bắt chuyện với con nhỏ. Con nhỏ ngồi vắt vẻo trên lan can. Váy ngắn. Đùi to. Ngực nở. Áo thun chật, hai núm vú nhu nhú sau lớp vải. Con nhỏ không mặc áo lót ngực. Mốt mới của bọn trẻ bây giờ. Con nhỏ luôn miệng nhóp nhép kẹo cao su, mắt ngước nhìn chăm vòm lá xanh cách chỗ ngồi một lối đi rộng tráng xi-măng, nơi có hai con chim lông đỏ đốm trắng ríu rít nhảy nhót.

Hắn bước đến cuối hành lang. Suy nghĩ vài giây rồi quyết định quay lại. Một, hai, ba... chân trái sải dài... hắn lảo đảo ngã ngồi xuống nền gạch hoa. Cái quẹt ga màu vàng vuột khỏi tay, văng như ném tới cạnh hai ống chân đong đưa của con nhỏ.

“Shit!”, hắn văng tục. Chống tay gượng dậy. Con nhỏ quay phắt về phía hắn, đôi mắt mở to, chiếc miệng rộng ngừng nhai.

“Ố ồ.”

Hắn liếc nhìn con nhỏ, mặt nhăn nhó.

“Mầy có sao không?” Con nhỏ hỏi, ân cần.

Hắn kéo hai mép môi tạo một nụ cười:

“Chắc trật mắt cá.”

Con nhỏ nhảy xuống đất:

“Mầy cần tao gọi cấp cứu?”

“Không, cảm ơn, chắc không sao.”

“Mầy vừa nói trật mắt cá. Thử bước vài bước xem.”

Hắn khập khiễng tiến đến gần con nhỏ.

“Tao nghĩ một lát sẽ khỏi.”

Miệng con nhỏ hoạt động trở lại. Hắn nghe rõ tiếng nhóp nhép phát ra từ đôi môi mịn. Màn kịch vừa rồi hắn đóng cũng khá. Con nhỏ chẳng tỏ chút xíu nghi ngờ. Hắn chống hai tay lên lan can, đu người ngồi.

“Mày bớt đau chứ?

“Bớt nhiều, hy vọng không đến nỗi trật mắt cá như tao nghĩ”.

Con nhỏ cũng lặp lại động tác giống hắn: chỏi tay đu người ngồi lên thành lan can. Mùi thơm từ người con nhỏ toát ra khiến hắn ngây ngất. Hẳn không phải mùi thơm của nước hoa. Tuổi này thường ít khi dùng nước hoa. Vả, trông cung cách, con nhỏ chắc không thuộc típ thích õng ẹo làm duyên làm dáng. Hắn vẫn thành kiến với bọn con gái chuyên làm duyên làm dáng.

“Mầy đến đây làm gì?” Hắn hỏi.

“Tao vượt đèn đỏ, chờ nộp phạt.”

“Sao không vào trỏng sắp hàng?”

“Thằng kép tao lo vụ đó. Tao ghét trò rồng rắn. Còn mày?”

“Say rượu lái xe. Đến ghi danh đi học.”

“Chà, rắc rối dữ. Thằng anh tao năm ngoái cũng bị như mày. Tốn hơn hai nghìn đô, còn bị cấm lái sáu tháng.”

Chuyện đó hắn đã biết. Bạn bè hắn hết sáu đứa trên mười vướng vào cái nạn thổ tả này. Nhưng mà, màn kịch hắn vừa diễn xuất chẳng phải để đi đến việc luận bàn về chuyện rắc rối hay không rắc rối khi bị vồ về tội uống rượu lái xe. Hắn thấy cụt hứng, con nhỏ vừa tự kê khai lý lịch, thằng kép của tao... Shit! Thằng kép của tao đang rồng rắn bên trong thì còn làm ăn nước mẹ gì nữa. Hắn nhảy xuống đất, quên bẵng chỉ mới mấy phút trước mặt mày nhăn nhó táo bón vì cái chân trật mắt cá.

“Bye!”

“Hết đau rồi à?”

“Hết.”

Hắn đáp cộc lốc, xoay nhanh người bước xuống mấy bậc cấp dẫn ra lối đi tráng xi măng. Trên tàng cây hai con chim đỏ đốm trắng vẫn thản nhiên nhảy nhót. Hắn hơi tiếc. Thằng kép của tao... ừ thì thằng kép của mày, tao có dành đâu? Nhưng mà, mình nóng nảy quá. Bọn con gái bây giờ nhiều đứa coi tình yêu như miếng kẹo cao su, nhai cho đỡ buồn miệng, nhạt, nhả ra, nhón miếng khác. Vả, kinh nghiệm cho hắn biết, cứ tán nhanh, tán mạnh, tán vũ bão, lợi dụng địa hình địa vật, bày binh bố trận đâu ra đó, địch thủ chưa kịp bố phòng đã tối tăm mày mặt, đến lúc sực tỉnh tính toán lời lỗ thì đã tàn một kiếp huê. Hắn dừng lại. Quay lui chăng? Không được! Thời cơ đã mất. Hắn lắc đầu bước nhanh, băng qua khoảnh sân rộng, ra đường, đứng lóng ngóng đón bus chỗ trạm chờ. Cả tuần nay, kể từ hôm bị cảnh sát tóm, hắn phải sử dụng phương tiện di chuyển công cộng. Muốn khùng.

*

Hắn gặp lại con nhỏ cũng trên cái hành lang cách chỗ hắn giả vờ ngã độ trăm mét.

“Hi!” Con nhỏ lên tiếng.

“Hi!” Hắn đáp lễ, có hơi ngạc nhiên, “Mày trở lại đây làm gì?”

“Tao xin học xóa ticket”

“Ô, tuyệt!”

“Cái gì tuyệt?”

“Gặp lại mày, tuyệt.”

“Bữa hổm tao định hỏi mày, làm sao cái chân hết đau nhanh vậy?”

Hắn nháy mắt:

“Mày thông minh có thừa.”

Con nhỏ cười hinh hích:

“Tao đoán không sai. Mày diễn xuất khá lắm.”

“Nhưng kép của mày rồng rắn bên trong, tao cụt hứng, màn kịch hết ý nghĩa.”

Con bé níu tay hắn thoải mái:

“Kiên nhẫn là mẹ thành công.”

“Nhưng tao ghét rắc rối.”

“Tao là tao, tao thích cái gì làm cái đó, chẳng ai cấm được.”

“Hãy thử thích tao coi.”

“Mày đốt giai đoạn quá nhanh.”

Hai đứa rẽ qua góc tường, lên lầu. Hắn bỗng giữ con nhỏ dừng lại chỗ chân thang, cúi xuống. Khi hắn rời môi khỏi hai miếng thịt mềm mịn, con nhỏ nói:
“Mày liều quá. Nhỡ tao không đồng ý thì sao?”

“Mày vừa bảo mày thích tao.”

Con nhỏ bật cười:

“Tao chưa gặp thằng Á Đông nào bạo như mày.”

“Nghĩa là mày đã có kinh nghiệm với bọn Á Đông?”

“Có một thằng, nhưng hắn hiền như con chiên ngoan đạo, tao mệt.”

“Mày còn liên lạc với hắn?”

“Không.”

“Vậy tốt. Bọn Á Đông ghen tương ẩu tả, tao không thích ăn đạn.”

“Nghe nói bọn mày khoái xài súng đạn?”

“Nhân dân tao anh hùng thứ thiệt, không thèm xài đạn mã tử như chúng mày trên movie đâu.”

“Dã man.”

“Ai?”

“Bọn mày chứ ai.”

Dã man. Con nhỏ nói nghe cũng đúng. Đánh nhau chí chát mấy mươi năm, chưa ngán, đã gần bốn thập niên hòa bình, không ưng, còn hằm hè hục hặc, muốn tái diễn màn đánh đâm ngày xưa. Hắn im lặng, chẳng biết phải chống chế cách nào. Hắn chuyển đề tài:

“Mày học một ngày, khỏe. Tao phải sáu tháng, chẳng biết có kham nổi không.”

“Không nổi cũng phải nổi, đâu có giỡn chơi được.”

Hắn chia tay con nhỏ chỗ cửa lớp, không quên hẹn gặp lại vào cuối tuần. Con nhỏ gật đầu chẳng đắn đo. Hắn cảm thấy vui vui. Coi như đường tình ái của hắn sắp có thêm một nhánh nho nhỏ.

*

Cầu thang hình xoắn ốc, bằng gỗ. Lối kiến trúc cũ kỹ của ngôi nhà khiến con nhỏ lấy làm lạ:

“Cái kiểu nhà này tao chỉ thấy bên Âu Châu.”

“Mày đã sang Âu Châu?”

“Đã, năm kia.”

“Thuở nhỏ, tao mơ được đến Âu Châu. Chả là dân tộc tao chịu ảnh hưởng nặng nề bọn Pháp, ở học đường, ngoài tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai là tiếng Pháp. Bọn tao thuộc làu lịch sử Pháp.”



“Vậy sao mày không ở bển?”

“Nước mày giàu quá. Không có hấp lực nào mãnh liệt bằng tiền bạc. Tao từng khổ vì tiền bạc.”

Hắn mở cửa phòng, con nhỏ theo hắn vào trong. Căn phòng tuy nhỏ nhưng ngăn nắp sạch sẽ. Chiếc giường queen size trong góc. Đối diện, cái TV hai mươi bốn inches. Bàn viết. Giá sách. Cái cassette.

Trên tường, bức tranh tĩnh vật với chiếc chén mẻ và con búp bê bằng nhựa gãy tay. Màu sắc bức tranh âm u, vuông sáng từ một khuôn cửa nào đó trên cao dọi xuống, chiếu tràn khắp khuôn mặt con búp bê long lanh hai con mắt xanh biếc. Con nhỏ nói:

“Bức tranh trông ghê ghê.”

“Tại sao ghê?”

“Tao không biết. Có lẽ tại cánh tay cụt, có lẽ tại hai con mắt, có lẽ tại cái không khí lạnh lẽo... Tao không biết. Ai là tác giả vậy?”

“Tao.”

“Á à! Mày biết vẽ ?”

“Nếu không ham quá nhiều thứ, tao đã trở thành họa sĩ. Người ta chẳng thể cùng một lúc đam mê hai ba thứ. Cái này giết chết cái kia.”

“Hiện tại, mày mê nhất cái gì?”

Hắn quàng tay qua vai con nhỏ:

“Mày.”

“Cũng được, tao thích nịnh, dù biết mày đang nói dối.”

Con nhỏ ở lại với hắn từ trưa đến tối mịt. Làm tình. Coi movie. Nói chuyện tầm phào. Coi movie. Làm tình. Nói chuyện. Nửa đêm, con nhỏ than đói, hắn đưa con nhỏ xuống phố. Trong lúc lái xe không hiểu tại sao hắn bỗng nhớ đến những ngày còn trong quân đội, những ngày bên tai hắn chỉ cụ thể một mệnh lệnh duy nhất: chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu. Hắn bật cười, ừ thì bây giờ cũng chiến đấu vậy, có điều, trên giường.

“Mày cười gì thế?”

“Tao đang chiến đấu”

“Gì?”

“Chiến đấu!”

“Mày có khùng không?”

*

Thằng con trai mặt non choẹt. Tóc vàng au, mắt xanh biếc.

“Con Kathie của tao, mày biết chứ?”

“Không. Lần đầu tiên tao gặp mày. Làm sao tao biết được?”

“Con Kathie của tao.”

“Tao cũng có thể nói một câu tương tự, mày nghĩ sao? Phải để chính Kathie nói câu này. Mày hay tao đâu có quyền.”

Thằng con trai gầm lên:

“Của tao.”

Hắn bước lùi một bước, sắp rắc rối to. Hắn liếc nhanh hiện trường. Khúc đường này vắng, cảnh sát ít khi lai vãng. Hắn nhìn thằng con trai. Ước lượng sức lực và cảm thấy tự tin. Bọn này chỉ được cái to xác chứ ứng biến chậm chạp vụng về. Hắn đã qua 3 năm ở một võ đường hồi trung học, cũng đai đen đàng hoàng, hắn tin chỉ hai chiêu cũng đủ hạ thằng con trai.

“Cấm mày không được liên lạc với Kathie nữa?”

“Để tao hỏi Kathie.”

“Fuck you.”

Thằng con trai lao tới. Hắn lạng người, quét chân ngang. Thằng con trai ngã sóng soài trên vỉa hè. Vừa lồm cồm bò dậy, đã bị thêm một gót chân vào ngực, bật ngửa.

“Bây giờ của tao hay của mày?”

Hắn cười khinh khỉnh, hỏi. Thằng con trai gượng đứng dậy, không trả lời, quay người bước vào parking tiệm liquor phía trước, lên xe vọt nhanh.

Hắn đút hai tay túi quần lững thững trở về căn phòng trọ cách đó không xa. Lát nữa Kathie đến phải kể cho con nhỏ nghe về chiến công vừa rồi, chắc con nhỏ sẽ hát véo von, “mày ngon lành”.

Nhưng con nhỏ không hát như hắn tưởng.

“Tại sao mày đánh thằng Danson?”, con nhỏ gay gắt.

“Nó sinh chuyện trước.”

“Tao không thích đánh nhau”, con nhỏ gay gắt hơn.

Hắn cảm thấy bị xúc phạm:

“Tao cũng không thích đánh nhau.”

“Vậy tại sao mày đánh thằng Danson?”

“Tao tự vệ.”

“Tao không tin. Mày dã man. Bọn mày dã man. Chỉ thích đánh nhau. Thằng Danson hiền, tao không tin nó dám đánh mày?”

“Nó ghen.”

“OK, nó ghen, nhưng tao không tin nó đánh mày. Thôi, có lẽ tao với mày không hợp.”

“…”

“Bọn Á Châu chúng mày hiếu chiến. Nhỡ tao yêu mày thật, muốn lấy mày làm chồng, một hôm nào đó mày đè tao ra tẩm quất, tao phải làm sao? Thôi, chia tay cho đỡ phiền hà.”

“Ừ, thì chia tay, nếu mày muốn.”

Hắn tự ái, nói cứng, dù trong bụng đã nhoi nhói. Dù sao, quan hệ giữa hắn với con nhỏ cũng đang tốt đẹp. Hắn nhìn con nhỏ, hắn nhìn bức tranh tĩnh vật trên tường, hắn nhìn chiếc giường rộng, hắn nhớ mùi da thịt con nhỏ oi oi nồng nàn... Hắn xuống nước,

“Thôi được, để mai mốt tao sẽ xin lỗi thằng Danson.”

Bẵng đi nhiều ngày, dễ chừng đến cả tháng, hắn không gặp con nhỏ. Cho đến hôm tình cờ hắn gặp hai đứa - con nhỏ và thằng Danson - trước cửa một rạp chiếu bóng, thì hắn biết, như thế, hắn đã vĩnh viễn mất con nhỏ.

“Hi!” Con nhỏ đưa cao tay, vẫy chào.

“Hi!” Hắn trả lời.

“Mày khỏe không?” Con nhỏ hỏi, tay quàng trong tay thằng Danson.

“Chẳng khỏe lắm. Từ hôm mày không đến nữa, tao bệnh.”

“Mày lại nói dối. Trông mày vẫn tốt tươi.”

“Tao không nói dối, tao bị nội thương, ở đây.”

Hắn đưa tay chỉ vào chỗ trái tim. Thằng Danson nói:

“Tao với mày, phải có một đứa bị nội thương.”

“Mày nói đúng. Tao xin lỗi cái vụ hôm nọ.”

“Chẳng có chi. Tao phải cảm ơn mày. Không có chuyện đó, tao sẽ mất Kathie.”

Hai đứa chào hắn bước vào rạp. Hắn phân vân vài giây rồi xé vụn tấm vé vất vào thùng rác, quay ra parking lấy xe. Hắn đưa xe nhập xuống lòng đường, chạy vòng vòng bất định. “Bọn Á Châu chúng mày hiếu chiến”. Hắn đâu có muốn, chẳng bao giờ hắn muốn đánh đấm. Hắn chỉ tự vệ. Nhưng mà, tự vệ cũng là một cái tội, hắn mất con nhỏ vì tội tự vệ. Cách nào thì bọn nhược tiểu cũng phải thua. Hắn chợt nhớ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ cuốn cờ về nước, bỏ mặc miền Nam cho miền Bắc xơi tái. Nhưng anh nhà giàu vốn thâm, ngót 30 năm chơi trò cấm vận, thằng nhóc Việt Nam ngất ngư, sống dở chết dở. Ai bảo thắng là sướng? Bọn nhược tiểu không có quyền thắng. Mày thắng, cũng chết, mày thua, thở không nổi, cóc chết cũng nội thương trầm trọng!

“Shit!”, Hắn vọt miệng chửi thề, nhấn chân ga. Chiếc xe chồm lên, lao qua đèn vàng, bốn bánh rít trên mặt đường. Nhiều tiếng còi inh ỏi chung quanh.

“Shit!”, không khéo lại thua nữa bây giờ. Hắn ấm ức giảm tốc độ, nhớ ra vẫn còn trong thời gian cấm di chuyển bằng xe hơi. Bất giác hắn liếc nhìn kiếng chiếu hậu, thầm mong không có ngọn đèn đỏ trên mui xe bọn cớm quay tít phía sau.

Khánh Trường

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.