Hôm nay,  

Ghana Ngày Trở Lại

28/02/201900:05:00(Xem: 6024)
Ghana_H01_LangQue
Nhà trong một làng quê ở Ghana (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Đầu thập niên 1980 tôi gia nhập đoàn Peace Corps của Hoa Kỳ và được gửi đến Togo dạy học trong hai năm. Thời gian sống và làm việc ở đó, vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ lễ tôi có dịp đi chơi những nước lân bang như Benin, Ghana và Côte d’Ivoire. Tháng 9 năm 1985 tôi rời Togo sau khi hết hạn hai năm làm công tác tình nguyện.

Ba mươi ba năm sau, hè 2018 tôi trở lại thăm Togo và Ghana. Chuyến đi này tôi thực sự muốn thăm Ghana vì nơi đây vào năm 1985 đã để lại cho tôi những ấn tượng không mấy tốt đẹp nên tôi đã chẳng mong có một ngày sẽ trở lại.

Nhưng sau này có những lý do làm tôi muốn thăm Ghana lần nữa. Trước nhất là vì tôi muốn hiểu thêm về lịch sử buôn bán nô lệ mấy trăm năm trước mà Ghana đã là nơi tập trung người nô lệ trước khi đưa xuống thuyền chuyển sang Châu Mỹ.

Thứ nhì là sau những năm làm việc ở nước ngoài, về Mỹ tôi tìm hiểu xem tại sao có những nước phát triển nhanh và có những nước chậm phát triển dù nhận được nhiều viện trợ, đầu tư từ bên ngoài. Đọc sách Culture Matters của Samuel Huntington, xuất bản năm 2000, mà theo tác giả là giáo sư chính trị học của Đại học California, thì một trong những nguyên do chính khiến cho một nước không thể phát triển là văn hoá. Tác giả đưa ra so sánh giữa Nam Hàn và Ghana, hai nước có những điều kiện địa lý, tài nguyên và mức sống tương đương trong thập niên 1960, nhưng đến năm 2000 thì Ghana không phát triển được như Nam Hàn là do bởi cách người dân sống, cách làm việc ảnh hưởng đến phát triển quốc gia.

Năm 1985 tôi đã có chuyến đi chơi Ghana. Thời gian đó tình hình chính trị ở đây rối loạn với đảo chánh, tranh giành quyền lực và không khí chống Mỹ nổi lên với biểu tình thường xuyên trước Đại sứ quán Hoa Kỳ, nơi chính phủ Mỹ khuyến cáo kiều dân không nên lai vãng.

Hai năm trước đó, mùa hè 1983, khi tôi được gửi đến Togo dạy học thì cùng lúc nước láng giềng Ghana lại đuổi những tình nguyện viên Mỹ, trong đó có một bạn đang dạy toán phải rời Ghana và được chuyển qua Togo để tiếp tục công tác.

Năm 1961, khi tổ chức thiện nguyện Peace Corps của Hoa Kỳ vừa được Tổng thống John F. Kennedy khai sinh thì Ghana là quốc gia đầu tiên ở Châu Phi đón tình nguyện viên đến làm việc, là dấu chỉ của quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nay lại chống Mỹ và đã có quyết định trục xuất cả trăm tình nguyện viên đang công tác ở đó.

Dù được Đại sứ quán Hoa Kỳ cảnh giác về những khó khăn khi thăm Ghana, tôi cũng quyết định đi cho biết, dự định ở vài ngày rồi tiếp tục lên đường qua Côte d’Ivoire.

Ghana_H06_TreEmNuongBap
Trẻ em nướng bắp trên bếp than (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Lấy xe đò từ thủ đô Lomé của Togo nằm ngay sát biên giới hai nước đi Accra, nếu đi thẳng thì đường chỉ dài 170 cây số, nhưng vì có căng thẳng biên giới nên xe phải chạy vòng lên vùng sông Upper Volta và sẽ tốn hơn 5 giờ. Khi qua biên giới mọi du khách phải khai báo đem theo bao nhiêu tiền các loại để nhân viên hải quan ghi vào hộ chiếu trước khi đóng dấu. Mấy bạn đã đến Accra cho biết khi ở Ghana đổi tiền chính thức ở đâu, tiêu tiền ở khách sạn hay mua sắm gì cũng cần lấy biên nhận để chứng minh số tiền mang vào đã được tiêu như thế nào, vì khi rời nước sẽ phải chứng minh tại cửa khẩu.

Đời sống ở Ghana lúc đó khó khăn, tiền cedi mất giá. Người ngoại quốc đi tắc-xi thì tài xế chỉ muốn được trả bằng tiền đô vì giá chính thức 1 đôla Mỹ đổi được 50 cedi, nhưng chợ đen đổi được 250 cedi. Tôi và một bạn đồng hành mỗi người đã đổi chợ đen 100 đô để có đủ tiền tiêu trong mấy ngày, vì lương tình nguyện viên không dư gì nhiều. Số tiền đó được dấu theo cách như tôi đã gửi về Việt Nam cho gia đình trong những thùng quà.

Đi đổi tiền chợ đen ở khu chợ gần một ngân hàng là một cuộc phiêu lưu, vì khi hỏi người đứng bên lề đường, anh ta nói đi theo và dẫn vào một đường hẻm. Khi đó tim đập mạnh vì không biết có nguy hiểm gì không, có bị cướp hay có thể bị bắt vì tội đổi tiền chợ đen. Tôi đổi 200 đôla được gần 5,000 cedi toàn giấy 20 cedi nên không muốn đếm lại mà lo rời khu vực cho nhanh.

Một điều rắc rối nữa khiến tôi sợ là trên đường đi, thấy những thôn làng, cảnh vật lạ nên tôi có lấy máy ảnh ra chụp vài tấm. Không ngờ đó lại là điều gây rắc rối vì có một nhân viên an ninh trên xe thấy tôi chụp hình đã hỏi giấy phép. Tôi trả lời không có và giải thích, theo tôi hiểu, như đọc qua sách hướng dẫn du lịch, thì chỉ không được chụp ảnh những khu quân sự hay toà nhà chính phủ. Đường xe đò đi qua những thôn làng, tôi không biết có nơi nào không được phép chụp hình hay không.

Đến một trạm kiểm soát an ninh, tôi được gọi xuống xe, đưa vào đồn cảnh sát làm biên bản tịch thu hết 2 cuốn phim kodak 36 pô, một cuốn trong máy mới chụp vài tấm và một cuốn chưa mở hộp cũng bị tịch thu luôn.

Những năm sống ở Châu Phi, Ghana là một nơi tôi đã đi qua mà không có tấm hình nào mà chỉ còn giữ lại được vài bưu thiếp, vài bộ tem thư phát hành đầu tiên và tấm bản đồ du lịch làm kỷ niệm.

Ghana_H07_KhuTuongNiemKwame
Khu tưởng niệm Tổng thống Kwame Nkrumah người khai sinh nước Ghana độc lập năm 1960 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Hè 2018 tôi trở lại Ghana theo một lớp học về văn hoá và lịch sử của người da đen ở Mỹ. Trước khi lên đường, qua những buổi hướng dẫn giáo sư phụ trách cũng cho biết là không nên chụp hình khu quân sự, công ốc và khu vực của người Hồi giáo.

Tôi rời Mỹ sau đoàn hai ngày vì bận dạy hè. Máy bay đáp xuống phi trường Kotoka của thủ đô Accra lúc 8 giờ tối. Xe buýt đưa vào cảng. Đến cửa thấy hàng chữ to “Akwaaba” nghĩa là “Chào mừng – Welcome”.

Vừa vào hành lang là có máy chụp ảnh mọi hành khách. Rồi nhân viên hỏi thẻ y tế mầu vàng để kiểm soát tiêm chủng. Bắt buộc phải có chích ngừa yellow fever trước khi được cho vào, ai thiếu phải chờ đưa vào trạm y tế. Khung cảnh ở đây rất lộn xộn, nhân viên kẻ ra người vào, không có hướng dẫn cho du khách phải trình giấy tờ gì trước.

Trước khi lên đường từ Mỹ chúng tôi đã được dặn kỹ về các phòng ngừa y tế khi đến vùng này của Châu Phi, như tiêm chủng mấy loại, phải đem theo thuốc chống sốt rét, mỗi ngày một viên trong thời gian ở đó và uống thêm đủ một tuần sau khi rời Châu Phi.

Kiểm soát y tế xong mới qua thủ tục nhập cảnh. Vì đã có xin visa khi còn ở Mỹ nên tôi qua trạm kiểm soát hộ chiếu mau chóng.

Ra khu nhận hành lý, nhìn quanh thấy một cặp vợ chồng và hai con nhỏ người Châu Á, nghe họ nói tiếng Hoa. Có một đoàn chừng 20 người trẻ, độ tuổi đôi mươi từ Mỹ qua đây làm thiện nguyện mùa hè.

Chờ mãi không thấy hai gói hành lý của mình. Máy bay đáp lúc 8 giờ mà đến 10 giờ cũng chưa thấy đâu. Có wifi miễn phí nên tôi gửi lời nhắn cho gia đình biết đã đến nơi. Giáo sư phụ trách gọi điện từ Kumasi hỏi có trục trặc gì không vì người đi đón vẫn còn đợi ở bên ngoài.

Đứng cạnh một phụ nữ cũng đang chờ hành lý, tôi hỏi thăm. Cô là người gốc Ghana, hiện sống ở Las Vegas, cùng chồng về nước nghỉ hè mỗi năm. Biết tôi cũng đến từ Mỹ, cô nói Ghana nóng, nhưng không bằng Las Vegas. Cô cho biết “mọi việc ở đây đều chậm và hành lý đến trễ nói lên tính cách của Ghana. Đó là điều bình thường, rất khác với Mỹ.” Cô nói như để trấn an tôi.

Nghe thế tôi nhớ đến một sự việc mình mới quan sát thấy lúc lên máy bay từ Amsterdam đi Accra, có thể cũng nói lên một đặc tính khác của dân xứ này là chen lấn, mất trật tự, dù chỗ ngồi đã có số trước và cô tiếp viên đã mấy lần yêu cầu hành khách xếp hàng theo thứ tự.

Trong khi chờ hành lý, quan sát cảnh quan tôi thấy cảng hàng không của Accra không tân kỳ, trông giống Nội Bài vào năm 1995 khi tôi về thăm quê hương lần đầu. Đó đây có những bảng quảng cáo sản phẩm, có cả quảng cáo đầu tư của Trung Quốc, của ngân hàng Thượng Hải.

Ghana_H02_CaMua
Nhảy múa chào đón phái đoàn đến thăm một làng quê (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Tôi lo hành lý có thể thất lạc vì chỉ còn dăm hành khách vẫn đứng chờ. Thỉnh thoảng có anh thanh niên đến hỏi tôi cho biết tên ghi trên hành lý để anh giúp, người phụ nữ Mỹ gốc Ghana nói nhỏ với tôi là đừng, cứ yên tâm chờ. Lát sau hành lý cũng đến.

Ra khỏi cửa phi trường thấy có người cầm bảng viết tên mình nên tôi cảm thấy yên tâm. Nhìn bên phải thấy một quầy bán thức ăn với tên Wok Inn và hàng chữ kỷ niệm 25 năm phục vụ. Quán không còn mở cửa vì đã khuya.

Theo anh hướng dẫn lên xe tắc-xi về nhà trọ. Đến nơi sau khi ổn định chỗ ở anh chào từ biệt và hẹn sáng mai 9 giờ sẽ đưa tôi đi Cape Coast.

Tắm cho hết cơn mỏi mệt. Bụng đói, tôi hỏi người làm trong nhà trọ giờ này có nhà hàng nào gần đây còn mở cửa. Anh nói có quán bán cơm chắc chắn tôi sẽ thích, có lẽ vì thấy tôi là người Châu Á chăng. Nhưng tôi chỉ có tiền Mỹ, vì lúc ở phi trường vội ra ngoài nên quên không ghé quầy ngân hàng để đổi. Anh nói hàng quán chỉ nhận cedi (1 đôla Mỹ = 4.7 cedi) nhưng anh sẽ cho người mua cơm tối đem về nhà trọ.

Lúc sau có người mang cho tôi một hộp cơm chiên và hai chai nước, tất cả 7 đôla. Cơm gà chiên jollof, là một thứ gia vị như ngũ vị hương. Thơm ngon.

Sáng hôm sau thức dậy sớm. Ra đường quanh khu Đại học Ghana tìm gì ăn sáng. Một quán bên lề đường có thức ăn và trái cây, tôi hỏi mua và nói không có cedi, đưa tờ 5 đô mà bà bán hàng không nhận. Bà chỉ cho tôi đường đến ngân hàng, nghe nói xa xa cần đi tắc-xi và bà dặn tôi là cứ kêu xe, chạy đến nơi không có cedi, trả bằng đôla tài xế cũng phải nhận thội. Bà còn dặn thêm giá một đô la là khoảng 4.5 cedi. Thấy hơi xa nên tôi không đi, chờ bạn tới đón sẽ đổi tiền sau.

Tôi nhịn ăn sáng, đi lang thang ra đường lớn. Con đường chính nhộn nhịp xe ôtô qua lại. Tại mỗi ngã tư đường, khi đèn đỏ là nhiều người bán hàng rong tràn xuống mời khách mua hàng, có thể là chai nước, gói đậu phộng, các thứ đồ ăn vặt hay những món đồ gia dụng, đồ điện, đồ nhựa, giấy đi cầu, tấm bản đồ, giây thắt lưng. Đủ mọi thứ mặt hàng. Mỗi ngã tư như có một chợ di động với những người đội tủ thức ăn trên đầu len lỏi giữa dòng xe chào mua.
Bên đường có nhiều bảng quảng cáo lớn về các buổi thuyết giảng của Kitô giáo, có quảng cáo gà rán KFC. Trên bờ tường nhiều chỗ còn áp phích vận động tranh cử với hình các ứng cử viên.

Ghana_H04_AoDai
Tà áo dài ở Cape Coast (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều quảng cáo gạo và gia vị nướng thịt, thấy quảng cáo mì Đại Hàn bên hông xe tải. Nhiều nhất là gạo Thái Lan. Tại một trạm xe có treo pa-nô quảng cáo gạo Việt Nam.

Buổi sáng sớm trạm xe ồn ào náo nhiệt. Mỗi khi xe “tro tro” vào trạm, lơ xe la lớn điểm đến cho khách biết leo lên. Đây là loại xe 9 chỗ ngồi được biến cải thành 14 chỗ để chở khách. Trên đường không thấy xe gắn máy hay xe đạp. Toàn ôtô và xe khách. Đa số là xe hiệu Nhật và Nam Hàn.

Trở lại nhà trọ trước 9 giờ cho kịp hẹn với anh bạn đã đón tôi tối qua để chuẩn bị đi Cape Coast. Trong khi ngồi chờ, bụng đói, lại phải nhờ người mua dùm thức ăn sáng, món ăn địa phương gồm ba bánh đậu xay chiên và ly nước bột quậy đặc, nóng, có hương vị gừng và tiêu gọi là koko.



Hơn 10 giờ anh bạn tới và báo cho biết đoàn sinh viên của lớp chưa rời Kumasi đi Cape Coast, cách nhau hơn 5 giờ xe, trong khi từ Accra đến đó chỉ 3 giờ. Anh hỏi tôi muốn ở nhà trọ ngồi chờ hay theo anh đi lo vài việc cho một buổi văn nghệ do anh phụ trách sắp diễn. Tôi muốn đi theo anh, nhưng trước hết cần đến ngân hàng để đổi tiền.

Ở đây mọi việc đều chậm rãi và nếu là người nước ngoài thì không nên nóng lòng mà hãy kiên nhẫn chờ đợi, như lời giáo sư trưởng đoàn đã nhắc mọi người trước khi lên đường, cũng như tôi từng trải nghiệm trước đây. Đến ngân hàng, sau khi đưa tiền đô và trình hộ chiếu, bà thư ký nói tôi ngồi chờ. Tôi vui vẻ ra ghế ngồi đợi vì biết rằng nếu mình tỏ ra bực bội, khó chịu với cách làm việc của người địa phương sẽ chỉ làm cho sự việc xấu hơn chứ không giải quyết được gì. Nửa giờ sau tôi nhận được số tiền muốn đổi.

Theo anh bạn về một làng, cách Accra chừng ba chục cây số. Đến nơi anh bảo tôi ngồi chờ trong một quầy nhỏ bằng gỗ sơ sài ngay đầu làng, bên cạnh bồn nước lớn. Có một em học sinh trông coi quầy, thấy tôi em tưởng là người Hoa và chào “ni hao”, tôi cũng đáp lại như thế. Em vừa ngồi trông nom quầy vừa ôn toán để thi vào đại học nên cho tôi hiểu biết thêm về hệ thống giáo dục Ghana. Em nói ngày nay có nhiều sinh viên Ghana du học bên Trung Quốc. Thỉnh thoảng có người ghé đưa tiền cho em bỏ vào hộp rồi ra lấy nước ở vòi hay vào dùng phòng tắm công cộng. Nơi đây cũng bán mấy thứ lặt vặt như xà bông, giấy đi cầu.

Rời làng bằng tắc-xi, cùng đi trên xe có thêm một người nữa và còn chở mấy chiếc trống. Hỏi bạn về sinh hoạt làng xóm mới biết anh là “chief” của làng. Anh muốn đưa tôi vào làng, nhưng chưa xin phép bậc trưởng lão nên phải để tôi ngồi ngoài quầy. Anh nói việc đưa nước sạch đến cho dân là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Mỗi tuần có xe chở nước đến bơm vào bồn.

Trên đường trở lại Accra, trước khi ra đến quốc lộ có một toà nhà hai tầng, không lớn lắm đang xây sắp xong và đã có bảng hiệu tên China Mall. Bạn kể người Hoa trong hai chục năm qua đã đầu tư nhiều vào Ghana, nhiều người từ Trung Quốc đến đây làm việc và mấy năm trước có xung đột với dân địa phương vì cạnh tranh thương mại.

Chúng tôi đi ăn trưa và tôi chọn món fou fou truyền thống ăn với sốt càri dê. Bốn giờ chiều anh bạn đưa tôi ra bến xe. Trên xe ngồi cạnh một giáo sư dạy tâm lí trị liệu tại Đại học Cape Coast nên chúng tôi có cơ hội nói chuyện nhiều với nhau về giáo dục ở hai nước. Anh muốn qua Mỹ học tiến sĩ tại một đại học ở tiểu bang Ohio nhưng điều kiện khó khăn.

Ghana_H03_DoorofNoReturn
PanAfrican Culture Center là Khu Lưu niệm và Bảo tàng W.E.B. DuBois, một học giả người Mỹ gốc Châu Phi, nơi Tổng thống Barack Obama đã ghé thăm khi công du Ghana năm 2009 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Đến Cape Coast lúc 8 giờ tối. Anh nói sẽ giúp tôi mặc cả giá tắc-xi đưa về khách sạn để khỏi bị lừa. Nghe tài xế nói 80 cedi, anh mặc cả 30 rồi cuối cùng đồng ý với giá 40 cedi.

Đến khách sạn, vì có hai kiện hành lí nên tôi yêu cầu tài xế theo tôi vào trong cho đến khi tôi biết chắc là đúng nơi đoàn sẽ trú ngụ. Hỏi tiếp tân thì cô không thấy tên tôi hay ai khác trong đoàn đã đặt phòng ở đây như danh sách giáo sư trưởng đoàn đã đưa cho tôi trước khi rời Hoa Kỳ. Cô tiếp tân nói còn một khách sạn khác, cũng có tên Coconut, cách đây chừng dăm phút.

Tài xế đưa tôi đến khách sạn đó, tên là Coconut Grove, nằm ngay bờ biển vì tôi nghe sóng vỗ rì rào khi vừa ra khỏi xe. Vào trong hỏi tiếp viên thì đúng là nơi đoàn sẽ ở và mọi người sẽ đến trong đêm nay. Cô còn nói là đoàn từ một đại học ở California, toàn người da đen và chỉ có một người da trắng và một người da vàng. Không hiểu vì sao khách sạn lại biết những chi tiết như thế.

Tôi trở lại Ghana lần này và được đến Cape Coast như mong muốn vì cách đây hơn hai chục năm, sau khi xem phim Amistad của đạo diễn Steven Spielberg tôi có thêm hiểu biết về buôn bán nô lệ trong lịch sử. Đoàn chúng tôi gồm 25 người, hầu hết là sinh viên và người Mỹ da đen muốn tìm về nguồn cội. Duy nhất mình tôi là da vàng và một sinh viên da trắng.

Mỗi thành viên khi rời Mỹ đem theo hai kiện hành lí, một kiện là quà gồm quần áo, bút vở, dụng cụ học sinh để tặng cho làng và trường học đoàn sẽ đến thăm.

Chúng tôi đã đi thăm hai trường và một làng quê, đã học cách nấu ăn, học ca múa, được nghe thuyết giảng về chữa bệnh bằng cây lá, được đi thăm hồ nước thiêng của làng.

Đến Cape Coast nghe kể lại lịch sử buôn bán nô lệ, vào những hầm chật chội giam hàng nghìn người da đen, không nhà vệ sinh mà phải ỉa đái tại chỗ và họ đã phải sống quanh phân người; đến con sông nơi người nô lệ được tắm lần cuối cùng trước khi chuyển xuống tầu ra đi biệt xứ. Người da trắng những thế kỷ trước đã đối xử rất bất nhân với người da đen.

Một buổi tối có lễ tưởng niệm những người nô lệ. Mọi người mặc đồ trắng, cầm nến đi rước quanh phố chính trước khi vào trong toà nhà giam nô lệ, nơi họ đã bước qua cánh cửa mang tên “Door of No Return” để xa rời tổ tiên.

Nhiều người Mỹ da đen ngày nay trở lại Châu Phi, họ đi tìm về nguồn cội tuy không biết rõ tổ tiên đến từ đất nước nào, vì người nô lệ được mua bán từ nhiều quốc gia của vùng sa mạc Sahara và được chuyển xuống Cape Coast của Ghana để đưa qua Châu Mỹ, Châu Âu.

Qua những buổi thảo luận tôi cũng cảm nhận được nỗi đau khi nghe câu nói trong nghẹn ngào “We can only imagine.” của những bạn đồng hành. Nhiều người đã tham dự buổi lễ chọn cho mình một tên Châu Phi như Kwesi, Kwame, Yaovi v.v… tùy theo sinh ngày nào trong tuần. Khi dạy học ở châu lục này hơn ba mươi năm trước tôi cũng đã được đặt tên là Yaovi, vì sinh vào ngày thứ Năm.

Sau Cape Coast, trở lại Accra đi tham quan nhiều nơi của thủ đô, tôi đã thấy nhiều khách sạn của người Hoa và nhà hàng tầu. Đối diện nhà trọ là một khách sạn cao hơn 20 tầng, buổi tối có thông tin điện tử chạy trước tiền đình bằng tiếng Hoa và tiếng Anh đỏ chói. Trong khách sạn có quán ăn và tôi ghé ăn tối một lần. Hai món gồm súp chua cay và rau sào với nấm mà lại có xúc xích Vienna trong đó. Không ngon chút nào. Tôi cũng đã đi ngang một con đường có Tang Palace Hotel và mấy nhà hàng Tầu.

BuiVanPhu_20190102_GhanaNgayTroLai_H12_DuBoisCenter
Trong Trung tâm Văn hoá Pan African có trưng bày những di vật nói lên quan hệ giữa W.E.B. DuBois và Trung Quốc từ nhiều thập niên trước (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Ba mươi năm qua Trung Quốc đã phát triển và nay đang đầu tư nhiều vào các quốc gia ở Châu Phi, như Ghana.

Trong khi đó, sau những năm căng thẳng vào thập niên 1980, quan hệ Hoa Kỳ và Ghana đã thân thiết trở lại và lãnh đạo Mỹ đã có nhiều chuyến công du Ghana. Bill Clinton thăm Ghana năm 1998 và được mặc cho chiếc áo Kanté là biểu hiệu của sự quý trọng người dân Ghana dành cho ông. George W. Bush (con) thăm Ghana năm 2008 và ngày nay ở Thủ đô Accra có một con đường lớn dài đến 15 cây số mang tên ông. Barack Obama thăm Ghana năm 2009 sau khi mới nhận chức vài tháng. Ông và phu nhân cũng đã đi thăm trung tâm buôn bán nô lệ Cape Coast.

Những ngày ở Ghana tôi còn thấy ít nhiều nét Việt. Hoa phượng gợi nhớ quê nhà thời tôi còn là học trò. Phiá trước và trong khuôn viên của Đại học Cape Coast có rất nhiều cây phượng đã ra trái dài, vài cây còn lác đác nở đỏ vào đầu tháng Tám. Gần nhà sách đại học có cây phượng vàng.

Ở Accra phượng còn nở trong vườn khách sạn và vài nơi bên đường. Kể cho bạn đồng nghiệp gốc Ghana về loại hoa đỏ mà học trò Việt Nam rất yêu thích và hỏi xem phượng có đem lại kỷ niệm gì cho học trò Ghana. Anh nói hoàn toàn không.

Hôm đi thăm khu nhà lưu niệm và bảo tàng của W.E.B. DuBois ở Thủ đô Accra chúng tôi gặp một đoàn sinh viên khác cũng đang tham quan. Trong đoàn có một cô sinh viên gốc Á, hỏi thăm và được biết là người Việt, sinh viên Đại học California, Santa Barbara, qua đây trong chương trình du học nước ngoài, vừa tới Ghana vài ngày và sẽ ở đây cho đến hết học kỳ vào cuối năm.

DuBois được biết đến là một học giả người Mỹ chuyên về Châu Phi. Ông đã viết một bách khoa từ điển về Châu Phi và nhiều bài nghiên cứu về châu lục này. Khi công du Ghana năm 2009, Tổng thống Obama cũng đã đến thăm khu lưu niệm DuBois.

Chuyến đi này tôi cũng thấy vài ba phụ nữ Ghana mặc áo dài khiến tôi thắc mắc. Một lần ở gần chợ, một lần trước cửa nhà trọ của nghiệp đoàn giáo chức ở Cape Coast và một lần khác trong một nhà thờ công giáo ở Accra. Trông đúng là tà áo dài Việt Nam và tôi đã chụp được vài tấm hình. Khi cho đồng nghiệp gốc Ghana và người thợ may của đoàn xem hình, cả hai đều nói đó chỉ là một kiểu cắt may của thợ.

Hương vị quê nhà nơi xứ Châu Phi là gạo được quảng cáo ở nhiều nơi. Siêu thị có bán gạo Việt, nhưng thương hiệu trên bao bì lại có những tên như Cindy, Fortune, Joy Rice hay Millicent. Thật là rất lạ.

Hai tiếng Việt Nam còn được nghe đến là khi vào thăm khu tưởng niệm cố Tổng thống Kwame Nkrumah, cha sinh của nước Ghana độc lập từ năm 1960. Vào bảo tàng, người hướng dẫn kể rằng năm 1966 Tổng thống Kwame bị lật đổ khi ông đang có chuyến đi vì hòa bình thế giới và ông đã phải đến Việt Nam lánh nạn vài tháng. Nghe nói thế, tôi tìm hiểu thêm và biết là khi đó ông đến miền Bắc Việt Nam. Vì Ghana cũng là quốc gia trong nhóm phi liên kết có khuynh hướng theo cộng sản và vì Tổng thống Kwame là lãnh đạo của khối Châu Phi Thống Nhất nên được Bắc Kinh và Moskova đón tiếp trọng thể trong các chuyến thăm chính thức, với nhiều hình ảnh trong bảo tàng. Ông được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ, từng được huy chương Lenin và là người có chủ trương đối nghịch lại với Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Ngày nay không còn không khí hay hình ảnh chống Mỹ, nhưng Ghana hiện nay có sự hiện diện của Trung Quốc qua nhiều dự án. Hí viện quốc gia ở trung tâm Accra là do Trung Quốc xây.

Hôm đoàn chúng tôi đi mua vải Kante ở chợ Cape Coast, người hướng dẫn nhắc là cần để ý tìm hàng chính hiệu Ghana vì loại vải có truyền thống đặc biệt của Ghana ngày nay cũng đã có hàng sản xuất ở Trung Quốc.

Trở lại Accra lần này, ngoài đường xá đông xe hơn, một số nhà cao tầng và khách sạn, trung tâm thương mại mọc lên, còn lại các khu dân cư vẫn là những nơi buôn bán lẻ, kiểu tiểu thương gia đình như bao năm qua.

Hai căn tính của Ghana tôi thấy vẫn không có thay đổi trong ba mươi năm là giờ giấc và giá cả. “I will arrive” là câu nói tôi thường nghe thấy trong chuyến đi, khi có hẹn chờ ai đó. Tôi sẽ đến. Nhưng bao giờ mới đến thì khó biết được. Chờ đợi là chuyện bình thường ở đây.

Trả giá cũng là một điều du khách phải biết. Một hôm đến trung tâm thương mại nghệ thuật, con trai thấy chiếc áo sơ mi đặc trưng Ghana và muốn mua. Người bán nói 360 cedi. Nếu bạn trả giá từ 360 xuống 100 thì cũng đã cao giá cho người bán rồi. Vì tôi đã nhờ bạn Ghana mặc cả giá dùm, cuối cùng mua được với giá chỉ có 60 cedi.

Bùi Văn Phu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.