Hôm nay,  

Thơ Trần Dạ Từ

27/02/201900:05:00(Xem: 4019)

bookcover


Tựa Nhỏ
Saigon 1971


Đây là những bài thơ từ tuổi mười bẩy

Tuổi của những cơn điên dại đầu đời
những thành phố xa lạ, những ngày tháng vô danh
những dừng chân không hẹn trước
Tuổi bắt đầu thấy bọt bèo trên sông
Thấy cuồng nộ trên biển
Thấy mơ ước trên trời
Thấy thèm muốn điên dại trên cây cỏ

Tuổi bắt đầu yêu em làm thơ
Và làm thơ yêu em

Đây là thơ của một phần đời từng ngủ quên
Mười bẩy tuổi, bao nhiêu năm
Em yêu, hãy nhắm mắt cùng anh
Em sẽ thấy


Thơ ta đó sao
Không, chỉ là tiếng thét gọi đầu tiên
Những toa tầu bật sáng trong đêm
Những tàn lửa vùng vẫy

Hỡi chàng trai hăm hở bên đường
Đây chuyến tầu tôi đang dục dã
Lên tầu đi, chàng trai
Chúng ta sẽ băng qua những đêm sầu vô cớ

Thơ ta đó sao
Không, chỉ là những sợi khói ngu ngơ
Bốc lên từ mồi thuốc đầu đời
trong bàn tay vụng dại


Hỡi cô nhỏ long lanh như ánh sáng
Đây chuyến tầu tôi vẫn đợi chờ
Lên tầu thôi, cô nhỏ
Chúng ta sẽ cùng đến những vườn xuân rực rỡ

Thơ ta đó sao. Không. Chỉ là
chùm hoa dại bên đường
Cô cứ hái cho kịp giờ hoa nở

Ôi thủa yêu em làm thơ và làm thơ yêu em
Hơi thở một thời đang sống lại
Thơ ta đó sao, hơi thở ta đó sao
Không. Đúng hơn. Chỉ còn là

Chút hương thơm một bàn tay vẫy mãi.

****



Đêm Thứ Nhất


Em yêu, hãy thức giấc
Vì mùa xuân trở lại

Mùa xuân đã trở lại
Bên hàng cây rêu mốc thủa tình tự
Trên ngã tư bơ vơ thời hẹn hò
Trong thành phố mênh mông
Ngày đôi ta mới lớn

Mùa xuân đã trở lại
Vẫn mùa xuân cũ kỹ
Như đời ta
Nhưng em yêu, đừng quên

Đừng quên bầy chim trốn rét
Hàng năm vẫn bay về
Đàn chim cũ, bầu trời cũ
Nhưng mỗi cánh bé bỏng trong bầy chim
đều hoàn toàn mới lạ

Con chim nhỏ tan bầy
Đang bình yên rỉa cánh
Và em yêu, đừng ngủ
Hãy vì ta đợi chờ
Đêm xuân nào cũng là
Đêm Thứ Nhất.


++++

Giao Thừa
Thụy Điển 1989


Coi chừng

Bàn tiệc khổ đau thịnh soạn
Sức hút lạ lùng của bóng ma
Đang hú gọi ta
Trong bụi gai ký ức chằng chịt

Coi chừng
Sự rực rỡ của những vết thương
Con xúc xắc đen đỏ quay tít
Đang hớp hồn ta
Cõi xa thẳm mù mịt

Chúng ta chắt chiu từng ấy năm
Gom được chút vốn liếng nhọc nhằn
Dành dụm chút đắng cay quí giá
Phải dè xẻn, em ạ.


Bắt sâu. Vun gốc. Tỉa lá
Hãy thức khuya, dậy sớm
Chăm bón cây oan khiên
Đã nếm trái oan
Nên thưởng hoa của nó.


Vâng ý cha, nâng chén đắng
Đừng cạn vội vàng
Cẩn trọng. Nhâm nhi
Chiêm nghiệm
Sẽ thấy cái hậu ngọt.

****

Đám Cưới Bọ Cạp


Mặt trời đứng chủ hôn

Kiến lửa phù dâu
Thằn lằn phù rể
Tắc kè làm phép cưới
Và đám cưới của bọ cạp cử hành
Trong cuộn dây kẽm gai
Chăng giữa hai gốc me tươi tốt

Hai cây me cao
Đứng giao nhau
Những cành nhánh vi vút hơi phong cầm
Đang tấu đều nhạc lễ

Dưới những tàn lá xanh
Tân khách đã vác biểu ngữ tới

Con bọ ngựa võ trang xe vòi rồng
Bầy sẻ võ trang giáo mác
Và mùa xuân võ trang lựu đạn cay
Trong khi gạch đá nằm tuyệt thực.

Nhựa đường bắt đầu chảy
Chú rể đeo nhẫn cho cô dâu
Đôi bên thề thốt

Mặt trời đi trước
Đám rước di sau


Và tất cả bắt đầu

Xe vòi rồng phun nước
Giáo mác hôn nhau
Lựu đạn cay nổ
Dây thép gai nở hoa
Và gạch đá reo hò
Dưới chân đám cưới

Đám cưới thật lớn
Cô dâu chú rể thật tốt đôi
Tất cả xì xào
Trong khi đó ven đường đi
Núp dưới những cuộn hoa thép gai
Chàng bọ xít, tình nhân của cô dâu
ngồi khóc

Và những bông hoa thép gai
bắt đầu rỉ nước mắt
Và nước mắt cứ tiếp tục dàn dụa
Nhưng
Đố bạn nào biết
Đó là nước mắt của mối tình lỡ làng
Hay của lựu đạn cay vừa nổ.



****


Sớm Mai Của Chúng Ta


Bước ra từ giấc mơ

Em thấy chưa,
Ngay sau lưng đêm tối
Có chân mây rạng ngời
Xôn xao trong lá mới
Con chim khuyên hát vui
Sớm Mai, ôi nụ cười

Sớm Mai của chúng ta
Vẫn xanh tươi như ngày nào
Sớm Mai của chúng ta
Vẫn ung dung, dù bao giông bão


Và như bao nhiêu đêm tối
qua đi trong đời ta
Giọt nước mắt đêm qua
Rơi vỡ trên môi ta
Đang trở thành giọt sương mai
Lung linh trên cánh hoa

Và bóng tối chia xa
Câm nín trong tim ta
Đang trở thành khúc ca
Âm vang trong sương giá

Sớm Mai của chúng ta
Sớm Mai hiền hòa.

Z30D., Hàm Tân, 1986
Bài hát cho các em hát đón chị trở về từ nhà tù


****


Nhớ


Chúng ta sẽ nhớ Giảng. Phải vậy
Giá chi có hắn, cùng ngậm ngùi
Ba mẹ con Lam bị cá ăn
Còn Sung. Trôi dạt đâu rồi nhỉ

Xe lửa Huế-Saigon vẫn chạy
Sân ga Tuy Hòa vẫn ồn ào
Chiếc khăn tay bỏ lại
Những mái nhà đầy sao*
Trang thơ một thời lấp lánh mãi

Hình như anh chưa biết chuyện này
Hồ sương cũ có hồi nằm bệnh
Giảng và tôi một lần ghé thăm
Ngồi bên hồ, đang cơn sốt hầm
“Từ đây. Nhớ Toàn không?” tôi hỏi

Mở mắt. Lật tấm mền sương mù
Cầm tay. Mặt hồ run rẩy. Nhớ.

*Thơ Đỗ Quí Toàn, 1957


****

Lang Thang Ở Saigon


Đâu rồi, cái xe đạp cà tàng

Hai tên chở nhau đi lang thang
Suốt đêm, những mặt đường loang loáng
Cây cối kề vai nhau rì rầm

Góc Bà Huyện Thanh Quan-Tú Xương
Hoa cỏ vườn ai thơm dị thường
Quăng xe. Dựa cột đèn, đứng thở
Tâm trí vươn hoài lên cõi không

Gần sáng. Choàng dậy trên ghế đá
Ngây người, há miệng, nhìn ra sông
Có gì thảng thốt bay giữa dòng
Con thuyền. Cánh chim. Hay giấc mộng.


****

Mưa
Saigon 1987

Canh bạc mạc vận mà tức cười
Vâng, tôi thua. Sạch sẽ. Ra đi
Đi. Đi thôi. Dù mưa mưa tầm tã

Trời mưa trời mưa trên phố
Trong túi trong túi không xu
Trời mưa trời mưa trên phố
Trên môi trên môi không lửa

Trời mưa trời mưa trên phố
Mưa trên má, trên môi
Mưa trong đầu, trong cổ


****

Con Dán


Thời mới biết yêu ở Hoà Hưng

Chính anh nhìn ra nó: con dán
Những chân nhỏ rung rinh không ngừng
Gửi mãi một thông điệp thầm lặng

Trong vắt cơm dành dụm đêm khuya
Những năm tù tôi gặp lại nó
Miếng cơm hẩm nồng mùi dán xưa
Cơ man ngày tháng ấm trong cổ

Trên những tàn cây rợp bóng đêm
Trong nhà cửa, đường phố, cống rãnh
Dán vẫn bay từng đàn ở Saigon
Chờ những tình nhân mới khôn lớn

Chúng ta sắp lại đứng bên nhau
Tiếc thay không còn con dán nữa
Đâu đây thông điệp thầm lặng nào
Rung rinh chân nhỏ trong trí nhớ.

Thụy Điển 1989
Trần Dạ Từ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.