Hôm nay,  

Kỷ Niệm Với Tướng Nguyễn Ngọc Loan

05/04/201800:05:00(Xem: 14861)
loan_2
Tướng Loan và vợ tại nhà hàng pizza “Les Trois Continents” do Ông Bà làm chủ ở vùng ngoại ô D.C. thuộc Burke, Virginia trong khu mua sắm Rolling Valley Mall.


Thấm thoát mà đã 50 năm rồi, tròn một nửa thế kỷ. Nhưng tôi vẫn không thể quên được lần anh Loan - tôi gọi là anh Loan không phải vì "chơi trèo", mà vì chúng tôi có tình đồng môn và anh thuộc khóa đàn anh của tôi trong Trường Sĩ Quan Không Quân Pháp dặn dò tôi khi tôi đến thăm anh tại bệnh biện Grall. Tôi không quên được câu nói đã thật tình gây "sốc" vì tôi bỗng phải đối diện với một tình huống không bao giờ tôi nghĩ có thể xảy ra. Tôi quá ấu trĩ trong chính trường hay quá ngây thơ vì là quân nhân chuyên nghiệp? Chắc là cả hai.... Do Việt Báo yêu cầu viết một bài về biến cố Mậu Thân 1968, xin được ghi lại một kỷ niệm lạ với người hùng Nguyễn Ngọc Loan....


***


Sáng hôm đó, tôi đang tham dự buổi thuyết trình hàng ngày thì nghe tin Thiếu Tướng Loan bị thương trong khi dẫn lính đi hành quân truy kích bọn Việt cộng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Hiện ông đang nằm tại bệnh viện Grall.

Nghe nói đến bệnh viện Grall là tôi liền xin phép rời buổi họp, và xách xe chạy thẳng ra nhà thương. Tôi biết là anh phải năm ở khu "Post Operatoire" +vì bạn bè tôi đã chẳng từng nói bệnh viện này là của tôi sao? nhưng nên đến thẳng nơi đó thì thấy lực lượng an ninh canh gác rất "dầy". Khi thấy tôi muốn vào thăm anh Loan, họ không cho vào. Và nói là không ai có thể vào được, trừ gia đình của anh.

Những người này rất lạ, chắc là thuộc Cục An Ninh Quân Đội hay Cảnh Sát Dã Chiến, tôi không quen nên chẳng muốn năn nỉ. Nhưng vẫn không chịu thua, tôi vào văn phòng của một Bác Sĩ gần đó gọi Y Sĩ Đại Tá Alexis Chevallard, một người bạn khá thân của tôi, và cũng là một Bác Sĩ Phẫu Thuật. Alex bảo tôi chờ và chỉ vài phút sau anh chàng đến, thế là hai chúng tôi cùng sánh vai vào khu Hậu Giải Phẫu. Lần này tôi không bị ai ngăn lại cả, có lẽ họ nghĩ tôi là Bác Sĩ Không Quân, vì thấy BS Chevallard có vẻ quen thuộc và thân thiện với tôi.

Khi vào tới bên trong thì tôi thấy anh Loan đang nằm trên giường, và mắt nhắm như ngủ. Lợi dụng thời gian đó, tôi nói với Alex về những liên hệ giữa anh Loan và tôi, vừa lúc đó tôi thấy anh mở mắt, nên chạy lại bên giường. Câu đầu tiên anh hỏi tôi là "Làm sao mày vào đây được?". Có lẽ là anh, hoặc các người có trách nhiệm bảo vệ anh rất nghiêm túc trong việc không cho người ngoài gia đình thăm viếng. Tôi muốn anh yên tâm rằng lực lượng bảo vệ an ninh của anh rất có lỷ luật, nên cho anh biết là tôi bị cấm vào, phải nhờ người bạn là BS Chevallard đi cùng. Và tôi giới thiệu hai người với nhau, rồi để cho Alex khám và nói chuyện với anh.

Trong câu chuyện tôi cũng hiểu sơ về thương thế của anh, và khi xong tôi hỏi anh là tôi muốn ở lại với anh một chút anh có mệt không? Anh lắc đầu, và khi bạn tôi đi khỏi, anh hỏi tôi "Mày quen làm sao với ông toubib này mà có vẻ thân nhau vậy?" Qua câu hỏi, tôi hiểu ngay là anh muốn biết liệu có thể tin người BS sẽ săn sóc và làm phẫu thuật cho anh khi cần không.

Tôi kể cho anh nghe trường hợp nào chúng tôi quen nhau, và mặc dù Alex có vợ con theo qua Việt Nam, nhưng nhiều thì mỗi tuần một lần, ít thì hai lần mỗi tháng, chúng tôi đi ăn tối với nhau. Lẽ dĩ nhiên là có nhậu nữa. Tôi không muốn làm rườm tai và để anh nghỉ, nhưng anh có vẻ muốn nghe thêm, nên tôi cho anh biết là có nhiều khi hai đứa vừa xong chầu "apéritif (khai vị)" là Alex bị "paged" vì có trường hợp phải mổ khẩn cấp, và tôi phải đưa cậu ta vào phòng mổ vì hai đứa đi chung xe. Rồi cậu ta hỏi tôi có thích xem mổ không, rồi bảo tôi mặc quần áo vào xem cậu hành nghề.

Hôm đó là một trường hợp làm "césarienne", mổ để lấy em bé ra, vì xương chậu của thai phụ quá nhỏ, nên cũng không khó. Alex là một người chu đáo, nên trong lúc mổ, anh ta đã nói mình đang làm gì để tôi hiểu, nên tôi rất thích. Bèn xin là lần sau có "cas" mổ nào vào bữa tối thì gọi cho tôi vào xem và "học hỏi". Và như vậy, tôi đã xem được nhiều "cas" mổ và biết thêm được rất nhiều về nội tạng con người.

Sau khi biết được tình thân của tôi với Alex, đi về làm việc đi, không có ông V.D ổng phạt thấy mẹ mầy thì ráng mà chịu. Tao không có dính dáng chuyện của Không Quân tụi bây đâu". Trước khi tôi về, anh còn nói thêm: "Có rảnh thì ra đây chơi với tao. Đừng rủ thằng nào hết vì chúng nó không có cho vô đây đâu". Rồi anh còn cẩn thận gọi một nhân viên túc trực bên anh lại, nói "dặn tụi nó là thấy mặt ông này thì cứ cho vào".

Untitled2


Tôi đi ra khỏi phòng Post-op nhưng không về sở, mà đến văn phòng của Alex, để hỏi về tình trạng thương thế của anh, vì suốt trong thời gian bên cạnh anh tôi không có thì giờ làm việc đó. Bạn tôi cho biết anh bị thương vi đạn làm hư hỏng nặng một mạch máu chính. Nếu không chữa được có lẽ phài cắt khúc dưới của chân. Trả lời câu hỏi của tôi là có bệnh viện nào trong nước, như bệnh viện dã chiến của Hoa Kỳ có thể làm "greffe" mạch máu được không thì Alex trả lời là anh không biết chắc, nhưng chắc chắn là họ có kỹ thuật và khả năng làm việc đó. Ngoài ra, việc bị thương như thế rất thường xảy ra cho người lính chiến nên Alex nghĩ là có nhiều hy vọng họ làm được. Điều này làm tôi cảm thấy nhẹ người và hy vọng sẽ nói cho anh Loan biết trong lần thăm viếng sắp tới. Và tôi vui vẻ đi về sở làm.

Ngày hôm sau tôi tới thăm, tinh thần anh Loan có vẻ cao hơn hôm qua. Khi tôi hỏi BS nói tình trạng cái chân anh ra sao thì anh nói là tình trạng không có gì đáng lo, nhưng bác sĩ không khẳng định được vì tình trạng cái mạch máu chưa ổn định. Đại loại như Alex đã nói với tôi hôm qua, nhưng anh ta lại không nói với anh Loan về giai đoạn hai, rằng nếu không cứu được mạch máu thì phải cưa chân.

Nói dăm ba câu chuyện tầm phào vì tôi tránh tối đa không hỏi chi tiết của tai nạn, và anh than là "Tao thấy cái khó nhất của tao hiện giờ là phải pipi trong thế nằm, chỉ sợ nó tuột ra khỏi cổ con rùa (dụng cụ dùng để bệnh nhân tiểu tiện) thì còn gì là giường chiếu nữa nên đi không thoải mái một mạch được. Bây giờ nằm một chỗ mới biết lúc trước mình sung sướng vô cùng". Rồi anh văng một câu chửi thề cố hữu và đặc thù của anh để chấm dứt câu chuyện.

Không muốn làm anh mệt thêm, tôi chào anh đi về và hứa sẽ đến thăm anh hôm sau. Trước khi về tôi lại ghé văn phòng của Alex để thăm và cũng để dò la tin tức về cái mạch máu, thì thấy Alex có vẻ bi quan hơn vì chắc không chữa được mạch máu, và không cứu được cái chân. Một lần nữa tôi yêu cầu anh ta hỏi thăm xem bên Third Field Hospital của Hoa Kỳ có làm được việc ghép mạch máu không, đề còn có dữ kiện khi nói chuyện với anh Loan.

Nhưng khi thấy Alex có vẻ trầm ngâm, suy nghĩ thật nhiều và ngần ngại như có điều gì khó nói, tôi không muốn làm khó bạn mình nên tôi chào anh ta rồi về.

Khi tôi đến thăm lần sau, anh Loan có vẻ bi quan, và tinh thần rất xuống. Anh hỏi tôi "Bạn của mày có nói gì về tao không?" Tôi muốn tránh cho Alex nên trả lời "Nếu có điều gì thì nó nói thẳng với anh chứ đời nào lại nói với tôi, conscience professionelle của tụi Santé Navale nặng ký lắm, nên nó không dám vi phạm đâu.

GENERAL NGUYEN NGOC LOAN BI THUONG
Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị bắn.



Mãi về sau, sau một lúc im lặng khá dài mà mắt anh lại nhắm nên tôi nghĩ anh mệt, định lặng lẽ ra về thì anh mở mắt ra nói với tôi "Tên bác sĩ bạn của mày nói có lẽ cái artère của tao foutue rồi (chúng tôi vẫn giữ tật xấu hay dùng tiếng Pháp thay thế những từ Việt Nam khó dịch). Nếu ngày mai mà không có tiến bộ thì phải cắt bỏ phần chân dưới, hoặc chuyển qua Third Field Hospital với hy vọng là bên đó nó có cơ phận và dụng cụ để ghép mạch máu".

Anh ngưng một lúc lâu mới gọi tôi đến gần để nói tiếp "Mày chịu khó nói với bạn mày nếu ở đây cứu được cái chân thì tốt, nếu không thì tant pis! Kệ mẹ nó! Đừng bao giờ đưa tao qua Third Field Hospital. Ngay cả khi bị complications mà nguy hiểm tới tính mạng thì mày bảo tụi nó cứ để tao chết ở đây. Cest ma volonté.

Tôi xin viết chữ in để nhấn mạnh đoạn này theo tinh thần của anh: "TRONG BẤT CỨ TRƯỜNG HƠP NÀO CŨNG ĐỪNG ĐƯA TAO QUA THIRD FIELD HOSPITAL HAY DI TẢN TAO QUA NHÀ THƯƠNG CỦA MỸ BÊN PHILIPPINES. Cest ma volonté."

"Mày nên nhớ và hứa với tao là mày sẽ làm mọi cách để làm đúng theo lời tao dặn. Thôi tao mệt rồi mày đi về đi, Tao cám ơn mày".

Tôi bước ra khỏi phòng Post-op như một người máy, mắt nhòe nhoẹt không thấy rõ đường đi. Tôi không ngờ anh Loan, một người lúc nào cũng bất cần nhân thế và coi trời bằng vung, mà lại có một khổ nạn lớn chừng ấy. Tôi cảm thấy thương anh vô cùng, và tôi kính phục sự can đảm tinh thần của anh, thà chết chứ không muốn phải nhờ vả đến tất cả những gì dính dáng đến Hoa Kỳ.

Năm chục năm trời!

Những gì tôi viết bên trên đã xảy ra năm mươi năm trước đây. Nửa thế kỷ rồi, anh Loan đã là người thiên cổ, Alex Chevallard cũng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tôi vẫn còn nhớ từng chi tiết như sự việc vừa xả ra hồi tuần qua. Điều này đủ để quí vị thấy cái "sốc" tôi đã nhận được, khiến đầu óc u tối của tôi bật sáng, và tôi đã hiểu là tôi ngây thơ và ấu trĩ biết mấy.

Bồ Đại Kỳ



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.