Hôm nay,  

Thư Xuân Đinh Dậu, Chuyện Trăm Năm từ 1917

09/02/201710:47:00(Xem: 5823)

ga finalBGà Đinh Dậu. (Trình bày Sông Văn)

Cùng với bánh trái ngày Xuân, tờ báo Xuân là món quà Tết không thể thiếu trong mọi gia đình. Cùng các đồng nghiệp năm châu, Giai phẩm Xuân Việt Báo xin được góp một vẻ Xuân và kính gửi đến quý vị tác giả, độc giả, thân chủ và thân hữu gần xa lời chúc mừng trân trọng: Năm mới Đinh Dậu 2017 An Khang Tốt Đẹp.

Khỉ chạy về rừng,
Mừng Tết quốc gia thôi nhiễu loạn;
Gà vào thành phố,
Đón Xuân dân tộc được bình an.

Từ nhiều năm, Giai phẩm Xuân Việt Báo vẫn có lời thơ Hán-Việt với thư pháp của chính tác giả, là nhà thơ Cao Tiêu Hoàng Ngọc Tiêu. Ông giã từ chúng ta đã năm năm, nhưng lời chúc Tết cho Xuân Ất Dậu 2005 vẫn còn đó. Như một nguyện ước vẫn còn là nguyện ước.

100 năm búa liềm và con gà

Đó là ngày 24 tháng Mười 1917, đảng cộng sản Bolshevik -biểu hiệu là búa liềm- cướp được chính quyền tại Nga. Từ đó tới nay, hơn 100 triệu người đã thiệt mạng trong nhiều hoàn cảnh bi thảm ở khắp nơi. Ít ai giải thích rõ ràng sự thể ấy bằng Tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev: “Sự thật thì cuộc thử nghiệm cộng sản dẫn tới việc chà đạp nhân phẩm. Bạo lực được sử dụng để áp đặt mô thức cộng sản trên xã hội. Nhân danh Chủ nghĩa Cộng sản, người ta đã từ bỏ các giá trị tinh thần của nhân loại”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các chế độ cộng sản đâu đó chỉ còn là cái đuôi đổi màu chờ rụng. Vậy mà tư tưởng cộng sản còn mê hoặc nhiều người trong thế giới Tây phương, như văn hào Alexis Solzhenitsyn đã mỉa mai từ mấy chục năm trước: “Tại nước Nga của chúng tôi, chủ nghĩa cộng sản đã thành con chó chết, vậy mà với nhiều người Tây phương, nó vẫn là con sư tử hống”.

Tại Việt Nam, gần bốn tháng trước cuộc cách mạng tháng Mười Nga, tạp chí Nam Phong ra mắt ngày 1 tháng Bẩy 917. Bìa báo được trình bày với biểu hiệu con gà và ghi danh hai vị chủ bút: Phần quốc ngữ là Phạm Quỳnh; Phần chữ nho là Nguyễn Bá Trác. Ngay cuối năm ấy, tờ báo xuân đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện: Giai phẩm Nam Phong Tết Mậu Ngọ 1918. Từ đó, truyền thống báo xuân được thừa kế tại Việt Nam và sau 1975, tiếp tục phát triển tại hải ngoại. Ngay trong nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, mấy năm gần đây, truyền thống báo xuân đã phục hồi mạnh mẽ. Búa liềm cộng sản không cản nổi tiếng gà báo xuân từ 100 năm trước.

Cầm tờ báo xuân năm Dậu, không thể không nhớ hai vị chủ bút tạp chí Nam Phong.

“Tháng 9 năm 1945, Học giả Phạm Quỳnh bị hạ sát trong một xó rừng gần Huế; Nhà nho thi sĩ Nguyễn Bá Trác –tác giả thơ “Hồ Trường, Hồ trường ta biết rót về đâu”- bị xử bắn giữa chợ tại Quảng Nam. Đó là chuyện xẩy ra ngay khi Việt Minh vừa cướp được chính quyền.” Nhà văn Nhã Ca đã nhắc lại điều này khi nói chuyện tại Đại học UC Berkeley ngày 17 tháng Mười 2016.

Vì vậy, báo Xuân Việt Báo năm con gà có phần nhắc lại trăm năm hắc ám của cộng sản.

Ho van DongNhà báo lão thành Hồ Văn Đồng, nguyên chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Báo Chí Thế Giới đặc trách Châu Á, đồng thời cũng là nhà báo hai lần tù cộng sản, đã dịch lại bộ sách đồ xộ là cuốn “Hắc Thư về Chủ Nghĩa Cộng Sản” của các giáo sư Pháp. Và ông còn bổ túc một số chi tiết về tội ác cộng sản tại Việt Nam: Năm 1946, hàng ngàn tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi bị đập đầu, chôn sống hoặc dìm sông; Năm 1947, Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị hãm hại.

Son Dien NVKThư xuân bắt đầu bằng thơ và bút tự năm Dậu của nhà thơ Cao Tiêu nhắc chúng ta cùng nhớ Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Ông sinh vào năm Tân Dậu 1921, trọn đời sống bằng nghề làm báo, một bậc thầy của báo chí Việt Nam, và sau 1975, cũng từng trả giá cho phẩm cách nghề báo bằng mười năm tù đày cộng sản.

Là một huynh trưởng của Việt Báo tại hải ngoại, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh số Xuân năm nào cũng có một bài viết về khoa học với cái nhìn tâm linh sâu sắc, văn phong dí dỏm và tấm lòng quảng đại. Từ năm 2000 ông còn là Trưởng ban Tuyển chọn đầu tiên của Viết Về Nước Mỹ. “Nhà báo tuổi Dậu” của chúng ta đã ra đi 5 năm trước đây, đúng vào ngày họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, ngày 12 tháng 8 năm 2012, nhưng tinh thần lạc quan yêu đời của ông vẫn đọng trong từng trang báo xuân.

Chương trình Viết Về Nước Mỹ hiện đang là năm thứ 18 và hàng năm, Giai phẩm Xuân Việt Báo đều có bài viết của các tác giả sau khi thắng giải Viết Về Nước Mỹ vẫn tiếp tục cầm bút. Chính các tác giả và tác phẩm mới từ chương trình viết này đã cho thấy sức sống phong phú và sự trưởng thành của người Việt hải ngoại.

Nhìn lại 20 Năm Việt Nam Cộng Hòa

Nói về Việt Nam, từ 12 năm nay, nhiều tầng lớp học giả và sử gia Hoa Kỳ đã viết lại sự thật về cuộc chiến và về vai trò bất hạnh của miền Nam trước và sau cuộc chiến, nhất là trong ký ức thiên lệch và bất công của nhiều người. Lịch sử không là những gì được kẻ chiến thắng tô vẽ lại mà là kết quả của nhiều công trình khảo cứu khách quan của đời sau.

Tháng Sáu 2012, tại Đại học Cornell đã có cuộc hội thảo của giới học giả quốc tế và một số nhân vật thời Việt Nam Cộng Hòa. Mười hai bài tham luận đã in thành sách “Voices from the Second Republic of South Vietnam” do Giáo sư Keith W.Taylor biên tập và viết giới thiệu.

“Đệ Nhị Cộng Hòa đối với người Mỹ vào lúc đó và sau này, cho đến tận hôm nay, là một chế độ độc tài đáng để cho sụp đổ. Đó là một sự vu khống; một sự vu khống rất tiện lợi để biện hộ cho việc Mỹ bỏ rơi VNCH, nhưng bản chất nó là một sự vu khống.” Đó là nhận định của Keith W.Taylor, mà Báo Xuân Việt Báo năm Bính Thân đã được phép đăng tải.

UC Berkeley 9-17Từ trái, Nhà văn Nhã Ca, Gs. Van Nguyen-Marshall, Tài tử Kiều Chinh, và Gs. Hạnh Trần. 

Sau Đại học Cornell, thêm một cuộc hội thảo về “Việt Nam Cộng hòa 1955-1975” được tổ chức tại Đại Học Berkeley vào tháng 10, 2016, với sự điều hợp của Giáo sư Peter Zinoman và Giáo sư Tường Vũ. Tham dự hội thảo, bên cạnh các học giả tới từ nhiều đại học Hoa Kỳ, Canada, Úc, một số quan chức thời Đệ Nhất Cộng Hòa như các ông Lâm Lễ Trinh, Huỳnh Văn Lang góp bài tham luận qua đường skype, còn có sự hiện diện của các Tổng Bộ Trưởng và một số nhân vật thời Đệ Nhị Cộng Hòa, như các ông Hoàng Đức Nhã, Phạm Kim Ngọc, Nguyễn Đức Cường, Trần Minh Công, Bùi Quyền. Riêng trong lãnh vực báo chí và văn học nghệ thuật có các nhà báo Vũ Thanh Thủy, Phạm Trần, nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh và nhà văn Nhã Ca. Các bài nói chuyện tại cuộc hội thảo hiện đang được ấn hành thành sách.

Sau đây là một đoạn trích từ bài nói chuyện của Nhã Ca đã được tường thuật trên nhiều báo:
. . .

“Đã hơn 40 năm. Không biết bao nhiêu chiến dịch từng được nhà nước cộng sản thực hiện để cố xóa mọi dấu vết mà họ gọi là “nọc độc văn hóa Mỹ Ngụy.” Nhưng không cách gì xóa nổi.



Một nhà văn miền Nam, bằng niềm tin, đã nói lên điều này đúng 40 năm trước. Đó là một buổi trưa mùa xuân, ở một ngã ba trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, có cảnh công an khu vực huy động thanh thiếu niên đốt sách. Nơi đốt sách là con đường ngay xế cửa nhà anh Nguyễn Mạnh Côn. Đứng cùng chúng tôi trên bao lơn lầu một, nhìn xuống cảnh đốt sách, anh Côn cười cười bảo, “Rồi các cậu coi. Chữ nghĩa bọn nhà văn miền Nam, bài ca tiếng hát của nghệ sĩ miền Nam, các anh có đốt tới Tết Công Gô cũng chẳng ăn thua gì.”

Chỉ tuần lễ sau đó có cuộc hành quân công an qui mô chưa từng thấy. Đêm mùng Ba tháng Tư năm 1976, hàng trăm văn nghệ sĩ Saigon bị bắt giam. Anh Nguyễn Mạnh Côn và chúng tôi, cả vợ lẫn chồng, đều đi tù, đi đầy. Thời còn bị giam tại T20 ở Gia Định, có lần bọn tù văn nghệ sĩ được lùa lên xe, đưa đến “Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy” để học tập.

Khu triển lãm là một giảng đường đại học cũ, tội ác được trưng bày là những cuốn sách của văn học miền Nam. Trong số này có cả sách Nhã Ca. Cuốn “Giải Khăn Sô cho Huế” được treo cao. Tất cả bọn tù nhà văn chúng tôi cùng đứng nghiêm. Nhìn thẳng. Lặng lẽ. Trân trọng chào tác phẩm của mình và bạn hữu.

Trong số những người cầm bút tự do bị chết vì tù đầy, riêng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, đã gồm đủ các chức vụ cho một Ban Chấp Hành:
- Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Chủ Tịch Văn Bút, nhiệm kỳ thứ hai.

- Nhà văn Hồ Hữu Tường. Phó Chủ Tịch Văn Bút, nhiệm kỳ thứ ba.

- Nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Tổng Thư Ký Văn Bút, nhiệm kỳ đầu tiên.

Riêng nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã chết trong trại tù giữa rừng già Xuyên Mộc. Nhà văn không bao giờ trở về. Nhưng niềm tin vào sức sống chữ nghĩa và nghệ thuật miền Nam mà ông từng nói lên đang trở thành sự thật.

Bốn mươi năm sau, dân Hà Nội nô nức đi nghe Chế Linh rồi Khánh Ly hát nhạc vàng. Ngó thêm mấy trang web thơ truyện trong nước, thấy ngay con số hàng triệu lượt người tìm đọc các tác giả thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn kỹ hơn, đọc kỹ hơn, sẽ thấy chính những người cầm bút ở miền Nam năm 1975 còn ở tuổi mười tám đôi mươi, hiện đang trở thành những tác giả được yêu mến nhất, đọc nhiều nhất.

Như truyền thống văn hóa dân tộc mà nó kế thừa, văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 không chỉ là của riêng miền Nam. Đó là một hành trình chung, thành tựu chung của dân tộc. Bốn mươi năm sau cuộc chiến, chính người dân Việt từ Nam ra Bắc cùng xác nhận điều này.”
. . .

Từ sức sống dân tộc, với năm mới Đinh Dậu, đã có thể nhớ thơ Cao Tiêu và vững tin là nguyện ước sẽ thành khi hướng về tương lai, khỉ chạy về rừng và gà vào thành phố.

Bước trưởng thành mới

Stephanie Murphy_Ngoc Dung_OKBà Stephanie Murphy / Đặng thị Ngọc Dung, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên thành Dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ.

Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi bầu cử tại Hoa Kỳ. Riêng với cộng đồng Việt tại Mỹ, đây là lúc sức sống Việt đang vượt mức trưởng thành.
Trước hết, là câu chuyện người phụ nữ Việt đầu tiên trở thành Dân Biểu Hạ Viện Hoa Kỳ. Ba mươi tám năm trước đây, Đặng thị Ngọc Dung là một thuyền nhân chỉ mới... 6 tháng tuổi, khi cùng gia đình vượt biển và được tàu Hải quân Mỹ cứu vớt.

Thành người tị nạn, lớn lên trên đất Mỹ, anh em cô học lên đại học bằng học bổng, và cô Ngọc Dung trở thành một chuyên viên về an ninh quốc gia ở Bộ Quốc Phòng Mỹ, hoạch định về chống khủng bố và cứu hộ.

Sau khi kết hôn, Ngọc Dung trở thành Bà Stephanie Murphy. Từ 2008, rời Bộ Quốc Phòng, Bà sống tại Orlando, Florida, dạy kinh doanh ở Rollins College, và làm công việc điều hành một công ty đầu tư.

"Câu chuyện đời tôi là minh chứng cho Giấc mơ Mỹ và những gì có thể xảy ra khi sự cố gắng chăm chỉ kết hợp với cơ hội." Bà Stephanie nói khi vận động tranh cử chức Dân Biểu tại Địa hạt 7 của tiểu bang Florida.

Khu vực bà sinh sống và tranh cử không đông người Việt nhưng bà đánh bại đối thủ John Mica, một dân cử Cộng hòa tại vị từ 23 năm qua.

Sau khi thắng cử, bà viết trên website: "Tôi rất vinh dự và cảm kích bởi sự tin tưởng của người dân Florida đã gửi gắm để tôi đại diện cho họ tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Đây là một chiến dịch tranh cử tập trung vào các chủ đề chứ không phải là đảng phái và tôi sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự của mình tại thủ đô của đất nước chúng ta."

Stephanie Murphy là thành viên Đảng Dân Chủ. TT Obama, trong video hỗ trợ “gà nhà”ø tranh cử, nói đây là chuyện “chỉ có thể xảy ra tại nước Mỹ”. Lời vị Tông Thống mãn nhiệm không chỉ đúng cho trường hợp Bà Stephanie Ngọc Dung Murphy.

Tại Los Angeles có nữ luật sư Kim Nguyễn thắng cử chánh án tòa thượng thẩm. Từng là Thứ trưởng Bộ Tư Pháp tiểu bang California, Luật sư Kim Nguyễn nói khi tranh cử, rằng cô là con gái một gia đình tị nạn tại Hoa Kỳ và mong được phục vụ.

Dân Cử Mỹ Gốc Việt

Hubert Vo, TexasÔng Hubert Võ, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 7, Dân Biểu Tiểu Bang Texas, địa Hạt 149. 

Một nữ dân biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Một dân biểu tiểu bang Texas. Một nữ Thượng Nghị Sĩ California. Một Giám sát viên tại Orange County, thủ phủ Việt tị nạn, và hai Thị Trưởng tại Nam - Bắc Cali. Đó chỉ mới là sáu chức vụ dân cử nổi bật. Trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, có tới 32 người đắc cử vào nhiều vị trí tiêu biểu khác, cho thấy mức độ trưởng thành của người Việt chính trường Hoa Kỳ từ 2017.

Rich Tran, 22 tuoi, MipitasTại miền Bắc California, cạnh thị trưởng tân cử Richard Trần, Milpitas có Anthony Phạm đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố.

Janet NguyenBà Janet Nguyễn, nắm giữ chức Thượng nghị sĩ tiểu bang California.

Riêng tại Orange County, bên cạnh Giám sát viên Andrew Đỗ, Thị trưởng Westminster Tạ Trí, có hai Phó thị trưởng gốc Việt, là các ông Phát Bùi tại Garden Grove và Michael Võ tại Fountain Valley. Về phía hội đồng thành phố, Westminster có thêm nữ nghị viên Kimberly Hồ; Garden Grove có thêm hai nữ nghị viên Thu Hà Nguyễn và Kim Bernice Nguyễn. Như thế số dân cử gốc Việt vẫn chiếm đa số trong hội đồng thành phố.

Andrew NguyenÔng Andrew Đỗ, tái đắc cử Giám sát viên quận hạt Orange County.

Theo khảo sát của National Asian American Survey, tám năm trước, 42%, người Việt theo Đảng Cộng hòa. Hiện nay, người Việt Cộng Hòa là 23%, Việt Dân chủ là 29%, còn lại 47% không theo đảng nào.

*

Tri Ta OKÔng Trí Tạ, tái đắc cử Thị trưởng Westminster.

Văn hóa Việt và truyền thống báo xuân từ con gà trăm năm Sức mạnh dù lịch sử đầy oan trái, vẫn ngời sáng. Vui Tết Đinh Dậu, chúng ta không quên rằng ước nguyện sâu thẳm nhất của từng người, của mọi người, vẫn là “đón Xuân dân tộc được bình an”, khi gà gáy chào mừng buổi bình minh của một vận hội mới…

Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ biên Việt Báo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cho tới Tết Nguyên Đán năm ĐINH DẬU này, đã qua hơn hai mươi mùa xuân, người viết vẫn chung thủy cùng bạn đọc, cùng Việt Báo để mỗi năm cống hiến một bài viết về Võ đạo, Võ học và Võ thuật.
Tết là pháo, là câu đối, là bánh chưng, dưa hành, nhưng còn một điều không thể thiếu trong mấy ngày Tết - là cờ bạc.
Lê Thương, một nhạc sĩ tài ba, một vị thầy giáo tài giỏi, đức độ, một người nặng lòng với nước non, một nghệ sĩ lãng mạn với tâm hồn bay bổng thanh cao.
Nhưng khi chuyển sang tiếng Việt, dường như bài thơ mất đi cái không khí lạ lẫm của sự so sánh và liên tưởng giữa họa sĩ và thi sĩ, giữa họa và thơ.
Buổi trưa này thuộc vào mùa gì nhỉ, anh lẩm nhẩm tính toán. Vâng đầu mùa xuân.
Cuối tháng tư 75, Cộng quân chiếm miền Nam, coi giáo sư biệt phái là thành phần khả nghi, có tội như các sĩ quan hiện dịch.
Khi có ý định phiêu lưu du lịch Cuba, một cảm giác hồi hộp lạ lùng dấy lên trong chúng tôi.
ngồi bó gối tự hỏi – Bao giờ? Bao giờ?
K bỏ ống nghe xuống, hình như cố nín thở. Không bận tâm quay lại phía tôi, cô nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, búi tóc to sau gáy treo lửng lơ, cũng tựa như kiểu cô đang lơ lửng đâu đó.
Đã qua rồi, thuở thần tiên!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.