Hôm nay,  

Quay Phim Khi Người Khác Bị Công An Cộng Sản Đàn Áp

03/10/201511:09:00(Xem: 3770)


QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN

Cho đến hiện tại, không có quy định nào của pháp luật (thể hiện cụ thể trong Hiến Pháp, trong điều luật cụ thể của một luật nào đó, hay thậm chí bằng điều nào đó trong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, công văn, quyết định) cấm công dân quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức đang làm việc.

Vào năm 2013, Cục Cảnh Sát Giao Thông đường bộ - đường sắt thuộc Bộ Công An có ra một công văn số 1042/C67-P3 theo đó, tại Khoản 2 của văn bản này quy định: “Muốn quay phim, chụp hình Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ thì phải được sự đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ”.

Khi ra đời, công văn này đã bị dư luận lên án và bị cho là vượt thẩm quyền, trái với qui định của Hiến pháp và vi phạm pháp luật về quyền giám sát của công dân.

Ngay sau đó Công văn này đã bị Bộ Tư Pháp “tuýt còi” vì khoản 2 của công văn số 1042/C67-P3 đã vi phạm pháp luật nên ngày 23/8/2013 Cục Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt đã ban hành Công văn số 2315/C67-P6 để hủy bỏ Khoản 2 của Công văn 1042/C67-P3 nói trên.

Từ đó đến nay, chưa có văn bản pháp luật mới nào được ban hành để hạn chế hay cấm người dân quay phim, chụp hình Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Bởi vậy, mọi người dân đều được quyền quay phim, chụp hình Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Một trong những nguyên tắc “đinh” trong thể chế dân chủ là quyền giám sát nhà nước của công dân. Hơn nữa, có một nhận thức minh thị rằng: công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật qui định cho phép được phép làm.

Nếu các anh công an cảnh sát nào mà dựa vào Điều 31 của Bộ Luật Dân Sự Việt Nam 2005 - Quyền Của Cá Nhân Đối Với Hình Ảnh - để ngăn cấm và/hoặc cản trở công dân quay phim chụp ảnh họ khi họ đang làm nhiệm vụ thì bạn hãy nói với anh ta là: anh đã hiểu sai và lý luận sai rồi!

Nếu tôi quay phim lúc anh mặc thường phục và không đang làm nhiệm vụ nhà nước giao cho thì tôi đã vi phạm Điều 31 Bộ Luật Dân Sự 2005. Nhưng khi tôi quay phim chụp ảnh các anh hay các lực lượng chức năng khác, các công chức đang làm nhiệm vụ thì không phải là tôi ghi hình ảnh riêng tư của cá nhân các anh mà là tôi đang ghi lại hình ảnh thực thi công vụ của cơ quan, cá nhân đang đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng, và do vậy việc đó hoàn toàn là một hình thức tôi đang thực thi quyền giám sát của công dân nhé!

Hãy bảo với các anh cảnh sát là: tôi đang giám sát các anh theo qui định tại Khoản 3 Điều 5 Luật Công An Nhân Dân 2014 về “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân” đấy:

  1. Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
  2. Công an nhân dân được tổ chức tập trung, thống nhất và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.
  3. Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hãy cũng bảo với các anh cảnh sát là: tôi cũng đang giám sát các anh theo qui định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 2008
- Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân đấy nhé:

  1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
  2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
  3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
  4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Các anh mà hành xử sai qui định là tôi báo cho báo chí bố cáo rùm beng lên, tôi cũng phản ánh tới cấp chỉ huy, cấp có thẩm quyền quản lý các anh, rồi họ sẽ đánh giá phân loại các anh theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (ban hành ngày 09 tháng 06 năm 2015) là các anh bị ảnh hưởng lớn tới việc thêm sao lên ngạch thăng quan tiến chức, cũng như ảnh hưởng tới lương thưởng thu nhập của các anh đấy nhé!

Các anh nhớ cho: về nguyên tắc, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn chúng tôi - những công dân - thì được làm những gì pháp luật không cấm.

Do vậy, nếu các anh ngăn cản tôi quay phim chụp ảnh, đòi tịch thu tại chỗ máy quay phim, máy chụp ảnh, điện thoại có chức năng ghi hình của tôi khi tôi đang quay phim chụp ảnh các anh thi hành công vụ, đề nghị các anh viết biên bản ghi rõ lý do bị tịch thu máy của tôi là gì?

Nếu tại địa điểm công an, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ không hề có biển báo “Khu Vực Cấm” hoặc “Cấm Quay Phim Chụp Ảnh”, hay những chỗ chả liên quan gì đến bí mật Quốc Gia, thì tôi hoàn toàn có quyền quay phim chụp ảnh các anh đấy.

Việc các anh ra lệnh cho tôi không được quay phim trong khi chả thấy có biển cấm, rồi lớn tiếng la lối tôi, đánh tôi, dùng dùi cui nện tôi như nện quân thù, quăng tôi lên xe như vứt con chó, thế là các anh đã vi phạm luật pháp nặng rồi đấy.

Các anh đại diện cho quyền lực công, thực thi hành pháp, thế mà lại đi hành xử với công dân

- những chủ nhân của đất nước này - một cách vừa ngu vì thiếu hiểu biết pháp luật, vừa có tính chất côn đồ như thế thì liệu các anh hiểu được gì về khái niệm “Nhà Nước Pháp Quyền”, hay “Của Dân, Do Dân, Vì Dân”?

Hay các anh biết hết, nhưng cứ làm bừa?

Người dân có quyền nghi ngại và đặt câu hỏi: giữa ban ngày ban mặt, giữa chốn đông người, chịu sự giám sát tai mắt của nhân dân mà các anh còn ngang nhiên hành xử thô bạo, liệu khi chỉ có người bị bắt giữ (tạm giam, tạm giữ) và các anh ở trong đồn của các anh thì chuyện gì rất có thể sẽ xảy ra?

Chắc là người bị tạm giữ sẽ vì ăn năn hối lỗi mà thắt cổ tự tử chết chăng?

***Tham khảo thêm:

1) Công An hay Côn An? Thực thi Pháp Luật nhưng lại vi phạm Pháp luật?- https://www.facebook.com/TeoNguKhin/videos/10204852665221705/
2) Làm liều & Nói bừa! Đó là quyền của chúng tôi?- https://www.facebook.com/TeoNguKhin/videos/10204793010730380/
3) Bộ Tư pháp: Người dân có quyền quay phim CSGT!- http://baophunuonline.net/bo-tu-phap-nguoi-dan-co-quyen-qua…
4) Không cấm người dân ghi hình CSGT:- http://luatsungaynay.vn/…/Khong-cam-nguoi-dan-ghi-hinh-CSG…/

Posted by Lê Văn Khôi on Saturday, October 3, 2015


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.