Hôm nay,  

Hoa Thơm Cỏ Lạ Địa Phương

29/05/201917:55:00(Xem: 4882)

C:\Users\tqnguyen\Desktop\IMG_0100.jpg

                                                                                                                                                        Nguồn Việt thực hiện

LTS: Mục “Hoa Thơm Cỏ Lạ” nhằm giới thiệu đến cộng đồng người Việt những nhân vật có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng, hoặc những nhân vật đem lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt ở địa phương. Nguồn Việt xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả xa gần.

Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San

Nếu ai đến định cư ở tiểu bang Oklahoma, nhất là trong giai đoạn 1975 cho đến 1990 thì dù ở những thành phố cách xa thủ phủ Oklahoma City (OKC) như Tulsa hay Lawton chắc hẳn đều nghe đến cái tên “Thầy San”. Lý do đơn giản là khi đến thời hạn nhập tịch để trở thành công dân Hoa Kỳ, ai nấy đều phải lên tòa án ở OKC để tuyên thệ trong lễ “Naturalization Ceremony” và khi ra về, cầm trên tay tấm bằng “Certificate of Naturalization”, nhiều người nhận ra có chữ ký của một người Việt Nam, San M. Nguyen, đó là chữ ký của Thầy Phó Tế (TPT) Nguyễn Mạnh San.


Cũng có rất nhiều người Việt khi điền đơn nhập tịch hoặc bảo lãnh người thân từ Việt Nam đã gặp nhiều thắc mắc và trở ngại, và cũng có nhiều người sau khi có quốc tịch Hoa Kỳ rồi lại đánh mất tấm bằng “Certificate of Naturalization”. Nếu may mắn mà họ liên lạc được với Thầy San thì “chuyện khó hóa dễ” vì Thầy San luôn có những chỉ dẫn rất chu đáo và tận tình. Có nhiều người chỉ nói chuyện với Thầy qua điện thoại mà chưa hề gặp Thầy cũng như không biết Thầy là ai.

Đó là trên phương diện pháp lý. Còn về mặt tôn giáo, TPT Nguyễn Mạnh San được chịu chức Phó Tế Vĩnh Viễn (Permanent Deacon) vào năm 1979 cũng tại OKC. Dó đó, có rất nhiều đồng hương người Việt tại địa phương và thậm chí có người không phải đạo Công Giáo cũng tìm đến gặp Thầy để nhờ cố vấn, giúp đỡ về những khó khăn trong cuộc sống, mà nhất là về mặt tinh thần.

Phó Tế được phép ban Bí Tích Thanh Tẩy (rửa tội) cho những trẻ sơ sinh, cử hành nghi thức hôn phối, dạy giáo lý, rao giảng Tin Mừng, nhưng không được cử hành Thánh Lễ mà chỉ được phụ tế các Thánh Lễ cho Đức Giám Mục hay Linh Mục và cũng không được phép ban Bí Tích Cáo Giải (xưng tội). Ngoài ra, từ năm 1968, giáo hội Công Giáo còn phục hồi lại chức được gọi là “Phó Tế vĩnh viễn”. Một người có nghề nghiệp dân sự và đã lập gia đình có thể xin học để trở thành “Phó Tế vĩnh viễn”. Tuy nhiên, một người độc thân nếu đã đang theo học chương trình để trở thành “Phó Tế vĩnh viễn” thì không được quyền lập gia đình. Tuy nhiên, một vị “Phó Tế vĩnh viễn” nếu vợ đã qua đời và con cái đều đã trưởng thành, thì có thể xin học thêm từ 1 cho đến 2 năm về Thần Học để được thụ phong linh mục. Theo nguyên ngữ HyLạp, Diakonos – Phó Tế - có nghĩa là “Người Phục Vụ”.

Ngoài ra TPT Nguyễn Mạnh San còn là một cộng tác viên thường trực của báo Nguồn Việt, phụ trách mục “Pháp Luật Thực Dụng” trong nhiều năm qua. Những bài viết của Thầy phần lớn đều được trích ra từ cuốn sách của Thầy: “Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng” được xuất bản vào ngày 30 tháng 4 năm 1979. Sách được Thầy San bổ túc, sửa chữa và cho tái bản vào năm 2018 gồm 2 cuốn. Đặc biệt cuốn sách này cũng được dịch sang Anh ngữ với tựa đề: “A Book on U.S. Applicable Law” để giúp giới trẻ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ có thể tham khảo về pháp luật thực dụng.

Vào tháng 5 vừa qua, nhân dịp TPT Nguyễn Mạnh San kỷ niệm 40 năm chịu chức Phó Tế tại Tổng Giáo Phận Công Giáo OKC, Nguồn Việt được hân hạnh tiếp xúc với Thầy San, dưới đây là một số chi tiết về buổi trò chuyện cùng Thầy Phó Tế.

Nguồn Việt: Trước tiên chúng con xin cám ơn Thầy đã dành thời gian cho buổi tiếp xúc này. Chúng con cũng có nghe nói Thầy vừa làm lễ kỷ niệm 40 năm chịu chức Phó Tế tại Tổng Giáo Phận Công Giáo. Sáu mươi năm cuộc đời mà Thầy đã làm Phó Tế đến 40 năm, có nghĩa là đã hơn nửa đời người. Ngày tháng mà Thầy bắt đầu bước vào nhiệm vụ này là khi nào thưa Thầy?

TPT Nguyễn Mạnh San: Đúng vậy, bốn mươi năm coi như đã quá nửa đời người của tôi rồi. Tôi chịu chức Phó Tế vào ngày 31 tháng 3, 1979.  

Vào ngày 27 tháng 4 vừa qua, tại Thánh Đường Tòa Tổng Giám Mục, tôi được mời phụ tế Lễ Tuyên Hứa (Convocation Mass) do Đức Tổng Giam Mục (ĐTGM) Paul Coakley cử hành, dành cho tất cả các Phó Tế Vĩnh Viễn cả Mỹ lẫn Việt thuộc Tổng Giáo Phận OKC. Nhân dịp này ĐTGM Coakley đã trao tặng quà để kỷ niệm 40 năm tôi phục vụ Giáo Hội Công Giáo trong thiên chức phó tế vĩnh viễn. Tôi là phó tế lâu năm nhất của Tổng Giáo Phận Công Giáo OKC kể cả Mỹ lẫn Việt. Đây cũng là một vinh dự rất lớn cho cá nhân tôi.

        blank         blank

Ảnh TPT Nguyễn Mạnh San cung cấp.


Nguồn Việt: Chúng con cũng được biết Thầy sang Mỹ định cư từ năm 1975. Không biết khi còn ở Việt Nam, Thầy có ý định trở thành một “Phó Tế vĩnh viễn” như hiện nay hay không?

TPT Nguyễn Mạnh San: (Thầy San cười!) Trước năm 1975 tôi sinh sống ở Sài Gòn. Ngày đấy, thời còn trẻ, tôi là “lead guitar” trong ban nhạc Nha Quân Y VNCH. Khi đó vì Nha Tâm Lý Chiến VNCH chưa được thành lập nên vào mỗi cuối tuần, ban nhạc của chúng tôi thường đến giúp vui cho các thương bệnh binh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Ngoài ra mẹ tôi còn làm quản lý cho cô nhi viện Dục Anh nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, gần trường đua ngựa Phú Thọ, do đó tôi và 3 cô em gái cũng cùng sống chung với các em cô nhi nhiều năm trong cô nhi viện này. Lớn lên một tí, để gây quỹ cho cô nhi viện, tôi thành lập ban nhạc lấy tên là Ngọc Quỳnh, Ngọc Quế, Ngọc Hải với sự cộng tác của 3 cô em gái của tôi là Tuyết Lê, Tuyết Lan, Kim Phụng, lấy tên là ban vũ Tuyết Lê.

Chúng tôi tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ tại rạp Thống Nhất ở Sài Gòn cho đến một số địa phương ở miền Tây như Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, Châu Đốc, Mỹ Tho … Trong những năm tháng đi trình diễn như thế, ban văn nghệ của chúng tôi đều có sự tham gia và đóng góp của một số các em nữ cô nhi thuộc cô nhi viện Dục Anh, gần chợ Thái Bình, Saigon.

(Thầy San cười to!) Anh biết đấy, cái máu “văn nghệ” hồi trẻ của tôi cũng khá cao nên chuyện trở thành “tông đồ” phó tế là chuyện chưa bao giờ tôi nghĩ đến cả. Vả lại, ngoài văn nghệ văn gừng ra thì nghề nghiệp chính của tôi là đi dạy học và trong hơn 4 năm làm Phụ Tá Trung Tâm Trưởng gồm 18 Kho Tiếp Liệu Hoa Kỳ (US Military Logistics Center of 18 Warehouses) tại Tân Thuận Đông Nhà Bè, trước khi trung tâm này được di chuyển về Long Bình, Biên Hòa. Sau đó tôi làm dịch thuật viên (translator of English and Vietnamese languages) cho cơ quan viện trợ Hoa Kỳ, gọi tắt là MACV.

blank

                                                                       Ảnh TPT Nguyễn Mạnh San cung cấp.


Nguồn Việt: Ngày xưa, hồi thế kỷ thứ Nhất, các thầy phó tế có nhiệm vụ trợ giúp các vị Giám Mục trong việc chăm sóc những người nghèo và các bệnh nhân. Như chuyện văn nghệ mà Thầy vừa mới kể, nói theo đạo Phật, đó là cái cơ duyên của Thầy đối với tha nhân, hay cũng có thể nói đó là con đường mà Thiên Chúa đã định sẵn cho Thầy. Thế rồi sang Mỹ Thầy bắt đầu công việc sinh sống của mình như thế nào?

TPT Nguyễn Mạnh San: Anh nói rất đúng, đó là cái “duyên” của đạo Phật. Chả là khi tôi đến Mỹ không bao lâu thì vào ngày 15 tháng 5 năm 1975, tôi được cơ quan thiện nguyện Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCC (United States Catholic Conference) tuyển dụng làm Phối Trí Viên đặc trách chương trình Tái Định Cư Người Tỵ Nạn Vùng Đông Nam Á (Coordinator for Resettlement Program for Southeast Asia Refugees) tại thủ đô OKC của tiểu bang Oklahoma. Thật lòng mà nói, mới chân ướt chân ráo sang Hoa Kỳ mà được cái “job” ngon như thế thì quả là quá may mắn. May mắn hơn nữa là tôi được phục vụ cho cộng đồng người Việt đến định cư ở Oklahoma.

Từ 1975 cho đến 1980, trong khoảng thời gian 5 năm làm việc trong chương trình này, tôi đã hoàn tất các thủ tục hành chính pháp lý cho gần 8 ngàn gia đình, để họ rời khỏi các trại tỵ nạn (Refugees Camps) ở trong nước Mỹ cũng như các “đệ tam quốc gia”, và đến Hoa Kỳ khi họ được các ân nhân người Mỹ bảo trợ là cư dân của OKC hoặc các vùng phụ cận.


Nguồn Việt: Sau thời gian làm việc ở USCC, công việc kế tiếp của Thầy ở Mỹ là công việc gì ạ?

TPT Nguyễn Mạnh San: Đến tháng 5, 1980 tôi được Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tuyển dụng vào phục vụ trong ngành Tư Pháp Hoa Kỳ, tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ ở OKC. Chức vụ của tôi là Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng Liên Bang Hoa Kỳ, đặc trách Luật Sư Đoàn Liên Bang và Nhập Tịch (US Deputy Court Clerk in charge of Attorney Admission and Naturalization). Trong vòng hơn 32 năm, tôi đã hoàn tất các thủ tục hành chánh pháp lý cho hơn 16 ngàn luật sư tuyên thệ, để được cấp phát bằng hành nghề luật sư liên bang ở Oklahoma; đồng thời hoàn tất hồ sơ để hơn 26 ngàn ứng viên thường trú (permanent resident) đến từ 50 quốc gia trên thế giới được tuyên thệ nhập tịch, để trở thành công dân Hoa Kỳ.

Tôi chính thức về hưu, an hưởng tuổi già từ công việc này hồi tháng 1 năm 2012.



blank

                                                                          Ảnh TPT Nguyễn Mạnh San cung cấp.


Nguồn Việt:
Cơ duyên nào đã đưa Thầy đến với vị trí “Phó Tế” cũng như trở thành Tuyên Úy trại tù cấp liên bang của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ?

TPT Nguyễn Mạnh San: Khi còn làm việc cho USCC thì Cha Giám Đốc của cơ quan này thấy tôi có “background” rất phù hợp với vị trí phó tế, nên đã khuyến khích tôi theo học. Chuyện tôi trở thành Tuyên Úy trại tù thì không liên quan gì đến Bộ Tư Pháp. Số là người chịu chức phó tế thì phải làm một công việc thiện nguyện nào đó, nên tôi tình nguyện đến trại tù để làm tuyên úy.

Nguồn Việt: Từ đâu mà Thầy có được những câu chuyện “Pháp Luật Thực Dụng” mà độc giả đọc đi, đọc lại vẫn thấy hay?

TPT Nguyễn Mạnh San: Nếu ngày xưa khi còn sống bên Việt Nam tôi thường đi sinh hoạt văn nghệ vào những ngày cuối tuần thì khi làm Phó Tế Tuyên Úy Trại Tù ở OKC, tôi cũng thường đến các trại tù để thăm viếng, động viên, nhất là về mặt tinh thần cho các phạm nhân. Trước khi kể lại từ đâu mà tôi có được những câu chuyện “Pháp Luật Thực Dụng”, tôi xin được phép thưa với anh về vai trò và nhiệm vụ của tôi trong công việc này.

Là một Phó Tế Tuyên Úy Trại Tù, có bằng hành nghề tuyên úy công chứng (Certified Prison Chaplain), là phải tốt nghiệp khóa huấn luyện đặc biệt dành cho các tân tuyên úy trại tù liên bang toàn quốc (New Federal Prison Chaplains Training Program in the nation), do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổ chức, mà khóa của tôi là ở Aurora, Colorado vào năm 1998. Trong tổng số 20 khóa sinh của khóa huấn luyện đặc biệt này, từ trước cho tới nay trên toàn quốc Hoa Kỳ, thì chỉ có 2 người gốc Việt duy nhất  là Linh Mục Bùi Phong thuộc Giáo Phận Công Giáo New Orleans, Louisiana và tôi thuộc Tổng Giáo Công Giáo Oklahoma City, Oklahoma .

Sau khi tốt nghiệp, tôi được phục vụ cho các anh chị em tù nhân, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da và giới tính. Đây là một công việc thiện nguyện, không lãnh lương, do Đức Tổng Giám Mục Eusebius J. Beltran của Tổng Giáo Phận Công Giáo OKC chỉ định.

Chính nhờ vào khoảng thời gian tiếp xúc với các phạm nhân vào những ngày cuối tuần, tôi đã được họ kể lại những câu chuyện rất thương tâm. Từ những câu chuyện ấy, tôi đã viết lại với hy vọng rằng đồng hương của mình sẽ rút ra được những bài học về “Pháp Luật Thực Dụng”, thường xẩy ra trong đời sống hang ngày tại Hoa Kỳ.

Trước tiên, nhờ được chứng kiến những vụ xử án tại Tóa Án Liên Bang Hoa Kỳ là nơi tôi làm việc hàng ngày và nhờ được nói chuyện trưc tiếp với các phạm nhân, được họ tin tưởng nói ra những sự thật như lời xưng tội, tôi biết được nhiều điều chưa bao giờ biết. Nói nôm na là sau lưng mỗi phạm nhân là một câu chuyện đáng thương; mặt trái của những tội ác đều có nguyên nhân của nó. Do đó, tôi thường nói với những người quen biết: “Tù nhân đáng thương hơn là đáng ghét!”

Trong những cuộc nói chuyện trực tiếp với các phạm nhân, tôi mới biết được là 80% phạm nhân đều xuất thân từ những bi kịch của gia đình và xã hội. Số phạm nhân 20% còn lại đại đa số có cha mẹ bận rộn với cuộc sống mưu sinh nên không có thì giờ chăm sóc, dạy bảo con cái chu đáo, dẫn đến kết cục là họ hư hỏng và phạm tội vì ảnh hưởng từ bạn bè xấu.

Nguồn Việt: Trong những năm tháng làm Phó Tế Tuyên Úy Trại Tù, Thầy có kỷ niệm nào đáng nhớ không thưa Thầy?

TPT Nguyễn Mạnh San: Trong suốt 21 năm phục vụ tù nhân trong các trại tù liên bang và tiểu bang của tiểu bang Oklahoma, một biến cố trọng đại xảy ra trong trại tù, mà có lẽ cho đến hết cuộc đời này tôi cũng khó mà quên được.

Chuyện là cách đây khoảng 10 năm, trại tù Jefferson County Jail tại tỉnh Waurika, thuộc tiểu bang Oklahoma, nơi tạm giam giữ hơn 200 tù nhân nam mà 90% các tù nhân này là người Việt Nam. Tất cả những anh em tù nhân này đã thi hành xong các bản án từ 5 năm cho đến 15 năm. Mặc dù họ đã thi hành xong bản án, nhưng vì tất cả các anh em tù nhân này đều là thường trú nhân, chưa có quốc tịch Hoa Kỳ, nên phải bị tạm giam bởi Sở Di Trú Hoa Kỳ, để chờ ngày bị trục xuất trả về nguyên quán của mình. Rồi một hôm, anh em tù nhân đồng loạt nổi loạn, họ lấy mấy tấm nệm đốt lên và dùng những chiếc giường sắt ngăn chặn 2 cửa chính ra vào phòng trại tù, khiến các nhân viên trong ban Quản Đốc không thể vào trong trại để bắt những ai chủ mưu cầm đầu cuộc nổi loạn này.

Được biết lý do tù nhân nổi loạn là để phản đối một số nhân viên trong ban Quản Đốc đã đối xử tệ với họ, coi họ như những tù nhân mới phạm tội, trong khi đó họ đã thi hành xong bản án, không còn là một tội nhân nữa.

Để giải quyết bế tắc, ông Quản Đốc trại tù đã mời tôi đến để làm trung gian hòa giải đôi bên (Mediator). Theo lời ông Quản Đốc cho biết, nếu cuộc hoà giải của tôi không thành công, thì ông sẽ ra lệnh cho Vệ Binh Quốc Gia (National Guards), lúc đó đang túc trực sẵn chung quanh trại tù, ném lựu đạn cay vào trong trại giam để dẹp tan cuộc nổi loạn này.

Phải xác tín mạnh mẽ rằng nhờ ơn Thượng Đế hay nhờ ơn Chúa thương, cuộc hòa giải này đã thành công một cách mỹ mãn, hai bên đều hài lòng với những điều kiện của đôi bên đưa ra. Cuộc hòa giải đã giúp tránh được sự đàn áp từ Vệ Binh Quốc Gia, một chuyện mà chính quyền địa phương không muốn xảy ra vì sẽ gây thiệt hại về nhân mạng, từ chết đến bị thương. Đó là chưa kể có thể số tù nhân quá đông, họ thừa dịp hỗn loạn này, tìm cách bỏ trốn khỏi trại giam.

Hai tuần kể từ sau khi cuộc hòa giải thành công, ông Quản Đốc trại tù điện thoại báo cho tôi biết rằng trại giam đã đồng ý cho phép tôi được tổ chức một buổi tiệc văn nghệ mừng Tết Nguyên Đán theo phong tục Việt Nam và cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn cho các anh em tù nhân ngay trong trại tù. Đây có thể nói là “một phép màu nhiệm” vì chuyện như thế chưa từng xảy ra trong các trại tù trên toàn quốc Hoa Kỳ. Từ trước đến nay, họa hoằn lắm thì vào dịp Tết hay các ngày lễ lớn, một vài nhóm thiện nguyện làm công tác xã hội của người dân Hoa Kỳ sẽ tổ chức vào thăm hỏi tù nhân. Vì vấn đề an ninh của trại giam, tù nhân chỉ được tập họp lại thành từng nhóm nhỏ để nhận quà của các tổ chức này, thường là bánh kẹo. Chuyện tổ chức văn nghệ thì lại càng không thể.

Bữa tiệc văn nghệ mừng Tết Nguyên Đán này có nhiều món ăn cổ truyền Việt Nam, đủ để các tù nhân ăn trong 3 ngày Tết. Đặc biệt phần Thánh Lễ Tạ Ơn do Linh Mục Anthony Nguyễn Ngọc Bảo cử hành và tôi được giao phần thuyết giảng. Trong buổi tiệc này còn có ông Nguyễn Văn Cường, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Việt Mỹ tại OKC, lên giới thiệu tên tuổi các mạnh thường quân đã ủng hộ miễn phí các món ăn cho bữa tiệc. Ông Cường cũng thay mặt cho ban tổ chức buổi tiệc ngỏ lời cảm ơn ông Quản Đốc và các nhân viên tham mưu trong ban Quản Đốc trại tù; đồng thời tri ân các vị ân nhân, các thiện nguyện viên trong Cộng Đồng Người Việt OKC, đã tích cực hỗ trợ cho bữa tiệc văn nghệ này.

blank

                                                                        Ảnh TPT Nguyễn Mạnh San cung cấp.


Phần văn nghệ giúp vui cho bữa tiệc, gồm các anh em tù nhân và một số anh chị em ca sĩ địa phương OKC. Tôi còn nhớ MC cho buổi tiệc là anh Xuân Phương và anh Ngọc Lợi đệm đàn “keyboard”. Bữa tiệc kết thúc bằng một màn múa lân rất độc đáo do các anh em tù nhân trình diễn. Nói chung, bữa tiệc Mừng Tết Nguyên Đán cho anh em tù nhân trong trại tù Jefferson County Jail được thành công tốt đẹp ngoài sự mong ước của mọi người.

Bốn tháng sau bữa tiệc đó, tôi có trình thỉnh nguyện thư lên ông Chánh Án của Toà Án Liên Bang Hoa Kỳ. Nội dung thư là để xin cứu xét các tội phạm, để xin duyệt xét hồ sơ cá nhân, xem anh em nào không có hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ được tòa án cho phép tạm trở về nhà sống với gia đình, chờ đợi cho tới khi nào Việt Nam bằng lòng chấp nhận họ trở về nguyên quán, thì lúc đó họ sẽ tuân thủ lệnh trục xuất của sở Di Trú ban hành.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, sở Di Trú chỉ được quyền tạm giam những ai được xác nhận là có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Vấn đề “xác nhận là có thể gây nguy hiểm cho xã hội” cũng không dựa vào mức độ phạm tội trước kia mà phải căn cứ vào những hành động bạo lực của tội nhân trong lúc đang thi hành án trong tù, hoặc những tội mới khám phá ra mà đương sự chưa được tòa án xét xử về tội danh này.

Do đó, sau khi tôi trình thỉnh nguyện thư lên, ông Chánh Án ra lệnh cho một luật sư, một điều tra viên (investigator) của tòa án cùng đi với tôi. Mỗi tuần, chúng tôi đến trại tù một ngày để phỏng vấn và duyệt xét hồ sơ cá nhân của từng anh em tù nhân, để xem tù nhân nào đáng được tạm tha trở về nhà, trong khi chờ nhận được lệnh trục xuất của Sở Di Trú, hay cần phải tạm giam giữ ở trong tù vì tội nhân nguy hiểm cho xã hội, nếu được tạm thả.

Thế là trong vòng 4 tháng, cuộc phỏng vấn cá nhân các tù nhân và sự duyệt xét tất cả các hồ sơ cá nhân của anh em tù nhân được hoàn tất, thì có tới 95% anh em tù nhân được hưởng tình trạng tạm tại ngoại để trở về chung sống với gia đình.

Đây cũng là một “cơ duyên” vì thực sự mà nói, nếu tôi không phục vụ trong ngành tư pháp Hoa Kỳ ở Toà Án Liên Bang và không phải là tuyên úy trại tù, thì dù tôi có muốn giúp đỡ tù nhân cách mấy đi chăng nữa cũng không thể làm gì được vì không có phương tiện và thì giờ để làm.  

Nguồn Việt: Thay mặt độc giả báo Nguồn Việt, chúng con xin chân thành cám ơn những chia sẻ của Thầy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Việc bắt quả tang này được thực hiện từ một video cho thấy Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái), Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron (phía trước), Thủ Tướng Anh Boris Johnson (phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phía sau, giữa) trong lúc các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp và Hà Lan đã bị chụp hình tại một buổi tiếp tân ở Cung Điện Buckingham chế giễu sự xuất hiện trên phương tiện truyền thông dài của Tổng Thống Mỹ Donald Trump trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 3 tháng 12 năm 2019 tại London.
Casino Entertainment trân trọng giới thiệu cùng quý vị chương trình văn nghệ nhạc sống chủ đề Q2 Show Lệ Quyên sẽ ra mắt quý khán thính giả vào ngày Chủ Nhật 1 tháng 12 năm 2019 tới đây qua một xuất duy nhất lúc 6 giờ chiều tại Pechanga Summit.
vừa qua đời ngày 7 tháng 10 năm 2019 -- Chúng tôi -- nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ -- thành tâm chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho hương linh nhà thơ Du Tử Lê siêu sinh tịnh độ.
Hai tuyển tập nói nơi đây là tuyển tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh và tuyển tập tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” (ấn bản 2019) của Trịnh Y Thư.
Buổi tối Thứ Sáu 20/09, hội trường Việt Báo dựng sân khấu là một bục gỗ tròn.
Buổi sáng một ngày cuối tuần nắng đẹp, hai cô cháu rủ nhau ra sau nhà, ngồi bên bụi hồng vàng đang nở rộ.
Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) trân trọng thông báo Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) lần thứ 11 sẽ được diễn ra từ ngày 11 tới ngày 13 tháng 10, 2019, tại rạp AMCOrange 30, thành phố Orange.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.