Hôm nay,  

Đêm Nhạc Biển Là Lòng Tôi: Ký Ức Một Thời Di Tản

09/05/201700:00:00(Xem: 5387)
Khi ánh đèn dịu xuống, phòng triển lãm tranh Việt Báo Gallery trở nên huyền ảo, những bức tranh “Biển Đời” của họa sĩ Ann Phong với màu xanh, hồng, đen, trắng và những chiếc thuyền nan mong manh vỡ nát hiện rõ hơn làm bối cảnh kỳ diệu quyện lấy tiếng nhạc và lời ca réo rắt vút cao, hay trầm lắng sâu thẳm như từng đợt sóng xô giạt thuyền nhân ra khơi đi tìm đất mới đã gợi lên trong ký ức của người nghe cả nghiệp dĩ quá khứ sinh tồn của một dân tộc gắn liền với nước non biển cả.

“Trùng dương, trùng dương, trùng dương...
Trùng dương.... chốn đây ngàn phương
Có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông nhắc câu chờ mong.”

Đó là lời bản nhạc “Hội Trùng Dương” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương được Ban Hợp Ca Sóng Biển, với các ca sĩ Ngọc Sương, Như An, Kim Liên, Thùy Dung, Thúy Hằng, Lệ Thanh, Ngọc Mai, Bích Liên, Phước Lộc, Duy Hiển, Vinh Tín, Kim Anh, và Bùi Quỳnh Giao trong tà áo xanh màu nước biển, hát lên mở đầu cho đêm nhạc thính phòng “Biển Là Lòng Tôi” tại Việt Báo Gallery vào đêm Thứ Bảy, ngày 6 tháng 5 năm 2017, có sức mạnh của những cơn sóng làm trôi giạt người nghe vào biển khơi vô tận. Âm ba của bản nhạc “Hội Trùng Dương” có lúc dâng cao như ngọn sóng sôi trào, có lúc lắng dịu êm ái như mặt nước “tháng ba bà già đi biển.” Nghệ thuật hợp ca tuyệt vời như thế cho thấy công phu tập dợt cộng với năng khiếu riêng của từng thành viên.

“Hội Trùng Dương” mở ra cho người nghe nhìn thấy nguồn gốc Lạc Hồng với năm mươi đứa con lên núi và năm mươi đứa xuống biển lập nghiệp sinh nhai. Những người con nước Việt này từ khai thiên lập địa đến nay vẫn sống quanh quẩn bên ba dòng sông lớn, Sông Hồng, Sông Hương và Sông Cửu Long, vốn đã cưu mang trong huyết quản, trong trái tim, trong tấc dạ giọt nước sông, nước biển. Thân phận đó nói lên một điều rất thật “biển là lòng tôi.” Nghiệp vận của tổ tiên ông bà còn lưu truyền đến bao đời con cháu, mà tên tuổi “thuyền nhân” đã thành danh trên khắp năm châu bốn biển sau cuộc đổi đời ngày 30 tháng 4 năm 1975.

“Giờ đây bao tâm tư, rộn ràng như câu thơ
Hội Trùng Dương tay tay xiết chặt cùng hô
Dựng mùa vinh quang hứa đời tự do.”

blank
Ban Hợp Ca Sóng Biển trong đêm nhạc thính phòng “Biển Là Lòng Tôi” tại Việt Báo Gallery. (Photo Bình Sa)

Lời của đoạn khúc “Tiếng Sông Cửu Long” trong đại nhạc phẩm “Hội Trùng Dương” được cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác từ năm 1954 đã trở thành lời tiên tri cho cuộc ra đi tỏa khắp bốn phương trời hơn hai thập niên sau đó của đoàn người di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Khi mọi người có mặt trong thính phòng cùng hát vang theo Ban Hợp Ca Sóng Biển đã làm cho bài hát linh hiện thực sự hơn bao giờ hết.

“Giờ đây bao tâm tư, rộn ràng như câu thơ…”

Lòng ai mà không rộn ràng, bồi hồi, và xao xuyến khi chìm đắm trong tiếng nhạc và lời ca hùng tráng, du dương như thế!

Sau những giây phút hào hứng vang dội đó, cả thính phòng đông nghẹt không còn một chỗ ngồi lại chìm sâu vào thinh lặng. Có lẽ mọi người đều lắng tâm và mở lòng ra để đón nhận những cung bật, giai điệu, và âm ba của đêm nhạc “Biển Là Lòng Tôi” rót xuống, chảy lan ra và thấm sâu vào hồn, để cho ký ức và hình ảnh của thân phận thuyền nhân đã lặng yên từ lâu bỗng trở dậy, sôi trào một cách sống động trong đêm nay.

Khi Ca sĩ Thương Linh, người nữ ca sĩ có chất giọng khàn khàn và trầm ấm đặc biệt, cất tiếng hát “Ném Con Cho Giông Tố” của thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ:

“Em có lũ con thơ bị quê hương ruồng bỏ
Từ bóng tối hận thù. Em nghiến răng ném con cho giông tố
Giông tố giông tố ngoài khơi xa
Ta gửi ngươi con ta
Xương thịt ta. Tâm hồn ta. Hy vọng ta…”

Người nghe như nghe được tiếng giông tố bão bùng tàn bạo “ngoài khơi xa” và cả bao nhiêu uất hận sôi trào qua tiếng “nghiến răng” của những cha mẹ phải chịu đựng nỗi đau lìa xa khúc ruột máu mủ của mình mà không biết tương lai sống chết của những đứa con ra đi như thế nào! Kẻ ra đi và người ở lại đều cảm nhận những giọt mặn của biển thấm sâu trong lòng mình.

Nhất là tâm trạng của kẻ ra đi thì bời bời, tan nát khi thuyền ra khơi và nhìn lại quê hương với “biết bao thương nhớ cho vừa,” như lời của nhạc phẩm Thuyền Viễn Xứ của cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Huyền Chi mà nữ ca sĩ Thương Linh tiếp tục trình bày:

“Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người…”

Dù nhà thơ Huyền Chi, người nữ thi sĩ quê nhà ở Bắc Ninh, Bắc Việt, di cư vào Nam trước năm 1954, sáng tác bài thơ Thuyền Viễn Xứ vào năm 1952 và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc một thời gian sau đó để bày tỏ nỗi niềm của người di tản nhớ về cố hương. Nó đã trở thành nhạc phẩm nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 và sau năm 1975 tại hải ngoại với cộng đồng người Việt tị nạn xa xứ.

Hai MC lịch lãm và duyên dáng, Lê Đình Ysa và Đinh Quang Anh Thái đã trở lại thay đổi không khí của đêm nhạc “Biển Là Lòng Tôi” khi giới thiệu phần hai của chương trình với các bản nhạc cổ điển Tây Phương.

Khi tiếng đàn Vĩ Cầm của nhạc sĩ Hoàng Công Luận và tiếng đàn Dương Cầm của nữ nhạc sĩ Ngô Diễm Uyên ngân lên, thính phòng im lắng như để đón nhận trọn vẹn những âm giai của bản Meditation de Thais do nhạc sĩ Jules Massenet soạn. Bản nhạc này soạn cho vở Opera “Thais” diễn tả tâm trạng đau khổ dằn vặt vì cuộc chiến nội tâm giữa sự thỏa mãn tình yêu xác thịt và hy sinh cho tình yêu tâm linh cao thượng đang diễn ra trong người con gái trẻ đẹp có tên Thais ở thành phố Alexandria của xứ Ai Cập thời xa xưa.

Ca sĩ Bùi Quỳnh Giao hát và nhạc sĩ Đỗ Bằng Lăng đàn Dương Cầm nhạc phẩm Beau Soir (Beautiful Night) của nhạc sĩ Claude Debussy phổ thơ của Paul Bourget. Bản nhạc kết thúc với hai câu cuối mang đầy tính triết lý nhân sinh mà theo MC Lê Đình Ysa cho biết nữ ca sĩ Bích Liên dịch lời Việt rất thơ là, “Sông đi vào đại dương, chúng ta đi vào phần mộ.” Quả vậy. Có biết bao thuyền nhân Việt đã nằm yên dưới lòng biển cả như an giấc ngàn thu trong huyệt mộ!

Ba đoạn khúc của bản nhạc Silent Ocean [Biển Lặng] - Far Away, Love Song và Far Away - của nhạc sĩ Nhật Bản Karen Tanaka được trình tấu bởi Đỗ Bằng Lăng, James Sherry và Anica Sherry, với giai điệu trầm buồn có lúc lắng im như chìm sâu vào lòng đại dương tăm tối, có lúc nổi lên vút cao rồi tan vỡ như những cơn sóng lớn làm người nghe hồi tưởng nỗi đau đớn của sinh ly tử biệt trên đường vượt trùng dương tìm tự do cách nay mấy thập niên.

blank
Ca Sĩ Bích Liên (đứng) và nhạc sĩ Lê Hùng trong đêm nhạc thính phòng “Biển Là Lòng Tôi” tại Việt Báo Gallery. (Photo Bình Sa)

Ca sĩ Bích Liên bắt đầu phần cuối của chương trình đêm nhạc thính phòng “Biển Là Lòng Tôi” với ba bài liên tiếp. Nghe ca sĩ Bích Liên, người ca sĩ có chất giọng Opera rất cao, sâu và mạnh, hát ca khúc “Lòng Ta Ở Với Người” của nhạc sĩ Trần Dạ Từ thì chắc chắn dù không phải là thuyền nhân, là người tị nạn cũng vẫn có thể hiểu được lý do tại sao hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, vì trong một đất nước mà:

“Người thật thà bị lừa dối
Người trung trinh bị phản bội
Người tín nghĩa bị săn đuổi
Người ngây thơ vị dập vùi
Người ơi đây lòng tôi sục sôi bài hát…”

Hẳn là phải sôi sục lắm, bởi có lúc người dân trong nước đã từng nói, “cây cột đèn mà biết đi thì chúng cũng bỏ nước ra đi.” Thế đủ biết lòng người sục sôi và chán ghét tới cỡ nào! Sau ca khúc “Cần Nhau” của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, ca sĩ Bích Liên kết thúc phần trình diễn solo bằng nhạc phẩm “Như Là Lòng Tôi” của có nhạc sĩ Phạm Duy. Bản nhạc được cố nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1983 ở Hoa Kỳ. Nghe bản nhạc này không ít người cảm thấy dường như trong đời tị nạn lưu vong, ở vào thời điểm mà chuyện đi về Việt Nam còn là chuyện chưa ai dám nghĩ tới, đã có cùng nỗi niềm nhớ tiếc khôn nguôi.

“Chiều nay ra đứng bên bờ đại dương
Biển âm u, vắng ngắt
Biển bao la một mầu tím ngát muộn phiền
Biển mênh mang niềm nhớ tiếc
Biển run lên từng đợt sóng biếc, ngỡ ngàng…”

blank
Ca Sĩ Thương Linh trong đêm nhà thính Phòng “Biển Là Lòng Tôi” tại Việt Báo Gallery. (Photo Bình Sa)

Cõi lòng của người nghe chắc cũng run lên theo lời nhạc. Nhớ thương cho nên chỉ mong có ngày về. Nhưng ngày nào là ngày về để cho Mẹ Việt Nam được niềm vui trong vinh dự đối với đàn con xa xứ khi mà ca khúc “Biển Đông Sóng Gợn” một trong các ca khúc của Trường Ca Mẹ Việt Nam của cố nhạc sĩ Phạm Duy được Ban Hợp Ca Sóng Biển gióng lên tiếng hò như lời báo động:

“Hà à a hơ ơ hờ
Biển là biển Đông sóng gợn
Hà à a hơ ơ hờ
Biển là biển Đông sóng gợn
Biển Đông gợn sóng tứ bề…”

Biển Đông gợn sóng bởi vì thời đó là cao điểm của phong trào vượt biên, vượt biển bỏ nước ra đi tìm tự do. Có phải đó cũng là lời tiên tri của cố nhạc sĩ Phạm Duy về tình trạng Biển Đông dậy sóng mấy chục năm sau, khi thế lực ngoại bang phương Bắc tràn xuống xâm lăng Biển Đông?

Chương trình đêm nhạc thính phòng “Biển Là Lòng Tôi” khép lại sau ca khúc lừng danh từ lâu của cố nhạc sĩ Phạm Duy “Việt Nam, Việt Nam” được mọi người cùng hát vang vang:

“Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…”

Lời nhạc chan chứa tình người, tình thương yêu. Nhưng trong nhạc điệu có cái gì hùng tráng giống những cơn sóng biển có sức mạnh xô đẩy người hát và người nghe đứng dậy, bước tới và đi lên… “đi xây đắp yên vui dài lâu…”

Chương trình dài hai tiếng rưỡi mà dường như mọi người còn muốn nghe thêm. Có lẽ vì tiếng sóng của biển lòng người nghe vẫn đang còn dào dạt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Việc bắt quả tang này được thực hiện từ một video cho thấy Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái), Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron (phía trước), Thủ Tướng Anh Boris Johnson (phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phía sau, giữa) trong lúc các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp và Hà Lan đã bị chụp hình tại một buổi tiếp tân ở Cung Điện Buckingham chế giễu sự xuất hiện trên phương tiện truyền thông dài của Tổng Thống Mỹ Donald Trump trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 3 tháng 12 năm 2019 tại London.
Casino Entertainment trân trọng giới thiệu cùng quý vị chương trình văn nghệ nhạc sống chủ đề Q2 Show Lệ Quyên sẽ ra mắt quý khán thính giả vào ngày Chủ Nhật 1 tháng 12 năm 2019 tới đây qua một xuất duy nhất lúc 6 giờ chiều tại Pechanga Summit.
vừa qua đời ngày 7 tháng 10 năm 2019 -- Chúng tôi -- nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ -- thành tâm chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho hương linh nhà thơ Du Tử Lê siêu sinh tịnh độ.
Hai tuyển tập nói nơi đây là tuyển tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh và tuyển tập tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” (ấn bản 2019) của Trịnh Y Thư.
Buổi tối Thứ Sáu 20/09, hội trường Việt Báo dựng sân khấu là một bục gỗ tròn.
Buổi sáng một ngày cuối tuần nắng đẹp, hai cô cháu rủ nhau ra sau nhà, ngồi bên bụi hồng vàng đang nở rộ.
Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) trân trọng thông báo Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) lần thứ 11 sẽ được diễn ra từ ngày 11 tới ngày 13 tháng 10, 2019, tại rạp AMCOrange 30, thành phố Orange.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.