Hôm nay,  

Dùng Trí Tuệ Nhân Tạo Và Hình Ảnh Vệ Tinh Để Theo Dõi Các Hoạt Động Trên Đại Dương

1/19/202400:00:00(View: 3592)
dai duong
Rất nhiều tàu đánh cá thương mại không báo cáo vị trí của họ khi đang trên biển hoặc không bị bắt buộc phải báo cáo. (Nguồn: pixabay.com)
 
Con người đang đua nhau khai thác tiềm năng to lớn của đại dương nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế toàn cầu. Trên toàn thế giới, các ngành công nghiệp dựa vào đại dương như đánh bắt cá, vận chuyển và sản xuất năng lượng tạo ra ít nhất 1.5 ngàn tỷ MK trong hoạt động kinh tế hàng năm và hỗ trợ 31 triệu việc làm. Giá trị này đã tăng theo cấp số nhân trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
 
Việc giám sát “gia tốc xanh” một cách minh bạch là rất quan trọng để ngăn chặn suy thoái môi trường, khai thác quá mức nguồn tài nguyên thủy hải sản và các hành vi bất chánh như đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn người. Thông tin minh bạch cũng sẽ giúp các quốc gia có thể kiểm soát tốt hơn các nguồn tài nguyên đại dương quan trọng. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, việc theo dõi các hoạt động công nghiệp trên đại dương rộng lớn vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
 
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, kết hợp hình ảnh vệ tinh, dữ liệu GPS của tàu và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các hoạt động công nghiệp của con người trên đại dương trong khoảng thời gian 5 năm. Các nhà nghiên cứu tại Global Fishing Watch, một tổ chức vô vụ lợi hướng tới thúc đẩy quản trị đại dương thông qua tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động của con người trên biển, đã dẫn đầu nghiên cứu này, phối hợp với Đại học Duke, Đại học California, Santa Barbara và SkyTruth.
 
Họ nhận thấy rằng có một lượng lớn các hoạt động diễn ra bên ngoài hệ thống giám sát công cộng. Bản đồ và dữ liệu mới cung cấp bức tranh công khai toàn diện nhất hiện có về việc sử dụng đại dương trong các ngành công nghiệp.
 
Hoạt động trong bóng tối
 
Nghiên cứu mới được xây dựng dựa trên công nghệ hiện có để cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh hơn nhiều so với những gì đang có cho đến nay.
 
Thí dụ, nhiều tàu biển sử dụng một thiết bị AI gọi là hệ thống nhận dạng tự động (automatic identification system – AIS), để tự động phát sóng thông tin của tàu, như vị trí, lộ trình và tốc độ. Các thiết bị này liên lạc với nhau khi ở gần để giúp giảm nguy cơ va chạm trên biển. Chúng cũng truyền tới các bộ thu phát sóng trên bờ và vệ tinh, có thể được sử dụng để giám sát các hoạt động khai thác và đánh bắt.
 
Tuy nhiên, hệ thống AIS này không hoàn hảo vì một số tàu không cần phải sử dụng chúng, hoặc một số vùng biển nhất định có sóng thu yếu, hoặc các tàu thực hiện các hoạt động bất hợp pháp có thể tắt hay làm giả dữ liệu vị trí. Ngoài ra, một số công trình ngoài khơi, như giàn khoan dầu và tua-bin gió, cũng sử dụng AIS để hướng dẫn các tàu dịch vụ, giám sát giao thông của tàu gần đó và cải thiện an toàn hàng hải. Tuy nhiên, dữ liệu vị trí của các công trình ngoài khơi thường không đầy đủ, lỗi thời hoặc được giữ bí mật vì lý do quan liêu hoặc thương mại.
 
Làm rõ các hoạt động trên biển
 
Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để phân loại tàu đánh cá, tàu không phải đánh cá và cơ sở hạ tầng cố định trong 2 triệu gigabyte hình ảnh radar dựa trên vệ tinh và hình ảnh quang học chụp trên biển giữa năm 2017 và 2021. Họ cũng đối chiếu các kết quả này với 53 tỷ báo cáo vị trí tàu sử dụng AIS để xác định tàu nào có thể theo dõi công khai vào thời điểm chụp ảnh.
 
Kết quả khá bất ngờ. Có khoảng 75% số tàu đánh cá được phát hiện không xuất hiện trong hệ thống giám sát AIS công cộng, đặc biệt là ở khu vực Châu Phi và Nam Á. Số lượng tàu ‘vô hình’ này thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết về quy mô, phạm vi và vị trí của hoạt động đánh cá.
 
Thí dụ, dữ liệu AIS công cộng hiện cho rằng Châu Á và Châu Âu có lượng đánh bắt cá tương tự nhau. Nhưng bản đồ của nhóm đã chỉ ra rằng thực tế là Châu Á chiếm số lượng nhiều hơn: cứ mỗi 10 tàu đánh cá mà họ tìm thấy trên biển, có 7 tàu ở Châu Á và chỉ có 1 tàu ở Châu Âu. Tương tự, dữ liệu AIS cũng cho thấy các hoạt động đánh bắt cá bên phía Châu Âu nhiều hơn khoảng 10 lần so với bên phía Châu Phi ở khu vực Địa Trung Hải - nhưng bản đồ của chúng tôi chỉ ra rằng các hoạt động đánh bắt cá gần như bằng nhau ở cả hai khu vực.
 
Đối với các loại tàu khác, chủ yếu là tàu vận tải và liên quan đến năng lượng, khoảng 25% bị thiếu trong hệ thống giám sát AIS công cộng. Nhiều tàu không xuất hiện đều nằm ở những vùng biển không có tín hiệu thu AIS mạnh, có thể tàu đã phát sóng nhưng vệ tinh không nhận được tín hiệu này.
 
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xác định được khoảng 28,000 công trình ngoài khơi – chủ yếu là các giàn khoan dầu và tua-bin gió, các cơ sở hạ tầng khác như cơ sở nuôi trồng thủy sản và các công trình nhân tạo khác. Số lượng cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi đã tăng nhẹ trong khoảng thời gian 5 năm, trong khi số lượng tuabin gió tăng hơn gấp đôi, chủ yếu ở Bắc Âu và Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu ước tính số lượng tua-bin gió trên đại dương có thể sẽ vượt qua số lượng cơ sở hạ tầng dầu khí vào cuối năm 2020.
 
Hỗ trợ cho các nỗ lực thực tế
 
Dữ liệu này được cung cấp miễn phí thông qua cổng thông tin Global Fishing Watch và sẽ được duy trì, cập nhật và mở rộng theo thời gian. Họ kỳ vọng một số lĩnh vực mà thông tin có thể sẽ hữu ích cho việc giám sát trên thực địa:
 
·        Đánh bắt cá ở những vùng thiếu dữ liệu: Hệ thống giám sát trên tàu quá đắt đỏ để có thể triển khai rộng rãi ở nhiều nơi. Các nhà chức trách ngư nghiệp ở các nước đang phát triển có thể sử dụng dữ liệu này để theo dõi áp lực đối với nguồn lợi thủy hải sản địa phương.

·        Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định: Các tàu đánh cá công nghiệp đôi khi hoạt động ở những nơi không được phép, chẳng hạn như các khu vực bảo tồn biển. Dữ liệu mới có thể giúp các cơ quan thực thi xác định các hoạt động bất hợp pháp và tập trung vào các nỗ lực tuần tra.

·        Các hoạt động thương mại vi phạm lệnh trừng phạt: Dữ liệu mới có thể giúp làm sáng tỏ những hoạt động hàng hải vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế. Thí dụ, các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên xuất cảng sản phẩm thủy hải sản hoặc bán quyền đánh bắt cá cho các nước khác. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện hơn 900 tàu đánh cá có nguồn gốc từ Trung Quốc ở vùng biển phía đông Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ.
 
Họ phát hiện ra rằng vùng biển phía Tây của Bắc Triều Tiên có nhiều hoạt động đánh bắt cá không công khai hơn, có thể cũng có nguồn gốc từ nước ngoài. Các hoạt động chưa được định vị đạt đỉnh điểm hàng năm vào tháng 5, khi Trung Quốc cấm đánh bắt cá trong vùng biển của mình, và đột ngột giảm vào năm 2020 khi Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19.
 
·        Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu: Dữ liệu mới có thể giúp định lượng quy mô phát thải khí nhà kính từ lưu thông tàu thuyền và phát triển năng lượng ngoài khơi. Thông tin này rất quan trọng để thực thi các chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu.

·        Tác động đến năng lượng ngoài khơi: Dữ liệu không chỉ cho thấy những nơi đang diễn ra hoạt động phát triển năng lượng ngoài khơi mà còn cho thấy cách tàu thuyền tương tác với các tuabin gió và dàn khoan dầu khí như thế nào. Thông tin này có thể làm sáng tỏ dấu ấn môi trường từ việc xây dựng, bảo trì và sử dụng các công trình này. Nó cũng có thể giúp xác định nguồn gốc của các vụ tràn dầu và ô nhiễm biển khác.
 
Đại dương lành mạnh là nền tảng của sự phát triển của con người theo nhiều cách khác nhau. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng nghiên cứu mới sẽ hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và giúp cho việc kiểm soát đại dương trở nên công bằng, hiệu quả và bền vững hơn.
 
Nguồn: “We used AI and satellite imagery to map ocean activities that take place out of sight, including fishing, shipping and energy development” được đăng trên trang TheConversation.com.
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Các thiết bị Android luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các malware hoặc spyware. Đã có rất nhiều các thông tin nói về các phần mềm độc hại và cách để thoát khỏi chúng.
Khoảng giữa tháng 04/2017, theo số liệu của Trendforce, Samsung đã dẫn trước Apple về doanh số smartphone bán ra trong Q1/2017.
Trong tháng 04/2017, một số người sử dụng smartphone LG G4 và LG V10 đã quyết định khởi kiện hãng điện thoại LG. Nguyên nhân là do những chiếc smartphone của hãng liên tiếp gặp phải lỗi khởi động lại liên tục (bootloop).
Khoảng giữa tháng 04/2017, chỉ một tuần sau khi vượt qua Ford, cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng 3.3% trong phiên giao dịch ngày 10/04/2017, nâng giá trị vốn hóa lên 50.9 tỷ USD.
Một số người dùng iPhone thường có thói quen mang thiết bị đến các cửa hàng sửa chữa bên ngoài thay vì đến trung tâm bảo hành chính hãng Apple, nhằm đỡ tốn chi phí hơn.
Khoảng giữa tháng 04/2017, trong khi đang trong cuộc chiến pháp lý với Waymo ở quê nhà, Uber lại nhận thêm một tin xấu từ thị trường nước ngoài.
Samsung nổi tiếng là một công ty chịu chi cho mảng marketing, khoảng tiền mà hãng đã chi ra thường gấp nhiều lần các đối thủ cạnh tranh khác. Khoảng đầu tháng 04/2017
Theo kế hoạch, những con chip Cannon Lake đầu tiên sẽ xuất trong năm 2017. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 04/2017, Venkata Renduchintala, chủ tịch mảng PC và Internet of Things của Intel
Khoảng đầu tháng 04/2017, các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu y sinh liên bang Nga (FMBA) tuyên bố đã phát triển thành công một loại thuốc
Khoảng đầu tháng 04/2017, một số nguồn tin cho biết, sau khi Yahoo sáp nhập với AOL của Verizon sẽ từ bỏ tên cũ và dùng thương hiệu mới là Oath.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.