Hôm nay,  

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

19/04/201400:00:00(Xem: 4608)
Phạm Bá Hoa
(Tài Liệu trích trên trang http://tonghoithuduchaingoai.com-- Email: tonghoithuduchaingoai@yahoo.com)

Bài này do tóm tắt tập tài liệu "Nghĩa Trang Biên Hòa" do cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc, tức nhà văn Giao Chỉ ở San Jose, thu thập biên soạn tháng 12 năm 2002, với sự đóng góp của nhiều cựu quân nhân trực tiếp lẫn gián tiếp thực hiện công trình nghĩa trang.

Trước năm 1965, các tử sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa an táng tại nghĩa trang các Tiểu Khu. Riêng tại Quân Trấn Sài Gòn-Gia Định, an táng trong nghĩa trang quân đội ở Gò Vấp, hoặc trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Từ năm 1965 về sau, Nghĩa Trang Quân Đội được xây dựng trên một diện tích 125 mẫu tây bên trái xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 22 cây số, các tử sĩ được an táng nơi đây.

Đôi nét về Nghĩa Trang Quân Đội.

Theo dự trù, nghĩa trang quân đội Biên Hòa sẽ trở thành "Nghĩa Trang Quốc Gia", do Cục Công Binh phối hợp với Bộ Công Chánh và Trường Kỹ Thuật Phú Thọ, tổ chức cuộc thi thiết kế đồ án. Sau khi nghe trình bày từng đồ án, Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đã quyết định chọn đồ án "Con Ong" để xây dựng Nghĩa Trang Quân Đội, vì ông cho rằng; "Con Ong không thờ hai chúa, với một cây kim chích xong là chết, như người chiến sĩ chỉ tôn vinh một quốc kỳ, chiến đấu và chết cho quốc kỳ đã chọn". Với đồ án này, toàn bộ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa với hình dáng "Con Ong", chia làm 8 khu tạo thành thân Con Ong, dự trù cho khoảng 25.000 đến 30.000 ngôi mộ. "Nghĩa Dũng Đài Với Vành Khăn Tang" được xây dựng chính giữa phần cuối của thân Con Ong. Một đường thẳng ra hướng xa lộ, đến đầu cây kim là "Đền Thờ Chiến Sĩ". Thẳng ra trước một khoảng là Cổng Tam Quan. Thân kim đâm thẳng ra xa lộ. Bên phải mũi cây kim là bức tượng "Thương Tiếc" sát cạnh xa lộ.

Năm 1965, Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo được lệnh điều động một đơn vị cơ giới để ủi quang khu vực cạnh xa lộ Biên Hòa. Đó là công việc đầu tiên mà Liên Đoàn này bắt đầu thực hiện công trình xây dựng Nghĩa Trang Quân Đội tại Biên Hòa.

Các công trình chính gồm có:

- Tượng Thương Tiếc.

- Cổng Tam Quan.

- Đền Liệt Sĩ.

- Mộ Vô Danh.

Đền Liệt Sĩ và Mộ Vô Danh, đã hoàn thành trước năm 1970. Công trình quan trọng kế tiếp là Nghĩa Dũng Đài Với Vành Khăn Tang bắt đầu, và dự trù sẽ khánh thành đợt 1 vào Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1975. Đơn vị trách nhiệm quản trị Nghĩa Trang là Liên Đội Chung Sự thuộc Cục Quân Nhu. Chính tại đơn vị Chung Sự này, nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, có dịp phục vụ nơi đây và sáng tác cuốn tiểu luận: "Mười ngày tại đơn vị chung sự". Trong những thời gian mà chiến trường sôi động, thành tích cay đắng của Liên Đội Chung Sự là chôn cất trung bình 70 chiến sĩ tử trận mỗi ngày! Đôi lúc hết cả quốc kỳ phủ quan tài và cả quan tài cũng hết, phải về Cục Quân Nhu nhận trực tiếp.

Và đây là công trình Nghĩa Dũng Đài Với Vành Khăn Tang. Tháng 6 năm 1971, Hội Đồng Chấm Tuyển gồm: Các chuyên viên đại diện của Trường Cao Đẳng Kiến Trúc, Tổng Cục Tiếp Vận, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Cục Quân Nhu, và Cục Công Binh, để tuyển chọn trong số 54 đồ án dự thi. Kết quả, không có giải nhất, chỉ có giải nhì, giải ba, và 6 giải an ủi. Tiếp đó là thời gian thiết lập toàn bộ hồ sơ kỹ thuật. Và đến tháng 10 năm 1972, công trình được bắt đầu. Sở Kỹ Thuật Cục Công Binh trách nhiệm kỹ thuật, Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo sử dụng Tiểu Đoàn 54 Công Binh Kiến Tạo gồm Đại Đội 541 thực hiện Nghĩa Dũng Đài và Đại Đội 542 thực hiện Vành Khăn Tang. Nghĩa Dũng Đài gồm 3 phần:

Phần thứ nhất là Trụ Tháp. Cao 43 thước tính từ mặt đất, chân rộng 6 thước, trên đỉnh rộng 3 thước 50. Bên trong trụ tháp là 15 tầng. Có thang sắt cho người đi, cứ mỗi đoạn 6 thước cao có chỗ dừng chân. Tháp này có sức chịu được gió với vận tốc 120 cây số/giờ, và với sức chịu này có khả năng đứng vững trong mọi thời tiết. Có 2 cột "thu lôi" để tránh sấm sét. Vào ban đêm, một hệ thống đèn pha cực mạnh chiếu lên đỉnh tháp, từ ngoại ô thủ đô Sài Gòn hay ngoại ô thành phố Biên Hòa, dễ dàng trông thấy những vệt ánh sáng khi bóng tối phủ trùm không gian.

Phần thứ hai là Nền Đài. Được thực hiện trên một nền phẳng với đường bán kính 29 thước, cao 1 thước 50, chen kẽ với những tấm 'đan' trên nền là cỏ nhung. Vây tròn nền đài là một tường đá thấp.

Và quan trọng nhất là phần thứ ba, với Vành Khăn Tang bê-tông cốt sắt. Cao 5 thước, dày 1 thước 20, trải tròn bao quanh trụ tháp, với đường kính 34 thước. Mặt trong Vành Khăn Tang, sẽ khắc tên những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ Quốc. Mặt ngoài Vành Khăn Tang, sẽ gắn những công trình điêu khắc bằng đồng, về những hình ảnh dựng nước, mở nước, giữ nước, từ thời Vua Hùng trong lịch sử xa xưa đến thời đương đại, do Điêu khắc gia Lê Văn Mậu, tác giả của đồ án Nghĩa Dũng Đài thực hiện. Cụ Mậu tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội, cụ là người đã sáng lập trường Mỹ Nghệ Biên Hòa, và lúc bấy giờ cụ Mậu đang là giáo sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Nhà điêu khắc này dự trù thực hiện qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 trong 20 tháng, kể từ tháng 11 năm 1974, với ngân khoản dự trù 6 triệu 200 ngàn đồng VN. Trong thời gian này, công việc của nhà điêu khắc là thực hiện trên giấy calque, chuyển sang mô hình bằng thạch cao, kế đến là những mảnh điêu khắc mẫu bằng đồng, trước khi chánh thức điêu khắc công trình.

Giai đoạn 2 trong 6 năm kể từ năm 1976, với ngân khoản dự trù từ 60 triệu đến 100 triệu đồng Việt Nam tùy theo thời giá. Số lượng đồng sử dụng cho công trình này vào khoảng 120 tấn do Tổng Cục Tiếp Vận cung cấp. Số đồng này là vỏ đạn đại bác 105 ly giao cho Lục Quân Công Xưởng đúc thành từng khối, trước khi giao cho nhà điêu khắc. Những hình ảnh điêu khắc gắn ở mặt ngoài Vành Khăn Tang có chủ đề "Dòng Lịch Sử Việt Nam Huy Hoàng", gồm các giai đoạn lịch sử:

- Thời các Vua Hùng.

- Hai Bà Trưng chiến thắng quân Đông Hán thế kỷ thứ nhất.

- Lý Thường Kiệt chiến thắng Chiêm Thành, và chiến thắng nhà Tống thế kỷ 11.

- Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Mông thế kỷ 13.

- Lê Lợi chiến thắng nhà Minh thế kỷ 15. Cũng trong thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành và Ai Lao.

- Các Chúa Nguyễn lần lượt chiến thắng Chiêm Thành thế kỷ 17, Chân Lạp và Xiêm La thế kỷ 18. Cũng trong thế kỷ 18, Vua Quang Trung chiến thắng nhà Thanh.

- Nguyễn Trung Trực chiến thắng quân Pháp thế kỷ 19.

- Hùng khí của QLVNCH với những thành quả xây dựng tự do hòa bình thịnh vượng thế kỷ 20.

Đang chuẩn bị khánh thành giai đoạn 1, vào Ngày Quân Lực 19/6/1975, lúc ấy công trình điêu khắc chưa kịp gắn vào mặt ngoài Vành Khăn Tang. Nhưng, như quí thính giả đã rõ, ngày 30/4/1975, quê hương Việt Nam vào tay cộng sản. Sau những chiến dịch đánh tư sản mại bản, đánh tư thương, và đánh tất cả các ngành khác mà chung qui là chúng tịch thu tất cả cơ sở kinh doanh sản xuất của tư nhân, và chia chác tài sản quốc gia. Đó là về vật chất, còn về con người thì hằng trăm ngàn quân nhân, viên chức, cán bộ, và một số dân thường, bị chúng đẩy vào các trại tù mà chúng gọi là trại cải tạo không thời hạn. Đó là hành hạ trả thù người còn sống, còn đối với những quân nhân tử trận nằm im trong lòng đất vẫn bị hành hạ trả thù, bằng cách ủi bằng các nghĩa trang địa phương để xây dựng nhà ở hay cơ sở trên đó. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cũng bị phá hoại dưới nhiều hình thức khác nhau, do một đơn vị quân đội của họ trú đóng nơi đây đập phá. Trong thập niên 90, có tin CSVN giao cho một công ty Đài Loan xây dựng khu kỹ nghệ, nhiều thân nhân xôn xao vội vàng bốc mộ, nhưng không rõ việc gì đã xảy ra mà họ không thực hiện. Do vậy mà Nghĩa Trang vẫn còn đó dù chỉ là từng phần từng mảng trong điêu tàn hoang phế!

Vào ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, tại nhà quàn của Nghĩa Trang còn lại hơn 60 xác chiến sĩ chưa kịp an táng. Một Chuẩn Úy vẫn ở lại, cùng với nhiều thân nhân tử sĩ có mặt, trong một hành động thật dũng cảm, thật anh hùng, nhưng đầy nước mắt, tất cả những xác ấy được chôn trong một mồ tập thể! Trong số những người có mặt và góp sức vào ngôi mộ bất đắc dĩ với vô vàn thương cảm của ngày thua trận, là một cô gái 19 tuổi đã khô cạn nước mắt, khi chôn chồng chưa cưới của cô là một Trung Úy Biệt Động Quân trước đó 3 ngày. Những ngày sau đó cô vẫn ở lại bên mộ chồng với niềm thương tiếc vô biên, do vậy mà cô được góp sức vào ngôi mộ chung đó. Hiện Cô định cư ở San Jose, và cứ 2 năm 1 lần, cô về Việt Nam chăm sóc mộ chồng!

Theo tác giả có bút hiệu "Người Giữ Mộ" thì năm 1983, sau khi ra tù, tác giả đến nơi an nghĩ của những chiến sĩ đã tròn nhiệm vụ với quốc gia dân tộc, để cảm nhận cảnh tiêu điều hoang phế của nghĩa trang! Loại cây Hắc Hương rất nhiều rất cao, che phủ Nghĩa Trang, phải len chân mới di chuyển được. Tất cả mộ bia đều bị đập phá hình, khoảng 50% mộ bia ngã xuống đất, phần còn lại thì ngã nghiêng xiêu vẹo, riêng bia của 8 vị Tướng bị đập phá hoàn toàn, nắp xi măng trên phần mộ bị nhà cầm quyền đem cấp phát cho các cơ quan của họ, trong đó có câu lạc bộ bệnh viện Từ Dũ. Thân Con Ong tức là những khu đất phần mộ, trở nên loang lỡ do bị đào xới. Năm 1985, 1986, lác đác có người đến chăm sóc mộ, nhưng không ai dám nhìn nhau, dần dần tìm hiểu nhau bằng cách mượn bật lửa hay xin vài cây nhang, để tránh đụng phải Công An. Trong những ngày thanh minh tảo mộ, thường thì có từ 10 đến 15 người sẵn sàng chăm sóc phần mộ với giá 5.000 đồng Việt Nam, nhưng nếu trả thêm 10.000 đồng nữa thì họ sửa sang cho 5 ngôi mộ lân cận, vị chi là 15.000 đồng thì 6 ngôi mộ được quét vôi làm cỏ hay dựng lại mộ bia. Trong khoảng năm 1991 năm 1994, thỉnh thoảng có anh em HO từ Hoa Kỳ về có đến thăm nghĩa trang. Trong số đó có một anh HO, dành ra hằng tháng trời thuê người dựng lại nhiều hàng mộ bia tương đối ngay ngắn. Khi làm công tác này, cứ một người làm thì một người đứng canh chừng Công An.

Năm 1996, một cựu sĩ quan Công Binh được nhóm bạn cử về Việt Nam quan sát khu Nghĩa Trang Biên Hòa. Kết quả đầu tiên: Một số mộ vẫn còn nhưng hoang phế, chỉ một số ít có vẻ như được chăm sóc sơ sài. Hội Quán Việt Nam tại San Jose tổ chức buổi họp mặt, tìm cách giúp đỡ Thương Phế Binh. Một vị Mạnh Thường Quân yêu cầu dấu tên, gởi đến Hội Quán Việt Nam tặng 2000 mỹ kim, góp phần giúp anh em thương phế binh. Kế tiếp, cũng vị ấy gởi tặng thêm 1100 MK nữa. Thế là chương trình "Quà Xuân cho anh em thương phế binh" được thực hiện ngay. Về danh sách và những hồ sơ anh em thương phế binh còn ở Việt Nam được cung cấp bởi Nhóm Huynh Đệ Chi Binh tại San Jose phụ trách. Rồi từ chương trình trợ giúp anh em thương phế binh, mở thêm chương trình "Nhớ Về Tử Sĩ".

Sau khi liên lạc bằng thư tín thăm dò anh em thương phế binh còn ở Việt Nam, được các anh cho biết là công việc làm cỏ, sửa sang phần mộ đôi chút, hay cắm lại mộ bia, là có thể làm được. Chỉ cần có chút ít tiền để anh em thương phế binh mướn xe đi và về. Từ đó, công tác chăm sóc những phần mộ còn lại tại Nghĩa Trang, được xúc tiến bằng cách Hội Quán Việt Nam tại San Jose vận động tiền và gởi về, và từng nhóm nhỏ anh em thương phế binh phân công phụ trách trong những năm qua.

Tổng hợp các thư của các anh còn ở Việt Nam sau các lần tảo mộ năm 1999, 2000. 2001, và 2002, thì nơi để tượng Thương Tiếc chỉ còn trơ lại cái bệ xi măng, với vài gia đình làm nơi vá vỏ xe. Gần Đền Thờ Chiến Sĩ có nhiều lò gạch. Cơ sở của Liên Đội Chung Sự, nhà quàn, và hồ sen gần đó, đã biến mất. Cổng Tam Quan cũng trong tình trạng hoang phế chung của Nghĩa Trang, nhưng hàng chữ hai bên cột vẫn còn đó dù rêu phong bám vào và cỏ cao che lấp: "Vì Dân Chiến Đấu Vì Nước Hy sinh". Những mộ còn lại, lần lượt được làm cỏ, quét vôi, dựng lại mộ bia, nay có phần quang đãng./.

Houston, tháng 1 năm 2003.

Phạm Bá Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
(Garden Grove/Nguyễn Ninh Thuận) - Trưa Thứ Bảy 17-5-14, từng đoàn người gần cả trăm bạn bè thân hữu kẻ trước người sau lần lượt đến nhà anh chị
Tuần rồi, tôi có mạn đàm về những điều tôi đã học hỏi được ở những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Kỳ nầy xin được nói về cán bộ.
Người ta nói, “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”
Người ta nói, “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”
Đã từ lâu, tôi muốn viết một điều gì đó về ngày kết thúc chiến Bắc - Nam.
Đa số người Việt Nam chúng ta dù bất cứ ở đâu, nhất là ở hải ngoại cũng đã thể hiện đầy lòng nhân ái,
Đơn xin gia nhập Hội viên (download từ website www.nghiatrangbienhoa.org hay liên lạc văn phòng:
Mỗi năm đến ngày 30 tháng tư, có lẽ đa số những người Việt tị nạn cộng sản thường tự hỏi: tại sao chúng ta mất nước?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.