Hôm nay,  

Đọc lại bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của Lý Bạch do Nguyễn Minh Tú dịch và chú giải

14/03/202313:12:00(Xem: 2786)

daophong 2

 

Trong tiểu thuyết HIỆP KHÁCH HÀNH, nhà văn Kim Dung kể chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Thạch Phá Thiên từ năm 12 tuổi, không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu, không  học hành chữ nghĩa, không võ công, không tiền của, mà tình cờ lạc vào giữa chốn võ lâm giang hồ. Đọc xong bộ truyện, tôi tò mò muốn tìm hiểu bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của thi hào Lý Bạch.

 

Nhìn lên kệ sách, có ngay cuốn sách do ông bạn Nguyễn Minh Tú (NMT) tặng tôi vào năm 2015. Soạn giả tự xuất bản tại California, USA. Sách khổ lớn dày 766 trang. Trong phần thư mục, tài liệu tham khảo của soạn giả rất phong phú, mà quan trọng nhất là bộ TOÀN ĐƯỜNG THI, KHANG HI NGỰ ĐỊNH , do Hà Bắc Nhân Dân Xuất Bản Xã in lần thứ nhất tại thành phố Thạch Gia Trang (Hà Bắc) năm 1993, bộ gồm 6 cuốn, dày tổng cộng 4753 trang, chứa mấy chục ngàn bài thơ Đường. 

 

Làm việc với tinh thần giới thiệu thơ Đường đến những độc giả Việt Nam không biết họăc chưa biết chữ Hán, hoặc biết sơ sơ, NMT dựa trên sáu tiêu chuẩn đối với mỗi bài thơ: 1/ Nguyên bản chữ Hán trích từ bộ Toàn Đường Thi; 2/ Dịch ra âm Hán Việt; 3/ Chú thích điển tích khó, dựa vào những tài liệu của các sách Trung Hoa; 4/ Dịch xuôi ra tiếng Việt; 5/ Dịch vần theo thể Song Thất Lục Bát; 6/ Tuyển chọn một hay hai bản dịch của những dịch giả danh tiếng khác.

 

Về tiêu chuẩn thứ 5, NMT cho biết anh chỉ dịch sao cho sát nghĩa với nguyên tác; cho nên bản dịch có thể không được bay bướm như những bản phỏng dịch chỉ dựa theo ý mà diễn.

 

Bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH, xin viết ra ở đây bài dịch âm Hán Việt:

 

Triệu khách mạn hồ anh

Ngô câu sương tuyết minh

Ngân an chiếu bạch mã

Táp nạp như lưu tinh

 

Thập bộ sát nhất nhân

Thiên lý bất lưu hành

Sự liễu bất y khứ

Thâm tàng thân dữ danh

           

Nhàn quá Tín Lăng ẩm

Thoát kiếm tất tiền hoành

Tương chích đạm Châu Hợi

Trì trường khuyến Hầu Doanh

 

Tam bôi thổ nhiên nặc

Ngũ nhạc đảo vi khinh

Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu

Ý khí tố nghê sinh

 

Cứu Triệu huy kim chủy                    

Hàm Đan tiên chấn kinh

Thiên thu nhị tráng sĩ

Huyên hách Đại Lương thành

 

Túng tử hiệp cốt hương

Bất tàm thế thượng anh

Thùy năng thư các hạ

Bạch thủ Thái Huyền Kinh

 

Dịch xuôi:

 

Người (hiệp) khách nước Triệu có giải mũ thô sơ/ Thanh kiếm Ngô Câu sáng như tuyết/ Yên bạc trên lưng ngựa trắng/ Chiếu lấp lánh như sao xẹt/

 

(Hiệp khách này) trong mười bước giết chết một người/ Cần chi phải xa ngàn dặm/ Sau khi xong việc, rũ áo ra đi/ Biệt tăm thân hình và tên tuổi/

 

Lúc rảnh rỗi đến uống rượu với Tín Lăng/ Để kiếm nằm ngang trên đùi/ Tín đưa chả nướng mời Châu Hợi/ Trao chén rượu cho Hầu Doanh/

 

Uống tới tuần thứ ba thì nhận lời giúp/ Năm quả núi có đổ xuống cũng coi là nhẹ/ Sau khi mắt đã hoa, tai đã nóng/ Ý khí cao như cầu vồng/

 

(Tráng sĩ) Vung quả chùy vàng ra trận cứu nước Triệu/ (Kinh Đô) Hàm Đan ban đầu chấn động kinh hoàng/ Ngàn năm sau tiếng thơm của hai vị tráng sĩ/ Vẫn còn lừng lẫy ở kinh đô Đại Lương/

 

Dù có chết, xương hiệp sĩ vẫn thơm hương/ Không hổ thẹn với anh hùng trên đời/ Ai như người nơi lầu sách kia/ Bạc đầu chưa xong quyển Thái Huyền Kinh/

 

Qua bài thơ này, thi hào Lý Bạch so sánh hành trạng của ba nhân vật lịch sử thời Chiến Quốc trong cổ sử Trung Hoa  là Tín Lăng Quân, Chu Hợi, Hầu Doanh với học giả Dương Hùng đời nhà Tây Hán, dưới triều Hán Thành Đế.

 

Dưới triều vua Tần Chiêu Tương Vương, có bốn nhân tài nổi tiếng làm cột trụ cho bốn nước chống lại nước Tần, được người đời mệnh danh là Tứ Công Tử, với  tước vị là QUÂN. Tề có Mạnh Thường Quân; Triệu có Bình Nguyên Quân ; Sở có Xuân Thân Quân; cả ba vị này đều  làm quan trong triều đến chức Thừa Tướng, thay vua điều hành việc nước. Riêng Tín Lăng Quân tên là công tử  Ngụy Vô Kỵ, vốn là ngự đệ của vua Ngụy An Hi Vương, có tài kinh bang tế thế hơn nhà vua, lại không được vua phong làm Thừa Tướng, vì vua sợ Tín Lăng Quân cướp ngôi.

 

Cả bốn công tử đều nuôi trong dinh của mình số thực khách lên đến 3000 người, đủ mọi tầng lớp trong xã hội, có những tài năng đặc biệt khác nhau về mọi mặt, để dùng khi hữu sự. Những thực khách đó có thể làm cố vấn chính trị, quân sự, kinh tế; có thể làm tình báo viên,  làm kẻ cắp, kẻ trộm thiện nghệ; có những kiếm sĩ, võ sĩ giang hồ  đầy lòng nghĩa hiệp.

 

Hầu Doanh và Chu Hợi là hai thực khách được Tín Lăng Quân trọng đãi. Hầu Doanh là một trí giả, ẩn thân trong vai một người gác cửa tầm thường của kinh thành Đại Lương nước Ngụy; bạn của ông là Chu Hợi, một cao thủ kiếm sĩ, nhưng ẩn thân trong nghề bán thịt ngoài chợ. Tài nghệ của Chu Hợi phi thường, có thể giết địch thủ chớp mắt trong vòng mười bước. Xong việc chàng lại ẩn thân đâu đó trong giang hồ, không cầu danh lợi. Những người bị chàng giết đều là những ác nhân gây hại cho dân.

 

Bình Nguyên Quân làm Thừa Tướng nước Triệu, có vợ là chị của Tín Lăng Quân. Ba nước Triệu, Ngụy, Hàn vốn là do nước Tấn tách ra làm ba, nên có những liên hệ mật thiết về địa lý, chính trị, xã hội, gia tộc. Cả ba nước dựa vào nhau, liên thủ chống lại sự đe dọa của nước Tần.

 

Thừa thắng tại cửa Trường Bình, quân Tần tiến công vây kinh đô Hàm Đan của Triệu. Thừa Tướng Bình Nguyên Quân cầu cứu nước Ngụy. Vua Ngụy An Hi Vương sai đai tướng Tấn Bỉ mang đại quân ra biên giới Ngụy-Triệu sẵn sàng tiến quân giải vây Hàm Đan. Vua Tần Chiêu Tương Vương viết thư đe dọa nước nào cứu Triệu sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vua Ngụy bất tài sợ hãi, ngầm ra lệnh cho Tấn Bỉ án binh bất động, chỉ làm ra vẻ cứu Triệu mà thôi. Bình Nguyên Quân và vợ thúc giục Tín Lăng Quân cứu viện; nhưng Tín Lăng Quân không có binh quyền trong tay, không thể khuyên vua Ngụy tiến quân được.

 

Cả 3000 thực khách mà không ai đưa ra được kế sách gì giúp cho chủ mình. Chỉ có Hầu Doanh hiến một kế kỳ diệu, khiến cho Tín Lăng Quân lấy được binh phù quân sự trong nội cung vua Ngụy. Với binh phù này, Tín Lăng Quân có thể ra thay đại tướng Tấn Bỉ cầm quân.

 

Hầu Doanh tiến cử kiếm sĩ Chu Hợi đi cùng Tín Lăng ra biên giới, vào quân doanh yết kiến Tấn Bỉ; dặn dò Chu Hợi giấu chùy vàng nhỏ trong tay áo đi kèm với chủ, tùy cơ hành sự, vì khi vào trướng doanh của đại tướng, không ai được đeo binh khí. Khi Tín Lăng trình binh phù của Vua thay chức đại tướng, thì Tấn Bỉ tỏ vẻ nghi ngờ, nhất định không giao binh quyền. Sợ có biến động, trong chớp mắt Chu Hợi vung chùy vàng giết chết Tấn Bỉ. Tín Lăng chấp chưởng binh quyền bèn ra lệnh tiến công, phá tan quân Tần, giải vây được thành Hàm Đan.

 

Đối với vua Ngụy, coi như Tín Lăng bị tội khi quân, có thể bị án tử hình, nên Tín Lăng không trở về Ngụy, mà ở lại Triệu, được vua Triệu vô cùng trọng vọng.  Tín Lăng có tầm nhìn xa của một chính trị gia tài ba mà vua Ngụy không thấy; vì nếu nước Tần diệt được Triệu thì chỉ trong thời gian ngắn nước Ngụy cũng bị diệt. Tín Lăng phạm tội khi quân với một ông vua bất tài, nhưng đã làm nên một việc nghĩa khí lớn, khiến thiên hạ đều ngưỡng phục. Mười năm sau, ông lại được năm vua tôn phong làm đại tướng nguyên nhung lãnh đại quân năm nước đánh tan quân Tần một lần nữa. Bí quyết binh pháp của Tín Lăng Quân được tập trung trong bộ sách NGỤY CÔNG TỬ BINH PHÁP.

 

Tín Lăng muốn tiến cử với vua Triệu hai vị hiệp sĩ Hầu Doanh và Chu Hợi để thưởng công; nhưng khi phái người đi tìm, thi Hầu Doanh đã tự sát  ngay khi Tín Lăng cướp binh quyền từ tay Tấn Bỉ; còn Chu Hợi biệt tích trên giang hồ.

 

Thi hào Lý Bạch ca ngợi nhân cách và tài năng hai nhân vật lịch sử đó, mà sáng tác nên bài thơ bất hủ HIỆP KHÁCH HÀNH (tiếng Anh dịch là ODE TO GALLANTRY-THƠ NGỢI CA HIỆP KHÁCH).

 

Hai câu hỏi được đặt ra:

 

1/ Chủ đích của Thi hào là gì khi đem so sánh mưu trí và võ công của hai nhân vật  thời Chiến quốc với văn nghiệp của học giả thời Hán cách nhau hơn 300 năm? 2/ Chủ đích của nhà văn Kim Dung là gì khi tưởng tượng ra mỗi câu thơ trong bài thơ Hiệp Khách Hành là một thế võ?

 

Theo thiển ý, câu hỏi thứ nhất có thể trả lời như sau : Hầu Doanh và Chu Hợi làm những việc có ích lợi thiết thực, cụ thể cho đời, còn Dương Hùng bỏ cả đời viết ra những ý tưởng viển vông, vô ích, hoặc là không có ích dụng thực tiễn. Học giả Dương Hùng có tham vọng dựa vào Kinh Dịch cổ điển để làm ra một Kinh Dịch khác đặt tên là THÁI HUYỀN KINH.

 

Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời có thể như sau: mỗi câu thơ hàm chứa một thế võ là việc hoàn toàn không có thực; nhà văn Kim Dung chỉ muốn diễn tả cái ý muốn phê bình thái độ người đời quá coi trọng chữ nghĩa, quá bám chặt, tin tưởng vào lý thuyết chủ nghĩa mà bỏ quên thực tế xã hội nhân sinh nên đưa đến thất bại trong hành động.

 

Soạn giả NMT đã dịch sát nghĩa bài thơ HKH bằng thể thơ Song Thất Lục Bát như sau:

 

Giải mũ thô người hùng đất Triệu

Thanh Ngô Câu ánh chiếu sáng ngời

Tựa sao lấp lánh trên trời

Là yên ngựa bạc giữa nơi phố phường

 

Trong mười bước sát thương một mạng

Nên cần chi vạn dậm trường chinh

Việc xong, rũ áo lặng thinh

Không ai còn thấy bóng hình hay tên

 

Nhằm lúc rảnh, Tín Lăng mời rượu

Tháo kiếm ra đầu gối kề bên

Đã mời Châu Lợi chả nem

Lại còn chuốc rượu Hầu Doanh ân cần

 

Chè chén được ba tuần nhận việc

Ngũ nhạc kia có sập cũng pha

Tai đã nóng, mắt đã hoa

Bừng bừng ý khí như là mống cao

 

Cứu nước Triệu, chùy vàng vung tít

Giặc Hàm Đan hoảng hốt kinh hoàng

Hai chàng dũng sĩ thơm hương

Vẫn còn mãi mãi Đại Lương lẫy lừng

Dù có chết, thơm xương hiệp sĩ

Trong anh hùng không hổ râu ria

Ai như lầu sách đằng kia

Tóc đà điểm trắng còn ghi Thái Huyền.

 

daophong 1
NMT tốt nghiệp khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang năm 1965, hiện định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2014 ông cho xuất bản cuốn sách về ba thi hào bậc nhất LÝ BẠCH, ĐỖ PHỦ, BẠCH CƯ DỊ, và năm 2018 một cuốn giới thiệu thơ của 70 tác giả khác, đặc biệt là VƯƠNG BỘT, TRƯƠNG CỬU LINH, TỐNG CHI VẤN. Độc giả thích thơ Đường có thể tìm thấy hàng ngàn bài dịch trong trang WEB-THIVIEN.NET, mục THƠ ĐƯỜNG NGUYỄN MINH TÚ; hoặc trong trang WEB-HOA SƠN TRANG.COM.

 

Từ cả trăm năm trước, nhiều học giả Việt Nam nổi tiếng đã dịch thơ Đường, nhưng số lượng còn rất ít. Số lượng 5000 bài mà NMT đã dịch quả là một công trình đáng khâm phục ở hải ngoại, do một cá nhân đơn độc thực hiện.

 

– Đào Ngọc Phong

(California, 28/11/ 2022)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
✱ CIA: Đỗ Mậu sẽ trở thành thủ tướng trong vài ngày tới - Khiêm tuyên bố mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát - sẽ thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn không cho sự việc diễn ra. ✱ BNG: Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn thì quả quyết kêu gọi các nhân viên chính phủ gia nhập Đảng Đại Việt - Ông Hoàn đã nạp đơn từ chức vào ngày 13 tháng 5, đã được thông qua nhưng giữ bí mật việc từ chức trong ít nhất 48 giờ. ✱ Ông Đỗ Mậu/VNMLQHT: Họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu - họ muốn lợi dụng tên tuổi và uy tín của tôi nhưng vẫn e ngại - Từ đó, tôi ở vào tình trạng "quản thúc vô hạn định" trên thành phố đìu hiu này. ✱ ĐS Lodge: Số tiền 1 triệu đô la “ mệnh giá lớn nhất” trong chiếc cặp da của Tổng Thống Diệm, Đại sứ Lodge yêu cầu giữ kín kẻo làm mất hòa khí.
Đọc lịch sử, ta thấy bất cứ dòng họ vua chúa nước nào cũng thường trải qua một thời hưng thịnh ban đầu rồi dần dần suy tàn, nhường chỗ cho một triều đại mới. Những kẻ cướp ngôi hầu hết đều thuộc hạng bề tôi đã gây được thế lực đủ mạnh để lấn lướt nhà vua...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là trụ trì, trở nên vô cùng ngã mạn có những hành động, cử chỉ, lời nói khinh mạn tín đồ và tự cho mình đã chứng đắc có khi còn hơn cả Phật. Câu hỏi đặt ra là: Là trụ trì, hoặc thuyết pháp có cả triệu tín đồ đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, như thế đã là Phật chưa?
Cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đều xác định rất rõ ràng về các loại “thần thông” hay còn gọi là "các siêu kiến thức" mà một vị thiền sư có thể đạt được...
Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình...
Ngày 3-5-2023. Giáo sư Lê Thành Khôi được một trăm tuổi. Sử gia Phan Huy Lê nhận định Giáo sư Lê Thành Khôi là Nhà bác học, nhà sử học và văn hóa lớn của đất nước. Là một giáo sư đại học, khoa trưởng phân khoa Giáo Dục tại Paris Sorbonne đại học hàng đầu thế giới. Được mời làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế như UNESCO, BIT, ACCT (Tổ chức Hợp tác Văn hoá Kỹ thuật các nước Pháp ngữ), Trường Đại Học Liên Hiệp Quốc Tokyo, Chương Trình UNDP. Được Liên Hiệp Quốc gửi đi làm cố vấn Giáo Dục cho hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trong KINH TIỂU BỘ, Tập 1, Phần PHẬT TỰ THUYẾT, Chương Năm, PHẨM TRƯỞNG LÃO SONA, TIẾT SỐ V (Ud 51), kể lại chuyện Đức Phật Thích Ca ban một thời Pháp thoại với chủ đề so sánh tám điều vi diệu của Biển Lớn với tám điều vi diệu của Phật Pháp...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.