Hôm nay,  

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương & Những hệ lụy cuối đời

16/02/202310:34:00(Xem: 4413)
Văn học

 

vhc 1 

Ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972.

 

Vũ Hoàng Chương (1915-1976), quê quán ở Hưng Yên. Trước 1945, ông có hai thi phẩm nổi tiếng vào thời tiền chiến là Thơ Say (Hà Nội 1940) và Mây (nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội 1943). Kịch Thơ: Trương Chi (1944), Vân Muội (1944), Hồng Diệp (1944)… Tiếp tục sự nghiệp sáng tác, ông có 15 tập thơ, các vở kịch thơ. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, tên tuổi nổi bật trong phong trào Thơ Mới (1932-1945) và được gọi “Thi Bá Vũ Hoàng Chương”. Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam đã nhận xét:

 

“Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp “say” nhưng “say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc”.

 

Năm 1954, ông di cư vào Nam, định cư Sài Gòn, tiếp tục sáng tác. Ông được người đương thời ở miền Nam xưng tụng là thi bá.

 

Vũ Hoàng Chương giữ chức vụ Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (của miền Nam Việt Nam) từ năm 1969-1973.

 

Theo tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, “Thang Lang” là người đã tiến cử Vũ Hoàng Chương. Đây có thể là Linh Mục Thanh Lãng (1924-1978), đỗ tiến sĩ văn chương tại đại học Fribourg, Thụy Sĩ. Giáo sư văn chương giảng dạy đại học Văn Khoa Sài Gòn, đại học văn khoa Huế, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn học.

 

Giải Nobel Văn Chương năm 1972 là nhà văn người Đức Heinrich Böll (1917-1985). Heinrich Böll được đề cử nhận giải Nobel liên tục từ năm 1960 đến lúc đoạt giải. Trong lịch sử giải Nobel Văn Chương, có ít tác giả đoạt giải ngay từ lần đầu được đề cử. Và cũng có nhiều tác giả dù được đề cử nhiều lần nhưng không đoạt giải. Cũng có nhiều nhà văn xuất hiện trong danh sách năm 1972, sau này đoạt giải Nobel Văn Chương như Patrick White (ông đoạt giải năm kế tiếp, 1973), Nadine Gordimer, V.S. Naipaul, Doris Lessing (mãi đến năm 2007 bà mới đoạt giải).

 

Nhà văn Hồ Hữu Tường (1910-1980) có tên trong danh sách đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1969. Người giới thiệu là nhà thơ Đông Hồ (3/1906-3/1969). Việc đề cử theo thư mời của Ủy Ban Nobel gởi đến các nước trên thế giới.

 

(Ban Giám Khảo của Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyển chọn tác phẩm các nước thông dụng nhất được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp… Nhà văn Hồ Hữu Tường tuy học tại Đại học Marseille, Pháp đã ấn hành nhiều tác phẩm nhưng chưa có tác phẩm nào ấn hành với hai ngôn ngữ nầy nên việc đề cử không hợp lý (?) Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã có thi phẩm và các bài thơ được dịch qua hai ngôn ngữ nầy).

 

Nhà thơ, nhà giáo Vũ Hoàng Chương trong hai thập niên ở Sài Gòn chỉ theo đuổi trên lãnh vực văn học và giáo dục nhưng sau năm 1975, Vũ Hoàng Chương bị bắt giam (ngày 13 tháng 5 năm 1976) bốn tháng Chí Hòa, lâm trọng bệnh, thân xác tàn tạ, cho về nhà, 5 ngày sau, mất ngày 17 tháng 9 năm 1976.

 

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, khuôn mặt quen thuộc trên thi đàn Việt Nam và quốc tế:

 

– Năm 1959: Tham dự Hội Nghị Thi Ca Quốc Tế, tại Knokke-Le Zoute, nước Bỉ.

– Năm 1964: Tham dự hội  nghị Văn Bút Á Châu họp tại Bangkok.

– Năm 1965: Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế họp tại Bled, Nam Tư cũ.

– Năm 1967: Tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire (Phi Châu).

– 1969-1973: Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

 

Với các thi phẩm ở miền Nam Việt Nam:


vhc 3

– Rừng Phong, nxb Phạm Văn Tươi, Sài Gòn, 1954

– Hoa Đăng, nxb Văn Hữu Á Châu, Sài Gòn 1959. Tập thơ này được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về thi ca.

– Tự tái bản 2 tập thơ Say và Mây in chung vào 1 tập mang tên Mây, Sài Gòn 1960

– Tái bản Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp, nxb Nguyễn Đình Vượng Sài Gòn 1961

– Kịch thơ Tâm Sự Kẻ Sang Tần, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn 1961 (ấn hành lần đầu năm 1951)

– Tự xuất bản tập Trời Một Phương, Sài Gòn 1962

– Xuất bản Nhị Thập Bát Tú I, nxb Văn Uyển; Tập II, nxb Lửa Thiêng, Cành Mai Trắng – Mộng, nxb Văn Uyển, Sài Gòn 1968.

– Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm, nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1970.

– Ngồi Quán, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn 1971.

– Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn 1971 (Phần I: Tuổi Học Trò, – – 17 bài thơ đầu tay 1936-1939).

– Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, nxb Rừng Trúc, Paris 1974.

– Hồi ký: Ta Đã Làm Chi Đời Ta, gồm 12 bài, nxb Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn 1974

 

Thi phẩm của Vũ Hoàng Chương được dịch sang tiếng Pháp, Anh, Đức:

vhc 2

– Cảm Thông (nhan đề Anh ngữ là Communion); gồm 6 bài thơ mới sáng tác sau cuộc Âu du và 9 bài cũ lựa chọn lấy tính cách tiêu biểu; do Nguyễn Khang, bạn thân với Vũ Hoàng Chương, phiên dịch và xuất bản.

– Tập thơ Tâm Tình Người Đẹp (nhan đề Pháp ngữ là Les 28 Étoiles); gồm 42 bài thơ Nhị Thập Bát Tú, kèm theo bản dịch ba bài thơ của nữ thi sĩ Bỉ Simone Kuhnen de La Coeuillerie (thành viên của nước Bỉ trong Hội Nghị Quốc Tế Về Thơ); nxb Nguyễn Khang.

– Ánh Trăng Đạo, do nha Tuyên Uý Phật Giáo, Sài Gòn ấn hành 1966; Die Achtundzwanzig Sterne, thơ dịch ra tiếng Đức ngữ, do nxb Hoffmann Und Campe, Hamburg, Đức. Dịch giả là thi sĩ Áo Kosmas Ziegler, cùng năm.

 

Năm 1959, khi Vũ Hoàng Chương Tham dự Hội Nghị Thi Ca Quốc Tế, gặp gỡ nhà thơ nữ Ysabel Baes mới 15 tuổi đã có một thi tập được được Maison du Poète tại thủ đô Bruxelles xuất bản năm 1959. Với “duyên tình văn nghệ”, Vũ Hoàng Chương gọi Ysabel là Y Sa). Bài thơ Công Chúa Mười Lăm, dài với 40 phân đoạn, mỗi đoạn 4 câu thơ thất ngôn. Toàn bài có 160 câu thất ngôn. Trong tập Thi Tuyển (Poèmes Choisis), Nguyễn Khanh ấn hành năm 1963 cũng có một số tranh phụ bản của Ysabel.

 

Năm 1944, Vũ Hoàng Chương lập gia đình với bà Đinh Thị Thục Oanh, chị ruột của nhà thơ Đinh Hùng, ông bà không có con, đứa con nuôi là Vũ Hoàng Tuân. Hai nhà thơ cũng thuộc loại “nòi tình” nên dễ cảm thông nhau. Nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) nổi tiếng với hai tập thơ Mê Hồn Ca (1954) và Đường Vào Tình Sử (1961) (tác phẩm này được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về thi ca năm 1962, sau Vũ Hoàng Chương).

Với khuôn mặt lẫy lừng trong thi ca Việt Nam từ thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam Việt Nam nên có nhiều bài viết về nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Nhân bản tin đề cập đến Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972, nên không đề cập đến thơ của ông mà những hệ lụy xảy ra.

 

Trong hồi ký Ta Đã Làm Chi Đời Ta ông đã nhắc lại thời điểm sinh hoạt văn nghệ trước và sau năm 1945 (tác phẩm nầy ấn hành ở trong nước năm 1993). Trong cuốn Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn 1970) của họa sĩ Tạ Tỵ, người bạn văn nghệ chí thân của thi sĩ Vũ Hoàng Chương gọi thơ Vũ Hoàng Chương là “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc”.

 

Trong thời kỳ kháng chiến, năm 1946, ông tản cư khỏi thành phố, không ra bưng. Cuối năm 1949, khi hai gia đình đang ở vùng Đống Năm, Thái Bình. Quân Pháp tràn tới, Việt Minh rút chạy. Dân chúng đành mạnh ai nấy chạy. Hai gia đình Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng cũng chạy theo mọi người từ làng nọ tới làng kia. Sau ba ngày, lương thực mang theo cạn hết. Cuộc chạy loạn của những người gốc thành thị cũng có phần lúng túng, khó khăn, phần vì cụ bà thân mẫu nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã cao tuổi, phần vì vợ nhà thơ Đinh Hùng vừa sinh con được một tháng (Đinh Hoài Ngọc).

 

Sáng ngày thứ năm, khi đang tìm cách chạy sang làng bên cạnh vì chỗ đang ở tạm không thể tìm được gì để ăn thì quân Pháp ập tới. Có lính Lê Dương (légionaires), lính Bắc Phi (da đen rạch mặt). Hai bên bờ ruộng xuất hiện một số binh sĩ Việt Nam (sau mới biết họ thuộc Bảo Chính Đoàn của chính phủ Quốc Gia VN). “Họ bắc loa kêu gọi đồng bào tản cư hãy trở về Hà Nội để tránh bom đạn xảy ra.”

 

Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ Đinh Hùng đành dùng tiếng Pháp đối đáp với toán lính đang tiến gần tới. Họ đưa cả hai gia đình đến gặp một sĩ quan Pháp. Ông này giao cho một binh sĩ Việt Nam thu xếp chỗ ở tạm và ăn uống cho mọi người. Được mấy hôm, một người bạn văn nghệ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương thuở trước từ Hà Nội tới. Ông ta thu xếp xe để hôm sau chở cả hai gia đình về Hà Nội, và đưa thi sĩ Vũ Hoàng Chương mấy trăm tiền Đông Dương để khi về thành có tiền tiêu ngay. Khi về tới Hà Nội, không ngờ vị trưởng ban Hồi Cư tiếp đón và lo liệu cho mọi người lại chính là anh rể của bà Thục Oanh và thi sĩ Đinh Hùng. Không hề dự liệu trước, hành trình bỏ vùng Việt Minh về thành của hai nhà thơ họ Vũ và họ Đinh xảy ra một cách đột ngột.

 

Khi về thành, không thấy Vũ Hoàng Chương đề cập đến chuyện chính trị nữa. Mùa thu năm 1948, qua đầu 1950 lại sống yên ổn ở Hà Nội dưới một thể chế chính trị đối nghịch, ông không thể không cảm thấy có chỗ mâu thuẫn.

 

Cuối tháng 8 năm 1954, gia đình ông và gia đình thi sĩ Đinh Hùng di cư vào miền Nam. Ở Sài Gòn, nhà thơ Vũ Hoàng Chương được đãi ngộ trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, có thể nói ông là nhà thơ may mắn được đề cử xuất ngoại tham gia qua những cuộc Hội Thảo Thi Ca nhưng ông lại có quan điểm khác với những bạn văn cùng thời đã di cư vào Nam. Bài viết của Đặng Tiến, Paris, 2001 cho biết:

 

“Vũ Hoàng Chương là người thiết tha với vận mệnh dân tộc và đất nước, gắn bó với kỷ niệm Hàng Khay, Hàng Trống hoa nào rụng, nhất định phải kỳ vọng vào hiệp định 27.1.1973 sẽ mang lại thanh bình cho đất nước, và ngày thống nhất sẽ không xa. Dù rằng kỳ vọng ấy chỉ rung một dây đàn lẻ loi, và sau này sẽ không đúng với thực tế: đất nước sẽ thanh bình và thống nhất, nhưng trong những điều kiện khác – mà Vũ Hoàng Chương sẽ là nạn nhân”.

 

Nhưng Đặng Tiến không trích dẫn những bài thơ nào của Vũ Hoàng Chương “kỳ vọng vào hiệp định 27.1.1973” “thanh bình cho đất nước, và ngày thống nhất sẽ không xa” vào thời điểm nầy.

 

Vũ Hoàng Chương đã trải qua trong thời kỳ kháng chiến ngoài Bắc, di cư vào Nam lại nhận thức hời hợt về chính trị và “thơ ngây” như vậy sao?

 

Theo Tạ Tỵ thì thơ của Vũ Hoàng Chương là “tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc” có lẽ đúng vì nhiều bài thơ của ông nói lên thân phận của kiếp người trên quê hương, trên đất nước nhược tiểu từ thập niên bốn mươi.

 

Rồi sau ngày 30/4/1975, nhà thơ Vũ Hoàng Chương “chứng nhân thời cuộc” khi miền nam VN bị nhuộm đỏ! (Không thấy tài liệu nào đề cập Vũ Hoàng Chương “niềm nở” tiếp đón những người bạn thơ năm xưa từ Bắc vô Nam).

 

Trong bài viết của ông Hoàng Quốc Hải trên tạp chí Sông Hương năm 2009: Gặp bà Thục Oanh - nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương, ghi: “Trước 1975, Vũ Hoàng Chương sống tàm tạm, là nhờ ở sự tần tảo và cần kiệm của bà Thục Oanh. Nhà nghèo thế mà khi ông Vũ Hoàng Địch (em trai nhà thơ) vào thăm sau 30.4.1975, Vũ Hoàng Chương còn có gom góp đủ tiền mua được mười mét gấm, gởi tặng nữ sĩ Ngân Giang ngoài Hà Nội”. (Nhà thơ Ngân Giang năm 1946 lên chiến khu Việt Bắc, sau năm 1954 làm việc ở Sở Văn Hóa Hà Nội, Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 1961 bà về quê sinh sống trong cuộc sống lầm than, trải hơn ba mươi năm cho đến ngày từ giã cõi đời).

 

Theo nhà văn Hải Bằng HDB trong cuốn sách về nhà thư họa Vũ Hối (Vũ Hối: 60 năm Văn Học Nghệ Thuật, trang 37), thì tác giả cặp câu đối của Vũ Hoàng Chương:

 

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý

Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.

 

Hai câu đối nầy được truyền tụng giữa người dân trong nước.

 

Theo bài viết của Phạm Công Bạch với Giai Thoại Về Vũ Hoàng Chương theo lời kể của Sông Lô trên tạp chí Sông Hương:

 

“Sau tháng 4/1975, phái đoàn từ Bắc vô Nam cùng với Huy Cận như còn có nhiều nhân vật khác như Tố Hữu, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên… Phái đoàn được ký giả nằm vùng Thanh Nghị tiếp đón và tổ chức một đêm “họp mặt văn nghệ” với các nhân vật gạo cội miền Nam để cùng đánh giá văn hoá hai miền ngõ hầu thống nhất tư tưởng về một mối. Buổi họp này Vũ Hoàng Chương đã được mời và có tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố Hữu đã làm để khóc Stalin khi ông trùm đỏ Liên Xô này chết vào năm 1953. Hai câu thơ đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cùng đầy đủ tiếng khen chê đối với tên trùm văn nghệ cộng sản này là câu:

 

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương ông thương mười.

 

Thanh Nghị với tư cách nằm vùng theo cộng sản từ lâu, coi như đại diện miền Nam, dĩ nhiên ca ngợi thơ Tố Hữu hết mình. Rồi lần lượt đến Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên từ ngoài bắc vào lên diễn đàn thì khỏi nói. Cũng cần có một tiếng nói miền Nam cho xôm tụ, cho nên Hoài Thanh khẩn khoản mời Vũ Hoàng Chương lên phát biểu với dụng ý là họ Vũ, một thi bá đương thời, nhưng vốn người trầm mặc hiền hoà chắc cũng chỉ vuốt theo mà không nói điều gì nghịch ý.

 

Sau đây là lời của Vũ Hoàng Chương:

 

“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.

 

Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh Nghị thật xác đáng, tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự.

 

Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ, nói cho đến nơi, là ở đây, có nghĩa là thơ phải thực.

Tố Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việt Nam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việt Nam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việt Nam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

 

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời Đời Nhớ Ông’ của Tố Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:

 

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

 

Chắc chắn là không có một bà mẹ Việt Nam nào, kể cả bà Tố Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ. Một tình tự không chân thực, dù được luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việt Nam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm”.

 

Vẫn theo lời kể của Sông Lô thì lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó. Muốn phản bác luận điệu của Vũ Hoàng Chương, có người đã yêu cầu ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng ông vẫn ôn tồn phát biểu:

 

“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.

 

Tôi xin nhắc: “Sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.”

Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ Hoàng Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba: bắt đầu từ bài thơ thời sự, kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông Lô thì Vũ Hoàng Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà ông chính là người của tự do không phải qụy lụy trước bất cứ một áp lực nào.

 

Như vậy thì từ hai câu đối đến cuộc “họp mặt văn nghệ” thì Vũ Hoàng Chương bị Cộng Sản xếp vào loại phản động nên bị bắt giam!

 

Nhà văn Mai Thảo trong bài viết “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương” trong tập Chân Dung, NXB Văn Khoa 1985, viết như sau:

 

“Vượt qua cây cầu Calmette soi bóng trên một con kinh tù đọng, con kinh chạy dọc theo vùng ngoại vi tràn lan náo nhiệt nhất của Sài Gòn là khu Chương Dương, Ông Lãnh, chiếc xe đạp lọc cọc chở tôi đi trên một mặt nhựa lồi lõm, đụng tới tòa nhà xám bẩn của hãng làm phân bón thì rẽ trái và lăn vào một con đường trải đá xanh.

 

Chiếc xe chở tôi rẽ phải trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, rẽ trái vào một con đường nhỏ yên tĩnh nữa, rồi tới một đầu ngõ khuất khúc. Tôi xuống xe, dắt bộ tới cuối ngõ, tới trước một căn nhà gỗ hai tầng. Đẩy một cánh cổng khép hờ đi vào, tôi đã tới Gác Bút của Vũ Hoàng Chương.

 

Thi sĩ mới dọn về đây ít lâu sau biến cố tháng Tư 1975, cái tiểu gia đình gươm đàn nửa gánh gồm có thi sĩ, người bạn trăm năm của ông là nữ sĩ Đinh Kiều Oanh và đứa con trai nuôi là Vũ Hoàng Tuân, ông đặt tên cho con bằng cách lấy tên Tuân của Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút rất hay và là bạn thân của thời kỳ tiền chiến.

 

Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông ngày trước. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng như thế. Đinh Hùng mất, vợ con vẫn ở, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới. Đó là Gác Bút.

 

Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: “Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa.”

 

Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ đã phải chia lượt tới viếng thăm ông đau yếu nhiều lần. Đem thuốc thang tới nữa.

Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh. Những thiếu thốn vật chất, mặc dầu thi sĩ chẳng còn nhu cầu gì - ông đã bỏ thuốc phiện - càng làm trầm trọng mau chóng sự mong manh ấy. Ở Gác Bút, ông gầy teo, gần như không đi xuống tầng dưới nữa. Nhiều buổi chiều tôi tới, ông đắp một tấm chăn mỏng, nằm mỏi mệt thiêm thiếp trên mặt sàn trống trải, hình ảnh cuối đời hợp nhập với hình ảnh hoàng hôn thẫm mầu đang hắt hiu buông xuống ở chung quanh…

 

Thời gian ấy sống gần ông (mấy tuần chót ở Gác Mây, mười tháng ở Gác Bút trước bắt giữ), cho tới buổi trưa ngày 30 tháng 11 năm 1976, từ chỗ ẩn một vùng ngoại ô Chợ Lớn âm thầm trở lại phường Cây Bàng lần cuối để thắp một nén hương vĩnh biệt trước di ảnh bạn, cho tới những buổi trưa đảo nằm một mình trong một đáy rừng Mã Lai Á khuất tịch, tôi thường suy nghĩ, tìm kiếm lý giải, về một vận động từ bi thảm đưa tới thăng hoa sung sướng phóng thoát của một đời người. Vũ Hoàng Chương đã có được thăng hoa ấy. Qua thái độ ông, buổi sáng bị bắt. Trong bốn tháng nằm trong hầm tối. Trong năm ngày cuối cùng trở về Gác Bút. Bằng vào những chi tiết chị Vũ kể lại, sẽ được nói tới ở phần sau này. Tâm thức tôi, thiếu hụt tầm vóc, không sao đạt tới được thăng hoa như bạn. Bởi vậy mà giải thích hiện tượng, rất buồn thảm. Và cũng rất cực nhọc.

 

Từ cộng sản chiếm được miền Nam, hơn ba triệu người Sài Gòn đều “nói” Vũ Hoàng Chương. Thấy nhau là “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa”. Gặp nhau là “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”. Thật cảm động và cũng thật tức cười. Và đó cũng là một lý do nữa trong những lý do gây tai họa sắp tới cho thi sĩ.

 

Thời gian này, ngày bầu cử Quốc Hội Thống Nhất mà Hà Nội thực hiện trong mục đích xóa bỏ hoàn toàn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, sắp tới. Trong chiều hướng hạ nhục, không cho văn nghệ sĩ miền Nam có tội đi bầu và như vậy mặc nhiên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, một chiến dịch đả kích thô bạo và cực kỳ dữ dội lại bùng nổ trên báo chí, đài phát thanh cộng sản. Lần này là nhất tề khai pháo. Là đồng loạt tấn công. Từ tờ Cộng Sản, tờ Học Tập, tờ Văn Nghệ, tờ Giai Phẩm Mới tới các tờ Giải Phóng hàng tuần và hàng ngày ở Sài Gòn. Kết tội. Lên án. Đòi trừng phạt. Nhằm vào các “nhà văn chống cộng” của miền Nam, nặng nề nhất là nhóm Sáng Tạo. Từ cơ quan được gọi là Bảo Vệ Văn Hóa đặt tại một căn nhà số chẵn đường Hai Bà Trưng, nơi bọn Vũ Hạnh, Sơn Nam hàng ngày thì thọt lui tới, với những bản báo cáo mật (thực ra cơ quan này là một bộ phận của An Ninh Thành Ủy Đảng, đặc trách về văn nghệ “ngụy”), bản danh sách 44 người sẽ bị bắt đã được hoàn tất, mỗi nhà văn miền Nam có tên trong sổ đen đã mỗi người có một hồ sơ tội trạng riêng.

 

Riêng còn Vũ Hoàng Chương. Tôi vẫn còn nuôi ý nghĩ và hy vọng là riêng ông, riêng địa vị văn học đặc biệt của ông, cộng sản sẽ để ông yên. Trên ý nghĩ đó, tôi trở lại phường Cây Bàng buổi tối hôm sau. Có như biết mình lâm nguy rồi, mà không đến từ biệt bạn ở lại, ở tôi có điều gì không phải vậy.

 

Đó là lần gặp mặt cuối cùng với Vũ Hoàng Chương. Không bao giờ tôi còn được gặp ông nữa… Biết mình sắp bị bắt, có thể đã bị theo dõi, tôi nghĩ không nên ngồi lâu nữa. An ninh cộng sản có cái kiểu bắt được một người ở đâu, bắt luôn chủ nhà theo. Tôi lục tìm trong đám sách vở, bản thảo để bừa bãi trên mặt chiếu, lấy ra tập Nhị Thập Bát Tú có câu thơ “Xiết bao ngờ vực kiếp người đó ư?” viết thêm vào đó một câu nữa. Rồi ký tên và đề ngày tháng. Hôm đó là ngày 28 tháng 3 năm 1976.

 

Buổi sáng ngày 13 tháng 4 năm 1976 (phần hồi ký này viết theo lời chị Vũ Hoàng Chương thuật lại) là một buổi sáng ấm áp, nhưng đêm trước lộng gió, lạnh, thi sĩ bị cảm, đã 9 giờ còn đắp chăn nằm trên mặt sàn, không sao ngồi dậy được. Mọi người trên Gác Bút, trừ chị Chương, đã ra khỏi nhà. Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc Jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một hành quân lớn ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và ngừng lại trước con ngõ nhỏ dẫn vào Gác Bút. Bọn an ninh cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín. Chúng chạy rầm rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả phường Cây Bàng buổi sáng hôm đó. Dân chúng xung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: “Phải huy động một lực lượng lớn lao như thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại”.

Sự náo động đột ngột dưới chân tường Gác Bút, tiếng la thất thanh của chị Vũ Hoàng Chương từ trên lầu chạy xuống khi bọn sát nhân xô cửa ập vào đánh thức thi sĩ khỏi giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi dậy, lấy áo gấm mặc vào người, ngồi thật thẳng giữa chiếu, bất động, chờ đợi… Ông không kinh hãi, cũng không phẫn nộ. Ông không bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Chỉ ngồi thẳng, thành tượng, mắt nhắm lại, thu hết tâm thức đã hợp nhật với đời đời vào nội giới đóng kín… Suốt thời gian này, thi sĩ không thèm nói với chúng một lời nào. Chúng hỏi, ông không trả lời. Chúng đọc bản cáo trạng, lệnh bắt giữ, ở ông chỉ một thoáng nhún vai rồi ngồi yên như cũ. Riêng chị Vũ Hoàng Chương không sao thản nhiên được, chị uất ức gào lên: “Chồng tôi làm gì mà bắt chồng tôi?” thì được tên thủ trưởng của bọn quỷ dữ trả lời là sau đại thắng của cách mạng, tên thi sĩ phản động kia vẫn còn làm thơ chống phá cách mạng và cho phổ biến khắp Sài Gòn những bài thơ chống phá chế độ. Rồi là cuộc lục soát và tịch thu tàn nhẫn. Từ những cuốn sách đến từng tờ bản thảo. Lúc mặt trời đứng bóng trên mái lầu Gác Bút, cuộc lục soát xong, hai thằng lực lưỡng nhất bọn quỷ tiến lại, xốc nách thi sĩ đứng lên, kèm ông xuống cầu thang. Dân chúng láng giềng với Gác Bút đứng chật lòng con ngõ khi chúng dẫn thi sĩ đi ra và đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa.

 

Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa. Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: “Tôi còn sống đây”. Rồi nói đùa: “Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ”. Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: “Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?” Ông trả lời: “Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết”. Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 tháng 9, 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm…! – Mai Thảo.

 

Bài thơ Trong Khám Chí Hòa của Vũ Hoàng Chương vào năm 1976:

 

Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn,

Lông hồng gieo xuống nhẹ như non.

Một manh chiếu nát, thân tơi tả,

Nửa bát cơm hôi, xác mỏi mòn.

Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ,

Đêm về giấc ngủ lại thương con.

Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa,

Hồ dễ gì phai được tấc son!

 

Hơn bốn thập niên sau, thi ca Vũ Hoàng Chương không còn đề cập ở trong nước, một đời thơ của ông bị lãng quân, chôn vùi theo thân xác. Trong những tác phẩm đề cập đến những áng thơ hay trong Thi Ca Việt Nam nhưng cũng “quên” dòng thơ thi bá. Sau hơn 50 năm (1972-2023), danh sách được Ủy Ban Nobel Thụy Điển công bố, tên tuổi nhà thơ Vũ Hoàng Chương mới được khơi dậy. Nếu ông được Nobel Văn Chương năm 1972 như nhà văn Alexander Solzhenitsyn năm 1970 – năm 1974, Liên Xô trục xuất văn hào Alexander Solzhenitsyn “lưu đày hải ngoại” vì xem ông thuộc thành phần cầm bút phản động nguy hại cho chế độ – thì biết đâu sau năm 1975, nhà thơ Vũ Hoàng Chương không bị bắt giam vào khám Chí Hòa mà “bị” trục xuất ra khỏi nước, sang Thụy Điển, chẳng hạn, vì Thụy Điển và Hà Nội đã có “quan hệ ngoại giao” từ năm 1969 và Thụy Điển ủng hộ “phong trào kháng chiến chống Mỹ” của Bắc Việt Nam, nơi đó, có bóng dáng nhà thơ năm xưa Ysabel Baes.

 

– Vương Trùng Dương

(Little Saigon, Feb 14, 2023)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Nhà văn Vũ Thất, sinh năm 1940 tại Tân Châu, Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cựu học sinh trung học Võ Tánh, Nha Trang (1957-1959). Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình (1961-1963), TTHL Hải Quân Nha Trang. Xuất thân với 81 Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình...
Đọc tập thơ “Xếp màu cho tuổi”, thơ Đặng Toản, Houston 2022...
Nhân những biến động gần đây trên Tây Nguyên Việt Nam, tác phẩm tiểu thuyết "Vòng đai xanh" của nhà văn Ngô Thế Vinh được nhắc đến như một văn bản trung thực và khả tín để tìm hiểu thêm về nguyên do và tình trạng của cuộc xung đột có tính lịch sử này. Việt Báo xin đăng lại bài Tựa của cuốn sách trong dịp tái bản năm 2018 tại hải ngoại...
Tạp bút của Trịnh Y Thư, ấn bản 2023, định dạng eBook...
Trong hệ thống triết học và lề lối suy nghĩ của Tây Phương thì thế giới này có thật, sơn hà đại địa, con người và cái Tôi hay cái Ngã đều có thật. Descartes nói rằng “Tôi biết suy nghĩ nên cái tôi có thật” (Je pense, donc je suis). Còn Pascal nói rằng cái Tôi có thật nhưng nó chỉ đáng ghét thôi (Le moi est haïssable). Thậm chí Thượng Đế, một vị thần tối cao ở đâu đó cũng có thật.
Thân thể đau nhức mỏi nhừ, từng đốt xương rã rời như rụng rơi, những sợi cơ dường đã xơ cứng vô dụng, không còn co thắt được nữa, vô số những mạch máu ở những chỗ xa tim tắt lịm rồi, duy những mạch quan trọng ở gần thì còn thoi thóp tí ti, nhịp tim gần như không còn đập, nó nhẹ còn hơi gió...
Truyện dài “Đời Thủy Thủ” của nhà văn Vũ Thất xuất bản lần thứ nhất năm 1969 tại Sài Gòn, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ với nhân vật chính Võ Bằng, một sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp...
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ...
Chúng tôi thật vinh hạnh và danh dự khi được Giáo sư Nguyễn Bá Chung yêu cầu điểm sách đặc biệt này của một trong những bậc Thầy được tôn kính và ngưỡng mộ nhất ở Việt Nam. Cuốn sách có tên DREAMING THE MOUNTAIN – GIẤC MƠ TRƯỜNG SƠN của Tuệ Sỹ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.