Hôm nay,  

Phạm Duy, Người Đi Cùng Mệnh Nước Ngược Xuôi -- Ra Đi Từ Lúc Trăng Tơ

03/02/202300:00:00(Xem: 2712)

 

Cung Tich Bien
Phạm Duy & Cung Tích Biền.

 

(Tiếp theo kỳ trước – phần II, chương II, trong loạt bài tưởng nhớ Phạm Duy.)

  

Chúng tôi chào đời vào buổi không mấy vui. Cái vui chưa đúng là vui, không đáng nhớ. Cái buồn đi lố cái gọi là buồn, phải kèm thêm từ “thảm”. Trốn đi đâu cũng chẳng thể ra ngoái nỗi nhớ.

Cuộc đời thì dài dặc, niềm vui biến đâu mất tiêu. Cứ nghe cha đêm khuya thở dài. Mẹ ru con toàn nỗi nhớ // Chiều chiều ra đứng  ngõ sau / nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều // Nhớ ai không nhớ, nhớ người thất thế sa cơ // Chiều chiều én liệng truông mây / cảm thương chú Lía bị vây trong thành //
 
Nhớ, là một cõi từ trường của nam châm. Chúng tôi, một thế hệ người mang bệnh “giàu cái nhớ”. Một thứ cố tật hiện nay chưa có thuốc chữa.
 
Ngồi chốn Sàigòn, nhớ những ngày bề thế mộng mơ trước 1975. Bên cốc cà phê trên đất Mỹ, nhớ đêm vượt biên hụt chết.
 
Chừng như nói tới cái vui là chuyện bình thường.
 
Thì thầm nỗi nhớ, những kỷ niệm, lòng ta mới bùi ngùi sâu thẳm. Mới man mác nổi trôi.
 
Đến như Phạm Duy, trong tình yêu quê huơng, yêu người, vui gì thì cũng đầy nỗi nhớ. Nhớ người ra đi, nhớ anh thương binh, nhớ Hoàng Thị, nhớ mẹ cha bên chiếc đèn dầu hao, nhớ anh nông phu áo chàm quảy lúa trong nương chiều. 
 
Cùng Thế Lữ, Phạm Duy nhớ:
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu ánh trăng vàng
Ϲòn đâu ánh trăng vàng, mơ trên làn tóc rối?
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu bước chân người
Ϲòn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?

Ϲòn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng!
Ϲòn đâu sương tan trăng nội mơ màng?
Ϲòn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang
Tuổi em đôi mươi, xuân mới vừa sang...
 
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu giờ nhung lụa?
Mộng trùm trên bông, tình nồng trong gối...
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu mùi cỏ dại?
Ϲhút tình thơ ngâу, Không còn trên đôi má.
 
Là nhà văn, khi cầm bút, quá khứ luôn đứng đầu chỗ ngọn bút. Mỗi giọt mực là một giọt/dòng dĩ vãng. Tất cả cái “bản đồ số phận” trong Cõi nhớ ấy, trong một thời/không gian có hạn định, đã từ lâu trôi qua. Có khi trôi tút mù trong bộ nhớ của nhơn loại. Nó như xác một con dán chết khô trong kẹt tủ, dưới gầm bàn bỏ quên. Mà chúng tôi vẫn nhớ. Nhớ tận mạng, li ti, day dứt. Không có thước tấc nào đo đạc đủ bề sâu chiều rộng cái Nhớ ấy.
 
Nhìn chung, chúng tôi, chừng là một tộc người đang đánh mất hiện tại, mù đôi mắt nhìn ra tương lai. Chỉ dặm dài, hun hút một đôi-mắt-luôn-sau-ót, phản chiếu những phó bản của Ngày qua.
 
*
 
Nói/ Viết về Phạm Duy, cũng là cách mò mẫm quá khứ, kể lể về mình. Tôi đã lỡ biết đánh đàn, đi theo tiếng đàn từ thưở bé, lớn lên đi theo các ban nhạc hát hò. Vào cõi âm nhạc Việt Nam là không thể không biết đến Phạm Duy.
 
Các đấng tài hoa trong âm nhạc như Văn Cao, Lê Thương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước… đến với tôi như các ga tàu. Lên ga một đoạn đường, rồi xuống ga, giã từ.
Phạm Duy, là con đường tàu dài, xa/ suốt. Lên tàu, xuống tàu, từ Ải Nam Quan, tận Miền Nam trả ơn cái cối cái chày, vẫn một con đường, vẫn những “ga Phạm Duy”. Ở đó luôn là những âm vang dội lại từ nụ cười tiếng khóc, nhịp điệu nhân gian qua tháng ngày.
Phạm Duy, ông đến từ Hôm ấy, vắng mặt Hôm nay. Ông cỡi-Hạc-ra-đi đã nhiều năm, nhưng ông vẫn còn lơ lửng trong mắt người. Như một con diều giấy rực rỡ bay trong một chiều vàng no gió, khi diều đã đứt dây, rơi rụng, bọn trẻ nhắm mắt, con diều thân yêu vẫn còn bay trong bóng tối mắt mình.
 
Có thực mỗi ngày một sự Mới? Ngôi sao đã lặn đêm qua, đêm nay đã trở lại trên bầu trời. Giọt sương đã tan sớm qua, hôm nay mặt trời lên, giọt sương vẫn long lanh trên lá. Cuộc biến đổi, lắm khi, chỉ là những hóa thân. Phạm Duy luôn, và thường trực hóa thân, ít ra trong ngôn ngữ riêng ông. Vẫn những dòng ngôn ngữ cũ ấy, những hình thái đã ẩm mốc tháng ngày, qua Phạm Duy, bỗng mới ra, bỗng dìu dặt tang bồng, tách lìa cái vừa qua, trong tiến trình sáng tạo nơi ông. Phạm Duy, người sáng tạo ngôn ngữ.
 
Phạm Duy, là Có, cũng là Ảo. Như có thực, như ta đặt điều mà nói. Ta khó diễn tả tận lòng một thế giới bao trùm.
 
Nói chuyện này chưa xong là kỷ niệm kia hiện về. Sao là thế? Vì, chính Phạm Duy, luôn dẫn dắt người đi với Tiếng Lòng của ông. Sông rộng đường dài, từ ngõ ngách tâm tình mở khép, khi trực ngộ, khi lung lạc huyền áo. Phạm Duy rất thực, nhưng thoát ngoài những sự thế bình thường.
 
Phải chăng, Phạm Duy rất tục lại rất thanh. Phạm Duy tinh khiết mà lầy lội những tình nhân thế. Nghịch dị, luôn ở trong môt con người, Phạm Duy.
 
*
 
Tôi có cái duyên may, từ sáu tuổi đã học đàn. Lên tám, đã thành thạo đàn mandolin. Lúc này tôi theo học tại trường tiểu học Kế Xuyên – École de Primaire de Kế Xuyên. Thời thanh bình. Cành tre bụi trúc vườn cỏ dại, nơi nào cũng một vẻ đẹp, an nhiên. Chừng trong gió mùa có bước chân một ai về. Gần với tiếng đàn, chừng là gần gũi với điều thanh cao, những thanh tẩy tâm hồn.
 
Thuở tôi học trò, thuở Phạm Duy đã có bài Cô Hái mơ 1944, nước ta là thuộc địa của người Pháp. Lấy nước Pháp làm nước Mẹ, Mẫu quốc. Lúc chào cờ hát quốc ca Pháp là bài Marseillaise. Chào quốc kỳ Pháp ba màu xanh trắng đỏ, gọi là cờ tam tài. Con trai Việt, ngay lúc bé nhỏ, đã phải biết mình có tổ tiên Gaulois. Nos ancêtres sont des Gaulois // Tổ tiên chúng ta là người Gaulois.
 
Phạm Duy thời buổi này đã ngoài hai mươi tuổi. Ảnh hưởng được một nền văn hóa Pháp, đã giỏi tiếng Pháp. Tầm ảnh hưởng của một nền văn hóa Hán Nôm hãy còn sâu rộng, hẳn ông đã đọc được nhiều kinh điển, văn hóa của Đông Phương.
 
Tiếng đàn của tôi bấy giờ đã thành thạo, tròn vang, nhưng trí não non tơ, tâm hồn cỏ dại, chưa hiểu gì nhiều lời thơ, ý nhạc. Nhưng buổi đầu đời trong sáng ấy, lấp lánh hoang mơ, như là Lời mở đầu Con Đường Cái Quan của ông, “Ra đi từ lúc trăng tơ…”
 
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Đã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng

Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi Ơi người ơi
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi Ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn...
[Con Đường Cái Quan – lời Lữ khách]
 
*
 
Từ “buổi trăng tơ” ấy, bầu trời âm nhạc Việt có một vì sao sáng tỏa. Một Phạm Duy man mác trữ tình, nồng nhiệt. Một tổng hợp tình tiết nhân gian, hoạt cảnh xã hội, mảnh tâm tình buồn vui nơi mỗi lòng người. Hô hào kháng chiến, hăng hái lên đường, nhưng lời ca tiếng hát ấy không hề là khẩu hiệu, kích động sự chém giết. Hùng tráng mà không thô cứng. Sức mạnh ấy từ một tâm hồn đa cảm, tấm lòng rộng mở, cưu mang.
 
Do vậy bao nhiêu bản hùng ca thịnh hành một thời, rất hữu dụng cho công cuộc cách mạng, chống ngoại xâm, chỉ một thời gian ngắn sau, người đời quên bẵng. Tiêu biểu, Lưu Hữu Phước chẳng hạn.
 
Phạm Duy ca ngợi anh chiến binh, bà mẹ chiến sĩ, chiến thắng sông Lô, đánh được đồn Tây, nhưng là những bản “tình ca”, thời nào cũng hát được.
 
Nhạc người họ Phạm buồn, đầy nỗi nhớ, niềm yêu đánh mất, nhưng không bi lụy, cải lương dài dòng, khóc lóc kiểu ngôn tình. Vậy đấy. Kháng chiến có Phạm Duy. Thanh bình đôi chút có Phạm Duy đôi nơi.
 
*
 
Người ấy đi từ Hôm ấy tới Hôm qua. Cùng nhịp bước của vô thường, Người đã bỏ đi. 
 
 
Một đêm của năm 2016, trên đất Mỹ, tôi được Nhà báo Hòa Bình Lê, mời dự đêm tưởng niệm Phạm Duy tại hội trường Việt Báo, Westminster, Nam California. Tưởng niệm là đương nhiên, ông đã về với thần tiên từ ba năm qua, từ 2013, nhưng tôi vẫn tìm ông quanh quất, trong cái vô thức chợt hiện.
 
Không thấy Phạm Duy đâu. Ông, chỉ là tấm chân dung to lớn, vẫn mái tóc bạc, nụ cười ngạo nghễ. Gặp lại hình ảnh ông trong một Hội trường lớn của Việt Báo, đầm tiếng ca, nỗi nhớ, qua Tình Hoài Hương, Tình Ca, Ngày Trở Về, Giọt Mưa trên Lá… Phạm Duy, ông là chiếc Bóng phủ dụ trên nhiều phận người.
 
*
 
Cõi đời, có phận rủi may mang người trôi những dặm trường run rủi. Thời tuổi thơ, đến lúc tôi là một “văn công nhí” ca hát chín năm Vùng Kháng chiến Việt Minh Liên khu Năm. Ca hát nhạc Phạm Duy chỉ được ba bốn năm đầu khởi chiến, [1946-1949] tôi gọi đó là “Thời lãng mạn kháng chiến”, rồi Phạm Duy vắng bóng.
1975, ông ra đi.
 
Tưởng ông là một kẻ biệt cố hương. Nhưng. Cái “nhưng” không mong đợi, tôi lại gặp ông từ đất Mỹ trở lại, năm 2000.
 
Buổi gặp đầu tiên tại khách sạn Continental, Sàigòn. Lần lượt, khá đông người đến thăm ông. Bạn bè, người quen cũ, những người trẻ yêu mến ông, và… rất đông những người là làm văn nghệ thuộc chính quyền đương thời.
 
Phạm Duy về nước đôi lần, dò xem cái quê hương cũ có là Đất Mẹ, như ông từng thương nhớ, hay nay đã là vùng Đất hiểm, khó dung tha người quay lại. Thật kinh ngạc. Sau vài lần dò dẫm, ông ở luôn quê nhà.
 
Dù sao, thế nào, vậy chăng! Người đời gởi tới ông làn trầm thơm, nụ hoa hồng, lẫn những trách hờn cay đắng.
 
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương. Những hương tơ trúc nồng nàn. Những hương của Âm, Lời rộng tỏa. Ấm, lạnh, nó vẫn đi suốt những linh hồn. Tôi đến với ông từ tuổi còn bé thơ, tới hôm nay, khi viết những dòng này, tuổi đời đã vào thềm 90, đời đã riêng bề, một góc nhỏ.
 
Đến với Phạm Duy là đến với, là trở về, là tìm lại, những mảnh hồn quê, những tình nhân gian, những tiếng khóc cười dâu bể, những kể lể êm đềm câu chuyện tưởng là nhỏ/vặt/đáng quên. Đi với ông là đi với những phận đời theo cùng nước non, sử lịch. Mỗi con người, chiếc thuyền đơn trắc ẩn trong biến động dập vùi.
Cảm ơn núi non đã cho những tầm cao. Cảm ơn những cổ thụ đã cho bóng mát, đã gieo trong tôi cái ý niệm trường tồn.
 
(Còn tiếp)
 
– Cung Tích Biền
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
✱ CIA: Đỗ Mậu sẽ trở thành thủ tướng trong vài ngày tới - Khiêm tuyên bố mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát - sẽ thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn không cho sự việc diễn ra. ✱ BNG: Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn thì quả quyết kêu gọi các nhân viên chính phủ gia nhập Đảng Đại Việt - Ông Hoàn đã nạp đơn từ chức vào ngày 13 tháng 5, đã được thông qua nhưng giữ bí mật việc từ chức trong ít nhất 48 giờ. ✱ Ông Đỗ Mậu/VNMLQHT: Họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu - họ muốn lợi dụng tên tuổi và uy tín của tôi nhưng vẫn e ngại - Từ đó, tôi ở vào tình trạng "quản thúc vô hạn định" trên thành phố đìu hiu này. ✱ ĐS Lodge: Số tiền 1 triệu đô la “ mệnh giá lớn nhất” trong chiếc cặp da của Tổng Thống Diệm, Đại sứ Lodge yêu cầu giữ kín kẻo làm mất hòa khí.
Đọc lịch sử, ta thấy bất cứ dòng họ vua chúa nước nào cũng thường trải qua một thời hưng thịnh ban đầu rồi dần dần suy tàn, nhường chỗ cho một triều đại mới. Những kẻ cướp ngôi hầu hết đều thuộc hạng bề tôi đã gây được thế lực đủ mạnh để lấn lướt nhà vua...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là trụ trì, trở nên vô cùng ngã mạn có những hành động, cử chỉ, lời nói khinh mạn tín đồ và tự cho mình đã chứng đắc có khi còn hơn cả Phật. Câu hỏi đặt ra là: Là trụ trì, hoặc thuyết pháp có cả triệu tín đồ đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, như thế đã là Phật chưa?
Cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đều xác định rất rõ ràng về các loại “thần thông” hay còn gọi là "các siêu kiến thức" mà một vị thiền sư có thể đạt được...
Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình...
Ngày 3-5-2023. Giáo sư Lê Thành Khôi được một trăm tuổi. Sử gia Phan Huy Lê nhận định Giáo sư Lê Thành Khôi là Nhà bác học, nhà sử học và văn hóa lớn của đất nước. Là một giáo sư đại học, khoa trưởng phân khoa Giáo Dục tại Paris Sorbonne đại học hàng đầu thế giới. Được mời làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế như UNESCO, BIT, ACCT (Tổ chức Hợp tác Văn hoá Kỹ thuật các nước Pháp ngữ), Trường Đại Học Liên Hiệp Quốc Tokyo, Chương Trình UNDP. Được Liên Hiệp Quốc gửi đi làm cố vấn Giáo Dục cho hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trong KINH TIỂU BỘ, Tập 1, Phần PHẬT TỰ THUYẾT, Chương Năm, PHẨM TRƯỞNG LÃO SONA, TIẾT SỐ V (Ud 51), kể lại chuyện Đức Phật Thích Ca ban một thời Pháp thoại với chủ đề so sánh tám điều vi diệu của Biển Lớn với tám điều vi diệu của Phật Pháp...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.