Hôm nay,  

Nhân dịp Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ ra nhận Phật sự, nhớ về Hòa thượng Thích Quảng Độ như một gạch nối chân truyền

21/09/202208:11:00(Xem: 3005)
ThichQuangDo
Hòa thượng Thích Quảng Độ [1928-2020]

 


Một chiều đông, sang sông,

Thuyền lênh đênh cập bến!

 

Tôi mang máng nhớ đó là một câu trong bài hát nào đó của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Trí nhớ tôi kém rồi, xin lỗi tác giả, tôi chỉ muốn vay mượn một câu đó thôi. Đúng ra là tôi chỉ muốn dùng hai cụm từ “một chiều đông” và “thuyền lênh đênh cập bến” là đủ, là vang dội trong lòng, trong tâm thức, là thuyền không đi nữa và đáo bỉ ngạn. Người đã sang bờ bên kia rồi, Người đã lên thuyền bát nhã và cập bến Như Lai.

 

Chúng con, từ bờ bên này, muôn vàn nhớ thương, vọng tưởng ngài, Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

 

Chúng con vẫn nhớ như in, hình bóng ngài còn đâu đây, một vóc dáng đầy đặn, phong độ và đẹp vẻ tiên phong đạo cốt, nét mặt từ bi an nhiên. Ngài cũng sống rất tự nhiên như lòng:

 

Không bám víu vào xu hướng chính trị nào.

Không mưu mô, không tham vọng, không phe phái.

 

Ngài như thế đó, ngài hoàn toàn dấn thân vào con đường đạo pháp của Phật Tổ và Lý Tưởng Tự Do của dân tộc, một mình, một bóng. Cho nên ngài là một bậc thầy cô đơn. Vâng, ngài là thế đó, ngài rất cô đơn và chân thật trong tiến trình sống với tình tự dân tộc và tình tự đạo pháp, từ bắt đầu tới cuộc đời.

 

Chúng ta đã không ngạc nhiên gì khi vị đại sứ Mỹ Kritenbrink phát biểu trong đám tang của ngài vào ngày 24/02/2020 tại chùa Từ Hiếu: “Tôi rất ấn tượng trước lòng trắc ẩn và sự quan tâm tận tụy của Hòa Thượng với vấn đề nhân quyền và vấn đề đa nguyên tôn giáo Việt Nam.”

 

Thời gian đã hơn nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng nếu có dịp mở lại đặc san Đuốc Tuệ những năm 1963-1965, bạn sẽ thấy rõ rất nhiều hoạt động và tư tưởng của ngài, như một con thuyền độc lập mạnh mẽ rẽ sóng ra khơi. Chúng tôi, kẻ hậu bối, nói về ngài, có cái nhớ cái quên, sao khỏi điều khiếm khuyết.

 

Ngài sinh ngày 27/11/1928 tại Vũ Thư, Vũ Đoài, Thái Bình, Bắc Bộ. Năm 12 tuổi ngài lên tu học tại Chùa Thanh Sam và theo học văn hóa ở ngoại thành Hà Nội. Nghe thân nhân kể lại, năm 1945 ngài đã xuất gia được trên 3 năm. Khi nạn đói kinh hồn năm Ất Dậu làm thất điên bát đảo vùng châu thổ Bắc Bộ và cả nước Việt Nam, ngài đã lội bộ từ chùa về Vũ Thư, ra sức cõng anh trai bị bệnh từ làng quê, vượt cánh đồng lên chùa, nhờ Sư ông chữa bệnh và ngài đổ nước cháo loãng cứu được mạng anh ngài. Sau đó ngài cũng theo các đoàn cứu hộ đi cứu đói vài nơi.

 

Năm 1954 di cư vào Nam, xa gia đình, ngài vẫn nương nhờ cửa Phật, học đạo và hoằng dương chánh pháp. Khi có hoàn cảnh thuận lợi, ngài tận dụng sức trẻ khỏe mạnh lao mình làm công tác xã hội và giáo dục. Khoảng các năm 1957-1958, ngài và 2 người bạn thân xin phép Bộ Giáo Dục VNCH mở một trung tâm giáo dục Trung Học Đệ I Cấp, là trung tâm Vạn Hạnh, tọa lạc ở ngã tư Yên Đổ và Hai Bà Trưng. Ban ngày các lớp học chương trình giáo dục phổ thông như mọi trường công tư khác, nhưng buổi tối ngài mở các lớp Anh văn, thầy và các giáo sư ban ngày có khả năng và thiện chí thay nhau dạy tiếng Anh ở thời điểm giao thời mà học sinh, sinh viên và các bạn trẻ ở Sài Gòn rủ nhau đi học đông đảo. Trung tâm của ngài dạy các lớp anh văn của GS Lê Bá Kông và GS Lê Bá Khanh không lâu. Ngài không lấy học phí chỉ lấy 1/2 học phí đối với những học sinh nghèo ham học hỏi.

 

Ngài khuyến khích các Tăng, Ni trẻ đi học thêm văn hóa. Ngài chủ trương một tu viện gồm nhiều thanh viên trẻ năng nổ trau dồi trí dục căn bản để cập nhật với xã hội hơn nữa. Ngài chủ trương người tu hành ở chùa đọc câu kinh, bài kệ, phải hiểu thấu đáo ý nghĩa để áp dụng cho chính xác. Ngoài thì giờ tu học, ngài chủ trương tăng ni trẻ phải tới trường phổ thông trau dồi văn hóa, để mang tài lực ra phụng sự xã hội.

 

Ngài luôn giáo dục giới trẻ bằng tư tưởng duy tuệ thị nghiệp và phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.

 

Có người cho rằng thầy có nhiều mộng tưởng xa vời, nhưng không, ngài luôn lý luận là trong khi chờ có tài lực và những điều kiện xã hội thích hợp, đủ duyên thành tựu, thầy trò luôn phải sẵn sàng gầy dựng nhân lực. Nhân lực phải có ngay khi cần tới. Tiếc rằng những năm sau đó, hoàn cảnh xã hội, chính trị mâu thuẫn và chiến tranh mở rộng, mộng lớn mộng nhỏ đều không thành tựu như ý nguyện.

 

Ngày nay, ngài viện chủ chùa Viên Giác cũng rất thành công trong mô hình đào tạo và giáo dục nhân tài của chùa Việt Nam tại Đức Quốc. Không biết có bao giờ và đến bao giờ khung cảnh ở quê nhà Việt Nam được thăng hoa như vậy?

 

Đó là mộng ước và lý tưởng thầy Quảng Độ theo đuổi song song với tình dân tộc, lý tưởng tự do nhân quyền, dân chủ cho quê hương trong suốt cả một cuộc đời không ngừng nghỉ.

 

Ngày xa xưa đó, cũng có nhiều bạn trẻ đã theo học các trường lớp của thầy, lớn lên, họ quá giang học thêm ở hội Việt Mỹ, có người học thêm với GS Đỗ Khánh Hoan và ở các đại học, có nhiều bạn vì lòng yêu quý, mến trọng thầy, họ quay trở lại phụ trung tâm giúp thầy trong việc giảng dạy, đứng lớp ngày và tối.

 

Chúng tôi theo thầy làm việc vui vẻ và hăng say, không vụ lợi. Tôi nhớ không lầm có các bạn Trúc, Quý, Mai, Trâm, Minh Châu, Tuệ Minh và Thành là những phụ tá giảng dạy khá đắc lực bên cạnh thầy. Tiền thù lao thầy cho bao nhiêu, nhiều ít cũng rất trân quý, không đòi hỏi, không giống như điều kiện với thầy Thích Quảng Liên sau này ở các trường Bồ Đề.

 

Có nhiều bạn quý mến thầy một cách đặc biệt, đặc biệt đến nỗi thầy phải nhắc nhở thầy là người của Tam Bảo, nếu xem thầy là thần tượng thì phải giữ nhiều khoảng cách: “Thần tượng thì ta nên đứng xa thật xa mà chiêm ngưỡng, không nên tới gần, vì đến gần thì thần tượng sẽ sụp đổ… phí đi… còn đâu?” Thầy khá vui, thầy có đấy mà tưởng như không có đấy, cái gì thầy cũng biết. Thầy là Chân Như mà.

 

Năm 1964-1965, trường Bồ Đề khai giảng ở nhiều nơi, thầy cũng là một cánh tay phải trong việc gầy dựng, mặc dù mục đích và lý tưởng của hai thầy không giống nhau lắm. Thầy Quảng Liên lo về hành chánh, tài chánh, thầy Quảng Độ lo về chuyên môn và giáo dục. Ngài nhắm tới một nền giáo dục khai phóng, mở rộng cho tất cả các học sinh nghèo đều được đi học. Thầy có thể cho đi tất cả những gì đang có, không so đo, rồi ngày mai còn hết tính sau.

 

Có nhiều ngày làm việc nhiều, ăn uống đạm bạc, ngài mất sức, bệnh, hai tới ba lần ngài bị viêm phổi, đệ tử thân cận vội đưa ngài vào bệnh viện Grall chu đáo chữa chạy miễn phí. Có lần thuyết phục thầy ngưng trường chay ít ngày không xong, họ đã ép nước thịt bò lấy hồng huyết cầu bồi bổ lại sức khỏe đi đứng được vài ngày, ngài lại đi ngay vào công việc giáo dục, giảng pháp và dịch kinh sách. Ngoài việc dịch những bộ kinh điển, ngài còn viết và dịch tiểu thuyết, tụi tôi truyền tay nhau đọc tiểu thuyết và cười rù rì. Có một bạn trẻ đã nói đùa: “Sức người trẻ và khỏe, thầy làm việc nhiều không biết mệt… phụng sự chúng sanh cũng như cúng dường chư Phật, yêu người như yêu mình… tốt lắm… nhưng nếu thầy cởi cái áo nâu sòng ra thì chắc còn làm hay hơn nhiều!”

 

Không, đệ tử nói đùa giỡn sau lưng, nhưng thầy không cười, thầy gõ bàn nhiều lần, gõ mạnh là khác. Vào những năm 1963, 1964 và 1965, khi họp mặt nơi chùa Từ Quang (đường Phan Thanh Giản) thầy rất nghiêm trang và ân cần trao đổi những nhận định về: Những dao động thời thế. Những nhận xét về biến cố xã hội từ xa đến gần, về giới quân đội, về chùa chiền. Những cuộc biểu tình bạo động và bất bạo động. Những hoạt động trong phạm vi SVHS Sài Gòn. Cũng đặc biệt là có lần tìm hiểu về thầy Trí Quang.

 

Nói đúng ra thầy chỉ có một đám đệ tử nhỏ nhoi cùng làm việc giáo dục và tìm học đạo pháp. Thầy không có hậu thuẫn ở chùa, không có hậu thuẫn nơi các tướng lãnh cũng như phe phái nội các. Tại vì thầy không thích đến gần họ, thầy thích một mình, hình như họ cũng muốn đẩy thầy lui ra xa, sợ nếu thầy tới gần, thầy có chức tước và có ảnh hưởng lớn hơn, cao hơn họ?

 

Cuộc đời hay cuộc cờ? Cả hai. Theo thiển ý chúng tôi ngầm hiểu thì thầy Quảng Độ chúng tôi không tính toán, tính cũng không ra! Thầy không cần ghế ngồi và không cần luôn địa vị! Nên thầy cứ đi, tìm cách thực hiện hoài bão khó khăn mà thầy bảo là cứ hội đủ nhân duyên, sẽ thành tựu.

 

Viết tới đây, tôi lại nhớ về dịch giả Nguyên Phong, ông kể về bức tượng gỗ ông đã mua được ở Tích Lan với một niềm hoan hỉ đặc biệt, ông rất trân quý và tả bức tượng đó như sau: “Đó là tượng Phật Thích Ca đứng và đi với các thủ ấn bàn tay trái để ngửa, tượng trưng cho sự bố thí, bàn tay phải đưa ra phía trước biểu tượng cho sự che chở, ngón cái và ngón trỏ chạm vào nhau biểu trưng cho sự thuyết giảng, chân trái hơi co lại biểu trưng cho sự đi tới, có nghĩa là pho tượng không đứng yên một chỗ”.

 

Tôi đã chiêm ngưỡng tượng phật Thích Ca của ngài Nguyên Phong nhiều lần và xin cảm ơn vạn bội! Thầy Quảng Độ cũng cứ đi và đi mãi, có lẽ thầy muốn đi tới cùng? Thầy đi đâu?

 

Thầy có một con đường riêng mà thầy dặn chúng tôi đừng có đứa nào lẽo đẽo đi theo thầy lâu. Thầy còn nói rõ, đi theo thầy chỉ có cái không. Thầy nói đúng thiệt, thầy cũng không có nhiều đệ tử “làm lớn”, làm lớn bận rộn quên hết công việc phải làm. Thầy còn nói đi theo thầy may ra được cái “mỏi chân”! Nói xong, thầy cười xòa. Thầy cười rất tươi, cười bằng miệng, cười bằng đôi mắt sáng và hàm râu bạc rung rinh, một vài sợi phất phơ nghiêng ngả như cuộc đời vất vả của một vị chân tu.

 

Tính thầy vui, không ngồi, luôn đi, nhưng thầy không ba phải mà luôn giữ vững lập trường. Khi thầy Thanh Kiểm và thầy Tâm Giác với thầy về nghỉ một thời gian ở chùa Vĩnh Nghiêm, thầy cũng chỉ ở ít tuần rồi lại xách y áo ra đi. Thầy không thích ở  một nơi nào cố định.

 

Như nói trên, thầy dịch nhiều kinh sách và trước tác. Gia tài viết lách của thầy còn đó, đa dạng và phong phú, nhưng không sánh bằng tinh thần đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền và đạo pháp của thầy.

 

Khi được giải Thorlf Raflo năm 2006, ngài ủy quền cho ông Võ Văn Ái tới Na Uy lãnh. Ngài muốn ở lại Việt Nam để hoạt động nhiều việc cần và hữu ích hơn.

 

Ngài bị cộng sản bỏ tù tám năm và nhiều năm quản chế. Ngày 2-9-1998 ngài ra tù và bị quản chế ở Thanh Minh Thiền Viện. Từ đó ngài bị cấm giảng pháp. Năm 2018 ngài bị trục xuất về Vũ Đoài (Thái Bình), Bắc Việt, là nơi quê quán ngài sinh ra và đã ra đi hơn nửa thế kỷ.

 

Ngài về đó sống với mẹ già và ngài phải trồng tỉa ruộng vườn, tự mưu sinh. Hình ảnh ngài mang cái rá ra bờ ao vo gạo, rửa rau là những hình ảnh thân thương khó quên được. Sống ở quê, cũng có người mang đậu phụ, tương chao đến biếu, nhưng ngài chỉ nhận một lần và ngài cám ơn, nói là quen ăn uống kiểu Nam từ lâu rồi. Ý ngài không muốn công an cộng sản làm phiền hà bà con lối xóm xưa. Con nít tới gần hỏi tại sao thầy gọi mẹ thầy là “bà cụ”, thầy vui vẻ giải thích là bà cụ già rồi, nên gọi là “bà cụ” như tất cả các bà cụ ở mọi nhà, mọi nơi vậy. Ngài luôn luôn tỏ ra vui vẻ và bằng lòng lúc cao tuổi mà còn được săn sóc “bà cụ”.

 

Rồi khi bà cụ trăm tuổi, bỏ ngài bơ vơ. Ngài tìm đường trở vào Nam với khung cảnh cũ, với chùa chiền, với thầy tổ và các đệ tử thân tín của thầy ở chùa Từ Hiếu, Sài Gòn.

 

Thầy tôi rất can đảm, tâm tốt. Tâm sanh tướng, tướng thầy phúc hậu và dẻo dai, kể cả lúc lẻ loi ngồi đối diện với mùa đông ngoài Bắc lạnh lẽo. Thử tưởng tượng một ông cụ già 90 tuổi mà quyết định đi cái vèo 1700km từ Hà Nội vào Sài Gòn! Dĩ nhiên là có Thiên Long Bát Bộ hỗ trợ Bồ Tát! Cháu ngài cũng là các đê tử cật ruột! Đội ơn chùa Từ Hiếu, đội ơn các thầy tổ và thầy trụ trì, các ngài đã cưu mang thầy những năm tháng cuối đời, những năm tháng mà thầy thấy nhẹ lòng và thanh thản, cây ngả về phía gió đã thổi nghiêng!

 

Thầy đã đi rồi!

 

Thầy đúng là một con chim trời lẻ loi cô đơn, luôn luôn bay một mình và bay ngược gió! Nhớ ngày nào, ngày cuối, thầy rời Thanh Minh Thiền Viện. Tuệ Minh còn kịp đến gặp thầy trong giây lát. Tuệ Minh cười buồn thưa với thầy:

 

– Con đến chào thầy, thầy ơi, thầy lại bơi ngược dòng nữa!

 

Thầy thản nhiên ung dung đáp:

 

– Ừ, đã đi… thì phải đi đến cùng!

 

Nhưng rồi phút cuối khi tiễn chân người Phật tử đến muộn ra về, thầy nhẹ tay khép lại cánh cổng Thanh Minh Thiền Viện mà nói rằng:

 

– Thầy cũng muốn đi, đi đến cùng… mà nói vậy, chứ chưa biết đâu là cùng!

 

Cho hay thầy đang linh cảm một sự việc gì.

 

Cây đại tùng già cỗi

Nghiêng bóng mình bên song

Chiếc lá nào rơi rụng

Đáp nhẹ nhàng thong dong…

 

Chúc Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Gọi là gì, đối với nó không quan trọng, mà hạnh phúc lớn nhất của nó là được vua Tịnh Phạn chọn làm quà sinh nhật thứ mười lăm cho Thái-tử
Thế là các ông tổng thống Mỹ, từ Dân Chủ đến Cộng Hòa đều đã đi sang Tàu, sang Việt Nam để chính thức tham quan. Đi tới đâu thì mức sống vùng đó tự nhiên đổi thay trông thấy đuợc
Mùng Một, người bạn tôi ghé chúc Tết rồi rủ đi Chùa. Tôi ngần ngừ, nhưng vì cái tính ba phải và sợ làm buồn lòng người khác nên tôi cũng gật đầu
Tôi chắc rằng trong cuộc đời của mỗi con người kỷ niệm về tuổi học trò bao giờ cũng ngọt ngào, trong trẻo
Sau hơn ba mươi năm xa cách, khi gặp lại, câu đầu tiên cậu em trai hỏi tôi là: “Chị có hạnh phúc không"”
Đêm Hy Mã Lạp Sơn vang lên tiếng chó sủa. Ánh sáng lập lòe bên kia sườn đồi. Dưới vòm trời sao, trên lối mòn tăm tối giữa những hàng thông
Tuần báo Newsweek đã cho in bìa hình bác sĩ Dean Ornish, một người đang làm đảo ngược lối sống người Mỹ
Nướng trui là cách nướng rất phổ biến ở miệt quê Lục Tỉnh ngày xưa mà tới nay vẫn còn được đông đảo "người thích ăn ngon" áp dụng
Nửa đêm hôm đó, cổng thành Ca Tỳ La Vệ nhẹ nhàng hé mở. Nhịp vó khẽ khàng của hai con ngựa thong thả lách ra. Hình như chúng cũng biết ý chủ
Cách đây ít lâu, một buổi chiều mưa rào rạt, tầm tã hàng thông trước ngõ, tôi đã bất ngờ nghe thấy trong tiếng mưa rơi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.