Hôm nay,  

Tuồng Kiều ở Nam bộ: Kiều khóc mộ Đạm Tiên

19/01/202008:14:00(Xem: 3082)
blank
Chị em Kiều (ảnh: tinmoi.vn)

   

Tuồng Kiều ở Nam bộ:

Kiều khóc mộ Đạm Tiên

 

Nguyễn Văn Sâm giới thiệu.

 

Tuồng Kiều Nôm chúng ta có đây cũng gồm 3 hồi. Mỗi hồi trên dưới  sáu mươi trang viết tay, khổ lớn, như A4, đủ để diễn trong một buổi hát độ 2 giờ. Nhìn chung văn chương lưu loát, đi theo đúng diễn biến sự kiện trong tác phẩm của Nguyễn Du. Đọc thầm cũng rất thích thú, hiểu điển tích, trong khi đọc chúng ta hồi ức về những câu thơ tương đồng trong truyện Kiều thì sự thưởng thức tăng thêm bội phần thú vị.

Để dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi tạm chia ra nhiều lớp theo người xưa, dầu trong tuồng nầy không có sự chia lớp như vậy, bắt đầu là tâm trạng của Chàng Kim về tin gần miền có nhà họ Vương, kế đó là kiều du Thanh minh… cho đến hết hồi.
 

Cũng nên nói thêm là nhân đây tôi xin gởi lời cám ơn tới người đã trao đổi với tôi bản tuồng nầy mà tôi sẽ nói tên khi được chấp thuận. Những sự trao đổi tư liệu văn học nào cũng có mặt tích cực của nó. Ở xa đất nước, nếu không nhờ sự trao đổi tôi sẽ khó lòng có bản tuồng nầy, và hôm nay quí vị không có quyển sách lạ đang cầm trên tay: Quyển Tuồng Kiều Nam Bộ hay tuồng Kim Vân Kiều ở Đồng Bằng Cửu Long, hay tuồng Kiều ở Miền Nam. Tôi muốn gọi nhiều cách để nhấn mạnh trên tính cách Miền Nam của bản tuồng.
 

Nhìn chung có thể nói đây là biến thể của truyện Kiều, biến thể để phù hợp với cách thưởng thức của người dân Nam Bộ vào thời tác phẩm nầy xuất hiện.  Nhìn riêng, đây là kho tàng về lời nói, về từ ngữ Miền Nam vô cùng quý báu khó lòng tìm thấy ở các tác phẩm thuộc thể loại khác.

  

Lại nói:

Thưa chị!

Tảo mộ rồi xin trở vó cu[1],

Kẻo mà:

Xa đường lại hầu tà bóng ác nào!
 

Thúy Kiều:

Đoái (8) thấy tiểu khê[2] trước mặt,

Sực nhìn thổ mộ[3] bên đường.

Nghĩ coi cũng kỳ!

Cớ sao vắng[4] vẻ lửa hương.

lại rậm rầu hoa cỏ[5] đi các em!
 

Vương Quan:

Dạ thưa!

Em xin thổ lộ,

Chị ngõ tường tri.

Mộ ấy thiệt ca nhi,

Đạm Tiên là tên đặt.

Như nàng ấy là:

Một thuở nổi danh quốc sắc.

Ai ngờ:

Nửa chừng gảy nhánh thiên hương.

Lữ khách xui thấy vậy lòng thương.

Chung tình động tạm dùng lễ táng.

Trải bấy thỏ tà ác lặn.

Xiết bao bụi đỏ rêu xanh[6].

Hoa thơm xưa đấng hữu danh.

Cỏ rậm nay mồ vô chủ đó mà[7]!
 

Thúy Kiều:

Nghe qua lời đó,

Xảy chạnh lòng[8] đây,

Như vậy thời:

Hồng nhan từ thuở xưa nay,

Bạc mệnh chẳng chừa ai nấy a!

Tạo hóa phụ phàng[9] chi bấy,

Thiền quyên cay đắng nhiều bề.

Ai đi!

Khi sống thì tay ấp má kề,

Giờ thác lại hương tàn khói lạnh.

Thương cho kẻ mồ (9) hoang cỏ rậm.

Chớ nào người phượng chạ loan chung,

Không ai còn chén rượu tạ lòng[10],

Chi nữa:

Sẵn đây tạm nén hương lấy thảo chớ!
 

Thúy Kiều, chúc:

Vái cùng đó suối vàng xin thấu,

Chứng cho đây lễ bạc[11] gọi là,

Thiệt thòi tủi phận đàn bà[12],

Áo não ngụ ngâm thi vận a!
 

Thúy Kiều, ngâm:

Khuất bóng lầu xanh ngọn cỏ xanh,

Một mồ vô chủ biết bao tình,

Phấn son nghĩ lại đà nên giá,

Hương lửa trông ra rất hổ mình.

Lại nói:

Ngâm thôi tình rất não tình,

Tưởng tới lệ khôn ngăn lệ.
 

Thúy Vân:

Ô hay!

Hơi đâu mà nghĩ,

Những chuyện khi không[13]!

Ai đi:

Thương người dưng[14] cho mệt tấm lòng,

Khóc ma mướn khéo dư nước mắt!
 

Thúy Kiều:

Lời em phân chưa xác[15],

Ý chị nghĩ còn xa,

Chẳng qua là:

Thân người khác thể thân ta,

Xưa vậy há nay không vậy (10) hay mần răng?
 

Vương Quan:

Chị phân dường ấy,

Em thiệt khó nghe[16].

Thôi!

Ở đây e âm khí nặng nề.

Xin về kẻo tà dương hầu tối nào!
 

Thúy Kiều:

Ta đi đâu mà vội,

Đường về cũng chẳng xa.

Vả xưa nay những đứng tài hoa.

Dẫu có thác cũng là linh hiển mà!

(Một trận gió thổi, Đạm Tiên hiện hồn.)

Lại nói:

Hốt nhiên nhãn kiến,

Bất giác tâm kinh.

Trận gió đâu thổi tới tan tành,

Hơi hương bỗng bay qua chất ngất.

Dấy giày in từ bước,

Ngọn cỏ xếp đòi hàng[17].

Thiệt là tinh sảng[18] hiện hồn nàng,

Mới biết anh linh soi dạ tớ đó mà!

Thời!

U hiển[19] tuy phân hai ngả,

Nhưng mà,

Chị em song cũng một thuyền.

Tạn mặt đà cho thấy dấu thiêng,

Chi nữa!

Tạ lòng phải nối thêm y vận a!
 

Thúy Kiều, ngâm:

Nội cỏ đã phai màu phấn đại,

Sân rêu (11) còn để dấu tinh anh[20].

Mùi hương ngui ngút hồn như tại[21].

Chín suối xin soi thấu tấc thành.
 

Vương Quan:

         Vầng ô nay đã xiên hình[22],

         Thưa chị!

         Dặm thỏ khá mau bắc mặt[23] hè!

 

 



[1] Vó cu 𨀒 駒: Vó câu, Chân con ngựa quí. Trở vó cu là đi trở về.  Miền Bắc phiên âm chữ 駒 thành câu: Vó in sắc ngựa câu dòn.

[2] Tiểu khê 小溪: Dòng suối nhỏ.

[3] Thổ mộ 土墓: Mả đất.

[4] Vắng 咏, Bàn Nôm (BN) viết vắn 問, giọng Nam. Cách viết không chuẩn nhưng cũng không sai của người Nam

[5] Rậm rầu hoa cỏ 葚油花𦹵: Nhiều hoa cỏ tàn úa.

[6] Bụi đỏ rêu xanh: 𣼯𧺃𧄈撑: Trải qua thời gian mồ xiêu mả lạn cỏ tràn rêu đóng.

[7] Hai câu: Lời than rằng xưa nàng đẹp đẽ thì danh tiếng, nay chết rồi mồ mả chẳng ai coi,

[8] Chạnh lòng 𢤜𢚸: Xót xa trong dạ. Cảm thương.

[9] Tạo hóa phụ phàng 造化負傍: Con Tạo ruồng rẫy, làm tội làm tình, bỏ rơi… Lời than nhưng ngụ ý trách trời đất không công bình vi phụ nữ. Chữ phàng BN viết phàn 樊, cách viết Nam Bộ.

[10] Tạ lòng 謝𢚸, chỗ nầy người trước bôi sửa thành chạnh lòng. Tôi nghĩ tạ lòng hay hơn.

[11] Lễ bạc 礼萡: Lễ cúng đơn sơ.

[12] Kiều xúc tình Đạm Tiên nhưng là thảm thương cho thân phận nữ nhi nói chung.

[13] Chuyện khi không 𡀯欺空: Chữ NamKỳ ít thấy trong văn chương.

[14] Thương người dưng 伤𠊚𤼸: Chuyện không hữu lý. Chẳng dính dáng đến mình sao lại khóc than ra chiều thương mến.

[15] Chưa xác 𣜾売: Chẳng xác đáng, không trúng. BN nguyên là chưa chắc, người trước sửa lại chưa xác hay hơn thập bội.

[16] Em thiệt khó nghe 俺寔苦𦖑: Em nghe trái tai quá. Lời trách nhẹ nhàng nói chị mình không hữu lý. Lý của Thúy Kiều là tương lân và nghĩ đến thân phận phụ nữ mà mình là một thành phần. Lý của Vương Quan là lý của người thường, sống vô tư, chẳng nghĩ gì xa xôi.

[17] Cả đoạn: Bỗng nhiên một cơn gió thổi qua, cỏ rẽ ra thành hàng, và vài chỗ như có dấu giày người đi. Kiều cho là hồn Đạm Tiên theo gió bay về. Đòi hàng 隊行: Mấy hàng, tiếng xưa.

[18] Tinh sảng 精 爽: Anh linh, hách hiển.

[19] U hiển 幽 顯: Cõi âm và cõi dương.

[20] Hai câu: Mồ hoang cỏ mọc làm tiêu tan vẽ đẹp người xưa nhưng vẫn còn lưu lại cái tinh anh. Phấn đại 粉黛: Phấn son, nói chung là người phụ nữ.

[21] Mùi hương ngui ngút hồn như tại 味香𢢯𩂁魂如在: Thấy khói hương bay lên như thấy hồn ĐạmTiện hiển hiện. Ngui ngút 𢢯𩂁: Nghi ngút. Khói hương lãng đãng bay lên. Mùi hương ở đâu nên hiểu là dáng khói.

[22] Xiên hình 羶形 (vầng ô): Mặt trời đã xế bóng.

[23] Dặm thỏ khá mau bắt mặt 𨤵𤟛奇𣭻北𩈘: Xin mau đi về. Dặm thỏ 𨤵𤟛: Đường đi tắt, đi mau tới. Bắc mặt 𩈘: Trở lui. Lên đường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Uyên Hà (Lê Đình Ba) làm thơ từ ngày đi học Trường Trung Học Trần Quý Cáp nơi phố cổ Hội An vào những năm đầu của thập niên 1960s và đợi… cho đến Hè năm 2023, ở tuổi tám mươi mới ấn hành “đứa con đầu lòng” thi phẩm Người Đứng Khóc Tay Không...
Bài phỏng vấn dưới đây do Christian Salmon thực hiện, đăng trên quý san văn học The Paris Review năm 1983 và sau đó xuất hiện trong tập văn luận “Milan Kundera Nghệ thuật tiểu thuyết” xuất bản năm 1986...
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Tản mạn nhân đọc tập Tạp bút “Chỉ là đồ chơi” của Trịnh Y Thư, sách do Văn Học Press tái bản dưới dạng eBook, năm 2023...
Nhạc sĩ Trần Lê Việt, tác giả của bản nhạc tù quen thuộc, được mọi người nhắc đến, nghe lại vào các dịp kỷ niệm 30 tháng 4 hằng năm: Tháng Tư Đen (hay còn được nhớ nhất với cái tên Tháng Tư 29 ngày 31 đêm) trong dịp sinh nhật thứ 72 đã “được” ngồi xe lăn đi chầm chậm về phía cuối đường (đời). Chàng lãng tử với cây đàn nay không còn có thể “lãng tử” được nữa, dù cây đàn vẫn còn đó, vẫn còn là niềm vui của mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây chàng không phải đánh vật với bệnh tật...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.