Hôm nay,  

Một Vòng Maroc Với Ngàn Lẻ Một Câu Chuyện

09/01/202010:03:00(Xem: 2901)
Mot vong Maroc_Den tho Hassan II
Đền thờ Hassan II

 

Sau gần 4 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, chúng tôi đáp xuống phi trường Casablanca ở Maroc vào buổi chiều thứ sáu của một tháng tư buồn bã. Anh Taj, người Maroc, đón chúng tôi tại phi trường và cũng sẽ là người hướng dẫn viên trong chuyến du lịch ở Maroc kỳ này.

Sau khi tập họp đông đủ, chúng tôi được chở vào thành phố Casablanca để nhận phòng ở Hotel, sửa soạn cho một chuyến đi dài. Theo chương trình một vòng Maroc 10 ngày, chúng tôi sẽ được chở đi bằng xe bus và gần như mỗi ngày chúng tôi sẽ được ở một thành phố khác nhau.

 

Casablanca thành phố màu trắng 

 

Địa điểm đầu tiên của chuyến đi là Casablanca, thành phố lớn nhất nước này. Casablanca nằm trên bờ Đại Tây Dương ở miền tây Maroc và có một hải cảng sầm uất nhất châu Phi. Casablanca tiếng Ả Rập đọc là ad-Dār al-Bayḍāʼ có nghĩa là một căn nhà trắng, do người Bồ Đào Nha xây dựng từ năm 1575 và tên gọi ban đầu là Casa Branca. Casablanca với những công trình kiến trúc cổ xưa hòa hợp với những nhà cao tầng mà phần đông được sơn màu trắng tạo nên cho thành phố có một vẻ đẹp của một cô gái vừa kín cổng cao tường vừa tân thời. Vẻ đẹp đó dễ làm say đắm lòng du khách.

Casabanca đã đi vào huyền thoại qua cuốn phim „Casablanca“  lãng mạn do Humphrey Bogart và Ingrid Bergman đóng vào năm 1942. Dựa vào bối cảnh thời kỳ đầu Đệ nhị thế chiến, phim „Casablanca“ đã đề cập đến những con người bị kẹt ở lại thành phố này với những giằng co tình cảm xen kẽ vào nỗi khắc khoải lo âu cho tương lai khi tình hình chính trị ở châu  u đang có những biến động lớn. Bài ca „As Time Goes By“ trong phim, đã làm nhiều các thanh niên, thiếu nữ của thập niên 40, 50 phải nhỏ lệ:

 

Anh hãy nhớ lấy điều đó

Nụ hôn vẫn là nụ hôn

You must remember this

A kiss is still a kiss

(As Time Goes By)

 

Tôi đi vào thành phố Casablanca với tâm trạng chờ đợi „nụ hôn“ đó. Sau một đêm ngủ, chúng tôi được chở đến thăm đền thờ Hassan II, đã được hoàn tất năm 1993 do kiến trúc sư người Pháp tên Michel Pinseau. Ngôi đền Hồi giáo lộng lẫy nhìn ra bờ Đại Tây Dương, có một tầm vóc vĩ đại, lớn thứ nhì thế giới chỉ sau ngôi đền ở Mekka (Saudi Arabia) và với ngọn tháp (Minaret) 210 m, cao nhất so với tất cả các ngôi tháp Hồi giáo khác. Trong đền có thể chứa đến 25.000 người và ở quảng trường trước mặt có đến 80.000 người.

 Tới thăm đền, mà không ghé qua khu phố cổ, người Maroc gọi là Medina, là sự thiếu sót, một là vì nó không xa đền bao nhiêu và hai là nó rất đặc biệt. Medina nằm ở trung tâm của

Casablanca, có những con đường hẹp, những căn nhà đá rêu phong và những bức tường cũ kỹ

 màu đỏ chạy bao chung quanh. Sau đó chúng tôi được tới thăm quảng trường Mohamed V

đẹp nhất của thành phố với bầy chim bồ câu bay lượn ở trước sân đang chờ khách xin ăn. Rất tiếc là không có nhiều thì giờ để đi thăm nhà thờ Sacré-Coeur của Thiên chúa giáo cũng là một kiệt tác nghệ thuật hay là uống cà phê ở quán Rick´s café. Trong phim „Casablanca“,

quán này là nơi hẹn hò gặp gỡ của hai nhân vật chính Rick Blaine và Ilsa Lund. Năm 2001,

quán Rick´s café ra đời do một người phụ nữ Mỹ, một nhân viên ngoại giao, nhưng vì quá yêu Casablanca nên đã bỏ nghề để làm chủ quán. Quán được thiết kế như trong phim, nên khi khách tới đây không phải chỉ để thưởng thức mùi vị thơm ngon của ly cà phê mà còn được

sống trong cái không khí lãng mạn của Casablanca vào thời tiền chiến, những thập niên 40.

 

Mot vong Maroc_Cho Souk o Marrakech
Chợ Souk ở Marrakech



Essaouira thành phố xanh như màu nước biển

 

Sau Casablanca là Essaouira, cách nhau khoảng 350 km. Thành phố này đã từng là thương cảng cửa ngõ vùng cận sa mạc Sahara đến châu  u. Bồ Đào Nha đã xây ở đây một pháo đài kiên cố mang tên Scala de la Kasbah vào thế kỷ 16. Trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh tương tàn, người Bồ Đào Nha ra đi, người Ả Rập trở lại, người Hòa Lan ghé qua, pháo đài vẫn tồn tại, nhưng mang nhiều nét kiến trúc đặc thù của những quốc gia xâm chiếm để lại. Đây cũng là một lý do tại sao Essaouira được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2001.

Essaouira còn có một kiểu kiến trúc khá đặc biệt là các ô cửa của tất cả các ngôi nhà đều sơn màu xanh biển trên nền tường trắng và ngay cả các tàu đánh cá cũng đều sơn màu như vậy. Vì mê vẻ đẹp của bến cảng cũ ven biển, nhiều nhạc sĩ nổi danh như Jimi Hendrix, Cat Stevens,.. đã tới đây ở một thời gian để tìm nguồn cảm hứng, càng tạo thêm nhiều huyền thoại cho Essaouira.

 

Marrakech thành phố sao quá sống động

 

Ngày thứ ba, chúng tôi đi xe bus 180 km để tới Marrakech và dự định sẽ ngủ lại đây 2 đêm. Marrakech, kinh đô thủa xưa của dân du mục Berber xây dựng từ thế kỷ 11, được ca tụng như là Hòn ngọc của vương quốc Maroc. Marrakech được mệnh danh là thành phố đỏ vì tất cả các ngôi nhà ở đây từ nhỏ đến lớn, từ căn nhà bình dân cho đến cung điện nguy nga đồ sộ đều sơn màu đỏ nâu kể cả bức tường bao bọc chung quanh thành phố, dài 20 km với 9 cổng và 202 tháp canh.

Một địa điểm mà tất cả du khách khi đến đây đều phải tới, đó là quảng trường Djemaa El Fna và khu chợ Souk nổi tiếng ở kề bên. Djemaa El Fna xưa kia là pháp trường để hành quyết tử tội, nay đã trở thành một địa điểm du lịch rất nhộn nhịp nhưng lại mang tính chất truyền thống

độc đáo. Nơi đây đủ các hàng quán thức ăn với mọi màu sắc, mọi mùi vị kèm thêm tiếng rao hàng, tiếng chào mời, đủ thứ tiếng động rộn ràng không bao giờ dứt. Bên cạnh những quán ăn

khói bốc lên nghi ngút với mùi đồ ăn tỏa ra ngào ngạt, du khách còn được thưởng thức những màn biểu diễn lạ mắt từ kịch nói, kể chuyện cổ tích, múa bụng,… cho đến các fakir thổi kèn gọi rắn đã tạo nên một bản sắc văn hóa rất đặc thù có trên 1.000 năm. Càng về đêm càng náo nhiệt vui nhộn, Djemaa El Fna thật sự sống khi nắng bắt đầu tắt. Buổi tối, người đi tới đây hàng hàng lớp lớp để thưởng thức những món ăn lạ, nghe những âm thanh vui nhộn và sau đó rảo gót vào chợ Souk để mua sắm. Ở Souk bán từ quần áo cho đến nồi niêu xoong chảo, giầy dép, mền mùng thứ  gì cũng có, tha hồ chọn, tha hồ mua và tha hồ mặc cả không ai làm phiền khách hàng. Nhưng có một điều, du khách không

được quên lối ra. Bởi vì Souk vào dễ khó ra, lối đi trong chợ đã chật hẹp mà lại chằng chịt, ngoằn ngoèo và không theo một quy luật nào. Nên vào đây có cảm tưởng như đi trong mê cung (labyrinth), đã thế bản đồ lại không chính xác vì lối đi quá ngoằn nghoèo khó vẽ và các tên đường đều bằng tiếng Ả Rập. Anh Taj có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện vui về chợ Souk, có một cô du khách đi lạc trong chợ Souk, mọi người đổ xô đi tìm mấy ngày liền nhưng không thấy. Ít lâu sau, người ta gặp lại cô, nhưng không phải ở Souk mà ở Harem, một thứ tam cung lục viện các vua chúa Maroc. Bây giờ Harem không còn nữa, muốn ra khỏi nơi đây, chỉ còn có cách là đợi một tour du khách ngoại quốc có người hướng dẫn đi qua, rồi mình theo họ ra khỏi chợ.

Gần chợ có một ngôi đền nổi tiếng tên là Koutoubiya với ngọn tháp cao 77 m, đây là một công trình tuyệt tác điển hình cho lối kiến trúc pha trộn giữa Tây Ban Nha và Hồi Giáo (hispano-mauresque). Ngoài khu phố cổ, Marrakech còn có khu phố mới được xây dựng bởi người Pháp mang kiến trúc hiện đại nơi tập trung các ngân hàng, các hãng du lịch và thương mại. Chúng tôi còn được đi thăm lâu đài Bahia được xây năm 1900, là một lâu đài đẹp nhất nơi đây và thăm khu lăng mộ Saadier với lối kiến trúc trung cổ được xây dựng khoảng thế kỷ 16.

Nhìn từ xa, cả thành phố Marrakech như được phủ nên một màu nâu đỏ pha trộn những kiến trúc vừa Tây Ban Nha vừa Pháp mà vẫn giữ được sự hải hòa với truyền thống đặc biệt của châu Phi. Nhưng cái tuyệt vời của Marrakech chính là sự sống động của nó như một dòng sinh mệnh đã được gìn giữ hơn ngàn năm. Nếu cho rằng Casablanca như là một cô gái trắng trẻo thùy mị nết na thì Marrakech phải là một cô gái da đậm màu với đôi mắt đen lay láy sâu thẳm nhìn lâu người ta cảm thấy rùng mình vì sợ đắm sâu vào đó.

Marrakech xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1985. Hai ngày ở đây thật sự đối với tôi quá ít để khám phá hết một thành phố quá sống động như Marrakech.

 

 Tizi n’ Tichka ngọn đèo quá cao

 

Ngày thứ năm, chúng tôi lên đường đi tới Ouarzazate để nghỉ một đêm trước khi bước chân vào sa mạc Sahara. Ouarzazate là một thành phố nhỏ khoảng 45.000 dân, cách Marrakech khoảng 240 km và nằm phía nam  Maroc và bên kia dẫy núi Atlas. Atlas dài khoảng 2.500 km chia cách bờ biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương với sa mạc Sahara, có ngọn núi Toubkal phủ tuyết cao 4.167 m. Từ Marrakech muốn đến sa mạc Sahara phải theo đường quốc lộ N9,

 vượt đèo Tizi n’ Tichka vừa dài vừa cao (2.260 m). Xe bus dừng ở đỉnh đèo để cho chúng tôi nghỉ ngơi và có thì giờ ngắm cảnh. Đứng trên cao nhìn dưới chân núi những con đường đèo tựa như rắn uốn, vừa ngoằn ngoèo vừa khúc khuỷu. Cảnh trí quá đẹp và tuyệt vời. Tức cảnh

 sinh tình, tôi chợt nhớ đến câu thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan:

 

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

(Qua Đèo Ngang, Bà huyện Thanh Quan)

 

 Ở đây xa xăm nơi đất khách quê người, có cỏ chen đá, lá chen hoa nhưng thiếu bóng dáng của người tiều phu đốn củi và mấy mái nhà tranh ven sông của một buổi chiều thanh tịnh. Thay vào đó ở dưới thung lũng một vài chú lạc đà đang thơ thẩn và trên đồi cao là một Kasbah

đứng sừng sững thách đố với thời gian. Kasbah là những thành lũy kiên cố được xây bằng đất, chung quang là những bức tường cao bao bọc và ở giữa là nhà ở, nhà kho. Kasbah đã được các lãnh chúa của dân Berber dựng lên từ ngàn năm, vừa là nơi để ở và vừa là pháo đài phòng thủ kiên cố. Ngày nay một số Kasbah được sửa sang  lại thành khách sạn cho du khách ở. Trên đường, chúng tôi được ghé qua Kasbah Ait Benhaddou  (thế kỷ 11) và Kasbah Taourirt (thế kỷ 19). 

 Tới đây mà không ghé qua để chiêm ngưỡng hẻm núi Todra (Todra Gorge) là một điểm thiếu sót. Đây là một hẻm núi đẹp nhất Maroc, cao 300 m rộng 10 m, nằm ở phía đông của dẫy núi Atlas. Tại Todra có vách đá trơn phẳng dốc cao 160 m nằm ở 2 bên và ở giữa có một dòng sông nhỏ tạo nên một quang cảnh thật thơ mộng mà hùng vỹ.

 

 Merzouga đêm quá dài ở sa mạc

 

Ngủ một đêm tại Ouarzazate, sáng hôm sau chúng tôi được xe bus chở tới thành phố Erfoud cách Ouarzazate khoảng 340 km. Erfoud nằm phía đông của Maroc và là cửa ngõ đi vào Sahara. Từ đó chúng tôi được chở bằng xe Jeep tới Merzouga, cách khoảng 50 km. Giờ đây thật sự tôi đã đặt chân lên Sahara và đây cũng là lần đầu tiên tôi được thấy những đồi cát chập chùng như sóng lượn, những ốc đảo xanh rì cỏ mạ và những đoàn du mục đang di chuyển trên cát nóng. Dân du mục ở đây thuộc giống Nomaden nay đây mai đó, không một nơi nào nhất định, gia tài của họ chỉ là mấy con lạc đà, vài con dê và một chiếc lều để ở. Sahara tiếng Ả Rập nghĩa là sa mạc và có một diện tích rộng bằng châu  u. Sau gần một giờ chạy xe, chúng tôi tới Hotel, nằm trong sa mạc vùng Merzouga. Nói là Hotel thì hơi quá, nhưng thật ra đó là những căn lều xây theo kiểu dân du mục Bedouin, được lợp bằng những tấm thảm len dầy.

Tôi đã chọn cách ngủ lều này thay vì ngủ trong phòng Hotel tiện nghi với máy lạnh chỉ vì muốn hưởng cái thiên nhiên ban đêm ở sa mạc.

Trời đang vào tháng tư nên ở Sahara không nóng lắm, khoảng hơn 30 độ C một chút. Buổi

 chiều, mọi người cùng rủ nhau cưỡi Dromedar, loại lạc đà một bướu, lên cồn cát cao nhất để xem mặt trời lặn. Đứng trên cao nhìn sa mạc trải

dài vô tận và tự nhiên tôi cảm nhận trong tôi một sự bình yên to lớn đang từ từ dâng lên. Khi mặt trời chiếu những tia nắng cuối cùng trên đụn cát, màu sắc ở đây trở lên rực rỡ lạ thường, màu vàng chói chan của cát trắng được tô thêm màu đỏ hồng của những đám mây phản chiếu từ ánh mặt trời đã tạo nên một không gian màu sắc tuyệt vời. Tôi bàng hoàng trước cái đẹp của thiên nhiên, của nắng chiều trên sa mạc.

Trở lại Hotel, chúng tôi được mời uống trà bạc hà hay còn gọi là trà Maroc. Người Maroc uống trà rất nghệ thuật, cách pha trà cũng đã cầu kỳ mà cách rót trà vào cốc cũng lắm công phu. Khi rót trà vào cốc, bao giờ cũng phải giơ tay lên cao để tạo lớp bọt cho hương vị bạc hà tỏa ra xa hơn. Người Maroc rất chuộng uống trà bạc hà, nhất là trong những dịp nghi lễ hay đón khách quý. Bởi vậy khi được mời uống trà, khách không nên từ chối vì đây là sự thể hiện lòng quý mến của họ đối với khách. Buổi tối chúng tôi được ăn món cơm Couscous với món thịt cừu Tajine (thịt cừu hầm trong nồi đất) đặc sản của dân Maroc. Theo lời dặn của anh hướng dẫn viên Taj, tối trước khi đi ngủ tôi đã cẩn thận mặc thêm mấy cái áo để phòng cái lạnh ban đêm ở sa mạc. Nhưng tôi cũng không ngờ, nhiệt độ ở đây thay đổi quá nhanh, từ 30 độ C xuống duới 0 độ C trong vòng có mấy tiếng đồng hồ. Cái lạnh cộng thêm từng cơn gió thổi luồn qua những tấm thảm, làm tôi rùng mình thức giấc giữa đêm khuya. Chùm chăn cách nào cũng không ngủ tiếp được, đành phải nằm co ro chịu trận cho đến sáng. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, cũng nhờ không ngủ được, nên tôi có dịp dậy sớm để ngắm mặt trời mọc.

Có một điều mà tôi cảm thấy còn thiếu thiếu khi rời khỏi nơi đây, là chưa được nghe âm thanh của cát. Một người bạn của tôi đã từng đến Sahara nhiều lần, kể cho tôi là buổi tối ở sa mạc thường lạnh dưới không độ, nên hạt cát bị co lại và ban ngày nóng trên 40 độ C, nên hạt cát bị nở ra. Sự cọ sát giữa những hạt cát với nhau trong quá trình từ co cụm đến dãn nở tạo ra một âm điệu tuyệt vời. Sáng sớm dậy, tôi cũng cố gắng thử lắng nghe, nhưng có lẽ vì lòng trần còn chưa lắng đọng nên chỉ nghe được tiếng gió thổi vi vu qua những tấm thảm mà không được nghe tiếng cọ sát của hột cát.

Mot vong Maroc_Thanh pho La Ma do nat
Thành phố La Mã đổ nát ở Volubilus

Fès thành phố quá xưa

 

Ngày thứ bảy của chuyến đi, chúng tôi lên đường đi tới thành phố Fès cách Merzouga khoảng 530 km. Rời sa mạc mà lòng đầy luyến tiếc. Kỳ này xe bus chở đi xa hơn kỳ qua đèo Tizi n’ Tichka, nhưng tôi cảm thấy đỡ mệt hơn nhiều vì đường xá tương đối rộng rãi và không quanh co. Fès cố đô của Maroc, là thành phố lớn thứ hai sau Casablanca,  một trong 4 thành phố cổ nhất Maroc (Fès, Rabat, Marrakech, Meknes) và cũng là một di sản thế giới UNESCO. Fès, có từ thế kỷ thứ 8, nhờ nằm ở một vị trí quan trọng là cửa ngõ nối Bắc Phi và Nam  u, nên đã có một thời Fès trở thành một trung tâm kinh tế, tôn giáo và nghệ thuật của Maroc cũng như

Fès có 2 khu phố Fès el Bali và Fès el Jadid. Fès el Badi là khu phố cổ xưa, đông dân cư và có tường cao bao bọc chung quanh với những cổng thành kiến trúc rất mỹ thuật. Cổng Bab Boujeloud là một trong những cổng đẹp nhất Maroc được người Pháp xây dựng năm 1913. Điều đặc biệt của cánh cổng là nếu nhìn từ phía ngoài thấy màu xanh nước biển và nếu nhìn từ phía trong sẽ thấy màu xanh lá cây.

Chợ Souk ở đây như một mê cung khổng lồ với những đường đi chằn chịt, quanh co. Chợ được chia ra làm nhiều khu giống như 36 phố phường Hà Nội: khu chuyên bán đồ gỗ, khu chuyên bán các loại gia vị, khu  chuyên đồ đồng, khu đồ da thuộc,… Trong chợ không có xe động cơ nào được chạy kể cả xe gắn máy, phương tiện chuyên chở duy nhất là lừa. Mỗi lần có đàn lừa đi qua, chúng tôi phải tránh dạt qua một bên, thứ nhất vì lối đi chật hẹp và thứ hai vì ở đây lừa được ưu tiên.

Fès đã có một lịch sử ngắn liền với sự phát triển đạo Hồi Giáo ở Maroc, nên không lạ khi ở đây có trường đại học nghiên cứu và dạy kinh Coran, được gọi là Medersa. Chúng tôi được dẫn đến xem Medersa Bou Inania là một trường đại học lâu đời được xây vào thế kỷ 14 với những công trình kiến trúc rất đặc biệt và mỹ thuật.

Fès el Jadid cũng là khu phố cổ như Fès el Bali, nhưng mới hơn và có dãy phố của người Do Thái đã từng sinh sống buôn bán ở đây, được gọi là Mellah. Từ ngày quốc gia Israel được thành lập, khu phố Mellah trở nên vắng vẻ vì nhiều căn nhà của người Do Thái nay đã bị bỏ trống. Lý do người Do Thái đã bỏ Maroc để di cư qua Israel rất đông.

Fès nằm về phía Địa Trung Hải và bên cạnh dãy núi Atlas, có đầy đủ bốn mùa, ngoài mùa hè phần đông khí hậu mát mẻ và ôn hòa nên nhờ thế cây cỏ đều xanh tươi. Du khách dễ lầm tưởng như

đang ở châu  u, nếu ở đây không có những căn nhà với mái ngói màu xanh lá cây, một đặc trưng của lối kiến trúc Hồi giáo Maroc.

 

Rabat thủ đô quá đẹp

 

Ngủ 2 đêm ở Fès, ngày thứ chín của chuyến đi, chúng tôi lên đường đi Rabat cách Fès khoảng 230 km.

Trước khi tới Rabat, chúng tôi được ghé qua thăm Volubilis, một thành phố La Mã hoan tàn đổ nát. Trước 2.000 năm, đế quốc La Mã đã có mặt nơi đây và đến thế kỷ 3, họ bị dân tộc Berber đánh bật ra khỏi vùng này. Người La Mã đi đến đâu cũng để lại cho hậu thế rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, nhưng qua mấy nghìn năm lịch sử phần lớn đã bị hủy hoại. Volubilis cũng nằm trong số phận đó nhưng nhẹ nhàng hơn, vẫn còn lại một số chứng tích của thời cổ đại để cho du khách tới chiêm ngưỡng. Như Khải hoàn môn Caracalla được xây từ năm 217 vẫn còn khá nguyên vẹn.

Chúng tôi tới Rabat vào buổi trưa. Rabat mang dáng dấp của một thành phố châu  u, có nhiều đại lộ rất rộng rãi, sạch sẽ và hai bên đường trồng cỏ xanh. Rabat thủ đô của Maroc từ năm 1956, trung tâm của quyền lực và chính trị. Vị vua hiện tại của Maroc là Mohammed VI lên ngôi từ năm 1999. Ông theo một đường lối chính trị ôn hòa. Năm 2004 khi phong trào Mùa Xuân Ả Rập bùng dậy, ông đã đưa ra một số cải cách, trong đó quốc gia Maroc sẽ từ từ đổi thành thể chế quân chủ đại nghị.

Rabat có khu phố cổ và khu phố mới được xây thời Pháp như phần đông các thành phố lớn ở Maroc. Nhưng nổi bật nhất ở Rabat là cung điện Hoàng Gia và Lăng mộ vua Mohammed V. Cung điện Hoàng Gia rất lớn, chúng tôi được đứng ngoài để chụp hình. Anh Taj nhắc nhở chúng tôi là ở Maroc không được chụp cảnh sát và cơ quan công quyền, tuy nhiên cung điện Hoàng Gia thì lại không nằm trong điều cấm đó.

Lăng mộ vua Mohammed V là một trong những tuyệt tác của nền kiến trúc hiện đại ở Maroc. Được xây dựng xong năm 1971 do một kiến trúc sư nguời Việt Nam, tên là Võ Toàn, vẽ kiểu và trực tiếp điều khiển toàn bộ công trình này. Lăng mộ tọa lạc ngay trung tâm Rabat, tổng cộng mất 10 năm xây dựng với những vật liệu được dùng rất quý hiếm và đắt tiền. Như đá cẩm thạch màu trắng được vận chuyển tử Ý qua và các đồ trang trí trong lăng mộ được khắc bằng vàng hay đồng rất tinh vi sắc sảo. Người Maroc cho đây là một kỳ quan về kiến trúc nhưng cũng là một kỳ quan về xa hoa.

 

Mot vong Marroc_Mat troi lan o Sahara
Mặt trời lặn ở Sahara



Cuối cùng của chuyến đi

 

Ngủ lại một đêm ở Rabat và sáng mai chúng tôi được chở tới phi trường Casablanca cách Rabat 140 km. Tổng cộng chúng tôi đã trải qua một đoạn đường khá dài hơn 2.000 km trong vòng 10 ngày. Thời gian đi qua quá nhanh, nhưng đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm.

 

Maroc có câu tục ngữ  „Thế giới là một con công và Maroc là đuôi của con công“ (đuôi con công khi xòe ra rất đẹp). Có lẽ không có câu nào hay hơn để diễn tả cái đẹp của đất nước này và họ có lý khi tự hào về đất nước của họ. Nhưng điều tuyệt vời ở đây không phải chỉ là cái đẹp vì cái đẹp ở đâu cũng có, Maroc đã cho tôi cảm giác như đi lạc vào một xứ thần thoại với nghìn lẻ một câu chuyện cổ tích. Cái sống động, cái nhộn nhịp ở các chợ Souk mà vẫn giữ

được nét truyền thống dân tộc của mấy ngàn năm không phải nước nào cũng có. Tôi đi vào chợ Souk mà ngỡ như lạc vào thế giới xa xưa, khi được nhìn đàn lừa đang thổ những thúng hàng đi trong những con đường chật hẹp, ngoằn ngoèo, quanh co, khúc khuỷu. Ngay cách thuộc da mà tôi thấy ở Souk Fès, vẫn giữ truyền thống của trăm năm trước, tất cả đều làm bằng tay mặc dù mùi hôi của da thú vật bốc lên cả một vùng trời. Cái náo nhiệt, vui nhộn ở quảng trường Djemaa El Fna tại thành phố Marrakech cũng mang một nét đặc thù lâu đời của văn hóa nước này. Rồi đến những công trình kiến trúc ở Maroc, rất đa dạng và phong phú, là sự kết hợp của nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như Tây Ban Nha, Pháp, Do Thái, La Mã,… Nhưng vẫn giữ được sự hải hòa với lối kiến trúc Hồi Giáo. Sự pha trộn này đã tạo ra một nét kiến trúc đặc biệt của Maroc, được gọi là kiến trúc Tây Ban Nha-Hồi Giáo (hispano-mauresque). Pha trộn nhưng người Maroc vẫn cố giữ được những nét riêng tư của mình. Họ rất tự hào về lối kiến trúc các đền thờ của họ. Nó có sự khác biệt, nếu chúng ta để ý, những ngọn tháp (Minaret) ở đây đều hình vuông và không phải hình tròn hay bầu dục như ở phần đông các quốc gia Hồi giáo khác.

Các thành phố ở Maroc cũng có nhiều sự khác biệt. Màu sắc là cái dễ đập vào mắt du khách nhất, Casablanca được sơn màu trắng, Essaouira xanh biển, Marrakech đỏ, Fès xanh lá cây. Khí hậu cũng làm du khách ngạc nhiên, Sahara nắng nóng cháy da, Fès mát mẻ êm đềm mà chỉ cách nhau vài trăm cây số. Rồi sự cấu trúc của thành phố cũng khác nhau, những khu phố cổ thì nặng nề kiến trúc Ả Rập, trong khi những khu phố mới thì đậm nét kiến trúc của Pháp, của Do Thái.

Một vòng Maroc trong 10 ngày thật là quá ít cho một quốc gia với nghìn lẻ một câu chuyện.

Nhưng tôi đành lòng dừng ở đây, vì viết ra bao nhiêu trang giấy mới hết được từng ấy câu chuyện. Trước khi lên máy bay, tôi thầm nói „chokran“, cám ơn bằng tiếng Ả Rập, đã cho tôi những ngày đi du lịch đáng để nhớ.

 

Bài và ảnh: Lương Nguyên Hiền

 

Ý kiến bạn đọc
10/01/202006:14:17
Khách
Tôi đang tính đi Maroc vào tháng 4 năm nay. Xin tác giả cho biết anh dùng travel agency nào. Cám ơn anh.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
✱ CIA: Đỗ Mậu sẽ trở thành thủ tướng trong vài ngày tới - Khiêm tuyên bố mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát - sẽ thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn không cho sự việc diễn ra. ✱ BNG: Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn thì quả quyết kêu gọi các nhân viên chính phủ gia nhập Đảng Đại Việt - Ông Hoàn đã nạp đơn từ chức vào ngày 13 tháng 5, đã được thông qua nhưng giữ bí mật việc từ chức trong ít nhất 48 giờ. ✱ Ông Đỗ Mậu/VNMLQHT: Họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu - họ muốn lợi dụng tên tuổi và uy tín của tôi nhưng vẫn e ngại - Từ đó, tôi ở vào tình trạng "quản thúc vô hạn định" trên thành phố đìu hiu này. ✱ ĐS Lodge: Số tiền 1 triệu đô la “ mệnh giá lớn nhất” trong chiếc cặp da của Tổng Thống Diệm, Đại sứ Lodge yêu cầu giữ kín kẻo làm mất hòa khí.
Đọc lịch sử, ta thấy bất cứ dòng họ vua chúa nước nào cũng thường trải qua một thời hưng thịnh ban đầu rồi dần dần suy tàn, nhường chỗ cho một triều đại mới. Những kẻ cướp ngôi hầu hết đều thuộc hạng bề tôi đã gây được thế lực đủ mạnh để lấn lướt nhà vua...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là trụ trì, trở nên vô cùng ngã mạn có những hành động, cử chỉ, lời nói khinh mạn tín đồ và tự cho mình đã chứng đắc có khi còn hơn cả Phật. Câu hỏi đặt ra là: Là trụ trì, hoặc thuyết pháp có cả triệu tín đồ đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, như thế đã là Phật chưa?
Cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đều xác định rất rõ ràng về các loại “thần thông” hay còn gọi là "các siêu kiến thức" mà một vị thiền sư có thể đạt được...
Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình...
Ngày 3-5-2023. Giáo sư Lê Thành Khôi được một trăm tuổi. Sử gia Phan Huy Lê nhận định Giáo sư Lê Thành Khôi là Nhà bác học, nhà sử học và văn hóa lớn của đất nước. Là một giáo sư đại học, khoa trưởng phân khoa Giáo Dục tại Paris Sorbonne đại học hàng đầu thế giới. Được mời làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế như UNESCO, BIT, ACCT (Tổ chức Hợp tác Văn hoá Kỹ thuật các nước Pháp ngữ), Trường Đại Học Liên Hiệp Quốc Tokyo, Chương Trình UNDP. Được Liên Hiệp Quốc gửi đi làm cố vấn Giáo Dục cho hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trong KINH TIỂU BỘ, Tập 1, Phần PHẬT TỰ THUYẾT, Chương Năm, PHẨM TRƯỞNG LÃO SONA, TIẾT SỐ V (Ud 51), kể lại chuyện Đức Phật Thích Ca ban một thời Pháp thoại với chủ đề so sánh tám điều vi diệu của Biển Lớn với tám điều vi diệu của Phật Pháp...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.