Hôm nay,  

Bác Trọng Đi Rồi...

24/03/200800:00:00(Xem: 19496)

Nhạc sĩ Anh Việt tức đại tá Trần Văn Trọng

Bài này chúng tôi viết để tưởng niệm hương hồn đại tá Trần Văn Trọng dưới một hình thức thân quen như láng giềng hàng xóm 30 năm. Như bạn bè gần gũi, dù rằng quê quán hai ngả Bắc Nam và tuổi tác cách nhau chừng nửa con giáp.

Chẳng gì chúng tôi cũng có lúc đã gần thành sui gia đấy. Trong 30 năm qua, mỗi khi gặp bác Trọng nghiêm túc, tôi vẫn hay nói đùa, nhưng ông rất vui vẻ đáp lễ. Vì vậy dù bây giờ âm dương đôi ngả, tôi vẫn không thay đổi. Xin bác Trọng, người của Bến Cũ vui lòng nhớ cho như thế.

Phải chăng chính bác đã viết rằng: Đừng khóc làm chi, Làm khổ người đi...

Bác Trần văn Trọng là một sự kết hợp đặc biệt giữa người quân nhân và một nghệ sĩ, giữa người cha chân thành trong gia đình và người tình trong thế giới yêu đương. Gần 10 năm trước, nhân danh quốc hội tiểu bang California, bà dân biểu Alquit trao bác bằng tuyên dương "Sự nghiệp một đời" bác đã nói về chuyện sinh tử thường tình trong kiếp phù vân. Từ đó đến nay, bác đã hướng lòng về nơi vĩnh cửu bình yên ngay khi còn sống trong cái thế giới ồn ào hiện tại. Hôm nay, bác đã đi rồi, xin mạn phép có đôi lời ai điếu trong tình thân hữu, để người ở lại chúng tôi cùng chia xẻ với bác cái  ý nghĩa tử sinh. Vì vậy bài viết này sẽ không có những lời khách sáo nghiêm túc, bởi vì trước sao sau vậy. Nghìn thu vĩnh biệt, niên trưởng Trần văn Trọng.

Thăm nhau lần cuối:

Mấy tháng gần đây vợ chồng tôi thường vấn an anh chị Trần Văn Trọng. Mỗi lần liên lạc nhà tôi vẫn nói chuyện với nhạc sĩ Anh Việt qua điện thoại. Chẳng là bà xã của tôi quê Rạch Giá. Thuở xưa đã có một lần nhờ ông anh văn nghệ mua hộ cho cô nàng cây đàn Mandolin. Nhạc sĩ nhà ta cũng là người cùng quê ở Kiên Giang.

Trước khi vào làm trong ngành y tế ở bệnh viện Chợ Rẫy,Việt Nam cho đến Hồng thập Tự, Hoa kỳ, nàng cũng đã văn nghệ văn gừng từ Rạch Giá lên Sài Gòn. Sau này chạy qua Mỹ bỏ lại cây đàn. Chưa có dịp nhờ ông Anh Việt mua cây đàn khác. Cho đến tháng ba năm nay,

Chợt một hôm nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh gọi lại cho biết.

"Này, ta vừa vào thăm Trọng ở nhà thương. Đuối lắm rồi."

Vợ chồng tôi bèn liên lạc và được biết, chị Trọng cùng các cháu đã đưa anh qua Nursing home ở Los Altos.

Chúng tôi vào thăm. Anh Trọng gầy yếu nhưng tay chân vẫn còn hoạt động. Người lúc tỉnh lúc mê nhưng chưa cần giây dợ chằng chịt như thiên hạ. Con mắt như hết thần, hỏi gì cũng trả lời như là hiểu biết, nhưng thực ra có vẻ không còn biết gì nữa. Bên giường là cái máy nhỏ phát ra điệu nhạc cầu kinh do chính bệnh nhân soạn, thơ của Thiền Sư Nhất Hạnh. Những năm gần đây nhạc sĩ Anh Việt lại chịu thầy Nhất Hạnh và soạn nhạc Thiền, nhạc kinh Phật. Từ những giây phút đó ông đã chuẩn bị cho chính mình con đường thoát tục giữa chốn trần gian. Nhìn bác nằm đó, tôi nhớ chuyện rất xưa.

Một thời quân đội:

Xuất thân Thủ Đức khóa 1 nhưng ngay khi vào trường bác Trọng cũng đã lớn tuổi hơn các anh em cùng khóa. Ông ra trường Thủ Đức 1951 thì tôi còn đang học ở Nam Định. Ông đeo đại úy thì tôi mới ra trường Đà Lạt.  Khi tôi lên thiếu tá thì bác đã là đại tá giám đốc. Một hôm đại tá Phạm kỳ Loan, tham mưu trưởng tiếp vận kêu điện thoại. " Này, Lộc. Toa điện thoại nói gì với đại tá Trọng mà ổng nói Toa hỗn quá, lần sau đừng kêu thẳng ổng nữa, có gì nói để moa kêu". Đó là lần đầu tôi giao thiệp với thượng cấp Trần Văn Trọng. Bác hơi khó đấy nhé.

Bây giờ Bác đi rồi, tôi mới có dịp ngồi lại xem tiểu sử của con người mà mình quen biết bấy lâu nay tại đất Hoa Kỳ. Ông vào quân đội gia nhập ngành quân cụ rất sớm. Đi Tây đi Mỹ vào Nam ra Bắc nhiều đơn vị. Ông lại có cả bằng Nhẩy Dù. Từ yểm trợ trực tiếp lên đến cục trưởng của toàn ngành xe cộ, súng ống, đạn dược, rồi ông qua cả bên Tổng cục chiến tranh chánh trị. Sau cùng về trấn thủ ở Bộ Quốc Phòng. Trên khắp nẻo đường đất nước, bác Trọng chợt tìm thấy tuổi thơ ngây của cô nữ sinh Huế khi nàng đi học Đà Lạt về thăm nhà ở đất Thần Kinh. "Khi ấy em còn thơ ngây, Đôi mắt chưa vương lệ sầu" Mắt đó là mắt của nàng Tố Oanh xứ Huế. Thuộc giòng họ gia thế. Bên nội của nàng là Ngài Nguyễn văn Tường và bên ngoại là cụ Phan thanh Giản.

Và ông quân cụ theo chân ông nhạc sĩ cùng ở lại miền Trung. Một cuộc tình bền vững lâu dài với 9 đứa con ra đời. Tôi cứ nói đùa với ông là ngài chỉ làm ra vẻ sắp sửa ra đi, xa rời bến cũ. Thật ra bến cũ giữ chân chàng như con thuyền bỏ neo tầu chiến, chẳng thể nào rời xa để mà nhớ với nhung.

Bao nhiêu năm tôi yêu cầu ông bỏ bài Bến Cũ để sáng tác bài New Port nhưng bác Anh Việt đành cười trừ không thể làm được. Tôi hoàn toàn không rành về âm nhạc, nhưng khi nghe nhạc của Anh Việt, qua những bài tình yêu thương nhớ rạt rào, ta không thể hình dung ra được những rung động như thế có gì liên quan đến chiến xa, đại bác, xe GMC, xưởng sửa chữa tu bổ cấp 1 cấp 2. Nhưng đó lại chính là sự kết hợp đặc biệt giữa đại tá quân cụ Trần Văn Trọng với nhạc sĩ Anh Việt đất Kiên Giang lấy vợ Huế mà tôi gặp lại ở đất San Jose vào năm 1976.

Ba ông đại tá đi xin Job ở San Jose:

Vào những ngày khác nhau cuối năm 1976 đầu năm 1977, học khu San Jose mướn được 3 ông gốc nhà binh. Ba ông đại tá đi xin việc. Hỏi ngày xưa ở Việt Nam làm nghề gì. Nói thật bác Trọng e rằng Mỹ chả mướn. Nhưng bác Nhơn vẫn khai là thống đốc Hậu Nghĩa, sau đổi về thống đốc Biên Hòa. Hoa Kỳ hết sức kính trọng. Khi tôi vào nhận việc Teacher Aid thì đã có sự hiện diện của đại tá Mã Sanh Nhơn tại San Jose High. Ông hơn tôi vài tuổi, lại thâm niên quân ngũ, vào làm trước mấy tuần nên ra cái điều thông thạo chỉ dẫn đàn em đâu ra đấy. Rồi chúng tôi cùng lên thăm ông đại tá Trần Văn Trọng làm ở trên văn phòng học khu. Ba anh em làm ăn lai rai, gặp nhau nói chuyện thời thế, nghĩ đi nghĩ lại tuy chạy thoát nhưng cũng cay đắng ngậm ngùi. Ông Nhơn nói là trước khi vào đây làm moa đi chùi toilet mấy tháng cho trường học. Tôi khai là đã làm thợ sơn gầm xe ở Illinois. Bác Trọng không nói ra nhưng xem chừng công việc cũng không khá hơn chúng tôi.

Rồi chúng tôi tổ chức văn nghệ Tết, những cái Tết đầu tiên. Ba ông sĩ quan đều là trung niên tráng sĩ đi sưu tầm bài hát để dạy học trò. Lúc đó nghề của chàng nhạc sĩ được đem ra sử dụng và bác Mã Sanh Nhơn xem ra cũng có khá nhiều ý kiến. Anh em làm việc gần nhau bên lề của ngành giáo dục tại Hoa Ky, lãnh lương tối thiểu được vài năm thì ba chàng hiệp sĩ lại chia tay mỗi người một ngả. Lâu lâu vẫn gặp nhau ở những tiệm ăn đầu tiên tại San Jose. Bác Trọng có tiệm chạp phô rất mới mẻ và nhỏ bé ngay ở góc đường số 4 và đường Santa Clara. Anh em gọi là chợ Mê Kông, gợi nhớ giòng Cửu Long của quê hương đất nước.

Tôi làm ở cơ quan IRCC có cho ra đời một bản tin hàng tháng đầu tiên đặt ở chợ Mêkong của nhạc sĩ Anh Việt. Giá bán ủng hộ 10 xu, nhưng 5 xu cũng OK mà lấy luôn cũng được. Đó là bản tin Việt ngữ đầu tiên của cả miền Bắc California với tên là Về Nguồn. Tiếp tục được một năm thì chấm dứt dành đất cho các tay chuyên nghiệp làm báo ngon lành hơn.

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua, Bác Mã Sanh Nhơn bị bệnh tim ra đi từ sớm, cả bác Trọng và tôi có dự đám tang. Nhớ lại thời xưa cùng một lượt còn có đại tá Ngô Như Bích. Bác Bích chỉ ở San Jose một thời gian và bây giờ đã thành một nhà sư qui y xây dựng một ngôi chùa ở San Diego. Vì vậy quay đi quẩn lại chỉ có 3 ông bạn già có mặt từ đầu. Bây giờ đi mất hai, chỉ còn một.

Món nợ sau cùng:

Năm ngoái phu nhân bác Trọng có nói chuyện với tôi về lịch sử giòng họ Nguyễn của bà tại kinh đô xứ Huế. Chị có nhũ danh là Nguyễn thị Ngọc Oanh. Khi làm thơ có bút hiệu là Tố Oanh. Họ nội dòng dõi Nguyễn Văn Tường, họ ngoại dòng dõi Phan Thanh Giản. Chị có cả một hồ sơ thanh minh cho cụ tổ 5 đời là ngài Nguyễn Văn Tường. Bác Anh Việt qua điện thoại năm 2007có vẻ rất quan tâm đến công việc của phu nhân nên nhắc tôi khi có dịp, sẽ giới thiệu trên báo chí với bà con hải ngoại về câu chuyện lịch sử của họ hàng nhà vợ. Bây giờ bác đã ra đi. Nói về sự nghiệp âm nhạc 30 năm đã có cánh văn nghệ sĩ. Về chuyện khóa 1 Nam Định đã có quí niên trưởng hội ái hữu tại địa phương. Chuyện quân dụng đã có anh em quân cụ. Tôi xin giãi bày chuyện của bác gái, gọi là trả nợ ân tình. Vì hai bác đã có dịp đến nhà cháu, dự trù cả chuyện sui gia. Duyên nợ đôi trẻ không thành, nhưng tình di cư tỵ nạn giữa anh em thì vẫn còn nguyên. Lại thêm mối liên hệ đồng hương Rạch Giá của nhà tôi với ông anh văn nghệ. Vậy thì bây giờ tôi giới thiệu chuyện của Bác gái đây nhé, gọi là thi hành   theo lời ủy thác của người ra đi.

Mở hồ sơ lịch sử:

Số là cuối đời vua Tự Đức, trong triều có hai vị công thần. Đó là các ngài Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Ông Tường là đệ nhất phụ chính, thượng thư đầu triều, tương đương với thủ tướng đương thời. Ông Thuyết là đệ nhị phụ chính, nguyên là binh bộ thượng thư. Khi vua băng hà mọi việc trông cậy vào các vị quan phụ chính và triều đình đề cử người kế vị. Bên trên còn có mẹ vua là bà Từ Dũ. 

Đất nước đang gặp lúc khó khăn. Bên trong thì giặc cướp. Bên ngoài thì Pháp đang tìm đường mở thêm cuộc xâm lăng. Binh lực triều đình thì yếu kém, võ khí thô sơ. Tất cả chỉ còn con đường đấu tranh chính trị.

Ngày xưa, lúc còn học tiểu học rồi lên trung học chúng ta ai cũng còn nhớ đến giai đoạn vua Hàm Nghi lên ngôi. Đó là thời kỳ Pháp chiếm đóng thành Huế. Quan phụ chính Tôn Thất Thuyết chủ chiến đã khởi động cuộc phản công. Việc không thành nhà vua và Tam Cung Lục Viện cùng toàn thể triều đình phải rời bỏ kinh thành đi lánh nạn. Có hai quan đầu triều là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đi hộ giá.

Sau một thời gian, ông Thuyết dẫn đoàn binh hầu cận và hoàng gia đến Quảng Trị. Ông Tường liên lạc về đầu hàng quân Pháp. Trang sử khép lại tại đây. Ghi lại rằng Tôn Thất Thuyết phù vua nổi dậy. Nguyễn Văn Tường phản quốc theo Tây.

Từ đó về sau, những đoạn sử Việt vắn tắt dành cho những học trò tiểu học thế hệ này qua thế hệ khác vẫn chỉ ghi lại chừng đó. Con cháu của dòng họ Nguyễn Tường khắp bốn phương trời vẫn còn đeo mãi nổi oan khuất của tổ tiên là ngài Nguyễn Văn Tường. Biến cố đã xẩy ra hơn 100 năm. Ngày nay con cháu ngài Nguyễn văn Tường đã đến đời thứ bẩy.

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam nhà sử học bắt đầu xa lánh ảnh hưởng của cộng sản giáo điều, xem lại tài liệu để đặt ra các nghi vấn của thời kỳ cận đại. Tại sao ngài Nguyễn văn Tường đầu hàng theo Pháp mà lại bị Tây bắt đi đầy tại Tahiti. Hội nghị các sử gia đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1991 mới hé mở đôi chút ánh sáng vào vụ án bán nước cầu vinh của tiền nhân họ Nguyễn ở cuối thế kỷ thứ 19. Năm năm sau, 1996, vụ án lịch sử được mở ra lần thứ hai với tên chính thức của cụ Nguyễn văn Tường được cứu xét. Nhưng lạ lùng thay, không phải các học giả Việt Nam từ Sài Gòn đến Hà Nội lên đường đi truy tầm biên khảo mà chính gia đình hậu duệ con cháu năm sáu đời phải tự đi tìm tư liệu. Cháu gái đời thứ 5 là chị Ngọc Oanh bắt đầu mở hồ sơ của tiền nhân Nguyễn văn Tường. Quyet tâm đi tìm dấu vết của người xưa để soi sáng lịch sử. Một công việc lạ lùng khó khăn, không ai có đủ ý chí để bắt đầu. Nhưng chính người con gái của bác Anh Việt, Trần văn Trọng mới thực sự là cô gái cứng đầu đã làm nên chuyện lớn. Cháu Trần Nguyễn Từ Vân đã  bỏ ra 7 năm trời để giúp mẹ hoàn thành sứ mạng. Tìm lại dấu vết của người xưa. Nơi ông cố bị đi đầy, tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của ông cho đến khi qua đời. Di tích mộ phần, việc cải táng đem về Việt Nam và đặc biệt tìm đủ các văn kiện lịch sử của Pháp thời kỳ mới chiếm đóng Đông dương. Mẹ con xin vào lục lọi các văn khố của bộ ngoại giao, bộ hải quân, lục quân và các trung tâm văn khố từ Pháp quốc đến Tahiti là nơi ngài Nguyễn văn Tường đã sống những ngày cuối cùng. Suốt bao nhiêu năm tháng dài, những chuyến đi vượt đại tây dương, biết bao lần phải ghé ở hải đảo.  Sống với mớ hồ sơ cũ đã vàng úa, những tấm hình xưa chụp lại. Sau cùng, công khó được đền bù. Ngày 2 tháng 7-2002, hội nghị lịch sử họp tại Thừa Thiên cứu xét các tài liệu của những người con gái 5 và 6 đời của cụ Nguyễn đã chính thức kết luận ngài là vị công thần của quốc gia, được chính thức tôn vinh. Hy vọng là từ nay, sử sách các lớp của thế hệ sau này sẽ không còn làm buồn lòng con cháu dòng họ Nguyễn Văn...

Và ông nhạc sĩ Anh Việt họ Trần, cháu rể đời thứ 5 của ngài Nhiếp chính thượng thư Nguyễn văn Tường, ra đi từ San Jose khi về cõi vô cùng, gặp được tiền nhân bên họ nhà vợ, sẽ có dịp kể rõ nguồn cơn.

Tiễn bác ra đi, xin giới thiệu chuyện nhà trăm năm trước, gọi là hoàn tất lời ủy thác cuối cùng, mong bác bình yên ở chốn  ngàn năm vĩnh cửu.

Giao Chỉ , San Jose.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…
Sau khi nhổ răng, tôi xin anh nha sĩ trẻ mấy cái răng chết, khá thê thảm, để mang về. Lần trước cũng vậy. Anh tỏ vẻ thông cảm. “Bác giữ làm kỷ niệm?” “Vâng. Chúng nó theo tôi bảy mươi mấy năm rồi. Chiến đấu giỏi lắm. Giữ xác lại để nhớ.” Đúng. Răng kề cận người hơn tình nhân. Ở với người trung thành hơn vợ. Nói cắn là cắn, nói nhai là nhai, nói nhe là nhe, nói ngậm là ngậm. Tuyệt nhiên vâng lời, không cãi cọ gì. Chỉ có già đi, lỏng chân, rồi vĩnh biệt.
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Trong tiểu thuyết HIỆP KHÁCH HÀNH, nhà văn Kim Dung kể chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Thạch Phá Thiên từ năm 12 tuổi, không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu, không học hành chữ nghĩa, không võ công, không tiền của, mà tình cờ lạc vào giữa chốn võ lâm giang hồ. Đọc xong bộ truyện, tôi tò mò muốn tìm hiểu bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của thi hào Lý Bạch...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Tất cả chúng tôi, một số bạn bè và thân hữu của Ca sĩ Kim Tước, liên lạc, tìm đến nhau, để cùng tổ chức một buổi ca nhạc "bỏ túi" cho bà trước khi bà rời tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn hai ngày để chuẩn bị. Thư mời hoả tốc gởi đi tối Thứ Bảy, buổi trình diễn vào trưa Chủ Nhật ngày Feb, 5, 2023 tại Viện Việt Học là một quyết định rất nhanh, gọn, của Bác Sĩ Nhãn Khoa Phạm Đỗ Thiên Hương, làm người nhận kinh ngạc. Buổi họp mặt như một lời chia tay trước khi nữ danh ca Kim Tước rời Little Sài Gòn, là nơi bà rất yêu mến, để về tiểu bang khác sinh sống với con trai, vì bệnh già của bà...
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai. Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
Ngày 11 tháng 2 năm 2023, vài tờ báo và trang mạng trong nước đưa tin: Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature). Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương năm 1972...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.