Hôm nay,  

Tin Văn: Kenzaburo Oe: Cha Và Con (4)

05/02/200200:00:00(Xem: 11652)
Trong khi trên sân khấu chính trị, Mishima nổi bật như là một người theo chủ nghĩa quốc gia hữu phái, ủng hộ hoàng đế, Oe cầu mong chấm dứt mọi dấu vết hoàng gia Nhật. Michiko Niikuni Wilson, tác giả cuốn "Thế giới bên lề của Oe Kezaburo", và còn là dịch giả, cùng với chồng, Michael, cuốn The Pinch Runner Memorandum, viết, một biến cố chính trị ảnh hưởng nặng nề Oe, xẩy ra vào năm 1960, là khi Otoya Yamaguchi, một phần tử cực đoan 17 tuổi, xông lên diễn đàn, dùng dao đâm nhà lãnh đạo đảng Xã Hội, Inejiro Asanuma. Oe viết truyện ngắn, nhan đề là "Mười Bẩy", dựa theo biến cố kể trên. Phản ứng và những hăm dọa, đối với tác giả và nhà xuất bản, dữ dằn tới mức tạp chí Bungakukai, nơi truyện ngắn xuất hiện, đã phải đưa ra thông báo, "Chúng Tôi Chân Thành Cáo Lỗi Vì Đã Sơ Xuất Cho Đăng Truyện Ngắn Kể Trên" (Our Humble Notice). Truyện sau không được đưa vào trong tuyển tập truyện ngắn của Oe; tác giả cho biết, ông đành chấp nhận giải pháp đó, chỉ vì sợ cho mạng sống của chủ nhà xuất bản, cùng gia đình của ông ta.
Trong một thời gian dài, Oe yên lặng sau biến cố trên, và quay qua những đề tài khác, đặc biệt là về thời thơ ấu của ông ở nơi làng quê, và liền sau đó, là về đứa con mới sinh. Tuy nhiên, năm năm sau, lợi dụng lễ tưởng niệm ngày 15 tháng Tám, 1945 (August 15 Memorial Meeting), ông nói về hệ thống hoàng gia, ban cho nó một cái tên: kakuremino, "cái áo khoác biến người mặc trở thành vô hình"; nhờ vậy, nó cho phép người mặc (dân chúng Nhật) vờ đi ý nghĩa của cuộc chiến. Trong một bài viết đăng sau đó, ông đưa ra câu hỏi, tại sao những nhà văn Nhật dám lên tiếng chống lại việc kiểm duyệt ngăn cấm không cho xuất bản tác phẩm Người Tình Của Phu Nhân Chatterley [tác phẩm bị coi là dâm thư, của D.H. Lawrence], vậy mà lại không dám đứng ra tranh đấu cho một truyện ngắn "Mười Bẩy", và phần tiếp nối "Cái Chết Của Tuổi Trẻ Chính Trị" (The Death of Political Youth). Và ông trả lời: "Bởi vì cả hai tuyện ngắn kể trên đã vờ đi, chẳng thèm 'quan tâm đúng mức' tới cái gọi là những thành phần hữu phái, cũng như mọi thứ, mọi điều mà Hoàng Đế kêu gọi, nhắn nhủ."
Thập niên 1960, mặc dù quan điểm chính trị của Mishima, Oe là bạn của nhà văn này. Nhưng vào năm 1970, khi Mishima mổ bụng tự sát - seppuku, như tên gọi của nó, là một nghi lễ thẩm mỹ hóa hành động hiến mình cho hoàng đế - nhằm kêu gọi một cú đảo chánh của phái hữu, Oe đã coi đây là một hành động vô dụng, và một toan tính rẻ mạt nhằm tạo ra một hình ảnh dởm, về nhà văn Nhật. Vào năm 1972, một phần là muốn đưa ra một câu trả lời cho vụ tự sát của Mishima, Oe đã viết "Cái Ngày Mà Chính Anh Ta Sẽ Lau Giùm Những Giọt Nước Mắt Cho Tôi". Đây là một bài văn mang tính châm biếm, nhạo nhại, và có giọng điệu giận dữ. Truyện ngắn này được coi là một trong những tác phẩm khó khăn nhất của Oe, nó "giao động giữa sự giận giữ trước Mishima, ước muốn một niềm tin không bị một chút mây mù che phủ, ý nghĩa về tài sản tinh thần và quốc gia, mà sự tự sát của Mishima đã bi thảm hóa." Sau cùng, Oe nhìn thấy ở cuộc đời và cái chết của Mishima, như là một toan tính vụng về, một vụ sẩy thai, nhằm nhập thân căn cước, cá tính Nhật, không phải cho người Nhật, nhưng mà là vượt quá cả cõi thế. Sau đó, trong lần trò chuyện với tiểu thuyết gia Kazuo Ishiguro [gốc Nhật, viết văn bằng tiếng Anh, tác giả cuốn Tàn Ngày, The Remains of the day, đoạt giải The Booker của Anh], được đăng trên tạp chí "Phố Lớn" (The Great Sreet), Oe nói, "Toàn thể cuộc đời của Mishima - chắc chắn phải kể cả cái chết bằng cách mổ bụng tự sát theo nghi lễ seppuku - là một màn trình diễn, được thực hiện nhằm trình bầy hình ảnh một người Nhật mang tính điển hình, an archetypal Japanese. Hơn thế nữa, màn trình diễn theo kiểu như thế, không phải tức thời bật ra từ cảm tính Nhật, mà là một hình ảnh phiến diện, về một người Nhật được nhìn từ một quan điểm Tây Phương, một thứ tuồng ảo hóa, cuồng phóng."

Theo Oe, màn tự sát của Mishima là một hình thức kỳ quặc, của chủ nghĩa Đông Phương. Trong nghiên cứu của Edward Said [tác giả cuốn Chủ Nghĩa Đông Phương] về hiện tượng này, những tay phiêu lưu Tây Phương thực hiện những chuyến đi về phương đông, tới những xứ sở thuộc địa của họ, và trở về với một hình ảnh mang tính văn chương của "Người Phương Đông", thí dụ như người Ả Rập trong tác phẩm The Seven Pillars of Wisdom, của T. E. Lawrence, hay trong những hồi ức của Flaubert về xứ Ai Cập. Trong trường hợp Mishima, thay vì một tay phiêu lưu Tây Phương, lại là một người Đông Phương, đã vặn vẹo, làm méo mó hình ảnh của chính mình, trước lớp khán thính giả đông đảo Tây Phương [đang] trầm trồ ngưỡng mộ. Khi tôi [David Remnick] hỏi Oe về Mishima, ông giơ cả hai tay lên trời, và cười lớn, như nhớ tới hình ảnh một Mishima điên điên khùng khùng ở trong lòng độc giả Tây Phương. "Bạn biết không, tôi rất mê cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Ralph Ellison, "Người Vô Hình", và trường hợp ở trong đó có thể áp dụng cho chúng tôi - chúng tôi, những người Nhật. Khi tôi nói về những người Nhật, như những kẻ vô hình, là theo nghĩa đó. Bạn có thể nhìn thấy nền kỹ thuật của Nhật tại Âu Châu, bạn biết quá nhiều về cái gọi là sức mạnh kinh tế Nhật, bạn biết rất nhiều về nghi lễ có tên là trà đạo của Nhật... nhưng tất cả những cái đó chỉ là những hình ảnh, nói đúng hơn, những cái mặt nạ, của sự khiêm tốn Nhật, sức mạnh kỹ thuật Nhật. Mishima và Akio Morita, ông chủ của Sony, có thể coi là như hai cực điểm, của cảm thức về cái gọi là người Nhật. Đa số những hình ảnh về nước Nhật đều là những mặt nạ. Chúng tôi đi theo sau và bắt chước triết học và văn học Tây Phương, nhưng ngay cả bây giờ, hơn một trăm hai mươi lăm năm sau khi khởi đầu công cuộc hiện đại lớn lao của chúng tôi, the Meiji Restoration, Nhật Bản mở rộng cửa ra trước thế giới, nhưng dưới lớp vỏ cứng, chúng tôi vẫn không thể nào bị chọc thủng, trước con mắt những người Âu Châu và người Mỹ. Bạn có thể hiểu những nhà văn được giải Nobel khác, họ luôn luôn sẵn sàng cho bạn tìm hiểu, ở Mỹ: Czeslaw Milosz, Derek Walcott, Joseph Brodsky. Nhưng chẳng là bao, nếu nói về con số người Tây Phương muốn tìm hiểu những người làm ra tất cả xe Honda đó. Tôi chẳng hiểu tại sao. Có lẽ chúng tôi chỉ bắt chước người Tây Phương, hay cứ thế lầm lì, lặng thinh, khi đối diện những dân tộc Âu Châu."
(còn tiếp)
Nguyễn Quốc Trụ (chuyển ngữ bài viết của David Remnick về Oe: Cha và Con).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nguyễn Huy Thiệp: Đời viết văn cũng như đời người đàn bà.
Trong khi Oe tạm để văn chương qua một bên, ông tự hứa, sẽ sấn vào đám đông,
Oe và bà vợ bây giờ có thể nói chuyện với con,
Như bạn biết, ở Hiroshima, nhiều người mắt bị tổn thương, do ánh sáng chói lòa của trái bom nguyên tử
Ngày 1 tháng Mười 1991, Leningrad chính thức trở lại với tên khởi thủy của nó
Bây giờ nói đến số phận của chính "cái gọi là" tiếng mẹ đẻ, khi bị (chuyển) dịch.
Cuốn sách mỏng, bản tiếng Pháp 145 trang; người viết xin được giới thiệu tóm tắt một chương,
Diễn văn Nobel văn chương 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.