Hôm nay,  

Tin Văn: V. S. Naipaul: Hai Thế Giới (4)

14/01/200200:00:00(Xem: 8050)
Diễn văn Nobel văn chương 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).

Khi trở thành nhà văn, những vùng tối chung quanh đứa trẻ là tôi ngày nào trở thành những đề tài của tôi. Địa linh: miền đất cũ; nhân kiệt: những thổ dân; Tân Thế Giới; thuộc địa; lịch sử; Ấn Độ; thế giới Hồi giáo, ít nhiều gì cũng có tôi ở trong đó; rồi thì Anh Quốc, nơi tôi ngồi vào bàn, và viết. Theo nghĩa đó, tôi muốn nói, như đã nói ở trên, là những cuốn sách của tôi, cuốn nọ chồng lên cuốn kia, và tôi là tổng số những cuốn sách của tôi. Cũng vẫn theo nghĩa đó, gốc gác, nguồn văn, hứng văn của tôi, thì rất ư giản dị và cùng lúc, cực kỳ rắc rối. Bạn thấy đấy, giản dị biết bao, là cái tỉnh lỵ nhà quê Chaguanas đó. Và tôi cũng tin, bạn đã thông cảm, rằng, cái con đường đưa đẩy tôi trở thành nhà văn sao thật rắc rối đa đoan. Gay go nhất là lúc khởi đầu, khi những mẫu mã văn học của tôi - chúng đều là những mẫu mã có được từ cái mà tôi chỉ có thể gọi là tri thức dởm - phải đương đầu với những xã hội hoàn toàn khác biệt. Có thể bạn có cảm tưởng, rằng, viết dễ ợt, một khi có một mỏ chất liệu như vậy. Nhưng cái mỏ chất liệu, nói rõ hơn, những hiểu biết của tôi về gốc gác của mình, là do ba chuyện viết lách mà có. Và, tin tôi đi, khi tôi nói với bạn rằng, cái cõi văn của tôi như thế đó - cấu trúc văn học, xương sống tác phẩm, [hay nói theo kiểu chưởng Kim Dung, hai huyệt Nhâm Đốc được đả thông], cõi văn đó trở nên rõ ràng chừng hai ba tháng gần đây thôi. Bây giờ, mỗi khi nghe đọc những đoạn văn lấy ra từ những cuốn sách cũ, tôi như nhìn thấy những liên hệ, những móc nối của chúng, [tôi như nhìn thấy một con rắn luồn lách ở trong mớ cỏ đó]. Trước đây, khổ tâm nhất, là làm sao diễn tả, làm sao nói cho độc giả biết, tôi đã xoay sở viết lách ra sao.

Tôi đã nói, tôi là một nhà văn của trực giác. Trước sao, giờ vậy, khi đi gần trọn con đường. Tôi chưa hề có một chương trình. Tôi không theo một kế hoạch. Tôi làm việc theo trực giác. Mỗi lần nhắm viết, là viết, là làm sao sáng tạo ra một điều gì đó, và nó sẽ dễ đọc, sẽ thú vị. Ở mỗi giai đoạn, tôi làm việc tùy theo mức hiểu biết, cảm xúc, tài năng, và viễn ảnh của tôi về thế giới. Như kiến tha lâu đầy tổ, cuốn trước đẩy cuốn sau. Chúng đều được làm ra theo nghĩa này: tôi đã viết chúng, bởi vì chưa có những cuốn sách viết về những đề tài như thế, hoặc, những cuốn sách đã có, đã không đem đến cho tôi điều tôi muốn. Và theo nghĩa này nữa: tôi phải làm cho ra ngô ra khoai cái thế giới của tôi, làm sáng tỏ nó, bởi chính tôi.

Tôi phải tìm tài liệu ở Viện Bảo Tàng Anh Quốc và ở những nơi khác, để có được cái cảm quan thực sự về lịch sử thuộc địa. Tôi phải tới Ấn Độ, bởi vì chẳng có ai nói cho tôi về cái xứ mà ông bà tôi đã bỏ đi đó, nó ra sao. Có những điều được viết bởi Nehru và Gandhi; và thật lạ lùng, chính là Gandhi, đã cho tôi khá nhiều nhưng cũng chưa đủ, qua kinh nghiệm của ông về Nam Phi. Ngoài ra còn Kipling; những nhà văn Anh-Ấn, thí dụ John Masters (thật nổi đình nổi đám vào thập niên 1950 khi đưa ra kế hoạch, sau bỏ ngang - tôi e rằng như vậy - sẽ cho ra lò một chùm gồm 35 cuốn tiểu thuyết, thirty-five connected novels, về Ấn Độ thuộc Anh); những nhà văn nữ. Một số ít nhà văn Ấn đã nổi bật được lên, vào hồi đó, nhưng đều thuộc giai cấp trung lưu, cư dân thành phố; họ không biết gì về xứ Ấn Độ mà chúng tôi đã từ đó mà ra.

Và khi nhu cầu Ấn Độ như thế đó, được thỏa mãn, những nhu cầu khác bật ra: Phi Châu, Nam Mỹ, thế giới Hồi giáo. Vấn đề luôn luôn là: bổ túc, làm đầy cái hình ảnh của tôi về thế giới, bởi vì ngay từ nhỏ tôi đã cảm thấy, phải làm sao thoải mái với chính mình.

Đôi khi, có những người thật tốt bụng viết cho tôi, hỏi có nên đi Đức, hay Trung Quốc, để mà viết. Nhưng đã có nhiều cuốn sách tốt về những nơi chốn đó rồi; tôi muốn mình tùy thuộc vào thứ văn chương hiện đang có. Vả chăng, những đề tài đó là để cho những người khác. Không phải là những vùng tối mà tôi cảm thấy vây quanh tôi, khi còn là một đứa nhỏ. Bởi vậy, tôi viết tới đâu, cách kể chuyện, sự hiểu biết, mức xúc cảm theo tới đó, chúng như có một sự đồng nhất, một điểm xoáy, cho dù tôi muốn làm ra vẻ đi lòng vòng theo nhiều đường hướng.

Khi bắt đầu, tôi chẳng biết đi đâu. Tôi chỉ muốn, làm ra một cuốn sách. Tôi cố viết về xứ Ăng Lê, nơi tôi đóng trụ sau những năm học đại học, và tôi cảm thấy rằng, kinh nghiệm của tôi mỏng dính, không đủ, không đúng thứ để mà viết ra được những cuốn sách. Tôi cũng không kiếm thấy một cuốn sách nào viết về những điều gần gụi với gốc gác của tôi. Một người trẻ tuổi, Pháp hay Anh, nếu muốn viết, chắc là dễ kiếm ra những khuôn mẫu để bắt đầu. Tôi thì không, nghĩa là chẳng có một mẫu mã nào. Những truyện ngắn của cha tôi, về cộng đồng Ấn, đã thuộc về quá khứ. Thế giới của tôi hoàn toàn khác biệt. Nó mang nặng tính thành phố, và cũng thật ngổn ngang. Những chi tiết giản dị, chỉ mang tính vật chất, về mớ bòng bong là cuộc sống đô thị, cứ mỗi ngày lại thêm người thêm việc của gia đình tôi - nào là giờ giấc, nơi ăn chốn ngủ, người này kẻ nọ... - vậy mà thật khó xoay sở, sắp xếp. Có quá nhiều điều phải giải thích, cả về đời sống trong gia đình và thế giới bên ngoài. Cùng lúc đó, có quá nhiều điều về "chúng tôi" mà chúng tôi không biết, thí dụ như tổ tiên của mình ra sao, lịch sử của mình là như thế nào.

(còn tiếp)

Jennifer Tran chuyển ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thân phận thảm thương Á Căn Đình của tôi.
Giải thưởng văn chương Nobel năm nay đã được trao cho nhà văn Anh,
Thôi thì thôi nhé, Vẫn ngần ấy thôi. (Quand Même)
Tin Văn kỳ trước có trích dẫn một số câu trả lời phỏng vấn, từ cuốn “Partis Pris”, nguyên bản tiếng Anh “Strong Opinions”,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.