Hôm nay,  

Tin Văn - V.s. Naipaul: Hai Thế Giới

10/01/200200:00:00(Xem: 7953)
Diễn văn Nobel 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).

Đây là một hoàn cảnh bất thường đối với tôi. Tôi thường có bài đọc, không có bài nói. Tôi nói tôi không có, với người nào yêu cầu. Và thực tình là vậy. Chuyện có vẻ kỳ kỳ, đối với một người loay hoay với mớ chữ, mớ cảm xúc, ý tưởng trong vòng gần năm chục năm, vậy mà gần như chẳng có chi để mà diễn thuyết, cứ nói như vậy. Nhưng tất cả những gì có chút giá trị về tôi, là ở trong những cuốn sách mà tôi đã viết ra. Giả sử có thêm, thì chưa hình thành một cách đầy đủ, còn mơ màng ở trong tôi, như chờ đợi cuốn sách tới, và, với một chút may mắn, nó sẽ tới với tôi trong lúc viết, thường bằng sự ngạc nhiên. Chính nỗi ngỡ ngàng là điều tôi tìm, trong khi viết. Đó là cách mà tôi đánh giá việc làm của tôi - vốn chẳng hề là một việc dễ làm.

Trong cuốn "Chống lại Sainte-Beuve", gồm những bài viết đầu đời, Proust thật thấu đáo khi chỉ ra sự khác biệt giữa nhà văn như một người viết, và nhà văn như một con người ở trong xã hội.

Sainte-Beuve, một nhà phê bình người Pháp thế kỷ 19, tin tưởng rằng, muốn hiểu một nhà văn thì cần biết, càng nhiều càng tốt, về con người bên ngoài, những chi tiết về cuộc đời của nhà văn đó. Soi sáng tác phẩm bằng con người là một phương pháp quyến rũ, và có lẽ cũng khó mà phản bác. Tuy nhiên, Proust đã làm được điều này một cách thật là thuyết phục. "Phương pháp của Sainte-Beuve", Proust viết, "bỏ qua một điều mà chúng ta có được, mỗi lần đối diện với cái tôi sâu thẳm: rằng cuốn sách là một sản phẩm của một cái tôi khác với cái tôi mà chúng ta biểu tỏ qua thói quen, cuộc sống xã hội, tật xấu. Cố lục lọi cõi thâm sâu, biết đâu tới được cái tôi đặc thù đó."

Đừng bỏ qua những lời của Proust, mỗi lần chúng ta đọc tiểu sử một nhà văn, hay tiểu sử của bất cứ ai [sống đối với kẻ này có nghĩa là] trông mong vào hứng khởi. Những chi tiết về cuộc đời, những trái tính trái nết, những bạn bè, ích chi đâu, bí ẩn trong cách viết của người đó vẫn còn nguyên. Biết bao tư liệu, lý thú biết là chừng nào, ích chi đâu. Tiểu sử một nhà văn - ngay cả tự thuật - luôn hụt hẫng như vậy.

Proust là bậc thầy trong cách nói thậm xưng sảng khoái, và tôi thật muốn trở lại trong chốc lát với cuốn "Chống lại Sainte-Beuve" của ông. "Thực sự," ông nói tiếp, "cái điều bầy ra đó, là mình viết cho mình, là cõi cô đơn sâu thẳm kia bật thành lời. Còn cái mà chúng ta trao đổi trong khi trò chuyện, hay ở trong mớ in ấn, nào là tiểu sử, nào là bí ẩn đời tư... chỉ là sản phẩm của một cái tôi làm xàm; không phải của cái tôi sâu thẳm mà người ta chỉ có được, một khi gạt phăng qua một bên cả thế gian, luôn cả cái tôi thường ngày chung chạ với thế gian đó.

Khi viết như vậy, Proust chưa tìm ra đề tài nhờ nó ông có được hạnh phúc như là thành quả của việc lao tâm khổ tứ vì những con chữ. Nhưng bạn có thể nhận ra, qua những dòng tôi trích dẫn, đây là một người tin vào trực giác, và đang rình rập cơ may của mình. Tôi đã trích dẫn những dòng trên đây một vài lần rồi. Lý do là, chúng thật hợp với công việc viết lách của tôi. Tôi cũng tin vào trực giác. Không phải mới đây, mà ngay từ lúc thoạt đầu. Bây giờ thì cũng vậy. Khi viết, tôi thực tình không lường trước được, chuyện sẽ ngã ngũ ra làm sao, và sẽ phải tiếp tục như thế nào. Tôi phó mặc cho trực giác tìm kiếm đề tài, và khi viết, cũng viết bằng trực giác của mình. Khởi đầu tôi có một ý nghĩ, một hình dạng; nhưng phải đợi vài năm sau tôi mới hoàn toàn hiểu được những gì mình viết.

Trên đây, tôi có nói, những gì có giá trị ở nơi tôi, là ở trong những cuốn sách. Tôi nói thêm: tôi là tổng số những cuốn sách của tôi. Được cảm nhận bằng trực giác và, trong trường hợp những cuốn tiểu thuyết, được gầy dựng bằng trực giác, mỗi cuốn như thế đó, cuốn sau choàng lên cuốn trước, cuốn sau có được là nhờ cuốn trước. Cứ như vậy, ở bất cứ giai đoạn nào trong cái nghiệp viết của tôi, có thể nói, cuốn sách cuối là cuốn bao gồm tất cả những cuốn kia.

Được như vậy, là do gốc gác của tôi. Gốc gác của tôi vốn rất ư giản dị và cũng rất ư là rắc rối. Tôi ra đời tại Trinidad. Đây là một hòn đảo nhỏ ở ngay họng con sông lớn Orinoco của xứ Venezuela. Như vậy, Trinidad không thực sự thuộc Nam Mỹ và cũng không thực sự thuộc vùng Caribbean. Hòn đảo nhỏ đã phát triển như là đồn điền thuộc địa của Tân Thế Giới, và vào cái năm tôi ra đời là năm 1932, dân số đảo chừng 400 ngàn người. Trong số đó 150 ngàn là Ấn độ, Ấn giáo và Hồi giáo, hầu hết gốc ruộng và từ đồng bằng sông Hằng.

Đó là cái cộng đồng nhỏ xíu của tôi. Công cuộc di dân chủ yếu là vào thời kỳ sau 1880. Hợp đồng như vầy: sau năm năm làm việc tại đồn điền sẽ được cấp, có thể là hai mẫu đất, hoặc một vé tầu trở về Ấn Độ. Vào năm 1917, những xáo trộn do Gandhi và những người khác gây ra đã khiến kiểu hợp đồng trên bị hủy bỏ. Và có thể do đó, và nhiều lý do khác nữa, những người tới sau đã không có đất, và cũng chẳng có vé tầu trở về Ấn Độ. Họ hoàn toàn tay trắng, hoàn toàn cơ cực. Họ ngủ đường ngủ chợ, tại thủ đô Port of Spain. Khi còn là một đứa bé, tôi đã nhìn thấy họ như vậy. Khi đó, tôi chưa biết tay trắng cơ cực nghĩa là gì, chắc là sau này mới biết. Tôi thản nhiên nhìn. Đây là cái phần độc ác của đồn điền thuộc địa.

Tôi sinh ra tại tỉnh nhỏ ở phía bên trong đảo, có tên là Chaguanas, cách Vịnh Paria chừng hai hay ba dặm. Chaguanas, đúng là một cái tên, đánh vần kỳ cục mà phát âm cũng kỳ cục, và nhiều người Ấn - đa số ở trong vùng là họ - ưa gọi bằng cái tên tương xứng với giai cấp của mình, là Chauhan.

Ba mươi tư tuổi đầu tôi mới biết, cái tên nơi tôi ra đời do đâu mà ra. Tôi lúc đó đang sống ở Luân Đôn, và đã ở Anh mười sáu năm. Tôi đang viết cuốn sách thứ chín của mình. Đó là một câu chuyện về xứ Trinidad, con người ở đây, cố gắng tái tạo họ, và những câu chuyện về cuộc đời của họ. Tôi thường tới Viện Bảo Tàng Anh Quốc để đọc những tài liệu Tây Ban Nha về miền đất. Những tài liệu này - được sao chép lại, từ những thư khố Tây Ban Nha - là để cho nhà cầm quyền Anh, vào những năm 1890, khi xẩy ra cuộc xào xáo về vấn đề biên giới với xứ Venezuela. Tài liệu bắt đầu vào năm 1530, chấm dứt cùng với sự biến mất của Đế quốc Tây Ban Nha.

Tôi đọc được một tài liệu liên quan tới cuộc tìm kiếm khùng điên El Dorado và chuyến xâm nhập giết người của người hùng Anh, là Sir Walter Raleigh. Vào năm 1595, ông này đột kích Trinidad, mặc sức tàn sát tất cả những người Tây Ban Nha mà ông ta có thể, ngược sông Orinoco, tìm El Dorado. Chẳng thấy đâu hết, nhưng khi trở về Luân Đôn, ông ta nói là đã kiếm thấy. Để chứng mình, ông chìa ra một mẩu vàng và một dúm cát. Nói là đã cậy ra từ một mỏm đá ở bờ sông Orinoco. Sở đúc tiền hoàng gia cho biết, mớ cát mà ông ta đưa cho họ thử nghiệm chẳng có giá trị gì hết, còn một số người khác thì gợi ý rằng, ông ta đã mua vàng từ trước, ở Bắc Phi. Raleigh sau viết sách để chứng tỏ quan điểm của mình, và bốn thế kỷ kể từ đó, người ta cho rằng ông ta đã kiếm được một cái gì. Tuy khó đọc, sự huyền ảo của cuốn sách của Raleigh, là ở cái tên dài thòng của nó: Sự Khám Phá Đế Quốc Guiana Rộng Lớn, Giầu Có, Tuyệt Trần, cùng sự liên hệ với thành phố vàng lớn Manoa (người Tây Ban Nha gọi là El Dorado), những vùng Emeria, Aromaia, Amapaia, những xứ sở khác, cùng những con sông lân cận. Cứ như thiệt! Vậy mà ông ta chưa dám phiêu lưu, quá dòng chính, của con sông lớn Orinoco.

Và rồi thì, như rắn cắn phải lưỡi, đi đêm mãi thì có ngày gặp ma, Raleigh thực sự khốn khổ vì những ba hoa chích chòe của mình. Hai mươi mốt năm sau, già, bịnh, ông bị đưa ra khỏi nhà tù ở Luân Đôn, tới Guiana, để tìm những mỏ vàng mà ông ta nói đã kiếm thấy. Trong cuộc phiêu lưu gian trá này, con trai của ông mất. Người cha, chỉ vì muốn bảo vệ danh tiếng, bảo vệ những lời nói dối, đã đẩy con tới chỗ chết. Đau khổ tràn trề, sống nữa thì không biết để làm chi, vì chẳng còn lý do gì để mà sống, Raleigh trở lại Luân Đôn, để 'được' hành hình.

Câu chuyện đúng ra là ngưng tại đây. Nhưng người Tây Ban Nha nhớ dai - chắc chắn là do liên lạc hoàng gia của họ quá chậm: nhiều khi phải mất hai năm, một lá thư từ Trinidad mới tới được (mới được đọc ở) Tây Ban Nha. Tám năm sau đó, những người Tây Ban Nha ở Trinidad và ở Guiana vẫn còn lo tranh chấp lẫn nhau về những người thổ dân (Indians) ở vùng Vịnh. Chứng cớ là, một bữa, tôi được đọc, tại Viện Bảo Tàng Anh, một lá thư của Hoàng đế Tây Ban Nha gửi viên toàn quyền Trinidad. Lá thư đề ngày 12 tháng Mười 1625.

"Tôi yêu cầu ông", Hoàng đế viết, "cho tôi tin tức về một đất nước nào đó, của những người thổ dân có tên là [những người] Chuaganes, mà theo ông có chừng trên một ngàn người; những người này đã đặt họ vào một vị thế thật là tệ hại: họ đã dẫn dắt người Anh, khi đám người nàyï chiếm đoạt thành phố. Tội ác của họ chưa bị trừng phạt, bởi vì chưa có những lực lượng được chỉ định để làm công việc này, và bởi vì những người thổ dân thừa nhận, ngoài chuyện tự nguyện tham gia, họ không còn một ông quan thầy nào khác. Ông đã quyết định trừng phạt họ. Tiếp theo đây là những luật lệ mà tôi thảo ra, cho tôi biết ông sẽ tiến hành ra sao."

Ngài toàn quyền tiến hành ra sao, tôi không được biết. Tôi không kiếm thấy chỉ dẫn nào tiếp theo đó, liên quan tới những người Chaguanes, trong số những tài liệu tại Viện Bảo Tàng. Có thể còn có những tài liệu khác về họ, trong núi giấy tờ lưu trữ tại Thư Khố Tây Ban Nha ở Seville, nhưng những nhà thông thái người Anh được nhà cầm quyền nước họ phái tới đó, đã bỏ sót, hoặc coi là không quan trọng, không cần phải sao chép. Duy chuyện này thì thực: cái bộ lạc nho nhỏ trên một ngàn người - có thể đã sống ở cả hai bên bờ Vịnh Paria - biến mất sạch, đến nỗi chẳng còn ai ở thành phố Chaguanas hay Chauhan biết một chút gì về họ. Và ngồi tại Viện Bảo Tàng, tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, mình là người đầu tiên, kể từ năm 1625, với con-người-đầu-tiên-là-tôi này, lá thư của vị Hoàng đế Tây Ban Nha đã có một ý nghĩa thực sự. Và lá thư này chỉ được moi ra khỏi những thư khố vào năm 1896 hay 1897. Một sự biến mất, và rồi thì là, một sự im lặng hàng bao thế kỷ.

(còn tiếp)

Jennifer Tran chuyển ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
John Cassidy, trong bài viết trên The New Yorker, số đặc biệt về "Next" (Oct 20/27, 97),
Những người từng ở Trại Cấm Sikiew, Thái Lan, chắc khó quên được Giáng Sinh 1991.
Trong những tác phẩm của Sơn Nam, có một, ít được nhắc tới, nhưng đối với cá nhân người viết,
Trước 1975, tôi làm ở… bên trong Bưu Điện. Sau 1975, tôi làm ở… bên ngoài
Tôi chẳng biết điều đó muốn nói gì Tôi thật quá buồn Một câu chuyện từ đời thuở nào Cứ ở mãi trong đầu tôi (nhạc phổ thông Đức)
Hiếm nhà văn được như Borges: ông đi vào truyền thuyết, ngay từ khi còn sống,
“Tình Trại” là một trong những cuộc phỏng vấn những kẻ sống sót từ trại tù Norilsk.
“Thời gian là nhân vật thực sự của tôi” Naguib Mahfouz
Tại sao thi sĩ, trong một thời đại khốn khổ như thế này"
Lò Thiêu Người, Holocaust, là một kinh nghiệm mang tính kỹ nghệ, thực dụng "siêu đẳng":
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.