Hôm nay,  

Tin Văn: Tôi Hết Còn Tin Vào Nơi Chốn Ấy - Phần Ii

24/11/200000:00:00(Xem: 5715)
Ông bị xúc động không hẳn bởi cách mà Auden truyền đi sự khôn ngoan - làm bật nó ra như trong dân ca - nhưng bởi ngay chính sự khôn ngoan, ý nghĩa này: Ngôn ngữ là trên hết, xa xưa lưu tồn dai dẳng hơn tất cả mọi điều khác, ngay cả thời gian cũng phải cúi mình trước nó. Brodsky coi đây là đề tài cơ bản, trấn ngự của thi ca của ông, và là nguyên lý trung tâm của thơ xuôi và sự giảng dạy của ông. Trong cõi lưu đầy như thế đó, ông không thể tưởng tượng hai mươi năm sau, khăn đóng, áo choàng, ông bước lên bục cao nơi Hàn lâm viện Thụy-điển nhận giải Nobel văn chương, nói về tính độc đáo của văn chương không như một trò giải trí, một dụng cụ, mà là sự trang trọng, bề thế xoáy vào tinh thần đạo đức của nhân loại. Nếu tác phẩm của ông là một thông điệp đơn giản, đó là điều ông học từ đoạn thơ của Auden: "Sự chán chường, mỉa mai, dửng dưng mà văn chương bày tỏ trước nhà nước, tự bản chất phải hiểu như là phản ứng của cái thường hằng - cái vô cùng - chống lại cái nhất thời, sự hữu hạn. Một cách ngắn gọn, một khi mà nhà nước còn tự cho phép can dự vào những công việc của văn chương, khi đó văn chương có quyền can thiệp vào những vấn đề của nhà nước. Một hệ thống chính trị, như bất cứ hệ thống nào nói chung, do định nghĩa, đều là một hình thức của thời quá khứ muốn áp đặt chính nó lên hiện tại, và nhiều khi luôn cả tương lai..."

Trước khi rời nước Nga, Brodsky viết cho Bí thư Đảng Cộng-sản Liên-xô, Leonid Brezhnev: "Tôi thật cay đắng mà phải rời bỏ nước Nga. Tôi sinh ra tại đây, trưởng thành tại đây, và tất cả những gì tôi có trong hồn tôi, tôi đều nợ từ nó. Một khi không còn là một công dân Xô-viết, tôi vẫn luôn luôn là một thi sĩ Nga. Tôi tin rằng tôi sẽ trở về, thi sĩ luôn luôn trở về, bằng xương thịt hoặc bằng máu huyết trên trang giấy... Chúng ta cùng bị kết án bởi một điều: cái chết. Tôi, người đang viết những dòng này sẽ chết. Còn ông, người đọc chúng, cũng sẽ chết. Tác phẩm, việc làm của chúng ta sẽ còn lại, tuy không mãi mãi. Đó là lý do tại sao đừng ai can thiệp kẻ khác khi kẻ đó đang làm công việc của anh ta."

Chẳng có gì chứng tỏ Brezhnev đọc thư. Cũng không có hồi âm.

Có nhiều nhà thơ có tài, có thể ở vào chỗ anh ta khi đó, Efim Etkind viết. Nhưng số phận đã chọn đúng anh ta, và ngay lập tức anh hiểu trách nhiệm về địa vị của anh - không còn là một con người riêng tư, nhưng trở thành một biểu tượng, như Akhmatova đã trở thành một biểu tượng quốc gia của người thi sĩ Nga, khi bà bị số phận lọc ra giữa hàng trăm nhà thơ, năm 1946. Thật quá nặng cho Brodsky. Ông có một bộ não tệ, một trái tim tệ. Nhưng ông đã đóng vai ông tại tòa án một cách tuyệt vời.

Brodsky không được may mắn với sức khỏe của ông. Tim ông bị mổ hai lần. Ông hút thuốc còn nhiều hơn Bogart, uống cà phê hơn cả Balzac. Khi tôi (David Remnick) tới gặp ông thực hiện cuộc phỏng vấn cho tờ Washington Post, một nhiếp ảnh viên tới. "Ông có thuốc lá không"", Brodsky hỏi thay cho câu chào. "Tôi đang chết vì thèm thuốc."

Ông từ chối vai trò kẻ tuẫn nạn nổi tiếng và chỉ làm công việc của ông: làm thơ, nhưng khi bị đòi hỏi, ông tiến lên, ở tòa án, ở lưu đầy xứ người, ông làm việc này một cách tuyệt hảo. Y. Rein, là bạn của Brodsky và cũng là một nhà thơ lớn, đã từng tuyên bố tại Moscow: Nước Mỹ hãy nhớ lấy lời này. Brodsky là một tiếng nói Nga lớn lao nhất của thời đại anh ta. Anh ta đến từ một thời đại tiếp theo những trại tù, những cấm ngăn, một thời đại tự nuôi nó bằng văn chương trong khi chẳng còn chi, nếu có chăng, chỉ là trống rỗng. Và anh luôn luôn là số một của chúng tôi.

Nadezhda Mandelstam, (Vợ nhà thơ Osip Mandelstam. Cuốn hồi ký trước đó của bà, Hy Vọng Chống Lại Hy Vọng, hay Hy Vọng Dù Không Còn Hy Vọng (Hope Against Hope), trong hồi ký "Hy vọng Rã Rời" (Hope Abandoned) viết, Brodsky là một người trẻ tuổi đáng kể, người sẽ đi đến một chung cuộc hẩm hiu, tôi sợ vậy. Bà đã nhầm. J. Brodsky đã đi đến tận cùng, đúng, nhưng ông đã chết khi tác phẩm được hoàn tất, được in ra bằng những ngôn ngữ quan tâm tới ông, tại một nơi là nhà, hay đại khái đủ như là nhà. Đó là ngôn ngữ, chứ không phải tự thuật. Với tiếng nói Nga, ông luôn luôn là kẻ trung thành. Với nước Nga ông luôn luôn nghi ngờ, cho tới cùng. Đối với ông, chỉ là thi ca, không phải anh hùng ca.

[Bài viết dựa theo Perfect Pitch, của David Remnick, viết về Joseph Brodsky, trong The Devil Problem. (Vintage Books NY , 1997)]

Năm 1991, ông được tặng danh hiệu Poet Laureate (Thi sĩ Quế Quan, Nhà Thơ Với Vòng Nguyệt Quế); và trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội (Hoa-kỳ), ông đã đưa ra đề nghị nhà nước nên tài trợ việc phát hành tuyển tập thi ca Hoa-kỳ, để được bán tận cửa từng gia đình, hoặc bầy trong những tiệm thuốc, quán ăn, hay ở phòng ngủ khách sạn ven đường (motel rooms), bên cạnh cuốn Thánh Kinh, Gideon Bible. "... Năm triệu ấn bản tuyển tập thi ca Hoa-kỳ có thể bán ra, với giá 2 đô-la/một, tại một xứ sở có hai trăm năm chục triệu người dân. Có thể không bán hết liền một lúc, nhưng dần dần, từ từ, trong một thập kỷ, đại khái vậy. Những cuốn sách đi tìm độc giả. Nếu không bán hết, cũng tốt thôi, hãy để chúng nằm đó, nếm bụi bặm, bị gặm nhấm, và mục nát ra. Luôn luôn sẽ có một đứa bé lôi ra được một cuốn sách (câu ra được, fish a book out) từ thùng rác ở nhà xe. Tôi đã từng là một thằng bé như thế..."

Chẳng bao giờ có bất cứ lý do gì để trở lại St. Petersburg:

Having sampled two oceans as well as continents,
I feel that I know what the globe itself must feel: there's no where to go.
Elsewhere is nothing more than a far-flung strew
of stars, burning away.

Tạm dịch:
Đã nếm trải hai đại dương cũng như hai lục địa
Tôi cảm thấy rằng, tôi biết được, chính trái đất này phải cảm nhận như thế nào:
Không có nơi nào để mà thoát cả.
Bất kỳ đâu đâu, có khác gì một chùm sao xa xăm tắt lịm dần.
Hoặc:
Đất, biển nào
cũng thế thôi
Cũng đành như trái đất cũng đành:
Chẳng có nơi nào, để mà đi tới
Cứ như chòm sao,
thất tán,
tắt lịm dần.

Một vài tuần lễ, trước khi Brodsky được giải Nobel văn chương vào năm 1987, ký giả David Remnick gặp gỡ nhà thơ, tại căn phòng dưới hầm, nơi con phố Morton Street, khu Greenwich Village, New York. Thời kỳ đổi mới vừa bắt đầu. Thơ của ông được in ấn ở Nga, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ. Ông chẳng giấu diếm, dù chỉ một tí, niềm vui. Đối với một chế độ (như thế), việc xuất bản tác phẩm của ông, và những tác phẩm bị "biếm" khác, là trả lại cho "khổ chủ" tài sản đã bị ăn trộm, ăn cắp.
Đâu cần phải biết ơn kẻ trộm!

***

Khoảng năm 1988, do sinh kế, gia đình tôi mở ngay một sạp báo trước ngõ. Chủ nhân đích thực, ông cán bộ nhà kế bên. Như một cách giữ chỗ, trước khi về hưu, và cũng muốn giúp đỡ gia đình ngụy. Cư xá nơi tôi ở vốn thuộc nhà nước cũ, đa số là công chức có nghề chuyên môn, được chính quyền mới cho lưu dụng, sau ba ngày cải tạo.
Đó là những chuyện ngay sau ngày 30 tháng Tư, 1975.

Thời điểm 1988-89 đã có chủ trương cởi trói cho những nhà văn cách mạng, có thể nhờ vậy, văn chương, văn nghệ sĩ nguỵ cũng được ăn theo. Một số sách trước 1975 nay thấy tái bản, dưới tên khác. Do biết chút ngoại ngữ, tôi được một người quen làm nghề xuất bản mướn dịch, những tác phẩm, thí dụ như của nhà văn y sĩ người Anh, Cronin. Rồi một người quen, trước 1975 cũng có viết lách, lúc đó làm chân sửa mo-rát cho một nhà xuất bản nhà nước, cho biết, ông chủ của anh muốn tái bản cuốn Mặt Trời Vẫn Mọc, dịch Hemingway, của tôi.

Tới gặp, ông cho biết cần phải sửa. Thứ nhất, bản dịch của tôi dùng nhiều tiếng địa phương, như "bồ tèo", "xập xệ"... Thứ hai, có rất nhiều chỗ dịch sai. Tôi coi lại, quả như thế thật.

Trước 1975, sách dịch chạy theo thị hiếu người đọc, theo nhu cầu thương mại. Cứ thấy một tác giả ăn khách là đua nhau dịch. Hồi đó, tôi làm cho nhà xuất bản Vàng Son của ông Nhàn, một chi nhánh nhà xuất bản Sống Mới. Nhà in số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần nhà tôi, là của linh mục Cao Văn Luận. Trước đó, cuốn Ngày Dài Nhất (sự thực là cuốn Cuộc Đổ Bộ, Le Débarquement, nhưng do phim Ngày Dài Nhất, phỏng theo tác phẩm của Cornelius Ryan đang trình chiếu trên màn ảnh Sài-gòn, nhà xuất bản đã đổi tên) do tôi dịch cũng đã đụng với một nhà xuất bản khác. Thế là, dịch chối chết, cốt sao ra trước kẻ địch! Rồi tới Hemingway đang được mùa. Huỳnh Phan Anh, ông bạn tôi "chớp" ngay Chuông Gọi Hồn Ai. Tôi "vớ" thế hệ bỏ đi, tuy Mặt Trời Vẫn Mọc! Ngồi ngay tại nhà in, dịch tới đâu, thợ sắp chữ tới đó.

Đọc lại, ngượng chín người. Thí dụ như câu: cuối năm thứ nhì (của cuộc hôn nhân), at the end of the second year, tôi đọc sao, thành: cuối đệ nhị thế chiến, at the end of the second war!
Sau đó, tôi làm việc với nhà xuất bản, sửa lại bản dịch, dưới sự "kiểm tra" của Nhật Tuấn, ông em của Nhật Tiến. (Làm việc ở đây không có nghĩa nhà xuất bản trả lương, nhưng tôi có nhận một số tiền tạm ứng, tính vào nhuận bút cuốn sách, khi tái bản). Lâu lâu ghé trụ sở "phía Nam", của nhà xuất bản, tôi có lần được biết mặt một số nhà văn Miền Bắc, trong số đó có Nguyễn Khải. Cũng ở nơi đây, tôi gặp một số người viết trẻ như Đỗ Trung Quân, khi đó làm chân chạy việc cho nhà xuất bản nọ. Rồi cứ thế, tôi biết thêm một số anh em khác, như Nguyễn Đông Thức, con trai bà Tùng Long (nhà văn, chủ nhân tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn tại Sài-gòn trước 1975) lúc đó làm cho tờ Tuổi Trẻ. Rồi Đoàn Thạch Biền, đã viết ở Văn, dưới bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh. Họ đều biết tôi, trước 1975.

Tôi không nhớ rõ, ai trong số họ, đề nghị tôi viết, cho tờ Tuổi Trẻ, mục điểm sách. Bài đầu tiên là về cuốn Thám Tử Buồn. Một truyện dịch từ một tác giả Liên-xô. Thảm cảnh nước Nga sau đổi mới. Băng hoại tinh thần, đạo đức đưa đến tội ác. Có những cảnh như con cháu đưa bố mẹ tới huyệt, chưa kịp chôn, đã tranh nhau chạy về nhà giành giật của cải, gia tài. Bố mẹ trẻ ham chơi, bỏ con chết đói: khi khám phá, miệng đứa bé còn con gián chưa kịp nuốt thay cho sữa. Cuốn tiếp theo, là Ngôi nhà của những hồn ma, của Isabel Allende. Tới cuốn thứ ba, là bị đụng. Một cuốn của Hoàng Lại Giang, "ông chủ" bất đắc dĩ của tôi. Bài viết, đọc lại trên báo, tôi thấy không được. Trong có từ "ngụy".

Thật tình mà nói, không biết do tôi, hay đã bị sửa. Có thể do tôi. Bởi vì vào thời điểm đó, ngụy là một từ chúng tôi rất ưa dùng, nhất là khi được ngồi với một hai đấng quan cách mạng. Nhưng một khi xuất hiện chính thức trên một bài viết như thế, vấn đề lại khác hẳn. Tôi ngưng viết cho Tuổi Trẻ.

Một bữa đang đứng bán báo, Đ. ghé. Tôi quen anh qua Huỳnh Phan Anh, cả hai cùng dân nhà giáo, trước 1975. Lúc này anh làm cho tờ Tuổi Trẻ. Chuyện đôi câu, anh đưa tôi mớ tiền. Hỏi, tiền gì. Tiền nhuận bút, đưa trước. Hỏi, báo nào" Anh mỉm cười, báo hải ngoại!

Hóa ra là, lúc đó có chủ trương, nhà nước làm "báo chui", ở hải ngoại, do mấy quan cách mạng ở trong nước cầm chịch. Bài viết, theo Đ., tha hồ đập nhà nước, y chang báo phản động ở hải ngoại, chắc vậy! Khó mà nói được, đây là nhằm giải tỏa áp lực ở trong nước, hay nhân cơ hội tóm bắt thành phần chống đối.

Đúng thời gian này, một khách hàng quen sạp báo nhờ kiếm giùm bản dịch tiếng Pháp Tội Ác và Trừng Phạt của Dostoevsky. Kiếm được rồi, như để trả ơn, ông khách úp mở chìa cho xem một tờ Time được ngụy trang bằng cái vỏ bọc là trang bìa tờ Đại Đoàn Kết. Tôi hỏi mượn. Trong số báo có bài tiểu luận: Sách, những đứa con của trí tưởng (Books, children of the mind).

Bài trên Time là nhân vụ cháy một thư viện nổi tiếng ở Nga, hình như thư viện thành phố St. Petersburg. Thiệt hại, theo tác giả, không thể tưởng tượng, và "không thể tha thứ" được. Ông tự hỏi, tại sao lại xẩy ra một chuyện "quái đản" như thế. Rồi ông tự giải thích: cái nước Nga nó vốn vậy. Chỉ ở nơi đó mới xẩy ra những chuyện tréo cẳng ngỗng như thế. Ông dẫn chứng: thời gian thành phố bị quân đội Đức Quốc Xã vây hãm 900 ngày, cuộc vây hãm dài nhất lịch sử hiện đại; trong khi nhân dân thành phố lả vì đói và lạnh, tiếng thơ Puskhin vẫn ngân lên từ đài phát thanh thành phố cho cả nhân dân Nga cùng nghe. Nhưng theo ông, cũng chính nước Nga là quốc gia đầu tiên, dưới thời Nữ hoàng Catherine, đã đưa ra lệnh kiểm duyệt báo chí, và đầy văn nghệ sĩ đi Siberia... Đọc bài báo, lén lút, những khi vắng khách, nhìn những cuốn sách đang nằm trên sạp, tôi chợt nhận ra một điều: chúng đều mới tái sinh, từ đống tro than, là cuộc phần thư 1975. Cuốn Khách lạ ở thiên đường, của Cronin đang nằm kia, vốn đã được dịch. Nhiều cuốn khác nữa, chúng đang nhìn tôi mỉm cười: Hà, tưởng gì, chúng mình lại gặp nhau!

Tôi viết về nỗi vui tái ngộ, về cuộc huỷ diệt trước đó. Về những đứa con của trí tưởng, có khi cần phải được tẩy rửa bằng "lửa". Tuy đau xót, nhưng đôi khi thật cần thiết. Nhân đó, tôi viết về những tác giả đang nổi tiếng, và tiên đoán, một cuộc phần thư "thứ nhì" sẽ xẩy ra, do chính họ, tự nguyện, nếu muốn lịch sử văn học Việt Nam lại có một cuộc tái sinh!

Đ. nhận bài hí hửng mang về. Đâu hai ba bữa sau, anh trở lại, trả bài viết, lắc đầu: không được! Nhưng thôi, tiền tạm ứng, biếu anh luôn!

Hỏi, anh cho biết, ông chủ nhiệm của tờ báo "hải ngoại", sau khi đọc bài viết, đã đi gặp thủ trưởng, yêu cầu: nếu cho đăng những bài như thế này, phải cấp cho ông một "cái bùa hộ mệnh", chứng nhận nhà nước cho phép ông làm chủ nhiệm hoặc chủ bút một tờ báo "phản động"! Nếu không sau này, cả ông lẫn người viết đều đi tù!

Lệnh "miệng" thì được, bố ai dám thò tay ký một lá bùa "quái đản" như thế!

Đoàn Thạch Biền loáng thoáng nghe, chạy lại: để tôi, đăng trên "báo nhà", tờ Công Luận, trụ sở ở khu thuộc nhà thờ Đức Bà, đối diện Bưu Điện thành phố, nơi có mấy quán cà-phê, đám văn nghệ sĩ thường la cà, tụ tập. Nhưng rồi cũng lắc đầu. Người viết thử lại một lần nữa, với tờ Kiến Thức Ngày Nay, trụ sở lúc đó ở đường Trần Hưng Đạo. Tuần sau trở lại, gặp một anh thư ký trẻ măng, kính cận dầy cộm. Anh nhìn, ngạc nhiên ra mặt: ông là ai mà tôi chẳng biết" Chẳng nghe nói" Anh giải thích: Thường ở đây, bài chỉ cần đánh máy hai bản, một lưu, một đưa sắp chữ. Bài của ông, phải ba. Một đưa qua mấy anh bên Hội Nhà Văn thành phố, để mấy anh quyết định, nếu cần xin ý kiến thành uỷ! Các anh cho biết, cho đăng, nhưng phải sửa lại rất nhiều.

Tôi xin lại bài viết.
Bài sau đó, nằm trong tay một trong số những người thuộc ban chủ biên tờ Tuổi Trẻ. Anh nói: tôi giữ lại đây, hy vọng sau này có dịp đăng. Như một cách giúp đỡ, anh đề nghị, vì tôi có sạp báo, mỗi tuần anh nhờ tôi điểm hết những đầu sách mới ra, theo kiểu tóm tắt nội dung, không cần phê bình. Tòa báo sẽ cộng giá bán những cuốn sách, thành tiền nhuận bút.

Liền sau đó, tôi gặp lại một người bạn, trước là nhiếp ảnh viên cho một hãng tin nước ngoài. Qua anh, gia đình chúng tôi thực hiện chuyến đi dài, chạy trốn quê hương.

Viết lại câu chuyện, tôi bỗng nhớ những ngày làm việc tại nhà xuất bản nọ. Ngoài Nhật Tuấn, và Hoàng Lại Giang tôi có dịp trò chuyện, những người khác đều không biết tôi, và tôi cũng chẳng biết họ. Nghĩa là hai bên chẳng có chuyện gì dể nói. Nhớ thái độ cởi mở, quí mến, và thân thiện, của mấy người bạn trẻ. Những lời ân cần của anh phụ trách tờ Tuổi Trẻ (hình như tên Thức, nhưng không phải Nguyễn Đông Thức. Thời gian còn Kim Hạnh).

Những người viết Miền Nam trước 1975, ở lại, hình như đều viết trở lại. Tôi có lẽ là người đầu tiên được một nhà xuất bản nhà nước đề nghị tái bản, tuy là bản dịch, tác phẩm Mặt Trời Vẫn Mọc.

Trường hợp Sông Côn Mùa Lũ, của Nguyễn Mộng Giác, một tác giả hải ngoại, được xuất bản (tái bản) ở trong nước làm nhớ tới nhận định của ký giả người Mỹ David Remnick, như ở trên đã nói: Đâu cần phải biết ơn kẻ trộm!

Có người đặt vấn đề, về ý nghĩa một bộ sách như Sông Côn Mùa Lũ, bầy kế bên những tác phẩm thuộc dòng chính thống như Lênin toàn tập, Nhật Ký Trong Tù... Ở đây, theo tôi, nếu có sự thất thế, tủi nhục, thì phần lớn là thuộc về kẻ trộm, không phải người mất trộm!

Kẻ mất trộm, không chỉ là tác giả cuốn sách.

Nguyễn Quốc Trụ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“To great writers, finished works weigh lighter than those fragments on which they work throughout their lives.”
'Đó là một cuộc sinh mới. Tôi tự làm mới chính tôi. Tôi được mọi chuyện, thêm một lần nữa.'
Thi sĩ Joseph Brodsky, đứa con lạc loài của một thành phố mất tên, và trở thành "cố đô",
Di dân, kẻ lưu đầy, người xa xứ, gã tị nạn, tay suốt đời lang thang, người của mọi nơi...
Sinh tại Sri Lanka, Michael Ondaatje học tại Anh, hiện định cư tại Toronto, Canada, nơi ông dậy môn văn chương.
Nhà văn Thảo Trường có tham vọng, nhét cả một cuộc chiến vào trong một truyện ngắn.
'Ngày xưa có một ông thánh Garta...' truyền thuyết về Kafka hình như đã bắt đầu như vậy.
Bình Nguyên Lộc là nhà văn Miền Nam thân cận nhất đối với thằng bé di cư-tôi ngày nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.