Hôm nay,  

Tin Văn: Nói Thêm Với Borges, Gide Và Gogol

23/04/200100:00:00(Xem: 7196)
1. Borges và những hồn ma của ông

Tôi đã phạm tội tồi tệ nhất trong mọi tội…
Tôi đã không… hạnh phúc.
Borges

Mới 23 tuổi, Borges đã tuyên bố, “trò sướt mướt thờ phượng, to mồm về cái tôi đang làm bại hoại nghệ thuật”, trong bài viết “Mình là cái quái gì” (“Nothingness of Personality), được viết năm 1922. Bây giờ, nó mở ra tuyển tập nói trên, hai phần ba trong số đó chưa hề được xuất bản bằng tiếng Anh. Chàng thanh niên người Á Căn Đình, trong cơn bàng hoàng mặc khải đầy chất tranh luận, đã tuyên chiến với chính mình: “Cái tôi không có”. (The self does not exist).

Cái từ “không” trong cụm từ “không-giả tưởng” có thể làm nản lòng một độc giả không muốn nhức đầu với ba chuyện nghiêm túc về văn học. Nhưng với Borges, làm sao có chuyện đó. Những bài viết ở trong Tuyển Tập hầu hết được chiết ra từ cái giếng sâu của tưởng tượng sáng tạo. Những “giả tưởng” thứ thiệt, nổi tiếng, chưa chắc đã với tới chúng. Hơn thế nữa, chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn, thế nào là giả tưởng. Năm mươi sáu năm, sau khi tuyên bố một cách nẩy lửa như trên, chàng thanh niên bây giờ đã già, mù, nhưng vẫn đáng yêu như thuở nào, nói về bất tử, “Tôi không muốn tiếp tục là Jorge Luis Borges. Tôi muốn là một người nào đó. Tôi hy vọng cái chết của tôi sẽ là hoàn toàn; tôi hy vọng chết, cả về thể xác lẫn linh hồn”.

Chúng ta nhận ra thông điệp của ông. Trong khẳng định trước đó, khi còn trẻ măng: “cái tôi không hiện hữu”; khi về già: “cái tôi đúng là một gánh nặng”. Không phải một gánh nặng nào đó, mà là “the” burden. Tất cả những gì Borges viết, cho dù giả tưởng hay không giả tưởng, đều căng thẳng giữa hai đầu mối nêu trên: cái tôi chỉ là một bịa đặt, thật dễ dàng làm cho nó tiêu ma vào cõi vô thường, hoặc chối bỏ nó; cái tôi như là một đòi hỏi quá đáng, gây bực mình…

Nhưng Borges muốn nói gì khi thú nhận, “Tôi muốn là một người nào đó”"

Trong một kỳ tới, Jennifer tôi sẽ trở lại với câu hỏi này. Và với những hồn ma của Borges.

2. Từ Liên bang Xô viết trở về.
Kỷ niệm lần thứ 50 ngày mất của André Gide, nhà xuất bản Pléiade đã trình làng cuốn Đi và Nhớ (Souvenirs et Voyages) của nhà văn người Pháp này; trong có hai bài viết, một về chuyến du lịch Congo, Voyage au Congo, cho thấy bộ mặt ghê tởm của chế độ thực dân tại đây; và một, rất nổi tiếng của ông: Từ Liên bang Xô viết trở về (Retour de l’U.R.S.S).

Từ đầu thập niên 1930, Gide đã tỏ ra có thiện cảm và xoắn xuýt với những người cộng sản: Đảng phái ông tới Berlin đòi trả tự do cho Ernst Thalmann; Nhân loại, báo Đảng, cho đăng nhiều kỳ truyện dài của ông, Les caves du Vatican. Chỉ còn nghi lễ “rửa tội” sau chót: chuyến hành hương về nguồn, hay cái nôi của chủ nghĩa vô sản.

Gide đã thực hiện chuyến đi này vào năm 1936. Ông mở rộng cả tai lẫn mắt để chiêm ngưỡng “thiên đường”, và đã nhìn ra cái hố sâu giữa thực tại và tuyên truyền. Trở về Pháp, mặc dù mấy ông bạn thân “năn nỉ”, thôi bỏ qua đi, nhưng Gide, vốn dị ứng nặng với những điều dối trá, đã lắc đầu quầy quậy. Thế là “thằng ngu được việc” (“l’idiot utile”), như Stalin “trìu mến” gọi Gide, đã biến thành con rắn độc dâm đãng.

Những nhận xét của ông về thiên đường cộng sản, và nhất là khẳng định, “những tình cảm tốt đẹp chỉ đẻ ra một thứ văn chương tồi”, đã như một cú sét, giữa trời quang mây tạnh, trong khu trại của những ngày mai ca hát.

Trên tờ báo Pháp “Đọc”, số tháng Tư 2001, có trích đoạn bài viết của Gide. Ông nhận xét, công dân Xô viết hoàn toàn mù tịt về thế giới bên ngoài. Hơn thế nữa, họ đều bị nhà nước cho ăn cháo lú, và đều tin rằng, bên ngoài Liên bang Xô viết, cái gì cũng tệ hại, ao nhà là số một. Và từ đó, là mặc cảm tự tôn. Ông cho vài thí dụ.

Về học ngoại ngữ, một học sinh cho biết, “Cách đây vài năm, Đức và Mỹ còn có vài điều để học. Nhưng bây giờ, chúng tôi chẳng cần học gì ở những người nước ngoài. Như vậy, hà cớ gì phải học ngoại ngữ"” Điều họ lo nhất, đó là những người nước ngoài không được thông báo đầy đủ về những cái hay cái đẹp của họ. Để diễn tả hết cái hay cái đẹp ở đất nước họ, sợ nước ngoài không đủ giấy!

Có nhiều nhận xét của ông làm cho Jennifer Tran tôi nhớ lại những ngày, ngay sau 30 tháng Tư, 1975, tại Sài Gòn, nhưng thôi, “nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng quá người ơi!”

3. Nói thêm về Gogol
Trong bài viết, “Chúng ta đều chui ra từ Chiếc Áo Khoác”, Jennifer tôi đã sai lầm một chi tiết, khi cho rằng, qua giai thoại, Gogol viết “Những Linh Hồn Chết” từ một gợi ý của bạn mình là Ivan Turgenev. Thật ra là từ Alexander Pushkin.

Ngoại trừ Những Linh Hồn Chết, coi như hoàn tất vào năm 1842 (coi như, bởi vì chỉ có phần đầu hoàn tất, phần sau là những mẩu đoạn), tất cả những tuyệt tác của Gogol được viết trong thời gian từ 1831 tới 1835; năm năm nở ra những tác phẩm như Những buổi tối tại một trang trại gần Dikanka (1831), bốn truyện vừa về Petersburg, Tarass Boulba… Sau 1835, ông cứ trở đi trở lại, sửa tới sửa lui, và mười năm sau cùng của cuộc đời ông, từ 1842 trở đi, là dùng vào việc huỷ diệt chúng, và cũng ba lần lại bắt đầu, và rồi lại đốt bỏ, bản thảo phần hai Những Linh Hồn Chết. Cơn điên khùng của nhân vật Tchartkov, trong “Chân Dung” - đốt những tác phẩm nghệ thuật (sự thực là của người khác) - có lẽ đã ứng vào Gogol. Với ông, tác phẩm khi đã hoàn tất, trở nên đáng ghét.

Khởi đầu là ngọn lửa thiêu huỷ, và chấm dứt, cũng bằng nó: Gogol rời vùng đất quê hương, Ukraine, với hy vọng sẽ khởi nghiệp văn tại thành phố lớn, St Petersburg. Bỏ tiền túi ra in tác phẩm đầu tay, Hans Kuchelgarten (1829), nhưng nó là một thất bại hoàn toàn, thế là tác giả của nó lóc cóc đi thu gom, nhặt nhạnh, ném vào ngọn lửa tất cả những ấn bản ông vớ được.

“Tôi bịa đặt ra, cho chính tôi, những nhân vật với những tính tình gây cười, tôi đẩy họ vào những hoàn cảnh rất ư lố bịch, chẳng thèm đưa ra một nguyên do, một mục đích, hay một lợi ích cho một kẻ nào,” Gogol viết, trong Lời thú nhận của một nhà văn. Ông ít để ý đến đề tài, càng ít để ý tới một mục đích (finalité) tác phẩm, và thường nhờ bạn là Pouchkine, gà cho một đề tài. Đề tài “Le Révizor” (1836) cũng từ Pouchkine. Đây là một hài kịch gây chấn động khán thính giả, ngay lần trình diễn đầu tiên, với sự hiện diện của Nga Hoàng Nicolas Đệ Nhất; chính ông đã ra lệnh dàn dựng, vì vậy mà thoát khỏi kiểm duyệt.

Nhà thơ Pouchkine kể cho Gogol nghe, câu chuyện một ký giả, trong lần du ngoạn ở Bessarabie, đã bị lầm là một thẩm tra viên nhà nước (Révizor). Từ mẩu chuyện trên, Gogol sáng tạo ra nhân vật Khlestiakov, một viên chức trẻ ở Petersburg, đi du ngoạn vùng quê, và cạn túi vì cờ bạc. Ghé một tỉnh nhỏ, đúng lúc có văn thư nhà nước cho biết, sẽ có một thẩm tra viên tới đây, thế là quan lớn quan bé, thân hào nhân sĩ xì xầm, đúng anh ta rồi, cái anh chàng trẻ tuổi vừa ghé quán ăn đầu tỉnh, chẳng thèm trả tiền trọ…

Chiếc Áo Khoác (1842), được viết trễ nhất, trong số những truyện vừa (nouvelle) về thành phố Petersburg. Khởi thảo năm 1839 tại Moscow, với nhan đề “Câu chuyện một người công chức ăn cắp những chiếc áo khoác”, được viết lại ở Rome, thời gian 1839-41, gợi hứng từ một mẩu chuyện (anecdote) nghe được vào thời gian giữa 1832 và 1835: một viên chức dành dụm tiền bạc, mua được một cây súng săn, làm mất nó ngay lần đầu ra quân, ngã bịnh tiếc của, và được bạn bè hùn tiền mua cho một cây súng khác. Nhan đề chiếc áo khoác, là từ tiếng Nga “chiniel” (từ tiếng Pháp “chenille”), dùng để chỉ một chiếc áo khoác bằng lông, mặc phủ lên bộ đồng phục. Từ này giống cái, và hàm ý nhục dục, (do đó Gustave Aucouturier đã “dám” đưa ra đề nghị, nên dịch ra tiếng Pháp là “cái áo mưa”, “la capote”; xin xem ghi chú về Gogol, trong Toàn bộ tác phẩm, nhà xuất bản Gallimard, tủ sách Pleiade, 1966, trang 529).

Nabokov cũng bị ảnh hưởng bởi Gogol, trong Nhạt Lửa (Feu Pâle, 1962) của ông, câu chuyện một gã khùng cứ nghĩ mình là vua. Trong một tiểu luận về Gogol (1944), dành cho những độc giả không chuyên, không rành tiếng Nga, Nabokov đã đưa ra một Gogol với một tầm nhìn lớn, nhưng luôn bám vàøo chi tiết. Ông nhấn mạnh tới tính mỹ học nội tại của bản văn, theo đó, nghệ phẩm không phải là phát ngôn viên của tác giả: nó muốn là chính nó, sáng tạo ra thực tại cho chính nó. Ông viết:

Chiếc Áo Khoác của Gogol là một cơn ác mộng tối tăm và thô kệch đã chọc những lỗ thủng đen ngòm vào dòng đời chẳng có chi là rõ ràng. Một độc giả phiến diện sẽ chỉ coi đây là một câu chuyện của một tên hề quá lố. Một độc giả “nghiêm túc”, coi đây là một tố cáo chế độ thư lại ghê tởm của nước Nga. Nhưng đây là một tác phẩm không dành cho bất cứ độc giả nào không biết cười, không thèm đến phát điên, một tác phẩm làm cho mình “đau đầu”. Nhưng hãy tóm lấy một độc giả có đầu óc sáng tạo: đây là một câu chuyện dành cho anh ta. Và với độc giả này, Gogol chính là một kỳ tài, về phi lý. Ở đây, là nghệ thuật chống lại cái thực, là hiện thực huyền ảo, là thế giới được tái dựng lại…

Jennifer Tran

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi đương ở trong phòng giải lao của trường thì có cảm giác là lạ: Thấy rờn rợn trên xương sống
Tóm lại, cần nhứt là cái tâm, tâm còn động, còn để buồn vui, tham giận mê hướng dẫn mình là điều nên tránh. Tâm phải tịnh
Một dấu hiệu chỉ ra sự khiếm khuyết của hồi ức, đó là nó nhớ ba chuyện lẩm cẩm.
Nói cho cùng, đứa trẻ nào thì cũng cảm thấy tội lỗi đầy mình đối với bố mẹ, bởi vì, nó biết rằng,
Đồ đạc lớn nhất của chúng tôi – hay nói đúng ra, món đồ chiếm chỗ nhiều nhất – là cái giường của ba mẹ tôi.
Căn Phòng Rưỡi (không hiểu một không gian như vậy có ý nghĩa gì không, ở trong tiếng Anh),
Căn Phòng Rưỡi (không hiểu một không gian như vậy có ý nghĩa gì không, ở trong tiếng Anh),
"Ni héros ni traitres" là tên bài viết trên báo Pháp, Đọc (Lire), số tháng Năm 2002, về một cuốn sách mới ra lò:
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.