Tuệ Mai – Nhã Ca: Hai tác giả nổi tiếng trong dòng văn học 20 năm của miền Nam Việt Nam.

06/05/202200:00:00(Xem: 3078)
 
Nhã Ca với tập thơ đầu tay Nhã Ca Mới, đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1965. Giải Khăn Sô Cho Huế (1969) đoạt Giải Văn Chương Toàn Quốc về văn năm 1970, và Tuệ Mai đã đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1966 với thi phẩm Không Bờ Bến. Thơ. Họ là cột mốc đánh dấu cho sự chuyển mình khai phá bứt ra khỏi phong cách thi ca tiền chiến. Thi ngữ, thi ảnh nơi họ khơi gợi ở người đọc cảm xúc mới mẻ, thi pháp tuy còn giữ nhiều về thể luật của các loại thơ vần điệu, nhưng được chở dưới nhạc điệu cấu tứ mới – kể cả lục bát – nên cũng có thể nói họ đã cách tân những thể loại thơ này vào thời đó, đặc biệt, ở thể loại tự do, với Nhã Ca, một luồng gió mạnh thổi bật gốc rễ của trói buộc ngôn từ, định kiến. Và cho đến lúc này, chúng ta đã khẳng định được rằng thơ họ là nền tảng, bệ phóng, là bước mở đường vững chãi cho lớp nhà thơ nữ ở thế hệ kế tiếp. Họ gieo trên mảnh đất màu mỡ của thi ca những hạt giống tốt, từ đó cây lên mạnh, hoa đẹp hơn và quả ngon hơn. Chẳng phải là một truyền thừa quý báu và may mắn cho thế hệ sau lắm sao!

nha tho tue mai
Tuệ Mai
 
TUỆ MAI (1928-1982): bà là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Á Nam Trần Tuấn Khải). Bà đã cho ra đời nhiều thi phẩm, trong đó tập Không Bờ Bến đã đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc về Thơ năm 1966.  Bài thơ Vu Quy của bà được Phạm Duy phổ nhạc và nổi tiếng qua tiếng hát July Quang. Tuệ Mai nói gì về Thơ và về cái Tôi? Gói gọn trong bốn câu rất thơ và rất đạo ở đoạn này:
 
Tôi thơ mãi cho thơ tôi góp
thành số không ở cõi chon von
khi xếp cánh nghỉ dài vô hạn
tôi yêu tôi con số khoanh tròn…
(Thơ Tuệ Mai,1974)
 
Đa số thơ Tuệ Mai làm theo thể 5 chữ, 7 chữ và lục bát, nhưng thơ tự do của Tuệ Mai ngày nay đọc lại chúng ta vẫn thấy hơi mới mẻ của nó, như những thơ trích dẫn sau:
 
TRƯỚC SAU
 
Vòng khăn tang lớn dần quấn hãm đời nàng
Giải khăn tang dài, dài hơn con đường tự khởi điểm thôi nôi
Tới khúc quanh năm tháng
Những đám tang
Ôi những đám tang huyệt mùa đông ngăn ngắt
Bia mộ dựng trong nàng
Mỗi một bia một ngọn lửa tàn
Bên một con sông cạn
Như một tắt âm thanh…
Thế giới nàng ngày mở ra với bao nhiêu ngọn lửa
Bao nhiêu dòng sông
Bao nhiêu tiếng hát
Những tiếng hát cao như dự tưởng của nàng
[…]
(Trích đoạn)
 
 
KHU VƯỜN NHÀ NGỤC TÔI

Có phải chúng ta
công việc bắt đầu là
dựng xây nhà ngục

Ngục mọi người đều gắng thật to
tống giam mình vào đó
suốt đời không cho ra

Bằng sức lực thanh xuân,
tôi dựng lên những bức tường cao ngất
bằng trái tim tuổi trẻ,
tôi đốt lên những vòng lửa rực trời
bằng bước chân kiêu hãnh, tôi hăm hở đẩy thân tôi
bằng bàn tay khéo léo, tôi ra sức đóng cài mọi cửa

Và tôi rất tự do
đi lại trong nhà ngục
và ngục rất tự do
xoay cùng tôi đây đó

Tôi trang trí ngục tôi
bằng những hình ngộ nhận
đang thể hiện nơi nơi
bằng những hình xung đột
trong tranh chấp đời đời

Bằng muôn vàn khắc khỏai
trong tình ái tuyệt vời
bằng não tâm dã thú
trong bộ áo con người
bằng rất nhiều tráo trở
trong nhân loại là tôi

Như thiêu thân tự do lao vào đèn
tôi tự do xây nhà ngục cao thêm

Tháng ngày leo miết quanh chòi sắt
để thấy mình đương sống hiển nhiên
  
NHƯ ĐỜI TRẺ LẠI
 
Tôi vẫn đi đây lòng đầy tín ngưỡng
(xin đừng bắt vào thờ phụng nơi đâu)
sắc áo hồn nhiên sắc cờ tự tại
tôi với mênh mang, tôi với muôn màu
 
Tôi đang đi đây, tôi đang đi đây
đừng hỏi tới đâu, đừng hỏi bao ngày
xuân hạ thu đông người rành rẽ việc
tôi vô dụng hoài như chim bướm bay
[…]
(Trích đoạn)
 
Và tôi, tôi với đêm sâu
Chợt đau vai yếu, chợt đau sử buồn
Quãng dài tanh tưởi máu xương
Quê hương thí điểm – quê hương nát nhàu...
(trích đoạn bài Nét Nhìn Rạng Đông)
 
ĐÊM TÔI

dòng thương nét nhớ miên man
tôi năm dấu chữ trên trang thư tình
tim dồn nhịp chấm âm thanh
lửa người hồn khói lênh đênh tưởng vời

sầu mi giọt đọng thương hoài
tôi viên thuốc ngủ đưa người qua đêm
còn không môi nóng môi mềm
tôi ly nước cạn đứng yên góc bàn

nhạc mềm ru bước tình lang
tôi trăng giữa tháng cười vàng đêm xanh
chợ đời vui quá đi anh
tôi bìa tạp chí mang hình phấn son

bụi tung ngã rẽ đường còn
tôi giày da cũ đế mòn lạc đôi
đêm mờ làng cũ xa xôi
tôi con đom đóm vờn soi ao bèo

người tình duyên quấn quít theo
tôi cây thay lá trên đèo còn trông
bạn bè ngủ giấc buồn chung
tôi trao cánh vạc thinh không thốt lời...

– Tuệ Mai
 
Nhã Ca - Nguyễn Trung phác họa
Nhã Ca
 
NHÃ CA (sinh năm 1939 tại cố đô Huế): Theo Du Tử Lê, thì Nhã Ca – một xuất hiện rực rỡ của văn học miền Nam – Thơ bà “là những cánh cửa hé mở cho thi ca miền Nam thời kỳ đó, một chân trời khác.” Qua thời gian, nhận xét này càng chứng tỏ tính không thể phủ nhận của nó. Nhã Ca nổi tiếng cả về thơ lẫn văn. Với thi phẩm đầu tay, Nhã Ca Mới, bà đã đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1965. Và Giải Khăn Sô Cho Huế (1969) đoạt Giải Văn Chương Toàn Quốc về Văn năm 1970.
 
Thể loại thơ tự do của Nhã Ca là bước chân khai phá đầy ngạc nhiên và quyến rũ, không những riêng thời điểm nó xuất hiện, mà trụ lại vững chãi cho tới bây giờ, một sự mới không hề bị cũ đi, vẫn lừng lững bên cạnh thơ hiện đại của lớp nhà thơ trẻ hiện nay, xin đọc bài thơ này, bà sáng tác năm 1972, để thấy cái không thời gian của nó, để thấy hầu như, bản chất của nó là đương đại.
 
ĐÀN BÀ LÀ MẶT TRỜI
 
Vườn hoa nào cũng ở trước mặt chúng ta
Mùa xuân nào cũng nở cho ta những bông hồng
Hỡi các chị, chúng ta đều đẹp như mặt trời
Tinh khiết như bình minh
Vì chúng ta làm ra ái tình
Ra hoa lá và sự sống trên trái đất

Những người nam đã tán tỉnh chúng ta
Và chúng ta đã chọn cho lòng mình
Một ông vua
Trong những người nam đã gặp
Hỡi các chị đến gần tôi coi
Đến gần tôi và cùng rực rỡ

Chúng ta đã tạo một thiên đường
Đã tạo nên nhiều vị vua
Bởi chúng ta đẹp đẽ và xinh tươi
Vì những ham muốn đã tắm rửa cho chúng ta
Xui chúng ta nóng bỏng như lửa
Và lửa từ mặt trời
Mặt trời xinh đẹp
Chị có đôi mắt sâu như giếng nước phương Nam
Chị có tóc mun đen như dòng sông đêm Ai Cập
Chị có lòng nồng nàn, dữ dội như biển đông
Chị có ái tình ngọt như mật ong
Tôi sẽ tới van xin các chị
Nài nỉ các chị cho tôi mượn tất cả
Để tôi khoe với chàng
Đem tới cho chàng
Để chàng nâng niu
Coi tôi như công chúa

Chúng ta, mỗi người phải là một công chúa

Người đàn bà nào cũng đẹp
Mùa xuân và hoa hồng đều nở vì chúng ta
Chúng ta ban phát ái tình
Cho thiên đàng của chúng ta tươi tốt mãi

Chúng ta mua từ núi cao
những màu xanh rất non
mua từ rừng
những lá cây rất vàng
mua từ đất
những giếng nước rất ngọt
và từ biển
trân châu cùng ngọc bích
để trang điểm cho chúng ta đẹp đẽ
Chúng ta góp sông, núi, đồi trên thân thể
và rừng trong tóc

Tôi sẽ hỏi mượn các chị
mọi thứ xinh đẹp và nóng bỏng
tôi sẽ gõ các cánh cửa im lặng thật nhẹ
để chàng kinh hoàng nhận ra tôi

Tôi sẽ làm rụng hết những giọt sương
đang lóng lánh trong hồn chàng
những giọt sương sẽ rụng và làm nên hài nhi
cùng sự sống
cho thiên đàng chúng ta
đông đúc và vui tươi
Tôi sẽ là mặt trời trong lòng chàng
Buổi mai nào cũng lộng lẫy rực rỡ

Tôi sẽ mát như trăng nhưng cũng nóng hơn lửa
hơn cát ở sa mạc
hơn cả cơn giận
của trận hồng thủy trong thánh kinh
Bởi tôi là đàn bà
người đàn bà nào cũng xinh đẹp
cũng làm ra sự sống

Hỡi các chị chúng ta sẽ nối tiếp nhau đẹp mãi
Để những bông hoa của mùa xuân
Phải quanh quẩn chiêm ngưỡng

Hỡi các chị hãy đến đây và làm điên đảo
Sự quay cuồng vui thú của trái đất
Chúng ta luôn luôn xinh đẹp và ở trên cao
Các chị có đôi vú ngọc bích
Có da sữa, tóc dài
Có má hiền, môi mật
Đừng để những kẻ đi săn lạc đường
Hãy dẫn dắt và tội nghiệp họ
Hãy hung dữ với họ như sư tử
Hãy dịu dàng với họ như nai
Để họ quay như trái đất quanh mặt trời
Là chúng ta mãi mãi
Để chúng ta cho họ ngày đêm và bóng tối

Tôi sẽ lùa bóng tối thật dầy vào đêm của chàng
những ánh sáng nóng bỏng cho ngày của chàng

Chúng ta là những người nữ xinh đẹp
Xinh đẹp hơn mọi loài trên trái đất
Chúng ta có lòng ghen mạnh như bão
Chúng ta có sự tinh khiết trong như trăng
Chúng ta có thịt da, có núi, có rừng
Chúng ta đỏ như mặt trời
Đen như đêm
Và vàng như lửa

Tôi cũng có một ông vua cho ái tình tôi
Tôi cũng đã chọn chàng
Để sự sống tràn trên trái đất
Tôi sẽ đi góp nhặt từ mặt trời
Từ phương đông, phương tây, từ những buổi sớm mai
Những sữa, kem và mật để làm nên rượu ngọt
Để pha hương thơm trên thân thể mãi mãi
Trên thịt da tôi mà chàng yêu dấu

Cám ơn Thượng Đế đã cho tôi đôi vú
cho tôi da mịn và tóc dài
cho tôi rực rỡ như mặt trời
để tôi làm ra ái tình và rượu ngọt
tràn trên trái đất

Hỡi các chị hãy đến nhìn tôi coi
Hỡi các chị vô cùng khả ái và xinh tươi
Hãy đến nhìn tôi coi
Tôi đang đỏ đang đen
Đang làm ra nước làm ra lửa

(Thơ Nhã Ca, NXB Thương yêu, 1972)
 
Để ý, trong bài thơ này Nhã Ca nói đến nhiều mặt về nữ tính, Tôi-đàn bà, ở đây là kính mặt trời vạn hoa mỗi phản chiếu tỏa ra ẩn dụ những thi ảnh và thi ngữ tuyệt vời khiến bài thơ vừa mang tính cách hiện thực, mạnh mẽ, rực lửa của nữ tính mà vẫn lấp lánh mặt kia của nó là thơ mộng và lãng mạn. Từ đó cho chúng ta thấy nữ sĩ đã thể hiện quan niệm về nữ quyền là một chọn lựa có ý thức và kiêu hãnh. Đó là thông điệp rực rỡ của thơ Nhã Ca.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cõi thơ Viên Linh là cõi nhân sinh đầy hệ lụy của định mệnh. Định mệnh của một dân tộc điêu linh, lưu lạc. Định mệnh của con người bé nhỏ và yếu ớt trong dòng chảy cuồng lưu của kiếp sống. Định mệnh của tình yêu mệt mỏi, chán chường và bất trắc. Thơ Viên Linh là một biểu hiệu cho Con Người như là một hữu-thể-tại-thế với tất cả những khổ đau và hoan lạc. Ông vừa tạ thế hôm cuối tháng Ba vừa rồi, Việt Báo trân trọng đăng lại một số ít thơ của ông như một nén tâm hương gửi đến người Thi Sĩ quá cố.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới
Ta về một cõi tâm không / Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn / Còn yêu một thuở đi hoang / Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya / Ta đi dẫm nắng bên đèo / Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều / Nguyên sơ là dáng yêu kiều / Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ / Còn đây góc núi trơ vơ / Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
Nhà văn Jon Fosse vừa đoạt giải Nobel Văn chương về kịch nghệ năm nay, 2023. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng trong lãnh vực thơ và truyện. Tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ. Tìm hiểu về mục đích sáng tác, ông cho biết, “I hope they can find a kind of peace in, or from, my writing.” (Tôi hy vọng người đọc có thể tìm thấy sự bình an trong các tác phẩm của tôi.) Tác phẩm nổi tiếng với nội dung sâu đậm của ông là dãy “Septology”. Đây là một từ vựng mới, có ý nghĩa là một loạt bảy cuốn sách. Có lẽ, Septology phát xuất từ “Heptalogy” mà ví dụ rõ rệt nhất là dãy tác phẩm Harry Potter.
Mùa thứ ba trong năm đã chớm về. Autumn ngoài nghĩa mùa thu, còn mang nghĩa ẩn dụ là chỉ lúc xế chiều, lúc ngày sắp tàn, là mùa mà ban ngày ngắn và dần lạnh hơn. Bên cạnh hình ảnh biểu tượng là mùa lá rụng, lại cũng là mùa phần lớn trái cây được thu hoạch, vì gắn với đời sống thiên nhiên này mà từ rất lâu văn hóa Tây phương đã nhân cách hóa mùa thu là người phụ nữ trẻ đẹp đầy sức sống với mái tóc gắn đầy lá hoa quả chín, là hình ảnh vừa nên thơ vừa chứa đựng sức sống diệu kỳ của mùa gặt hái.
Nhà phê bình văn học Trung Quốc đời nhà Thanh, Viên Mai, có nói, “Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Thi hào Tagore cho rằng, “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ảnh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Cả hai nhận định này đều đề cao cái Tôi-làm-Thơ, và cách biểu hiện những thuộc tính về Tôi ấy như thế nào trên ngôn từ thơ. Có hai yếu tố không ai phủ nhận được là cảm xúc và sáng tạo, chính hai yếu tố này định hình phong cách của nhà thơ. Cảm xúc thực được chuyển tải qua thi ngữ, thi ảnh mới mẻ, cá biệt, thì thơ càng có sắc thái nổi bật để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc, dường như không quá để nói rằng điều này định đoạt sinh mệnh một bài thơ. Thơ chỉ thực sự sống khi nó phản ảnh được bản ngã độc đáo của nhà thơ.
Tháng 7. Mùa hè đang gửi đến đây một sứ giả vô cùng dễ thương. Phượng tím. Đi đâu chợt cũng bị màu tím thơ mộng ấy níu mắt nhìn, làm dịu đi cái nóng chói chan. Bạn đang ở đâu, buổi sáng rực nắng đi chơi hay chiều mệt nhoài sau giờ làm việc, hay tối, hay khuya, hàn huyên bạn thiết, hoặc giả nói chuyện một mình, tất cả những tâm trạng thời gian đó, bạn sẽ tìm thấy được trong Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc, nơi các nhà thơ Hoàng Trúc Ly, Duy Thanh, Nguyễn Thùy Song Thanh, Tomas Transtromer, Âu Thị Phục An, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trương Đình Phượng, Inrasara, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, đọc cho bạn nghe những vần thơ mang âm hưởng chói chan của mặt trời mùa hạ, hoang mạc gai xương rồng, mật ngọt của thiên nhiên…
Một mùa hè, khi chàng vẫn còn trẻ, chàng đứng bên cửa sổ và tự hỏi họ đã đi đâu, những người đàn bà ngồi bên biển, ngắm nhìn, chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến, gió nhẹ phả vào da họ, gửi những lọn tóc xoã ngang môi họ. Họ đã ngã xuống từ mùa nào, họ đã lạc lối từ ý niệm nào của nét yêu kiều? Đã lâu rồi kể từ khi chàng nhìn thấy họ trong vẻ lộng lẫy đơn độc, trĩu nặng trong nỗi biếng lười, dệt nên câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đấy là mùa hè chàng lang thang trong màn đêm kỳ vĩ, trong biển tối, như thể lần đầu tiên, để tự toả ra ánh sáng của chính mình, nhưng những gì chàng toả ra là bóng tối, những gì chàng tìm thấy là đêm.
… Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đầy màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một dòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ... (Ngô Thế Vinh, trong tập truyện Mặt Trận Sài Gòn.)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.