Hôm nay,  

Sự Thành Lập Đảng Cộng Sản Đông Dương

04/08/200600:00:00(Xem: 3291)

Bài 3:   ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG

Cuộc tranh chấp giữa các kỳ bộ VNCMTNH trong nước xảy ra sau Đại hội ĐTQTCS kỳ 6 vào tháng 7-1928.  Lúc đó, Stalin kế vị Lenin, làm bí thư thứ nhất đảng CSLX.  Chủ trương mới của đảng CSLX do Bukharin đưa ra trong Đại hội ĐTQTCS kỳ 6 là thực hiện cách mạng “vô sản quốc gia”, tức bỏ qua vấn đề cách mạng dân tộc.  Kỳ bộ Bắc Kỳ của VNCMTNH do Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Dương Hạc Đính lãnh đạo, bí mật họp tại Hà Nội tháng 3-1929, thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng để thực hiện những chủ trương mới của ĐTQTCS.

Trước tình hình mới, tháng 5-1929, Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn), với tư cách uỷ viên tổng bộ VNCMTNH, triệu tập Đại hội lần thứ nhất (lần duy nhất) của VNCMTNH tại Hương Cảng.  Có 5 phái đoàn tham dự:  1) Đại diện tổng bộ là Lê Hồng Sơn (Lê Tán Anh), Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn), Lê Huy Điếm (Lê Lợi), Lý Phương Đức. 2) Đại diện xứ bộ Xiêm La là Lưu Khải Hồng (Võ Tòng), Đặng Thái Thuyến (Canh Tân).  3) Đại diện kỳ bộ Bắc Kỳ là Dương Hạc Đính (Hạc), Nguyễn Tuân (Kim Tốn), Ngô Gia Tự (Sĩ Quyết), Trần văn Cung (Quốc Anh).  Đại diện kỳ bộ Trung Kỳ là Vũ Mai (Quốc Hoa), Nguyễn Thiều (Nghĩa), Nguyễn Đình Tư (Nguyễn Văn Cẩm), Nguyễn Tường Loan (Mạc Chấn Á).  Đại diện kỳ bộ Nam Kỳ là Phạm Văn Đồng (Nam), Nguyễn Văn Đài (Liêm) và Quan.

Trong cuộc họp nầy, đại diện kỳ bộ Bắc Kỳ VNCMTNH đề nghị giải tán VNCMTNH, thành lập đảng Cộng Sản, nhưng không được các đại biểu khác chấp thuận.  Vì vậy, ba trong bốn người trong phái đoàn Bắc Kỳ là Cung, Tự, Tuân bỏ họp, liền bị tổng bộ VNCMTNH khai trừ ngày 9-5-1929. 

Đông Dương Cộng Sản Đảng:  Trở về Việt Nam, Kỳ bộ VNCMTNH Bắc Kỳ liền họp Đại hội ngày 17-6- 1929 tại Hà Nội, công khai thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng (ĐDCSĐ), theo đúng đường lối mới của ĐTCSQT.  Đông Dương Cộng Sản Đảng đã thu hút hết các chi bộ Bắc Kỳ của VNCMTNH, phát triển vào tới Đà Nẵng, và gởi đại diện vào Sài Gòn thuyết phục kỳ bộ Nam Kỳ.

An Nam Cộng Sản Đảng:  Kỳ bộ Nam Kỳ của VNCMTNH cũng muốn thống nhất lực lượng cho đoàn thể được mạnh, nhưng đại diện ĐDCSĐ (Bắc Kỳ) chỉ đồng ý cho các đoàn viên VNCMTNH Nam Kỳ gia nhập với tư cách cá nhân.  Tháng 11-1929, kỳ bộ Nam Kỳ VNCMTNH liền tự đổi thành An Nam Cộng Sản Đảng (ANCSĐ).  Từ đó, nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai đảng CS Bắc và Nam Kỳ cùng thoát thân từ VNCMTNH. 

Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn:  Trong khi đó, tại Trung Kỳ, Tân Việt Cách Mạng Đảng, hậu thân của Hưng Nam và Phục Việt, càng ngày càng yếu.  Những thành phần nòng cốt của đảng nầy muốn cộng tác với ĐDCSĐ, nhưng không được, liền quyết định đứng ra lập một tổ chức riêng lấy tên là Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn (ĐDCSLĐ), dầu trong cuộc họp tại Hà Tĩnh ngày 1-1-1930, có một số đại biểu đến dự họp bị bắt trên đường đi. 

Như thế, VNCMTNH xem như tan rã và ba tổ chức cộng sản cùng xuất hiện ở Việt Nam.  Trước tình hình nầy, ngày 27-10-1929, ĐTQTCS cử Nguyễn Ái Quốc qua Trung Hoa, giải quyết các cuộc tranh chấp, đồng thời đưa ra chỉ thị “về việc thành lập một đảng cộng sản Đông Dương”, cùng những hướng dẫn cụ thể về nhiều mặt.(1)  

Thật ra, ý kiến về việc thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) đã được bàn thảo trong một cuộc họp của tổ ĐTQTCS ngày 3-3-1927 tại Quảng Châu gồm ba người là Doriot, Voline và Lý Thụy; theo đó Doriot đuợc giao lo việc viết tuyên ngôn gởi thanh niên Đông Dương, Lý Thụy lập dự chi gởi xin ĐTQTCS cấp ngân khoản.(2)  Sư tranh chấp giữa các tổ chức cộng sản tại Việt Nam là cơ hội thuận tiện cho ĐTQTCS tiến hành việc thành lập đảng CSĐD.

Lý Thụy đến Hương Cảng vào đầu năm 1930.  Ông tổ chức cuộc họp tại một sân bóng tròn (túc cầu) ở Hương Cảng ngày 6-1-1930, để tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền.(3)  Ngoài Nguyễn Ái Quốc (đại diện ĐTQTCS), hiện diện trong cuộc họp nầy còn có Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại diện ĐDCSĐ ở Bắc Kỳ), Nguyễn Thiệu (Nghĩa) và Châu Văn Liêm (đại diện ANCSĐ ở Nam Kỳ); ĐDCSLĐ ở Trung Kỳ không cử đại diện đến họp.  Cuộc họp đi đến quyết định thống nhất ba đảng, kể cả đảng bộ cộng sản Hoa kiều ở Việt Nam, thành một đảng, có tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam.  Trần Phú, lúc đó vẫn còn ở Liên Xô, được chỉ định làm tổng bí thư.  Sau đó, ĐDCSLĐ chính thức gia nhập đảng CSVN ngày 24-2-1930.(4)

Như thế, kể từ ngày 6-1-1930, đảng CSVN chính thức thành lập.  Tuy nhiên, sau nầy, tại Đại hội 3 đảng Lao Động (CSVN) tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Bộ chính trị Trung ương đảng yêu cầu Đại hội thông qua quyết định thay đổi ngày thành lập đảng là 3-2-1930, vì “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô”.(5)          

Trở lại với Trần Phú.  Từ Moscow, ông qua Pháp tháng 4-1930, đến Hương Cảng gặp Lý Thụy, rồi về Hải Phòng.  Lý Thụy được lệnh của ĐTQTCS trở qua Xiêm, tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế, tổ chức các đảng cộng sản Xiêm La và Mã Lai.  Ngày 10-10-1930, theo lệnh của ĐTQTCS, Trần Phú tổ chức Hội nghị kỳ 1 Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN tại Cửu Long (Kowloon) gần Hương Cảng, đổi tên đảng CSVN thành đảng Cộng sản Đông Dương (CSĐD).  Ngày 11-4-1931, ĐTQTCS chính thức thừa nhận đảng CSĐD, trợ cấp mỗi tháng 5,000 quan Pháp, tức khoảng 1,200 Mỹ kim lúc đó.(6)     

KẾT LUẬN

Trên thế giới, sau phong trào thực dân, đến phong trào ĐTQTCS vào đầu thế kỷ 20.  Phong trào ĐTQTCS thật ra cũng chỉ là một phong trào thực dân mới, dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản Nga, rồi đảng CSLX.  Hai phong trào thực dân cũ và thực dân mới khác nhau ở điểm: vào thế kỷ 19, các cường quốc xâm lăng tự mình đi tìm kiếm thuộc địa; vào thế kỷ 20, ĐTQTCS đào tạo cán bộ địa phương, gởi về bản địa hoạt động, cướp chính quyền và tự động đưa nước mình trở thành chư hầu của Liên Xô.  Nguyễn Tất Thành chính là người được ĐTQTCS chọn năm 1922, để đem chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam. 

Quá trình thành lập đảng CSĐD cho thấy vào năm 1911, khi ra khỏi nước, Nguyễn Tất Thành không có chủ đích chính trị rõ rệt.  Năm 1911, vừa đến Pháp, ông xin vào học trường Thuộc Địa để ra làm quan cai trị cho Pháp.  Đi tàu đến Hoa Kỳ, có một ít tiền, Nguyễn Tất Thành, nay lấy tên là Paul Thành, gởi thư đề ngày 15-12-1912, nhờ viên khâm sứ Pháp tại Huế chuyển về tặng cho cha (Nguyễn Sinh Huy) và xin viên khâm sứ Pháp giúp đỡ ông Huy một chỗ làm để sinh sống.(7)  Các hành động nầy chứng tỏ rằng do những khó khăn gia đình, Nguyễn Tất Thành ra đi để mưu sinh, sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp, và không phải ra đi tìm đường cứu nước. 

Khi mới ra nước ngoài, sống tự lập một thân một mình, không nơi nương tựa, lăn lộn trong giới thợ thuyền thuộc nhiều nước trên thế giới, với đủ hạng người nghèo khổ, đói rách, từ tận đáy xã hội, Nguyễn Tất Thành học được những kinh nghiệm thực tế, sống động, kể cả những tiểu xảo để mưu sinh, những mánh khóe để sống còn, trong một môi trường xa lạ, khắc nghiệt.  Có thể vì vậy, ông tiếp thu nhanh chóng học thuyết Mác-xít, chủ trương tranh đấu giai cấp quyết liệt, kêu gọi “vùng lên hỡi ai cực khở bần hàn…”,(8) với những thủ đoạn quỷ quyệt, tàn ác, gian trá mà những nhà chính trị lão thành như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, vốn là những người xuất thân từ sách vở Nho giáo, không thể chấp nhận được. 

Ở trong nước, Nguyễn Tất Thành không thể tiến thân vì không có học vị.  Ra ngoài nước, ông phải tay làm hàm nhai, nên cũng không đi học.  Hoạt động chính trị trong xã hội Paris mà không có bằng cấp khoa bảng, không thuộc hạng quý tộc hay tư sản giàu có, thì khó có cách tiến thân.  Vì vậy, đang ở trong đảng CS Pháp, ông gia nhập Hội Tam Điểm để kiếm thời cơ tiến thân, nhưng khi được đại diện ĐTQTCS là D. D. Manuilsky tuyển chọn năm 1922 để đưa sang Nga, Nguyễn Tất Thành, nay là Nguyễn Ái Quốc liền chấp nhận ngay vì:  Thứ nhất, theo Manuilsky về Nga, ít nhất Nguyễn Tất Thành thoát khỏi cảnh bần hàn mà ông phải trải qua từ khi ra nước ngoài, và cuộc sống hàng ngày của ông có thể được bảo đảm hơn.(9)  Thứ hai, vì ít học, ông không thể tiến thân một cách bình thường, nên việc giai cấp tranh đấu, xách động theo kiểu cộng sản là cơ hội hiếm có để ông có thể tiến thân, thỏa mãn mộng làm quan, mà ông đã ấp ủ từ khi ra nước ngoài, nạp đơn vào trường Thuộc địa Paris.  Chấp nhận đi Nga có nghĩa là Nguyễn Tất Thành phải chấp nhận ngay từ đầu tất cả những điều kiện do đảng CS Nga đưa ra. 

So với những nhà hoạt động chính trị lúc đó, Nguyễn Tất Thành là người được huấn luyện và đào tạo chính quy để trở thành một nhà tổ chức và xách động chuyên nghiệp, nhất là ông học được phương pháp độc ác, lừa phỉnh, bất kể đạo lý của những lãnh tụ cộng sản, trong việc tranh đấu để giành lấy quyền lực, theo phương châm “cùng đích biện minh cho phương tiện”.  Lúc đó, vì quá căm thù thực dân Pháp, người Việt đồng tình với phương pháp bạo động theo đường lối cộng sản.  Người Việt lại chưa biết gì về Liên Xô, về ĐTQTCS, về chủ nghĩa Mác-xít, nên dễ tin theo những tuyên truyền của học thuyết mới.

Ngoài ra, là một nhân viên của ĐTQTCS, Nguyễn Tất Thành còn được cung cấp phương tiện để hoạt động, được hướng dẫn để hành động, và được cả khối tình báo Liên Xô yểm trợ, cung cấp tin tức.  Nhờ thế, Nguyễn Tất Thành và đảng của ông nắm rõ tình hình Việt Nam và thế giới để đưa ra những biện pháp thích ứng với thời cuộc theo từng giai đoạn. 

Điều nầy khác với những nhà chính trị dân tộc, phải vừa tự mưu sinh, vừa hoạt động chính trị, và chẳng có ai ra tay giúp đỡ khi hoạn nạn hay bị truy lùng.  Ví dụ Phan Bội Châu ở Trung Hoa bị Long Tế Quang lùng bắt năm 1914 thì không có chỗ trốn.  Ngược lại, năm 1927, khi bị báo động, Lý Thụy liền trốn qua Liên Xô.

Một điểm đáng chú ý là nhờ sự tài trợ của đảng CSLX, Lý Thụy đã mở những khóa huấn luyện chính trị và chủ nghĩa Mác-xít cho thanh niên, tuyển chọn nhân tài, gởi đi thụ huấn ở các trường quân sự tại Trung Hoa, hoặc tòng học tại Viện Thợ thuyền Đông phương.  Nhờ sự đào tạo cán bộ lâu dài, đảng CSVN có một đội ngũ đảng viên nòng cốt trung kiên, tuy ít nhưng quyết tâm hành động theo đường lối Mác-xít của QTCS.  Ngoài ra, ngay từ đầu, Lý Thụy đã tích cực sử dụng báo chí để tuyên truyền rộng rãi chủ nghĩa cộng sản.  Đi tới đâu, Lý Thụy và cán bộ của ông cũng phát hành ngay một tờ báo, vừa để thông tin, tuyên truyền, vừa để huấn luyện cán bộ, và cả đánh lạc hướng theo dõi của nhà cầm quyền Pháp hoặc Anh.

Đó là những lý do chính giúp Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc hay Lý Thụy thành công trong việc thành lập đảng CSVN, rồi cải danh thành đảng CSĐD.  Đó cũng là những lý do góp phần vào sự thành công của đảng CSĐD sau nầy. 

Cuối cùng, điều đáng thêm là khi đến Liên Xô năm 1923, Nguyễn Tất Thành chứng kiến tận mắt sự cai trị tàn bạo của chế độ cộng sản, đã đưa đến nạn đói làm chết 5 triệu dân Nga.  Ông thấy rõ chế độ CSLX tàn ác không kém, hoặc có thể tàn ác hơn thực dân Pháp. Ông cũng dư biết chủ nghĩa cộng sản chỉ đem lại sự nghèo đói cho Liên Xô.  Thế mà Nguyễn Tất Thành vẫn quyết tâm học tập để trở thành một cán bộ ĐTQTCS chuyên nghiệp, du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, và lừa phỉnh mọi người về một “thiên đường” xã hội chủ nghĩa.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)

CHÚ THÍCH:

1. Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, Nxb. Tuổi Xanh, không đề nơi xuất bản, 2001, tt. 73, 60.

2. Nguyễn Minh Cần, sđd. tr. 59.  Biên bản cuộc họp ngày 3-3-1927 do ông Nguyễn Minh Cần tìm được trong Kho Lưu trữ của Cộng Sản Quốc tế (RSKHIDNI).

3. Nguyễn Minh Cần, sđd. tt. 73-74.  Ngày thành lập nầy dựa vào tài liệu của đảng CSVN trước năm 1960. 

4. Văn kiện đảng toàn tập, tập 2 (1930), (Quyết nghị chấp nhận ĐDCSLĐ gia nhập đảng CSVN ngày 24-2-1930.) Báo điện tử, http://www.cpv.org.vn, mục Văn kiện đảng toàn tập, trích ngày 19-7-2006.

5. Nguyễn Minh Cần, sđd. tr. 74.

6. Chính Đạo, sđd. tập 2, tt. 114-115.

7. Bùi Tín, sđd. tt. 95-95.  Bùi Tín đăng phần chính lá thư bằng Pháp văn của Nguyễn Tất Thành ký dưới tên là Paul Thành.  Dùng tên Paul Thành có thể để chứng tỏ cho viên khâm sứ Pháp tại Huế thấy rằng ông đã theo dân “Tây”.

8. Lời Việt trong bài “Quốc tế ca” của đảng CSVN. (http://www.cpv.org.vn  Mục: Đảng kỳ.)

9. Cảnh nghèo đói thê thảm được chính đương sự tả lại trong Trần Dân Tiên, sdđ. tr. 39. [Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh.]

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có nhiều quan điểm, tâm trạng, thế đứng và cách nhìn khác nhau về mối tương quan phức tap giữa Công giáo với Nhà Nước Việt Nam hiện nay. Rõ rệt nhất là thế đứng của những người ủng hộ hay chống đối, trong cuộc hay ngoài cuộc, chủ trương đối thoại hay nhất thiết quyết định loại trừ
Theo báo quốc nội, tại miền Tây Nam phần, tỉnh Bạc Liêu là một trong địa phương có tổng diện tích dành cho trồng thủy sản ở mức cao. Hiện nay, tỉnh này có gần 10,000 hecta nuôi theo mô hình công nghiệp và trên 100,000 hecta mặt nước nuôi trồng thủy sản, việc bảo vệ những vuông tôm như thế này ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa năm 1986 trở đi, vấn đề nhập cảng các phế liệu từ nước ngoài để tái xử dụng, biến chế thành nguyên vật liệu cho phát triển trở thành một vấn nạn không nhỏ ở Việt Nam.
“Này em, anh sẽ về bên kia biên giới. Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người...” Tháng 3/1975, tôi gặp tướng Hoàng Cơ Minh lần đầu tiên tại Cam Ranh, một vị Phó Đề Đốc Hải Quân nóng nảy, bồn chồn vừa nhận toàn bộ trách nhiệm tư lệnh cuộc triệt thoái từ duyên hải
Đỗ Thành Công đã được tự do vào ngày 21/9/2006. Trước đó từ một đến hai ngày tất cả các phương tiên thông tin đại chúng trong nước đều đồng loạt loan tin Đỗ Thành Công là phần tử khủng bố thuộc chính phủ Việt Nam tự do của Nguyễn Hữu Chánh, từ Hoa Kỳ về Việt Nam để thực hiện hành vi khủng bố nhằm vào Lãnh Sự
Trong những lần thảo luận trước, Tc KH&MT đã bàn về tình trạng môi trường ở Việt Nam trong những năm vừa qua về sức ép lên môi trường và hiện trạng môi trường do phát triển kinh tế và xã hội. Hôm nay, một lần nữa Tc được hân hạnh trao đổi với TS MTT về những phương cách tiếp cận và đề nghị để giải tỏa một số vấn đề môi trường ở VN
Truyền thông Hoa Kỳ mất công chạy theo gió để đuổi theo cái đuôi mà quên mất cái đầu. Cái đuôi là lời tuyên bố của Tổng thống Cộng hoà Hồi quốc Pakistan, ông Pervez Musharraf, về lời hăm dọa của Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Richard Armitage ngay sau vụ khủng bố 9-11, rằng nếu Pakistan không hợp tác với Hoa kỳ trong chiến dịch Afghanistan
Trước đại hội 10, liên tiếp các nguyên thủ Đảng và nhà nước, quốc hội nước bạn vĩ đại sang thăm hữu nghị nước ta. Đây là thời kỳ các cuộc thăm viếng khá dồn dập. So với số lần triều kiến của các nguyên thủ quốc gia ta thì không nhiều bằng, nhưng dù sao đó cũng là một sự tiến bộ vượt bậc.
Lịch sử của nhân loại từ ngày có mặt trên mặt đất là lịch sử của sự tiến hóa từ thấp lên cao. Từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa con người "ăn lông ở lỗ" cho đến khi "ăn no mặc đủ" và tiến đến giai đoạn cuối cùng là "ăn ngon mặc đẹp". Chiều hướng phát triển theo thời gian là chiều hướng phát triển từ thấp lên cao, từ tinh thần
Trong thời gian qua, Tc KH & MT có trao đổi với TS MTT về Công Ước Đa Dạng Sinh học. Một trong những vấn đề mấu chốt được đề cập trong CƯ là An toàn Sinh học (ATSH). Đây là một khái niệm nêu lên nhu cầu bảo vệ sức khỏe của con người và gìn giữ môi trường không bị những tác động bên ngoài
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.