Chỉ với 28 từ, một câu duy nhất trong Tu Chính Án 19 (19th Amendment) đã mở ra kỷ nguyên mới cho phụ nữ Hoa Kỳ. Được thông qua vào năm 1920, tu chính án này đã mang lại quyền bầu cử cho phụ nữ sau hơn một thế kỷ đấu tranh không ngừng.
Trong Hiến pháp Hoa Kỳ, Điều I của Tu Chính Án 19 quy định: “Chính phủ liên bang và tiểu bang không được phép từ chối hay ngăn cản quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ vì lý do giới tính.” (Nguyên văn là “The right of citizens of the United States to vote shall not be denied or abridged by the United States or by any State on account of sex.”)
Chỉ với một câu đơn giản nhưng đầy quyền lực này, một rào cản pháp lý quan trọng đã bị xô ngã, giúp hàng triệu phụ nữ có thể thực hiện quyền công dân cơ bản nhất: quyền được đi bỏ phiếu.
Sau nhiều năm đấu tranh gian khổ của các nhà hoạt động nữ quyền, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Tu Chính Án 19 vào ngày 4 tháng 6 năm 1919. Tuy nhiên, phải đến tháng 8 năm 1920, tu chính án này mới chính thức trở thành luật, mở ra một chương mới trong lịch sử nước Mỹ sau hơn 130 năm lập quốc.
Tuy nhiên, chiến thắng này không đến một cách dễ dàng. Đằng sau nó là hàng thập niên đấu tranh không mệt mỏi của hàng ngàn phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ.
Từ những năm 1840, phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ bắt đầu hình thành với sự tổ chức chặt chẽ và quyết tâm cao độ. Nhưng mục tiêu này hầu như là điều bất khả thi vào thời điểm đó. Năm 1848, nhà hoạt động Elizabeth Cady Stanton tổ chức hội nghị đầu tiên về nữ quyền tại Seneca Falls, New York.
Thời điểm đó, giành được quyền bầu cử cho phụ nữ dường như là một giấc mơ xa vời. Xã hội lúc bấy giờ áp đặt rất nhiều khuôn khổ lên phụ nữ. Họ không được xuất hiện ở chỗ công cộng hay phát biểu trước công chúng. Cuộc đời của họ bị kiểm soát bởi cha, chồng hoặc anh trai. Đa số phụ nữ không có quyền ký kết hợp đồng, không được phép đi làm bên ngoài, không có quyền thừa kế hay sở hữu tài sản, và cũng không được đi học đàng hoàng.
Thế nhưng, bất chấp mọi khó khăn, phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ vẫn kiên trì đấu tranh để giành lại quyền bầu cử cho mình. Susan B. Anthony, một trong những nhà hoạt động tiên phong, từng viết rằng: “Sẽ chẳng bao giờ có sự bình đẳng thực sự nếu phụ nữ không được trực tiếp tham gia soạn luật và bầu chọn các nhà lập pháp.”
Quan điểm này đã trở thành kim chỉ nam, được truyền cảm hứng và tiếp nối qua nhiều thế hệ đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ.
Một đoạn đường dài đầy chông gai
Đó là một cuộc đấu tranh đầy gian nan. Có những nhà hoạt động sẵn sàng bất chấp luật pháp, bỏ phiếu trái phép và chấp nhận bị bỏ tù. Có những người dũng cảm xích mình vào cổng Tòa Bạch Ốc để lên tiếng đòi công lý, ngay cả khi bị bắt giữ cũng quyết tâm phản kháng, từ chối lao động trong tù. Nhiều người khác cũng đã kiên trì đấu tranh bằng cả những phương thức ôn hòa lẫn các hành động quyết liệt.
Thắng lợi đầu tiên đến từ miền Tây Hoa Kỳ. Ở một số tiểu bang như Wyoming, Colorado và Utah, các ông lập pháp tin rằng mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ sẽ khuyến khích họ đến sinh sống tại những vùng lãnh thổ thưa thớt dân cư. Nhưng đây không phải là được các ông ban phát ơn huệ, mà là thành quả của một cuộc đấu tranh bền bỉ suốt nhiều năm.
Dù quyền bầu cử của phụ nữ dần được công nhận ở một số tiểu bang, phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục trên quy mô toàn quốc trong suốt thế kỷ 19. Các nhà hoạt động bị khinh miệt, bỏ tù, đánh đập, thậm chí bị cưỡng ép ăn uống khi tuyệt thực, nhưng họ vẫn kiên cường chống lại những định kiến xã hội áp đặt lên phụ nữ thời bấy giờ.
Bước sang đầu thế kỷ 20, phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ chuyển hướng sang một mục tiêu lớn hơn: thúc đẩy thông qua một Tu chính án trong Hiến pháp. Họ triển khai nhiều chiến lược khác nhau, từ việc tổ chức các cuộc tuần hành lớn đến kiên trì biểu tình trước Tòa Bạch Ốc suốt nhiều năm. Và họ đã dần dần thay đổi quan điểm của dư luậnv về quyền bầu cử của phụ nữ. Mặc dù dự luật đầu tiên về vấn đề này đã được trình lên vào năm 1878, nhưng phải đến 41 năm sau, Quốc hội mới chính thức thông qua và chuyển đến các bang để hoàn tất quá trình chuẩn thuận.
Tương lai của nữ quyền
Dù Tu Chính Án 19 đã trao quyền bầu cử cho phụ nữ, nhưng không phải tất cả phụ nữ đều được hưởng quyền lợi như nhau ngay lập tức. Trong suốt thế kỷ 20, phụ nữ da màu vẫn thường bị cản trở tại các điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, phụ nữ bản địa và phụ nữ gốc Á Châu phải đối mặt với những rào cản pháp lý liên quan đến quyền công dân, khiến họ không thể thực hiện quyền bầu cử trong nhiều năm.
Tu chính án này cũng chưa thể mang lại sự bình đẳng trọn vẹn. Do đó, một dự thảo Tu chính án mới đã được đệ trình, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Tháng 4 năm 2023, nỗ lực kéo dài thời hạn chuẩn thuận đã thất bại tại Thượng Viện vì chỉ có 51 TNS ủng hộ, trong khi cần tới 60 phiếu để có hiệu lực.
Tuy còn nhiều khó khăn, có một điều không thể phủ nhận: phụ nữ ngày nay đang nắm quyền lực chính trị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù Hoa Kỳ vẫn chưa từng có nữ tổng thống, tỷ lệ cử tri nữ đi bầu luôn cao hơn so với nam giới.
Cung Mi sưu tầm
Nguồn: “The 19th Amendment was a key step for women's rights in the U.S.” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn