Tấm bảng treo trước cửa văn phòng số H-1127 trong tòa nhà Longworth House Office Building dành cho các dân biểu liên bang Quốc Hội khóa 119 vừa gắn tên một người gốc Việt, Derek T. Tran – California. Đó là kết quả của cuộc đua nghẹt thở giữa một cựu quân nhân, luật sư gốc Việt và một dân cử đương nhiệm của địa hạt 45, California. Luật sư Derek Trần đã kết thúc cuộc đua bằng buổi tuyên thệ tại Capitol Hill chiều Thứ Sáu 3/1/2025, cũng là ngày Quốc Hội bầu chủ tịch Hạ Viện mới.
‘Hí trường’ của chiếc búa chủ tịch hạ viện
Theo truyền thống, thành viên Quốc Hội bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ Viện mới, để người được chọn sẽ đọc diễn văn công bố các dân biểu đắc cử. Năm 2023, Quốc Hội khóa 118 phải trải qua 15 lần bỏ phiếu mới chọn ra chủ tịch Hạ Viện, là ông Kevin McCarthy. Kết quả, các dân biểu tuyên thệ vào trưa ngày 7 Tháng Giêng năm 2023, trễ hơn bốn ngày so với thông lệ. Chính vì thế, theo dòng chảy của thời sự, năm nay, vài ký giả giả có mặt trong House Press Gallery đã đưa ra dự đoán “có thể hôm nay chưa thể chọn ra chủ tịch Hạ Viện” ngay từ khi buổi lễ chưa bắt đầu.
Một trong những thông điệp mà người dân Mỹ rất quen thuộc với các chính trị gia là “đoàn kết vì nước Mỹ.” Tuy nhiên, khi thật sự ngồi trong không khí của House Press Gallery, nhìn và thở cùng với từng cử chỉ, sự kiện trong khán phòng, mới cảm thấy đó là một thông điệp mờ ảo, xa vời.
Dân biểu đại diện cho Virgin Islands, Stacey Plaskett đã bị cắt microphone sau khi đặt câu hỏi vì sao đại diện của các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ không được gọi để bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ Viện.
Sau những từ “Chúng ta phải làm gì đó về vấn đề này để bốn triệu người Mỹ này…” của bà thì âm thanh trong microphone của bà bị tắt.
House Press Gallery, nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu và tuyên thệ, là nơi hiển hiện rõ nhất sự phân cực trong đảng phái chính trị Hoa Kỳ. Dù có ngồi ở hàng ghế nào từ trên cao cũng có thể thấy rõ “Xanh, Đỏ phân tranh.” Một nửa đứng lên, vỗ tay rào rạt. Một nửa ngồi yên bất động. Và ngược lại. Suốt khoảng 4 giờ đồng hồ, chỉ hai lần cả hai bên cùng đứng lên, đó là nghi thức bắt đầu sự kiện và khi các dân biểu đắc cử tuyên thệ.
Một trong những lần trong khán phòng có tràng pháo tay to và nhiều người cùng hướng về một phía, đó là khi Dân Biểu Nancy Pelosi, cựu chủ tịch Hạ Viện bước vào. Trên đôi bàn chân của bà không còn là đôi giày gót nhọn quyền lực như trước. Bước đi chậm rãi, cần hai người dìu hai bên. Bà Pelosi vừa trải qua một đợt phẫu thuật vì tai nạn trong chuyến công du gần đây. Bà cũng là một trong những dân biểu lớn tuổi nhất của kỳ Quốc Hội 119 này.
Như những gì người dân thường nhìn thấy qua màn ảnh trực tiếp của báo chí, từng dân biểu khi được gọi đã nói to tên người họ chọn cho vị trí chủ tịch hạ viện, Hakeem Jeffries hoặc Mike Johnson. Không ngạc nhiên, dân biểu đảng Dân Chủ thì Hakeem Jeffries, và ngược lại, Mike Johnson là lựa chọn của dân biểu đảng Cộng Hòa.
Trong một khoảnh khắc xúc động, Hakeem Jeffries đã bước qua ôm cựu Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi sau khi bà đứng lên tuyên bố bỏ phiếu cho ông.
Ba đảng viên Cộng hòa, Dân biểu Thomas Massie của Kentucky, Ralph Norman của South Carolina và Keith Self của Texas – đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác và sáu người khác ngồi im khi chủ tọa gọi tên. Khi Mike Johnson vừa mất lá phiếu thứ ba, ông ta đứng dậy bước ra ngoài. Cuộc bỏ phiếu vẫn tiếp tục cho đến khi vòng thứ nhất kết thúc.
Trong hơn một giờ nghỉ để chuẩn bị cho vòng thứ hai, bên ngoài House Chamber là cuộc nói chuyện của ba người, Mike Johnson, Ralph Norman và Keith Self. Kết quả, cả hai dân biểu này và sáu người ngồi im lặng trước đó đã chấp nhận chọn Mike Johnson là chủ nhân của chiếc búa chủ tịch Hạ Viện.
Tuy không phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu như đối với Kevin McCarthy hai năm trước, nhưng Mike Johnson đã tái đắc cử với tỷ lệ sát sao nhất, đúng 218 phiếu so với Hakeem Jeffries là 215 trong vòng bỏ phiếu thứ hai. Để bảo đảm số phiếu cần thiết và để hai dân biểu Cộng Hòa lật ngược thế cờ, chắc chắn không chỉ có nỗ lực của cá nhân Mike Johnson.
Buổi tuyên thệ của dân biểu gốc Việt Derek Trần
Khoảng 3 giờ 30 chiều, các thành viên trong House Gallery cùng đứng dậy, đưa tay phải lên cao trong lúc Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson tuyên bố: “Chúc mừng các bạn đã trở thành thành viên của Quốc Hội thứ 119.”
Dân Biểu gốc Việt Derek Trần đứng bên dưới, đưa tay tuyên thệ, chính thức trở thành dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên đại diện vùng Little Saigon trong 50 năm qua.
Sau đó, Dân Biểu Derek và một vài dân biểu liên bang khác thuộc đảng Dân Chủ có buổi gặp nhanh với các truyền thông Việt ngữ vùng Hoa Thịnh Đốn và các tiểu bang khác.
Lời đầu tiên, Dân Biểu Tân Cử Derek Trần bày tỏ: “Tôi muốn nói rằng đây là một vinh dự lớn khi tôi biết mình đã được cộng đồng chọn. Chính nhờ sự giúp đỡ và lá phiếu của cộng đồng, của những người muốn tôi ở đây, tại chiếc ghế dân biểu này, ở thủ đô, để có thể chia sẻ tiếng nói của họ với quốc gia.”
Khi được hỏi “Kế hoạch nào quan trọng nhất đối với ông trong nhiệm kỳ đầu tiên này?” Dân Biểu Derek trả lời:
“Đối với tôi, rất nhiều thứ tôi muốn làm để bảo đảm rằng lợi ích của cộng đồng chúng ta được bảo vệ. Bao gồm lắng nghe họ, thực hiện và hiểu rằng trong cuộc bầu cử gần đây nhất, họ đã nói rõ rằng nền kinh tế, nhập cư, sự an toàn là những vấn đề quan trọng nhất đối với họ. Vì vậy, đó là điều nằm trong kế hoạch của tôi, trong tâm trí của tôi khi tôi làm việc trên các dự luật và tôi làm để tìm ra cách bảo đảm rằng tôi bảo vệ lợi ích cho cộng đồng của tôi.”
Dân Biểu Derek nhắc đến San Jose có một trung tâm lịch sử của cộng đồng dành cho người Mỹ gốc Việt, và ông nhấn mạnh: “Vâng thưa quý vị, Little Saigon, cộng đồng Việt bên ngoài Việt Nam, không có trung tâm như thế. Do đó, tôi muốn thực hiện dự án đó.”
“Tôi muốn chắc chắn là tôi sẽ có cách mang lại nguồn tài trợ để chúng ta có thể xây dựng một điều gì đó, không chỉ cho người cao niên, mà cho cộng đồng chúng ta,” ông Derek nói.
Trong hai vòng bỏ phiếu chọn chủ tịch Hạ Viện cho Quốc Hội khóa 119, Dân Biểu Derek đã chọn Dân Biểu Hakeem Jeffries của New York, trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện. Tuy lá phiếu của ông vẫn không đủ số phiếu để mang lại chiến thắng cho đảng Dân Chủ giành lấy ghế chủ tịch Hạ Viện, nhưng ông nói đó “vẫn là một thời khắc đặc biệt”:
“Đó là một thời khắc đặc biệt của sức mạnh khi ở trong khán phòng với 364 dân cử khác. Có thể ở một nơi mà lá phiếu của bạn thể hiện quyền lực lớn lao, là một điều mà tôi đã nhận thức được, và đó cũng là một điều mà bạn phải chấp nhận, là sức mạnh ấy đến cùng với trách nhiệm.”
“Tôi đã bỏ phiếu theo lương tâm của mình. Tôi đã bỏ phiếu người mà tôi tin rằng với sự dẫn dắt của họ, tôi sẽ trở thành một lãnh đạo tốt hơn cho Hạ Viện.”
Trước khi kết thúc buổi gặp với truyền thông, bằng vốn từ tiếng Việt ít ỏi xen lẫn tiếng Anh, Dân Biểu Derek Trần ngỏ lời tri ân đến cộng đồng:
“Tôi muốn dùng cơ hội này để làm mọi người tự hào về tôi. Tôi đặt lên vai mình trách nhiệm với cộng đồng như con cháu, anh em của họ. Tôi hy vọng tôi sẽ tiếp tục trả ơn, sẽ nỗ lực làm việc để bảo đảm cộng đồng không thất vọng về tôi.”
Đối với cộng đồng Việt hải ngoại, chiến thắng của luật sư, cựu quân nhân gốc Việt Derek Trần, con của một gia đình tị nạn trong cuộc đua nghẹt thở với Dân Biểu gốc Hàn Michelle Steel của đảng Cộng Hòa vừa là một niềm tự hào, vừa là một hy vọng cho một thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt bước vào chính trường. Dân Biểu Derek Trần nói, ông được giáo dục về đạo lý “cho đi và nhận lại” từ cha mẹ của mình. Do đó, ông mong muốn những người trẻ hãy ghi nhớ những cơ hội họ có được để trả ơn, giúp đỡ lại cho xã hội và cộng đồng.
Tuy buổi chọn ra chủ tịch Hạ Viện diễn ra gần như một “hí trường”, nơi sự chia rẽ và những bài toán chính trị bao trùm lên 24 khung cửa ra vào rắn chắc, nặng nề của khán phòng, nhưng niềm tự hào, hy vọng và nỗ lực của Dân Biểu gốc Việt thứ ba Derek Trần, là “quân lệnh”, là trách nhiệm mà ông đặt lên vai.
Bên ngoài Điện Capitol chiều muộn Thứ Sáu 3/1/2025 là cơn mưa tuyết nhẹ đầu tiên của năm 2025.
Kalynh Ngo