Năm Giáp Thìn đầy sóng gió qua đi.
Năm Ất Tý đang về, hy vọng nhiều đổi mới cho loài người.
Tết, mùa xuân.
Mùa xuân mang lại nhiều thay đổi. Thay đổi của đất trời và của cả lòng người. Tuyết tan đi và mưa lũ ngừng rơi trên ngàn lá. Lộc non đâm chồi. Trăm sắc hoa đua nhau nở rộ. Chào đón tết. Tết không riêng ở sự thay đổi khí hậu. Tết đem mưa dịu, gió hòa mang hơi ấm mùa xuân. Mùa hy vọng trở về. Hy vọng một năm mới an vui hơn… theo sự tuần hoàn của vũ trụ, nghĩa là xuân đến, xuân lại về, xuân về theo lời mời gọi và chào đón của nhân sinh. Xuân về phơi phới, vui và hy vọng, kể từ đầu tháng chạp (12) tới đầu tháng giêng (1/2025) con rồng hình ảnh cao to, vĩ đại và mang nhiều biểu tượng thiêng liêng, tưởng tượng, mơ hồ đến có lúc như thần thoại mơ hồ, dị đoan.
Con rắn đến gần hơn, vì nhỏ hơn con rồng, có lẽ, và thêm nữa, người ta đã ít nhiều nhìn thấy con rắn trong đời sống, thấy rắn bán ở các chợ người miên hay người thiểu số, thấy rắn trong rừng rậm, thấy rắn trong các hũ rượu thuốc tàu ngâm lâu ngày… nghĩa là chúng ta thấy rắn ở mọi nơi, rắn có thực trong đời sống. Có nhiều loại rắn: rắn nước, rắn hổ, rắn cạp long, rắn mãng xà…
Hình ảnh con rắn có lúc gây dễ sợ vì nó trườn trườn trên mặt đất và như có thể phun nọc độc giết người… làm người ta sợ hơn là yêu thích. Tuy nhiên, có nơi am miếu thờ tự, người ta cũng thờ thần rắn như một vị thần bảo hộ.
Dù gì con rắn, khác con rồng, ở chỗ rắn hiện diện trong đời sống con người. Rắn ăn thịt người và cũng có những người đã ăn thịt rắn. Nghĩa là có sự trao đổi qua lại dù hơi gớm ghê!
Con rắn cũng hiện diện trong lịch sử ít nhiều, nhứt là qua vụ án, vụ thảm án tru di tam tộc của ông Nguyễn Trãi, một đại công thần nhà Lê, hậu Lê, mà người khai sáng là vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi).
Ông Nguyễn Trãi;
Coi như một vị anh hùng dân tộc, người theo phò vua Thái Tổ Cao Hoàng Đế nhà Lê từ khi còn luyện gươm mài kiếm đến lúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đại thắng quân nhà Minh, giành lại độc lập cho nước Nam. Khởi từ năm Mậu Tuất 1418 Thái Tổ khởi binh ở Lam Sơn. Cho đến năm Đinh Mùi 1427, người Minh (Tàu) phải cầu hòa rút quân về nước, trong bao năm chinh chiến, ông Nguyễn Trãi giúp vua về quân sự, chính trị, chỉ huy tướng sĩ ngoài mặt trận tới bầy mưu kế, thảo hịch, trao đổi văn từ mệnh qua lại giữa hai bên giao chiến, ngài là một vị văn thần kiêm võ thần khéo léo, cứng cỏi giữa cơn binh lửa rộn ràng giúp vua Lê tới đại thành công. “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần“ là do ý đó mà ra.
Sau gần 20 năm binh lửa, tới năm 1428, Bình Định Vương lên ngôi, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, ngài sai quan Hàn Lâm thừa sĩ, kiêm Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Trãi làm bài Bình Ngô Đại Cáo mà bố cáo với bàn dân thiên hạ nước Nam rằng:
“Thay trời làm việc, hoàng thượng dậy rằng:
Việc nhân nghĩa cốt ở an dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Nước Đại Việt Ta
Nền văn hiến cũ
Non nước bờ cõi đã khác
Bắc Nam phong tục vẫn riêng.
Cơ đồ gây dựng trải: Triệu, Đinh, Lý, Trần!
Đế tranh bá tranh hùng cùng Hán, Đường, Nguyên, Tống.
Tuy mạnh yếu từng khi có khác
Nhưng hào kiệt chẳng thuở nào không.
Cho nên:
Lưu Cung tham công mà phải thua,
Triệu Tuyết muốn lớn càng mau mất
Toa đô đã bị bắt ở cửa Hàm Tử
Ô Mã lại phải chết ở song Bạch Đằng
Xét lại việc xưa
Hãy còn chứng cũ”
…………………………
BNĐC
Ông Nguyễi Trãi phò vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, lập cơ đồ, sau bao nhiêu năm loạn ly, chỉnh đốn lại việc nước, vua Lê phong cho ông chức Lại Bộ Thượng Thư kiêm quản công Cơ Mật Viện. Ông Nguyễn Trãi là rường cột, là nhân vật trọng yếu trong miếu đường. Văn, bài, chiếu, biểu vua lịnh cho ông soạn thảo, còn phần lớn ghi lại trong văn tập Ức Trai.
Năm 1433 năm Thuận Thiên thứ sáu, vua Thái Tổ mất, vua Thái Tông lên ngôi, ông Nguyễn trãi vẫn được dùng ở ngôi cao trọng.
Vua Thái Tông lên ngôi, niên hiệu là Thiệu Bình.
Năm Thiệu Bình thứ II, có cái án bẩy tên kẻ cướp xẩy ra, toàn là người trẻ, đáng tội xử trảm.
Vua hỏi ý quan Lại Bộ Thượng Thư thừa chỉ Nguyễn Trãi, ông liền thưa rằng:
Xưa nay pháp lệnh không bằng nhân nghĩa. Đó là ý nghĩa của việc Thịnh Đức có trong kinh thư.
Vua nghe lời khuyên, can gián của ông Nguyễn Trãi, mà giảm án cho các bị can, vua khen ông là người có nhân nghĩa, có thể cảm hóa kẻ ác thành người thiện được.
Vua Lê Thái Tông còn ít tuổi, nhưng ngài đã sai ông Nguyễn Trãi soạn ra quyển Địa Dư Chí mà ngài rất khâm phục. Nhà vua và ông Nguyễn Trãi Bao giờ cũng tỏ ra lưu ý đến đường phúc lợi của toàn dân.
Sau vì có quan giám sát Lương Đăng định ra các lối âm nhạc, nhạc nhã, nhạc công mà ông Nguyễn Trãi không đồng ý cho lắm, nên ông xin với vua cho về hưu trí trên núi Côn Sơn, là quê nhà tổ phụ của ông khi xưa, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn về kinh thành tham dự, góp ý việc triều chính.
Năm 1442 gặp khoa thi hội, vua Thái Tông ngự điện thân ra đầu bài thi văn sách, các quan ngồi chầu vua, đọc các quyển bài để định cao thấp, quan hành khiển Nguyễn Trãi là người ngồi giám khảo.
Nguyễn Trãi vẫn được vua tin dùng, tuy có lúc đã về hưu dưỡng ở Côn Sơn, nhưng vẫn năng lui tới triều đình giúp vua giúp nước, thi trển tài kinh bang tế thế những mong dân nước Đại Việt được cái nền thịnh trị của Đường, Ngu, tam đại thời xưa, về Côn Sơn, ông lập ra một trang trại trồng nhiều cây vải, sống với một người hầu thiếp còn trẻ là bà Nguyễn Thị Lộ, bà Nguyễn Thị Lộ và ông thường đàm đạo văn chương thi phú rất tương đắc hợp ý.
Bà con nhà nho, có học thức văn chương thi phú tài giỏi, vua Thái Tông biết tiếng, mến tài, cho phép bà vào cung điện dậy học các cung nhân và phong cho bà chức lễ nghi nữ học sĩ. Như vậy bà không xa lạ gì với việc ra vào nơi triều đình.
Vua Thái Tông có nhiều bà phi, nhưng có một số bà phi được sủng ái vì có sắc đẹp, có tài, có hoàng nam để hy vọng kế vị ngôi thiên tử sau này. Những bà phi nổi tiếng được kể ra như:
Bà phi Nguyễn Thị Anh là thân mẫu của hoàng thái tử Bang Cơ, con thứ của vua, dự trù sẽ lên ngai vàng. Bà phi Nguyễn Thị Anh không ưa phe cánh ông Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ. Nhà vua lại rất quý mến bà Nguyễn Thị Anh.
Lý do vì sao bà Nguyễn Thị Anh ghét cay đắng ông Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ. Thì câu chuyện do là đồng thời với bà phi Nguyễn Thị Anh, có bà phi khác là bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao cùng thời điểm đó mang thai, bà Ngô Thị Ngọc Dao nói rằng có thiên đế mách bảo có một vị tiên đồng giáng sanh qua bà. Bà phi Nguyễn Thị Anh sợ rồi đây con bà Tiệp Dư sẽ tranh giành ngôi báu với Bang Cơ, con bà, nên bà tìm cách vu tội vạ xui vua đuổi bà Tiệp Dư đi. Phát vãng. Bà Nguyễn Thị Lộ thấy việc oan trái, liền ra tay giúp đỡ cưu mang mẹ con bà Ngô Thị Ngọc Dao. Bà Nguyễn Thị Lộ mang bà Ngọc Dao về nuôi ở chùa Hoa Văn. Gạo và tiền lương thực thường xuyên được ông Nguyễn Trãi sai người mang tới chu cấp. Đủ ngày tháng, bà Tiệp Dư sanh ra hoàng nam Tư Thành, là vua Lê Thánh Tông sau này. Vì việc mẹ con bà Tiệp Dư mà bà Nguyễn phi thù ghét ông Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ. Chỉ đợi dịp để trả thù. Nhưng trước hoàng tử Tư Thành và Bang Cơ, vua Lê còn có người con trưởng là Nghi Dân, nhưng vì mẹ của Nghi Dân phạm thượng điều chi đó mà Nghi Dân và mẹ bị giáng chức, Nghi Dân không được nối ngôi vua, chỉ được phong một chức nhỏ là Lạng Sơn Vương. Như vậy, kể như vua Thái Tôn có ba con trai:
Nghi Dân, Bang Cơ, Tư Thành, do ba bà phi khác nhau sanh ra. Ở vào thời điểm vua Lê Thái Tôn còn rất trẻ, ngoài đôi mươi, thì ông Nguyễn Trãi đã gần 60 tuổi bà Thị Lộ ước độ 40 hay 50 tuổi.
Khi vua về hưu trí ở vườn vải Lệ Chi Viên, Côn Sơn; thì có một dịp đó, vua đi tuần vũ, duyệt binh ở Chí Linh, cách Côn Sơn không bao xa, chiều tới, ngài ngự có ý ghé thăm Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên. Ngài nghĩ đêm và chẳng may bị cảm hàn, băng hà trong đêm đó ngay tại Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi.
Bà Phi Nguyễn Thị Anh và triều thần Lê Sát, Lương Đăng và đám quan nịnh thần quy kết tội cho Nguyễn Thị Lộ đã đầu độc chết vua và Nguyễn Trãi là tòng phạm, và cũng là chủ mưu. Biến cố Lệ Chi Viên một sớm một chiều xẩy ra, vua Thái Tông mất đi đột ngột mà gia cảnh ông Nguyễn Trãi lâm vào thảm họa tru di tam tộc.
Bà Nguyễn Thị Lộ bị còng giải vô ngục tối. Ông Nguyễn Trãi cũng nằm trong nhà lao cách biệt, cửa đen cách biệt chín trùng, nghĩ không còn cách gì phơi giải oan tình này cho được. Lòng ông thấm khổ đau mà than thở:
“Cuộc thế thăng trầm mấy chục niên
Non xưa, suối, đá, phụ tình duyên
Danh suông, vạ mắc, vòng oan trái:
Dạ thẳng, đời bao kẻ ghét ghen!
Định mệnh ta đành cam lúc bĩ
Tư văn trời có tựa khi nên?
Trong bao tủi nhục trăm bề đủ,
Bệ ngọc khôn lường một mảnh tiên!
Vua Lê Thái Tông mất rồi, triều thần và bà phi Nguyễn Thị Anh rước hoàng thái tử Bang Cơ mới hai tuổi lên ngôi vua. Sau lễ đăng quang của Bang Cơ, người ta mang Nguyễn Thị Lộ và đại gia đình tam tộc nhà ông Nguyễn Trãi ra xử tử hình.
Ngày 16-8-1442 (năm Nhâm Tuất) là ngày xử tội hình của toàn gia Nguyễn Trãi.
Nghe đồn rằng, buổi sáng đen tối đó, gió lạnh rít se sắt từ phía Hồ Tây thổi tới, làm rung rinh răng rắc cây cành xung quanh pháp trường… rồi pháp lệnh ban ra: tùng bi ly tùng bi ly… oan nghiệt thay, một nhà quan hành khiển Ức Trai Nguyễn Trãi máu rơi thịt nát tan tành.
Sau khi bị hành hình, ông Nguyễn và gia đình được các học trò ông đợi vắng người, tới thu lượm hình hài mang về an tang ở núi Tam Giáp, huyện Phượng Sơn, giáp quê quán của ông.
Theo sử liệu của Trúc Khê, Ngô Văn Triện, thì sau khi vua Thái Tông mất, hoàng thái tử Băng Cơ lên kế vị, tức là vua Nhân Tông. Nghi Dân bị mất ngôi, ngấm ngầm oán giận, nuôi chí thoán đạt, đến năm Kỹ Mão (1459) tháng 10, Nghi Dân tụ tập phe đảng, hơn 100 người, tràn vào hoàng cung ban đêm, giết vua Nhân Tông và bà Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh. Nghi Dân tự lên ngôi đặt niên hiệu là Thiên Hưng.
Năm sau đó, các quan cựu đại thân như Lê Niệm, Lê Lăng, Đinh Liệt, Nguyễn Xí bà soạn nghị sự, rồi đem cấm binh bất ngờ đuổi phe đảng của Nghi Dân và đi đón Gia Vương về hoàng cung.
Gia Vương là Tư Thành, con của vua Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Hoàng tử Tư Thành lên ngôi niên hiệu Quang Thuận, sau đổi là Hồng Đức.
Triều vua Lê Thánh Tông là một triều đại cực thịnh rạng rỡ về văn học (với tao đàn nhị thập bát tú). Thịnh trị về kinh tế và ổn định về chính trị.
Người đời sau có lần đặt câu hỏi là nếu không có ông Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ che chở, giúp đỡ bà Tiệp Dư, thì làm sao có được hoàng thái tử Tư Thành, tức là vua Lê Thánh Tông vậy công lao và thuyết nhân nghĩa của ngài Ức Trai Nguyễn Trãi không phải là nhỏ đối với lịch sử.
Cũng theo sử gia Trúc Khê, có sự góp công của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm góp ý thì từ đời vua Nhân Tông, vua đã biết Ức Trai mắc tội oan, nhưng vẫn cho là Nguyễn Thị Lộ có làm nên tội giết vua, nên chưa thể giải oan vụ án Lệ Chi Viên.
Phải đợi gần 20 năm sau, đến đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức, đích thân nhà vua xuống chiếu giải oan cho Ức Trai Nguyễn Trãi, truy tặng chức Kim Tử Vịnh đại phu, cho lục tìm con cháu ông còn sót lại để đền bù và lưu dùng.
Thời đại chuyên chế khi xưa của các nước Đông Phương, thật có nhiều vụ án ly kỳ, những vụ án gây ra bởi những bằng chứng mơ hồ, vô căn cứ mà giết chết nhiều mạng người rất oan uổng.
Vụ án Lệ Chi Viên với thảm họa tru di tam tộc nhà ông Nguyễn Trãi, do bởi sự tranh giành ngôi báu do các quan xu nịnh bè phái mà ra.
Bên ngoài dân gian, thì người thương kẻ ghét lắm lời, và thêm vào đó là sự mê tín dị đoan và phong thủy dầy đặc, tô đậm cho sự đau khổ thêm lâm ly ly kỳ. Óc tưởng tượng của con người thiệt phi thường.
Người ta tương truyền rằng, ông nội tổ nhà ông Nguyễn Trãi sai phá rừng lấy đất xây trường học. Lỡ phá tổ một ổ rắn, giết rắn con làm rắn mẹ bị thương, rắn mẹ báo cho ông tổ biết sẽ báo oán tới ba đời. Trời sui khiến, ông Nguyễn Trãi gặp bà Nguyễn Thị Lộ. Mối lương duyên kỳ ngộ này, xưa nay ai ai chẳng biết qua mấy vần thơ truyền tụng từ năm nảo năm nào:
Nàng ở đâu ta bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con?
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh tuổi được trăng tròn lẻ
Chồng con chưa có có chi con!
Những vần thơ đối chiếu nhau xứng ý và tương đắc, chắc cuộc tình của họ đẹp đậm đà… đến nỗi gì mà họ mắc vào tội báo oan gia, gỡ lâu mới ra nổi.
Bà Nguyễn Thị Lộ mặc danh mang cái lốt con rắn ác độc… giết vua Lê Thái Tông?
Chuyện hư thực sau này vua Lê Thánh Tông đã giãi bầy cùng bàn dân thiên hạ rõ như ban ngày.
Còn như câu thơ: “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon!“ Còn mang một ý nghĩa châm biếm khôi hài hơn cả chuyện bà Nguyễn Thị Lộ mặc áo rắn…
Đúng là bà thú thiệt: tôi ở Tây Hồ và khi đại án “tùng bi li“ xử xong, bà Nguyễn Thị Lộ hóa thân lẹ làng thành một con rắn lao tọt xuống Hồ Tây, chắc để cho cả bàn dân thiên hạ đều dòm thấy, đều chứng kiến cảnh rắn hóa người, rồi người hóa rắn… khen thay cái óc tưởng tượng phi thường của cổ nhân xưa! Tức cười đến rơi nước mắt!
Sau cùng hết, thì vụ án oan của ông Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ đã công khai được vua Lê Thánh Tông đích thân chấp nhận mở oan cừu, giải cứu họ, dù có đôi chút muộn màng, nhà vua cũng thừa nhận chỉ có oan sai và lòng ghen ghét là điều nguy hiểm nhứt.
Mừng thay, sau này, sử cũng ghi rằng, bà Tuyên Từ Nguyễn Thị Anh cũng băn khoăn, ăn năn rồi hối hận. Bà chăm nom săn sóc Tư Thành như con ruột và tôn Tư Thành lên làm Bình nguyên Vương.
Vụ án Lệ Chi Vương mở ra và được khép lại với nỗi An Bình của cả triều đại Hồng Đức. Tân xuân Ất Tỵ, xin nhớ về công đức của tiền nhân.
Paris 2024
Chúc Thanh
Xuân Ất Tỵ
Phỏng lược theo sử liệu của các tác giả:
Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm
Trúc Khê Ngô Văn Triện
Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện
Gửi ý kiến của bạn