Vào tháng Tư năm nay, một nhóm các khoa học gia và kỹ sư đã thực hiện một chuyến bay trên vùng trời phía bắc Greenland để thử nghiệm tính năng của một thiết bị radar tiên tiến. Khi đang cách Căn cứ Không gian Pituffik khoảng 150 dặm về phía đông, Chad Greene, khoa học gia thuộc phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA, đã chụp lại hình ảnh của vùng tuyết mênh mông, trắng xóa bên dưới.
Cùng lúc đó, radar phát hiện điều bất thường ẩn bên dưới lớp băng: một căn cứ quân sự từ thời Chiến tranh Lạnh đã bị bỏ hoang, được gọi là Camp Century.
Alex Gardner, khoa học gia tại JPL và là đồng lãnh đạo dự án, cho biết: “Chúng tôi chỉ đang tính tìm kiếm phần đáy của lớp băng thì bất ngờ hình ảnh Camp Century hiện ra. Ban đầu, chúng tôi không biết đó là gì.”
Được mệnh danh là “thành phố dưới băng,” Camp Century là một căn cứ quân sự đặc biệt được Quân đoàn Công binh Hoa Kỳ xây dựng trên mảng băng Greenland (còn gọi là “tấm băng” hoặc “dải băng” – Greenland ice sheet) vào năm 1959. Khi mới hoàn thành, Camp Century nằm gần sát lớp bề mặt, nhưng qua nhiều thập niên băng, tuyết không ngừng tích tụ, căn cứ đã bị chôn vùi ở độ sâu ít nhất là 100 feet (khoảng 30 mét).
Theo Andrew Paul từ Popular Science, vào thời điểm đó, Camp Century được công bố là một trung tâm nghiên cứu vùng cực. Nhóm khoa học gia tại đây đã tiến hành những nghiên cứu quan trọng, bao gồm việc lấy các mẫu lõi băng (ice core *), đầu tiên trên thế giới. Các mẫu lõi băng này vẫn là nguồn dữ liệu quan trọng trong các nghiên cứu khí hậu hiện nay.
* Ice core (lõi băng) là một mẫu băng hình trụ được lấy từ các lớp băng trên sông băng, dải băng, hoặc các cực Địa cầu. Lõi băng được khoan và rút lên từ những độ sâu khác nhau trong băng, mỗi lớp băng tương ứng với một khoảng thời gian trong quá khứ. Các lõi băng giống như “thư viện dữ liệu” tự nhiên, cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử khí hậu và môi trường Địa cầu.
Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ bọc nghiên cứu khoa học đó, Camp Century còn phục vụ một dự án tuyệt mật thời Chiến tranh Lạnh, có tên là Dự án Iceworm (Project Iceworm).
Mục tiêu của Dự án Iceworm là xây dựng một mạng lưới đường hầm bên dưới lớp băng, để đặt một hệ thống phi đạn nguyên tử và cho phóng khi cần thiết. Những phi đạn này được gọi là “Iceman,” được thiết kế đặc biệt để có thể phóng xuyên qua tấm băng và nhắm mục tiêu vào Liên Xô trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo một bài viết từ Popular Science vào tháng 2 năm 1960, dự án này được mô tả như sau: “Khi xây dựng công trình kỳ vĩ cách Bắc Cực 800 dặm, các kỹ sư của Quân đội Hoa Kỳ, với sự hợp tác của Chính phủ Đan Mạch (Greenland là một phần của Vương quốc Đan Mạch), đã chứng minh rằng vùng Bắc Cực khắc nghiệt có thể bị chinh phục… Nơi đây sẽ là mái nhà ấm cúng, thoải mái và tiện nghi cho 100 khoa học gia, kỹ sư và binh lính. Họ dự kiến chuyển đến đây vào cuối năm nay.”
Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã không tiết lộ mục đích thực sự của dự án cho Chính phủ Đan Mạch.
Camp Century được xây dựng tại một địa điểm xa xôi, trong điều kiện khắc nghiệt, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới âm 56 độ C và tốc độ gió hơn 193 km/h. Đây là một kỳ công đáng nể, đặc biệt khi căn cứ này còn là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng nguyên tử di động để cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, theo Jess Thomson của Newsweek, đến năm 1967, cả căn cứ Camp Century lẫn Dự án Iceworm đều bị bỏ hoang vì không thể duy trì một công trình lớn như vậy trong môi trường băng di chuyển liên tục.
Dù vậy, việc rời bỏ Camp Century không đồng nghĩa với việc dọn sạch những gì còn lại. Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường (Cooperative Institute for Research in Environmental Sciences – CIRES) thuộc Đại học Colorado Boulder ước tính, căn cứ đã để lại khoảng 200,000 lít dầu diesel, 238,000 lít nước thải (bao gồm cả nước thải sinh hoạt) và một lượng chất làm mát lò phản ứng nguyên tử có hàm lượng phóng xạ thấp, nhưng chưa được xác định được là chất gì.
Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2016 còn chỉ ra rằng địa điểm này có thể chứa các chất ô nhiễm độc hại như polychlorinated biphenyls (PCB).
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang làm dấy lên những lo ngại rằng lớp băng bao phủ Camp Century sẽ tan ra, khiến các chất thải độc hại bị chảy ra bên ngoài. William Colgan, khoa học gia về khí hậu và băng tại Đại học York, đồng tác giả nghiên cứu năm 2016, cảnh báo: “Dựa trên các mô phỏng khí hậu, chúng tôi nhận thấy rằng thay vì ở trạng thái có tuyết rơi liên tục, khu vực này có thể chuyển sang trạng thái tuyết tan đều đều vào năm 2090. Một khi điều đó xảy ra, tấm băng không còn giữ được các chất thải, và chuyện các chất độc hại này lộ ra ngoài là không thể vãn hồi.”
Trước đây, Camp Century từng được phát hiện qua các cuộc khảo sát trên không bằng radar, nhưng những công nghệ radar cũ chỉ tạo ra được bản đồ hai chiều, không cung cấp thông tin cụ thể về các cấu trúc hoặc độ sâu bên dưới.
Trong đợt khảo sát vào tháng 4/2024, nhóm nghiên cứu của NASA đã sử dụng UAVSAR (Uninhabited Aerial Vehicle Synthetic Aperture Radar), loại radar hiện đại được gắn trên bụng phi cơ. UAVSAR đã tạo ra bản đồ có chiều sâu và chi tiết hơn nhiều so với dữ liệu cũ. Kết quả mới không chỉ giúp xác định rõ các cấu trúc riêng lẻ trong “thành phố bí mật” dưới tấm băng, mà còn phù hợp với các tài liệu lịch sử về Camp Century.
“Trong dữ liệu mới, có thể thấy các cấu trúc riêng lẻ trong thành phố bí mật rõ ràng hơn bao giờ hết,” Greene giải thích.
Ngoài việc giúp khám phá Camp Century, UAVSAR còn được kỳ vọng sẽ giúp đo độ dày băng ở Nam Cực, cải thiện các dự báo về mực nước biển. Dù vẫn chưa rõ công nghệ mới sẽ hữu ích đến đâu, nhưng trước mắt, Camp Century chắc chắn là một phát hiện thú vị gợi nhớ về một giai đoạn đầy bí ẩn trong lịch sử.
VB biên dịch
Nguồn: “NASA Radar Detects Abandoned Site of Secret Cold War Project in Greenland—a ‘City Under the Ice'” được đăng trên trang Smithsonianmag.com.