Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng sắc đẹp sẽ mang lại lợi thế trong các mối quan hệ, học tập và công việc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc “không được đẹp đẽ” không chỉ là một điều bất lợi mà còn bị coi là phạm pháp? Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, ở Hoa Kỳ từng có các luật gọi là “luật xấu xí” (ugly laws), cấm những người có vẻ ngoài “khó coi” xuất hiện ở các nơi công cộng.
Chúng ta vẫn thường nghe nói về “đặc quyền của cái đẹp”, tức là các lợi thế mà những người có vẻ ngoài phù hợp với tiêu chuẩn về sắc đẹp của xã hội được hưởng mà không cần phải nỗ lực gì nhiều. Nhưng trong quá khứ, Hoa Kỳ đã từng có những luật lệ biến việc “không đạt các tiêu chuẩn về sắc đẹp” thành “chuyện lớn.” Những luật này cho thấy xã hội chúng ta từng coi thế nào là đẹp, thế nào là không đẹp, và không đẹp thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả gì.
Sự trỗi dậy của đặc quyền dành cho cái đẹp
Khi các thành phố ngày càng phát triển và trở nên đông đúc, việc duy trì trật tự và mỹ quan đô thị cũng được chú trọng hơn. Năm 1867, San Francisco là thành phố đầu tiên ở Hoa Kỳ ban hành luật quy định “bất kỳ ai bịnh hoạn, tàn tật, què quặt hoặc bị dị dạng đến mức khó coi hoặc ghê tởm” mà “xuất hiện ở nơi công cộng” là hành vi phạm pháp.
Các luật này nhanh chóng lan rộng đến các thành phố và tiểu bang khác, bao gồm Reno, Nevada; Portland, Oregon; Chicago, Illinois; New Orleans, Louisiana và Pennsylvania. Luật chủ yếu nhắm vào những người có khuyết tật mà mắt người có thể nhìn thấy rõ. Theo Susan M. Schweik, tác giả của cuốn sách “The Ugly Laws: Disability in Public” (xin tạm dịch là “Luật Xấu Xí: Người Tật Nguyền Nơi Công Cộng”), đây không chỉ là những quy định về ngoại hình, mà còn là một phần trong nỗ lực kiểm soát hành vi ứng xử của công chúng và áp đặt các chuẩn mực xã hội, thường sẽ đi cùng với các quy định cấm đoán khác liên quan đến chủng tộc, di dân và người vô gia cư sống lang thang.
Một số người viện lý do rằng các luật này là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì ngây thơ tin rằng nhìn thấy người khuyết tật sẽ làm người ta “muốn bịnh” rồi có thể thành bị bịnh thật. Những người khác thì lo ngại rằng nếu cho phép những người không lành lặn thoải mái đi ăn xin trên đường phố, sẽ có những kẻ giả bộ bị què quặt để lợi dụng lòng nhân ái của mọi người mà kiếm tiền. Nhưng nói tới nói lui, thì nguyên nhân chính của các luật này vẫn là sự ghê tởm và kỳ thị.
Trong cuốn hồi ký “The Great Metropolis” (Đại Đô Thị) năm 1869 về cuộc sống ở thành phố New York, nhà báo Junius Henri Browne viết rằng “đang chuẩn bị đi ăn tối, hoặc đi thăm người yêu, hoặc mới nghĩ ra câu cuối cho bài thơ đang vắt óc sáng tác bữa giờ, mà bị một hình ảnh tởm lợm nào đó lọt vào mắt, thì thật chẳng dễ chịu chút nào.”
Những luật này đã hất đổ chén cơm của nhiều người. Đó là những người tật nguyền đi bán hàng rong, ăn xin và trình diễn trên đường phố. Họ phải ngừng kiếm sống bởi vì sự có mặt của mình ở nơi công cộng làm cho mọi người mất hứng.
Một thí dụ là vào giữa những năm 1910, một ông 35 tuổi ở Cleveland bị què cả tay và chân đã phải nghỉ việc bán báo dạo, và rồi cả gia đình rơi vào túng quẫn. May mắn thay, chủ một tiệm thuốc thương tình cho ông đứng bán trên bậc thềm trước cửa tiệm, vì chỗ đó là tài sản tư nhân chứ không thuộc quyền kiểm soát của thành phố.
Schweik cho biết. “Các luật này không nhắm vào Helen Keller và Tổng thống Franklin D. Roosevelt, mà chủ yếu nhằm ngăn chặn những người bị tật nguyền đến những nơi công cộng để xin tiền.”
Một số người ủng hộ luật này tin rằng thay vì để những người khuyết tật sống lang thang, tự kiếm sống trên đường phố, họ nên được đưa vào các cơ sở đặc biệt để được chăm sóc tốt hơn. Nhưng thực tế cách làm này chỉ khiến họ bị tước quyền tự quyết và bị cô lập khỏi xã hội.
Không phải ai cũng tán thành các luật kỳ thị ngoại hình xấu xí. Một số thị trưởng đã cấp giấy phép bán hàng rong dành riêng cho người tật nguyền để họ vẫn giữ được kế sinh nhai. Khi cảnh sát cố gắng bắt giữ họ trên phố, thường sẽ có nhiều người qua đường đứng ra can thiệp, cản trở.
Thí dụ như vào năm 1936, khi một cảnh sát viên ở Chicago đang cố gắng rượt bắt một ông da đen bị cụt chân tên là Ben Lewis, mà cứ nhắm đá vào cái chân lành còn lại của ông này. Gần đó có 4 người da trắng thấy tức mình quá nên đánh luôn cảnh sát. Hàng trăm người khác cũng bất bình mà vây lại để giúp Lewis.
Tác động dai dẳng của “luật xấu xí”
Vụ bắt giữ cuối cùng liên quan đến các luật kỳ thị ngoại hình khó coi xảy ra vào năm 1974. Nhưng dù các luật này đã bị bãi bỏ từ lâu, tác động của chúng vẫn còn dai dẳng và ảnh hưởng đến thái độ của xã hội đối với người tật nguyền, và đặc biệt là trong quan điểm của nhiều người về việc ai được phép xuất hiện ở nơi công cộng, ai thì không.
Schweik cho biết: “Ngày nay, thay vì công khai áp dụng các luật kỳ thị ngoại hình khó coi, các thành phố có những kế hoạch còn cao thâm hơn. Họ nói là để giữ gìn mỹ quan đường phố và vỉa hè, nên họ cấm nhiều hành động trên đường phố công cộng chẳng hạn như đứng hoặc ngồi quá lâu, ngủ trên vỉa hè, hoặc mang vác theo quá nhiều đồ đạc, hoặc thể hiện rõ ràng là đang rất khó khăn và cần được giúp đỡ.”
Điều tích cực duy nhất mà các luật lệ tàn nhẫn này có thể làm, đó là trở thành thí dụ điển hình về nạn kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người tật nguyền. Nhờ vậy, phong trào bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật được thúc đẩy mạnh mẽ vào những năm 1970. Và nhờ vào những nỗ lực đấu tranh của các nhà hoạt động ủng hộ người khuyết tật, Đạo luật Americans with Disabilities Act (ADA) đã được ban hành vào năm 1990, yêu cầu các công ty và chính phủ phải chú ý hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người tật nguyền.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Illegal to be ’ugly’? The history behind one of America‘s cruelest laws” được đăng trên trang Nationalgeographic.com
Gửi ý kiến của bạn