Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Đã Từng Có 40 Năm Người Ta Thi Làm Thơ Ở Thế Vận

09/08/202400:00:00(Xem: 750)

The Van
Hồi sinh sự kết hợp giữa thể thao và nghệ thuật từ thời Thế vận cổ đại là kế hoạch mà Pierre de Coubertin, vị Nam tước người Pháp được mệnh danh là cha đẻ của Thế vận hiện đại, luôn ấp ủ.
(Nguồn: pixabay.com)
 
Ở Hy Lạp thời cổ đại, Thế vận hội Olympics không chỉ là sự kiện để các vận động viên thể hiện sức mạnh và tài năng, mà còn là dịp để những tâm hồn thi ca tỏa sáng – họ sẽ mang những vầng thơ của mình xướng lên trước đám đông khán giả đang háo hức. Và thời đó, các vận động viên cũng thường cậy nhờ những thi sĩ nổi tiếng sáng tác những bài thơ ca ngợi chiến thắng vinh quang của mình. Sau đó, những bài thơ này sẽ được các dàn hợp xướng biểu diễn trong các buổi lễ long trọng. Có một thời văn-võ đã song hành với nhau như thế.
 
Hàng ngàn năm sau, hình ảnh kết hợp giữa thi ca và thể thao của Olympics cổ đại đã thu hút Pierre de Coubertin, vị Nam tước Pháp được mệnh danh là cha đẻ của Thế vận hiện đại vào năm 1896. Tuy nhiên, các kỳ Thế vận ngày nay đã không còn giống với tầm nhìn vĩ đại của Coubertin: một cuộc thi là lễ đường cho cuộc tái hôn giữa thể chất và trí tuệ.
 
Nam tước Coubertin tin rằng nhân loại đã “mất hết cảm giác về sự hòa hợp” (eurythmy), từ “eurythmy” dùng để mô tả sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thể thao. Ý tưởng này đã được nêu ra từ rất lâu, chẳng hạn như trong tác phẩm The Republic của Plato, Socrates ca ngợi giá trị của một nền giáo dục kết hợp giữa “thể dục thể thao để rèn luyện cơ thể và âm nhạc để nuôi dưỡng tâm hồn.” Các nhà thơ nên tham gia thể thao, còn các vận động viên nên thử sức với thi ca.
 
Triết lý này đã dẫn đến việc đưa 5 bộ môn nghệ thuật trở thành các môn thi đấu chính thức vào Thế vận hội Stockholm năm 1912. Tác phẩm văn thơ hiện đại đầu tiên giành huy chương vàng Olympic là “Ode to Sport,” một bài thơ xuôi của Georges Hohrod và M. Eschbach. Mở đầu của bài thơ:
 
Ôi Thể thao, lạc thú của thánh thần, tinh túy vô ngần của sự sống! Giữa cảnh đời xám xịt đa đoan, giữa muôn trùng khổ lao vô nghĩa, một sứ giả giáng trần, rạng ngời với những thông điệp từ cái thời đã lui dần vào quá khứ, thuở nhân thế còn biết nở nụ cười.
Và tám câu tiếp theo là:
Ôi Thể thao, Thể thao là Danh dự! Những giải thưởng kia có nghĩa lý gì nếu vắng công bằng, minh bạch… Ôi Thể thao, Thể thao là Vui thú! Theo tiếng gọi của Thể thao, thân xác biết vui và mắt hiện ý cười… Ôi Thể thao, Thể thao là Sinh lực tràn đầy!... Ôi Thể thao, Thể thao là Tiến bộ từng ngày!
 
Độc giả ngày nay thường không mấy ấn tượng với bài thơ đầu tiên giành huy chương vàng Thế vận. Nhiều người nhận xét bài thơ này quá “hoa mỹ,” “làm bộ” hoặc “làm quá.” Nhưng theo hội đồng ban giám khảo năm 1912, Hohrod và Eschbach đã hoàn toàn chinh phục được họ.
 
Ý kiến của ban giám khảo năm 1912 viết rằng: “Đối với chúng tôi, ‘Ode to Sport’ rất xuất sắc, và bài thơ này thể hiện được tinh thần mà cuộc thi đang tìm kiếm.
 
Có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi Hohrod và Eschbach có thể hiểu rõ tinh thần của cuộc thi đến như vậy, vì Hohrod và Eschbach thực ra chỉ là bút danh của người đã nghĩ ra toàn bộ ý tưởng về cuộc thi nghệ thuật trong Thế vận: tác giả của “Ode to Sport” không ai khác hơn là Pierre de Coubertin.
 
Các cuộc khai quật lớn đầu tiên tại Olympia, nơi tổ chức các kỳ Thế vận thời cổ đại, bắt đầu vào những năm 1870. Người ta đã phát hiện được nhiều tàn tích và hiện vật quý giá.
 
Khi còn nhỏ, Coubertin từng được chứng kiên những tàn tích của thành Rome cổ đại trong các chuyến viếng thăm cùng gia đình. Đến khi trở thành thiếu niên, ông theo học tại một trường dòng Jesuit. Nền giáo dục cổ điển càng làm tăng niềm đam mê của Coubertin đối với văn hóa Hy Lạp cổ đại.
 
Richard Stanton, tác giả của cuốn “The Forgotten Olympic Art Competitions,” từng giải thích điều này trong một bài phỏng vấn với tạp chí Smithsonian năm 2012: “Coubertin được nuôi nấng và giáo dục theo phong cách cổ điển, và rất ngưỡng mộ quan niệm của người Hy Lạp cổ về một Thế vận văn võ song toàn, không chỉ giỏi thể thao mà còn xuất sắc trong các lĩnh vực khác. Ông tin rằng Thế vận thời hiện đại cần bao gồm cả các khía cạnh nghệ thuật để tái hiện một cách toàn diện và đầy đủ tinh thần của Thế vận thời cổ đại.
 
Tuy nhiên, các nhà đồng tổ chức lại không mấy mặn mà với ý tưởng của vị Nam tước này. Sau vài lần thất bại, Coubertin thành lập Ủy ban Thế vận Quốc tế (International Olympic Committee, IOC) vào năm 1894, và kỳ Thế vận đầu tiên của thời hiện đại diễn ra tại Athens 2 năm sau đó. Nhưng Thế vận 1896 lại chỉ có các môn thi thể thao như ném đĩa, bơi lội, đấu kiếm và nhảy sào. Dù có thêm một số bộ môn mới vào các năm 1900 (thủy cầu và bắn cung) và 1904 (đấu quyền anh và quần vợt lacrosse), nhưng sự kết hợp mà Coubertin mong muốn vẫn chưa xảy ra.
 
Coubertin vẫn không ngừng theo đuổi mục tiêu của mình. Khi biết rằng Rome sẽ tổ chức Thế vận năm 1908, ông biết rằng cơ hội đã chín muồi. Ngày 5/8/1904, một bài báo của Coubertin có tiêu đề là “Olympiad Roman” được đăng trên trang nhất tờ Le Figaro của Pháp, trong đó viết rằng:
 
Đã đến lúc bước vào một giai đoạn mới, khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu của Thế vận. Trong thời hoàng kim của Olympia… nghệ thuật và văn thơ luôn sánh bước cùng thể thao để làm nên các kỳ Thế vận vĩ đại và tuyệt vời. Tương lai cũng vậy… Hãy để La Mã hiện đại mang đến cho chúng ta một kỳ Thế vận điển hình, tái hiện những vinh quang xưa cổ: đưa nghệ thuật chung bước đồng hành với thể thao.
 
Coubertin tin rằng mối liên kết giữa thể thao và nghệ thuật không chết theo sự sụp đồ của Thế vận cổ đại Olympia, và đã đến lúc “khôi phục trọn vẹn lý tưởng này.” Sau ba kỳ Thế vận đầu tiên của thời hiện đại, việc “kết hợp thể chất và trí tuệ” là “khả thi và cần thiết.
 
Hai năm sau, IOC đã tổ chức một hội nghị để cân nhắc về “việc các bộ môn nghệ thuật, đặc biệt là văn thơ, có thể tham gia vào Thế vận như thế nào.” Bàn về văn thơ, họ thảo luận về “khả năng tổ chức các cuộc thi văn thơ trong Thế vận” và “cảm xúc đối với thể thao sẽ là nguồn cảm hứng sáng tác.
 
Coubertin đã có một bài phát biểu đầy nhiệt huyệt tại lễ khai mạc, nhấn mạnh sự tái kết hợp giữa thể chất và trí tuệ. Ông nói: “Nếu tôi nói rằng ngày nay ‘họ’ đang khao khát mãnh liệt được tái hôn’ thì là tôi nói dối. Sự kết hợp này đã từng rất thành công, nhưng sự xa cách lâu ngày đã khiến họ trở nên xa lạ và không mặn mà nữa. Xa mặt thì cách lòng.
 
Cuối cùng, các viên chức đồng ý thêm năm cuộc thi nghệ thuật vào Thế vận năm 1908, bao gồm văn thơ, hội họa, điêu khắc, âm nhạc và kiến trúc. Tất cả các tác phẩm tham gia các hạng mục này, được gọi chung là Năm môn Nghệ thuật phối hợp (Pentathlon of the Muses), cần phải được lấy cảm hứng từ thể thao, khôi phục được sự hòa hợp mà Coubertin đã hình dung.
 
Định mệnh trêu ngươi, ý người không bằng ý trời, những kế hoạch này đã bị một sự kiện lớn phá hỏng: Núi lửa Vesuvius thức giấc vào mùa xuân năm 1906. Khoảng 200 người đã thiệt mạng trong thảm họa này. Dù so ra thì con số không cao bằng hàng ngàn người chết vụ phun trào năm 79 sau Công Nguyên, nhưng sự kiện này đã làm gián đoạn kỳ Thế vận ở Rome, và các cuộc thi buộc phải dời đến London. Các cuộc thi đấu về nghệ thuật sau đó đã bị hoãn lại mãi đến Thế vận Stockholm năm 1912.
 
Số lượng người tham gia trong năm đầu tiên khá thất vọng, chỉ thưa thớt khoảng ba chục thí sinh tham gia hạng mục Năm môn Nghệ thuật phối hợp. Cuộc thi văn thơ chỉ nhận được không tới mười bài dự thi, trong đó có bài thơ của Coubertin viết dưới bút danh Hohrod và Eschbach. Nhưng tình hình đã khả quan hơn trong kỳ Thế vận năm 1924, và đến năm 1928, các cuộc thi nghệ thuật đã thu hút hơn 1,000 bài dự thi. Thời điểm đó, năm hạng mục nghệ thuật lại được phân chia thành các phân mục nhỏ hơn. Thí dụ, các thi sĩ có thể ghi danh thi đấu ở hai thể loại là “sử thi” hoặc “trữ tình.”
 
Tony Perrottet, tác giả của cuốn “The Naked Olympics: The True Story of the Ancient Games,” viết trên tờ New York Times vào năm 2012 rằng ngay từ đầu, hạng mục văn thơ (chủ yếu là thi ca) đã vấp phải nhiều tranh cãi. Thể thao không phải là chủ đề hấp dẫn trong mắt các nhà thơ nổi tiếng đầu thế kỷ 20, “khiến cho các cuộc thi trông giống như một tiết mục phụ, chất lượng bình dân.” Những tên tuổi lớn như William Butler Yeats của Ireland đã không tham gia các cuộc thi văn thơ trong Thế vận, mặc dù anh em của Yeats là Jack Butler Yeats, đã giành huy chương bạc trong bộ môn hội họa vào năm 1924. Robert Graves, một nhà thơ nổi tiếng của Anh, cũng tham gia kỳ Thế vận năm đó và thua cuộc, về sau đã viết trong một bức thư rằng cuộc thi là một “trò hề dở khóc dở cười.
 
Những thách thức mới đã xuất hiện trong Thế vận Berlin năm 1936. Adolf Hitler đã đồng ý tổ chức các kỳ Thế vận sau khi bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels nói rằng sự kiện này sẽ là cơ hội để chứng minh sự vượt trội của chủng tộc Aryan. Goebbels cũng đã giúp tổ chức các cuộc thi nghệ thuật trong kỳ Thế vận năm đó, và đã trao tổng cộng 9 huy chương vàng cho tất cả các hạng mục; 5 trong số đó thuộc về người Đức. Chỉ có một vận động viên Hoa Kỳ giành huy chương: Charles Downing Lay giành huy chương bạc ở phân mục “thiết kế quy hoạch đô thị,” thuộc hạng mục kiến trúc. Trong các phân mục thuộc về văn thơ, Đức giành huy chương vàng cho các tác phẩm thơ trữ tình, còn Phần Lan chiến thắng trong phần sử thi.
 
Việc lưu giữ hồ sơ và tác phẩm dự thi của các cuộc thi nghệ thuật tại Thế vận cũng không ổn định, và nhiều tác phẩm thắng giải đã biến mất một cách khó hiểu. Một số nhà phê bình cho rằng lý do có thể là chất lượng của các tác phẩm này không cao, nên chúng không được bảo tồn. Trong một bài đăng trên tờ Times năm 2012, Perrottet đã chỉ ra rằng các nhà sử học đã tìm kiếm trong vô vọng những tác phẩm lớn như “A Rider’s Instructions to His Lover,” của thi sĩ người Đức Rudolf Binding, tác phẩm đã giành huy chương bạc tại Thế vận Amsterdam năm 1928. Hay bài thơ của nhà vô địch bóng bầu dục Pháp Charles Gonnet ca ngợi các vận động viên Hy Lạp cổ đại, có tên là “Before the Gods of Olympia,” đã giành huy chương đồng tại Thế vận Paris năm 1924.
 
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu về lịch sử Olympics đã cố gắng tìm kiếm bài thơ “Sword Songs” của Dorothy Margaret Stuart, giành huy chương bạc trong Thế vận năm 1924. Một thập niên trước, Perrottet tìm thấy bản sao của bài thơ tại Thư viện Công cộng New York. Bài thơ dài 37 trang “có chút lỗi thời” và “có chút hài hước.” Trong một phần của bài thơ, có cảnh diễn ra ở Scotland thời Trung Cổ, James IV đang quan sát hai chiến binh đấu kiếm với nhau như sau:
“Lách kiếm đâm sâu vào đối thủ
nhát vào khe hở nhát vào khớp
tẩn mạnh vào giáp tay, vào nón
phàm tất hai bên đều chịu đau.”
 
Năm môn thi Nghệ thuật phối hợp đã là một phần của Thế vận trong gần 40 năm, và đã trao tổng cộng khoảng 150 huy chương. Có những cột mốc đáng chú ý như: Robert Dover, vận động viên đồng tính đầu tiên tham gia Thế vận thời hiện đại vào năm 1988; và Ernst van Heerden, nhà thơ đồng tính người Nam Phi giành huy chương bạc trong kỳ Thế vận năm 1948. Tuy nhiên, sau kỳ Thế vận London năm 1948, các hạng mục nghệ thuật đã bị loại bỏ.
 
Quyết định của IOC về việc loại bỏ các hạng mục nghệ thuật khỏi Thế vận được cho là do “lý tưởng cao đẹp về tinh thần nghiệp dư thuần túy thời Corinthian mà Thế vận đã cam kết sẽ gìn giữ.” Theo đó, chỉ những người không kiếm sống từ nghệ thuật mới được tham gia các cuộc thi nghệ thuật trong Thế vận. Việc phân biệt giữa nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư rất khó khăn, và chất lượng của các tác phẩm dự thi đã giảm xuống mức trung bình.
 
Avery Brundage, chủ tịch IOC từ năm 1952, đã phản đối mạnh mẽ các cuộc thi nghệ thuật trong Thế vận. Richard Stanton, tác giả của cuốn “The Forgotten Olympic Art Competitions,” nghi ngờ sự phản đối của Brundage có thể liên quan đến thất bại ê chề của cá nhân ông này, vì ông này đã từng hai lần tham gia các cuộc thi văn thơ trong Thế vận mà không đạt thành tích cao, chỉ được một giải khuyến khích.
 
Ngày nay, các huy chương về nghệ thuật không còn được liệt kê trong các hồ sơ chính thức của Thế vận. Và dù đôi khi vẫn có những lời kêu gọi đưa các cuộc thi nghệ thuật trở lại với Thế vận, nhưng không thành công.
 
Coubertin qua đời vào năm 1937, và không nhìn thấy sự lụi tàn của các bộ môn nghệ thuật tại Thế vận. Nhưng trong cuốn hồi ký về Olympics xuất bản năm 1931, ông có bàn về lý do tại sao các bộ môn nghệ thuật trong Thế vận lại khó có thể thành công
 
Nam tước viết: “Nguyên nhân chính có thể được tóm tắt mấy từ: nỗi sợ cổ điển.” Ông tin rằng nỗi sợ này tràn ngập mọi hạng mục. Lấy thí dụ về văn thơ: thi sĩ “không thể mô tả chính xác niềm hân hoan của nỗ lực thể thao vì chính bản thân họ không quen thuộc với điều đó.” Còn trong hội họa, “các cảnh về thể thao đòi hỏi nhiều đường nét hơn màu sắc, điều này không hợp với khuynh hướng nghệ thuật đương thời.” Vậy còn âm nhạc thì sao? Coubertin viết: “Công chúng cũng không còn thích thú với các bản cantata ngoài trời.
 
Nguyên Hòa biên dịch
 
Nguồn: “Poetry Was an Official Olympic Event for Nearly 40 Years. What Happened?” được đăng trên trang Smithsonianmag.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hiếm ai có thể hình dung cơn bão tin giả (fake news) hoành hành khắp nước Mỹ trong tám năm qua, từ cuộc bầu cử 2016, lại thổi đến từ Veles – một thị trấn xa xôi nằm phía tây nam châu Âu, ở North Macedonia, trên dòng sông Vardar êm ả. Không nói cũng không ai biết. Những câu chuyện trong bóng tối này mãi mãi không bước ra ánh sáng, hoặc cũng chỉ rất ít người biết đến, thấu rõ đường đi nước bước của thánh địa tin giả này, cho đến khi cuốn sách “The Book Of Veles” của nhiếp ảnh gia Jonas Bendiksen được xuất bản. Ông là người Na-Uy, thành viên của hội nhiếp ảnh danh giá Magnumphoto.
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng sắc đẹp sẽ mang lại lợi thế trong các mối quan hệ, học tập và công việc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc “không được đẹp đẽ” không chỉ là một điều bất lợi mà còn bị coi là phạm pháp? Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, ở Hoa Kỳ từng có các luật gọi là “luật xấu xí” (ugly laws), cấm những người có vẻ ngoài “khó coi” xuất hiện ở các nơi công cộng.
Dự án 2025 đề ra những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chính phủ liên bang, đặc biệt trong chính sách kinh tế và xã hội, và vai trò của chính phủ và các cơ quan liên bang. Trong những thay đổi đó có cả việc cắt giảm tài trợ cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), tháo dỡ cơ quan điều tra FBI và Bộ An ninh Nội địa, hủy bỏ các quy định về môi trường và biến đổi khí hậu để giúp gia tăng sản xuất nhiên liệu như dầu hỏa, cùng loại bỏ các Bộ Giáo dục và Thương mại ra khỏi nội các chính phủ. Hãng thông tấn Associated Press có một bài tóm tắt song rành mạch những chương trình của Dự án 2025 đối nội cũng như đối ngoại, tại đường dẫn này. Bao gồm trong Dự án 2025 cũng gồm cả việc lập tức dùng Đạo luật nổi dậy năm 1807 để tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội vào dẹp các vụ biểu tình chống đối chính phủ, cùng chỉ đạo Bộ Tư pháp truy lùng các đối thủ của ông Trump. Chính ông Trump cũng đã từng tuyên bố với những người ủng hộ ông là ông là người sẽ giúp họ phục hận. Theo luật hiện hành, quân đội không đượ
Nghèo đói là yếu tố quyết định mạnh mẽ của bệnh Lao. Môi trường sống và làm việc đông đúc và kém thông gió thường liên quan đến nghèo đói, tạo thành các yếu tố gây nguy cơ trực tiếp cho việc lây truyền bệnh lao. Suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng để bệnh phát triển. Nghèo đói lại cũng liên quan đến tình trạng kém kiến thức về sức khỏe và từ đó thiếu những sự bảo vệ sức khỏe trong đời sống hàng ngày dẫn đến nguy cơ tiếp xúc và truyền bệnh.
Trong hai ngày Thứ Bảy & Chủ Nhật 17 & 18/08/2024, tại Bowers Museum, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt phối hợp cùng Trung Tâm Việt Nam Texas Tech University, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt - Mỹ University of Oregon đã tổ chức hai buổi triển lãm và thảo luận về hai chủ đề: Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc Việt Nam và Cuộc Di Cư Năm 1954. Khoảng 1,000 lượt người đã đến tham dự hai sự kiện về lịch sử từ bảy thập niên trước. Có thể nói rằng lâu lắm rồi tại Thủ Đô Người Việt Tị Nạn mới có một sự kiện lịch sử được tổ chức với qui mô lớn và công phu như thế. Động lực nào đã khiến ba tổ chức chuyên nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam cùng nhau tổ chức sự kiện này? Ông Châu Thụy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt nói lời khai mạc, chào mừng mọi người đến với cuộc triển lãm và hội thảo, để cùng nhau ôn lại, nhìn theo những góc nhìn mới về hai sự kiện lịch sử vẫn còn ảnh hưởng đến người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại đến tận ngày hôm nay.
Hiểu cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đòi hỏi phải đặt nó trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn, thay vì xem xét nó một cách tách biệt. Được khởi xướng bởi Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1953, cải cách ruộng đất bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các sự kiện biến động sau Thế chiến II. Sự kết thúc của cuộc chiến, nạn đói năm 1945, và cuộc đấu tranh sau đó để giành độc lập khỏi ách thực dân Pháp đã tạo ra một không khí cách mạng ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954) đã làm tăng sự cấp bách cho những thay đổi xã hội và kinh tế triệt để khi Việt Minh tìm cách củng cố quyền lực và giải quyết các bất bình giữa người giàu và người nghèo do khai thác thực dân gây ra.
Cuối tuần vừa qua tôi đi dự hội thảo về Việt Nam tại Bảo tàng Bowers ở thành phố Santa Ana, thủ phủ của Quận Cam. Hai ngày hội thảo với hai chủ đề có liên quan với nhau là Cải cách Ruộng đất 1953-56 và Di cư 1954. Xong ngày đầu của hội thảo, đi ăn tối với một bạn sống ở Quận Cam từ năm 1978, khi biết chủ đề là về cải cách ruộng đất, bạn hỏi ngay: “Có hình Hồ Chí Minh cầm khăn khóc không?”. Bạn tôi ít quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng biết sử Việt vì là con trong gia đình bắc di cư 54, lớn lên tại miền Nam và sống ở đó cho đến khi vượt biển. Hình Hồ Chí Minh khóc và sự kiện bà Nguyễn Thị Năm đóng góp nhiều vàng cho Việt Minh rồi cũng bị đấu tố trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam từ 1953 đến 1956 có lẽ là những hiểu biết cơ bản của nhiều người Việt, dù không chứng kiến hay trực tiếp là nạn nhân trong sự việc. Những hình ảnh đó hôm nay cũng đã được trưng bày tại Bảo tàng Bowers và có trong bài nói chuyện của diễn giả tại hội thảo.
Chương trình Triển Lãm Và Thảo Luận Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt & Cuộc Di Cư 1954 vừa chấm dứt. Việt Báo đăng lại toàn bài của giáo sự Trần Huy Bích chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng 8 tại Bowers Museum kể lại câu chuyện di cư của Ông và bối cảnh Bắc Việt những ngày tháng 8, 1954.
John Andrew Jackson vừa chào đời đã mang phận nô lệ, và được định sẵn là sẽ dành trọn kiếp sống tủi nhục trên những cánh đồng bông vải ở Nam Carolina. Nhưng, không cúi đầu trước số phận, Jackson đã thoát khỏi cảnh nô dịch, trở thành một diễn giả và văn nhân có ảnh hưởng lớn đến phong trào bãi nô. Ông cũng là nguồn cảm hứng cho tác phẩm kinh điển Uncle Tom's Cabin (Túp Lều của Chú Tom) của Harriet Beecher Stowe, xuất bản năm 1852. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chế độ nô lệ này được nhiều sử gia đánh giá là đã góp phần thúc đẩy cuộc Nội chiến của Hoa Kỳ.
(Little Saigon-VB) - Để đánh dấu 70 năm cuộc di cư Bắc Nam hậu Hội nghị Geneva; và cùng nhìn lại sự kiện Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam dưới thời VNDCCH với tác động, hệ lụy trên cả nước đối với quốc gia, dân tộc Việt, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, Trung Tâm Việt Nam ĐH Texas Tech, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ ĐH Oregon phối hợp tổ chức Triển Lãm Thảo Luận Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt và Cuộc Di Cư 1954: Hai Biến Cố Thay Đổi Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại vào hai ngày: Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8: Cải cách ruộng đất và đấu tranh giai cấp ở miền Bắc Việt Nam, 1953-1957; Chủ nhật, ngày 18 tháng 8: Cuộc di cư của gần 1 triệu người từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954 tại Bowers Museum 2002 N. Main St, Santa Ana, CA 92706.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.