Hôm nay,  

Những ông cậu vua tham quyền làm sụp đổ triều đại

20/05/202310:50:00(Xem: 1798)
Tìm hiểu lịch sử

old warrior

Đọc lịch sử, ta thấy bất cứ dòng họ vua chúa nước nào cũng thường trải qua một thời hưng thịnh ban đầu rồi dần dần suy tàn, nhường chỗ cho một triều đại mới. Những kẻ cướp ngôi hầu hết đều thuộc hạng bề tôi đã gây được thế lực đủ mạnh để lấn lướt nhà vua. Trong số bề tôi cướp ngôi ấy, số bà con bên ngoại của nhà vua như cha, anh, em hoặc cháu của vị thái hậu, hoàng hậu không ít. Rút tỉa từ kinh nghiệm này, nhà Trần sau khi cướp ngôi nhà Lý đã triệt để áp dụng chế độ nội hôn, chỉ cho những người trong dòng họ Trần mới được lấy nhau để tránh nạn ngoại thích cướp ngôi. Nhưng tránh trời không khỏi nắng, những vị vua đời sau của nhà Trần đã không chịu nổi sự gò bó đó nên đã lấy người họ khác. Kết quả là nhà Trần cũng mất ngôi về tay ngoại thích Hồ Quý Ly.
     Điều đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, tính từ khi ngài Ngô Quyền giành được độc lập đến triều Nguyễn, chỉ có 11 triều đại lớn nhỏ: Ngô (không kể nhuận triều Dương Tam Kha và nhuận triều Hồ Quý Ly), Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh (phương Bắc), Nguyễn (phương Nam), Tây Sơn, Nguyễn (thống nhất) thì đã có 4 triều đại bị sụp đổ bởi chính những ông cậu ruột của vị vua đương thời.
 
Dương Tam Kha: người làm sụp đổ triều Ngô
 
Dương Tam Kha là con của Dương Đình Nghệ, Tiết độ sứ Giao Châu (thần phục nhà Hậu Lương). Năm 937, một thuộc tướng của Dương Đình Nghệ là Kiểu Công Tiện làm phản, giết Nghệ để cướp quyền. Con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đang trấn thủ Ái Châu được tin vội đem quân ra Bắc đánh kẻ phản nghịch. Kiểu Công Tiện thấy mình yếu thế, bèn sai người sang cầu cứu vua Nam Hán. Vua Nam Hán không bỏ lỡ cơ hội, liền mượn cớ cứu Kiểu Công Tiện, cử thái tử Lưu Hoằng Tháo kéo quân sang thôn tính đất Giao Châu. Nhưng Hoằng Tháo chưa sang kịp thì Ngô Quyền đã giết được Kiểu Công Tiện. Đại quân Nam Hán đã theo sông Bạch Đằng để tiến vào đất Việt. Nhờ nắm vững qui luật của mực thủy triều lên xuống ở cửa sông, Ngô Quyền đã nghĩ được một mưu kế tuyệt diệu. Lợi dụng lúc mực nước xuống, ông cho đóng nhiều cọc nhọn ở vùng hạ lưu gần cửa biển chờ sẵn. Quân Nam Hán đến cửa sông Bạch Đằng gặp lúc thủy triều đang lên chẳng hề hay biết, hăng hái đuổi đánh quân Việt. Chờ lúc thủy triều xuống quân Việt liền dồn sức phản công quyết liệt. Quân Nam Hán phải dội lại, những chiến thuyền của chúng bất ngờ bị vướng cọc vỡ chìm ngổn ngang khiến quân sĩ phần chết đuối phần bị quân Việt bắt. Chính thái tử Hoằng Tháo cũng bị Ngô Quyền bắt giết. Vua Nam Hán đem quân tiếp viện nghe tin đó hoảng sợ quá đành phải rút quân về. Với chiến thắng này, Ngô Quyền đã chấm dứt được cuộc đô hộ kéo dài cả ngàn năm của giặc Tàu (năm 938), mở đầu một thời kỳ tự chủ cho dân tộc Việt (1).
     Ngô Quyền lên ngôi vua năm 939, xưng hiệu là Ngô Vương. Vì tin tưởng người em vợ là Dương Tam Kha, Ngô Quyền đã trao cho Kha nhiều quyền hành trong triều. Đến năm 944 thì Ngô Quyền lâm bệnh mà qua đời. Trước khi mất, ngài cho mời Dương Tam Kha đến gởi gắm người con lớn là Ngô Xương Ngập với hi vọng Dương Tam Kha sẽ tận tình giúp cháu trị dân. Thế nhưng Dương Tam Kha là người quá tham lam, thấy lợi liền quên nghĩa. Ngô Quyền vừa mất xong Dương Tam Kha liền ra tay cướp ngôi của cháu. Ông xưng hiệu là Bình Vương (944-950). Ngô Xương Ngập sợ hãi phải chạy trốn về huyện Nam Sách (Hải Dương), nhờ Phạm Lệnh Công tận tình che chở mới thoát nạn được. Dương Tam Kha lại lấy người em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi.
     Vì sự cướp ngôi của Dương Tam Kha, nhiều địa phương dân chúng không chịu phục tùng chính quyền trung ương nữa. Mầm loạn chớm lên khắp nơi. Những tay có thế lực đã lợi dụng cơ hội này gây dựng quân đội cát cứ từng vùng. Đến năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng hai tướng là Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đem quân đi đánh dẹp một vụ nổi loạn ở Thái Bình. Đi nửa đường, Ngô Xương Văn thuyết phục được hai tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi đem quân trở lại đánh úp Dương Tam Kha. Dương Tam Kha không chống chọi nổi nên bị bắt. Nghĩ tình cậu cháu, Ngô Xương Văn chỉ giáng Dương Tam Kha xuống làm Chương Dương Công mà tha tội chết. Sau đó Ngô Xương Văn cho người đi rước Ngô Xương Ngập về Cổ Loa rồi hai anh em cùng làm vua. Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương tục gọi là nhà Hậu Ngô.
     Tuy nhà Ngô đã giành lại được ngôi báu, nhưng các thổ hào địa phương trải qua một thời gian khá lâu xây dựng thế lực riêng đã quen nề, không muốn lệ thuộc triều đình nữa. Không lâu sau đó thì Thiên Sách Vương qua đời. Giặc giã trong nước ngày càng tăng. Nam Tấn Vương đã phải đi đánh dẹp liên miên. Cuối cùng, trong lần dẹp giặc ở Thái Bình, Nam Tấn Vương đã không may bị trúng một phát tên độc mà chết. Từ đó thế lực của triều đình suy yếu hẳn. Đỗ Cảnh Thạc lợi dụng cơ hội này cũng ly khai triều đình, chiếm Đỗ Động Giang làm vùng đất cát cứ riêng.
     Nam Tấn Vương không con, con của Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí lên kế vị chỉ còn giữ được một vùng đất nhỏ ở Bình Kiều nên chỉ được coi như một sứ quân mà thôi. Tới năm 968 thì Ngô Xương Xí phải đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh. Thế là nhà Ngô mất. Dương Tam Kha thì chết già trong âm thầm.
 
Trần Thừa, Trần Thủ Độ: người làm sụp đổ triều Lý
 
Nhà Lý dựng nghiệp năm 1010 với bốn vị anh quân Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông nối tiếp nhau trị dân đã đưa đất nước Đại Việt lên một thời kỳ rất hưng thịnh về mọi mặt.
     Từ đời Lý Thần Tông về sau nhà Lý càng ngày càng suy yếu dần. Năm 1208, vì vua Lý Cao Tông bất minh nghe lời gia thần xử tử oan viên tướng có công Phạm Bỉnh Di nên thuộc hạ của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc nổi loạn chiếm lấy kinh thành Thăng Long. Vua Cao Tông phải chạy lên mạn Qui Hóa tị nạn. Thái tử Lý Hạo Sảm thì chạy về Hải Ấp (huyện Hưng Nhân), tá túc ở nhà một phú hào tên Trần Lý. Trần Lý bèn tập họp con cháu dấy binh giúp triều đình dẹp loạn.
     Sau khi đã dẹp được Quách Bốc, hai người con trai của Trần Lý là Trần Thừa, Trần Tự Khánh cùng người cháu gọi ông bằng bác là Trần Thủ Độ đều được vua Lý Cao Tông trọng dụng.
     Trong thời gian ở nhà Trần Lý, thái tử Lý Hạo Sảm đã phải lòng người con gái út của chủ nhà tên Trần Thị Dung. Sau khi về triều, thái tử Lý Hạo Sảm nạp Trần Thị Dung làm phi. Khi vua Cao Tông qua đời, thái tử Lý Hạo Sảm lên kế vị tức vua Huệ Tông, lập Trần Thị Dung làm nguyên phi rồi sau thăng lên làm hoàng hậu. Thế lực của họ Trần càng ngày càng được mở rộng.
     Vua Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung không có con trai, chỉ sinh được hai công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Thánh (tên Phật Kim). Nhà vua vốn thể lực yếu đuối, tinh thần cũng bạc nhược, luôn phó mặc công việc triều chính cho quan Phụ chính Trần Tự Khánh giải quyết.
     Năm 1223 Trần Tự Khánh mất, vua Huệ Tông cho Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy. Để tạo sự ràng buộc giữa hai nhà, vua Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên cho con trai của Trần Thừa là Trần Liễu. Công chúa Chiêu Thánh được phong làm thái tử. Sang năm sau vua Huệ Tông lại cho người em họ của hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Tháng 10 năm giáp thân (1224), vua Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa tức là Lý Chiêu Hoàng rồi vào tu ở chùa Chân Giáo.
     Lý Chiêu Hoàng tuy đã làm vua nhưng chỉ mới 7 tuổi đâu có biết gì. Vì thế, ông cậu ruột Trần Thừa và ông cậu lại Trần Thủ Độ của vua tha hồ thao túng triều đình. Trần Thừa còn khiêm tốn, dè dặt, riêng Trần Thủ Độ quyết chợp lấy cơ hội này để đoạt thiên hạ về tay họ Trần. Một mặt ông tìm cách ám hại vị vua cũ Huệ Tông đã đi tu, mặt khác ông đưa Trần Cảnh mới 8 tuổi, con thứ của Trần Thừa, vào hầu hạ Lý Chiêu Hoàng rồi xếp đặt gài Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh vào một cuộc hôn nhân theo ý muốn của ông.
     Không lâu sau đó Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng. Sự nghiệp triều Lý kéo dài được 215 năm (1010-1225) thì chấm dứt. Trần Cảnh đã trở thành vua Trần Thái Tông, vị vua khai sáng của nhà Trần (1225-1400). Trần Thừa được tôn làm Thái thượng hoàng, khi mất được tôn miếu hiệu là Trần Thái tổ.
 
Trương Phúc Loan: người làm sụp đổ cơ đồ chúa Nguyễn
 
Trương Phúc Loan là dòng dõi công thần nhiều đời của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Cha của Trương Phúc Loan là Thái bảo Phan quốc công Trương Phúc Phan lấy công nữ Ngọc Nhiễm là con của chúa Nguyễn Phúc Thái (hoặc Trăn). Chị ruột của Loan là Trương Thị Thư lại được gả cho chúa Nguyễn Phúc Trú, được phong làm Thục phi. Thục phi sinh ra Nguyễn Phúc Khoát tức là chúa Võ Vương sau này. Nhờ những liên hệ gia đình như thế nên khi chúa Võ Vương lên ngôi (1738), dù chưa lập được công trạng gì, Trương Phúc Loan vẫn được cử làm phụ chính.
     Bản chất của Trương Phúc Loan không được lương thiện. Thấy chúa Võ Vương ham lo việc triều chính, ít chịu nghe lời ông, ông không vui lòng. Thế rồi ông tìm cách dẫn dụ để đưa chúa vào con đường bê trễ, hư hỏng. Với tư cách là cậu ruột của chúa, ông đã gài thế, tạo điều kiện cho chúa làm chuyện loạn luân với người em chú bác ruột là công nữ Ngọc Cầu, con của ông chú ruột chúa là Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền. Kết quả của mối tình loạn luân này là công tử Nguyễn Phúc Thuần ra đời cuối năm 1753. Nguyễn Phúc Thuần đã được nuôi kín ở hậu cung để giới hạn bớt tai tiếng cho chúa.
     Tháng 7 năm 1765 thì chúa Võ Vương qua đời, để lại di chiếu truyền ngôi cho công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân đã 33 tuổi kế vị. Biết Nguyễn Phúc Luân - cha của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này - là người thông minh, cứng rắn không thể chi phối quyền hành được, Trương Phúc Loan bèn âm mưu cùng thái giám Chữ Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam Nguyễn Phúc Luân, giết hai vị thầy học của Nguyễn Phúc Luân là Nội hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ rồi giả chiếu chỉ đưa công tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi tức là chúa Định Vương. Nguyễn Phúc Luân vì uất hận nên mắc bệnh mà qua đời.
     Chúa Định Vương vừa lên ngôi liền phong cho Trương Phúc Loan chức Quốc Phó, quản lý bộ Hộ, quản cơ Trung tượng kiêm tàu vụ, lo việc thông thương với tàu bè ngoại quốc. Loan lại dàn xếp cho con trai là Chưởng dinh Trương Phúc Thặng lấy công nữ Ngọc Nguyện, Cai cơ Trương Phúc Nhạc lấy công nữ Ngọc Đảo, đều là chị ruột của chúa Định Vương. Do vậy nên quyền hành trong triều của Trương Phúc Loan lại càng vững.
     Để củng cố thế lực, Loan còn tiến cử một người thân tín là Thái Sinh giữ Hộ bộ. Thấy Nguyễn Phúc Dục được nhiều người nể trọng, Loan bèn gả con gái cho Dục để cầu thân. Nhưng về sau thấy không lợi dụng được Dục, Loan bèn vu tội cho Dục rồi cách chức. Dục phẫn uất quá nên phát bệnh mà chết.
     Muốn chóng làm giàu, Loan đặt thêm nhiều loại thuế mới rồi cho người thân tín đi thu, thu xong chỉ nộp lại cho nhà nước vài phần tượng trưng còn bao nhiêu bỏ túi cả. Ngoài ra Loan còn bày ra việc bán tước mua quan để thu gom vàng bạc nữa. Loan giàu đến nỗi sau một trận lụt lớn nhà bị ngập, Loan sai phơi vàng trên sân lấp lánh cả một góc trời. Dân chúng vô cùng oán thán Loan nên gọi Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là một gian thần nổi tiếng đời Tống đã hãm hại không biết bao nhiêu kẻ trung lương yêu nước).
     Chính sách cai trị hà khắc của Loan làm dân chúng chịu không nổi, trong nước xảy ra nhiều vụ nổi loạn. Năm 1771, ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ dấy nghĩa ở Bình Định. Quân chúa Nguyễn đánh dẹp nhiều phen không xong. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh một cách đáng sợ.
     Được tin này, chúa Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài liền sai tướng Hoàng Ngũ Phúc kéo quân vượt sông Gianh với lý do giúp chúa Nguyễn dẹp giặc Tây Sơn. Đến tháng 10 năm 1774 quân Trịnh chiếm được dinh Quảng Bình. Quân Trịnh tiến đến đâu quân Nguyễn thua chạy đến đó. Tiếp đó chính chúa Trịnh Sâm cũng thân cầm quân vào đến Nghệ An hỗ trợ Hoàng Ngũ Phúc, ra thông cáo đem quân vào Nam quyết bắt bắt cường thần Trương Phúc Loan để cứu dân.
     Đã có cớ để trừ Trương Phúc Loan, Ngoại hữu Chưởng dinh Nguyễn Cửu Pháp và Tiết chế thủy bộ Nguyễn Phúc Cường tâu với chúa Định Vương bàn mưu mời Loan đến bàn việc quân rồi bất ngờ bắt Loan đem nộp cho Hoàng Ngũ Phúc để hoãn binh. Đồng đảng với Loan là Hộ bộ Thái Sinh cũng bị bắt giam rồi chết tại ngục. Trương Phúc Loan thì bị dẫn độ ra Bắc nhưng vì quá sợ, Loan đã lâm bệnh chết dọc đường (1776). Thừa lúc chiến tranh loạn lạc, nhà cửa, của cải của Loan đều bị quân, dân cướp phá tan tành hết…
 
Bùi Đắc Tuyên: người làm sụp đổ triều Tây Sơn
 
Bùi Đắc Tuyên người xã Bình Phú, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, con của nhà cự phú Bùi Đắc Lương. Ông có hai người anh là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung và hai em gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn. Bùi Thị Nhạn lấy Nguyễn Huệ sinh ra Nguyễn Quang Toản. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, bà Bùi Thị Nhạn được phong làm hoàng hậu và Nguyễn Quang Toản được phong làm thái tử. Nhờ mối liên hệ đó, dù Bùi Đắc Tuyên chữ nghĩa không bao nhiêu (2) vẫn được phong chức Thị lang bộ Lễ và được phép ra vào nơi cung cấm.
     Khi vua Quang Trung mất (1792), Quang Toản lên ngôi tức vua Cảnh Thịnh, Bùi Đắc Tuyên được phong làm Thái sư. Cầm được quyền lớn, Tuyên hay chuyên quyền độc đoán nên các quan văn võ phần nhiều bất bình. Người nào xu phụ Tuyên thì được ưu đãi, người nào chống Tuyên thì bị cách chức, hãm hại hoặc đày đi trấn nhậm xa xôi.
     Hổ tướng Tây Sơn Lê Văn Hưng được phái đi đánh giặc ở Phú Yên, sau khi thắng trận, Hưng giao thành cho Nguyễn Quang Huy giữ rồi kéo quân về Phú Xuân. Thái sư Tuyên thấy thế liền bắt tội Hưng không thỉnh mệnh trước tức là tỏ ý muốn làm phản, tâu vua chém đầu để răn đe kẻ khác. Vua Cảnh Thịnh nghe lời. Đại tư mã Ngô Văn Sở cố can nhưng không được. Phụ chính Trần Văn Kỷ cũng can, Thái sư Tuyên nổi giận cách chức Kỷ rồi đày ra coi trạm Hoàng Giang.
     Sau đó Thái sư Tuyên sai Ngô Văn Sở ra Bắc thay thế Đại đô đốc Võ Văn Dũng và gọi ông này về Phú Xuân. Võ Văn Dũng về đến Hoàng Giang thì gặp Trần Văn Kỷ. Kỷ bèn đem mọi việc xảy ra thuật lại cho Võ Văn Dũng nghe và khuyên Dũng nên sớm trừ Thái sư Tuyên để tránh hại cho quốc gia và bản thân. Dũng vốn tin tưởng và nể trọng Kỷ nên liền nghe theo. Về đến Phú Xuân, Dũng không vào triều mà bí mật mời Thái úy Phạm Công Hưng và Thái bảo Nguyễn Văn Huấn tới bàn mưu giết Bùi Đắc Tuyên. Vốn đã bất bình với Thái sư Tuyên sẵn, hai tướng này liền hưởng ứng ngay. Đêm đến, ba tướng huy động quân sĩ đến vây dinh Thái sư ở gần chùa Thiền Lâm phía Nam sông Hương. Không ngờ đêm ấy Thái sư Tuyên có việc đang ngủ trong cung vua. Quân nổi dậy liền bao vây luôn cung vua và thỉnh cầu vua Cảnh Thịnh cho giao nộp Thái sư Tuyên cho họ. Vua Cảnh Thịnh buộc lòng phải cho bắt Bùi Đắc Tuyên đem giao nộp.
     Tiếp đó, Võ Văn Dũng cử Nguyễn Văn Huấn vào Qui Nhơn bắt con của Bùi Đắc Tuyên là Bùi Đắc Trụ đang coi việc quân ở đó, đồng thời giả chiếu chỉ phái Đô đốc Hài ra Bắc bắt luôn Ngô Văn Sở. Giải hết về Phú Xuân xong, Võ Văn Dũng phao cho cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở tội mưu phản rồi đóng cũi lại đem dìm xuống sông Hương cho chết.
     Từ khi Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nhiều nhân tài của nhà Tây Sơn đã bị hại. Kẻ bị giết chết, người phải lo trốn tránh, có kẻ về hàng đối thủ của nhà Tây Sơn là Nguyễn Phúc Ánh. Vì vậy, thế lực của vua Cảnh Thịnh bị suy giảm rất nhiều. Sau khi Bùi Đắc Tuyên bị giết, hai danh tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã dàn quân đối trận với nhau trên sông Hương khiến chính vua Cảnh Thịnh phải thân hành dàn xếp mới yên. Tuy thế, không khí nghi kỵ, chia rẽ nhau trong nội bộ nhà Tây Sơn vẫn ngày càng lan rộng.
     Nguyễn Phúc Ánh đã tận tình khai thác nhược điểm chia rẽ này để rồi không bao lâu sau đó ông đã tận diệt được nhà Tây Sơn.
 

Ngô Viết Trọng

 

(1) Năm 1288 đời nhà Trần, quân dân ta lại lập lại chiến công tương tự trên sông Bạch Đằng này một lần nữa: bắt được các danh tướng Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc, phá tan ngót 400 chiến thuyền của giặc Nguyên.

 

(2) Trọng dụng người thân mà không xét tài năng của kẻ ấy, đây là một nhược điểm của vua Quang Trung, thật đáng tiếc!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
✱ CIA: Đỗ Mậu sẽ trở thành thủ tướng trong vài ngày tới - Khiêm tuyên bố mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát - sẽ thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn không cho sự việc diễn ra. ✱ BNG: Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn thì quả quyết kêu gọi các nhân viên chính phủ gia nhập Đảng Đại Việt - Ông Hoàn đã nạp đơn từ chức vào ngày 13 tháng 5, đã được thông qua nhưng giữ bí mật việc từ chức trong ít nhất 48 giờ. ✱ Ông Đỗ Mậu/VNMLQHT: Họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu - họ muốn lợi dụng tên tuổi và uy tín của tôi nhưng vẫn e ngại - Từ đó, tôi ở vào tình trạng "quản thúc vô hạn định" trên thành phố đìu hiu này. ✱ ĐS Lodge: Số tiền 1 triệu đô la “ mệnh giá lớn nhất” trong chiếc cặp da của Tổng Thống Diệm, Đại sứ Lodge yêu cầu giữ kín kẻo làm mất hòa khí.
Dọc đường tôi đi bộ bên bờ kênh Delaware và Raritan, khoảng cuối tháng Tư có loại hoa màu tím nhạt nở từng chùm treo lúc lỉu trên những cành cây; thấp thì sà xuống mặt nước, cao thì cách mặt đất chừng chục mét. Hoa thuộc loại dây leo, nở lâu sắp tàn thì màu tím nhạt dần rồi biến thành màu trắng; khi chưa nở, nụ hoa trông giống như những hạt đậu màu tím. Có lẽ vì thế người ta gọi là cây đậu tía. Hoa còn có tên khác, đẹp hơn. Hoa Tử Đằng. Có người giải thích, Tử là màu tím; Đằng là chữ dùng chung cho loại dây leo.
Đó là một buổi sáng thứ Hai băng giá ở Matxcơva. Bên trong Viện Văn hóa Nhà nước của thành phố, Yuri Kot quyết tâm khơi ngọn lửa trong lớp. “Là người Nga nghĩa là gì?” ông gầm lên, nghiêng người về phía trước và nhìn chằm chằm vào các sinh viên. Kot – một người đàn ông 47 tuổi tóc vàng, trông giống một con gấu với những tuyên truyền yêu nước đã khiến ông trở thành khách mời nổi tiếng trên các chương trình truyền hình Nga – là trưởng khoa báo chí của học viện này.
Tìm được một nụ cười trên môi một người VN lưu vong vào tháng 4 hàng năm không dễ dàng. Cả 30 ngày của tháng tư, "những ngày mây xám giăng trên đỉnh trời", hình ảnh những người đã bỏ mình cho 20 năm tự do của miền Nam, những người mãi mãi nằm lại dưới đáy đại dương , không đặt chân được bến bờ tự do hiện về trong ký ức của chúng tôi rõ mồn một như mới hôm qua.
Nguyên tác của bản dịch là “The Vietnam War and its Conclusions”, một trích đoạn trong tác phẩm Leadership -- Six Studies in Wold Strategy của Henry Kissinger do Nhà xuất bản Penguiun Press, New York ấn hành năm 2022, (trang 149-63). Trong bài viết, Kissinger nêu lên chiến lược nguyên thuỷ khi đàm phán của Richard Nixon đề ra là binh sĩ Mỹ và Bắc Việt phải cùng lúc rút ra khỏi miền Nam. Nhưng khi dự thảo cho Hoà ước Paris, có sự thay đổi điều kiện là Lê Đức Thọ chỉ chấp thuận cho việc binh sĩ Mỹ đơn phương ra đi trong khi binh sĩ Bắc Việt được tiếp tục đồn trú tại miền Nam. Kissinger không giải thích tại sao phải chấp nhận điều kiện này. Trong cuốn sách Kissinger’s Betrayal: How America Lost the Vietnam War do Nhà xuất bản Real Clear Publishing ấn hành vào tháng 4 năm 2023, Stephen B. Young có phát hiện một sự thật khác: Kissinger đã qua mặt cả Nixon khi tự ý đề ra điều kiện cho binh sĩ Bắc Việt ở lại.
Một quy hoạch vùng cho hệ thống cao tốc đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước đã được phê duyệt, thực ra công trình giao thông này đã đến với dân chậm mất vài thập niên vì quy hoạch này đã sớm phải là một trong những ưu tiên cao nhất quốc gia...
Trong cuộc chiến 1954-1975 giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam, khi tình hình càng ngày càng căng thẳng và bất lợi cho Nam Việt Nam, thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, một nước cộng sản, mở cuộc vận động ngoại giao nhằm tránh sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Đây là một diễn biến khá bất thường, nên để tìm hiểu việc nầy, xin quay trở lại chủ trương ngoại giao của CHND Trung Hoa từ năm 1954 về vấn đề Đông Dương.
✱ ĐS Martin: Tôi nói, tôi có cảm giác rằng nếu ông không có quyết định sớm, các tướng lãnh của ông sẽ yêu cầu ông ra đi - tôi đoán là ông ta sẽ sớm ra đi bằng cách này hay cách khác. Nếu các tướng lãnh của ông ta cho thêm vài ngày nữa - và rằng nếu ông không hành động sớm, các sự kiện sẽ ập đến với ông. ✱TT Thiệu: Cái bản văn hiệp định đó là bản văn hiệp định Hoa Kỳ bán miền Nam Việt Nam cho cộng sản – tôi nói với ông Ngoại trưởng Kissinger lúc đó nếu như ông chấp nhận bản hiệp vì lý do riêng tư tôi không biết, nể nang nhau, đổi chác nhau, đem quyền lợi sinh mạng của dân tộc miền Nam này ra bán – chớ tôi là người Việt Nam, tôi không chấp nhận - Nếu tôi không có thiện chí đàm phán thì làm sao hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 được ký kết? Mặc dù thỏa thuận đó là một thỏa thuận què quặt, tôi phải chấp nhận nó. ✱ TT Thiệu: Người Mỹ... thất hứa, thiếu công bằng, thiếu chính nghĩa, vô nhân đạo đối với một đồng minh đang chịu đau khổ, trốn tránh trách nhiệm của một đại cường...
Rõ ràng là các gen của quý vị và vợ/chồng của quý vị sẽ xác định giới tính của con cái quý vị. Nhưng quý vị có biết rằng gen xác định giới tính mà quý vị truyền lại cho con cái có thể đã được truyền lại từ ông của chúng không?
Có phải bạn rất đỗi ngạc nhiên về tiêu đề của bài viết này? Có thể bạn nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này, bởi vì lịch sử về cuộc đời của đức Phật xưa nay không hề thấy nói đến chuyện đức Phật đi tới Châu Âu và Châu Phi. Bạn nghĩ không sai.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.