Tháng 3/1975 ai ra lệnh rút quân tại Kontum-Pleiku,Tổng thống Thiệu hay Tướng Phú?

05/03/202310:29:00(Xem: 1899)
Tìm hiểu lịch sử

daovan


Việc rút  quân khỏi hai tỉnh Pleiku-Kontum từ hồi tháng 3 năm 1975  tính ra đã gần 50 năm, nhưng đề tài này vẫn còn  gây ra nhiều tranh cãi cho đến ngày nay về việc ai đã ra lệnh rút quân khỏi vùng cao nguyên Trung Phần. Để rộng đường dư luận, người viết xin lược lại  các tuyên bố của các vị tư lệnh quân khu trách nhiêm được ghi lại trên cách sách báo và tuyên bố của TT Thiệu dựa vào tài liệu giải mật  phổ biến trên thư viện online của CIA (2016 và 2017), và các điện tín giữa Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn được phổ biến  trên thư viện của Bộ Ngoại Giao.

 

✱ Tình hình QK II vào tháng 3.1975

 

Theo bản văn của CIA thiết lập ngày 17.3.1975 (phổ biến ngày 14.8.2016) -Tổng thống VNCH Thiệu đã quyết định dùng tổng lực nhằm trụ lại  vùng cao nguyên Ban Mê Thuột và đã ra lệnh cho Tư lệnh quân khu rút quân khỏi hai tỉnh Kontum và Pleiku, để sử dụng  vào  cuộc  chiến tái chiếm thị trấn. [bị xóa một số chữ] Tư lệnh vùng, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, gặp Thiệu ngày hôm qua (16.3.2023) đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục tổng thống gửi thêm viện binh đến  cao nguyên miền Trung. Tổng thống nói với Phú rằng việc tái chiếm Ban Mê Thuột là mục tiêu quan trọng nhất của Quân khu 2.

 

Thiệu được cho là đã ra lệnh cho Tướng Phú bắt đầu rút lực lượng của ông ta khỏi các tỉnh Pleiku và Kontum hôm nay (17.3.1975) và hoàn thành việc di chuyển vào thứ Hai tới. Một chiếc C-47 của Air America đã được sắp xếp để di tản tất cả người Mỹ khỏi Kontum và Pleiku vào sáng sớm hôm nay. Chi tiết về tình hình chiến thuật tại Ban Mê Thuột chưa đầy đủ, nhưng [bị xóa một số chữ] những người cộng sản hiện chiếm đóng phần lớn  thị trấn. [Bị xóa 4 dòng chữ] số đông quân đội miền Nam Việt Nam đã bị bắt làm tù binh, trong số này có tỉnh trưởng và một trung đoàn trưởng. Một số lượng lớn dân thường đã được "giải thoát", cho thấy dân thường đã  di chuyển khỏi khu vực giao tranh để vào vùng do cộng sản kiểm soát. [1]

 

  Ý kiến của hai  vị Tư lệnh Quân khu I , II và của Đại Tướng Cao Văn Viên  về vụ triệt thoái.

 

• Tướng  Phú"Tổng Thống Thiệu đã chà đạp danh dự tôi khi ông công khai đổ lỗi cho tôi về chuyện mất Cao Nguyên Trung Phần, và ông ta đã ra đi như một người du lịch với những chiếc va ly mà ông đã soạn  sẵn. Nhưng phần tôi, tôi sẽ ở lại, tôi sẽ tự tử và máu của tôi sẽ rơi trở lại vào lưng ông  ta.  Tôi chỉ còn có một cách đó để đính chánh lời cáo buộc của ông ta mà thôi"  (VNQMOK, Chương 23)  [2].

 

• Tướng Trưởng: "Lệnh của Tổng Thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân Đoàn I vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân Đoàn II vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc lộ 22 làm ranh giới. Việt Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên. Cái lầm của trung ương là không cho các thuộc cấp biết biết ý định của mình. Nghĩa là các vị tư lệnh các quân binh chủng, tổng  bộ trưởng, tư lệnh sư đoàn, v.v… đã không biết gì về về lệnh rút quân của Quân Đoàn I và II. Lệnh này chỉ có Tổng thống và Thủ tướng, Đại tướng Cao Văn Viên, tôi (Tư lệnh Quân Đoàn I) và Tư lệnh Quân Đoàn II (Tướng Phạm Văn Phú) biết mà thôi. " [3]

 

• Đại Tướng Cao Văn Viên: Vào thời gian Ban Mê Thuột gần như nằm dưới quyền kiểm soát của Cộng sản, Tổng thống Thiệu ngỏ ý muốn gặp Thiếu tướng Phạm Văn Phú tại tổng hành dinh của ông ta ở Pleiku để xem xét tình hình. Tướng Phú đề nghị họp tại Cam Ranh và cuộc họp diễn ra vào thứ Sáu, ngày 14 tháng 3 năm 1975. Sau khi tướng Phú chấm dứt tường trình, Tổng thống Thiệu hỏi Tướng Phú có thể nào chiếm lại được Ban Mê Thuột hay không. Tướng Phú: "Không cam tâm trả lời trước câu hỏi chắc nịch", chỉ xin Tổng thống Thiệu thêm quân tiếp viện. Tổng thống Thiệu lệnh cho   Quân  Đoàn II  phối trí lại các đơn vị cơ  hữu  của  quân  đoàn  để  chiếm  lại  Ban  Mê  Thuột. Theo Tướng Viên: "Khi cuộc họp sắp kết thúc, và các tham dự viên chuẩn bị ra về, Tướng Phú bất ngờ đưa ra một yêu cầu cá nhân với Tổng Thống Thiệu. Bằng một giọng gần như cầu xin, ông đề nghị cấp dưới của mình, Đại Tá Phạm Văn Tất, tư lệnh lực lượng Biệt Động Quân tại Vùng II, được thăng cấp chuẩn tướng.  Mặc dù tôi không hoàn toàn phản đối, nhưng ý kiến của tôi là việc thăng cấp cho Đại tá Tất nên đợi cho đến khi ông ta lập được một chiến công đáng kể nào đó trong chiến đấu. Tổng thống Thiệu chưa quyết định; ông  do dự và đồng ý với lý do của tôi. Nhưng Phú vẫn khăng khăng và liên tục trình bày trường hợp của mình với tổng thống, Người cuối cùng đã đồng ý. (Sau khi được thăng cấp, Đại Tá Tất được chỉ định chỉ huy các đơn vị để bố trí lại).

 

Về đến Sài Gòn, tôi gọi Chuẩn tướng  Trần Đình Thọ, phụ tá Tham mưu trưởng Phòng 3 của tôi, kể cho ông nghe chi tiết cuộc họp. Tham mưu trưởng của tôi, Trung tướng Đồng Văn Khuyên, lúc đó đang đi công tác ở nước ngoài. Chỉ thị của tôi cho Thọ là theo dõi việc di chuyển tái bố trí và tùy ý phụ giúp cho Tướng Phú một tay, vì đây thực chất là một cuộc hành quân tuyệt mật do Quân đoàn II tiến hành và chỉ liên quan đến các đơn vị cơ hữu của Quân đoàn. Đó cũng là một mệnh lệnh tác chiến tối mật do tổng thống với tư cách là tổng tư lệnh trực tiếp đưa ra cho một chỉ huy chiến trường. Do đó, Bộ Tổng Tham Mưu không được phép đưa ra bất kỳ mệnh lệnh nào cho việc tái triển khai các thành phần lục quân và không quân trong khu vực Kontum-Pleiku ,không trực tiếp tham gia vào cuộc hành quân".(Tóm lược theo cuốn The Final Collapse, chương 6, tác giả: Gen. Cao Văn Viên). [4]

 

 Điện tín của Phó Đại sứ Lehmann gửi BNG  báo cáo về việc gặp TT Thiệu vào ngày 20.3.1975.

 

Ngày 20.3.1975 - Theo thư viện online của BNG/FRUS  - Căn cứ theo  Điện tín  số 62480 từ BNG gửi Sài Gòn, ngày 20 tháng 3, chỉ thị cho Phó Đại sứ Lehmann: “Ông nên gặp Thiệu càng sớm càng tốt để tìm hiểu lý do ông ta rút quân khỏi Kontum và Pleiku và việc rút quân  tại Quân khu I. Ông nên nói với ông ta rằng chúng ta cần một bức tranh rõ ràng từ ông ta về kế hoạch và chiến lược của ông ta nhằm đối phó với cái mà bây giờ rõ ràng là một cuộc tổng tấn công của Bắc Việt Nam.”

 

Tôi (Lehmann) đã gặp Tổng thống  Thiệu vào chiều nay (20.3.1975) và nói với ông ta rằng cá nhân tôi hiểu những gì ông ta đang làm... Trước tình hình này, Tổng thống cho biết, ông không còn có thể chiến đấu theo quan điểm quân sự như trong hai năm qua là chiến đấu một cách "ngu ngốc". Ông ta phải từ bỏ lãnh thổ hoặc đối mặt với viễn cảnh lực lượng của mình bị tiêu diệt từng mảnh, cuối cùng tạo ra một tình huống mà vì nỗ lực bảo vệ mọi phần của đất nước, nhưng ông ta không còn có thể bảo vệ bất kỳ phần nào trong số đó.

 

Ở Cao Nguyên có thể ông đã giữ Pleiku và có lẽ cả Kontum. Tuy nhiên, với những con đường từ bờ biển bị địch phong tỏa, điều này chỉ có thể được thực hiện với cái giá rất đắt và ngay cả khi đó ưu thế địa phương mạnh mẽ của địch cuối cùng sẽ khiến việc phòng thủ Pleiku trở thành một nhiệm vụ tự sát. Do đó, ông ta đã quyết định rút hết lực lượng mà ông ta có thể. Vì đối diện với các lực lượng mạnh của kẻ thù, ông ta coi tốc độ và sự bất ngờ là điều cần thiết. Đó là sự đánh đổi giữa việc mất một số quân bị, kể cả máy bay và có thể phải trả giá bằng việc rút lui được tổ chức cẩn thận, có trật tự hoặc mất toàn bộ lực lượng vì không thể rút lui trước một cuộc tấn công sắp xảy ra của kẻ thù.

 

Việc mất Ban Mê Thuột, Tổng thống nói, chắc chắn là một đòn giáng mạnh. Nó đã xảy ra bởi vì Bắc Việt đã có thể tập trung một lực lượng tương đương với hai sư đoàn cộng với các đơn vị hỗ trợ. Vì nỗ lực tái chiếm Ban Mê Thuột sẽ tốn rất nhiều nguồn lực, nhưng với một kết quả không chắc chắn, ông đã quyết định từ bỏ nỗ lực này. "..."

 

Vào cuối cuộc thảo luận của chúng tôi, Tổng thống trở lại chủ đề rằng cho đến nay VNCH đã tiến hành một cuộc chiến tranh dựa trên các tiền đề của Hiệp định Paris. Tiền đề này đã tạo ra một cuộc chiến ngu ngốc về mặt quân sự, bên phía chính phủ với các đơn vị rải rác cố gắng bảo vệ mọi phần lãnh thổ. Cuộc tấn công hiện tại của Bắc Việt giờ đã chấm dứt mọi hy vọng tiếp tục chiến đấu trên cơ sở của Hiệp định Paris. Do đó, việc xem xét những gì hiệu quả nhất về mặt quân sự trong việc bảo vệ càng nhiều người dân càng tốt và duy trì sự toàn vẹn của các lực lượng vũ trang từ nay trở đi sẽ là sự cân nhắc quan trọng nhất. [5]

 

Tình hình tại miền Nam Việt Nam vào cuối tháng 3.1975.

 

Phần tóm lược sau dựa vào tài liệu của cơ quan CIA thiết lập ngày 27.3.1975 và phổ biến ngày 16.12.2016.

 

Ngày 27.3.1975 - Cuộc rút quân của Nam Việt Nam trong hai tuần qua dẫn đến một thất bại lớn, và những tổn thất khác là chắc chắn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa có đủ sức mạnh quân sự ở miền Nam đất nước để tồn tại qua mùa khô hiện nay, mặc dù họ có thể sẽ chỉ kiểm soát vùng đồng bằng và các tỉnh đông dân xung quanh Sài Gòn.

 

 A. Tổng thống Thiệu quyết định di tản khỏi vùng cao nguyên và tập trung lực lượng dọc theo bờ biển đông dân cư và xung quanh Sài Gòn vì ông cảm thấy họ bị trải rộng quá mức, đối mặt với một lực lượng Bắc Việt vượt trội hơn rất nhiều, và còn phải đối diện với viễn cảnh viện trợ của Hoa Kỳ ngày càng cạn kiệt.

 

1. Thiệu rõ ràng hy vọng sẽ gây bất ngờ cho cộng sản và rút lực lượng nguyên vẹn để sẵn sàng chiến đấu trước khi họ kịp phản ứng. Nhưng kế hoạch này đã thất bại, và những người cộng sản đã nhanh chóng lợi dụng tình hình.


2. Các nhà lãnh đạo quân sự của Thiệu đã bị bất ngờ. Nhiều người trong số họ cho biết họ không được thông báo hoặc tham khảo ý kiến trước khi kế hoạch có hiệu lực.

  a. Do đó, việc bố trí lại của chính phủ nói chung là lộn xộn và tốn kém về nhân vật lực.

  b. Hơn nữa, sự bất bình chống lại sự lãnh đạo của Thiệu đã gia tăng sau những đảo ngược quân sự lan rộng, và những áp lực buộc ông phải từ chức hoặc cưỡng chế loại bỏ ông có thể nhanh chóng xuất hiện.

 

• B. Chính phủ hầu như đã nhượng bộ tất cả  Quân khu 1 và 2 vào tay cộng sản, và một số vùng đất còn lại dọc theo bờ biển Bắc trung bộ dự kiến sẽ thất thủ.

 

1. Việc rút lui vô tổ chức từ các tỉnh phía bắc và phía nam Đà Nẵng đã tạo ra một vấn đề tị nạn lớn ở thành phố đó. Rối loạn dân sự đã nổ ra. "..."


 2. Cho đến nay, có rất ít biện pháp phòng thủ được áp dụng lên Đà Nẵng, mặc dù cộng sản có hai sư đoàn mới ở phía tây thành phố. Có những dấu hiệu cho thấy một sư đoàn dự bị chiến lược khác của Hà Nội đang tiến về phía nam, và có thể đang trên đường đến khu vực này. "..."

 

• C. Tại Quân khu 2, vị thế quân sự của chính phủ cũng suy giảm nhanh chóng. Năm tỉnh vùng cao và phần lớn tại một số tỉnh khác đã bị bỏ ngỏ.


1. Người miền Nam Việt Nam chỉ có hai sư đoàn trong vùng, và một trong hai hầu như đã bị  tổn thất trong cuộc giao tranh ở tỉnh Darlac.


2. Bảy trong số các nhóm kiểm lâm trong khu vực đang thiếu sức chiến đấu nghiêm trọng hoặc đang trong tình trạng hỗn loạn.


3. Một số lượng lớn đạn dược, nhiên liệu và thiết bị đã bị bỏ lại tại các thành phố Kontum và Pleiku.


 4. Các cuộc tấn công của cộng sản vào đoàn quân rút lui từ cao nguyên đã  bị tan rã hoặc bị tổn hại nặng. “...”  [6]

 

 Chiến lược mới của TT Thiệu

 

Ngày 4.4.1975 - Theo tài liệu  của Cơ quan CIA thiết lập ngày 4.4.1975 (phổ biến ngày 16.12.2016): "Khái niệm chiến lược mới này đòi hỏi phải xóa bỏ hầu hết các khu vực miền núi,  dân cư thưa thớt thuộc  QK I và QK II, để tập trung từ các tài sản đến  nguồn lực  nhằm  bảo vệ QK III và QK IV, cộng với vùng đất thấp ven biển, gồm các khu vực sản xuất nông nghiệp của miền Nam Việt Nam, nơi phần lớn nhiều dân cư sinh sống. Chiến lược này có cơ sở và ước tính của Thiệu về sự cần thiết của kế hoạch là đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch là một thảm họa. Trong cuộc họp ngày 13 tháng 3 với Tư lệnh Quân đoàn 1, Tướng Trưởng, Tổng thống Thiệu đã vạch ra khái niệm chiến lược mới và kết quả của ông: quyết định rút Sư đoàn Dù từ QK I xuống QK III, bất chấp sự phản đối gay gắt của Tướng Trưởng về việc rút Sư đoàn Dù đi.
 

Trong mười hai ngày tiếp theo, - (13-25 tháng 3), cả ở QK I và Sài Gòn đều bị bỏ trống, và những phần còn lại  của  QK I  được tổ chức lại - đặc biệt là liệu có nên thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nhằm bảo vệ Huế hay không. Do lệnh thay đổi từ Sài Gòn, Tướng Trưởng đã phải điều chỉnh lại kế hoạch triển khai quân ít nhất đến ba lần.  "..."

 

Tại  QK 2, Tổng thống Thiệu và Tư lệnh khu vực của ông, Tướng Phú, gặp nhau tại  Cam  Ranh ngày 13 tháng 3 để thảo luận về tình hình do mất Ban Mê Thuột. Tại cuộc họp đó, Tổng thống Thiệu đã vạch ra khái niệm chiến lược mới của ông ta là rút khỏi vùng cao nguyên và củng cố các lực lượng của Chính phủ Việt Nam vào  những vùng xung yếu ven biển. Do không biết chính xác về  từ ngữ trong mệnh lệnh của Tổng thống- nhưng Tướng Phú cho rằng đó là lệnh nên ông phải  hành động ngay lập tức việc di tản  các tỉnh Pleiku và Kontum -mà chưa có kế hoạch hay sự chuẩn bị nào . Cuộc di tản bắt đầu trong hai ngày tiếp theo, theo đó các lực lượng QLVNCH đi theo đường 14 và đường 7B, băng qua các tỉnh Phú Bổn và Phú Yên đến bờ biển Tuy Hòa. Con đường này  hầu như không được sử dụng trong nhiều năm, cần nhiều cầu nối nhưng đã  không được thực hiện”...”.

Trong ba tuần cuối cùng của tháng Ba, năm sư đoàn QLVNCH, mười hai Liên đoàn Biệt động quân và hai lữ đoàn thiết giáp đã bị mất tác dụng. Quân số  từ các đơn vị này được tập hợp lại thành các đơn vị mới, nhưng  tất cả các thiết bị của họ đã bị mất". [7]

 

 Diễn văn từ chức của TT Thiệu có đoạn văn nói về cuộc di tản Pleiku và Kontum.

 

Ngày 21.4.1975 - "..." Nhận thấy rằng người Mỹ đã có thái độ chủ bại đối với các hành động xâm lược của cộng sản, chúng ta phải tự quyết định công việc của mình. Vì vậy, sau khi Ban Mê Thuột - một khu vực quan trọng, trù phú và đông dân cư nhất của cao nguyên miền Trung - bị cộng sản tấn công, chúng tôi tự hỏi liệu lực lượng của mình có thể bảo vệ Kontum và Pleiku được hay không. Lực lượng của ta không thể bảo vệ được Kontum và Pleiku mà lúc đó chúng tôi tin rằng sớm muộn gì cũng sẽ thất thủ. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, chúng tôi băn khoăn không biết lấy quân ở đâu để tái chiếm. Chúng tôi đi đến một quyết định chính trị là không thể bảo vệ cho Kontum và Pleiku.

 

Trên cơ sở dựa theo các ý kiến của Thủ tướng, Tổng Tham Mưu  Trưởng và Tư lệnh các quân khu liên quan, chúng tôi quyết định điều lực lượng từ Kontum và Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột. Chúng tôi tin rằng nếu chiếm lại được Ban Mê Thuột, chúng tôi sẽ có cơ hội chiếm lại Kontum và Pleiku.( If Ban Me Thuot were retaken, we believed, we would have the opportunity to retake Kontum and Pleiku).

 

Đây là một quyết định chiến thuật, và xét cho cùng, là một quyết định chính trị. Về quân sự , đó là quyết định chiến thuật đối với  Quân khu II. Thật không may, bất kỳ sự bố trí lại quân đội hay bất kỳ sự rút lui nào đều không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Đó là một nhiệm vụ khó khăn nhất đối với một quân đội. Hơn nữa, lực lượng cộng sản ở Ban Mê Thuột và những đơn vị địch ngăn chặn các cuộc di chuyển từ Kontum và Pleiku đến Phú Bổn đông hơn của chúng ta.  Vì vậy, chúng ta đã rất khó bảo toàn một phần lực lượng di chuyển từ Kontum và Pleiku đến Tuy Hòa và Ninh Hòa, không đủ lực lượng để tập trung lên đồi 28 hầu ngăn chặn cuộc tiến công của cộng quân từ Ban Mê Thuột. Mọi hy vọng chiếm lại Ban Mê Thuột lúc đó đều tiêu tan, vì lực lượng của chúng ta khắp nơi phải đương đầu với địch theo tỷ lệ một chọi ba, nghĩa là lực lượng cộng sản đông gấp ba lần hơn chúng ta. Trước tình hình đó, chúng tôi phải miễn cưỡng sử dụng các đơn vị Dù của chúng tôi, các đơn vị này cũng đã bị áp đảo bởi cả một sư đoàn cộng sản. Quý vị và đồng bào thấy đấy, ngay cả chiến sĩ  Dù dày dạn kinh nghiệm của chúng ta cũng bị áp đảo sau khi đã chiến đấu quên mình và giáng cho hai ba trung đoàn địch những thiệt hại nặng nề.

 

Với xu hướng đó, Nha Trang, Phan Rang và Cam Ranh bị đe dọa vì chỉ có lực lượng địa phương và dân quân phòng thủ. Điều này cũng đúng với Phú Yên. Trong những năm qua, chúng tôi duy trì một sư đoàn ở Qui Nhơn và Bình Định. Tuy nhiên, trong những năm này, những người cộng sản đã tăng cường quân số của họ ở đó và trang bị nhiều vũ khí hơn. Vì vậy, cho dù sư đoàn 22 của chúng ta đã chiến đấu anh dũng nhưng bị tổn thất nặng nề và cuối cùng phải rút lui. "..."

 

Vì thiếu đạn dược, chúng tôi phải kiếm từng viên đạn. chúng tôi đã mất nhiều xe tăng và đại bác. Hoa Kỳ đã cam kết trong thỏa thuận Paris thực hiện việc thay thế trên cơ sở một đổi một, nhưng họ đã không thực hiện những thay thế này: họ đã ngừng cung cấp cho chúng tôi những phương tiện này (the United States undertook in the Paris agreement to carry out replacements on a piece-to-piece basis,  but it has not made these replacements: it has stopped providing us with these means). Vì thế , chiến cụ của chúng ta đã giảm dần: đó là lý do tại sao chúng ta thua cuộc. Ngược lại, những người cộng sản ngay từ đầu đã có một lượng phương tiện chiến tranh ngày càng tăng lên. Do đó, họ đã đạt được lợi thế kép - họ đã tịch thu được nhiều chiến cụ hơn, trong khi khối lượng chiến cụ của chúng ta đã giảm.

 

Vì vậy, các chiến sĩ cho dù dũng cảm đến đâu, chỉ huy cho dù tài giỏi đến đâu cũng phải chịu tổn thất, mất đất, mất người. Chúng tôi đã nhận ra sự thật này và chúng tôi không thể chịu đựng được. Nhiều lần, chúng tôi đã thấy rằng chúng tôi phải sử dụng một chiến thuật phi lý để bảo vệ đất đai của chúng ta và bảo vệ người dân của chúng ta.  Chúng tôi đã phải chiến đấu trong một cuộc chiến phi lý bởi vì đây là trách nhiệm của chúng tôi. “...”


(Tóm lược trích đoạn theo bản văn Anh ngữ trang 12 , 13 và 15, diễn văn từ chức của TT Thiệu tuyên bố ngày 21.4.1975- chi tiết sẽ trình bày sau.)

 

Hy vọng với phần trình bày phía trên bạn đọc sẽ  tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nơi đầu bài viết.


-- Đào Văn


Tài liệu tham chiếu:

[1]- CIA Library: THE PRESIDENT'S DAILY BRIEF 15 MARCH 1975.pdf

[2]- isach info: VN Quê mẹ oan khiên -Pierre Darcourt, Dương Hiếu Nghĩa dịch

[3]- Nhảy Dù wdc org : Tại sao tôi bỏ Quân Đoàn I?
[4]-History Army Mil.: GENERAL CAO VAN VIEN, THE FINAL COLLAPSE.pdf

[5]- BNG/FRUS: Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State

[6]- CIA Library :DCI BRIEFING FOR 27 MARCH WSAG MEETING THE SITUATION IN VIETNAM.pdf

[7]- CIA Library -(page 5)-  Memo for the President - 04.04.1975

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
Rõ ràng là các gen của quý vị và vợ/chồng của quý vị sẽ xác định giới tính của con cái quý vị. Nhưng quý vị có biết rằng gen xác định giới tính mà quý vị truyền lại cho con cái có thể đã được truyền lại từ ông của chúng không?
Có phải bạn rất đỗi ngạc nhiên về tiêu đề của bài viết này? Có thể bạn nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này, bởi vì lịch sử về cuộc đời của đức Phật xưa nay không hề thấy nói đến chuyện đức Phật đi tới Châu Âu và Châu Phi. Bạn nghĩ không sai.
Quá trình hoạt động căn bản của trí óc luân chuyển trong bốn giai đoạn: tiền ý thức (preconscious), ý thức (conscious), tiềm thức (subconscious), và vô thức (unconscious). Từ ngữ ‘ý thức’ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Latin ‘biết’ và ‘nhận thức’. Ý thức là biết về nhận thức sự tồn tại và suy nghĩ của một người. Theo định nghĩa của tâm lý gia Sigmund Freud, ý thức chứa tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm xúc và mong muốn mà chúng ta nhận thức được tại bất kỳ thời điểm nào. Đây là quá trình xử lý tinh thần mà chúng ta có thể suy nghĩ và nói về nó một cách hợp lý.
Cựu Tổng Thống Jimmy Carter (Dân Chủ) nhậm chức vào ngày 20-1-1977, hai năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Người tiền nhiệm của ông là cố Tổng Thống Gerald Ford đã chứng kiến Saigon thất thủ trong cơn hỗn loạn. Carter là người trách nhiệm lèo lái nước Mỹ thời hậu chiến trong khi chiến tranh lạnh sôi động khắp nơi trên thế giới. Sau Việt Nam, năm nước khác lần lượt trở thành cộng sản, gia nhập vào trục Mặc Tư Khoa – Băc Kinh, như Lào (1975), Campuchia (1975), Angola (1975), Nicaragua (1979), Grenada (1979). Tuy nhiên, đợt bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản sau chiến tranh Việt Nam ít hơn đợt một với 12 nước đi theo XHCN xẩy ra sau khi Thế Chiến II chấm dứt.
Gửi ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói Gửi Nhóm Bạn Cửu Long Đây là bài thứ 2 viết về 48 năm cải tạo Đồng Bằng Sông Cửu Long của nhà nước CS Việt Nam đã và đang phá huỷ cả một vùng châu thổ phì nhiêu nhất Châu Á và cũng là của thế giới, và làm nghèo cả một đất nước ra sao.
Vùng Đông Nam Á có 11 quốc gia bao gồm hơn 550 triệu dân. Mặc dù có sự đa dạng lớn về ngôn ngữ và văn hóa, khu vực này có đặc điểm là vị trí của phụ nữ tương đối thuận lợi so với các nước láng giềng Đông Á hoặc Nam Á. Điều này từng được giải thích bởi một số yếu tố: theo truyền thống, quan hệ họ hàng được biểu hiện thông qua cả dòng bên mẹ và dòng bên cha; con gái không phải là gánh nặng tài chính vì tục lệ nhà trai phải trả tiền hay hiện vật cho nhà gái lúc cưới (bride price) (2); một cặp vợ chồng thường hay sống với hoặc gần cha mẹ của người vợ; phụ nữ có vai trò nổi bật trong các nghi lễ bản địa; lao động của họ rất cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, và họ chiếm lĩnh các chợ địa phương
Năm mươi lăm năm trôi qua, sự thật về cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 đã được phơi bày ra ánh sáng bởi rất nhiều tài liệu giá trị, đúng đắn và đáng tin cậy, gồm hồ sơ mật của CIA, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nhưng, chính quyền CSVN cho đến nay vẫn không dám công khai thừa nhận thất bại và sai lầm của họ trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, mà trong đó họ đã lợi dụng ngày Tết cổ truyền thiêng liêng nhất của dân tộc để mở các cuộc tấn công và giết hại thường dân vô tội, như trường hợp thảm sát hàng ngàn sinh mạng tại Huế. Tại sao? Một chế độ không dám nhìn nhận sự thật như thế, dù đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận, thì có phải là một chế độ đáng để người dân tin cậy chăng? Xin cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân của biến cố Tết Mậu Thân được siêu thoát.
✱ HĐ Tham Mưu Trưởng LQ/JCS: Tổng thống Kennedy và Johnson đều không tin tưởng vào các cố vấn quân sự của họ, vì cho rằng các tướng lĩnh và đô đốc thiếu sự tinh tế về mặt chính trị - Giới quân sự bất bình vì "coi lực lượng quân sự là công cụ để thương lượng về mặt ngoại giao". ✱ McNamara: Một khi bổ sung quân số sẽ tăng thêm chi phí về nhân sự, về chính trị và kinh tế do cuộc chiến gây ra, làm suy giảm khả năng của quốc gia một khi cuộc chiến kéo dài. ✱ JCS: McNamara chủ trương tìm kiếm một giải pháp hòa đàm về cuộc chiến - thúc giục Hà Nội đi đến bàn đàm phán hòa bình...
Vậy “bánh Dày” phải có nghĩa là “bánh Trắng”, có lẽ dễ hiểu hơn là dày phản nghĩa với mỏng hay dày vò như vài người đã cắt nghĩa. Từ đây, phải chăng “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của Nguyễn Du tả nét đẹp thân thể nàng Kiều cũng có nghĩa là trắng. Nét đẹp này hoàn toàn phù hợp thẩm mỹ quan của Việt Nam xưa nay. Người phụ nữ đẹp phải có nước da trắng. Nó vừa đẹp, vừa sang vì không phải lam lũ dưới mưa nắng...
Tết Nguyên Đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...
Thầy THÍCH PHÁP HÒA sẽ có buổi thuyết pháp tại chùa Bảo Quang vào thứ bẩy ngày 22 tháng 4 năm 2023, lúc 2 giờ chiều
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.