Hôm nay,  

Phụ Nữ ở Đông Nam Á

03/02/202300:00:00(Xem: 1735)
Phu nu o Dong Nam A

SRINAGAR, ẤN ĐỘ - 30/01/2023 - Một người phụ nữ đi về phía nhà thuyền của mình khi tuyết rơi ở Srinagar. Thung lũng Kashmir bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, với tất cả các chuyến bay đến và đi từ sân bay Srinagar bị hủy bỏ và đường cao tốc quốc gia bị đóng cửa do tuyết rơi dày vào sáng thứ Hai. (Ảnh của Saqib Majeed/SOPA Images/LightRocket qua Getty Images)

 

Lời người dịch: Ở Mỹ hiện nay, hầu như mỗi ngày chúng ta đều được nghe về các phong trào tranh đấu cho nữ quyền. Chủ nghĩa nữ quyền (Feminism) bao gồm các phong trào và hệ tư tưởng chính trị xã hội muốn xác định và thiết lập sự bình đẳng về chính trị, kinh tế, cá nhân và xã hội của hai giới nam và nữ, căn cứ trên định đề rằng các xã hội truyền thống đặt quan điểm của nam giới ở vị trí ưu tiên và do đó làm cho phụ nữ bị thiệt thòi. Những nỗ lực để thay đổi điều này bao gồm đấu tranh chống lại các hình ảnh do định kiến về giới (gender stereotype) và cải thiện các cơ hội và kết quả giáo dục, nghề nghiệp và giao tiếp cho nữ giới.
 
Có những khác biệt giữa tình trạng phụ nữ tại Mỹ và Á Châu, và chỉ trong nội bộ Á Châu, cũng lại có những khác biệt rất lớn giữa các vùng hay các nước. Một ví dụ rõ ràng nhất là các hoạt động ngoài xã hội và cơ hội giáo dục rất giới hạn của phụ nữ Afganistan hiện nay và phụ nữ ở Indonesia trong lúc hai nước đều đa số Hồi giáo. Về phương diện lịch sử, trong xã hội vùng Đông Nam Á người phụ nữ có vai trò lớn hơn là ở Trung Quốc hay Đông Á như Nhật và Korea. Một lý do được đưa ra là chế độ mẫu hệ từng hiện diện trong lịch sử Đông Nam Á, thay vì vai trò độc tôn của chế độ phụ hệ (Khổng giáo). Bà Trưng, Bà Triệu, Đô Đốc Tây Sơn Bùi Thị Xuân là những nhân vật tiêu biểu cho vai trò đáng kể người phụ nữ trong lịch sử Việt Nam. Về tình hình Việt Nam hiện nay, một bài phân tích của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho thấy tỷ số phụ nữ Việt Nam đi làm thuộc loại cao nhất thế giới. Chiến tranh Việt Nam đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về dân số nam giới so với dân số nữ giới, đặc biệt ở nhóm tuổi trưởng thành. Khi nền kinh tế bắt đầu phát triển sau khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, nguồn cung lao động sẵn có chủ yếu là nữ, và không có gì ngạc nhiên khi số lượng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ngày càng nhiều. Cải cách Đổi Mới mang lại tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mở cửa nền kinh tế cho thương mại và dẫn đến đô thị hóa nhanh chóng. Trong khi vẫn còn một tỷ lệ lớn lực lượng lao động nữ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, thì lao động nữ làm công ăn lương ngày càng tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực dịch vụ lớn và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. (1)
 
Để chúng ta có một cái nhìn tổng quát về vai trò của phụ nữ Đông Nam Á, tôi xin dịch sau đây bài viết của Giáo sư Barbara Watson Andaya (sinh năm 1943) là một nhà sử học và tác giả người Úc, nghiên cứu về Indonesia và Đông Nam Á. – HVH.
 
*
 
Phụ nữ ở Đông Nam Á thời tiền hiện đại
 
Vùng Đông Nam Á có 11 quốc gia bao gồm hơn 550 triệu dân. Mặc dù có sự đa dạng lớn về ngôn ngữ và văn hóa, khu vực này có đặc điểm là vị trí của phụ nữ tương đối thuận lợi so với các nước láng giềng Đông Á hoặc Nam Á. Điều này từng được giải thích bởi một số yếu tố: theo truyền thống, quan hệ họ hàng được biểu hiện thông qua cả dòng bên mẹ và dòng bên cha; con gái không phải là gánh nặng tài chính vì tục lệ nhà trai phải trả tiền hay hiện vật cho nhà gái lúc cưới (bride price) (2); một cặp vợ chồng thường hay sống với hoặc gần cha mẹ của người vợ; phụ nữ có vai trò nổi bật trong các nghi lễ bản địa; lao động của họ rất cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, và họ chiếm lĩnh các chợ địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian, sự trỗi dậy của các nhà nước tập trung và sự truyền bá của các triết lý và tôn giáo du nhập từ ngoài vào (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo) ngày càng tăng đặc quyền cho nam giới và nhấn mạnh sự phụ thuộc của nữ giới. Mặc dù những ảnh hưởng như vậy đáng chú ý hơn cả trong giới tinh hoa, nhưng sức mạnh của truyền thống địa phương luôn là một yếu tố dung hòa. (3)
 
Phụ nữ và chủ nghĩa thực dân
 
Trong thế kỷ thứ 19, các tài nguyên kinh tế của Đông Nam Á và vị trí chiến lược ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã dẫn đến sự can dự ngày càng tăng của châu Âu. Đến những năm 1890, toàn bộ khu vực ngoại trừ Xiêm La (Thái Lan hiện nay) thuộc quyền kiểm soát của châu Âu. Ở một số khu vực, phụ nữ được tuyển dụng làm lao động lương rẻ trong các đồn điền (trà, đường, thuốc lá, cao su) và trong các nhà máy chế biến. Ở cấp làng xã, các chế độ thuộc địa đã củng cố vị trí chủ hộ của nam giới và đã “cải cách” những luật theo phong tục mà trước đó đã trao cho phụ nữ quyền tự chủ đáng kể. Các xu hướng tương tự cũng có thể thấy được ở Xiêm La, quốc gia duy nhất chưa từng bị đô hộ, nơi sự hệ thống hóa của luật pháp cũng làm chế độ phụ hệ mạnh mẽ hơn. Những phát triển này khuyến khích người ta muốn có con trai hơn là con gái. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có ảnh hưởng trong đời sống cộng đồng, thậm chí có lúc còn dẫn đầu các cuộc nổi dậy chống thực dân. Việc tăng tỷ lệ biết đọc biết viết của phụ nữ (đặc biệt là ở Philippines) và tiếp xúc với chủ nghĩa nữ quyền của phương Tây đã khuyến khích phụ nữ trong tầng lớp ưu tú đối đầu với các vấn đề bất bình đẳng giới tính/ gender inequality (4).
 
Từ cuối thế kỷ XIX các phong trào dân tộc chủ nghĩa phát triển khắp Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo nam chú tâm vào độc lập chính trị, nhưng phụ nữ có học thức cũng quan tâm không kém đến chế độ đa thê, ly hôn, bạo lực trong gia đình và trách nhiệm tài chính của người cha. Tuy nhiên, phần lớn các phụ nữ được chính trị hóa đã chấp nhận lập luận của nam giới rằng nên trì hoãn sự chú ý đến các “mối quan tâm của đàn bà” cho đến khi giành được độc lập. Vậy mà, dù tích cực tham gia vào các phong trào chống thực dân, đôi khi ở vai trò tác chiến, nhưng thường là người tổ chức đình công, nhà báo, giao liên và điệp viên bí mật, phụ nữ vẫn được xem như là phụ tá hơn là đối tác ngang hàng. Thái độ như vậy vẫn thể hiện rõ trong các phong trào đòi độc lập bùng nổ sau khi sự đầu hàng của quân Nhật, là những người đã chiếm đóng hầu hết Đông Nam Á từ năm 1942 đến năm 1945.
 
Phụ nữ ở Đông Nam Á đương đại
 
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân của châu Âu ở Đông Nam Á. Về mặt lý thuyết, các quốc gia độc lập xuất hiện trong 15 năm sau đó đã cam kết thực hiện bình đẳng giới, nhưng điều này hiếm khi được chuyển thành hiện thực. Trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ nắm giữ các chức vụ công đã tăng lên, đặc biệt là trong chính quyền địa phương, nhưng chỉ có ở Philippines là tỷ lệ phụ nữ trong chính quyền quốc gia tăng cao hơn mức 10%. Khi phụ nữ tham gia vào chính trường, họ thường thấy mình bị gạt ra ngoài lề trong một nền văn hóa do nam giới thống trị, với quyền lực thực sự nằm trong tay nam giới. Một số ít cá nhân từng nắm giữ các chức vụ chính trị cao nhất (chẳng hạn như Tổng thống ở Philippines và Indonesia) đã làm được như vậy vì họ là con gái hoặc vợ của một người đàn ông nổi tiếng. Họ đã không trở thành những người biện hộ (advocate) cho các vấn đề của phụ nữ, vì điều này sẽ có nguy cơ khiến các đồng nghiệp hay cử tri nam giới của họ xa lánh.
 
Việc phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn bị cản trở bởi cách thức tuyển dụng ứng viên cũng như thái độ cố hữu coi vai trò trước hết của phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Định kiến về giới tính trọng nam khinh nữ thường được củng cố trong sách giáo khoa ở trường và đôi khi được khuyến khích bởi các giáo lý tôn giáo. Ví dụ, các Phật tử vẫn tin rằng đầu thai làm phụ nữ mà không được làm đàn ông cho thấy rằng phước đức tích lũy qua các kiếp trước của mình vẫn còn thiếu. Hồi giáo Đông Nam Á theo truyền thống rất khoan dung, nhưng trong 20 năm qua, người ta đã nhấn mạnh nhiều hơn đến việc ăn mặc “chỉnh tề” (đặc biệt là việc khăn che đầu) và hành vi nơi công cộng của phụ nữ. Mặc dù tất cả các nước Đông Nam Á ngoại trừ Lào và Việt Nam đã ký “Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” và đã có những tiến bộ thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng rất khó để thay đổi sở thích dành cho con trai, đặc biệt là ở Việt Nam với di sản Nho giáo mạnh mẽ.
 
Không dễ gì chúng ta có thể khái quát về vị trí kinh tế của phụ nữ Đông Nam Á vì khoảng cách phát triển giữa Timor Lorosae (Đông Timor), Campuchia và Lào (trong số các nước nghèo nhất thế giới), và Singapore và Brunei Darussalam thịnh vượng. Tuy nhiên, việc tiếp tục chấp nhận ý tưởng rằng phụ nữ có thể tạo ra và kiểm soát thu nhập của chính mình vẫn còn rõ ràng, mặc dù phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới cho cùng một công việc và các lựa chọn cho lao động phổ thông bị hạn chế. Ở các nước nghèo hơn và các vùng nghèo khó, điều này thể hiện rõ ở sự phổ biến của mại dâm và nạn buôn bán phụ nữ đáng lo ngại. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1960, khi các quốc gia Đông Nam Á dần chuyển sang các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, phụ nữ được trả lương thấp hơn đã trở nên cần thiết cho công việc trong các nhà máy. Do đó, phụ nữ đã tích cực hơn trong các phong trào lao động. Với tư cách là người giúp việc gia đình ở nước ngoài, họ cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia, mang về cho gia đình những khoản tiền lớn. Do tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới, phụ nữ đủ tiêu chuẩn có thể tìm được việc làm ở nước ngoài trong các ngành có tay nghề cao như nghề điều dưỡng.
 
Khả năng đạt kỹ năng nghề nghiệp và thành tích bằng cấp cao hơn trước nhiều vì phụ nữ Đông Nam Á được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục. Ngoại trừ Campuchia và Lào, số lượng phụ nữ tiến tới đào tạo sau khi tốt nghiệp trung học cũng đang tăng lên, và ở Brunei, Malaysia, Thái Lan và Philippines, số lượng nữ tốt nghiệp nhiều hơn nam; tỷ lệ của Việt Nam và Indonesia nam nữ gần như ngang nhau. Sự mở rộng trong lĩnh vực giáo dục đã góp phần vào sự nở rộ của các Tổ chức Phi chính phủ (NGO) hướng đến phụ nữ kể từ những năm 1980, mang lại kiến thức và kỹ năng tổ chức trang bị cho họ để họ có thể tranh luận về các vấn đề.
 
Bất chấp sự đa dạng về kinh tế, chính trị và văn hóa của khu vực, các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung đạt hiệu quả tốt trong các thước đo về phát triển con người. Di sản của các mối quan hệ giới tương đối thuận lợi và khả năng phục hồi và tính thực dụng của các xã hội địa phương cho thấy phụ nữ Đông Nam Á có thể hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn.
 
Nguyên tác: Women in Southeast Asia
 
– Barbara Watson Andaya
(Hồ Văn Hiền dịch và chú thích) 
 
Chú thích:
 
 
(2) Ở Việt Nam, nhà trai không “mua” cô dâu nhưng có sính lễ và ở một số nơi lễ “lại mặt”, nếu ngay sau ngày cưới thì gọi là Nhị Hỷ, 3 ngày sau ngày cưới thì gọi là Tứ Hỷ, để đền công ơn cha mẹ cô dâu một cách tượng trưng. Trong ca dao vẫn dùng chữ “mua”: Con gái là con người ta/ Con dâu mới thật mẹ cha mua về.
 
(3) Văn sĩ Thế Uyên (1935-2013), viết về các nhà văn nữ trước 1975, đã phân tích về sự khác biệt giữa hai tầng lớp phụ nữ của đồng bằng sông Cửu Long:
 
“Lui ra một khoảng cách không gian và thời gian, để thấy tại Nam kỳ lục tỉnh có hai thứ văn hóa, đạo lý song hành với nhau. Một là của tầng lớp trên, ảnh hưởng hơi nặng Khổng Mạnh, một thứ nho giáo nguyên thủy, nguyên chất hơn các miền khác. Lý do chính là khi tiến vào vùng đất mới, các quan lại và thầy đồ Việt đụng độ dân Cao Miên và dân Chàm thuộc một nền văn minh khác hẳn, chịu ảnh hưởng Ấn Độ, chứ không phải Trung Hoa nữa. Ngay cả Phật giáo miền này cũng là Tiểu thừa, chứ không Đại thừa quen thuộc cả ngàn năm. Và khi đụng độ một nền văn minh khác, cao chẳng kém gì mình, phản ứng người Việt là đề cao hẳn lên thứ nho học truyền thống của mình, áp dụng nguyên văn và khắt khe hẳn lên, như là phản ứng tự vệ về văn hóa nhằm bảo vệ bản sắc, căn cước của mình.” (Tình dục và các nhà văn nữ Miền Nam 1955-1975; trong phần nói về Nguyễn Thị Thụy Vũ).
 
(4) Một điểm thú vị là ảnh hưởng của Tây phương về nữ quyền đã xảy ra theo chiều ngược lại, các bài viết ở Đông Nam Á và của phương tây nhắc nhiều đến vai trò lãnh đạo của Hai Bà Trưng và nhất là Bà Triệu với câu nói bất hủ năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi bà về việc chồng con: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào thế kỷ 18, Đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republican Party) được gọi tắt là Cộng Hòa (Republican) hoạt động ở Hoa Kỳ do Thomas Jefferson và James Madison thành lập, nhằm chống lại chủ trương và chính sách của Đảng Liên Bang (Federalist Party) lãnh đạo bởi Luật Sư Alexander Hamilton hoạt động mạnh về kinh tế, xã hội, ngoại giao...
Các di tích bằng đá gọi là megalith rải rác khắp nơi trên thế giới, tiếng Việt gọi là “cự thạch” (“cự” có nghĩa là lớn như trong cự phách, cự đại, cự phú, dịch prefix mega; thạch là đá)...
LTS. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ủy thác nhiều công việc trong những ngày tháng cuối, trước khi Sàigòn sụp đổ . Tại Hoa Kỳ, sau 1975, ông là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng rãi như "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", "Khi Đồng Minh Nhảy Vào", và sắp xuất bản cuốn BỨC TỬ VNCH - KISSINGER VÀ 8 THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM. Bước vào tháng Tư, mời đọc bài bài viết đã đăng trên báo xuân Việt Báo Ất Dậu (2005), vừa được tác giả gửi lại bản có hiệu đính.
Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng và chưa có bảng thống kê về ngôn ngữ, kể từ khi có mặt loài người sống trên hành tinh trái đất này. Có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn ngôn ngữ khác biệt nhau, và chưa có ai qủa quyết con số chính xác về ngôn ngữ từng được sử dụng trong lịch sử phát triển của xã hội con người...
Cho dù Hoa Kỳ trong thế yếu không còn thúc đẩy Trung Quốc dân chủ hóa nhưng bù lại cả hai chính quyền Bush (con) và Obama đều bang giao với Trung Quốc như một đối tác trách nhiệm (responsible party). Thực tế trái ngược vì tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tăng theo đà phát triển kinh tế nên Trung Quốc không còn muốn nép mình trong trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo...
Tháng Ba là tháng vinh danh những đóng góp của người phụ nữ cho xã hội, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nước khác. Nhà văn người Anh Charlotte Brontë (1816-1855) đã viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà “Jane Eyre,” được xuất bản vào năm 1847, rằng, “Tôi không phải là chim; và không có cái lưới nào bẫy được tôi: Tôi là một con người tự do với ý chí độc lập.”Charlotte Brontë đã khai hỏa trên mặt trận văn chương cho cuộc chiến kéo dài hàng nhiều thế kỷ để đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội mà tới hôm nay vẫn chưa thực sự chấm dứt. Những thanh thiếu nữ tại Afghanistan đã và đang bị cấm thừa hưởng nền giáo dục học đường mà đáng lý ra các em phải có được! Nhưng, không phải chỉ ở thời đại của tác giả “Jane Eyre” người phụ nữ mới gióng lên tiếng nói tự do và độc lập mà trong lịch sử nhân loại từ xưa tới nay người phụ nữ đã bao lần lên tiếng, xuống đường để tranh đấu cho tự do và độc lập của họ cũng như của xã hội và đất nước họ.
Vào thập niên 1970 kinh tế và dân số Ấn Độ và Trung Quốc tương đương với nhau nhưng rồi 30 năm sau đó tăng trưởng bên Tàu vượt xa Ấn. Nếu so sánh Trung Quốc với nhiều nước đang mở mang khác như Ai Cập, Brazil, Indonesia…kết quả đều tương tự. Câu hỏi đặt ra nơi đây tại sao tham nhũng ở Trung Quốc không cản trở tăng trưởng, mà trái lại nền kinh tế bốc hỏa nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại?
Vào đầu thế kỷ 20, xã hội Nga cũng tương tự như xã hội Pháp trước cuộc cách mạng 1789 vậy. Một mặt triều đình thối nát, công quỹ kiệt quệ. Mặt khác giáo hội Chính Thống Giáo cũng liên kết với vương quyền và giới quý tộc bóc lột người dân. Cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng năm 1917 không phải hoàn toàn, hoặc chủ yếu, do người Cộng Sản Bolshevik. Cũng như cuộc cách mạng Pháp và những cuộc cách mạng khác, thành quả có được là do sự đóng góp của nhiều cá nhân và đảng phái khác nhau. Tuy nhiên tổ chức nào nghiêm túc, chặt chẽ và kỷ luật sẽ nắm được thế thượng phong...
Một thế hệ trí thức Việt Nam mới xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XX, quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và hiện đại hóa xã hội Việt Nam...
Vua nước Chiêm Thành là Chế Mân, người anh hùng chiến thắng cả được quân Nguyên Mông, thế mà lại phải đầu hàng trước nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Huyền Trân Công chúa. Ông liền dâng cả miền đất của Châu Ô, Châu Rí cho Việt Nam để làm quà sính lễ xin cưới Huyền Trân về làm vợ. Nàng hy sinh, giúp mở được con đường Nam Tiến. Vua Trần đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu, gọi tắt là Thuận Hóa. Chữ 'Hóa' dần dần đọc trại đi thành "Huế."
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.